Chương 2 Một Môn Khoa Học Đơn Giản

31 Tháng Ba 201300:00(Xem: 8122)

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác Giả : TS.
Jill Bolte Taylor
Dịch Giả : TS. Minh Tâm

CHƯƠNG 2

MỘT MÔN KHOA HỌC ĐƠN GIẢN

 

Thông thường, để cho hai người chúng ta có thể trao đổi với nhau về một vấn đề gì, trước hết chúng ta phải có một số ý niệm chung về thực trạng của vấn đề đó. Hơn nữa, hệ thống thần kinh của chúng ta cũng phải tương đương trong khả năng nhận xét và hiểu biết các dữ kiện từ ngoại cảnh, phân tích và kết nạp dữ liệu đó vào bộ óc, rồi cũng phải tương đồng trong cách biến hiểu biết đó ra thành ý nghĩ, lời nói, hay việc làm. Những cảnh “ông nói gà, bà hiểu vịt” không phải là không thường xảy ra.

Việc ra đời của sự sống là một biến cố đáng kể nhất. Từ sự xuất hiện một đơn bào sinh vật, một giai đoạn mới về cấu trúc sinh thể ở lĩnh vực tế bào đã xuất hiện. Những nguyên tử và phân tử trong tế bào kết tập nhau thành DNA và RNA có thứ lớp và không thể nhầm lẫn. Các tế bào này quần tụ với nhau và phát triển qua thời gian để sản sinh ra bạn và tôi và tất cả mọi loài. Ở mức độ cấu trúc DNA, chúng ta được cấu tạo tương tợ như loài chim, loài bò sát, loài lưỡng thê, loài động vật có vú, và ngay cả loài thực vật. Nhưng đứng về mặt sinh học, cơ thể chúng ta mặc dù đã được cấu tạo rất phức tạp, vẫn chưa phải là hoàn hảo và cố định, mà là còn đang trên đà phát triển. Chẳng hạn như não bộ đã và đang thay đổi không ngừng. Não bộ của tổ tiên ta từ bốn ngàn năm trước không giống như não bộ của con người ngày nay. Chỉ riêng sự phát triển về ngôn ngữ đã làm thay đổi từ hình thể đến cấu trúc hệ thống tế bào não bộ.

Hầu hết những nhóm tế bào khác nhau của cơ thể đều sinh ra và chết đi trong vài tuần hoặc vài tháng, rồi được thay thế bằng những tế bào mới, các tế bào não lại không như thế, kể từ khi chúng được sinh ra. Có nghĩa là các tế bào não của bạn ngày nay cũng “già đi” theo số tuổi của bạn. Sự sống không bao giờ chết của tế bào não cắt nghĩa phần nào cái cảm giác của ban: dù đã 50 hay 70 tuổi, bạn vẫn ngỡ mình đang là 15 hay 20!

Số lượng tế bào thần kinh trong bộ óc con người không thay đổi, nhưng sự “tiếp xúc” giữa các tế bào thì thay đổi, tùy theo sự học hỏi và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Hệ thống tế bào thần kinh của con người thật năng động và tuyệt vời, với con số tế bào ước khoảng một ngàn tỉ. Để có ý niệm một ngàn tỉ tế bào óc là bao nhiêu, thì hãy nhớ rằng dân số toàn thế giới hiện nay là 6 tỉ. Nhân con số 6 tỉ dân này lên 166 lần, thì bạn có được con số một ngàn tỉ tế bào đang chen chúc trong cái sọ bé nhỏ của mỗi con người chúng ta, với trọng lượng trung bình của não bộ không hơn 1,5 kg. Dĩ nhiên con người chúng ta không phải chỉ có não bộ. Còn có thân thể nữa. Trung bình, cơ thể một người trưởng thành gồm chứa khoảng 50 ngàn tỉ tế bào. Có nghĩa là số tế bào trong một cơ thể gấp 8.333 lần tổng dân số trên toàn thế giới. Thật là kỳ diệu: những tế bào xương, tế bào thịt, tế bào tạng phủ..., làm sao chúng có thể điều phối và hoạt động nhịp nhàng với nhau để tạo thành một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và không bao giờ bệnh tật? Cho nên nếu bạn có mang bệnh, đừng lấy làm lạ!

Sự tiến hóa về phương diện sinh học thường bắt đầu từ thô sơ lên đến phức tạp. Để bảo đãm sự kiến tạo các sinh vật được hữu hiệu, tạo hóa luôn theo một khuôn mẫu nhất định. Như con ong hút mật, con chim làm tổ, quả tim bơm máu, tuyến mồ hôi điều hòa thân nhiệt...; mỗi mỗi được tạo tác theo những “mã số“ riêng không hề bị xáo trộn. Do đó, qua hàng triệu triệu năm, mọi loài chỉ tiến hóa và phát triển trên “căn bản” của mình để tiến đến mức độ phức tạp hơn. Chẳng hạn như con người và loài dã nhân. Con người có đến 99,4% DNA cấu tạo tương tự như dã nhân. Nhưng như vậy không có nghĩa dã nhân là thủy tổ của loài người; chúng chỉ có trí thông minh xấp xỉ như con người mà thôi. Điều đó chứng minh sự kỳ diệu của bàn tay tạo hóa: chỉ thay đổi một chút xíu các mã số DNA mà đã tạo ra các loài sinh vật khác nhau. Còn giữa loài người với nhau, bạn và tôi có cùng loại DNA, nhưng chỉ khác nhau có 0,01% (1/100 của 1%) trên cách cấu trúc. Vì vậy, mắt mũi, màu da, cao thấp, mập ốm, dáng vẻ... không giống nhau.

Và con người khác với những loài có vú khác là ở bộ não: con người có lớp vỏ não dợn sóng và uốn khúc một cách phức tạp. Mặc dù não bộ loài có vú đều có vỏ não bao bọc bên ngoài, nhưng vỏ não con người lại dày hơn gấp đôi và vì vậy các chức năng sinh hoạt cũng gấp đôi. Hơn nữa, vỏ não con người còn chia não bộ ra làm 2 bán cầu riêng biệt mà chức năng sinh hoạt mỗi bán cầu lại bổ túc cho nhau. Nhờ bổ túc cho nhau mà mỗi người chúng ta có một nhận thức nhất định và độc nhất - không ai giống ai - về thế giới bên ngoài. Lớp vỏ não trên cùng mới được “thêm vào” cho não bộ con người gần đây thôi (vài ngàn năm) đã làm cho con người khác hẳn các loài có vú khác. Nhờ những mạch thần kinh ở đây mà con người có được tri thức về những vật chất “cụ thể“ (nhà cửa, vật dụng) và những ý niệm “trừu tượng” (ngôn ngữ, nghệ thuật...). Còn những lớp sâu hơn của vỏ não thì chức năng sinh hoạt giữa người và vật đều giống nhau.

Bán cầu não bộ cũng cần mạch máu mang dưỡng khí lên nuôi sống. Các mạch máu này được phân nhiệm vụ riêng biệt, như mạch máu thuộc phần cử động tứ chi, phần tạo tác ngôn ngữ, phần hiểu biết ngôn ngữ, phần thuộc thị giác, phần phân biệt vật thể. Mạch máu nào bị hư hỏng thì phần liên hệ đó của thân thể không còn hoạt động được. Và cũng như các bộ phận khác của cơ thể là thường hay bị bệnh, các mạch máu ở bán cầu não bộ cũng hay bị "tai biến". Những tai biến này chia làm 2 loại, thường làm chết người hoặc biến con bệnh thành phế nhân. Tai biến thông thường nhất, lên đến 83% trường hợp, là “nghẽn” mạch máu. Tai biến hiếm hoi, chỉ có khoảng 17%, nhưng nặng nề nhất, là “vỡ“ mạch máu.

Nghẽn mạch máu là khi mỡ cholesterol đóng theo thành mạch máu làm trở ngại máu không thể lưu thông trên vỏ não. Không dưỡng chất, tế bào thần kinh ở vùng này phải tê liệt. Thường thì tế bào thần kinh tê liệt sẽ không được thay thế. Các sinh hoạt của thân thể liên hệ tới vùng thần kinh này sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn, trừ phi có những tế bào thần kinh khác học hỏi vai trò của những thần kinh đã tê liệt qua một thời gian, gọi là phục hồi chức năng. Bởi vì mỗi người có sự nối kết các đường dây thần kinh não bộ một cách khác nhau, nên khả năng phục hồi cũng khác nhau.

Vỡ mạch máu là khi mạch máu não có chỗ cấu tạo bất thường - thành mạch máu quá mỏng - bị vỡ ra, lớp vỏ não bị ngập lụt trong máu và tế bào não ở vùng đó không còn hoạt động được; vì máu là độc tố của tế bào thần kinh, không thể được tiếp xúc trực tiếp. Đôi khi vỡ mạch máu là do áp suất huyết quá cao, các vi huyết quản nối liền động mạch và tĩnh mạch chịu đựng không nổi áp lực. Đây là những tai biến chết người.

Những dấu hiệu của tai biến mạch máu não:

Tự nhiên nói không ra tiếng.

Tay chân bị tê hay bắp thịt bị cứng.

Tự nhiên quên hết mọi sự một cách bất thường.

Tự nhiên đi đứng mất thăng bằng.

Bị nhức đầu dữ dội khác với bình thường.

Bỗng nhiên mắt mờ, không còn thấy gì hết.

Tai biến mạch máu não là vấn đề sống chết. Hãy đưa đi cấp cứu lập tức.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn