CHƯƠNG 7: Nhận ra những gương mặt quen thuộc

05 Tháng Giêng 201603:00(Xem: 3652)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 7
NHẬN RA NHỮNG GƯƠNG MẶT QUEN THUỘC

Sam Taylor là một cậu bé ở Vermont được sinh ra một năm rưỡi sau khi ông nội cậu mất. Khi Sam được một tuổi rưỡi, một ngày nọ bố cậu bé đang thay tã cho cậu thì Sam nói với anh: “Hồi bằng tuổi con, ta vẫn thường thay tã cho con”. Sau khi mẹ cậu bé nhìn thấy vẻ mặt khó hiểu trên khuôn mặt của chồng khi anh bế Sam ra khỏi phòng, họ đã nói chuyện về câu nói đó của em – một câu mà cả hai người họ đều thấy rất kỳ lạ. Cả hai người đều không bận tâm nhiều đến sự đầu thai. Tuy mẹ Sam là con gái của một mục sư giáo hội Báp-tít Nam Phương(1), nhưng bố mẹ cậu bé không theo đạo nào.

  • Tổ chức Báp-tít: một phần của phong trào Tin Lành và được xem là một trong những giáo phái thuộc cộng đồng Kháng cách lớn nhất Hoa Kỳ.

Sau sự kiện hôm đó, Sam dần dần nói rằng mình chính là ông nội. Cậu bé còn nói: “Trước đây ta to lớn thế mà giờ nhỏ xíu”. Mặc dù lúc đầu bố cậu bé vẫn hoài nghi về khả năng đó, mẹ em thì tin hơn và chị bắt đầu hỏi cậu bé nhiều câu hỏi về cuộc đời của ông nội em. Một lần chị và Sam đang nói về chuyện bà nội em đã chăm sóc ông nội trước khi ông mất. Mẹ Sam hỏi cậu bà nội đã làm đồ uống gì cho ông nội mỗi ngày, Sam trả lời đúng rằng bà em đã pha sữa lắc và bà đã làm nó bằng một chiếc máy xay và hỏi xem có phải ý cậu là bà nội cậu đã dùng nó để pha sữa lắc hay không, cậu bé đã nói không và chỉ vào chiếc máy xay thực phẩm đa năng. Bà nội em sau đó đã bị hàng loạt cơn đột quỵ sau cái chết của ông nội và Sam chưa hề thấy bà làm món sữa lắc cho người nào khác.

Một lần khác, mẹ Sam hỏi cậu bé xem cậu có người anh chị em nào hồi còn sống hay không. Cậu trả lời: “Có, ta có một cô em gái. Nó biến thành cá rồi”. Khi chị hỏi em ai đã biến bà ấy thành cá, em nói: “Mấy kẻ xấu. Nó chết. Con biết không, khi chúng ta chết, Chúa cho chúng ta quay lại một lần nữa. Ta từng rất to lớn, thế mà giờ ta lại là một đứa bé”. Người em gái của ông nội Sam đúng thật đã bị giết chết 60 năm trước đó. Chồng của bà đã giết bà trong lúc bà đang ngủ, cuốn thi thể bà lại trong một cái chăn, rồi thả xuống vịnh.

Vào những lần khác, Sam cũng đã kể được chính xác rằng căn phòng ưa thích của ông nội cậu trong nhà là gara để xe – nơi ông bận bịu với các “phát minh” của mình và bố Sam có một chiếc bánh lái nhỏ cho riêng mình khi hai bố con họ cùng đi xe. Hồi bố cậu bé còn nhỏ, anh vẫn có một chiếc bánh lái đồ chơi được gắn vào bảng điều khiển của chiếc xe hơi bởi những chiếc giác hút.

Khi Sam được bốn tuổi rưỡi, bà nội cậu mất. Bố cậu bé bay về nhà bà để lấy các đồ vật của mẹ mình và quay lại cùng với một chiếc hộp đựng các tấm ảnh gia đình. Trước đó bố mẹ Sam không hề giữ một tấm ảnh nào của gia đình bên nội. Khi mẹ cậu trải chúng ra trên bàn vào một đêm nọ, Sam bước lại gần và bắt đầu chỉ vào ảnh của ông nội mình rồi nói: “Đó là ta!”. Khi cậu bé nhìn thấy ảnh chụp một chiếc xe , cậu bé nói: “Này! Đó là xe của ta đấy!” Đó là bức ảnh về chiếc xe đầu tiên ông nội cậu bé mua – một chiếc Pontiac 1949 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ông.

Mẹ cậu bé đưa cho cậu xem một tấm ảnh lớp học từ thời ông nội cậu học trung học phổ thông. Trong bức ảnh là hình 27 đứa trẻ, 16 em trong số đó là nam. Sam đưa ngón tay qua từng khuôn mặt, rồi dừng lại trên khuôn mặt ông nội cậu và nói: “Đó là bố”

Bố cậu bé cho biết ông nội Sam không giỏi thể hiện tình cảm với các con trai của mình, đặc biệt khi họ đã trở thành người lớn. Bố Sam cho ông biết rất rõ anh suy nghĩ về ông như thế nào, nhưng bố của anh thấy rất khó để đáp lại. Anh cảm thấy rằng nếu quả thật bố mình đã quay trở lại qua Sam thì có lẽ ông đang mở lòng để đáp lại tình yêu của anh dành cho ông. Bố Sam rất mở lòng đối với tất cả các đứa con của mình, và dường như mối quan hệ giữa anh và Sam rất tốt.

Sam được cho là đã nhận ra được một người hay vật nào đó từ kiếp trước, cụ thể là cậu bé đã chỉ ra được người tiền kiếp là ông nội của mình và cả chiếc xe của ông trong ảnh. Điều này cũng tương tự như những gì chúng tôi được nghe trong nhiều trường hợp khi trẻ nhận diện được những người thuộc gia đình của người tiền kiếp.

Hoàn cảnh nhận diện trong các trường hợp này thường rơi vào một vài loại. Loại thứ nhất là nhận diện không kiểm soát. Trong những trường hợp như thế này, gia đình người tiền kiếp tìm cách thử đứa trẻ để xem trẻ có thể nhận ra được những người thân trong nhà hay một số đồ vật hay không, nhưng họ không thực hiện phép thử dưới những điều kiện được kiểm soát mà chúng tôi vẫn đánh giá cao hơn. Thường họ hay yêu cầu trẻ nhận diện người, nhưng đôi lúc cả những địa điểm nữa. Các nhân chứng trong những trường hợp này nói trẻ đã dẫn họ đến nhà của người tiền kiếp hoặc các em đã nhận ra các thay đổi về nhà cửa hoặc cảnh quan xảy ra sau cái chết của người đó.

Không may là những điều kiện trong đó các gia đình thực hiện các phép thử nhận diện làm chúng tôi phải nghi ngờ giá trị của chúng. Trước khi thực hiện phép thử, họ sắp xếp cho trẻ gặp người thân của người tiền kiếp. Thông thường, khi có tin đồn rằng một đứa trẻ tự nhận mình nhớ được cuộc đời của một người cụ thể khác sắp sửa đến gặp gia đình của người đó thì sẽ có một đám đông tụ lại ngay từ trước khi đứa trẻ đến. Sau đó một người sẽ hỏi trẻ một câu, chẳng hạn như “Cháu có thấy vợ cháu đâu không?” hoặc đưa cho trẻ một vật nhỏ và nói trẻ đưa nó lại cho người vợ. Như Tiến sĩ Stevenson đã viết, có thể người này chưa chắc đã tin là đứa bé nhớ được cuộc đời của một người khác và chỉ đang muốn thử đứa bé, nhưng đám đông họp lại để chứng kiến phép thử có thể sẽ hồi hộp nhìn vào vợ của người tiền kiếp khi nghe một người yêu cầu em chỉ ra chị, và một đứa bé tinh ý khó có thể không chỉ ra được đúng người.

Trong một số trường hợp, những người cung cấp thông tin cho biết trẻ đã nhận ra những người thân kiếp trước hầu như không có ai ở đó vô tình chỉ ra họ cho trẻ. Điều này có thể xảy ra nếu gia đình người tiền kiếp biết về những câu nói của trẻ trước khi người nhà trẻ đi kiểm chứng chúng và vì thế đã bất ngờ đến gặp đứa trẻ tại nhà của em. Indika Ishwara đối tượng trong Chương 4 đã nói với mẹ mình rằng: “Bố con đến rồi” khi người bố của người tiền kiếp đến thăm nhà cậu bé.

Trong một số trường hợp khác, gia đình người tiền kiếp đã thực hiện thêm một số bài kiểm tra đòi hỏi trẻ phải biết về người đó thì mới trả lời chính xác được. Chẳng hạn, trong trường hợp của Chanai Choomalaiwong ở Chương 4, gia đình người kiếp trước đã chỉ cho cậu bé xem năm hoặc sáu chiếc đai đeo súng và hỏi em cái nào là của mình. Ngay lập tức cậu bé chọn ra cái đã từng thuộc về người tiền kiếp. Cũng tương tự như với các phép thử trong điều kiện không được kiểm soát, chúng ta không biết liệu có phải đã có người nào đó vô tình giúp cậu bé chỉ ra được đồ vật đúng hay không.

Trong một số trường hợp, bố mẹ của các đối tượng đã thuật lại rằng chính trẻ là người dẫn họ đến nhà của người tiền kiếp. Điều này đã xảy ra trong trường hợp của Chanai, cậu bé đã nói về cuộc đời của một thầy giáo và sau đó đã dẫn mọi người tới nhà của bố mẹ người thầy giáo đã bị sát hại. Trong hoàn cảnh đó và trong một số hoàn cảnh khác tương tự, trong số những người đi với trẻ không ai biết đường, thế nên chúng ta không phải cân nhắc khả năng cậu bé đã dựa vào các manh mối mà những người bên cạnh vô tình đưa ra.

Một số trẻ dường như cũng nhận ra được những thay đổi đã xảy ra sau cái chết của người tiền kiếp. Chẳng hạn, khi Sujith Jayaratne ở Chương 5 được đưa tới ngôi nhà của bố mẹ người tiền kiếp – Sammy Fernando – cậu bé đã nhận xét một cách chính xác rằng kể từ khi Sammy chết, vị trí con đường đã thay đổi và hàng rào đã được làm mới ở một số chỗ. Ngoài ra, em còn đến nơi người ta đã chặt một cái cây sau khi Sammy chết và hỏi: “Cái cây ở đây lúc trước đâu rồi?”

Tương tự, Gamini Jayasena ở Chương 5 đã đến nhà của người tiền kiếp là Palitha Senewirane. Sau cái chết của Palitha, gia đình anh đã thay mái tranh bằng mái tôn múi và Gamini đã nhận xét với bố mẹ Palitha rằng mái nhà lúc trước không “sáng” như bây giờ. Khi đến thăm khu nhà trọ Palitha đã ở trong lúc đi học, cậu bé nói với chủ nhà lúc trước ở đó có một cây ôliu và quả thật người ta đã chặt đi một cây ôliu sau khi Palitha chết.

Trong các trường hợp khác, gia đình người tiền kiếp có thể đã thực hiện bài kiểm tra nhận diện trong những điều kiện mà chúng tôi không cho là thỏa đáng nhưng trẻ đã nói ra những câu rất ấn tượng. Sau khi chỉ ra được vợ góa của người tiền kiếp, Necip Unlutaskiran trong Chương 4 nói mình đã từng dùng dao rạch vào chân chị và chị xác nhận quả thật chồng chị đã làm như thế trong một lần cãi vã.

Ở một ví dụ khác, khi Jasbir Singh – cậu bé không chịu ăn thức ăn khác kiểu Bà La Môn trongChương 6 – nhìn thấy một người em họ của người tiền kiếp, cậu đã nói: “Lại đây Gandhiji”. Một người khác đã nói chữa: “đó là Birbal”, và Jasbir đáp lại “Bọn cháu gọi cậu ấy là Gandhiji”. Đúng thật cậu bé đó có biệt danh là Gandhiji, vì mọi người nghĩ rằng đôi tai lớn của cậu ta khiến cậu trông giống Mahatma Gandhi.

Những điều quan sát được một cách tự nhiên này đã làm giảm tính thuyết phục của giả thiết rằng bố mẹ các đối tượng đã dạy con mình phải giả vờ nói mình nhớ được kiếp trước. Những thông tin trẻ biết được bao gồm cả những điều bố mẹ các em không biết và trẻ đã chứng tỏ mình có thể làm được nhiều điều chứ không chỉ đơn thuần thuật lại những sự kiện trong kiếp trước.

Trong một số trường hợp, trẻ còn ngẫu nhiên nhận ra một người hoặc một địa điểm dù không ai có ý định muốn thử trẻ. Một ví dụ điển hình là Gamini Jayasena ở Chương 5, cậu bé đã nói trong một chuyến đi bằng xe buýt rằng ngôi nhà lúc trước của cậu nằm ở một bến đỗ xe và câu nói này đã khiến gia đình cậu đi tìm hiểu về những người ở xung quanh khu vực đó. Tương tự, trong trường hợp của Necip Unlutaskiran, bố mẹ cậu không hề có ý định kiểm chứng các câu nói về kiếp trước của con mình cho đến khi cậu gặp vợ của ông mình. Lúc đó, cậu bé nói cậu nhận ra bà là người cậu quen trong kiếp trước khi cậu còn sống ở thành phố Mersin – nơi bà đã sống lúc trước . Trong một ví dụ khác, Ratana Wongsombat ở Chương 5 đã nhận ra ni sư Mae Chan, vì thế bố cô bé mới quay lại ngôi đền để nói chuyện với ni sư. Ở đây, chính Ratana đã đòi đến ngôi đền, thế nên trường hợp của cô bé không phải là ngẫu nhiên như trường hợp của Gamini.

Trường hợp của Nazih Al-Danaf

Một trường hợp trong đó trẻ nhận ra được nhiều người là trường hợp của Nazih Al-Danaf ở Lebanon(LiBăng). Ngay từ khi còn ở độ tuổi rất nhỏ, Nazih đã miêu tả cuộc sống kiếp trước cho bố mẹ và bảy anh chị em mình nghe. Chúng tôi đều đã phỏng vấn tất cả những người này. Nazih đã nói về cuộc đời của một người đàn ông xa lạ đối với gia đình cậu. Cậu bé kể người đàn ông đó thường mang theo súng đạn, anh ta có một người vợ xinh đẹp và những đứa con còn khá nhỏ, anh ta có một ngôi nhà hai tầng với xung quanh là câu cối còn bên cạnh là một hang động, anh ta có một người bạn bị câm và anh ta đã bị một nhóm người bắn chết.

Bố cậu bé kể Nazih đã đòi bố mẹ đưa em về ngôi nhà trước kia ở một thị trấn nhỏ nằm cách đó 16 km. Họ đã đưa cậu bé đến thị trấn đó cùng với hai trong số các người anh chị của cậu, khi cậu được sáu tuổi. Khi chỉ còn cách thị trấn 2 km, Nazih bảo họ dừng lại tại một đường đất rẽ ra từ con đường chính. Cậu bé bảo họ con đường này dẫn tới một ngõ cụt là một hang động nhưng họ đã không đi kiểm chứng xem điều này có đúng hay không mà lái xe đi tiếp. Khi họ đến trung tâm thị trấn – điểm giao nhau của sáu con đường – bố Nazih đã hỏi em phải đi theo đường nào. Nazih chỉ về phía một con đường và nói bố mẹ em tiếp tục đi theo nó cho đến khi gặp một ngã ba dốc, ở đó họ sẽ nhìn thấy nhà của em. Khi họ đến ngã ba dốc đầu tiên, cả nhà xuống xe và bắt đầu hỏi thăm về một người đã chết theo cách Nazih miêu tả.

Họ nhanh chóng phát hiện ra có một người đàn ông tren Fuad – người đã từng có một căn nhà trên con đường đó và chết 10 năm trước khi Nazih chào đời, dường như trùng khớp với những câu nói của Nazih. Người vợ góa của Fuad hỏi Nazih: “Ai đã xây nền cho cổng vào nhà?” và Nazih trả lời đúng là “Một người nhà Faraj”. Sau đó tất cả mọi người đi vào ngôi nhà, ở đó Nazih đã nói chính xác rằng Fuad đã cất các vũ khí của mình trong một chiếc tủ ly. Người vợ góa hỏi cậu bé có phải chị đã từng gặp một tai nạn ở ngôi nhà lúc trước của họ không và Nazih đã kể ra những chi tiết chính xác về vụ tai nạn của chị. Chị cũng hỏi cậu bé còn nhớ điều gì đã khiến đứa con gái nhỏ của họ bị bệnh nặng, Nazih trả lời đúng rằng cô bé đã vô tình uống phải thuốc của bố mình. Cậu bé còn kể đúng sự thật về một số sự việc khác đã xảy ra trong cuộc đời của người tiền kiếp.

Người vợ góa và năm đứa con của chị đều rất ấn tượng với những điều Nazih biết và tất cả họ đều bị thuyết phục rằng cậu bé chính là do Fuad đầu thai.

Một thời gian ngắn sau cuộc gặp đó, Nazih đã đến thăm em trai của Fuad – Sheikh Adeeb. Khi nhìn thấy anh, cậu bé đã chạy lại và nói: “Cậu em trai Adeeb của tôi đây rồi”. Sheikh Adeeb đã yêu cầu Nazih đưa ra bằng chứng chứng tỏ cậu chính là anh trai mình và Nazih nói: “Tôi đã cho cậu một khẩu Checki 16”. Checki 16 là một loại súng Tiệp Khắc không được dùng phổ biến ở Lebanon và quả thật Fuad đã cho em trai mình một khẩu như thế. Sau đó Sheikh Adeeb hỏi Nazih ngôi nhà lúc trước của cậu nằm ở đâu và Nazih dẫn anh đi cho đến khi nói một cách chính xác: “Đây là nhà của bố tôi, còn đây (ngôi nhà bên cạnh) là ngôi nhà đầu tiên của tôi”. Họ đi vào căn nhà thứ hai – nơi người vợ đầu của Fuad vẫn sống – và sau đó khi Sheikh Adeeb hỏi chị là ai, Nazih đã nói đúng tên của chị.

Tiếp theo đó Sheikh Adeeb chỉ cho Nazih xem một bức ảnh chụp ba người đàn ông và hỏi cậu họ là ai. Nazih chỉ vào từng người và nói đúng tên của Adeeb, Fuad và một người anh đã mất của họ. Sheikh Adeeb tiếp tục đưa cho cậu tiếp một bức ảnh khác và Nazih đã nói chính xác rằng người đàn ông trong ảnh chính là bố của ba người nói trên. Sau này, Sheikh Adeeb đã đến thăm nhà Nazih và mang theo một khẩu súng ngắn. Anh hỏi có phải là khẩu súng Fuad đã cho anh hay không và Nazih đã trả lời đúng rằng nó không phải.

Tiến sĩ Haraldson đã điều tra trường hợp của Nazih và ông đã thẩm tra được hầu hết các câu Nazih đã nói, bao gồm cả chi tiết người tiền kiếp có một người bạn bị câm. Ông cũng phát hiện thấy những lời miêu tả của Nazih về ngôi nhà của Fuad trùng hợp với một căn nhà khác – nơi Fuad đã sống trong vòng vài năm, bao gồm cả thời gian xây ngôi nhà trong thị trấn, vốn vẫn chưa hoàn thiện vào thời điểm Fuad chết đi. Ngôi nhà lúc trước nằm cạnh con đường đất mà Nazih đã chỉ ra trong lần đến thăm thị trấn đầu tiên của gia đình cậu bé và ở cuối con đường là một hang động đúng như cậu đã nói.

Nếu các gia đình trong trường hợp này đang nhớ lại các sự kiện một cách chính xác thì sẽ rất khó để giải thích những câu nói của Nazih bằng các nguyên nhân tự nhiên. Việc cậu bé tự động chỉ ra đúng vị trí của hai ngôi nhà thuộc sở hữu của người tiền kiếp vốn đã rất ấn tượng. Xét thêm đến chi tiết cậu bé đã chỉ ra chính xác ngôi nhà đầu tiền của người tiền kiếp và chúng ta thấy sự ngẫu nhiên dường như không thể là một lời lý giải hợp lý. Bên cạnh đó, những chi tiết nhỏ cậu nói với gia đình của Fuad cũng rất đáng chú ý. Câu nói của cậu về khẩu súng Checki 16 đặc biệt ấn tượng ở nhiều mặt, một trong số đó là việc cậu không thể nào đã biết được điều này từ manh mối bên ngoài. Hành động nói đúng tên của những người đàn ông trong ảnh cũng khiến chúng tôi ấn tượng hơn những trường hợp trong đó trẻ chỉ đơn thuần chỉ vào một người trong gia đình người tiền kiếp, vì những manh mối bên ngoài không thể nào giúp cậu biết được những cái tên cậu đã nói ra. Những người cung cấp thông tin nói Nazih chưa hề xem ảnh của người tiền kiếp trước khi cậu chỉ ra được người đó trong bức ảnh chụp chung và Sheikh Adeeb quả quyết rằng ngoại trừ vợ anh, không ai biết Fuad đã từng cho anh một khẩu Checki 16.

Trong một số trường hợp, người điều tra đã thực hiện được những phép thử có kiểm soát trong đó trẻ dường như nhận ra những người trong cuộc đời của người tiền kiếp. Các phép thử như vậy đã xảy ra trong hai trường hợp do Tiến sĩ Stevenson nghiên cứu sau đây.

Trường hợp của Gnanatilleka Baddewithnana

Granatilleka Baddewithnana được sinh ra ở Sri Lanka vào năm 1956. Khi được hai tuổi, em bắt đầu nói mình đã có bố mẹ cùng với hai người anh trai và nhiều chị gái ở một nơi khác. Sau khi nghe kể về một thị trấn tên Talawakelle – nằm cách nơi em ở 26 km, Gnanatilleka kể mình đã từng sống ở đó và nói muốn về nhà thăm bố mẹ lúc trước của mình đang sống ở đó.

Khi Gnanatilleka lên bốn tuổi rưỡi, một người hàng xóm nói về cô bé cho H.S.S Nissanka – một nhà báo đã viết một số bài báo về hiện tượng đầu thai và sau này đã lấy được bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Quan hệ quốc tế. Sau đó ông đã viết một cuốn sách về trường hợp của Gnanatilleka và tôi đã lấy rất nhiều chi tiết từ nó. Tiến sĩ Nissanka đã quyết định đến gặp cô bé, ông đã đề nghị một nhà sư Phật giáo nổi tiếng và một thầy giáo ở một trường đại học gần đó đi cùng mình. Họ đã phỏng vấn Gnanatilleka và cô bé đã kể về một số sự việc xảy ra trong cuộc đời của một người ở Talawakelle, bao gồm sự kiện cô bé đã nhìn thấy nữ hoàng trong một lần đi tàu hỏa.

Cô bé vẫn chưa cho biết thêm cái tên nào ngoài Talawakelle và một người chị tên Lora – đôi lúc là Dora. Vì nữ hoàng Elizabeth đã đi dọc đất nước Sri Lanka vào năm 1954 nên Tiến sĩ Nissanka và những người cùng đi với ông đoán Gnanatilleka đang nói về một người ở Tawakelle đã chết trong khoảng thời gian giữa chuyến thăm đó và thời điểm Gnanatilleka chào đời vào năm 1956. Sự thực là họ cho rằng người tiền kiếp chắc hẳn đã phải chết trước khi Gnanatilleka được thụ thai. Tiến sĩ Nissanka đã viết hai bài báo về trường hợp này cho một tờ tuần báo nổi tiếng và sau đó ba người họ đã đến Talawakelle để điều tra.

Trong lúc ở Talawakelle, họ đã gặp một người đàn ông và người này nói những thông tin trong bài báo trùng hợp với cuộc đời của một người thân của mình – một cậu bé tên Tillekeratne – đã chết vào tháng 11 năm 1954. Một thời gian ngắn sau cuộc gặp đó, thầy giáo của Tillekeratne đến nhà của Gnanatilleka cùng hai người đàn ông mà Tillekeratne không hề biết. Từng người trong số họ đã hỏi Gnanatilleka xem cô bé có biết mình hay không. Cô bé trả lời không với hai người họ, nhưng còn với thầy giáo của mình, cô bé nói: “Có, thầy đến từ Talawakelle!” Một lúc sau, cô bé nói tiếp thầy đã từng dạy em và chưa bao giờ phạt em, sau đó em ngồi lên lòng của người thầy giáo.

Ngày hôm sau, nhóm nghiên cứu sắp xếp cho Gnanatilleka gặp những người trong gia đình của Tillekeratne tại một nhà trọ ở Talawakelle nhưng họ không nói cho Gnanatilleka biết lý do cô bé phải đến đó. Gnanatilleka đã ngồi trong một căn phòng với mẹ mình, nhà sư và Tiến sĩ Nissanka – người đã ghi âm lại sự việc này. Bố và thầy giáo của Tillekeratne đứng cạnh cửa chính, những người khác thì quan sát từ căn phòng bên cạnh. Sau đó mẹ của Tillekeratne bước vào phòng. Nhà sư hỏi Gnanatilleka: “Cháu có biết cô ấy không?”

Gnanatilleka ngẩng lên và đột nhiên trở nên rất vui sướng, em nhìn chằm chằm vào người phụ nữ. Khi được hỏi lần nữa là mình có biết cô ấy hay không, Gnanatilleka trả lời: “Có”.

Mẹ của Tillekeratne đưa cho cô bé một thanh kẹo rồi chị đưa tay ra cho Gnanatilleka, cô bé nhanh chóng ôm lấy chị. Mẹ Tillekeratne nói: “Nói cô nghe xem nào, cô đã sống ở đâu?”

Gnanatilleka chậm rãi trả lời: “Talawakelle”.

Mẹ của Tillekeratne hỏi tiếp: “Vậy thì cháu nói xem cô là ai?”

Gnanatilleka – sau khi chắc chắn rằng mẹ ruột của mình không thể nghe được em nói – đã nói thầm với mẹ của Tillekeratne (và nói với micrô của Tiến sĩ Nissanka) rằng: “Mẹ Talawakelle”.

Một phút sau, những người quan sát hỏi Gnanatilleka lần nữa: “Cô ấy là ai … nói các chú nghe nào” và cô bé trả lời: “Cô ấy là mẹ Talawakelle của cháu”.

Tiếp theo đó, bố của Tillekeratne bước vào và có người hỏi Gnanatilleka: “Cháu có biết chú ấy không?”

Cô bé nói có và khi được hỏi chú ấy là ai em đã trả lời: “Chú ấy là bố Talawakelle của cháu”.

Sau đó, một trong những người chị gái của Tillekeratne – người đã đi học cùng với cậu bé hàng ngày – bước vào và khi được hỏi chị ấy là ai, Gnanatilleka trả lời: “Đó là chị của cháu ở Talawakelle”.

“Cháu hay cùng với chị ấy đi đâu?”

“Đi học ạ”.

Khi được hỏi hai em đã đến trường bằng cách nào, cô bé đã trả lời đúnglà hai em đã đi bằng xe lửa.

Người kế tiếp buwóc vào phòng là một người đàn ông chỉ chuyển tới sống ở Talawakelle sau khi Tillkeratne mất. Anh hỏi cô bé: “Chú là ai?”

“Cháu không biết”.

Tiến sĩ Nissanka đã hỏi cô bé: “Cháu có biết chú ấy không? Cháu nhìn lại thật kỹ nhé, chú ấy là ai?”

Cô bé trả lời: “Không, cháu không biết chú ấy”.

Sau đó ba cô gái đi vào. Một người hỏi: “Em có biết chị không? Chị là ai?”

Gnanatilleka nói: “Có, chị là chị của em”

Một người khác hỏi: “Thế còn chị là ai?”

“Chị sống ở căn nhà phía dưới nhà em”.

Sau đó mẹ của Gnanatilleka hỏi em cô gái thứ ba là ai và em trả lời: “Chúng ta vẫn hay đến nhà chị ấy để may quần áo”. Tất cả những câu này đều đúng với ba cô gái vừa bước vào.

Hai người đàn ông từ Talawakelle lần lượt được đưa vào. Một người là bạn rất thân với gia đình Tillekeratne, còn người kia dạy Tillekeratne ở trường đạo ngày Chủ nhật. Gnanatilleka nói cô bé đã từng biết họ hồi ở Talawakelle nhưng không nói thêm chi tiết cụ thể nào.

Cuối cùng, anh trai của Tillekeratne bước vào phòng. Anh và Tillekeratne đã thường xuyên cãi nhau và khi được hỏi em có biết anh hay không, Gnanatilleka đã giận dỗi trả lời: “Không!”Mọi người hỏi cô bé lần nữa và em vẫn trả lời: “Không! Cháu không biết!” Sau đó Tiến sĩ Nissanka nói với cô bé em chỉ cần nói với mẹ mình là có biết anh ấy hay không và cô bé đã nói thầm với mẹ em: “Anh trai của con ở Talawakelle”. Tiến sĩ Nissanka bảo cô bé nói to cho tất cả mọi người nghe, và em đã nói: “Anh trai của cháu ở Talawakelle”. Khi Tiến sĩ Nissanka bảo Gnanatilleka là hãy để người anh trai ôm em, cô bé bắt đầu khóc và nói mình không muốn.

Gnanatilleka đã nói ra một số chi tiết rất ấn tượng trong buổi nhận diện, vì cô bé không những biết mối quan hệ giữa người tiền kiếp với từng người mà còn cả những sự thật khác mà em không thể nào đã đoán ra được từ bề ngoài của họ. Cô bé nói chính xác rằng mình không biết những người mà người tiền kiếp cũng không quen biết – hai người đàn ông đi cùng thầy giáo của Tillekeratne đến nhà em và một người lạ mà những người điều tra đã đưa vào để thử em.

Sau này, Gnanatilleka còn ngẫu nhiên nhận ra một số người khác. Cô bé đã trở nên thân thiết với thầy giáo của Tillekeratne và một ngày nọ, khi họ đi chơi cùng nhau, Gnanatilleka đã chỉ vào một người phu nữ trong đám đông và nói: “Cháu biết cô ấy”. Cô bé nói với người thầy giáo: “Cô ấy đến đền Talawakelle cùng với cháu”, và người thầy lại hỏi người phụ nữ và biết được quả thật chị đã từng làm bạn với Tillekeratne khi họ cùng đến làm lễ tại ngôi đền. Một lần khác, Gnanatilleka chỉ vào một người phụ nữ trong một nhóm người khác và nói: “Cô ấy rất giận mẹ Talawakelle của cháu”. Người thầy giáo lại hỏi người phụ nữ và phát hiện chị là một người hàng xóm của gia đình Tillekeratne trước đó đã có bất hòa với mẹ Tillekeratne.

Tiến sĩ Stevenson đến nơi này một năm sau khi buổi kiểm tra nhận diện diễn ra và phỏng vấn người thuộc cả hai gia đình và thầy giáo của Tillekerane. Sau những cuộc phỏng vấn đầu tiên, ông vẫn thỉnh thoảng đến thăm gia đình cô bé. Một chi tiết ông phát hiện được là Tillekeratne không có người chị nào tên Lora hay Dora. Hồi còn nhỏ, cô bé có một bạn gái học cùng lớp tên Lora và hai em có chơi với nhau trước đó. Tiến sĩ Stevenson đã phỏng vấn cô vào năm 1970. Cô chưa từng gặp Gnanatilleka, vì thế ông đã đưa cô và một người bạn của cô – một người Tillekeratne không biết – đến nhà Gnanatilleka mà không báo trước. Ông hỏi Gnanatilleka, lúc đó đã gần 15 tuổi, xem cô bé có nhận ra hai người phụ nữ này không. Cô bé vẫn gọi nhầm Lora là “Dora” như hồi nhỏ và nói hồi còn ở Talawakelle em có biết cô nhưng em không thể nói thêm được chi tiết gì.

Đây là một điều khác thường, cho dù cả khi chúng ta chấp nhận khả năng đầu thai vì Lora đã thay đổi từ một cô bé hồi Tillekeratne còn sống thành một người phụ nữ xấp xỉ 30 tuổi, mặc dù chúng ta có thể cho rằng nó cũng không khác nhiều so với việc nhận ra một người bạn học cũ tại một buổi họp trường cấp ba. Gnanatilleka quả thật đã nhận ra người phụ nữ đó. Mặc dù có thể cô bé đã đoán được địa điểm Talawakelle, nhưng xét đến tình hình liên lạc giữa Tiến sĩ Stevenson và gia đình em trước đó thì việc em nói đúng tên người phụ nữ, trong khi không hề nói tên của bất kỳ cô gái nào dù mọi người yêu cầu, chứng tỏ em biết được những điều không thể bỏ qua.

Trường hợp của Ma Choe Hnin Htet

Trường hợp của Ma Choe Hnint Htet ở Myanmar không những bao gồm một phép thử nhận diện trong điều kiện được kiểm soát mà còn cả một vết bớt tạo trước. Người tiền kiếp trong trường hợp này là một cô gái trẻ tên Ma Lai Lai Way – một người được sinh ra với một dị tật ở tim. Nó đã khiến cô sống rất khó khăn và cô vẫn đang học trung học ở độ tuổi 20 do cô phải vào điều trị một vài tháng trong bệnh viện đa khoa Rangoon vào năm 1975. Cô đã phải trải qua một ca phẫu thuật tim hở ở đó và chết trong lúc phẫu thuật.

Sau cái chết của Ma Lai Lai Way, ba người bạn của cô đề nghị được khâm liệm thi thể cô để chuẩn bị cho nghi thức hỏa táng. Trong lúc làm việc này, họ nhớ đến phong tục đánh dấu lên thi thể, vì thế họ đã dùng son môi màu đỏ để đánh dấu lên phía bên trái đằng sau cổ cô. Tiến sĩ Stevenson đã chỉ ra rằng khi chọn phía sau cổ, các cô gái đó đã chọn vị trí xấu nhất để tạo ra được một vết bớt ấn tượng, vì những vết bớt “cò cắn” khá phổ biến và thường kéo dài đến tận giai đoạn sau của thời thơ ấu.

13 tháng sau cái chết của Ma Lai Lai Way, chị gái của cô hạ sinh một bé gái mà chị đặt tên là Ma Choe Hnin Htet. Sau khi được sinh ra, gia đình của Ma Choe Hnin Htet nhận thấy em bé có một vết bớt màu đỏ ở phía bến trái đằng sau cổ. Lúc đó, gia đình em không biết các bạn của Ma Lai Lai Way đã đánh dấu lên thi thể cô nhưng vài ngày sau, một người hàng xóm đã kể cho họ nghe chuyện đó. Vì mẹ của Ma Choe Hnin Htet chỉ biết đến chuyện thi thể được đánh dấu sau khi sinh ra em, chúng ta có thể chắc chắn rằng hiện tượng nhận dấu do ước muốn và mong mỏi của một người mẹ không hề có vai trò nào trong trường hợp này.

Chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng các nhân chứng không phải đã dựa vào vị trí của các vết bớt mới nói sai là nó trùng với chỗ đánh dấu, vì khi Tiến sĩ Stevenson nói chuyện với một trong số những người bạn đã đánh dấu lên người là cô Ma Myint Myint Oo, cô đã cho biết vị trí trong lúc chưa nghe gì về việc Ma Choe Hnin Htet đã được sinh ra với một vết bớt trên người. Ông cũng phỏng vấn hai người bạn còn lại và cả hai cô đều chỉ ra cùng một vị trí đánh dấu.

Ma Choe Hnin Htet cũng có một vết khác trên ngực trông có vẻ như là một vết bớt, nhưng gia đình em không nhận thấy nó cho đến tận vài năm sau, khi một người đoán rằng em có thể có một vết bớt khác giông với vết rạch phẫu thuật của Ma Lai Lai Way. Nó là một đường mỏng và mờ hơn màu da của cô bé, chạy dọc xuống ở giữa vùng ngực dưới và bụng trên của em. Nó tương tự một vết rạch để lại sau một ca phẫu thuật tim hở, ngoại trừ đặc điểm nó nằm thấp hơn, ít nhất là cho đến khi Ma Choe Hnin Htet được bốn tuổi, so với vết rạch như vậy.

Một thời gian ngắn sau khi Ma Choe Hnin Htet đến tuổi biết nói, cô bé kể về kiếp trước cho ông bà mình – bố mẹ của người tiền kiếp – nghe. Em nói bà đã từng là mẹ mình và em kể về cái chết trong lúc phẫu thuật của mình. Cô bé cũng nói tên em là Lai Lai và em sẽ khóc nếu người trong nhà trêu em bằng cách nói em không phải Lai Lai. Bên cạnh đó, cô bé gọi mình là “chị gái”, cậu mình là “em trai” và ông mình là “bố”.

Tiến sĩ Stevenson bắt đầu điều tra trường hợp này khi Ma Choe Hnin Htet được bốn tuổi. Ba ngày trước các cuộc phỏng vấn của ông, hai trong số những người bạn của Ma Lai Lai Way, trong đó có một người đã tham gia đánh dấu lên thi thể cô, đến thăm nhà cô. Người đánh dấu chưa hề gặp Ma Choe Hnin Htet kể từ hồi em còn nhỏ, nhưng Ma Choe Hnin Htet rất thân thiện với cô. Em đi ra cổng khi thấy hai cô gái chứ không báo cho người lớn trong nhà như bình thường em vẫn làm và khi gặp họ em đòi người đánh dấu gọi mình là Lai Lai Way. Em dẫn cô gái đến gặp bà mình và bà đã hỏi em: “Cháu biết chị ấy không?” Ma Choe Hnin Htet đã trả lời: “Dĩ nhiên là có chứ ạ. Bọn cháu từng là bạn mà”.

Khi tiến sĩ Stevenson thực hiện các cuộc phỏng vấn, ông phát hiện Ma Myint Myint Oo – chưa hề gặp Ma Choe Hnin Htet. Ông và người phiên dịch của mình – U Win Maung – quyết định đưa cô tới nhà Ma Choe Hnin Htet mà không báo cho gia đình em biết trước. Khi đến, họ chỉ vào Ma Myint Myint Oo và hỏi Ma Choe Hnin Htet: “Chị ấy là ai?” Ma Choe Hnin Htet nhanh chóng trả lời: “Myint Myint Oo”.

Chúng tôi ước mình có nhiều cơ hội hơn để thực hiện những phép thử như vậy. Không may là những đứa trẻ trong các trường hợp của chúng tôi thường đã gặp những người quan trọng trong cuộc đời của người tiền kiếp trước khi chúng tôi đến điều tra. Trong những cuộc gặp này, gia đình hai bên thường cho biết trẻ nhận ra một số người thân quen với người tiền kiếp nhưng chúng tôi không có cơ hội để tự đánh giá điều đó. Để tự mình thực hiện nhiều phép thử hơn, chúng tôi cần phải biết đến những trường hợp này sớm hơn. Sẽ thật lý tưởng nếu chúng tôi biết về một trường hợp khi chưa có ai xác định được người tiền kiếp vì khi đó chúng tôi sẽ có cơ hội để sắp xếp các phép thử, nhưng nhiều trường hợp như thế có lẽ sẽ không bao giờ đến được với chúng tôi. Một số bậc bố mẹ có thể không muốn người khác biết con mình nói về kiếp trước nếu trường hợp của con họ chưa được giải quyết và các câu nói của trẻ chưa được kiểm chứng. Thậm chí cả khi bố mẹ trẻ không ngại để người khác biết, mọi người vẫn theo lẽ tự nhiên ít có khả năng nói đến một trường hợp chưa được giải quyết, vì thế các đầu mối của chúng tôi ở các nước cũng ít có khả năng nghe về chúng.

Chúng tôi cần biết sớm về các trường hợp trong lúc trẻ vẫn còn kí ức tiền kiếp. Vì hầu hết trẻ dường như bị mất đi kí ức này khi các em lên bảy hoặc tám tuổi nên việc thực hiện một phép thử khi trẻ đã vượt quáđộ tuổi này có thể sẽ không mang lại kết quả gì. Dĩ nhiên vẫn có các ngoại lệ, như phép thử của Tiến sĩ Stevenson với Gnanatilleka Baddewithana, nhưng nhìn chung điều cốt yếu là chúng tôi cần phải thực hiện phép thử khi trẻ vẫn còn nhỏ. Điều này nghĩa là chúng tôi phải được biết về các trường hợp sớm nhất có thể. Không may là nguồn nhân lực của chúng tôi có giới hạn và thường ở mỗi nước, chúng tôi chỉ có một đầu mối đi tìm. Nếu người đầu mối biết về một trường hợp từ một bài báo thì nó hầu như lúc nào cũng đã được giải quyết. Nếu người đó nghe được một trường hợp thông qua những mối quan hệ khác thì khả năng trường hợp đó chưa được giải quyết và đứa trẻ vẫn chưa gặp gia đình người tiền kiếp sẽ lớn hơn nhưng vẫn có thể tồn tại nhiều trở ngại.

Điều này khiến chúng tôi chỉ thu thập được một số ít trường hợp trong đó người điều tra đã thực hiện các phép thử nhận diện dưới các điều kiện được kiểm soát thích đáng. Con số ít ỏi đó không có nghĩa các đối tượng này là những đứa trẻ duy nhất nhận ra người thân của người tiền kiếp, nhưng vì các điều kiện trong lúc các trẻ khác nhận diện không được kiểm soát thích đáng nên chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng các em đích thực đã nhận ra người thân của mình.

Nếu trẻ có kí ức về kiếp trước thật thì lẽ ra các em phải nhận ra được những người mà theo lời các em đã cùng sống với các em lúc trước những những kí ức này dường như rất mơ hồ, không hoàn chỉnh và chỉ hiện lên ở một số thời điểm nhất định đối với một số trẻ. Nếu người tiền kiếp đã chết cách đó khá lâu thì bề ngoài của những người liên quan có thể đã thay đổi một cách đáng kể từ hồi người đó còn sống. Cả hai yếu tố này có thể lý giải vì sao một số trẻ lại không nhận ra được những người thuộc gia đình kiếp trước.

Nhưng mặt khác, nếu không chấp nhận khả năng đầu thai, chúng ta sẽ phải rất ngạc nhiên khi một đứa trẻ nhận ra được những người thân của người đã chết trong những điều kiện có kiểm soát. Ở những trường hợp ít ỏi có phép thử nhận diện trong điều kiện được kiểm soát này lại củng cố thêm kết quả của những phép thử không được kiểm soát ở nhiều trường hợp khác và chúng tạo nên một loại bằng chứng quan trọng. Bất cứ lời giải thích nào tìm cách bác bỏ những trường hợp này như những hiện tượng bình thường đều sẽ gặp phải thử thách là những ví dụ về những đứa trẻ nhận ra được người thân từ kiếp trước và biết được những thông tin cụ thể về họ.

Sam – cậu bé ở đầu chương này – đã nhận ra người tiền kiếp là ông của mình trong các bức ảnh. Khi tôi mới nghe tin về sự việc này, tôi đã tự hỏi liệu có khi nào cậu bé chỉ ra được người tiền kiếp trong các bức ảnh lớp học là vì cậu vừa mới nhìn thấy ảnh của ông mình lúc lớn hơn hay không. Khi xem những tấm ảnh này, tôi nhận thấy nếu chỉ dựa vào những bức hình kia thì tôi không thể nào nhận ra được người tiền kiếp trong tấm ảnh lớp học. Việc cho rằng một đứa trẻ bốn tuổi có thể làm được điều đó dường như là vô căn cứ.

Các cách giải thích

Trong lúc tìm cách lý giải những hiện tượng này bằng nguyên nhân tự nhiên, chúng ta có thể sẽ bác bỏ những phép thử không kiểm soát với lý do chúng ít có giá trị khoa học vì trẻ có thể dựa vào manh mối bên ngoài để đoán ra người mà các em đang được yêu cầu nhận diện. Những câu các em thường nói trong những cuộc gặp như vậy, ví dụ như biệt danh của người đó hoặc các chi tiết về một sự việc trong quá khứ, lại khó giải thích hơn. Đối với chúng, chúng ta phải đổ lỗi cho trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin.

Một lần nữa chúng ta lại phải dùng đến giả thiết những người cung cấp thông tin đã nhớ nhầm để giải thích cho nhiều trường hợp trẻ tự động nhận diện, vì theo lời họ, trẻ đã nói ra nhiều chi tiết về người mà các em nhận điện được và các em không thể nào đã biết được những chi tiết này bằng các cách thông thường.

Cuối cùng, những phép thử nhận diện trong các điều kiện được kiểm soát chính là thử thách lớn nhất đối với cách giải thích tự nhiên. Trong trường hợp của Gnanatilleka Baddewithana, cô bé đã nhận ra nhiều người thuộc gia đình kiếp trước khi các nhà nghiên cứu lần lượt đưa họ đến gặp em. Có thể Gnanatilleka đã đoán về mối quan hệ giữa từng người với người tiền kiếp nhưng cô bé cũng nói đúng rằng mình không biết một người đàn ông mà người tiền kiếp cũng không hề quen biết. Hơn nữa, chúng ta đang đánh giá quá cao một đứa bé bốn tuổi rưỡi nếu chúng ta nghĩ khả năng suy luận của em đủ tốt để giúp em đoán được chính xác tất cả các mối quan hệ.

Một điều còn khó hiểu hơn là việc em cũng nói ra một số thông tin về các người chị của người tiền kiếp mà em không thể nào đoán được chỉ dựa vào bề ngoài của họ. Điều này, cùng với việc em nhận ra họ, có nghĩa sự ngẫu nhiên không thể nào là một cách giải thích hợp lý và bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể coi trí nhớ sai là một cách lý giải vì những người nghiên cứu đã ghi âmlại các buổi kiểm tra nhận diện. Nói dối dường như là cách giải thích duy nhất còn lại. Chúng ta có thể nghĩ gia đình của Gnanatilleka đã đánh lừa tất cả mọi người liên quan, hai gia đình đã thông đồng để lừa các nhà nghiên cứu hoặc bản thân các nhà nghiên cứu đã không báo cáo lại đúng sự thật các sự kiện đã diễn ra. Tất cả những khả năng này đều khó có thể xảy ra, đặc biệt khi chúng ta nhớ lại chi tiết Gnanatilleka đã nhận ra được người phụ nữ tên Lora khi Tiến sĩ Stevenson thử cô bé tám năm sau đó.

Tương tự như vậy, Ma Choe Hnin Htet đã nói được tên của một trong số những người bạn của người tiền kiếp, người đã đánh dấu lên thi thể ngay lần đầu tiên em gặp cô. Vì các manh mối bên ngoài không thể nào giúp em biết được một cái tên nên chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng người thân cô bé đã nói dối Tiến sĩ Stevenson khi họ bảo ông là em chưa hề nghe đến tên của cô gái.

Trong những trường hợp có phép thử nhận diện trong điều kiện được kiểm soát, nói dối là cách giải thích duy nhất chúng tôi có thể đưa ra nhưng nó vẫn không hoàn toàn thỏa đáng. Còn về phía giải thích bằng hiện tượng siêu nhiên, bất cứ khả năng nào trong ba khả năng đó cũng có thể sử dụng được để lý giải cho sự nhận diện. Khả năng ngoại cảm có thể giúp trẻ nhận ra những người thân của người đã chết. Nếu ý thức kiếp trước đã nhập vào cơ thể trẻ thì nó có thể nhận ra họ. Và cuối cùng, nếu trẻ là tái sinh của người đã chết, các em cũng sẽ nhận ra những người này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn