CHƯƠNG 6: Những hành vi khác thường

05 Tháng Giêng 201602:58(Xem: 3723)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 6
NHỮNG HÀNH VI KHÁC THƯỜNG

Kendra Carter – một cô bé sống ở bang Florida – chỉ mới bốn tuổi rưỡi khi em tới dự buổi học bơi đầu tiên với một huấn luyện viên tên Ginger. Ngay lập tức cô bé nhảy vào lòng Ginger và tỏ ra rất quấn quýt chị. Khi Ginger phải hủy bỏ một buổi học ba tuần sau đó, Kendra đã khóc mãi không thôi. Khi cô bé được đi học tiếp một thời gian ngắn sau đó, em đã rất vui sướng và bắt đầu kể về Ginger luôn miệng.

Vài tuần sau, Kendra bắt đầu nói rằng con của Ginger đã chết vì Ginger đã bị bệnh nên đã phải phá thai. Khi mẹ cô bé hỏi em vì sao lại biết được những điều đó, Kendra trả lời: “Con là đứa bé trong bụng của cô ấy”. Vào thời điểm đó, Kendra chỉ mới gặp Ginger trong các buổi học và mẹ cô bé biết rằng hai người chưa bao giờ ở riêng với nhau. Kendra đã miêu tả một vụ phá thai và nói rằng Ginger đã để một người xấu lôi cô bé ra ngoài và em đã cố bám lại nhưng không được. Cô bé kể mình đã rất sợ hãi khi phải ở một nơi tối tăm, lạnh lẽo sau đó. Mẹ của Kendra cuối cùng cũng nghe được từ Ginger rằng đúng là chị đã phải phá thai chín năm trước khi Kendra được sinh ra vì lúc đó chị chưa có gia đình, bị bệnh và mắc phải chứng chán ăn.

Kendra cũng bắt đầu nói mình sẽ chết vì Ginger đã không thể sinh ẻma được. Cô bé nói: “Con phải chết và lần này con sẽ không quay trở lại nữa”. Nỗi sợ chết này lớn đến nỗi mẹ Kendra phải đưa cô bé đến gặp một bác sĩ trị liệu – người đã đề nghị một phương pháp chữa trong đó Kendra sẽ được chính Ginger “sinh ra”. Sau đó, nỗi sợ chết của cô bé dường như cũng mất dần.

Mặc dù Ginger thường lạnh lùng với cô bé nhưng Kendra lại bắt đầu tỏ ra rất vui vẻ và sôi nổi khi ở cạnh Ginger rồi lại im lặng và khép mình những thời gian còn lại. Mẹ cô bé ngày càng cho phép em ở bên cạnh Ginger nhiều hơn. Cuối cùng, Ginger đã dành một căn phòng trong nhà mình cho Kendra và em ngủ ở đó ba đêm một tuần. Mẹ Kendra thấy rất khó khăn mỗi lần vắng cô bé, nhưng chị cho phép điều đó vì lòng mong muốn được ở cạnh Ginger của Kendra quá lớn.

Một điều không may là Ginger và mẹ của Kendra sau này lại có bất hòa và Ginger nói không muốn gặp Kendra nữa. Sau sự việc này, Kendra đã không nói trong suốt hơn bốn tháng. Cô bé không tỏ ra có hứng thú gì với các hoạt động, ăn rất ít và ngủ rất nhiều. Vào cuối khoảng thời gian đó, Ginger đã gặp Kendra hai tiếng đồng hồ. Trong lần gặp mặt này, Kendra lại bắt đầu mở miệng nói và bảo với Ginger rằng cô bé rất yêu chị. Ginger lại tiếp tục đến thăm Kendra nhưng Kendra thấy không thoải mái khi đến nhà chị. Dần dần Kendra bắt đầu nói và tham gia vào nhiều hoạt động hơn.

Mẹ Kendra thấy tất cả việc này rất đáng lo ngại. Cách con gái mình thể hiện làm chị lo lắng và cả khả năng đầu thai cũng khiến chị phiền muộn. Chị cho rằng có lẽ linh hồn của Kendra đã đi tìm một cơ thể khác sau khi Ginger phá thai nhưng chị không chấp nhận coi đầu thai là một quá trình bình thường.

Trường hợp này đưa ra một số câu hỏi khó trả lời. Vì sao một cô bé mới hơn bốn tuổi lại nghĩ mình đã từng liên quan đến một vụ phá thai? Điều gì đã khiến cô bé cho rằng mình đã được đầu thai trong khi em đang được nuôi nấng bởi một người mẹ không hề nghĩ rằng có hiện tượng đầu thai? Và vì sao cô bé lại quấn quýt đến vậy với một người phụ nữ thường không trìu mến đối với em?

Những cảm xúc còn lưu lại

Nỗi đau buồn mà Kendra phải chịu là một ví dụ của yếu tố cảm xúc hiện diện trong nhiều trường hợp của chúng tôi. Việc trẻ khóc đòi bố mẹ mình đưa các em về với gia đình trước kia trong nhiều năm cho đến tận khi bố mẹ các em chịu nhượng bộ không phải là hiếm. Những đứa trẻ khác thể hiện cảm xúc bột phát trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như Olivia trong chương trước chỉ đau buồn trong lần duy nhất cô bé kể về việc đã mất đi gia đình của mình. Bên cạnh lòng mong mỏi được trở về gia đình trước kia mà nhiều trẻ đã thể hiện, đối với một vài người trong gia đình đó, một số em còn bộc lộ những thứ tình cảm phù hợp với mối quan hệ người tiền kiếp đã có với họ. Chẳng hạn, trẻ thường tỏ thái độ tôn kính trước mặt chồng hay bố mẹ của người tiền kiếp nhưng lại ra vẻ bề trên đối với em của người đó, ngay cả khi những người này đã là người lớn ở thời điểm trẻ gặp họ.

Sukla Gupta ở Ấn Độ là một đối tượng nhỏ tuổi đã thể hiện cảm xúc rất mãnh liệt. Cô bé chưa được hai tuổi khi bắt đầu có thói quen ẵm một mảnh gỗ hoặc một chiếc gối và gọi nó là “Minu”. Cô bé nói Minu là con gái mình và trong vòng ba năm sau đó, cô bé dần dần kể về cuộc sống kiếp trước nhiều hơn. Em cho biết một số chi tiết, bao gồm tên và khu vực nơi em sống ở một ngôi làng nằm cách đó 17 km. Một người phụ nữ ở đó có một đứa con gái nhỏ tên Minu, đã chết từ sáu năm trước khi Sukla chào đời được xác định là người tiền kiếp. Khi Sukla được năm tuổi, người nhà cô bé đã đến gặp gia đình của người tiền kiếp. Cô bé đã khóc khi gặp Minu, lúc đó đã 11 tuổi và tỏ ra âu yếm như một người mẹ đối với con. Có một lần, một trong những người em họ của người tiền kiếp đã thử Sukla bằng cách giả vờ nói với cô bé rằng Minu đã bị sốt rất cao. Sukla bắt đầu khóc và người ta không thể nào dỗ được cô bé trong suốt một thời gian. Một lần khác, Minu đã bị ốm thật sự và khi Sukla biết được tin này, cô bé lại khóc và đòi được đưa đến chỗ Minu. Cô bé cứ hoảng loạn như thế cho đến tận ngày hôm sau khi gia đình em đưa em đến thăm Minu, lúc đó đã khỏe hơn trước.

Sukla cũng tỏ ra rất tôn kính trước chồng của người tiền kiếp. Sau khi hai người gặp nhau, cô bé rất mong ngóng anh đến thăm mình. Anh đã làm như vậy hàng tuần trong khoảng một năm, cho đến khi người vợ thứ hai của anh phàn nàn về chuyện đó. Sukla ít kể về kiếp trước của mình hơn sau độ tuổi 11 và cô bé cũng dần dần mất đi cảm giác gắn bó với chồng của người tiền kiếp và Minu. Cho đến khi bước vào tuổi thiếu niên, cô bé phàn nàn rằng em bị quấy rầy mỗi lần họ đến thăm em.

Tình cảm của các đối tượng không phải lúc nào cũng giảm đi theo thời gian và có ít nhất một đối tượng, Maung Aye Kyaw ở Myanmar, khi lớn lên đã kết hôn với người vợ góa của người tiền kiếp. Mức độ dài lâu của tình cảm thường phụ thuộc vào việc các gia đình giữ liên lạc với nhau đến mức nào sau lần gặp mặt đầu tiên. Nhiều gia đình trở nên khá thân thiết và thường xuyên đến thăm nhau, ít nhất là lúc đầu, nhưng có một số gia đình lại khá xa cách. Khoảng cách kinh tế xã hội lớn giữa các gia đình đôi khi cũng gây nên không khí ngượng ngập giữa hai bên.

Các đối tượng cũng có thể bộc lộ cảm xúc tiêu cực đối với những người trong cuộc đời của người tiền kiếp. Tôi đã nhắc đến trường hợp của Ekkaphong – một cậu bé đã cố bóp cổ người đàn ông cậu nghĩ là kẻ gây ra cái chết của mình ở kiếp trước. Các đối tượng khác đã thể hiện thái độ tức giận tương tự hoặc nỗi sợ hãi đối với những người các em cho là kẻ đã giết chết người tiền kiếp. Bongkuch Promsin – một trường hợp tôi sẽ đi sâu vào chi tiết hơn trong Chương 8 – nói rằng khi trưởng thành em sẽ giết kẻ sát hại người tiền kiếp, nhưng may thay những lời đe dọa của cậu bé thưa dần khi em lớn lên. Maung Aye Kyaw – đối tượng đã cưới người vợ góa của người tiền kiếp – đã ném đá vào một trong số những người đàn ông mà cậu bé nói là những kẻ đã giết mình trong kiếp trước và các đối tượng khác cũng làm điều tương tự với những kẻ sát hại hoặc những người bị nghi là đã sát hại người tiền kiếp của em.

Những nỗi sợ hãi liên quan đến cái chết

Nhiều đối tượng có một nỗi sợ hãi liên quan đến cách người tiền kiếp đã chết. Trong số những trường hợp mà người tiền kiếp chết vì các nguyên nhân bất thường, có hơn 35% đối tượng có các nỗi sợ hãi liên quan đến kiếp trước. Chúng tỏ ra đặc biệt phổ biến trong những trường hợp chết đuối, với 31 trong số 53 trường hợp. Chúng ta có thể suy luận rằng tỷ lệ này cao vì những nạn nhân chết đuối lâu chết hơn so với những người bị tử vong trong một vụ tai nạn xe cộ hoặc bị bắn chết.

Những nỗi sợ này có thể xuất hiện ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Shamlinie Prema – cô bé tôi đã nhắc đến trong Chương 1 – rất sợ bị ngâm trong nước ngay từ khi mới được sinh ra. Phải có ba người giữ lấy cô bé mới tắm được cho em. Bắt đầu từ sáu tháng tuổi, cô bé cũng bộc lộ chứng sợ xe buýt. Khi đến tuổi biết nói, em kể lại kí ức về cuộc đời của một cô bé sống ở ngôi làng Galtudawa bên cạnh và trên thực tế, những từ đầu tiên của cô bé là “mẹ Galtudawa”. Cô bé ở ngôi làng Galtudawa đã chết ở độ tuổi 11 từ một năm rưỡi trước khi Shamlinie được sinh ra. Cô bé đang đi bộ dọc theo một con đường hẹp thì một chiếc xe buýt chạy đến. Khi tránh chiếc xe, em đã rơi xuống một cánh đồng ngập nước và chết đuối.

Shamlinie bắt đầu vượt qua được nỗi sợ tắm của mình khi lên ba tuổi và nỗi sợ này đã hoàn toàn biến mất khi em bước sang tuổi thứ bốn. Chứng sợ xe buýt của cô bé kéo dài hơn, cho đến tận năm em được năm tuổi rưỡi, cũng là thời gian em ngừng kể về kiếp trước. Chứng sợ của Shamlinie rất giống với Sujith Jayaratne – cậu bé trong chương trước mắc chứng sợ xe tải – và thậm chí cả từ xe tải.

Nhìn chung, khi trẻ lớn hơn, chứng sợ của các em cũng có xu hướng giảm dần cùng các câu nói về kiếp trước. Tuy vậy vẫn có những trường hợp ngoại lệ trong đó những đứa trẻ lớn hơn vẫn sợ hãi cho dù các em dường như không còn kí ức về những sự việc liên quan xảy ra trong kiếp trước.

Những sở thích bẩm sinh

Trường hợp của Sujith Jayaratne là điển hình của một hành vi khác thường khác chúng tôi đã nhận thấy trong một số trường hợp – những sở thích về các chất gây nghiện mà người tiền kiếp đã sử dụng. Sujith thể hiện sự thèm muốn được uống rượu và hút thuốc, cũng như một số đối tượng khác. Mặc dù điều này không phải là phổ biến, nhưng có 34 trẻ trong số 1100 trường hợp có một sở thích khác thường đối với rượu và thuốc lá, giống như người tiền kiếp của các em.

Một số trẻ có những thói quen và sở thích về các món ăn không bình thường, một điều có thể gây rắc rối cho một số trẻ ở Ấn Độ có kí ức về những người thuộc tầng lớp xã hội cảo hơn mình. Jasbir Singh – một cậu bé Ấn Độ, đã thuật lại kí ức về cuộc đời của một người Bà La Môn – một người thuộc tầng lớp cao hơn gia đình cậu. Cậu bé không chịu ăn thức ăn trong nhà mình và một người hàng xóm theo đạo Bà La Môn tốt bụng cạnh nhà cậu đã đồng ý chuẩn bị các món ăn cho em theo kiểu của người Bà La Môn. Việc này tiếp diễn trong vòng hơn một năm rưỡi cho đến khi cậu bé chịu ăn thức ăn do người nhà mình làm.

Trong một số trường hợp, đối tượng có thể là người duy nhất trong nhà mình thích ăn một món vốn là món ưa thích đặc biệt của người tiền kiếp. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy trong những trường hợp ở nước ngoài.Tiến sĩ Stevenson, cùng tiến sĩ Keil trong một số trường hợp gần đây, đã thu thập được 24 trường hợp của những đứa trẻ ở Miến Điện(Myanmar) nói rằng mình từng là những người lính Nhật bị tử trận ở Miến Điện trong Thế chiến thứ hai. Trong số này chưa có em nào cung cấp đủ thông tin cụ thể để xác định được một người tiền kiếp ở Nhật Bản nhưng các thói quen hành vi của các em rất đặc biệt, bao gồm cả sở thích về thức ăn. Một số em này phàn nàn về các món ăn nhiều gia vị của Miến Điện và thích ăn những món ngọt, cá sống hoặc gỏi cá.

Trường hợp của Ma Tin Aung Myo, được sinh ra vào năm 1953, là một ví dụ rõ ràng. Trong thời gian mang thai cô bé, mẹ em đã có ba giấc mơ về một đầu bếp trong quân đội Nhật Bản mà chị có biết trong thời gian quân đội Nhật chiếm đóng Miến Điện, trong đó người này đi theo chị và nói muốn đến sống với gia đình chị. Khi Ma Tin Aung Myo được bốn tuổi, một ngày nọ, khi đang đi bộ với bố mình, cô bé rất sợ hãi khi nhìn thấy một chiếc máy bay bay ngang trên đầu. Sau lần đó, cô bé khóc mỗi lần có máy bay bay ngang qua, hành vi này kéo dài trong vài năm. Cô bé nói em sợ rằng máy bay sẽ bắn vào mình. Vào khoảng thời gian đó, cô bé cũng bắt đầu nói muốn về Nhật Bản và dần dần em đã kể lại câu chuyện về kiếp trước kia em từng là một người lính Nhật Bản bị giết chết bởi đạn súng máy bắn ra từ một chiếc máy bay tầm thấp trong lúc đóng quân ở ngôi làng cô bé đang sống.

Bên cạnh chứng sợ máy bay và nỗi nhớ Nhật Bản, Ma Tin Aung Myo còn phàn nàn về khí hậu nắng nóng ở Miến Điện. Cô bé cũng không thích các món ăn nhiều gia vị của Miến Điện mà thích ăn đồ ngọt hơn, hồi còn bé em rất thích cá, đặc biệt là món gỏi cá. Cô bé đã dùng những từ người nhà của em không thể hiểu được, nhưng vì xung quanh em không có ai biết tiếng Nhật nên chúng tôi không có cách nào để biết được liệu những từ đó có phải từ tiếng Nhật hay không.

Ma Tin Aung Myo không có một đặc điểm vẫn thấy ở các đứa trẻ trong một số trường hợp Miến Điện – Nhật Bản khác, đó là thái độ cực kỳ miễn cưỡng khi phải mặc trang phục truyền thống của người Miến Điện. Nam giới và phụ nữ ở Miến Điện thường mặc longyis – một trang phục tương tự như một chiếc váy dài đến mắt cá chân, cùng một chiếc áo sơ mi – nhưng một số trẻ đã khăng khăng đòi được mặc quần, như nam giới Nhật Bản vẫn thường mặc.

Những đứa trẻ ở Miến Điện nói rằng mình từng là lính Nhật khá giống với trường hợp chưa được giải quyết của Carl Edon, một cậu bé người Anh có vẻ nhớ được cuộc đời của một phi công người Đức trong Thế chiến thứ hai. Được sinh ra vào năm 1972, khi được hai tuổi cậu bé bắt đầu nói: “Con đã đâm máy bay vào một cửa sổ”. Cậu bé dần dần kể thêm nhiều chi tiết về việc mình đang thực hiện nhiệm vụ ném bom xuống nước Anh khi bị đâm máy bay. Cậu bé cũng diễn tả cách chào của quân phát xít và cách hành quân bước chân ngỗng của lính Đức. Cậu bé nói muốn sống ở Đức. Không giống như những thành viên khác trong gia đình mình, cậu bé thích ăn xúc xích và súp đặc.

Bên cạnh những cách cư xử cho thấy có sự khác nhau về quốc tịch, một số trường hợp khác còn có những hành vi là dấu hiệu của sự khác biệt về tầng lớp xã hội. Tôi đã nhắc đến Jasbir Singh – cậu bé không chịu ăn các món ăn không phải là của người Bà La Môn. Cậu bé cũng sử dụng những từ để chỉ một số đồ vật mà những người thuộc tầng lớp cao hơn vẫn dùng. Cậu bé vẫn tiếp tục nghĩ mình là một người Bà La Môn khi lớn lên. Khi đến tuổi trưởng thành, cậu gặp khó khăn khi đi tìm một công việc cậu nghĩ không thấp kém so với mình. Một số trẻ khác lại có những hành vi khác thường theo chiều hướng ngược lại. Swaran Lata – một cố bé được sinh ra trong một gia đình Bà Là Môn – nói mình đã từng là một người quét dọn đường phố và lau chùi nhà vệ sinh. Cô bé thường khá bẩn và hay dọn phân của những đứa trẻ nhỏ. Hồi nhỏ em cũng không chịu đi học và nói: “Chúng tôi là lao công quét dọn. Trong nhà tôi chẳng có ai đi học và tôi cũng không cho con đi học bao giờ”.

Các trò chơi

Nơi trẻ thường thể hiện các hành vi khác thường trong những trường hợp này là ở các trò chơi. Trong Chương 1, tôi đã nói đến Parmod Sharma – một cậu bé chơi trò giả làm một chủ tiệm bánh quy môt cách say mê đến nỗi kết quả học tập của cậu đã bị ảnh hưởng. Kiểu trò chơi như vậy khá phổ biến với ít nhất một phần tư đối tượng chơi những trò có nội dung liên quan đến kiếp trước. Chúng thường là những trò bắt chước công việc của người tiền kiếp như trong trường hợp của Parmod, nhưng ngoài ra vẫn có những kiểu khác. Tôi đã miêu tả trường hợp của Sukla Gupta – một cô bé thường ẵm một mảnh gỗ hoặc một chiếc gối trong tay và gọi nó là Minu – tên con gái của người tiền kiếp.

Một số trẻ còn diễn lại cách người tiền kiếp đã chết. Maung Myint Soe – một cậu bé ở Myanmar kể lại kí ức về một người đàn ông bị chết đuối khi đi phà – thỉnh thoảng vẫn diễn một cảnh trong đó cậu bé giả vờ như đang tìm cách thoát khỏi một chiếc phà đang chìm. Ramez Shams ở Lebanon(Li Băng) cũng diễn lại cảnh tự sát của người tiền kiếp bằng cách nhiều lần dí một chiếc que vào dưới cằm mình và coi nó là một khẩu súng. Những trò chơi như vậy khá hiếm trong các trường hợp của chúng tôi, nhưng lại tương tự với trò chơi của những trẻ đã trải qua một chấn thương lớn. Những đứa trẻ đó có thể có một hành vi được gọi là trò chơi hậu chấn thương, trong đó các em diễn lại sự kiện gây chấn thương với búp bê hoặc các vật thể khác.

Nếu các đối tượng của chúng tôi đúng thật là những trường hợp đầu thai, thì những trò chơi này, cùng với các chứng sợ có liên quan đến cách người tiền kiếp đã chết ở một số đối tượng, cho thấy rằng chấn thương tâm lý gây ra bởi một cái chết bất thường có thể được truyền từ kiếp này sang kiếp sau. Mặc dù ở một số mặt nào đó, điều này không đáng ngạc nhiên và phù hợp với hiện tượng các vết bớt được bắt nguồn từ những vết thương chí mạng trong kiếp trước nhưng việc những người đã gặp phải những cái chết thương tâm không thẻ nào quên được ngay là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thay đổi giới tính

Trong các trường hợp thay đổi giới tính, những trường hợp trong đó trẻ nhận là mình nhớ được cuộc đời của những người thuộc giới tính khác, chúng tôi đã nhận thấy các hành vi khác giới. Trong số các trường hợp thay đổi giới tính, 21 trong số 34 đối tượng (62%) có những hành vi phù hợp với giới khác. Một ví dụ đơn cử là Kloy Matwiset – cậu bé trong chương 4 được sinh ra với một vết bớt ở đằng sau cổ giống với các vết người ta đã đánh dấu lên thi thể của bà ngoại cậu. Cậu bé có một số hành vi khác giới, như nói mình muốn trở thành con gái, ngồi xuống để đi tiểu và nhiều lần sử dụng son môi, khuyên tai, váy của mẹ cậu.

Một trường hợp thay đổi giới tính khác tôi đã miêu tả là Ma Tin Aung Myo – cô bé người Miến Điện có kí ức về cuộc đời của một người lính Nhật bị tử trận ở Miến Điện trong Thế chiến thứ hai. Cô bé cũng có ý thức rất mạnh rằng mình là con trai. Khi còn nhỏ, cô bé chơi với các bạn nam và em đặc biệt thích đóng giả làm lính. Cô bé nói muốn trở thành một người lính và đòi bố mẹ mua súng đồ chơi cho mình. Cô bé cũng khăng khăng muốn mặc quần áo con trai, điều này đã dẫn đến một sự kiện gây náo động khi ban giám hiệu trường yêu cầu cô bé phải mặc quần áo con gái đến trường. Cô bé không chịu và bỏ học ở độ tuổi 11. Khi đã trưởng thành, cô bé vẫn nghĩ mình là một chàng thanh niên và cô muốn mọi người gọi mình bằng danh xưng dành cho nam giới chứ không phải nữ giới. Lần cuối cùng Tiến sĩ Stevenson gặp gia đình cô là khi cô đã 27 tuổi. Ở thời điểm đó, cô đang sống với người bạn gái lâu năm của mình ở một thị trấn khác. Gia đình cô kể rằng cô vẫn bày tỏ mong muốn được gia nhập quân ngũ và vẫn tiếp tục ăn mặc như một người đàn ông.

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi khác giới, chúng ta cần phải xét đến quan điểm hiện thời về chứng rối loạn nhận dạng giới tính nói chung. Đó là một hội chứng trong đó trẻ nghĩ mình thuộc giới tính khác và thấy không thoải mái với giới tính hiện tại của mình. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về nó, nguyên nhân của chứng rối loạn này hầu như vẫn chưa được tìm ra. Có ý kiến cho rằng phải có sự tương tác giữa một số yếu tố sinh học và tâm lý trong một khoảng thời gian khủng hoảng mới gây ra được hội chứng này. Một số người lại suy đoán rằng nó có thể liên quan đến các kích thích tố giới tính trong thời gian mang thai của người mẹ, nhưng có rất ít bằng chứng trực tiếp để chứng minh điều đó.

Phần lớn nghiên cứu về chứng rối loạn nhận dạng giới tính đều được thực hiện với các cậu bé. Mặc dù chứng này hiếm gặp ở trẻ, nó lại phổ biến hơn nhiều ở con trai so với con gái. Những nghiên cứu này không đưa ra được bằng chứng rõ ràng nào cho hấy mẹ của các cậu bé mắc chứng này muốn có con gái hơn những người mẹ khác, nhưng trong một số trường hợp, sự thất vọng của họ vì đã không sinh ra được một đứa con gái có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa họ và con trai của mình. Các yếu tố liên quan khác có thể là sự rối loạn tâm lý của bố mẹ, nỗi lo sợ bị chia cắt khỏi bố mẹ của nhiều trẻ và các vấn đề tâm lý khác, chẳng hạn như mối quan hệ xa cách giữa bố – con trai và quan niệm của một người mẹ rằng con gái tình cảm hơn con trai.

Trong trường hợp của Kloy, bố mẹ cậu bé nghĩ rằng con mình chính là hiện thân của bà ngoại vì có vết bớt ở đằng sau cổ và chúng ta có thể tự hỏi liệu có phải họ đã vô tình làm hành vi của cậu bé trở nên nữ tính với suy nghĩ đó hay không, mặc dù họ nói rằng họ không nói chuyện với cậu bé về kiếp trước và không ủnghộ những hành vi khác giới của em. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp của Ma Tin Aung Myo. Các giấc mơ của mẹ cô bé về người lính Nhật đã có thể ít nhất làm nảy sinh một suy nghĩ trong đầu chị rằng người này sẽ đầu thai làm con mình, nhưng chị không hề chủ động khuyến khích Ma Tin Aung Myo muốn làm một cạu bé.

Liệu ước muốn hay mong đợi của một người mẹ có thẻ gây ảnh hưởng lớn đến ý thức giới tính sau này của trẻ hay không vẫn còn là một điều chưa rõ ràng. Gần đây đã có tin về những trường hợp trong đó các em bé trai được nuôi nấng như con gái sau khi gặp một tai nạn hồi nhỏ khiến các em bị mất đi dương vật. Trong một trường hợp, bệnh nhân quả thật đã phát triển ý thức giới tính nữ nhưng lại là một có bé nghịch ngợm như con trai và sau này có định hướng tình dục với cả hai giới nhưng lại chủ yếu bị thu hút bởi nữ giới. Trong các trường hợp khác, bệnh nhân lại có ý thức giới tính là nam mặc dù bố mẹ các em đã cố hết sức để nuôi dạy con mình thành con gái, chính vì thế chúng tôi có rất ít lý do để nghĩ rằng các bậc bố mẹ trong các trường hợp của chúng tôi, với niềm tin về kiếp trước của con mình, đã vô tình ảnh hưởng đến con họ theo những cách mà có thể dẫn đến hội chứng rối loạn nhận dạng giới tính.

Trường hợp của Erin Jackson – một cô bé người Mỹ có bố mẹ là những tín đồ đạo Tin Lành tin vào sự đầu thai ngay từ trước khi trường hợp này xảy ra là một ví dụ rõ rệt. Khi được ba tuổi, cô bé bắt đầu nói mình đã từng là con trai và sống với một người mẹ kế và một người anh trai tên James – một người chỉ thích mặc đồ màu đen. Cô bé không cho biết thời gian cụ thể, nhưng dường như em đang nhớ lại một cuộc sống cách đây rất lâu, vì em vẫn thường nói những câu như: “Cái thời còn có ngựa tốt hơn bây giờ nhiều. Những chiếc xe này thật kinh khủng. Chúng chỉ phá hỏng mọi thứ”.

Đôi lúc Erin nói cô bé ước gì mình là con trai và hồi còn nhỏ, cô bé khăng khăng đòi mặc quần áo con trai, kể cả những bộ đồ bơi. Khi Erin chỉ chịu mặc chiếc quần trong bộ đồ bơi hai mảnh, mẹ cô bé đành phải mua bộ đồ một mảnh cho con mình. Khi Erin lớn lên, cô bé chỉ mặc váy khoảng ba lần trong một năm và chỉ khi nó không có ren hay đăng ten.

Chúng ta có thể xét đến một vài khả năng để giải thích cho các hành vi khác giới trong các trường hợp của chúng tôi. Một khả năng là hành vi khác giới và những câu nói về kiếp trước chỉ ngẫu nhiên đi kèm với nhau. Bằng chứng phản bác lại điều này là hàng tá các trường hợp chúng tôi đã phát hiện trong đó hội chứng rối loạn nhận dạng giới tính – một hội chứng rất hiếm – cùng tồn tại với những câu nói về việc mình đã từng là một người thuộc giới khác. Với nhiều trường hợp như vậy, chúng tôi phải kết luận rằng hai hiện tượng này có liên quan đến nhau.

Chúng ta có thể nghĩ rằng hành vi khác giới có ở Kloy Matwiset và Ma Tin Aung Myo bắt nguồn từ việc bố mẹ các em nghĩ rằng con mình chính là hiện thân của những người thuộc giới khác, nhưng chúng tôi không thể làm như vậy trong trường hợp của Erin. Bố mẹ cô bé không cho rằng con gái mình là do người nào đầu thai và những lời của cô bé rằng em đã từng là con trai, đi kèm với các cử chỉ nam tính của em, rõ ràng là một điều rất đáng ngạc nhiên. Chúng ta có thể nghĩ rằng cô bé đã muốn trở thành con trai trước và sau đó mới tưởng tượng mình đã là con trai trong kiếp trước. Cách giải thích như vậy cho những trường hợp này – rằng chính chứng rối loạn nhận dạng giới tính đã dẫn đến những câu nói về kiếp trước – không thể áp dụng được trong trường hợp của Kloy vì bố mẹ cậu bé đã nghĩ con mình là do bà cậu đầu thai ngay từ trước khi cậu phát triển ý thức giới tính. Những trường hợp này sẽ đặt chúng ta vào một tình thế khó khăn nếu chúng ta muốn sử dụng các cách giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên. Trong trường hợp của Erin, chúng ta có thể sẽ cho rằng chính ước muốn làm người khác giới đã dẫn đến niềm tin về kiếp trước, còn trường hợp của Kloy, chúng ta sẽ nghiêng về giả thiết rằng các hành vi khác giới chính là hậu quả của niềm tin về kiếp trước.

Vì mối quan hệ giữa hành vi khác giới và niềm tin rằng đứa trẻ là một người thuộc giới khác trong kiếp trước có thể diễn ra theo hai chiều hướng nến không phải lúc nào hiện tượng này cũng dẫn đến hiện tượng kia. Vậy thì chúng ta sẽ giải thích những hành vi này như thế nào? Cách giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên cuối cùng sẽ là gia đình trẻ đã phóng đại mức độ hành vi khác giới do họ tin rằng trong kiếp trước con mình đã là một người thuộc giới khác. Khả năng này có vẻ rất nhỏ trong những trường hợp nghiêm trọng như của Ma Tin Aung Myo – cô bé đã từng nói với Tiến sĩ Stevenson và người phiên dịch của ông rằng họ có thể giết em theo bất cứ cách nào họ muốn miễn là họ đảm bảo rằng em sẽ đầu thai lại làm con trai. Tiến sĩ Stevenson đã ghi là ông không hề muốn làm điều thứ nhất và cũng không có khả năng để thực hiện điều thứ hai.

Những cặp sinh đôi cùng có kí ức tiền kiếp

Các đối tượng là những cặp sinh đôi có đóng góp rất đặc biệt trong quá trình tìm hiểu về hành vi của trẻ của chúng tôi. Trong Chương 4, tôi đã bàn về Indika Ishwara – một cậu bé trong cặp sinh đôi ở Sri Lanka có kí ức về cuộc đời của một cậu bé đã chết vì chứng viêm não khi mới 10 tuổi. Anh trai sinh đôi của Indika – Kakshappa, cũng nói mình nhớ được kiếp trước. Cậu bé kể về nó trước Indika và nói rằng mình đã bị cảnh sát bắn. Dựa vào những câu em nói, gia đình cậu bé cho rằng cậu đang nói về cuộc đời của một người đã chết khi tham gia một cuộc nổi loạn ở Sri Lanka vào năm 1971. Người nhà cậu bé cười khi nghe những lời này của cậu, và em đã sớm ngừng nói về kiếp trước của mình.

Cặp sinh đôi này có một số điểm khác nhau về tính khí và cách xử sự. Indika – người có kí ức về cuộc đời của một cậu bé học sinh – thường rất hiền lành và điềm tĩnh, trong khi đó Kakshappa – người nhớ được cuộc đời của một người nổi loạn – lại tỏ ra ngang bướng và thường rất hung hăng. Khi còn nhỏ Indika rất mộ đạo, cũng như người tiền kiếp của mình, nhưng Kakshappa thì không. Indika thông minh hơn và hứng thú với việc học nên đã đạt được kết quả học tập tốt, còn Kakshappa lại học rất kém. Các đường nét của Indika thậm chí cũng giống với cậu bé trong kí ức của em. Bố mẹ của cặp sinh đôi này nhận thấy những điểm khác nhau về tính cách của các em giảm dần khi các em lớn lên.

Chúng ta có thể giải thích những sự khác nhau ban đầu bằng cách nào? Những câu nói về kiếp trước của hai cậu bé này xảy đến ở một thời điểm dường như là quá muộn để có thể khiến bố mẹ các em cư xử với các em theo một cách nào đó mà đã dẫn đến sự khác biệt này. Trong quá trình lớn lên, một số cặp sinh đôi lại hình thành những sở thích trái ngược – một điểm làm nhấn mạnh nét đặc biệt của mỗi người. Trong trường hợp này, hiện tượng các điểm khác biệt bắt đầu từ bé và giảm dần theo thời gian dường như có liên quan đến một yếu tố bẩm sinh vì các em là một cặp sinh đôi. Nếu những điểm khác nhau ban đầu có nguồn gốc từ kiếp trước, vậy thì sự thật rằng chúng giảm dần theo thời gian cho thấy có thể ảnh hưởng của kiếp trước đã mất dần theo thời gian hoặc những sự kiện trong kiếp này đã dần dần có tác động lớn hơn đến các cậu bé.

Trường hợp cặp sinh đôi của gia đình Pollock

Gillian và Jennifer Pollock được sinh ra ở Hexham, Northumberland, nước Anh vào năm 1958. Các chị gái của hai em – Joanna và Jacqueline – đã bị chết từ một năm rưỡi trước khi cặp sinh đôi ra đời khi bị một chiếc xe hơi đâm phải trong lúc đang đi bộ đến nhà thờ. Khi mẹ của hai cô bé mang thai Gillian và Jennifer, bố của các em – khác với vợ mình – lại tin vào sự đầu thai, đã quả quyết rằng hai đứa con gái đã mất của mình sẽ được tái sinh lại làm một cặp sinh đôi, mặc dù bác sĩ sản phụ đã nói chỉ có một bào thai.

Khi cặp đôi chào đời, bố mẹ các em nhận thấy có hai vết bớt trên người Jennifer – cô em gái – tương tự với hai vết trên cơ thể của Jacqueline – người em trong số hai người con gái đã mất. Một vết giống với vết bớt trên hông của Jacqueline đã bị khi cô bé ngã vào một chiếc xô và bị xước trán. Gillian – người chị song sinh – không có vết bớt nào.

Gia đình họ chuyển đi khỏi Hexham khi cặp sinh đôi chỉ mới chín tháng tuổi. Khi bước sang tuổi thứ ba, các em bắt đầu nói về những người chị của mình và đặc biệt, mẹ các em đã vài lần vô tình nghe được các em kể về những chi tiết của vụ tai nạn đã giết chết chị của mình. Bên cạnh đó, bố mẹ hai em đã cất đi đồ chơi của hai người chị khi hai cô bé chết, nhưng sau đó lại lấy ra hai con búp bê. Khi cặp sinh đôi nhìn thấy chúng, Gillian đã lấy con búp bê trước đây của Joanna – người chị đầu – còn Jennifer lấy con búp bê của Jacqueline. Hai em nói Ông già Noel đã tặng mình những con búp bê này và đó đúng là quà Giáng sinh dành cho hai chị của các em. Hơn nữa, khi Gillian nhìn thấy một dụng cụ vắt quần áo đồ chơi vốn là một món quà Giáng sinh của Joanna, cô bé đã nói: “Nhìn kìa! Đó là máy vắt quần áo đồ chơi của con”, và khẳng định chính Ông già Noel đã tặng nó cho mình.

Một ngày nọ, Gillian chỉ vào vết bớt trên trán của Jennifer và nói “Đó là vết bớt Jennifer bị khi em ngã vào một chiếc xô”. Mặc dù Jennifer không hề gặp tai nạn nào mới có vết bớt đó, Jacqueline quả thật đã ngã vào một chiếc xô và bị một vết thương khiến cô bé phải đi khâu và có sẹo suốt đời. Một lần khác, khi bố hai em đang vẽ tranh, ông đã mặc một chiếc áo khoác ngoài mẹ các em thường mặc khi những đứa con gái đầu vẫn còn sống. Jennifer nhìn thấy nó và hỏi: “Sao bố lại mặc áo khoác của mẹ ạ?”. Khi bố cô bé hỏi em vì sao em lại biết đó là áo của mẹ em, cô bé đã trả lời chính xác rằng mẹ mình đã thường mặc nó khi đi giao sữa.

Khi cặp sinh đôi được bốn tuổi, gia đình về thăm Hexham lần đầu trong một ngày. Trong lúc cả nhà đang di bộ dọc theo con đường gần một công viên nơi hai người chị gái từng đến chơi thường xuyên, cặp sinh đôi nói muốn băng qua đường để đến chỗ đu quay trong công viên. Cả những chiếc đu quay và công viên đều không nhìn thấy được ở thời điểm các em nói câu này.

Bên cạnh các vết bớt của Jennifer và các câu nói, hai cô bé còn có những hành vi tương tự như các chị. Gillian thường hay chỉ bảo Jennifer và được em gái ngoan ngoãn nghe theo, cũng như Joanna đã thường chỉ bảo cô em Jacqueline kém mình năm tuổi. Ngoài ra, khi cặp sinh đôi học viết chữ ở độ tuổi khoảng bốn tuổi rưỡi, Gillian ngay lập tức cầm bút chì giữa ngón tay cái và các ngón còn lại, nhưng Jennifer lại cầm bút thẳng đứng bằng nắm tay của mình. Jacqueline – vốn chỉ mới sáu tuổi khi bị chết – đã khư khư cầm bút theo cách này mặc dù cô giáo của cô bé đã cố hết sức để dạy em cách cầm bút đúng. Cuối cùng Jennifer cũng học được cách cầm bút đúng khi lên bảy tuổi nhưng đôi lúc cô bé vẫn quay lại cách cầm cũ thậm chí cả khi đã trưởng thành. Vì cô bé và Gillian là một cặp sinh đôi cùng trứng và sống trong cùng một môi trường nên sự khác biệt này thật khó hiểu.

Một điểm yếu rõ ràng của trường hợp này nằm ở lời quả quyết của người bố trước khi cặp sinh đôi chào đời rằng các em sẽ là hiện thân của hai người chị gái đã chết. Nó có thể đã làm mạnh thêm các mối liên quan mà người bố nghĩ mình thấy được và thậm chí cả xu hướng nói về hai người chị, mặc dù nó rõ ràng không phải là nguyên nhân gây ra các vết bớt trên người Jennifer. Cặp sinh đôi ngừng nói bất kỳ câu nào về chị mình khi các em lên bảy tuổi. Mẹ các em – một người lúc đầu không tin vào sự đầu thai – đến lúc đó đã bị các câu nói, vết bớt và hành vi của các em thuyết phục rằng hai em chính là những người chị đã mất đầu thai.

Giải thích những sự khác nhau về hành vi ở các đối tượng sinh đôi cùng trứng của chúng tôi là một thử thách lớn. Hai trường hợp tôi đã đưa ra cho thấy không những các đối tượng sinh đôi cùng trứng này có nhiều điểm khác biệt, mà những điểm khác biệt này còn nhất quán với những cuộc đời các em miêu tả. Những trường hợp sinh đôi này đưa ra câu hỏi về những yếu tố góp phần tạo nên tính cách. Nhìn chung, các nhà khoa học cho rằng bất cứ sự khác biệt giữa các cá nhân nào cũng đều có nguyên nhân về gen hoặc môi trường. Trong quá trình phát triển của trẻ, mức độ ảnh hưởng của gen so với môi trường vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi nhưng tính khí là một khái niệm có ích trong số những yếu tố sinh học góp phần dẫn đến sự khác nhau về tính cách. Tính khí chỉ cách cư xử của các cá nhân, chứ không phải lý do vì sao họ cư xử như vậy, hay còn gọi là động cơ, hoặc những việc họ làm được – còn gọi là khả năng. Các yếu tố sinh học như tính khí tương tác với những tác nhân môi trường khác để gây nên nhiều điểm khác nhau về tính cách giữa các cá nhân. Tính khí ở lứa tuổi nhỏ thường khá ổn định, nhưng khi trẻ lớn lên, các đặc điểm về tính khí có thể sẽ thay đổi.

Khi xét đến những cặp sinh đôi cùng trứng, chúng ta đang nói tới hai cá nhân có cùng một cấu trúc gen. Đúng như dự đoán, các cặp sinh đôi cùng trứng rất giống nhau về tính khí ở mức độ lớn hơn nhiều so với các cặp sinh đôi khác trứng, nhưng mức độ này không phải 100%. Tính khí được cho là một phạm trù sinh học nên rất khó để giải thích những đặc điểm khác nhau giữa các cặp sinh đôi cùng trứng, vì cấu trúc gen của họ hoàn toàn giống nhau.

Để lý giải được sự khác nhau về tính cách ở các cặp sinh đôi cùng trứng, chúng ta phải xem xét những tác nhân môi trường. Hầu hết các cặp sinh đôi đều sống trong cùng một môi trường nhưng có thể các bậc bố mẹ đối xử với mỗi đứa con sinh đôi của mình theo cách riêng và đã gây nên sự khác biệt. Hơn nữa, những trường hợp này cho thấy bên cạnh các yếu tố di truyền và môi trường, chúng ta cũng nên cân nhắc khả năng những đặc điểm khác nhau này chính là kết quả của những gì ý thức mang đến cho cơ thể mới.

Những hậu quả tâm lý

Những hành vi trong chương này là các bằng chứng ủng hộ cho cách giải thích bằng sự đầu thai và chỉ ra rằng không chỉ kí ức mới có thể tồn tại qua nhiều kiếp. Tình cảm, sự gắn bó, nỗi sợ, chứng nghiện, các sở thích yêu và ghét hay thậm chí ý thức về quốc tịch và giới tính đều có thể được truyền từ kiếp này sang kiếp khác.

Những tình cảm đó không phải lúc nào cũng tồn tại trong suốt kiếp này. Các hành vi thường chỉ kéo dài đến thời điểm trẻ ngừng nói về cuộc sống kiếp trước, nhưng nhìn chung chúng mất dần đi theo thời gian. Hầu hết các đối tượng trong các trường hợp thay đổi giới tính đều dần dần phát triển được ý thức giới tính phù hợp với giới tính bẩm sinh của mình. Ma Tin Aung Myo – đối tượng là một cô bé vẫn có ý thức giới tính nam khi lớn lên – là một ngoại lệ. Chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp trong đó các cảm xúc và hành vi không hề mất dần, nhưng khi xét đến những rắc rối có thể xảy ra trong hoàn cảnh như thế, có lẽ điều tốt nhất nên làm là đợi đến lúc chúng tự ra đi.

Tương tự như vậy, trường hợp của Kendra là một câu chuyện cảnh tỉnh, vì nó chỉ ra những khó khăn có thẻ nảy sinh từ kí ức kiếp trước và cho thấy những lời nói về tiền kiếp không hề thú vị hay là một trò chơi đối với trẻ. Kendra trở nên hết sức gắn bó với huấn luyện viên Ginger của mình và cô bé đã rất đau buồn khi mối quan hệ đó bị gián đoạn. Cô bé có lẽ sẽ sống hạnh phúc hơn nếu em không tin rằng mình đã từng ở trong bụng của Ginger. Tiến sĩ Stevenson cũng đã viết về những nỗi khổ trong các trường hợp khác. Như ông đã chỉ ra, nhiều đứa trẻ sống rất khổ sở vì các em thấy bị chia cắt khỏi những gia đình mà mình hết sức gắn bó. Bố mẹ các em cũng phải sống với một đứa con luôn cự tuyệt mình theo nhiều cách. Với một giọng lạc quan hơn, ông cũng nói rằng sau này những kí ức về kiếp trước đó có thể sẽ mang lại các lợi ích, vì một số đối tượng cho biết họ đã nhìn vào các sai lầm trong kiếp trước để sửa đổi cách cư xử và hành vi của mình trong kiếp này. Ông đã lấy ví dụ là trường hợp của Bishen Chand Kapoor – cậu bé tôi đã nhắc đến trong Chương 3 – trong đó người tiền kiếp của cậu đã sát hại một người đàn ông sau khi thấy người đó rời khỏi căn hộ của mình với một cô gái điếm mà người tiền kiếp vẫn coi là thuộc về mình. Bishen Chand nói rằng những lần suy ngẫm về các mặt xấu của mình trong kiếp trước đã giúp cậu trở thành một người tốt hơn.

Nhiều đối tượng khác đã có thái độ thờ ơ đối với những vấn đề trong cuộc sống hiện tại hoặc không tỏ ra sợ chết. Marta Lorenz – một cô bé ở Braxin kể được nhiều chi tiết về cuộc đời của một người bạn của mẹ mình – đã phải chứng kiến cái chết của một người chị gái tên Emilia. Khi một cơn mưa dông làm một người chị khác của em lo rằng Emilia sẽ bị ướt khi nằm trong mộ, Marta đã nói: “Chị Emilia không phải đang ở trong nghĩa trang đâu. Chị ấy đang ở một nơi an toàn hơn và tốt hơn chỗ chúng ta đang ở; linh hồn của chị ấy không bao giờ bị ướt được”. Tương tự, khi một người bạn của gia đình em đang đau buồn trước cái chết của bố mình nói rằng người đã mất sẽ không bao giờ quay lại, Marta đã nói đáp lại: “Đừng nói thế. Tôi đã chết, thế mà nhìn xem, tôi lại đang sống đây”.

Tiến sĩ Stevenson cũng viết về cảm giác nhẹ nhõm có thể xảy đến sau khi trẻ gặp gia đình người tiền kiếp lần đầu. Trẻ thường dung hòa tốt hơn giữa kí ức về kiếp trước và những sự kiện trong cuộc sống hiện tại sau lần gặp đó và mức độ mãnh liệt của những cảm xúc của các em về kiếp trước thường giảm đi. Trường hợp của Kendra chỉ ra rằng những mối quan hệ của một người ở kiếp này khác với những mối quan hệ người đó có thể đã có trong kiếp trước. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận giả thiết ý thức của cô bé đã từng là một phần của bào thai đã bị phá của Ginger, điều này vẫn không có nghĩa họ sẽ là mẹ con trong kiếp này. Họ rõ ràng không phải mẹ con, nhưng Kendra dường như không nhận ra điều đó. Cô bé nói mình có hai người mẹ và vẫn dành nhiều thời gian với Ginger. Trong hoàn cảnh như vậy, đứa trẻ cần phải hiểu những mối quan hệ ở kiếp trước chỉ thuộc về quá khứ chứ không phải hiện tại và cuộc gặp với gia đình người tiền kiếp dường như giúp trẻ nhận ra được điều này.

Các cách giải thích

Đưa ra một cách lý giải bình thường cho những hành vi này có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Trong một số trường hợp, chúng ta sẽ muốn dùng cách giải thích bằng trí tưởng tượng và nói rằng những hành vi của trẻ bắt nguồn từ việc các em tưởng lầm mình chín là người tiền kiếp. Vậy ý nghĩ tưởng tượng đó bắt nguồn từ đâu? Chúng ta có thể quy nó cho các yếu tố văn hóa trong các trường hợp ở Châu Á, nhưng chúng ta khó có thể làm vậy trong trường hợp của Kendra Carter – một trường hợp trong đó mẹ của đối tượng thấy e ngại mỗi lần nói đến hiện tượng đầu thai. Tương tự như vậy – Erin Jackson – một đứa trẻ có những hành vi khác giới, có bố mẹ là những tín đồ đạo Tin Lành và ở thời điểm các triệu chứng của em bắt đầu, họ vẫn không tin và sự đầu thai. Hơn nữa, liệu chúng ta có một cách giải thích thỏa đáng cho hiện tượng các đứa trẻ Miến Điện tự nhận mình là người đã từng là những người lính Nhật Bản hay hiện tượng một cậu bé người Anh nói lúc trước mình là một phi công người Đức?

Riêng về vấn đề cảm xúc, chúng ta có thể muốn nghĩ rằng những cảm xúc trẻ thể hiện khi ở bên cạnh những người thuộc gia đình kiếp trước chính là kết quả của việc các em tưởng tượng mình đã từng có quan hệ với những người này. Giả thiết này trở nên kém hợp lý hơn khi ta nhìn vào sự mong ngóng ở một số trẻ thể hiện trước khi các em gặp gia đình lúc trước.

Một trường hợp như Sukla Gupta – cô bé vẫn chơi trò đóng giả làm mẹ của những sự vật em gọi bằng tên Minu trước khi mọi người dựa vào các chi tiết em kể và xác định được người tiền kiếp là một người có một đứa con gái nhỏ tên Minu – càng khiến cách giải thích này thêm vô lý. Làm thế nào cô bé lại thương nhớ Minu mãnh liệt đến như vậy trước khi mọi người tìm được gia đình lúc trước của em? Chúng ta có thể kết luận rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên kỳ là hay Sukla đã bằng cách nào đó biết được nhiều chi tiết về cuộc đời của một người phụ nữ đã chết từ sáu năm trước khi em được sinh ra ở một ngôi làng khác, hoặc người nhà cô bé đã nhớ nhầm chi tiết em ẵm “Minu”. Cho dù nghiêng về giả thiết nào đi nữa chúng ta vẫn còn phải giải quyết câu hỏi về tình cảm gắn bó của Sukla dành cho bé Minu thật sau khi hai người gặp nhau. Liệu chúng ta có thể khẳng định tất cả những tình cảm này chỉ bắt nguồn từ trí tưởng tượng của một đứa trẻ?

Câu hỏi này lại càng nổi bật hơn khi chúng ta xem xét trường hợp của Kendra. Chúng tôi có thể hiểu được khi một em bé gái cảm thấy gắn bó với huấn luyện viên bơi lội của mình nhưng tình cảm gắn bó của cô bé xảy đến nhanh và lớn đến nỗi nó trở nên bất thường dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không những thế, mặc dù mẹ cô bé và nhà thờ em hay đến dự lễ đều cho quan niệm đầu thai là một điều ngớ ngẩn, cô bé lại nghĩ mình đã từng là bào thai bị phá bỏ của huấn luyện viên. Trong trường hợp của cô bé, vì tình cảm gắn bó dường như đến cùng một lúc hoặc trước một thời gian ngắn so với những câu nói về sự đầu thai, nên chúng tôi không thể kết luận rằng nó bắt nguồn từ ý nghĩ tưởng tượng về sự tái sinh. Liệu chúng tôi có thể nói điều ngược lại – ý nghĩ tưởng tượng về sự đầu thai bắt nguồn từ tình cảm gắn bó mạnh mẽ trong cô bé – hay không khi biết rằng không có ai sống quanh cô bé tin vào sự tái sinh?

Một điều làm phức tạp thêm cả hai trường hợp này là mức độ mãnh liệt của tình cảm ở một số trẻ. Một đứa trẻ như Kendra – một cô bé không nói trong suốt bốn tháng trời sau khi người em nghĩ là mẹ của mình trong kiếp trước cắt liên lạc với em – không thể đang chơi trò giả vờ của trẻ con. Có rất nhiều ví dụ tương tự, chẳng hạn như Ekkaphong – cậu bé luôn tìm cách bóp cổ người đàn ông cậu nghĩ đã giết mình trong kiếp trước – và dĩ nhiên Sukla – cô bé đã khóc khi nghe tin Minu bị ốm. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp khi trẻ bị nhầm lẫn về giới tính của mình, các hành vi khác giới của trẻ kéo dài đến tận tuổi trưởng thành, vì thế chúng khó có thể là một phần trong vở kịch tưởng tượng của các em.

Giờ chúng ta hãy nhìn lại những nỗi sợ của các em. Shamlinie Prema và Sujith Jayaratne đều mắc các chứng sợ hồi còn nhỏ. Nỗi sợ nước cùng cực của Shamlinie từ khi cô bé còn rất nhỏ không thể nào đã bắt nguồn từ trí tưởng tượng của em về kiếp trước. Chúng ta có thể sẽ muốn áp dụng cách giải thích bằng trí nhớ sai trong trường hợp này, nên chúng ta sẽ nói rằng sau khi nghe trẻ kể về kiếp trước, bố mẹ các em đã nhớ lại các hành vi của con mình ở một mức độ nghiêm trọng hơn so với sự thật. Chúng ta cũng có thể nói tương tự với cơn thèm muốn những chất gây nghiện từ bé và những sở thích ăn uống khác thường mà một số bậc bố mẹ đã nói là có ở con họ. Bác bỏ lại điều này là trường hợp của Jasbir Singh, vì chúng ta không thể nào cho rằng bố mẹ cậu bé đã nói quá lên về việc em không chịu ăn thức ăn trong khi họ đã phải nhờ một người Bà La Môn hàng xóm làm thức ăn cho cậu bé trong suốt một năm rưỡi. Nhìn chung, chúng tôi có đủ nhân chứng và đủ các trường hợp trong đó các hành vi tồn tại trong một thời gian dài để kết luận được một số trẻ rõ ràng đã có những hành vi dường như có liên quan đến những kí ức về kiếp trước mà các em nói là hiện hữu ở trong đầu mình.

Chính vì thế, chúng ta phải cần nhiều nỗ lực mới giải thích được những hành vi có ở trẻ trong những trường hợp này. Chúng ta có thể sẽ tìm được một cách lý giải bình thường cho từng trường hợp riêng lẻ, cho dù đôi khi nó có vẻ khó hiểu, nhưng những cách giải thích này không thỏa đáng khi chúng ta nhìn vào tổng thể. Trong một số trường hợp, những câu nói về kiếp trước xảy đến trước tiên, còn ở các trường hợp khác, trẻ lại hình thành những hành vi này trước. Mặc dù các hành vi của trẻ thường rất khác thường khiến việc đưa ra được một cách giải thích tự nhiên cho cả hai trường hợp vốn đã rất khó, nhưng nhiệm vụ tìm ra một cách lý giải duy nhất cho cả hai trường hợp này và toàn bộ hiện tượng hầu như không thể thực hiện được và lời giải thích cho một nhóm trường hợp lại hoàn toàn trái ngược với cách lý giải cho nhóm còn lại.

Về những giả thiết siêu nhiên, khả năng ngoại cảm không phải là một lời giải thích thỏa đáng cho những trường hợp này. Chúng ta chỉ có thể nói như thế khi trẻ thu nhận được thông tin bằng các năng lúc ngoại cảm của mình, các em lại nghĩ mình đang nhớ lại kí ức. Sự nhầm tưởng này sau đó đã khiến các em hình thành cảm xúc và hành vi. Điều này rõ ràng rất khó hiểu; nhưng tệ hơn, một số các hành vi, ví dụ như các nỗi sợ, thường đã tồn tại từ trước khi trẻ nói ra những điều về kiếp trước.

Hiện tượng vong nhập dường như là một cách lý giải tốt hơn cho những tình cảm và hành vi này hơn khả năng ngoại cảm. Nếu ý thức kiếp trước đã chiếm lấy cơ thể của trẻ thì trẻ có khả năng sẽ có những đặc điểm như vậy. Điểm yếu của cách giải thích này nằm ở chỗ chúng ta sẽ phải nói vong nhập hầu như xảy ra ngay sau khi trẻ chào đời vì một số hành vi hình thành ngay từ lúc đó. Chính vì thế, sẽ rất khó để lập luận rằng hiện tượng này là một cách lý giải tốt hơn sự đầu thai.

Một lần nữa, hiện tượng đầu thai lại có thể giải thích được cho những tình cảm và hành vi này. Trên thực tế, chúng cho thấy nếu sự đầu thai đúng là nguyên nhân thì nó không chỉ bao gồm kí ức. Nó là một sự chuyển tiếp toàn diện hơn từ kiếp trước vì những tình cảm gắn bó, nỗi sợ hãi và các sở thích yêu và ghét đều là một phần của ý thức được truyền lại sang kiếp sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn