53. Tâm Xả

24 Tháng Mười 201000:00(Xem: 11461)

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO
DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 53
TÂM XẢ
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)

Thưa quý thính giả,

 

Trong những kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã kính gửi tới quý thính giả các bài về Tâm Từ, Tâm Bi và Tâm Hỉ. Kỳ này chúng tôi xin đề cập đến Tâm Xả, cũng là một trong Tứ Vô Lượng Tâm, gồm Từ, Bi, Hỉ Xả. 

Nhà Phật quan niệm rằng chính vì sự tích lũy, mà dòng nghiệp lực của con người ngày càng dầy đặc, dòng sinh mạng càng trôi lâu trong biển sinh tử. Tích lũy việc xấu ác thì sẽ gặp ác báo, tích lũy việc lành thiện thì sẽ được hưởng thiện quả trong tương lai, đều nằm trong bình diện tương đối, quả theo nhân như bóng theo hình. 

Vì thế, bước đầu trên con đường tu tập là “Không làm việc xấu ác, siêng làm điều lành thiện”, để chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Thiện với ác là hai mặt đối đãi với nhau, trong đời sống tương đối. Muốn giác ngộ giải thoát thì phải đi thêm một bước nữa, là thanh tịnh hóa tâm, để tới được Tâm Vô Sở Trụ, tức là tâm không còn dính mắc, bám víu vào cái gì nữa, điều mà kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Tuy nhiên, dù không tu giải thoát, chỉ muốn an lạc tự tại trong đời sống thường nhật, thì sự thực hành buông xả cũng giải thoát tâm ra khỏi nhiều phiền não, nhức đầu. Trong thực tế, chúng tôi đã thấy có những vị lớn tuổi, suốt ngày buồn bã cô đơn, vì con cháu đều đi làm, đi học. Lâu lâu có bạn bè tới thăm thì phàn nàn, than thở, rằng mình là người tốt như thế nào, đã giúp đỡ người này người kia ra sao, mà người ta thì bạc ác bất nhân là thế. Moi trong ký ức ra chỉ thấy những nết tốt của mình và thói xấu của người khác, rồi than thân trách phận, oán ông Trời bất công. Hoặc phàn nàn về con cái xử tệ ra sao, mình nuôi con cực nhọc dường ấy, nay bỏ quê hương sang đây sống với con cái, tưởng được sung sướng cái thân già, ai ngờ mình còn đang sống nhăn, đã chết đâu mà chúng nó chẳng dọn cho mình cái bát sứ, ăn uống toàn bằng bát đĩa giấy, như là cúng ma, trong khi ngày xưa mình cơm bưng nước rót cho cha mẹ, bằng bát bịt đồng bạch, đũa ngà bịt bạc, vân vân.

Đức Phật đã dậy:

Quá khứ đã qua,
Tương lai chưa tới
Hãy nên sáng suốt
Sống trong hiện tại
Vững chãi thảnh thơi.”

Dù rằng sống trong đời thường, chúng ta không thể vứt hết tất cả mọi chuyện trong tâm, để chỉ thảnh thơi sống trong hiện tại. Nhưng chúng ta có thể vứt bỏ những chuyện vô ích, gây phiền não, cũng như chúng ta quét rác, không có nghĩa là quét đi tất cả đồ vật trong nhà, mà chỉ quét rác rưởi thôi. Rác rưởi là những điều vô ích mà chúng ta chất chứa trong lòng, thí dụ những sự suy nghĩ về quá khứ mà nhớ lại chỉ đưa tới đau buồn, không giúp ích gì cho chúng ta, hoặc những kỷ niệm đau khổ, những lời nói nặng của người khác, những điều bất như ý mà chúng ta đã gặp trong cuộc đời, đều là những rác rưởi cần phải xả bỏ, như mỗi ngày chúng ta cần phải tắm rửa cơ thể cho sạch sẽ, chúng ta cũng cần thanh lọc tâm cho trong sáng vậy.

Quên bớt những chuyện quá khứ thì tâm chúng ta mới có chỗ trống để suy nghĩ về những chuyện hiện tại, khi đó chúng ta có thể cảm thông được với mọi người hơn, thương con cháu vất vả phải bương chải vội vã trong đời sống kỹ nghệ hóa, phải dùng bát đĩa giấy để dành thời giờ rửa bát mà làm việc khác cho kịp với nhịp chạy của kim đồng hồ, vân vân. 

Trong việc tu hành, Tâm Xả cần được dành nhiều công phu luyện tập nhất. Ba tâm Từ, Bi, và Hỉ đều có đối tượng ở ngoài “cái Tôi”. Duy có tâm Xả thì đối tượng tu hành là chính mình. Mình không “xả” giúp ai, mà mình “xả” cái gì mình đang có. Vì thế, việc tu tâm Xả được coi là yếu tố quyết định trong quá trình tu tập.

Tu Xả có nhiều hình thức. Bố thí, cúng dường của cải vật chất cũng là hành động xả bỏ. Nhưng điều cốt tủy của tu Xả không nằm trong vấn đề của cải vật chất, mà ở nơi buông xả được những ý nghĩ, tư tưởng, không còn bám víu, chấp trước vào nó (chấp trước có nghĩa là nắm giữ, dính mắc). 

Có giai thoại trong nhà Thiền như sau:

“Một người đi tầm đạo, đến gặp vị thiền sư, xin thọ giáo. Anh ta hỏi vị thầy:

- Tu hành thì con sẽ phải làm gì?

Thiền sư đưa cho anh ta cái gối ngồi thiền, rồi chỉ vào góc phòng:

- Ông chỉ cần làm cho xong một việc “Xả” thôi.

Anh học trò hỏi:

- Con sẽ làm bằng cách nào?

Thầy đáp:

- Ông cứ ngồi đó. Tư tưởng nào hiện lên trong tâm thì ông xả bỏ, không bám víu, không đuổi theo nó, cho nó trôi qua đi.

Sau một thời gian ngồi lặng lẽ, một bữa, anh thiền sinh bước đến gần thầy, thưa rằng:

- Thưa thầy, con đã “xả” hết tư tưởng, không còn bám víu, không đuổi theo ý nghĩ nào nữa.

Thiền sư bảo:

- Ông hãy cứ ngồi tiếp đi. Phải xả luôn cả cái “ý muốn xả” đang còn trong đầu ông đó.

Chàng thiền sinh hỏi lại:

- Thế nếu “xả” hết rồi, thì con “được” cái gì?

Thiền sư cười:

- Ông chẳng “được” gì cả, chỉ ra khỏi cái thùng rác thôi. 

Thùng rác mà vị thiền sư nói đây là cái tâm ý thức bừa bộn, chứa đủ loại suy nghĩ vẩn vơ, mà nhà Phật gọi là tâm viên ý mã, tư tưởng bay nhẩy như con vượn, con ngựa. Điều thày nói là khuôn vàng thước ngọc của người tu đạo giải thoát. Người tu sĩ dù đã thoát khỏi ràng buộc của gia đình thế tục, nhưng đó mới chỉ là một bước nhỏ. Điều quan trọng là bản thân phải thoát mọi phiền não trói buộc, Tham, Sân, Si, tham tiền, tham danh, tham sắc, tham ăn, tham ngủ, vân vân. Phải xả bỏ hết thì tâm mới trở lại trạng thái thuần tịnh nguyên sơ, trở lại bản lai diện mục, thoát khỏi luân hồi sinh tử, mới xong việc tu hành. 

Trong kỳ trước, chúng tôi cũng đã kính gửi quý thính giả bài pháp ngắn nhất của đức Phật, như sau:

“Kinh A Hàm kể rằng có lần một đệ tử hỏi Phật Thích Ca:

- “Bạch Thế Tôn, giáo pháp của Thế Tôn có thể tóm tắt nói lên bằng một câu rất đơn giản hay không?” 

Phật trả lời:

 - “Có thể”. 

Đệ tử lại hỏi: 

- “Đó là câu gì?” 

Phật nói:

 - “Đối với tất cả, đều không chấp trước. Đó là lời nói quan trọng nhất trong tất cả giáo pháp của Ta”.

 Tiếp theo Phật lại nói: 

- “Nếu có người nào đó “hiểu” được câu ấy, thì sẽ tin theo toàn bộ giáo pháp của Ta, nếu có người nào đó “thực hành” được câu ấy, thì tức là thực hành được toàn bộ giáo pháp của Ta”. 

“Đối với tất cả, đều không chấp trước”, tuyệt diệu thay lời dạy ngắn gọn của đức Đại Bi Thế Tôn. Không chấp trước có nghĩa là không dính mắc, lời dạy này thích hợp cho bất cứ trình độ tu hành nào. Cả tu sĩ và cư sĩ, nếu ứng dụng đều được lợi ích. 

Nhưng nói thì dễ, thực hành rất khó, cần phải có tư tưởng dẫn đạo. Muốn sống trong hiện tại thì đừng quá bám víu vào chuyện đã qua, đừng quá lo lắng cho chuyện chưa tới. Nhà Phật có câu: “Buổi tối để đôi dép ở chân giường, không biết sáng mai có còn sống mà xỏ chân vào hay không”. Đó là một thực tế, không phải là bi quan. Sự chết tới với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Thở ra mà tim ngưng đập, không hít vào nữa, là đã bước qua đời khác, chấm dứt với tất cả các mối liên hệ của đời này rồi. Suy nghĩ một cách thực tế như thế, sẽ chuyển hóa dần nếp suy tư của chúng ta. Nếu nghĩ rằng sáng ngày mai, người thân yêu nào đó cũng có thể không còn cơ hội xỏ vào đôi dép ở dưới chân giường của họ nữa, là sẽ vĩnh viễn xa nhau, có lẽ chúng ta chẳng còn lòng dạ nào mà giận họ được. Vậy thì ngay giây phút hiện tại này đây, có thể nói với nhau những lời thân mến tình cảm, chúng ta tiếc nhau làm chi.

Thưa quý thính giả,

Trong một thư của quý vị gửi về, có câu hỏi như sau:

- Đạo Phật dạy “Đối với tất cả đều không dính mắc”. Nhưng làm thế nào để không bị dính mắc trong những liên hệ với gia đình và bè bạn? 

Để trả lời câu này, chúng tôi kính gửi tới quý vị bài pháp do tỳ kheo Ajahn Sumedho, một bậc cao tăng người Mỹ giảng, trích dịch từ cuốn “The Mind and the Way, Buddhist Reflections on Life” 
Thày Sumedho thế danh là Robert Jackman sinh năm 1934 tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp đại học, thày gia nhập binh chủng Hải Quân Mỹ, ngành quân y, phục vụ trong cuộc chiến Triều Tiên.

Sau bốn năm quân ngũ, thày trở lại nhà trường và tốt nghiệp Master of Arts về môn Nghiên Cứu Viễn Đông tại đại học Berkeley, California năm 1963. Sau đó, thày hoạt động trong hội Hồng Thập Tự và Tổ Chức Quốc Tế Phụng Sự Hòa Bình. 
Vào năm 1966, do lòng ái mộ Phật Giáo, thày đã sang thăm Thái Lan và xin thọ giới Sa Di. Một năm sau, 1967, thày thọ giới Tỳ Kheo và từ đó, thày ở lại tu thiền theo hệ phái Nguyên Thủy suốt mười năm, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Ajahn Chah, một bậc đạo sư danh tiếng của Thái Lan trong thời hiện đại. (Ajahn có nghĩa là bậc đại đức, là người có đức độ lớn.) 

Năm 1977, nhận lời mời của giáo hội Phật giáo Anh Quốc, thiền sư Ajahn Chah đã dẫn theo thày Sumedho qua Anh. Sau đó, thiền sư Ajahn Chah để thày Sumedho ở lại chùa Hampstead tại Luân Đôn để coi sóc tăng chúng tại đây. Năm 1979 chư tăng tìm thêm được một cơ sở hoằng pháp tại Sussex và thế là tu viện Chithurst ra đời. Sự phát triển càng tăng mau dưới sự hướng dẫn của thày Sumedho. Năm 1984, Trung Tâm Phật Giáo Amaravati được thành lập ngay tại gần thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, cùng với các cơ sở Phật giáo khác được thành lập tại nhiều nơi thuộc miền Bắc và Tây Nam nước Anh. Đồng thời các chi nhánh thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Anh Quốc cũng được thành lập tại các nước Thụy Sĩ và Tân Tây Lan, dưới sự chỉ đạo tinh thần của thày Sumedho.

Đề tài thày Sumedho giảng thường là các vấn đề thực tế, xảy ra trong đời sống hằng ngày. Thày giảng về cách hóa giải cơn giận dữ, sống hài hòa với thế giới và luôn luôn nhắc nhở thính chúng phải tỉnh thức trước sự vô thường trong đời sống. Thày dạy mọi người bước trên con đường giác ngộ giải thoát bằng thiền định, về sự xả bỏ và nuôi dưỡng tâm từ bi, sống cuộc đời đạm bạc, vân vân ...

Thưa quý thính giả,

Sau đây là lời giảng của thày Sumedho cho câu hỏi: “Làm thế nào để không bị dính mắc trong một mối quan hệ?”, như sau:

“ Trước nhất, bạn phải nhận định rõ dính mắc là gì, rồi bạn cởi bỏ nó. Đó là lúc bạn nhận chân được sự không dính mắc. Tuy nhiên, nếu bạn lại có sẵn định kiến rằng “mình không nên dính mắc”, thì cũng vẫn không phải là như vậy. Vấn đề là không đứng trên lấp trường chống đối sự dính mắc, coi dính mắc như là một điều cấm kỵ, mà là quan sát nó. Chúng ta hãy tự hỏi: “Dính mắc là gì? Dính mắc vào một vật có đem lại cho ta hạnh phúc hoặc đau khổ chăng?” Rồi chúng ta quán chiếu điều đó. Như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được dính mắc là gì và rồi chúng ta có thể buông xả nó.

Nếu bạn lại từ một vị trí lý tưởng mà cho là rằng mình không nên để bị dính mắc vào bất cứ cái gì, thì bạn sẽ nẩy ra ý kiến rằng: “Ồ, tôi không thể là một Phật tử vì tôi yêu vợ tôi, vì tôi bị dính mắc với vợ tôi. Tôi yêu nàng và tôi không thể buông nàng ra được. Tôi không thể xa nàng được.” Loại suy nghĩ này phát sinh từ ý kiến rằng bạn không thể để cho mình bị dính mắc. 

 Nhận chân được sự dính mắc không có nghĩa là bạn từ bỏ vợ bạn. Nó chỉ có nghĩa là bạn từ bỏ quan điểm sai lầm về tình cảm giữa bạn và vợ bạn mà thôi. Sau khi nhìn rõ vấn đề rồi, bạn sẽ thấy là tình yêu thương vợ thì vẫn còn đó, nhưng là tình yêu thương trong sáng, không bị biến dạng thành ra đeo cứng, bám chặt lấy nhau. Một trái tim bao la, trong sáng, có quá đủ khả năng để yêu thương người khác trong trạng thái thuần khiết. Nhưng bất cứ một sự bám víu, dính mắc nào, thì cũng sẽ luôn luôn phá vỡ tình yêu thuần khiết ấy.

Nếu bạn yêu ai, rồi khởi sự muốn nắm giữ, níu kéo, thế là từ đó mọi chuyện bắt đầu phức tạp, thành ra tình yêu của bạn đem lại đau khổ cho bạn. Thí dụ, bạn yêu con cái trong nhà, nhưng nếu bạn trở nên dính mắc vào chúng, thế là bạn không còn thật sự yêu chúng nữa, bởi vì bạn không còn thật sự gắn bó với con người thật của chúng. Bạn sẽ có đủ loại ý kiến cho tương lai của chúng, nên như thế này, như thế kia, và đủ loại ước mơ mà bạn kỳ vọng nơi chúng. Bạn muốn chúng vâng lời bạn, muốn chúng trở nên tốt lành, muốn chúng học hành giỏi. Với thái độ đó trong cung cách đối xử với con cái, là bạn đã không thật sự thương yêu chúng, bởi vì nếu chúng không hoàn tất được niềm mong mỏi của bạn, thì cơn giận giữ vì thất vọng của bạn sẽ nổi lên, và bạn sẽ chống đối lại chúng. Do đó sự dính mắc vào con cái lại thành ra cản trở tình cha mẹ thương yêu con. 

Nhưng khi bạn buông xả được sự dính mắc rồi, thì bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa những người thân của chúng ta chính là lòng thương yêu nhau một cách hồn nhiên. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có thể để cho con cái được tự do sống theo ước vọng của chúng, hơn là cương quyết bắt chúng phải trở thành như điều mà chúng ta muốn.

Khi tôi nói chuyện với các bậc phụ huynh, họ thường than phiền rằng, sự có con cái đã đem lại cho họ nhiều nỗi thống khổ, cũng vì họ đã kỳ vọng vào chúng biết là bao. Khi chúng ta mong mỏi con cái đi trên con đường nào đó, không phải là con đường khác, thế là chúng ta đã tạo ra nỗi phiền não và đau khổ trong tâm. Nhưng nếu chúng ta càng buông xả được những tư tưởng đó ra khỏi tâm, thì chúng ta càng có được khả năng đáng kinh ngạc về sự cảm nhận và phát hiện ra con người thật của con cái chúng ta. 

Sự cởi mở của chúng ta đó dĩ nhiên là khiến cho con cái cảm thấy gần gũi với cha mẹ hơn, sẽ tâm tình với chúng ta, chứ không còn phản ứng tiêu cực như khi chúng ta cứ bám sát để kiểm soát chúng nữa. Bạn cũng thấy rằng đã có biết bao nhiêu người trẻ tuổi, phản ứng một cách không cảm thông, trước lời ra lệnh của chúng ta: “Cha mẹ muốn con trở nên như thế này”.

Một tâm hồn bao la, thanh tịnh, không phải là một tâm hồn rỗng tuếch, khiến cho bạn không có cảm xúc hoặc quan tâm về bất cứ điều gì. Nhưng là một tâm hồn ngời sáng, ánh sáng của sự mẫn cảm và rộng mở tấm lòng. Đó chính là khả năng thích hợp với đời, chấp nhận cuốc đời nó là như thế. 

Khi chúng ta chấp nhận cuộc đời nó là như thế, thì chúng ta có thể đáp ứng một cách thích hợp trong mọi hoàn cảnh, chứ không đến nỗi chỉ biết phản ứng một cách lo âu và chống cự, đối với cuộc đời. 

Thưa quý thính giả,

Trên đây là bài pháp của thày Sumedho, trích dịch từ cuốn “The Mind and the Way, Buddhist Reflections on Life”. Trong cuốn “Seeing the Way”, tuyển tập các bài pháp ngắn, thày dạy rằng:

Nếu chúng ta chấp trước, dính mắc vào cái gì, thì rồi nó cũng sẽ đưa chúng ta tới sự đau khổ. Đồng hóa với một sự phân loại nào, thí dụ giai cấp trung lưu, giai cấp lao động, người Mỹ, người Anh, vân vân, chỉ là khái niệm trong tâm, chỉ là quy ước của xã hội. Nếu chúng ta dính mắc vào những quy ước, chúng ta sẽ bị quy ước che mắt, tầm nhìn của chúng ta sẽ bị giới hạn, không còn thấy rõ được cuộc đời đích thực, như nó đang trôi chảy trước mắt nữa”. 

Ban Biên Tập/TVHS

Bài này đã được phát thanh trên làn sóng AM 1480 (KVNR) tại Nam California  ngày 1-4-2006 và ngày 2-4-2006 trên làn sóng AM1520 (KYND) & AM 880 (KJOJ) tại Texas. Live Webcasting at http://www.littlesaigonradio.com 8:00 PM Saturday (Pacific Time).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn