CHƯƠNG 2: Quá trình điều tra

05 Tháng Giêng 201602:49(Xem: 3581)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính 
Nhà xuất bản Phương Đông

Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 2
QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA

Câu chuyện về công việc nghiên cứu ở Trường Đại học Virginia này bắt đầu vào năm 1958. Dù tính theo tiêu chuẩn nào đinữa thì lúc đó Tiến sĩ Ian Stevenson cũng đã có một sự nghiệp học thuật thành công. Sau khi tốt nghiệp lớp y khoa trường Đại học McGill với số điểm cao bậc nhất, lúc đầu ông đã định theo học nghành hóa sinh trước khi quan tâm đến nghành y học tâm thể – nghành nghiên cứu về mối liên quan giữa cảm xúc và sức khỏe. Ông đã viết rất nhiều, hầu hết là cho các tờ tập san y học, nhưng cũng có vài lần ông viết cho tạp chí Harpers Magazine và The New Republic và cho đến năm 1958, ông đã có bài trên 70 ấn bản. Một năm trước đó ông đã được chọn làm “trưởng khoa Tâm thần học” tại Trường Đại học Virginia ở một độ tuổi còn rất trẻ là 39.

Bên cạnh những thành tích này, Tiến sĩ Ian Stevenson còn quan tâm đến các hiện tượng siêu nhiên – những hiện tượng nằm ngoài phạm vi giải thích của nên khoa học hiện thời. Vào năm 1958, khi Hiệp hội nghiên cứu tâm thần học Hoa Kỳ tuyên bố tổ chức một cuộc thi viết luận về các hiện tượng tinh thần siêu nhiên và mối quan hệ giữa chúng với cuộc sống sau cái chết, ông đã nộp một bài dự thi với tựa đề: The evidence for survival from claimed memories of former incarnation (Các bằng chứng về những kí ức còn sót lại trong giai đoạn mới đầu thai trở lại). Trong bài viết này, ông đã trình bày tóm tắt 44 trường hợp đã công bố trước đó về những trường hợp từ khắp nới trên thế giới kể lại kí ức về kiếp trước của mình. Những câu chuyện này được lấy từ một số nguồn khác nhau – sách, tạp chí và báo. Hầu như tất cả những trường hợp ấn tượng nhất đều là những đứa trẻ dưới 10 tuổi khi các em bắt đầu thuật lại những kí ức đó và nhiều em trong số đó chỉ mới ba tuổi hoặc nhỏ hơn. Tiến sĩ Stevenson đặc biệt chú ý đến đặc điểm chung của những đứa trẻ ở nhiều vùng khác nhau nhưng có những câu nói tương tự nhau về kiếp trước. Như ông đã nói sau đó: “Khi đặt 44 trường hợp này cạnh nhau, tôi thấy rất rõ ràng là chắc chắn phải có một điều gì đó”. Ông kết thúc bài luận bằng cách nói rằng những bằng chứng ông đã đưa ra không cho phép rút ra bất cứ kết luận nào về hiện tượng tái sinh nhưng ông cảm thấy rằng cần phải nghiên cứu về nó một cách tỉ mỉ hơn.

Một người đã đọc bài viết của Tiến sĩ Stevenson là Chester Carlson – nhà phát minh ra máy photocopy tạo nền tảng cho tập đoàn Xerox, ông đã liên lạc với Tiến sĩ Stevenson để đề nghị tài trợ cho việc nghiên cứu. Lúc đầu Tiến sĩ Stevenson từ chối vì ông đang rất bận với những công việc khác của mình, nhưng sau khi thu thập được thêm nhiều trường hợp và ngày càng tò mò trước những gì mình phát hiện được, ông đã chấp nhận lời đề nghị tài trợ từ phía Carlson.

Vào năm 1966, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình về vấn đề này: Twenty Cases Suggestive of Reincarnation (20 trường hợp gợi nhớ đến hiện tượng đầu thai). Tiến sĩ Stevenson đã bỏ ra nhiều công sức để thẩm định từng trường hợp một xem 20 đứa trẻ đó đã nói gì và những lời các em nói đúng đến mức nào với cuộc đời của những người mà các em nhớ được. Cuốn sách bao gồm những bài tường thuật rất chi tiết về các trường hợp ở Ấn Độ, Ceylon, Braxin và LiBăng, trong đó có danh sách của tất cả những người Tiến sĩ Stevenson đã phỏng vấn trong từng trường hợp. Ngoài ra, còn có các bảng rất dài liệt kê lại các câu nói của từng đứa trẻ về kiếp trước của mình, người cung cấp thông tin về các câu nói đó hoặc những người đã khẳng định rằng câu nói đó đúng với cuộc đời của người đã chết. Tiến sĩ Stevenson đã trình bày các trường hợp một cách khách quan và ông đã bàn đến cả điểm mạnh cũng như điểm yếu của chúng.

Với tiền tài trợ của Carlson, Tiến sĩ Stevenson đã có thể rút lui khỏi vị trí Trưởng Khoa Tâm thần học vào năm 1967 để hoàn toàn tập trung vào công việc nghiên cứu của mình. Hiệu trưởng của trường y – một người không tán thành việc nghiên cứu này – rất hài lòng khi thấy Tiến sĩ Stevenson từ chức và ông đã đồng ý cho thành lập một khoa nghiên cứu nhỏ, giờ được biết đến với cái tên Division of Personality Studies (Khoa nghiên cứu nhân cách), làm nơi thực hiện công việc nghiên cứu.

Năm sau đó, Chester Carlson đột ngột qua đời bởi một cơn đau tim. Do khoa nghiên cứu này phụ thuộc vào kinh phí tài trợ của Carlson mới hoạt động được nên Tiến sĩ Stevenson đã nghĩ rằng mình sẽ phải quay lại với công việc nghiên cứu bình thường. Nhưng sau đó người ta mở di chúc của Carlson ra và trong đó ông đã để lại một triệu đô la cho trường Đại Học Virginia để tài trợ cho công việc nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson.

Lúc đó đã xảy ra tranh cãi về việc trường đại học có nên chấp nhận số tiền này hay không vì nghiên cứu này có tính chất không bình thường. Các trường đại học không có thói quen từ chối những khoản đóng góp trị giá hàng triệu đôla nhưng tình thế này rõ ràng khiến nhiều người thấy không thoải mái. Cuối cùng, trường đại học cũng quyết định chấp nhận số tiền vì nó đã được cho đi nhằm mục đích hỗ trợ cho công việc nghiên cứu và thế là Tiến sĩ Stevenson được tiếp tục công việc của mình.

Dần dần, Tiến sĩ Stevenson đã lôi kéo được sự quan tâm của những người khác vào việc điều tra các trường hợp. Satwant Pasricha – một nhà tâm lý học Ấn Độ – bắt đầu trợ giúp tiến sĩ Stevenson trong các trường hợp ở đó và bà vẫn tiếp tục nghiên cứu về chúng cho đến tận ngày nay. Erlendur Haraldson – một nhà tâm lý học tại trường Đại Học Icelan có nhiều kinh nghiệm trong nghành tâm lý học thực nghiệm – quan tâm đến các trường hợp vào những năm 1970 và ông đã tìm hiểu về chúng từ đó đến giờ. Antonia Mills – một nhà nhân chủng học đã nhận bằng Tiến sĩ từ trường Đại học Havard – bắt đầu trợ giúp Tiến sĩ Stevenson trong các trường hợp ở Tây Bắc Bắc Mỹ và từ đó đến nay bà đã độc lập nghiên cứu các trường hợp ở đó và Ấn Độ. Jurgen Keil – người điều tra trường hợp của Kemal trong phần Lời nói đầu – một nhà tâm lý học tại trường Đại học Tasmania và đã tìm được các đầu mối mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Myanmar nhằm nghiên cứu các trường hợp ở những nơi đó. Tiến sĩ Stevenson là người nghiên cứu hầu hết các trường hợp ở Châu Á mà tôi sẽ bàn đến trong các chương sau. Ông đặc biệt quan tâm đến những trường hợp trong đó một đứa trẻ được sinh ra với một vết bớt giống một vết thương trên cơ thể người đã chết. Ông tin vào sức mạnh của các con số, vì thế ông đã trì hoãn việc đăng tải bất cứ trường hợp nào như thế cho đến khi có thể công bố một loạt các trường hợp trong một cuốn sách. Sau một vài lần trì hoãn, ông đã cho xuất bản cuốnReincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects (Đầu thai và sinh học: Một đóng góp cho vào việc đi tìm nguyên nhân cho các vết bớt và di tật) vào năm 1997. Cuốn sách rất đồ sộ – 2200 trang được chia thành hai tập – nó bao gồm các bài tường thuật chi tiết về 225 trường hợp cùng với hình của nhiều vết bớt. Tiến sĩ Stevenson đã xuất bản nó trước ngày sinh nhật lần thứ 80 của mình. Dù theo một cách nào, Reincarnation and Biology chính là đỉnh cao của công trình nghiên cứu trong nhiều thập kỷ của mình, ông vẫn chưa chịu dừng lại, vẫn tiếp tục viết và nghiên cứu.

Tôi đã từ bỏ công việc bác sĩ tâm thần của mình để tham gia vào lĩnh vực này vào năm 1996. Gần đây tôi đã tập trung vào các trường hợp ở Mỹ mặc dù việc tìm được các trường hợp ở đây khó hơn nhiều. Tôi sẽ sử dụng một số các trường hợp ở Mỹ để minh họa cho các khía cạnh khác nhau của hiện tượng này. Khi đó tôi sẽ thay đổi tên của các đứa trẻ và các đặc điểm nhận dạng khác. Tôi cũng sẽ làm thế với các trường hợp ở nước ngoài trừ khi đã có bài viết được đăng tải trong đó có sử dụng tên thật của các em.

Về phần Tiến sĩ Stevenson, ông đã dừng nghiên cứu vào năm 2002, có lẽ là với một sự miễn cưỡng hiếm thấy ở những người trong độ tuổi 80 một phần là để tập trung vào công việc viết lách, nhưng cũng là để dành nhiều thời gian hơn cho vợ của ông – Margaret. Ông đã nhiều lần nói đến ý định giảm bớt các chuyến nghiên cứu trong nhiều năm nhưng chưa lần nào thực hiện được. Thậm chí sau khi nghỉ ông vẫn thực hiện một “chuyến đi cuối cùng” đến Ấn Độ. Bà Margaret đã từng nói rằng bà không phiền khi thấy ông phải đi nhiều nhưng bà mong ông đừng nói chuyến đi nào cũng là cuối cùng. Tuy vậy ông vẫn viết một cuốn sách khác vào năm 2003 – European Cases of the Reincarnation Type (Các trường hợp có các đặc điểm của hiện tượng đầu thai ở Châu Âu) – và tiếp tục với các công trình và dự án sách khác. Các ấn bản của ông giờ đã lên đến con số hơn 200.

Tiến trình điều tra

Trước khi điều tra các trường hợp, chúng tôi phải tìm được đối tượng. Khi đến bất cứ nơi nào để tìm, chúng tôi cũng đều làm theo trình tự như thế, nhưng tìm các trường hợp ở những vùng có đông đảo người dân tin vào sự đầu thai thì dễ dàng hơn. Trong đó có Ấn Độ và Sri Lanka – đích đến của Tiến sĩ Stevenson trong những chuyến đi đầu tiên – cùng với các đất nước khác có tín ngưỡng tương tự bao gồm Thái Lan, Myanmar (Miến Điện), Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhóm tôn giáo Druse ở LiBăng. Địa điểm xảy ra các trường hợp này cũng phụ thuộc một phần vào các đầu mối tìm kiếm của chúng tôi. Chúng tôi đã rất may mắn khi có trợ lý ở từng đất nước giúp chúng tôi tìm kiếm các trường hợp.

Sự thật là chúng tôi đã tìm được các trường hợp trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, và đến giờ vẫn chưa có ai đi tìm ở đó. Về một số khía cạnh nào đó, việc đi tìm các trường hợp ở Mỹ khó hơn so với các nước khác. Ở Thái Lan, có đôi lúc chúng tôi đến những vùng mà hầu như lần nào dừng lại hỏi đường chúng tôi cũng nghe thêm được một trường hợp khác. Trái lại, ở Mỹ chúng tôi không thể cứ bước vào một cửa hiệu tạp hóa bất kỳ và hỏi xem có ai từng nghe một đứa trẻ nói chuyện về kiếp trước hay không. Điều đó không có nghĩa là các trường hợp đó không xảy ra ở đây. Sau mỗi buổi nói chuyện của tôi, thường hay có người kể cho tôi rằng một người thân của họ đã từng nói chuyện về cuộc sống kiếp trước của mình. Từ khi lập ra trang web riêng vào năm 1998 –http://www.healthsystem.com.virginia.edu/personalitystudies – chúng tôi đã nhận được thư điện tử từ nhiều gia đình người Mỹ trong đó có nhắc đến một đứa trẻ có kí ức về kiếp trước.

Chúng tôi có xu hướng sử dụng cùng một phương pháp khi điều tra một trường hợp. Chúng tôi thường thực hiện các cuộc phỏng vấn thông qua một phiên dịch viên vì có ít gia đình ở nước ngoài nói được tiếng Anh. Mặc dù điều này có thể gây ra một số hiểu lầm thông tin. Chúng tôi thường kiểm tra lại những chỗ nghi ngờ có sự hiểu lầm với phiên dịch viên cho đến khi chắc chắn rằng đã hiểu được điều người cung cấp thông tin nói. Sauk hi làm việc với chúng tôi một thời gian, các phiên dịch viên đều hiểu được chúng tôi muốn biết những gì trong các cuộc phỏng vấn và họ đã rất cẩn thận hỏi những điều cần thiết để thu thập được những chi tiết rõ rang về sự kiện đã xảy ra. Tất cả những điều này có nghĩa là có đôi khi tiến trình phỏng vấn diễn ra rất chậm vì chúng tôi phải hỏi đi hỏi lại vì muốn hiểu chắc chắn chuyện gì đã xảy ra và thường các gia đình đều rất thông cảm với chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ trả công cho họ vì làm thế có thể sẽ khiến một số người bịa ra chuyện để nói nhưng hầu như tất cả bọn họ đều rất niềm nở đón tiếp chúng tôi.

Thông thường chúng tôi chỉ được biết đến một trường hợp nào đó sau khi nó đã được giải quyết. Điều này nghĩa là đứa trẻ đã cung cấp đủ thông tin về kiếp trước để người thân của mình có thể tìm và gặp gia đình của người tiền kiếp. Trong một số trường hợp, họ đã gặp nhau từ vài tuần hoặc vài năm trước khi chúng tôi đến. Đôi khi chúng tôi tìm đến khi một trường hợp vẫn chưa được giải quyết và hai gia đình vẫn chưa gặp được nhau. Rõ ràng chúng tôi muốn như thế hơn nhưng những trường hợp như vậy lại khá hiếm và chúng tôi đành phải chuyển sang cố gắng tái hiện lại chính xác hết mức có thể những gì đã được nói và làm trong khoảng thời gian trước khi chúng tôi đến.

Chúng tôi thường bắt đầu điều tra bằng cách phỏng vấn gia đình của các em. Chúng tôi mở đầu mọi cuộc phỏng vấn bằng cách giải thích quá trình nghiên cứu để có thể thuyết phục tất cả những người liên quan đồng ý tham gia. Sau đó chúng tôi bắt đầu bằng những câu hỏi mở về lịch sử của trường hợp. Chúng tôi thường thực hiện cuộc phỏng vấn này với bố mẹ, nhưng ông bà hoặc những người thân khác trong gia đình cũng có thể tham gia. Chúng tôi không bắt đầu ngay với các em. Thường các em còn khá nhỏ thì có thể do các em rụt rè không dám nói chuyện với chúng tôi, hoặc cũng có thể do lúc đó các em không ở trong trạng thái bình thường để nói về chuyện của mình. Chúng tôi đã thử nói chuyện với các em, nhưng chúng tôi chú trọng nhất đến những gì người lớn kể lại về lời nói và hành động của các em vào lúc bắt đầu. Trong trường hợp họ đã gặp gia đình của người tiền kiếp, chúng tôi quan tâm nhất đến những lời trẻ nói trước khi hai gia đình gặp nhau vì những lời của trẻ sau đó có thể bị ảnh hưởng bởi các thông tin biết được từ buổi gặp giữa hai gia đình.

Nếu trẻ có một vết bớt thì rõ ràng chúng tôi phải đề nghị được xem nó. Sau đó chúng tôi chụp ảnh và vẽ lại vị trí cũng như hình dạnh của nó trên một hình người vì đôi lúc ảnh chụp ra không được như mong muốn. Đôi lúc bố mẹ của trẻ nói vết bớt thay đổi vị trí khi các em lớn lên, nên chúng tôi cũng ghi lại lời miêu tả của họ về vị trí của nó khi trẻ mới được sinh ra.

Một số trẻ chỉ kể cho bố mẹ mình nghe về những kí ức kiếp trước nhưng các em khác lại kể cho nhiều người khác. Trong trường hợp thứ hai, chúng tôi tìm cách phỏng vấn nhiều nhân chứng hết mức có thể. Chúng tôi không chấp nhận các lời đồn thổi. Nếu một người trong làng nói mình đã nghe đồn rằng đứa trẻ đó nói một số câu nào đó, chúng tôi sẽ không chấp nhậ nó trừ khi có thể nói chuyện được với một người đã trực tiếp nghe trẻ kể chuyện.

Sau khi thu thập được nhiều thông tin hết mức có thể từ phía gia đình, chúng tôi chuyển sang tìm hiểu về người tiền kiếp. Chúng tôi nói chuyện với người thân trong nhà để kiểm tra xem lời của trẻ đúng đến mức độ nào với cuộc đời của người tiền kiếp. Chúng tôi cũng hỏi về ấn tượng của họ trong buổi đầu gặp đứa trẻ. Vì mọi người thường kể lại là trong buổi gặp đó trẻ nhận ra được những thành viên trong gia đình của người tiền kiếp hay đồ vật của người đó nên chúng tôi muốn lấy lời làm chứng của cả hai gia đình về vấn đề này.

Khi Tiến sĩ Stevenson cho đăng tải các bản báo cáo về các trường hợp trong các cuốn sách của mình, ông đã đưa vào một danh sách liệt kê tất cả những lời từng đứa trẻ đã nói về cuộc sống kiếp trước. Sau từng câu nói là các dòng ghi tên của người đã nghe trẻ nói câu đó, liệu câu đó có được khẳng định là đúng với cuộc đời người tiền kiếp hay không và nếu có thì người khẳng định là ai cũng như bất cứ lời bình luận nào khác. Bằng cách đọc tất cả những lời nói của trẻ, cả những lời chính xác và không chính xác, độc giả có thể đánh giá toàn cảnh các trường hợp mà không phải ngờ rằng đứa trẻ có thể đã may mắn đoán đúng được một hoặc hai lần nhưng các lần đoán sai thì vô số.

Bên cạnh các lời nói, những khía cạnh khác của các trường hợp cũng cần phải được điều tra. Khi đứa trẻ có một vết bớt được cho là giống với một vết thương trên cơ thể của người tiền kiếp, chúng tôi sẽ cố gắng để xác định xem nó giống đến mức nào. Trong trường hợp may mắn nhất, chúng tôi tìm được biên bản khám nghiệm tử thi trong đó có ghi các vết thương trên cơ thể người tiền kiếp. Nếu vết bớt giống với một vết thương không nguy hiểm, các hồ sơ khám bệnh có thể sẽ có ích trong việc đánh giá mức độ giống nhau. Trong trường hợp người tiền kiếp đã bị giết thì dù không có biên bản khám nghiệm tử thi nhưng có thể cảnh sát vẫn còn lưu giữ hồ sơ trong đó có ghi lại các vết thương.

Vì nhiều người trong làng không hề có bất cứ hồ sơ nào ghi lại các vết thương trên người nên lúc đó lời khai của các nhân chứng trở thành bằng chứng tốt nhất. Thường thì người thân trong gia đình đã được nhìn thấy cơ thể của người tiền kiếp lúc chết hoặc đã giúp khâm liệm thi thể để chuẩn bị cho tang lễ. Một số người có lẽ đã nhìn thấy các vết thương và chúng tôi tìm cách nói chuyện với họ để biết được chắc chắn hết mức có thể về các vết thương và vị trí của chúng.

Trong nhiều trường hợp, những người điều tra đã thực hiện thêm một số cuộc phỏng vấn trong các chuyến đi tiếp theo đến địa phương. Điều này nhằm phục vụ một số mục đích. Mục đích rõ ràng nhất là tìm hiểu xem có biến chuyển gì mới hay không. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn kiểm tra xem lời của các nhân chứng có nhất quán hay không. Và mục đích cuối cùng là đánh giá cuộc sống và quá trình phát triển sau đó của trẻ. Tiến sĩ Stevenson đã theo dõi một số trường hợp trong nhiều thập kỷ liền, vậy nên ông đã được nhìn thấy các em trưởng thành.

Sau khi điều tra xong một trường hợp, chúng tôi sẽ lưu nó vào hồ sơ ở trường đại học nếu nó đáp ứng được hai trong những tiêu chuẩn, đặc điểm sau:

  1. Những câu tiên đoán về tái sinh – không chỉ là một câu như “Tôi sẽ đầu thai trở lại” mà phải có thêm một số chi tiết cụ thể; ví dụ như bố mẹ trong kiếp sau là ai.
  2. Một giấc mơ điềm báo
  3. Những vết bớt hoặc dị tật có liên quan đến kiếp trước – không phải bất cứ thương tổn hay tì vết nào; ngoài ra các vết bớt hoặc dị tật này phải hiện rõ ngay sau khi sinh hoặc sau đó vài tuần.
  4. Những câu nói của trẻ về cuộc sống kiếp trước – khi ghi lại những câu này không nên chỉ nghe lời một phía của trẻ: Ít nhất phải có một người lớn hơn (chẳng hạn như bố, mẹ, hoặc anh, chị) làm chứng rằng trẻ đúng là đã nói về cuộc sống kiếp trước.
  5. Trẻ nhận ra được những người hoặc những đồ vật quen thuộc với người tiền kiếp.
  6. Trẻ có hành vi khác thường – cụ thể là hành vi không bình thường so với mọi người trong nhà và dường như giống với hành vi của người được cho là người tiền kiếp hoặc có thể suy ra được từ người đó (chẳng hạn như trẻ sợ súng đạn nếu người tiền kiếp đã bị bắn đến chết).

 

Không có trường hợp nào đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn trên. Một mối lo của tôi là trong một trường hợp nào đó, các câu nói của trẻ ấn tượng đến nỗi chúng tôi sẽ muốn lưu nó vào dù nó không hề có những đặc điểm còn lại. Ngoài ra cũng rất có thể có trường hợp đáp ứng được những tiêu chuẩn này nhưng chúng tôi lại chọn không đưa vào hồ sơ của mình. Nhìn chung, những tiêu chuẩn này đã rất có ích cho chúng tôi và tôi hi vọng rằng chúng giúp làm rõ trường hợp nào có thể đưa vào dữ liệu của chúng tôi.

Những tiêu chuẩn này cho thấy mức độ đáng tin cậy của các trường hợp rất khác nhau. Một số trường hợp có những bằng chứng khiến nhiều người phải tin đã có điều gì đó không bình thường xảy ra, trong khi những bằng chứng trong các trường hợp khác kém thuyết phục hơn rất nhiều. Mức độ đáng tin cậy của những trường hợp này thường tùy thuộc vào sự đánh giá của độc giả nhưng chúng tôi nghĩ cần phải thu thập được nhiều trường hợp hết mức có thể nhằm giúp người đọc có những thông tin rõ ràng nhất để làm cơ sở đánh giá.

Với từng trường hợp, những người điều tra điền vào một mẫu hồ sơ dài tám trang yêu cầu người điền phải ghi rất nhiều chi tiết về từng trường hợp. Hồ sơ cũng bao gồm những dòng ghi chép về nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau cùng với bất cứ tấm ảnh hay băng ghi âm nào đã chụp hoặc thu lại. Một lúc nào đó, tất cả những thông tin này sẽ được chuyển sang dạng mã để có thể đưa nó vào cơ sở dữ liệu máy tính. Bộ mã gồm 200 biến số đã được gán cho các giá trị khác nhau để nhập được vào máy tính. Những giá trị này bao gồm nước xuất thân của trẻ, phản ứng ban đầu của bố mẹ trẻ đối với những lời kể của các em, khoảng cách giữa gia đình trẻ và gia đình người tiền kiếp và rất nhiều chi tiết nhỏ khác. Bằng cách nhập những thông in đó vào cơ sở dữ liệu, chúng tôi có thể nhìn thấy được những đặc điểm chung của từng nhóm trường hợp mà trước đó không thể nhận ra được khi xem xét riêng lẻ. Chẳng hạn như tôi có thể nói được rằng trong 18% các trường hợp có bớt ở Ấn Độ, chúng tôi đã tìm được hồ sơ khám bệnh khẳng định vết bớt giống vết thương của người tiền kiếp vì chúng tôi đã nhập tất cả dữ liệu về 412 trường hợp ở Ấn Độ vào máy tính và tôi chỉ cần tìm tần suất của đặc điểm đó. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều công sức và phải mất nhiều năm nữa chúng tôi mới nhập được hết các trường hợp vào cơ sở dữ liệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn