CHƯƠNG 8: Ký ức về khoảng thời gian giữa hai kiếp

05 Tháng Giêng 201603:02(Xem: 3709)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 8
KÍ ỨC VỀ KHOẢNG THỜI GIAN GIỮA HAI KIẾP

Bobby Hodges – một cậu bé ở Bắc Carolina – thường xuyên nói muốn sống với các anh chị họ của mình. Gia đình anh chị họ của cậu bé gồm một cậu anh trai và ba cô em gái. Ngoài ra, dì của Bobby cũng đã sảy thai một cặp sinh đôi sau khi hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Bobby nói cậu bé con dì Bobby là anh trai của mình và hỏi mẹ cậu vì sao lại không cho cậu về ở với gia đình thật sự của mình. Cậu bé liên tục nói mình là người cùng một nhà với các anh chị họ. Bố mẹ cậu bé nghĩ em thích gia đình anh chị họ vì ở đó có nhiều trẻ con hơn nên không bận tâm nhiều đến những lời em nói cho đến khi em bắt đầu kể chuyện cho mẹ mình nghe vào một đêm nọ sau khi tắm, lúc em mới bốn tuổi rưỡi.

Cậu bé hỏi mẹ mình còn nhớ lúc mang thai em không. Mẹ trả lời có. Tiếp theo đó cậu bé hỏi mẹ còn nhớ đã mang thai mình và Donald cùng một lúc hay không. Khi mẹ cậu bé bảo với em rằng em và Donald không phải đã ở trong bụng chị cùng một lúc, cậu bé nói hai em đều nằm trong bụng chị cùng một lúc nhưng không được sinh ra. Chị nói với cậu bé là em đã được sinh ra và sau đó Donald cũng được sinh ra. Cậu bé đáp lại em và Donald đã ở trong bụng dì Susan cùng một lúc chứ không phải bụng chị và hỏi vì sao dì Susan lại không sinh hai em ra.

Sau đó Bobby trở nên rất buồn và bắt đầu hét vào mặt Donald. Cậu bé nói: “Donald, tất cả đều do lỗi của em. Anh đã bảo anh rất muốn được sinh ra, còn em thì không. Bằng cách nào mà em lôi được anh ra khỏi đó, Donald? Sao em lại không muốn được sinh ra? Nói đi, em đã làm thế nào?Em đã lôi anh ra khỏi đó thế nào?”

Lúc đó, mẹ Bobby phải giữ em lại mới ngăn được em không đuổi theo Donald. Chị bảo em không được quát Donald và Donald không hiểu được em đang nói gì. Bobby hét lên rằng Donald hiểu được và hỏi em trai mình lần nữa vì sao nó lại lôi Bobby ra khỏi bụng dì Susan.

Sau đó Donald lôi núm vú giả ra miệng và hét: “Không! Em muốn bố!” rồi lại nhét nó vào miệng. Bobby hét đáp lại: “Anh không muốn bố, anh muốn chú Ron!”

Sau khi Bobby đã phần nào bình tĩnh trở lại, cậu bé nói với mẹ mình rằng sau vụ sẩy thai, cậu bé đã cố quay trở lại vào bụng dì Susan nhưng Rebbeca – chị họ của cậu – đã ở đó từ trước. Cậu bé nói với mẹ mình: “Con muốn vào đó, nhưng chị ấy không cho. Con cố đá chị ấy ra ngoài, nhưng không được. Chị ấy sẽ được sinh ra, còn con thì không”. Cậu bé kể sau đó em đã vào bụng mẹ em và được sinh ra đời. Em nói: “Con đã phải rất cố gắng mới đến được đây, mẹ ạ”.

Giờ tôi sẽ cung cấp một số thông tin bên lề để chúng ta hiểu rõ hơn. Chú Ron của Bobby là em trai của bố cậu bé. Bảy năm trước khi Bobby chào đời, vợ của Ron là Susan đã mang thai một cặp sinh đôi con trai. Vào tuần mang thai thứ 33, Susan không cảm nhận thấy bất cứ cử động nào từ cặp sinh đôi, khi đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện thấy cả hai bào thai đều đã chết. Hồ sơ của bệnh viện cho thấy các màng bao quanh mạch máu ở vị trí dính liền giữa dây rốn và nhau thai khon đủ dày nên rất dễ bị ép. Các bác sĩ bảo với Susan rằng họ nghi ngờ một trong hai đứa bé đã lăn đè lên dây rốn ở chỗ đó. Điều này đã chặn dòng máu lưu thông và giết chết một thai nhi và vì hai bào thai có chung một mạch máu nên thai nhi còn lại cũng chết một thời gian ngắn sau đó.

Vì vụ sẩy thai chắc hẳn đã khiến bố mẹ cặp sinh đôi rất đau buồn nên cả gia đình không bao giờ nói về nó, bố mẹ Bobby quả quyết rằng cậu bé chưa từng nghe kể về nó. Một vài tháng sau đó, Susan lại mang thai lần nữa và sau này họ đã sinh ra ba đứa bé gái. Bé cuối cùng – Rebbeca – được sinh ra trước Bobby 18 tháng.

Bobby không những nói mình là một trong bào thai sinh đôi của Susan mà còn kể một số câu về những kiếp đầu thai trước đây mà em nhớ được. Cậu bé kể trong một kiếp em đã bị chết vì một vết thương do súng bắn và ở một kiếp khác, em là một cậu bé thiếu niên bị tử vong trong một vụ tai nạn xe cộ. Một lần nọ, khi hồi phục sau một trận cúm, Bobby nói với mẹ mình: “Mẹ ơi, người ở thế giới khác không bị ốm đâu”. Mẹ em đáp lại: “Thế giới khác ư, Bobby?” và em nói “Nơi con chờ để được sinh ra. Ở đó mọi người không bị ốm. Họ rất vui vẻ và không bao giờ bị bệnh. Con ước gì ở đây chúng ta cũng không bị ốm”.

Một lần khác, cậu bé kể về đám cưới của bố mẹ mình, được tổ chức trong lúc mẹ đang mang thai em. Vì chị trông rõ là đang có thai tại đám cưới nên chị không trưng bày tấm ảnh cưới nào trong nhà. Chị và chồng chị làm đám cưới tại một vọng lâu trên một ngọn đồi, họ đã phải leo bậc thang lên đồi. Họ không tin rằng Bobby đã từng thấy một tấm ảnh cưới hay nghe họ nói về nó, cho tới một ngày Bobby thấy mẹ mình đang xem một chồng ảnh. Chị đưa cho cậu bé một tấm ảnh cưới – tấm ảnh chụp cận cảnh họ đang đứng trước một thanh lan can. Đó là thanh lan can của vọng lâu, nhưng điều này không rõ trong bức ảnh. Mẹ cậu bé đang cầm hoa, và bố em có hoa cài trên ngực. Họ đang đứng nghiêng, hình như là đối mặt với linh mục, nhưng lưng của một người phụ nữ, có vẻ như là một người khách dự lễ cưới, đã che mất người đứng phía trước họ.

Khi mẹ Bobby hỏi cậu bé có biết đó là ảnh của dịp gì không, em trả lời: “Có chứ mẹ. Đó là ảnh mẹ và bố làm lễ cưới. Con đã ở đó. Con thấy toàn bộ sự việc”. Chị hỏi tiếp: “Thế ư?” và cậu bé nói: “Thật mà mẹ, bố mẹ đã leo cầu thang, rồi bố mẹ trao nhẫn cho nhau, sau đó bố mẹ ăn bánh”.

Tôi đã tình cờ gọi cho chị ngay sau khi cuộc nói chuyện này xảy ra và chị kể cho tôi nghe những gì Bobby đã nói. Chị không thể hiểu cậu bé đã bằng cách nào biết được vợ chồng chị đã phải leo cầu thang để làm đám cưới. Tại một lễ kết hôn em được tham dự đã không có bánh cưới vì điều hòa nhiệt độ có vấn đề. Mẹ em thậm chí không ăn bánh vào các ngày thường, nhưng chị đã làm vậy ở đám cưới của mình vì chị nghĩ việc không ăn bánh có thể sẽ mang lại vận rủi.

Vào ngày sinh nhật lần thứ tư của mình, Bobby kể về quá trình mình chào đời. Mẹ của em kể rằng em được sinh ra bằng cách mổ sau khi chị bị đau đẻ quá lâu. Em đã chào đời trong tư thế nằm ngửa và các y tá đã không thể làm em xoay mình được. Khi Bobby kể về sự việc này, em nói em đã quẫy đạp trong bụng vì em đang cố thoát ra ngoài. Mẹ bé đáp lại em phải đợi để được sinh ra và em nói: “Con biết, thế nên con mới rất giận, con đang cố đẩy để ra ngoài thì họ lại đẩy vào đầu con để bắt con vào lại và điều đó khiến con rất giận, vì con muốn ra ngoài, nhưng không được vì con bị mắc kẹt”.

Mẹ cậu bé rất ngạc nhiên và nói: “Đúng là con đã bị mắc kẹt và họ đẩy vào đầu con để cố làm cho con xoay mình. Con chỉ cần xoay mình là có khi đã được ra ngoài sớm rồi”.

Cậu bé đáp lại: “Ồ thế ạ, con không biết. Nếu biết thì con đã trở mình, nhưng con nghĩ họ đang bắt mình chui lại vào trong. Dù sao thì sau đó con đã nhìn thấy ánh sáng, rồi bác sĩ đưa con ra khỏi bụng mẹ, họ lau hết chất nhờn trên người con rồi đặt vào một chiếc giường, lúc đó con mới ngủ được”.

Câu chuyện của Bobby là một ví dụ của những trường hợp trong đó trẻ nói về khoảng thời gian giữa cái chết của người tiền kiếp và sự ra đời của mình. Trong trường hợp của cậu bé, em đã kể về những sự kiện xảy ra lúc em còn ở trong bụng mẹ và có nói một lần là em đã ở một thế giới khác trước khi đến với mẹ em. Hầu hết các đối tượng trong các trường hợp của chúng tôi không nói những câu như vậy. Trong số 1100 trường hợp, 69 đối tượng kể lại kí ức về lễ tang của người tiền kiếp hoặc việc xử lý thi thể; 91 em miêu tả các sự kiện khác xảy ra trên mặt đất; 112 em kể mình đã ở một thế giới khác và 45 đứa trẻ thuật lại sự việc lúc mình được thụ thai hoặc sinh ra. Một số trẻ được xếp vào nhiều loại vì các em kể nhiều hơn một loại trải nghiệm và chỉ có 217 trong số 1100 đối tượng nói mình đã trải qua ít nhất là một trong số những sự việc trên.

Vì rõ ràng chúng tôi không có cách nào để kiểm chứng các câu nói đó của trẻ về thế giới khác và thường cũng không có cách để biết được những lời các em kể về các sự kiện giữa các kiếp có thật hay không nên những kí ức về khoảng thời gian ở giữa mang tính chất suy đoán nhiều hơn những khía cạnh khác của các trường hợp. Có một số yếu tố khiến chúng tôi thấy mình ít nhất nên xem xét những câu nói như trên của trẻ. Thứ nhất, một số em đã kể về những sự kiện đã xảy ra mà sau này được khẳng định là đúng sự thật. Thứ hai, có một số ít bằng chứng ủng hộ những câu nói của trẻ về các sự kiện xảy ra giữa hai kiếp, và chúng tôi sẽ sớm xem xét bằng chứng đó.

Tôi đã lập ra một thang điểm để đánh giá mức độ đáng tin của từng trường hợp. Khi nhìn vào các loại kí ức khác nhau về khoảng thời gian ở giữa hai kiếp – kí ức về đám tang người tiền kiếp, kí ức về các sự kiện khác, kí ức về thời gian ở thế giới khác và kí ức về thời điểm thụ thai hay chào đời – một cách riêng biệt hay tổng thể, chúng tôi đều thấy khả năng một đứa trẻ kể về chúng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với điểm số trẻ đạt được trên thang điểm về mức độ thuyết phục của trường hợp. Poonam Sharma – một sinh viên y khoa hỗ trợ cho chúng tôi – cũng thống kê các số liệu cho thấy những đứa trẻ thuật lại kí ức về khoảng thời gian ở giữa có khả năng nhớ được tên của người tiền kiếp và cách người đó chết lớn hơn những đứa trẻ khác.

Quanh quẩn sau cái chết

25 trong số 1100 đối tượng đã miêu tả các chi tiết về đám tang của người tiền kiếp hoặc việc xử lý thi thể mà sau này được xác minh là đúng sự thật. Một ví dụ là Ratana Wongsongbat ở Chương 5 , đối tượng đã kể lại chính xác việc tro cốt của người tiền kiếp được rải dưới cây bồ đề trong khuôn viên ngôi đền chứ không phải được chôn như người đó mong muốn. Đôi khi, các câu nói của trẻ không đủ chi tiết để có thể kiểm chứng được. Chẳng hạn, Purnima Ekanayake ở Chương 4 đã kể rằng sau vụ tai nạn làm mình bị chết, em đã trôi nổi trên không giữa bóng tối lờ mờ trong vài ngày. Em thấy mọi người khóc thương cho mình và thấy thi thể mình tại lễ tang. Cô bé nói nhiều người khác cũng trôi nổi xung quanh như em. Sau đó cô bé thấy một tia sáng nên tiến lại phía nó và đến với gia đình mới của mình.

Những đứa trẻ có kể về lễ tang của người tiền kiếp thường lại không nói gì nhiều, vì thế các em không tỏ ra chú ý đến nó. Nếu chúng ta chấp nhận những câu các em đã nói đúng thì chúng cho thấy ý thức của người tiền kiếp đã ở lại quanh thi thể hoặc gia đình người đó một khoảng thời gian sau cái chết.

Một số trẻ cho biết các em đã ở lại khá lâu sau khi đám tang diễn ra. Trong một số trường hợp, gia đình của người tiền kiếp đã khẳng định một số câu các em nói là đúng. Một cậu bé ở Ấn Độ tên Veer Singh nói mình nhớ được cuộc đời của Som Dutt – một cậu bé ở một ngôi làng cách đó 8 km và đã chết từ 11 năm trước khi Veer Singh được sinh ra. Cậu bé nói mình đã ở lại cạnh nhà của Som Dutt và sống trên một cái cây. Cậu bé kể trong thời gian đó em đã đến đám cưới của anh trai Som Dutt và miêu tả các loại thức ăn được bày ra. Mặc dù cậu bé đã miêu tả đúng nhưng các món ăn đó rất điển hình cho một đám cưới ở Ấn Độ. Cậu bé cũng cho biết em đã đi cùng với người thân trong gia đình khi họ rời khỏi nhà. Kí ức này trùng hợp với một giấc mơ mẹ Som Dutt đã gặp vài tháng sau khi Som Dutt mất, trong đó cậu bé đến và nói với chị rằng em sẽ đi cùng anh trai khi anh ấy trốn ra khỏi nhà vào ban đêm để đến dự đám cưới. Sau giấc mơ đó, người anh trai thú nhận với người mẹ mình đã trốn ra khỏi nhà. Veer Singh còn nói em thấy rất bực mình bởi một số người phụ nữ chơi xích đu treo trên cây chỗ em ở nên em đã làm gãy tấm ván của chiếc xích đu. Bố của Som Dutt nhớ rằng một sự việc như thế quả thật đã xảy ra. Veer Singh cũng kể cho mẹ Som Dutt nghe về những vụ kiện liên quan đến gia đình họ sau cái chết của Som Dutt. Cậu bé nói về những người anh chị em được sinh ra trong khoảng thời gian này và em đã kể một cách chính xác với bố Som Dutt rằng đã có một người đàn ông chuyển ra khỏi làng sau khi Som Dutt mất.

Những đứa trẻ khác nói mình đã ở gần nơi các em chết trong kiếp trước. Một ví dụ rõ rằng là Bongkuch Prosin – một cậu bé ở Thái Lan tỏ ra nhớ được cuộc đời một thanh niên 18 tuổi bị giết chết 18 năm trước khi Bongkuch được sinh ra trong một thị trấn nằm cách làng của em 8 km. Cậu bé đã nói ra 29 câu về kiếp trước mà sau này được xác nhận là đúng với sự thực, bao gồm những câu miêu tả các hành động của các kẻ sát nhân ngay sau khi chúng giết người tiền kiếp. Cậu bé nói mình đã ở bảy năm trên một cây tre gần nơi chúng đã để xác của người tiền kiếp. Sau bảy năm, cậu bé đi tìm mẹ của người tiền kiếp vào một ngày trời mưa. Cậu bé kể em đã bị lạc trong chợ, nhìn thấy người bố tương lai của mình và quyết định đi cùng anh trên chiếc xe buýt về ngôi nhà trong tương lai của mình. Quả thật bố của Bongkuch đã có một cuộc họp ở vùng đó vào một ngày mưa trong tháng vợ anh thụ thai Bongkuch, vì thế ít nhất chúng ta có thể xem một phần kí ức của Bongkuch là đúng sự thật.

Kí ức về một thế giới khác

Các đối tượng trong các trường hợp khác đã miêu tả những trải nghiệm ở một thế giới khác trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh. Một cậu bé tên Lee nhớ rằng em đã quyết định mình phải được đầu thai trở lại. Cậu bé nói những người khác đã giúp em thực hiện quyết định quay lại của mình. Em cũng nói người mẹ lúc trước của mình xinh đẹp hơn người mẹ hiện tại và mẹ em đã vui vẻ chấp nhận điều đó. William – cậu bé ở Chương 1 – nói em đã trôi nổi trên không sau khi chết và kể em đã được lên Thiên đường – nơi em nhìn thấy cả Chúa lẫn các con vật.

Sam Taylor – cậu bé trong Chương 7 đã chỉ ra được ông nội mình trong tấm ảnh lớp học – cũng nói em đã nhìn thấy Chúa. Cậu bé kể Chúa dã đưa cho em một tấm thẻ để quay về từ Thiên đường và theo lời em thì nó trông giống một tấm danh thiếp với các mũi tên màu xanh. Cùng với chi tiết nghe có vẻ tưởng tượng này, cậu bé còn nói em được lên thẳng Thiên đường sau khi chết và có một người khác cũng chết cùng lúc với em. Bên cạnh đó, Sam thuật lại việc mình đã gặp chú Phil trên Thiên đường. Bạn thân của ông cậu bé và là chồng của em vợ ông và ông em đã gọi bạn mình là chú Phil. Sam kể trong kiếp trước em vẫn thường làm chân của chú Phil bị nóng. Ông nội em và chú Phil rất thích chơi khăm lẫn nhau, ông nội em thường làm chú Phil “bị nóng chân” bằng cách nung nóng giày của bạn mình trước khi Phil đi chúng vào.

Tương tự như vậy, Patrick Christenson – cậu bé ở Chương 4 có ba vết bớt tương tự với các vết thương trên thân người anh trai cùng mẹ khác cha đã chết của mình – nói em đã lên Thiên đường với một người họ hàng tên “Billy cướp biển”, người mà cậu bé nói đã kể cho em nghe về việc anh bị bắn chết từ cự ly gần khi đang ở trên núi. Mẹ Patrick nói chị chưa từng nghe tên một người họ hàng nào như thế, nhưng khi gọi cho mẹ mình để hỏi về những câu nói của Patrick, chị được biết rằng quả thật một người em họ có biệt danh Billy cướp biển đã chết theo cách như vậy.

Một đứa trẻ khác cũng nói những câu tương tự là Sunnita Khandelwal – một cô bé ở Ấn Độ có kí ức về cuộc đời của một người phụ nữ sống trong một thành phố cách nơi em ở 352 km. Cô bé kể rằng sau khi rơi xuống ban công và bị chết, “Cháu đã lên trời. Có một vị thần râu dài. Người đó kiểm tra lý lịch của cháu và nói: Cho cô bé trở lại. Ở đó có một số căn phòng. Chau đã thấy nhà của Chúa. Nó rất đẹp. Mọi người không biết ở đó có những gì đâu”.

Kí ức về thế giới này so với kí ức về thế giới khác

Một vấn đề chúng ta cần cân nhắc là vì sao một số trẻ lại kể mình đã ở lại thế giới này sau khi chết trong khi các trẻ khác lại nói mình đến một thế giới khác. Nếu tin và những câu nói này, chúng ta cần xem xét những yếu tố nào đã khiến một người này có một trải nghiệm khác sau khi chết so với những người khác. Hai yếu tố chúng ta có thể xét tới là cách người tiền kiếp đã chết và mức độ bất ngờ của cái chết đó. Khi nhìn vào cách người tiền kiếp đã chết, chúng ta có thể so sánh những cái chết tự nhiên với những cái chết bất thường để xem hai cách chết này có thể dẫn đến những trải nghiệm khác nhau sau đó hay không. Những cái chết bất thường bao gồm chết do tai nạn, chết đuối, bị giết và tự sát. Khi so sánh hai cách chết này trong 1100 trường hợp, chúng tôi phát hiện thấy dù người tiền kiếp đã chết do các nguyên nhân tự nhiên hay bất thường thì điều đó dường như cũng không ảnh hưởng đến việc sau này trẻ có nói về những sự việc xảy ra trong thế giới này sau cái chết hay không. Nhưng ở mặt khác, các trường hợp trong đó người tiền kiếp chết một cách tự nhiên, trẻ có khả năng nói về thế giới khác ít hơn so với những trường hợp người đó có một cái chết bất thường – 19% trong các trường hợp chết tự nhiên so với 13% trong các trường hợp chết bất thường.

Chúng ta có thể xem xét mức độ bất ngờ của cái chết theo hai cách. Thứ nhất, về thời gian biết trước cái chết, chúng tôi chia các trường hợp thành năm loại – không biết trước cho đến thời điểm chết, đến trước ngày chết, đến trước tuần chết, đến trước tháng chết, hoặc đã biết trước từ hơn 1 tháng. Khi xem xét mối quan hệ giữa khoảng thời gian đó với những câu nói sau này của trẻ về từng loại trải nghiệm trong khoảng thời gian giữa các kiếp, chúng tôi nhận thấy mức độ bất ngờ không có ảnh hưởng đến khả năng trẻ thuật lại kí ức về những sự kiện xảy ra trên thế giới này, nhưng cái chết càng bất ngờ thì các đối tượng càng ít khả năng nói về sự tồn tại ở một thế giới khác.

Một cách để nhìn nhận vấn đề mức độ bất ngờ của cái chết là so sánh những cái chết không đoán trước tại thời điểm chết với những cái chết đã được dự báo từ trước trong ít nhất là một khoảng thời gian nào đó, ngay cả khi nó chỉ là một phần trong ngày. Nói cách khác, chúng tôi sẽ so sánh trường hợp trong đó người tiền kiếp chết ngay lập tức với các trường hợp khi người đó chết từ từ. Những cái chết ngay lập tức bao gồm nhiều cái chết do các nguyên nhân không tự nhiên, nhưng cũng có một số cái chết tự nhiên, chẳng hạn như khi một người chết trong chốc lát vì bị đột quỵ. Sau khi so sánh, một lần nữa chúng tôi lại thấy không có sự khác nhau nào về tần suất của những câu nói về các sự kiện xảy ra trong thế giới này. Mặt khác, trong những trường hợp khi người tiền kiếp chết đột ngột, trẻ ít có khả năng kể về thế giới khác hơn những trường hợp trong đó người tiền kiếp trước không chết một cách bất ngờ (12% so với 22%)

Quá trình phân tích này cho thấy cách người tiền kiếp chết hoặc mức độ bất ngờ của cái chết không ảnh hưởng đến khả năng trẻ kể về những sự kiện xảy ra ở thế giới này trong khoảng thời gian giữa cái chết đó và sự ra đời của trẻ sau này. Nhưng mặt khác, ở những trường hợp trong đó cái chết của người tiền kiếp bị gây ra bởi những nguyên nhận tự nhiên hoặc đã được dự đoán từ trước, đối tượng sẽ có nhiều khả năng nói về sự tồn tại ở một thế giới khác trong khoảng thời gian giữa cái chết của người tiền kiếp và lúc mình ra đời hơn.

Mặc dù chúng ta có thể dựa vào những điều này để suy ra rằng một cái chết thảm hay bất ngờ sẽ rút ngắn quá trình và giảm khả năng phải đến một thế giới khác của một người, nhưng những kết luận này, mặc dù rất có ý nghĩa về mặt thống kế lại không hoàn toàn chắc chắn. Chúng ta cần nhận ra rằng nếu con người đi đến một thế giới khác sau khi chết rồi mới quay lại mặt đất để được đầu thai thì phép phân tích này cho thấy cách một người chết và mức độ bất ngờ của cái chết có thể là hai yếu tố gây ảnh hưởng đến khả năng trẻ có những kí ức về thế giới đó – chứ không phải việc trẻ có đến thế giới đó hay không.

Trong lúc suy luận, chúng ta có thể nhìn vào việc liệu đặc điểm tính cách và hanh vi của người tiền kiếp có ảnh hưởng gì đến khả năng đối tượng trong một trường hợp sẽ thuật lại những sự kiện xảy ra tren mặt đất hoặc ở một thế giới khác hay không. Những đặc điểm của người tiền kiếp được chúng tôi lưu lại trong cơ sở dữ liệu bao gồm: Người đó có mê làm giàu hay không? Người đó có phải là tội phạm? Người đó có hay làm từ thiện hay hào phóng? Người đó có tích cực tham gia các nghi lễ tôn giáo? Người đó có thường ngồi thiền? Và người đó có tốt bụng? Tôi cũng phải nói thêm rằng chúng tôi không thu thập được những thông tin này trong hầu hết các trường hợp, vì thế chúng tôi chỉ có những con số rất nhỏ – không nhỏ đến mức không thể phân tích số liệu được, nhưng dù nhỏ để chúng ta cần nhận rõ rằng bất cứ kết luận nào cũng chỉ mang tính chất ban đầu.

Khi tìm hiểu xem những đặc điểm này có ảnh hưởng đến khả năng trẻ sẽ thuật lại kí ức về khoảng thời gian giữa hai kiếp sau này hay không, chúng tôi nhận thấy chúng không hề tác động gì đến khả năng trẻ có kí ức về những sự kiện ở thế giới này. Ngoài ra, tất cả chúng cũng không có ảnh hưởng gì đến kí ức về một thế giới khác ngoại trừ một đặc điểm – mức độ ngồi thiền. Chúng tôi chỉ có thông tin về mức độ ngồi thiền của người tiền kiếp trong 33 trên tổng số 1100 trường hợp trong cơ sở dữ liệu, vì thế những phát hiện này còn hết sức sơ bộ nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng về mặt thống kê. Người tiền kiếp càng thường xuyên ngồi thiền thì đứa trẻ sau này càng có nhiều khả năng thuật lại kí ức về một thế giới khác.

Tôi đã thu được kết quả nay khi đặt câu hỏi về việc trẻ nhớ lại thời gian ở một thế giới khác dưới dạng một câu hỏi có/không – hoặc trẻ nhớ lại hoặc là không. Thực ra chúng tôi không mã hóa chi tiết trẻ có kí ức về thế giới khác thành một câu hỏi có/không mà là một câu hỏi về mức độ. Chúng tôi đánh giá xem trẻ nhớ được thời gian ở thế giới khác một cách hết sức chi tiết, khá chi tiết, sơ sài hay không hề nhớ gì. Khi chia nhỏ chi tiết đó theo cách này và so sánh nó với mức độ ngồi thiền của người tiền kiếp, chúng tôi vẫn thu được một mối quan hệ theo chiều hướng tỷ lệ thuận. Như thế nghĩa là người tiền kiếp càng thường xuyên ngồi thiền thì trẻ càng kể lại những sự kiện ở thế giới khác một cách chi tiết. Dựa vào điều này, nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận khả năng đầu thai và nếu chúng ta muốn rút ra một kết luận nào đó thì nó nên là ngồi thiền sẽ giúp con người có nhiều cơ hội nhớ lại thời gian ở thế giới khác hơn trong kiếp sau. Nó khác với việc nói rằng ngồi thiền sẽ giúp con người có nhiều cơ hội được đến một thế giới khác sau khi chết hơn, nhưng đó cũng là một khả năng có thể xảy ra. Bất cứ kết luận nào cũng chỉ mang tính chất ban đầu. Có thể còn có một yếu tố khác cũng đứng đằng sau hiện tượng dường như có một mối quan hệ nào đó giữa hành động ngồi thiền và kí ức về một thế giới khác.

Tôi cũng đã nhìn vào các nét tính cách khác của người tiền kiếp để xem chúng có ảnh hưởng đến mức độ trẻ nhớ lại được thời gian ở thế giới khác hay không và chúng không hề có ảnh hưởng gì. Những thông tin ban đầu của chúng tôi hiện giờ cho thấy khả năng nhớ lại được những sự kiện xảy ra trên mặt đất hoặc thời gian ở thế giới khác sau khi chết không chịu ảnh hưởng của việc một người có ham làm giàu hay không, có phải là tội phạm, có hay làm từ thiện hoặc hào phóng, có tích cực tham gia các nghi lễ tôn giáo hay có tốt bụng hay không. Dĩ nhiên những phép kiểm tra thống kê này chỉ nhìn vào khả năng trẻ có kí ức và chúng không trả lời được cho câu hỏi liệu những đặc điểm trên có tác động gì đến cơ hội tiếp tục tồn tại sau khi chết hay được đầu thai hay không.

Những kỳ thai nghén đáng nhớ

Loại kí ức cuối cùng về khoảng thời gian giữa hai kiếp là những kí ức về thời điểm thụ thai hoặc chào đời. Chúng bao gồm kí ức của trẻ về thời gian nằm trong bụng mẹ hoặc những hành động của bố mẹ trong thời gian mang thai, như trường hợp của Bobby ở đầu chương này. Cậu bé đã thuật lại kí ức về đám cưới của bố mẹ mình cũng như lúc em chào đời. Một ví dụ khác là William ở Chương 1. Khi nhìn thấy một tấm ảnh chụp mẹ mình trong lúc đang mang thai, cậu bé đã nói rằng hồi em còn ở trong bụng, mẹ em lúc nào cũng ôm bụng mỗi lần chạy lên cầu thang của ngôi nhà lúc trước của họ. Còn đối với kí ức về lúc chào đời, nhiều nhà khoa học đã nghĩ trẻ sơ sinh không thể giữ được kí ức lâu hơn vài giây, hoặc nhiều nhất là một phút. Nếu điều này đúng thì việ những đứa trẻ này nhớ được lúc các emchào đời rõ ràng là không thể xảy ra.

Hiểu biết của chúng tôi về trí nhớ của trẻ sơ sinh đã thay đổi sau những nghiên cứu gần đây. Lúc trước, quan điểm truyền thống cho rằng trẻ sơ sinh có một bộ nhớ nguyên thủy và nó chỉ phát triển hơn trong những năm đầu sau khi sinh. Các nhà khoa học đã nói đến loại trí nhớ ẩn hay trí nhớ quy trình ở trẻ sơ sinh và trí nhớ hiện hay trí nhớ quy nạp được phát triển lên sau này.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng cho thấy trẻ sẽ nhớ được các sự kiện trong khoảng thời gian lâu hơn khi các em lớn lên, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cơ chế thần kinh tham gia vào sự phát triển có thể không phải là những cơ chế có vai trò trong quá trình mã hóa hay ghi nhớ thông tin. Nói cách khác, sự thật rằng hầu hết mọi người chúng ta không thể nhớ lại lúc mình chào đời hoặc thời gian đầu sau khi sinh dường như không phải bắt nguồn từ việc trẻ sơ sinh không thể ghi kí ức vào não bộ của mình. Ngược lại, việc chúng ta không thể lưu giữ những kí ức ấy có lẽ là do những cơ chế não bộ tham gia vào quá trình khôi phục lại trí nhớ.

Câu hỏi của chúng ta là liệu một số trẻ – nhờ vào kích thích gợi nhớ hoặc một cơ chế nào đó – có thể nhớ lại những kí ức mà hầu hết các trẻ khác không nhớ được hay không. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại một số ví dụ về quá trình tái hiện kí ức khác thường ở trẻ. Chẳng hạn, một đứa bé gần ba tuổi có thể nói chính xác rằng bức ảnh em đã nhìn thấy trong một phòng thí nghiệm hồi em chín tháng tuổi là ảnh một con cá voi. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 10 đứa bé dưới 10 tuổi và tất cả các em đều có thể nhớ lại ít nhất là một sự việc đã xảy ra hơn sau tháng trước đó. Tuy trẻ nhỏ thường không có kí ức về lúc mình ra đời – mặc dù nếu hỏi thì chúng ta có thể sẽ phát hiện thấy nhiều trẻ có những kí ức đó hơn chúng ta tưởng – nhưng nghiên cứu trên đã cho thấy khả năng đó không phải là một điều điên rồ như những người theo quan niệm truyền thống vẫn nghĩ. Khi Bobby – cậu bé ở đầu chương này – tỏ vẻ nhớ được những sự kiện xảy ra lúc mình chào đời, chúng ta có thể kết luận rằng cậu bé có một khả năng khác thường hoặc thậm chí phi thường là tái hiện được những kí ức ban đầu nhưng nó khác với việc nói rằng cậu bé không thể nào nhớ được chúng vì trẻ sơ sinh không thể mã hóa kí ức vào não bộ của mình.

Giờ chúng ta sẽ chuyển sang những kí ức trước khi sinh – kí ức về những sự kiện xảy lúc một đứa bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các phụ nữ mang thai đọc to một đoạn trong một câu chuyện trẻ em hàng ngày trong sáu tuần cuối của kỳ thai nghén. Hai ngày sau khi các bé được sinh ra, họ đã thực hiện một phép thử bằng cách bật một đoạn bằng ghi âm đoạn truyện đó đi kèm theo một cách bú, còn với một cách bú khác là một đoạn băng ghi âm một đoạn truyện khác. Kết quả cho thấy các em bé thích nghe đoạn truyện ban đầu hơn đoạn mới. Khi phép thử này được thực hiện với những đứa bé không được mẹ đọc cho nghe đoạn truyện đó từ trước, các em không tỏ ra thích đoạn nào hơn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng trẻ có thể lưu giữ những kí ức hình thành trước khi chào đời trong vòng ít nhất là hai ngày sau khi sinh.

Những đứa trẻ như Bobby có nhiều dấu hiệu hơn chứ không chỉ tỏ ra thích một câu chuyện này hơn câu chuyện khác. Thế còn những kí ức phức tạp hơn thì sao? Bác sĩ David Cheek – một bác sĩ khoa sản – đã gợi được những kí ức lúc sinh ở các đối tượng thông qua phép thôi miên và các phương pháp vận động vô thức (ideomotor), trong đó ông dạy cho các đối tượng bị thôi miên trả lời câu hỏi bằng cách dùng ngón tay ra hiệu một cách vô thức. Tôi sẽ bàn đến trong Chương 10, phép thôi miên đôi lúc là một công cụ không đáng tin cậy để đạt được những kí ức chính xác, nhưng bác sĩ Cheek đã thu được một số kí ức như vậy với cách làm của mình. Trong một báo cáo, ông đã miêu tả bốn trường hợp trong đó các đối tượng bị thôi miên thuật lại những việc xảy ra lúc họ còn nằm trong bụng mà sau này đã được mẹ của họ khẳng định là đúng sự thật. Trong trường hợp đầu tiên, một cô gái nhớ lại một cảnh trong đó bố cô trở nên rất tức giận khi thấy mẹ cô – lúc đó đang mang thai – đan đồ cho con gái. Đối tượng này nhớ được mẹ mình đã nói: “Nó chắc chắn là con gái!” cùng với chi tiết lúc đó bà đang mặc một chiếc váy kẻ ô màu xanh đậm. Mẹ cô gái đã xác nhận các chi tiết này đều chính xác và nói thêm rằng bà đã sớm cho đi chiếc váy sau khi sinh cô ra, nghĩa là cô gái này không thể nào đã nhìn thấy nó sau đó.

Trong một trường hợp khác, bác sĩ Cheek đã tiến hành thí nghiệm với một người phụ nữ vào đầu thập niên 1960. Trong lúc bị thôi miên, người này đã nhớ lại một sự việc xảy ra khi mẹ chị đang mang thai chị đến tháng thứ sáu. Mẹ chị đã thử phá thai bằng móc khuy sau khi chồng bà – vốn là một người nghiện rượu – dọa sẽ giết bà. Mẹ chị không thể nào thực hiện được hành động này và bà không hề kể cho chị nghe về việc đó cho đến sau khi con gái bà nhớ lại trong lúc bị thôi miên.

Trong trường hợp tiếp theo, một người đàn ông đã nhớ lại lần mẹ anh – trong lúc đang mang thai anh – biết được rằng ông ngoại anh đã đột ngột qua đời vì bị đột quỵ, anh còn miêu tả được chính xác chiếc váy mẹ mình đã mặc lúc đó. Anh cũng kể về nỗi sợ hãi của bà trong cơn đau đẻ rằng bà sẽ bị chết như bố mình. Mẹ anh sau đó đã khẳng định được những kí ức của anh về bề ngoài cũng như cảm xúc của bà đều đúng sự thật.

Ở trường hợp cuối cùng, một người phụ nữ người Đức nhớ mẹ của chị đã thấy rất sợ hãi khi bà biết mình đã có thai vì lúc đó bố chị đang tham chiến trong Thế chiến thứ hai. Người phụ nữ cũng nhớ lúc chị được sinh ra, bác sĩ đã nói với mẹ chị bằng một giọng đều đều rằng: “Đứa bé rất đẹp” và bà đã rất hạnh phúc. Mẹ chị đã xác nhận những chi tiết này đều chính xác. Mặc dù câu chúc mừng trong phòng sinh khá đặc biệt, chúng ta có thể sẽ tự hỏi liệu có khi nào người phụ nữ đã dựa vào hoàn cảnh lúc đó để đoán được cảm xúc lo lắng của mẹ mình khi mới biết tin mình có thai hay không.

Bác sĩ Cheek cho rằng lúc đầu khi còn nằm trong bụng mẹ, đối tượng đã lưu giữ những kí ức này dưới dạng ấn tượng cảm nhận, và sau này mới sắp xếp chúng khi đã hiểu được ngôn ngữ, cũng như một người thu âm lại một bài giảng bằng tiếng nước ngoài và nhiều năm sau mới nghe lại nó khi đã học được thứ tiếng đó. Ông kết luận rằng những trải nghiệm của bào thai phản ánh những cảm nhận và phản ứng của người mẹ với môi trường xung quanh trong suốt kỳ mang thai. Các bằng chứng cho ông thấy bào thai sẽ có khả năng thần giao cách cảm, nhìn thấy hay một khả năng nghe nào đó một khi người mẹ biết được mình đang có thai. Mặc dù kết luận như vậy có vẻ quá vội vàng, nhưng tôi không thể tìm ra được một lời giải thích tốt hơn cho một số trường hợp ông đã miêu tả.

Các trường hợp của ông khác với của chúng tôi ở chỗ chúng bao gồm những kí ức mà các đối tượng là người lớn không biết là mình có cho đến khi bị thôi miên, nhưng nếu chúng ta kết luận các đối tượng có thể tái hiện lại kí ức khi bị thôi miên lúc đã trưởng thành thì giả thiết rằng một số trẻ nhận thức được những kí ức này dường như không đến nỗi quá khó tin. Các báo cáo của bác sĩ Cheek đã làm giảm tính thuyết phục của quan điểm cho rằng trẻ sơ sinh không thể ghi lại các kí ức lúc chào đời, hoặc thậm chí cả trước lúc đó, vì các đối tượng của ông sau này đều đã nhớ lại được những sự kiện xảy ra trong các khoảng thời gian đó khi bị thôi miên.

Những kí ức bác sĩ Cheek ghi lại cũng giống như những điều một số đối tượng của chúng tôi đã kể về lúc các em chào đời hoặc về khoảng thời gian các em nằm trong bụng mẹ, nhưng chúng khác với những kí ức về thế giới khác hoặc những sự kiện xảy ra ở thế giới này trước lúc các em được thụ thai. Những loại kí ức đó vốn dĩ khó kiểm chứng hơn. Mặc dù những lời miêu tả về thế giới khác có thể chỉ là những ý nghĩ tưởng tượng nhưng khi xem xét những lời nói đó, chúng ta nên đặt chúng vào cùng một hoàn cảnh với những câu trẻ đã nói mà đã được xác nhận là đúng sự thật.

Chúng ta cũng có thể sẽ thắc mắc vì sao lại có quá ít đối tượng kể về khoảng thời gian giữa hai kiếp như vậy? Nếu trẻ nhớ được kiếp trước thì lẽ ra các em cũng phải nhớ được khoảng thời gian ở giữa hai kiếp. Ở một số mặt nào đó, câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn, vì chúng ta đang bàn về những câu nói vốn rất khó tin, thế mà vẫn băn khoăn vì sao lại không được nghe thêm nhiều câu hơn, nhưng chúng ta có thể đặt một câu hỏi hợp lý là vì sao một đứa trẻ có thể nhớ được kiếp trước nhưng lại quên đi những sự kiện xảy ra sau đó.

Một giả thiết là những kí ức về khoảng thời gian giữa hai kiếp sẽ ít có khả năng được ghi vào một bộ não đang phát triển nếu chúng không hình thành trong một bộ não khác. Những kí ức về các sự kiện xảy ra giữa hai kiếp, trừ những kí ức vè khoảng thời gian nằm trong bụng mẹ, rõ ràng phải được lưu vào chỗ nào đó ngoài bộ não. Chỗ đó, hay còn gọi là ý thức, sẽ mang theo kí ức về kiếp trước sang kiếp sau. Mặc dù nó cũng có thể sẽ lưu giữ cả những kí ức về các sự kiện xảy ra giữa hai kiếp, nhưng những kí ức mới hơn này sẽ ít có khả năng được ghi vào bộ não mới vì chúng vốn không bắt nguồn từ một bộ não.

Dù nguyên nhân là gì thì chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ một số ít trẻ nhớ được cả những sự việc xảy ra ở kiếp trước và trong khoảng thời gian giữa hai kiếp. Những lời nói của các em khiến chúng ta phải tò mò và trong một số trường hợp đã được khẳng định là đúng sự thật, ít nhất là một phần nào đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 9091)
Bill Gates là nguời khôn ngoan thức thời, có một hôm đã nghĩ ra được cái chân lý, là chết trên đống của cải của mình là một cái chết rất vô duyên, nên cả hai ông bà đã đồng tình cống hiến hết tài sản để giúp đỡ người nghèo: cứu đói, xây trường học, mở bệnh viện cho các nước nghèo khó.
21 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5940)
Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẫn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẫn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?”
13 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6853)
The Journal of Complementary Medicine tại Úc, năm 2006, vol 5 số 5 page 34, có nói về các loại thảo mộc liên quan đến bịnh tiểu đường, chẳng hạn như cây quế (Cinnamon), mà kết quả của nó được báo cáo khi nó được d̀ùng điều tṛi tại các bịnh viện, với những bằng chứng như sau:
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12216)
Bài nói chuyện của bác sĩ William Li về một phương thức tiếp cận mang tính đột phá trong y học để chữa trị nhiều bệnh hiểm nghèo, nhất là các loại ung thư và béo phì, dựa trên những hiểu biết mới của bộ môn "angiogenesis" về cơ chế tạo mạch máu. Những hiểu biết này còn giúp tất cả chúng ta có thói quen ăn uống lành mạnh hơn để có đời sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn.
17 Tháng Mười 2014(Xem: 17716)
MORGAN HILL, California (VB) -- Báo San Jose Mercury News hôm 15-10-2014 có bản tin viết về trường hợp một buổi chữa bệnh thần kỳ do một vị y sĩ từ Việt Nam sang -- chữa bằng sức mạnh huyền bí. Bài báo nói về buổi chữa bệnh hôm Thứ Tư 15-10-2014, tại ngôi chùa Tâm Từ Buddhist Temple, ở thành phố Morgan Hill, ngoại ô của San Jose.
13 Tháng Mười 2014(Xem: 6299)
Làm người ai cũng muốn được mạnh khoẻ và sống lâu. Ở phương Đông trước thế kỷ thứ 20, các đạo sĩ vào núi luyện cách trường sinh và có tuổi thọ cao hơn người thường (70-80 tuổi thay vì 50-60 tuổi). Theo khoa học ngày nay, các đạo sĩ Lão Giáo đạt được tuổi thọ nhờ dinh dưỡng tốt vì ăn nhiều trái dâu và những loại quả nhỏ mọng nước không có hạt (berries) mọc hoang trong núi chứa nhiều chất kháng oxy hoá và tập thể dục (quyền Võ Đang) thường xuyên.
25 Tháng Chín 2014(Xem: 6937)
Người Việt có câu “Mười con không nuôi được cha mẹ”, nhưng bao giờ “Nước mắt (cũng) chảy xuôi”. Có lẽ đó cũng là kiếp luân hồi của con người. Đã có bao câu chuyện buồn về những người già ở phương Tây, nhưng với văn hoá, đạo lý truyền thống của người Việt dường như nỗi buồn đó còn là nỗi đau gấp bao lần vì những người già phải xa quê hương, nguồn cội... Bài tạp văn của Huy Phương mang đến cho bạn đọc một nỗi niềm đau đáu khó quên...
21 Tháng Chín 2014(Xem: 12065)
Đức Phật có nói đến “sự tái sinh”, nhưng tôi có cảm tưởng rằng hầu hết mọi người, kể cả một số bậc cao tăng học giả, đã hiểu lầm và giải thích sai lạc ý nghĩa của sự “tái sinh” theo quan điểm của Đức Phật. Họ noi về sự tái sinh theo cái cách mà những người khác nói về sự tái hiện thân, và họ nói rằng, ...
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8451)
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 14744)
Hiểu được lẽ vô thường của Phật giáo, cố gắng tu tập thân tâm đưa mình đến an lạc luôn luôn thấy thân xác nhẹ nhàng, thì cũng sẽ thấy bệnh tật nhẹ hàng hơn phần nào. Thân tâm an lạc cũng làm cho mình bớt được những hỷ nộ ái ố do những căng thẳng cuộc sống gây nên cũng bớt được một số bệnh tật.