Niềm ân huệ của bệnh nan y

22 Tháng Ba 201503:44(Xem: 7073)
NIỀM ÂN HUỆ CỦA BỆNH NAN Y
Nhụy Nguyên

dinh duongĐã có những bệnh viện và trung tâm lớn hiện đang chữa rất hiệu quả bệnh nan y mà nếu so với phương pháp Thực Dưỡng, nó gần như trùng khít. Sự kết hợp giữa Tây y và Thực Dưỡng sẽ là năng lượng cho bước tiến dài của ngành Y học thế giới.  


Nhiều khám phá về y học gần nhất cho thấy, bệnh nan y thực ra không đáng ngại như ta nghĩ. Hiểu nguồn gốc bệnh và đưa ra cách chữa trị hữu hiệu, những căn bệnh từng ám ảnh bao trùm nhân loại sẽ được dỡ bỏ. Sự phát triển của y học hiện đại, thật sự thú vị bởi nó “quay lại” tương hợp với triết lý Cực Đông từ xa xưa, cụ thể là phương pháp Thực Dưỡng đạt đến tinh hoa.

Ngày nay con người quá lệ thuộc vào Tây y, xem nhẹ triết lý Cực Đông, đã tự hạ thấp tinh hoa trí tuệ. Bác sĩ Vivien Newbold, giảng viên Trường Y sĩ Cấp Cứu ở Mỹ qua nghiên cứu và từ kinh nghiệm bản thân đã rút ra: “Kiến thức dinh dưỡng hiện đại có thể giúp người ta vượt qua nhiều bệnh, nhưng ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng là cách dinh dưỡng duy nhất đảm trách số lớn trường hợp chữa lành nhiều bệnh, trong đó có những bệnh Tây y bó tay”!

Thực Dưỡng, là một lối sống lành mạnh không riêng cho bản thân người thực hành mà còn thiện hưởng đến cộng đồng; nó còn là nghệ thuật về chất lượng sống đưa con người đến an lạc. Theo Tiên sinh ngành Thực Dưỡng Ohsawa: “Trên nguyên tắc thì không cần phải có một kiến thức nào khác hơn Âm Dương để lèo lái con tàu sinh mạng”. “Âm và Dương đang vận hành bất tuyệt. Con người phải tỉnh thức để cảm nhận cuộc chơi biến dịch linh đình và thú vị của chúng”. Chỉ cần điều chỉnh ăn uống, điều hòa âm dương trong cơ thể, sự cận chết sẽ dần hồi sinh. Nguyên Lý Vô Song của Thực Dưỡng, là “triết lý rất dễ hiểu đối với những ai sinh hoạt theo lẽ tự nhiên, chưa bị ‘khai hóa’ nhiều”. Y học phương Đông xem Thiên Nhiên chính là người mẹ vĩ đại, là đấng cứu chữa toàn năng. “Bệnh hoạn và khổ đau, cũng như tội ác và hình phạt đều xuất phát từ cách sống sai lầm, nghĩa là cách ăn ở vi phạm Trật tự Vũ trụ”. Một khi bệnh gõ cửa, chính là nhắc nhở bản thân người đó đang sai đường; phía trước là vực thẳm. Ăn uống cảm tính sẽ dẫn tới tình trạng máu xấu, chua máu, bệnh từ đó khởi sinh. Khuếch đại một khối u ác tính, sẽ thấy quanh nó hàng tỉ tỉ mao mạch. Kết quả nghiên cứu mới của đại học-bệnh viện lừng danh John Hopkins: Gần như mọi người đều có tế bào ung thư. Nhưng chúng chỉ được phát hiện chừng nào phóng đại lên gấp vài tỉ lần. Ăn uống đúng tế bào ung thư không có cơ hội phát triển; ăn uống sai là tiếp tay cho tế bào ung thư “phóng đại”.

Thời nay người đời thường áp dụng ăn theo tiêu chuẩn phân tích vitamin A, B C; cái gì “bổ dưỡng” liền được lựa chọn. Kiểu ăn uống “thượng lưu”, hệ thống miễn dịch sẽ không đủ sức phong tỏa và tiêu diệt các mao mạch xấu, tế bào ung thư sẽ trương nở, lần mò đến các mao mạch tốt, theo thời gian lưu chuyển tới nhiều bộ phận khác, tức di căn. Thức ăn công nghiệp, đóng gói, thức ăn sẵn sử dụng nhiều hóa chất, thức ăn bán ở vỉa hè vốn nhiều màu mè gia vị độc hại; các thực phẩm bị phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng; bia rượu, thuốc lá, cần sa ma túy, cà phê v.v, dùng thường xuyên là tiếp “thức ăn” cho tế bào ung thư hủy hoại chính mình. Cách ăn uống khôn ngoan nhất là theo đúng quy luật Âm Dương, sẽ đưa con người đến sự an toàn và chữa lành gốc bệnh. Nếu vậy cần hiểu thức ăn gì là Âm, thức uống gì là Dương. Như đã dẫn, một số thứ nêu trên đều đưa đến kết quả âm; sự bành trướng của tính âm tạo nên cái gọi là nan y. Thực tế gọi đúng tên, chúng chỉ là triệu chứng, những triệu chứng (quả) khác nhau song bắt nguồn từ cái nhân trong ăn uống.

Không truy cội gốc, ung thư vĩnh viễn là căn bệnh gieo nỗi kinh hoàng khắp thế giới. Pháp sư Đạo Chứng, người thuần thành niệm Phật từng nói: Không lý nào có vài thanh niên xấu (tế bào ung thư) một ngày đến làng nọ rồi giết chết tất cả thanh niên khỏe mạnh nơi đó. Nhiều bác sĩ, tiến sĩ Y khoa nghiên cứu về thực dưỡng từng lên tiếng: “Thuật ngữ ‘bất trị’ là ảo tưởng của y khoa hiện đại. Nó là chân lý đặc sắc của các chuyên gia ung thư. Họ tạo nên nỗi ám ảnh về ung thư, hay một sự ‘sợ hãi cộng đồng’”. “Ngăn chặn triệu chứng mà không xử lý gốc rễ nguyên nhân căn bệnh nên chỉ làm cho bệnh thêm trầm trọng” (Bác sĩ Morishita). Hãy hình dung bệnh nan y như một nhóm maphia sống trên ốc đảo, với đầy đủ sức mạnh và phương tiện di chuyển. Trừ diệt hiệu quả nhất là cắt đứt liên lạc, cắt lương thực; khi đó lẽ nào chúng sẽ ăn đất và không khí để tồn tại? Điều này tương hợp với nguyên lý “bỏ đói tế bào ung thư” mà y học phương Tây đã nêu ra và áp dụng rất hiệu quả ở nhiều bệnh viện uy tín.

Đối chiếu vào Thực Dưỡng, ta phải cắt các nguồn thực phẩm âm tính; rồi dương hóa cơ thể bằng gạo lứt muối mè; Trợ phương: áp nước gừng, dán cao khoai sọ, uống hơi nước hấp cách thủy lá trinh nữ hoàng cung trong nồi đất, v.v. Tiêu chuẩn tối yếu trong Thực Dưỡng trị bệnh là nhai kỹ cơm lứt, phải thành nước mới nuốt, tức khoảng 120 lần nhai trở lên. Người viết từng tiếp xúc với một hành giả niệm Phật; ăn mỗi chén cơm gạo lứt muối mè thời gian độ 30 phút. Ông bảo nhai một lần liền khởi niệm “Nam”, thêm lần nữa là “Mô”, thêm nữa là “A”, “Di”, “Đà”, “Phật”. Niệm một lượt mười câu tức miếng cơm đó được nhai 60 lần; thường ông niệm vài ba lượt mới nuốt. Thức ăn được nhai kỹ sẽ hút toàn vẹn dưỡng chất, điều mà nhai dối không có; tuyến nước bọt tiết ra từ hàm và mang tai sẽ giúp dạ dày đỡ tiêu hóa, nó còn là “bửu bối” của sức khỏe, giúp ngừa và trị bệnh (dưỡng thân); nhai kỹ còn tạo cảm giác thư thái, dưỡng tâm. Nhiều người khác vừa nhai cơm lứt vừa nghe kinh, pháp. Chúng ta từng biết đến Thiền trong nghệ thuật bắn cung (tác giả Eugen Herrigel), Thiền trong hành động (Meditation in action - tác giả Chogyam Trungpa), và bây giờ: Thiền trong ăn uống. Con đường về bờ Giác được rút ngắn.

Điều nan giải: hiếm ai tin và đủ nghị lực theo Thực Dưỡng ngay từ lúc bệnh được phát hiện. Thiển nghĩ bàn về Thực Dưỡng trong việc đẩy lùi nan y, cũng khó như nói chân lý giải thoát luân hồi với người cố chấp về tấm áo hư danh họ đang khoác. Nói vậy ai cũng dễ gay gắt phản pháo. Họ sẽ mỉa mai, rằng chính bạn đang ảo tưởng. Âm Dương - triết lý tinh tế và thâm thúy trở thành “một cái gì đó dị đoan, thần bí”. Họ sẽ giơ ra nào tri thức, tiền tài. Họ nhớ đến những bệnh viện lớn. Và hơn hết, họ cần hưởng thụ trong quá trình điều trị. Stop sự khoái khẩu trở thành bóng ma. Nhai gạo lứt muối mè cũng đòi chữa căn bệnh ở thời kỳ con người đã lên thấu mặt trăng? (Cũng như trong giới tu luyện vẫn hoài nghi: chuyên niệm mỗi câu hồng danh “A Di Đà Phật” cũng vượt ra ngoài Tam giới?). 

Theo xu thế phát triển của ngành công nghiệp, bệnh chủ yếu do thặng Âm gây ra; bệnh do thặng Dương ít hơn. Trong phân loại Âm Dương, không có loại gì thuần âm và ngược lại. Nói âm tức là âm hơn; dương tức dương hơn. Giữa thức ăn động vật và thực vật, thì thực vật là âm, động vật là dương. Tại sao bệnh nan y do phát âm lại ăn thứ âm. Chính là nguyên lý: lấy dương trong âm, cơ thể mới được điều hòa ở mức vi diệu; trong đó không gì sánh nổi gạo lứt + muối mè. Ohsawa từng bị dương quá trong mấy mươi năm, dẫn đến cơn đau dữ dội suốt tháng trời. Rồi cuối cùng ông cũng phán đoán ra. Thuốc là gì? Thật khó tin - đó là một ít rượu whisky nguyên chất và ông sảng khoái uống lai rai cả ngày. Lành hẳn. Ngược lại Tiên sinh từng chữa một người bệnh do âm nặng. Được đưa vào bệnh viện mổ, nhưng tình thế càng tồi tệ, mười ngày sau mạng sống của ông ta nguy cập. Các bác sĩ lắc đầu ái ngại, “nhường” cho Thực Dưỡng chữa. Liều thuốc Ohsawa kê chỉ là 7 viên mơ muối ba năm (mang tính dương). Kết quả: mười tiếng đồng hồ sau sự sống con bệnh trỗi dậy. Dĩ nhiên bây giờ đã khác so với thời đại Thực Dưỡng được khám phá, thịnh hành. Chẳng hạn sẽ khó kiếm loại lúa trồng không phun thuốc trừ sâu và bón phân hóa học, loại lúa trồng trong phạm vi cách nơi ta sống trong vòng khoảng 60km; và rau củ có còn siêu sạch? Theo kinh nghiệm của người ăn thực dưỡng chữa bệnh, hiện chỉ tin tưởng một số thứ như: quả mít non mua lúc người ta chưa gọt vỏ ngâm vào thau (vì trong nước ngâm có hóa chất tẩy trắng), hoặc trái vả, trái chuối xanh, chiên lên cho vào một ít tương Tamari hoặc tương cổ truyền (tương đậu nành để từ hai ba năm trở lên), tuyệt đối không dùng mì tinh và bột nêm. Hoặc ăn rau hoang, loại rau không chịu bất kỳ tác động nào của con người, nó sống mãnh liệt giữa thiên nhiên, sẽ truyền tinh chất và tinh thần đó vào cơ thể người ăn. Đừng nghĩ đây là cách ăn khổ hạnh. Ai từng theo Thực Dưỡng một thời gian, vị giác sẽ khôi phục công năng, chỉ ăn rau luộc chấm muối không cũng rất ngon; còn nếu bỏ thêm mì tinh họ sẽ thấy quá “ngọt”, rất lợm. Đây cũng là yếu tố đo lường sức khỏe. Người từng ăn chay trường nhiều năm sau nâng lên ăn chay-Thực-Dưỡng, dẫu có mang đến món chay chế biến đạt mức “sơn hào hải vị” họ cũng chả màng.

Thời @ bệnh nhân chỉ cần lên google gõ người chữa lành nan y bằng Thực Dưỡng, hay những danh sách dài ghi kèm sau một số quyển sách (trong khoảng 300 cuốn sách) của Ohsawa, gọi điện nhờ tư vấn. Họ sẽ giúp bạn nhiệt tình đầy hứng khởi. Vì sao? Bởi họ đã nhận được điều màu nhiệm, đã thấy ánh sáng từ cõi mù mịt, sẽ rất hân hạnh sẻ chia. Ai do dự, nên xin ở lại nhà những người vẫn theo Thực Dưỡng cùng ăn cùng sống với họ. Lúc đó không phải ai khác mà chính bạn chữa bệnh cho bạn. Ý chí. Nghị lực. Tất cả đều sẵn trong mỗi người. Nhưng sức ỳ qua năm tháng, sự giải đãi, chấp chặt về tri kiến và vật chất luôn trì níu ta. Giả như bạn không “nhập lưu” được Thực Dưỡng, chưa đắm mình vào không gian nghệ thuật sống này tận hưởng niềm hạnh phúc, mắc bệnh cứ nên “trì giới” nhai gạo lứt muối mè một cách máy móc, đã tốt lắm. Còn, bệnh nhân nan y đứng bên vực chết, lại không thể [trước hết] nhịn ăn trong ít ngày (theo lời khuyên và tinh thần của tổ ngành Tây y Hippocrate, của Chúa Giêsu, của Thánh Gandhi, của Đức Phật), sau đó thuần ăn gạo lứt muối mè theo số 7 trong mươi ngày, rồi sau nữa [được phép] ăn thêm chút rau củ (số 6)..., sẽ hiểu sâu sắc câu nói của Napoleon “chiến thắng một vạn quân không bằng chiến thắng bản thân mình”, và thấm thía nhường nào lời dạy của bậc Toàn Giác: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Bất lực với chính mình, cái chết bắt đầu ám ảnh. Nỗi ám ảnh về bệnh nan y sẽ tạo nên một quái ác khác: ung thư ý chí.  

Ohsawa là một tấm gương chói sáng. Ông từng tuyệt thực hai tháng ròng; từng hiến thân cho tế bào ung thư xâm nhập rồi chữa lành làm minh chứng cho Vô Song Nguyên Lý. Với ông: “Ý chí chúng ta là ý chí của toàn vũ trụ. Càng thấu hiểu vũ trụ này vĩ đại, lộng lẫy và vô cùng vô tận thay thì ý chí của chúng ta càng trở nên lớn lao”. Bị ung thư lúc còn thanh niên, Ohsawa chẳng những tự chữa lành cho mình, sau này còn chữa cho hàng nghìn người cùng mắc căn bệnh này. Qua châu Âu, Tiên sinh đến nhiều bộ tộc chữa miễn phí. Những cộng đồng người bao đời sống yên bình, cho đến lúc văn minh phương Tây du nhập với những thức ăn đóng chai đóng hộp và đặc biệt là đường sữa, người dân bắt đầu lâm bệnh thảm khốc. Một dạng viêm nhiễm nền văn minh chổng ngược. Chính Ohsawa cũng mắc căn bệnh u sang nhiệt đới mà y học vùng đó từ lâu tránh xa. Ông vẫn bình thản ở lại chịu chung số phận với bao người, bắt đầu chữa cho mình trong thời gian rất ngắn, nhằm khuyên mọi người chỉ cần sống đúng Âm Dương, bệnh sẽ âm thầm rời bỏ chúng ta như một cuộc chia tay không vướng mắc hận thù. Đây là cách đối xử hoàn hảo với bệnh, một lối trị liệu đầy nhân nghĩa. Rồi Osawa đến gặp vị bác sĩ giỏi nhất vùng mong tiếp thu Thực Dưỡng, hợp tác giúp người. Vị này không dám thừa nhận mình yếu kém. Lắc đầu! Nguyên lý đơn giản trở nên “rất khó hiểu đối với những người đầy ắp định kiến chuyên nghiệp”.  

Lòng tự cao của nhiều bác sĩ Tây y càng tăng trưởng khi được sự hỗ trợ của phương tiện tân tiến. Trong 7 nấc thang của bệnh, Ung Thư chỉ được Ohsawa xếp thứ 3, thời đó nhiều người lành hẳn trong vài tuần. Mức cao/nặng nhất xếp thứ 7 là bệnh Kiêu Căng Ngạo Mạn, phải mất hàng chục năm trời mới có thể chữa khỏi. Như vậy Kiêu căng ngạo mạn ở đây cũng xem là bệnh vật lý cần kê đơn bốc thuốc chứ không đơn thuần tâm lý nữa. Bác sĩ Anthony J. Sattilaro, mắc bệnh ung thư; đương chức giám đốc một bệnh viện lớn ở Philadelphia (Hoa Kỳ) nhưng bất lực, lờ mờ nhìn thấy ngõ cụt cuộc đời. Có người giới thiệu gạo lứt muối mè, ông liền cho đó là “lối ăn uống điên khùng”. Nhưng trước đường cùng, Anthony J. Sattilaro cũng thử đọc một cuốn sách xem thực hư Thực Dưỡng có mang lại điều như người ta ngợi ca. Vẫn hồ nghi, không chịu thực hành. Ông đang muốn ném cuốn sách vào sọt rác, chợt thấy dòng tên của một bác sĩ... Hai chữ “bác sĩ” bước đầu dẫn đường ông. Vẫn có bác sĩ Tây y tin Thực Dưỡng? Đằng nào thì cũng “hoặc là chết hoặc là phải thử một cái gì đó khác với những cái mà tôi đã thử”. Câu chuyện này được Anthony J. Sattilaro kể lại, lan tỏa trên toàn cầu. Và đây là lời chia sẻ tận đáy lòng của ông: “Chỉ với sự từ bỏ óc vị ngã cố chấp, buông xả sức cưỡng trì cải đổi và mở lòng đón nhận những tặng phẩm mà thiên nhiên ban cho cuộc đời, chúng ta mới hưởng được ân huệ đích thực”.

Từ năm 1972, trong Luận án Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ Nguyễn Văn Thụy đã viết: “Nếu y học hiện đại không thay đổi chiều hướng thì bệnh ung thư sẽ trở thành chứng bệnh hiểm nghèo không những cho con người, mà còn cho cả nền y học vì những ảnh hưởng tai hại của nó trên toàn xã hội. Chính vì vậy mà bệnh ung thư có một sứ mệnh lịch sử cho thế kỷ này, cái sứ mệnh sửa sai nền y học hiện đại” (xin được nhấn mạnh - NN). Một cuốn sách về chữa bệnh nan y xuất bản cuối năm 2013, cho biết một bệnh viện ung thư hàng đầu thế giới ở Mỹ qua nhiều năm điều trị ung thư đã đưa ra những kết luận đáng chú ý. Họ cho rằng khi xạ trị và hóa trị, các tia phóng xạ trong khi tiêu hủy các tế bào ung thư cũng đốt cháy gây theo hoặc làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh, các mô và các bộ phận cơ thể khác; đồng thời có thể làm nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư máu.

Máu, là thành tố tối quan trọng, theo y học phương Đông nó lưu chuyển đến mọi tế bào trong mọi ngóc ngách của cơ thể. Ăn uống chủ yếu ngũ cốc nhai kỹ sẽ cho ra loại máu tốt. Ngược lại dẫu được thần y chữa trị, người bệnh vẫn ăn uống theo hướng trái với nguyên lý Thực Dưỡng làm máu xấu, bệnh đó không thể nào trị lành tuyệt đối; cũng như ta chỉ chặt cây chứ không bứng rễ, vừa uống thuốc cai rượu vừa uống rượu.

Không tìm rõ nguồn cơn của bệnh, dẫn tới sự “đè nén lò xo” các loại tế bào; chúng không tận diệt lại còn bật lên bệnh khác và cứ thế phân chia mãi ra. Dễ nhận thấy, ai đến bệnh viện đều mua sữa thăm người đau. Phương Tây từ rất lâu rồi đã chỉ mặt đường sữa là kẻ thù của sức khỏe. Nhất là với bệnh ung thư. Người mắc bệnh nan y, đường sữa cần cắt đầu tiên, sau đó là các sản phẩm từ thịt động vật. Đưa sữa vào, xương phải tiết can xi để trung hòa, gây bệnh loãng xương. Sữa đường chứa hóa chất, nhiều a xít lại có “công năng” tạo nước (rất âm) còn góp sức phá hủy não trạng, lục phủ ngũ tạng, làm con người ù lì mụ mị. Ở đây không ai muốn triệt tiêu đường sữa, song việc mê tín đường sữa, thổi phồng giá trị của nó hay đúng hơn là quá lạm dụng đã khiến vấn đề thêm nghiêm trọng. Vừa mới đây nghiên cứu của nhóm khoa học người Anh và Đức lại cảnh báo nếu uống sữa nhiều sẽ có nguy cơ tử vong cao. Mặt khác cũng cần hiểu, trí tuệ phần lớn được khởi sinh từ Thiền định, niệm A Di Đà Phật, từ lòng từ bi, từ tâm thanh tịnh không ô nhiễm, từ sự lắng lòng trước mọi bể dâu, chứ không quá đơn giản là sự tẩm bổ tân thời phi Thực Dưỡng. Hẳn ít ai cãi lại việc cứ nóng là uống nước đá giải nhiệt; với cơ thể (luôn ở khoảng 37 độ), đó chẳng khác một khuôn mặt đang tươi vui rạng rỡ bỗng bị tạt gáo nước lạnh. Vận động viên thể dục thường ra nhiều mồ hôi, mất muối, tức cơ thể đang Dương suy Âm thịnh, lẽ ra nên uống nước ấm pha muối biển nguyên chất vốn rất Dương và nhiều khoáng chất, lại uống nước ngọt sản xuất kỹ nghệ và nước đá (vốn rất Âm)? Kinh nghiệm của Ohsawa, “một người mắc bệnh thạch huyết, hoặc bần huyết (âm) mà cho nước hoặc nước đá là những thứ âm vào người thì họ có thể chết”. Lắng nghe cơ thể, sẽ hiểu đau mắt có thể gốc nằm ở gan; đau tai đau lưng gốc có thể ở thận; thoa dầu và dùng cao dán lưng dài ngày thận phải tiết một loại chất để điều hòa khiến nó cạn dần nhựa sống; uống nước nhiều cũng khiến thận ngập nước, mệt phờ, không còn đủ sức lọc ra loại máu tốt; lạm ăn măng, cà, giá, nấm, bánh kẹo, trái cây tươi, những thứ âm này tích đường tạo nước, sẽ khiến cơ thể không điều hòa nổi. Lúc bệnh gõ cửa, không cần biết nguyên nhân, điều người ta nhớ ngay là thuốc tây. Cùng đau dạ dày, song người thì chóng mặt buồn nôn, người kia lại đầy hơi khó thở; gan thận nóng hay lạnh? chẳng lẽ cứ giơ ra một loại/liều thuốc. Khá nhiều căn bệnh buộc phải uống thuốc trường kỳ. Câu hỏi đặt ra: họ phải dùng thuốc đến bao giờ? Câu trả lời: đến chết, (có thể lắm!). Nói ngược lại, không ăn uống đúng để giảm dần lượng thuốc rồi đi đến cắt khẩu phần của bệnh, nguy cơ họ phải nuôi con bệnh đến lúc xuống mồ, là dễ hiểu. Con cái hễ ho hen cha mẹ liền đưa đi khám, mua một mớ thuốc bắt con uống bằng hết. Rồi họ còn dựng cả tủ thuốc trong nhà; chiếu theo tư tưởng ý niệm làm chủ của Phật giáo hay thuyết niệm lực trong vật lý lượng tử, ấy là sự đầu hàng con bệnh sớm nhất. Cơn ho dẫu là kinh niên nếu ăn gạo lứt muối mè, chỉ cần thêm vài muỗng bột hạt sen rang với ít cà phê thực dưỡng cộng chút muối nấu lên ăn là dứt. Một cơn nóng sốt ọe nôn, một cơn cảm nặng nếu tỉnh táo chỉ cần vài muỗng bột sắn dây (nguyên chất), một muỗng tương lâu năm, một quả mơ muối, vài lát gừng khuấy đều nấu lên uống rồi đắp chăn tránh gió, đợi mồ hôi toát ra thì lau sạch người bằng khăn ấm, vấn đề đã được giải quyết. Ohsawa cũng từng cứu một bệnh nhân chín phần chết một phần sống chỉ với vài thứ “lặt vặt” kiểu như trên.  

*

Chữa bệnh theo Tây y hoặc Đông y hay thuần Thực Dưỡng đều tốt, tùy vào mức độ của bệnh, vào hoàn cảnh thực tại, còn tùy thể trạng và duyên, nghiệp người bệnh nữa. Không nên quá chấp vào Thực Dưỡng để rồi nhất nhất tuyệt đường tới Viện. Sự phát triển của khoa học y thuật thật sự cần thiết, đã đẩy lùi nhiều căn bệnh, tạo nên tính năng động của xã hội. Một người dẫu là tín đồ của Nguyên Lý Vô Song, trong trường hợp cần thiết cũng nên theo Tây y hay đến Đông y bổ thuốc. Điều thiết yếu tạm thời là biết điều chỉnh trong quá trình chữa trị nên và không nên dùng thứ gì. Đó cũng là biểu hiện của sự hợp tác hiệu quả và vô cùng ý nghĩa giữa Tây và Đông y trong thời đại khoa học kỹ thuật lấn lướt mọi thứ.  

Hiểu Âm Dương là hiểu Cơ Thể. Và bên cạnh vật chất, mặt tinh thần cũng có âm dương. Ta nghĩ xấu nghĩ ác, nghĩ theo hướng chia rẽ bè phái,… là Âm. Ngược lại lối suy nghĩ (hành động) theo hướng thiện là Dương. Thế nên nhiều người cầu nguyện, tu Niệm Phật đã lành bệnh nan y, là không có gì lạ.

Hoài nghi, tẩy chay chân lý được gạn lọc qua nhiều ngàn năm, là một dạng bệnh; và một khi niềm tin vẫn lui sụt trước vô vàn minh chứng sinh động về những chân lý ấy, là căn bệnh xuyên thế kỷ. 

 

N.N

 
Xem thêm: “Thấy bệnh & Thấy tánh”, “Trường sinh & Giải thoát

trên Thuvienhoasen.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Tư 2016(Xem: 6252)
Mặc dù có một lịch trình huấn-luyện bận rộn tại Thái Lan, Bác Sĩ Suresh Kumar vẫn dành thời gian nói chuyện với nhà sư Phra Paisal Visalo, là Tu Viện Trưởng của Tu Viện Phật Giáo Wat Pasukato, và cũng là người sáng lập Hệ Thống Phật Giáo Cho Người Chọn Cái-Chết Bình-An (hospice)
12 Tháng Ba 2016(Xem: 8106)
Hiện nay, hầu hết người ta đều nghĩ rằng võ học Trung Quốc là xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm là do Bồ-đề Đạt- ma sáng tạo, và Dịch cân kinh là thánh điển của võ học Thiếu Lâm! Nhưng thực ra quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Võ học Trung Quốc đương nhiên không xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm không phải do Bồ-đề Đạt-ma sáng lập, và Dịch cân kinh cũng không phải là công phu của Phật môn.
01 Tháng Ba 2016(Xem: 6432)
Thi thoảng trong đời chúng ta nên suy nghiệm về cái chết. Đúng ra, chúng ta nên nghiệm về nó hàng ngày. Đức Phật khuyên nên nghĩ về cái chết thường xuyên ( Maraṇānussati ) vì làm vậy có nhiều cái lợi.Chúng ta hãy xem suy nghiệm về cái chết thì được lợi như thế nào.
05 Tháng Giêng 2016(Xem: 7957)
Miêu tả 2.500 trường hợp thuộc dữ liệu của trường Đại học Virginia (Hoa Kỳ) được các nhà nghiên cứu tìm hiểu cẩn thận kể từ khi bác sĩ Ian Stevenson nghiên cứu trường hợp đầu tiên cách đây 40 năm. Tiền kiếp - có hay không? trình bày các trường hợp này một cách rõ ràng và đi sâu vào giả thiết rằng ý thức vẫn có thể tồn tại sau khi bộ não chết đi. Đây là một cuốn sách thú vị và gợi suy nghĩ; nó có thể thách thức và làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của độc giả về sự sống và cái chết.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7269)
Nội dung chính của quyển sách như chính tác giả xác định trong phần giới thiệu là “để chuyển tải thông tin cực kỳ quan trọng” về cái khám phá “hạt nhân” của sức khoẻ tim mạch – một phân tử nhỏ bé mang tên Nitric Oxide. NO – như cách gọi của các nhà hóa học – được cơ thể sản sinh ra đặc biệt nhằm giúp các động mạch và mạch máu không bị xơ vữa gây đột quị
16 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10008)
Vì vậy, ngày hôm nay, tất cả con cái, người thân tụ tập nơi đây với nhau, con hãy suy xét xem bằng cách nào cha mẹ của mình lại có thể trở thành con cái của mình đời hiện tại. Trong những đời trước con là con cái của cha mẹ, bây giờ họ trở thành con của con. Trí nhớ của họ giảm đi, đôi mắt của họ mờ đi. Đôi khi họ cắt ngang lời nói của con. Hãy đừng để những điều này làm lãng xao dòng tâm. Tất cả những ai đang chăm sóc người bệnh đều phải biết buông xả.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6397)
Cấy ghép bộ phận cơ thể trở thành một cách điều-trị y-khoa đã được chấp nhận, để thay thế các bộ phận cơ thể đang hư-hỏng ở vào giai-đoạn cuối. Tuy nhiên, chỉ có bản thân chúng ta là có thể giúp cho việc hiến tạng thành công. Sau đây là một số sự thật quan trọng về việc hiến tặng bộ phận cơ thể:
15 Tháng Mười 2015(Xem: 8706)
Quả là một chuyện không được cho là bình thường vì đang khỏe mạnh yêu đời mà lại đi đến các nhà quàn hỏi thăm vấn đề hỏa táng hay chôn cất người chết vì nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết là một điều cấm kỵ, có thể mang lại vận sui vào người.
01 Tháng Mười 2015(Xem: 5001)
Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.