Thêm Nước Bớt Đường

28 Tháng Hai 201400:00(Xem: 6754)

THÊM NƯỚC BỚT ĐƯỜNG
BS. Hồ Ngọc Minh

sugarlips_thumb1. Uống nước như thế nào trong ngày cho có hiệu quả?

Trong bài “Yêu nước”, BS. Minh có khuyên là, phải yêu nước trong mỗi phút giây của cuộc sống, có nghĩa là chung quanh ta, lúc nào cũng phải bố trí có nước uống đầy đủ, và uống từ từ, không vội vã. Tuy nhiên, tùy theo những sinh hoạt trong ngày chúng ta cần phải điều chỉnh, tăng cường thể tích nước uống

Buổi sáng khi thức dậy sau khi chải răng, nên uống thêm từ 1 đến 2 ly nước: sau 8 tiếng đồng hồ ngủ, cơ thể đa phần thiếu nước, qua hơi thở, mồ hôi, và nước tiểu mà không được bổ sung kịp thời. Thấy khô miệng và nhức đầu buổi sáng sớm là dấu hiệu của sự thiếu nước. Vì thế uống nước buổi sáng làm thức tỉnh các cơ quan nội tạng đã đi ngủ theo mình qua đêm.

  • Trước khi ăn, dằn bụng 1 ly nước: giúp tiêu hóa đồ ăn dễ dàng hơn và làm cho ta ăn ít lại.
  • Trước khi tắm, uống một ly nước: Bạn có để ý là sau khi tắm, nhất là tắm nước nóng, bạn thấy khát nước hơn hay không? Uống nước trước khi tắm làm cho áp suất máu giảm.
  • Trước khi đi ngủ, uống một ly nước: giảm nguy cơ tai biến não hay đột quỵ tim vì khô nước qua đêm.
  • Trước và trong khi tập thể dục, thể thao: xin đọc tiếp dưới đây…

2. Uống nước bao nhiêu cho đủ khi tập thể dục thể thao?

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của môn thể dục, thể thao, và còn tùy theo sức nặng của cơ thể. Đàn ông thường cần nhiều nước hơn đàn bà vì nặng cân hơn và hay mất nhiều mồ hôi hơn.

  • Trung bình, bạn nên uống từ 2 đến 3 ly nước khoảng 2 đến ba giờ trước khi tập thể thao.
  • Uống một ly nước khoảng 30 phút trước buổi tập.
  • Uống từ từ thêm 1 ly nước cho mỗi 20 phút tập. Như vậy trung bình, phụ nữ cần khoảng 3 ly nước, và đàn ông cần khoảng 4 ly cho mỗi 60 phút tập thể thao.
  • Cuối cùng thêm 1 ly không quá 30 phút sau buổi tập.

Nếu tập thể thao dưới 60 phút thì không cần phải uống nước có pha muối như các loại nước “sport drinks”. Thật ra không nên uống lẫn lộn hai thứ nước thường và nước muối trong khi tập vì có thể gây ra “shock” vì lượng sodium trong máu tụt giảm do hai trái thận bị rối loạn không điều chỉnh nồng độ muối kịp thời.

3. Xin cho biết thêm về sự an toàn của các loại đường giả?

Nói cho dễ hiểu, đường giả không phải là đồ ăn mà là hóa chất.

Đường Splenda: được quảng cáo là “tự nhiên” vì được chế biến chế từ đường thật. Đường Splenda được khám phá ra năm 1976, khi các nhà nghiên cứu đi tìm một loại thuốc diệt sâu bọ được hữu hiệu: vừa ngọt để có thể dụ sâu bọ, vừa có thể giết chết được sâu. Họ thay thế ba phân tử chlorine vào cấu trúc của đường đôi sucrose (đường mía) để tạo ra chất sucralose sau này được bán dưới thương hiệu Splenda! Đối với kỹ nghệ thức ăn đó là đường vì nó ngọt như đường mà cơ thể lại không tiêu được. Nhưng đối với các nhà hóa học, nó là thuốc trừ sâu.

Một số nghiên cứu cho thấy đường Splenda có thể gây ra:

  • Các chứng đau bao tử và đường ruột.
  • Các rối loạn liên hệ đến hệ thần kinh như kinh phong, chóng mặt, nhức đầu, mờ mắt, loạn thị giác.
  • Bệnh tiểu đường và béo phì.

Đường có chất aspartame và saccharin: được bán dưới các thương hiệu Equal, Nutra-Sweet cho phép dùng trong các loại nước uống, thực phẫm “diet”, có thể gây ra các biến chứng về hệ thần kinh. Chất aspartame vào trong não được biến chế ra chất…formaldehyde tức là thuốc ướp xác chết. Chất saccharin được chứng minh là gây ra ung thư bọng đái trong chuột, nếu dùng “đủ dose”, đủ liều lượng có thể gây ra ung thư cho con người.

Đường Stevia: được cho bán ở Mỹ dưới thương hiệu Truvia.

Cây Stevia là một loại bụi hoa bà con với hoa hướng dương, có nhiều ở Nam Mỹ. Lá cây đã được dùng để làm trà, thuốc dược thảo để “chữa bệnh” nhiều trăm năm ở các nước như Nhật, Nam Mỹ.

Đường trong cây Stevia được cấu tạo bởi 3 phân tử đường glucose gắn vào một cái khung steviol (plant steroid). Vì cấu trúc nầy, đường Stevia ngọt hơn đường mía gấp 300 lần và không thể “tiêu” được trong cơ thể con người nên trên lý thuyết không làm tăng “đường” trong máu.

Một số nghiên cứu cho thấy đường stevia có thể gây ra ung thư trong môi trường thí nghiệm (in-vitro) nhưng một số nghiên cứu khác lại cho là đường Stevia an toàn trong con người (in-vivo) và những nghiên cứu trên là vô căn cứ. Bồi thẫm đoàn (jury) vẫn còn đang tranh cãi ai đúng ai sai!

Người ta cho rằng do “áp lực kinh tế” của kỹ nghệ nước ngọt và đồ ăn, vì nếu thiên hạ không chịu uống nước Cola Cola như thể kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái, FDA phải cho bán đường stevia, tương tự như hồi năm 1970 khi đường High Fructose Corn Syrup ra đời.

Tuy hầu hết những “nghiên cứu” hiện nay đều nói là “không đủ dữ liệu” để phán quyết về sự độc hại của các loại đường giả, hay nếu có, chỉ trong các loại bọ chuột mà thôi. Theo tôi, nếu cắt giảm đường một cách tự nhiên vẫn tốt hơn nhất là khi mình không muốn trở thành một nạn nhân đóng góp vào con số thống kê những người bị ung thư 10, 20 năm sau khi mà “đủ liều lượng”, “đủ thời gian quan sát” và “đủ số lượng người dùng” để chứng minh là các loại đường giả nầy thực sự có hại.

Sống và ăn uống đơn giản, vẫn tốt hơn. Nếu thấy thèm đường thì cứ ăn đường thật, ít lại thôi, còn nếu thấy thèm quá không chịu nổi thì…uống nước thêm cho bớt thèm.

 

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Trang nhà:www.bacsihongocminh.com

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn