CHƯƠNG 9: Những quan điểm trái ngược

05 Tháng Giêng 201603:04(Xem: 3771)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 9
NHỮNG QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC

Những người phản đối quan niệm đầu thai đã bác bỏ nó bằng nhiều cách và trong chương này, chúng tôi sẽ bàn đến những lập luận chính của họ. Nếu chúng đủ sức thuyết phục thì có lẽ chúng tôi phải tự hỏi liệu mình có nên xem xét những bằng chứng trong các trường hợp hay không. Suy cho cùng, nếu biết khả năng đầu thai là không thể xảy ra thì chúng tôi không cần tốn nhiều công sức vào việc nghiên cứu những bằng chứng cho thấy nó có xảy ra. Tôi không cần phải tốn nhiều thời gian để tìm bằng chứng chứng tỏ 1 bằng 2 nếu tôi biết chắc chắn là 1 khác 2. Mặt khác, tôi có thể cảm thấy rất chắc chắn về một điều nào đó, nhưng khi tìm hiểu kỹ tôi lại thấy mình đã nhầm. Như một câu nói từ thời xa xưa: “Vấn đề của con người không phải là việc họ không biết mà là việc họ biết quá nhiều điều không đúng sự thật”. Câu hỏi cho chúng tôi là liệu sự chắc chắn một số người cảm thấy khi bác bỏ quan niệm đầu thai được dựa vào sự thật hay những điều không đúng sự thật.

Tôi sẽ không tập trung vào những lập luận bắt nguồn từ những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau về sự đầu thai, vì các tín ngưỡng đó không phải là nên tảng cho công việc nghiên cứu trong cuốn sách này. Chúng tôi sẽ xem xét hiện tượng đầu thai trong dạng thức cơ bản nhất của nó – đó là ý thức của một người có thể tồn tại sau khi người đó chét và sẽ tiếp tục tồn tại ở một người khác trong tương lai.

Trước khi bắt đầu cuộc thảo luận này, tôi muốn trích lời của mọt người phản đối đáng chú ý, Carl Sagan – nhà thiên văn học nổi tiếng – là một thành viên sáng lập của một tỏ chức có quan điểm ngược: Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường (CSICOP). Vào năm 1996, ông đã viết một cuốn sách có tên The Demon-Hainted World (Thế giới quỷ ám), trong đó ông kịch liệt phản đối những ý tưởng về Kỷ nguyên mới hay hiện tượng dị thường. Ông đã viết: “Vào thời điểm tôi viết cuốn sách này, có ba tuyên bố trong lĩnh vực cận tâm lý mà theo tôi là cần phải được nghiên cứu kỹ càng”, trong đó tuyên bố thứ ba là: “Trẻ nhỏ đôi khi thuật lại những sự việc về kiếp trước đã được kiểm chứng là đúng sự thật và trẻ không thể nào biết được chúng bằng cách nào khác ngoài cách đầu thai”. Ông không phải đang nói rằng ông không tin vào sự đầu thai, vì ông không tin vào nó, nhưng ông nghĩ chúng ta nên xem xét nghiên cứu này một cách cẩn thận.

Liệu chúng tôi có lý do để bỏ qua ý kiến đó hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Quan điểm duy vật về thế giới

Trong thế giới khoa học, lập luận chính để bác bỏ hiện tượng đầu thai là nó không thể xảy ra vì thế giới vật chất là thế giới duy nhất tồn tại. Theo quan điểm đó, ý thức chỉ là kết quả của một bộ não đang hoạt động và nó không thể tồn tại độc lập ngoài bộ não. Chính vì thế, ý thức sẽ chết khi bộ não ngừng hoạt động. Các nhà khoa học nói họ biết chắc điều này, vì giả thiết về sự tồn tại sau cái chết mâu thuẫn quá nhiều với những gì chúng ta biết về bản chất vật chất của thế giới, hoặc cũng có thể vì không có bằng chứng nào cho thấy hiện tượng đó có xảy ra.

Gần đây, một số nhà khoa học có uy tín – chủ yếu là các nhà vật lý học – đã đưa ra các quan điểm trong một số lĩnh vực mà khi hợp lại sẽ là một thách thức đối với ý kiến bác bỏ của chủ nghĩa duy vật rằng ý thức chỉ là một sản phẩm phụ không quan trọng của một bộ não đang hoạt động. Nhiều tổ chức khác nhau đã lập luận rằng chúng ta nên xem xét ý thức độc lập với bộ não rằng vật lý hiện đại có thể bao gồm cả hững hiện tượng siêu nhiên và thậm chí rằng ý thức là một phần cốt yếu của vũ trụ. Mặc dù các lập luận này không trực tiếp đề cập đến hiện tượng đầu thai, chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào chúng có thể trở thành một phần của một cách nhìn nhận mới về vũ trụ trong đó ý thức là một yếu tố có vai trò chủ chốt chứ không chỉ là một sản phẩm phụ của bộ não. Một cách nhìn nhận như vậy có thể sẽ dần dần cho phép ý tưởng về một ý thức hoạt động độc lập trở thành một phần của kiến thức khoa học của chúng ta.

Ở nhiều mặt thì quan điểm cho rằng ý thức có thể được xem xét một cách độc lập với bộ não chính là nòng cốt của vấn đề hiện tượng đầu thai và nó đã hiện diện trong hàng thế kỷ nay. Descartes đã phát triển thuyết nhị nguyên vào thế kỷ XVI để tách biệt ý thức – thế giới tinh thần – khỏi vật chất bao gồm bộ não. Cùng với nó, ông lập luận rằng một thế giới phi vật chất, thế giới tinh thần, cũng tồn tại bên cạnh thế giới vật chất. Nếu ý thức tồn tại độc lập với bộ não thì điều này sẽ dẫn đến câu hỏi liệu nó có thể tồn tại sau khi bộ não chết hay không.

Nhiều nhà khoa học chính thống sẽ nói ý tưởng rằng thực thể phi vật hất của ý thức có thể tương tác với vật chất của bộ não là phi lý, một số người thậm chí đã cho rằng thuyết nhị nguyên đi ngược lại với những quy luật vật lý đã biết. Nếu ý thức có ảnh hưởng lên cơ thể thì nó sẽ thay đổi được một thực thể vật chất, còn gọi là tế bào não, mặc dù nó không hề có năng lượng vật lý hay khối lượng. Quá trình thay đổi đó đòi hỏi phải tiêu tốn năng lượng. Vì không có một nguồn năng lượng nào hiện hữu nên quan điểm này sẽ mâu thuẫn với nguyên lý bảo toàn năng lượng. Như một nhà phê bình đã viết: “Sự mâu thuẫn giữa nền vật lý cơ bản và thuyết nhị nguyên đã không ngừng được bàn luận kể từ thời của Descartes và bị đông đảo mọi người cho là một lỗi không thể bỏ qua và cực kỳ nghiêm trọng trong thuyết nhị nguyên”.

Để đáp lại nhận xét này, nhà vật lý Henry Stapp đã viết: “Lập luận này dựa vào việc đánh đồng vật lý cơ bản với nền vật lý của thế kỷ XIX. Nhưng nó mất đi giá trị khi chúng ta nhìn vào nền vật lý hiện đại, trong đó các nỗ lực có ý thức có thể gây ảnh hưởng lên hoạt động của bộ não mà vẫn không đi ngược lại với các nguyên tắc vật lý. Lý thuyết vật lý hiện đại cho phép và lý thuyết chính thống của John Von Neumann (1) đòi hỏi phải có, sự tồn tại của thuyết nhị nguyên tương tác.

Chú thích: (1) – Nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, một nhà bác học thông thạo nhiều lĩnh vực đã đóng góp vào vật lý lượng tử, giải tích hàm, lý thuyết tập hợp, kinh tế …. Cùng với Edward Teller và Stanislaw Ulam, Von Neumann khám phá ra những bước quan trọng trong vật lý hạt nhân liên quán đến phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear) và bom hydrogen.

Theo quan điểm của ông “ý thức có thể tạo ra ảnh hưởng, mà vẫn hoàn toàn tuân theo tất cả những nguyên tắc vật lý đã biết, bao gồm cả định luật bảo toàn năng lượng”. Khi nói đến vật lý hiện đại, ông đang đề cập đến nền vật lý lượng tử, trong đó thế giới vật chất được nhìn nhận ở quy mô phân tử, nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tương tự, John C. Eccles – một nhà khoa học thần kinh đạt giải Nobel – đã đưa ra một cách giải quyết nhị nguyên cho vấn đề này. Ông và nhà vật lý lượng tử Friedrich Beck đã sử dụng cơ học lượng tử để đặt giả thiết về một cơ chế để ý thức có thể gây ảnh hưởng đến bộ não mà không vi phạm định luật bảo toàn năng lượng, trong đó ý định tinh thần ảnh hưởng lên bộ não bằng cách làm tăng khả năng tiết các chất hóa học, được gọi là các chất truyền dẫn thần kinh vào các điểm nối giữa các tế bào não.

Trong lĩnh vực vật lý và các hiện tượng siêu nhiên, một số nhà vật lý đã bác bỏ quan điểm cho rằng hai điều này không thể tồn tại song song. Elizabeth Rauscher và Russel Targ đã lập luận rằng trong bốn chiều thông thường của thời gian và không gian, không có chỗ cho những phát hiện của các nghiên cứu trong lĩnh vực cận tâm lý, nhưng một mô hình hình học không gian – thời gian có tên “complex Minkowski space” (không gian Minkowski phức tạp) có thể được dùng để miêu tả những phát hiện chủ yếu trong lĩnh vực cận tâm lý một cách thành công. Mặt khác, O. Costa de Beauregard đã nghi ngờ quan điểm cho rằng cần phải sử dụng mô hình hình học không gian – thời gian để giải thích các hiện tượng siêu nhiên. Theo lời ông thì các hiện tượng siêu nhiên là một điều có thể suy ra được từ vật lý lý thuyết, các khả năng tiên tri, thần giao cách cảm và di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ đều không đi ngược lại các quy luật của nó. Trên thực tế, ông đã viết rằng những hiện tượng siêu nhiên “không hề phi lý” mà “được nền vật lý hiện đại ủng hộ”. Brian Josephson – một nhà vật lý đã từng đoạt giải Nobel – đã gây tranh cãi khi ông viết một đoạn ngắn trong một cuốn sách nhỏ đi kèm với bộ tem do Royal Mail phát hành ở nước Anh để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập giải thưởng Nobel. Trong đó, ông đã viết rằng lý thuyết lượng tử giờ đang được kết hợp với các lý thuyết thông tin và tính toán, “những sự phát triển này có thể tạo ra một lời giải thích ho những hiện tượng chưa thể lý giải được bằng nền khoa học thông thường, chẳng hạn như hiện tượng thần giao cách cảm”. Ông đã viết rằng theo suy nghĩ của ông thì về lâu dài, những hiện tượng như thần giao cách cảm và di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ mà tôi sẽ bàn tới ngay sau đây, sẽ được chấp nhận bởi giới khoa học.

Vấn đề tầm quan trọng của ý thức trong vũ trụ, các thí nghiệm đã cho thấy với các hạt hạ nguyên tử thì có thể có vài khả năng tồn tại cùng một lúc cho đến khi quá trình quan sát buộc chúng ta phải giảm chúng xuống chỉ còn một. Đây là một khái niệm khá khó hiểu nên tôi sẽ lấy một ví dụ sau đây để làm rõ. Trong một thí nghiệm kinh điển có tên thí nghiệm hai khe, các hạt phân tử ánh sáng – còn gọi là photon, có tính chất như sóng vì chúng dường như tỏa ravà đi qua hai khe cùng một lúc, trừ lúc các nhà vật lý lắp đặt các máy dò bên cạnh mỗi khe để đo lại các hạt photon đi xuyên qua. Khi đó, mỗi hạt photon, sẽ đi qua khe này hoặc khe kia chứ không phải cả hai khe cùng một lúc, tạo cảm giác rằng chính sự quan sát đã buộc các hạt photon đi theo một trong hai đường.

John Wheeler – một nhà vật lý quan trọng mà bên cạnh việc có nhiều thành tựu khác đã đặt tên cho các lỗ đen – đã mở rộng khái niệm này để lý giải vì sao những người quan sát có ý thức ở hiện tại có thể gây ảnh hưởng lên những sự việc xảy ra trong quá khứ. Ông đã phát triển một thí nghiệm tưởng tượng cho thấy các phép đo lường của các nhà thiên văn học trên mặt đất có thể ảnh hưởng đến đường đi của một hạt ánh sáng từ một chuẩn tinh rất xa vốn đã được hình thành từ hàng tỷ năm trước khi các nhà thiên văn học đó thực hiện quan sát. Thí nghiệm này sau đó được trình bày sơ bộ trong một phòng thí nghiệm. Wheeler cho rằng ở cấp độ lượng tử thì vũ trụ là một kết cấu biến đổi không ngừng, trong đó không những tương lai mà cả quá khứ cũng chưa được xác định và các nhà quan sát có ý thức là một yếu tố có thể giúp chọn ra được một trong số nhiều giả thiết khả dĩ về quá khứ lượng tử vũ trụ. Andrei Linde – một nhà vật lý học ở trường Đại học Stanford – thậm chí còn đi xa hơn và nói các nhà quan sát có ý thức là một thành phần không thể thiếu của vũ trụ. Ông nói: “Tôi không thể hình dung được một giả thiết phù hợp cho mọi sự (mục tiêu của vật lý là tìm ra được một giả thuyết thống nhất về vũ trụ để giải thích được cho cả vũ trụ vĩ mô của trọng lực và thuyết tương đối và vũ trụ vi mô của cơ học lượng tử) mà lại không xét đến ý thức”.

Khi kết hợp quan điểm của các nhà khoa học có uy tín này – chúng ta nên xem xét ý thức một cách độc lập với bộ não, có thể áp dụng vật lý hiện đại để giải thích cho những hiện tượng siêu nhiên và ý thức là một phần tất yếu của vũ trụ – chúng ta sẽ có được một cách nhìn về ý thức rất khác với thái độ bác bỏ của chủ nghĩa duy vật. Theo cách nhìn này, ý thức là một nguồn năng lượng chủ chốt và độc lập trong vũ trụ, những ảnh hưởng cận tâm lý mà nó có thể tạo ra hoàn toàn phù hợp với những hiểu biết vật lý hiện thời. Nếu cách nhìn này là chính xác thì chúng ta sẽ có thể tìm hiểu được thêm nhiều bằng chứng ngoài các trường hợp của chúng tôi để chứng minh cho quan điểm về việc ý thức hoạt động độc lập với bộ não.

Các bằng chứng khác

Trong thực tế, các nhà nghiên cứu trong một số lĩnh vực đã đưa ra những bằng chứng chứng tỏ ý thức không chỉ nằm trong một bộ não nhất định. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ý thức hoặc nỗ lực tinh thần của một người có thể tác động đến các vật hoặc sinh vật sống ở một vị trí khác vị trí của người đó. Nghĩa là ý thức có tác động vượt ra bên ngoài bộ não. Một nhóm các nghiên cứu đã tìm hiểu xem liệu con người có thể chỉ dùng ý thức của mình để tác động đến sự vận hành của các hệ thống vật chất hay không – điều này được gọi là sự tương tác giữa ý thức – vật chất. Trong những nghiên cứu này, các đối tượng dùng ý thức của mình để thử làm thay đổi các số tạo ra bởi một chiếc máy có tên máy tạo số ngẫu nhiên để chúng không còn ngẫu nhiên. Nó cũng giống như việc bạn cố dùng ý thức của mình gây tác động lên kết quả tung đồng xu để nó nằm ngửa trong hơn một nửa số lần tung. Nghiên cứu này đã tạo ra một khối lượng lớn dữ liệu cho thấy một tác động nhỏ nhưng đáng kể. Một bài đánh giá chi tiết đã nhìn vào hơn 800 nghiên cứu được thực hiện bới 68 nhà nghiên cứu khác nhau và cho là “thật khó để không đưa ra kết luận rằng ở trong một số hoàn cảnh nhất định, ý thức có tương tác với một số hệ thống vật chất ngẫu nhiên”.

Một nhóm nghiên cứu khác lại tập trung tìm hiểu tác động có thể có của ý định tinh thần lên các sinh vật sống khác. Lĩnh vực này được gọi là Direct Mental Interaction with Living Systems hay DMILS (sự tương tác trực tiếp giữa ý thức và các sinh vật sống). Các nhà nghiên cứu đã thực hiện hàng tá các nghiên cứu về khả năng các đối tượng có thể tác động đến tốc độ của nhiều quá trình khác nhau, bao gồm sự sinh trưởng của cây, quá trình hồi phục khỏi thuốc mê của động vật, sự phát triển của các khối u trong động vật, quá trình lành vết thương của động vật, quá trình lên men và phát triển của vi sinh vật và còn nhiều quá trình khác nữa. Tổng cộng, trong số 191 nghiên cứu có kiểm soát đã được thực hiện, 83 nghiên cứu đã cho ra các kết quả có ý nghĩa về mặt thống kê đến mức xác suất chúng được tạo ra do ngẫu nhiên nhỏ hơn trong 100 và xác suất để các kết quả trong 41 trường hợp khác xảy ra do ngẫu nhiên chỉ là từ hai đến năm trong 100. Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ chỉ có một số nghiên cứu cho ra kết quả tích cực, thế nhưng con số đó lại là 124.

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu cụ thể về khả năng ý thức của một người có thể tạo ra những lợi ích về sức khỏe cho một người khác bằng cách yêu cầu các đối tượng cố tìm cách cải thiện tình hình của bệnh nhân thông qua cầu nguyện, hoặc nói một cách chung chung hơn là phương pháp chữa bệnh từ xa. Như cái tên của nó đã cho thấy, chữa từ xa là hành động cố dùng nỗ lực tinh thần để cải thiện sức khỏe của một người khác trong khi đang ở xa người đó. Trong các nghiên cứu này, các bệnh nhân không biết đối tượng có đang thử cầu nguyện hay chữa từ xa cho mình hay không. Các nghiên cứu đã cho ra kết quả tích cực đối với một số chứng bệnh như bệnh tim và AIDS. Một bài đánh giá đã phát hiện có 13 trong số 23 nghiên cứu cho thấy những hiệu quả chữa trị có ý nghĩa thống kê, một con số lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi đã nghĩ.

Tất cả những nghiên cứu này, cho dù được thực hiện với máy móc, sinh vật sống hay bệnh nhân, đều chỉ ra rằng ý thức có thể có tác động vượt ra ngoài bộ não. Mặc dù điểm này khác với việc nói rằng ý thức vẫn tồn tại sau khi bộ não chết, nhưng nếu ý thức có thể hoạt động một cách độc lập với bộ não thì chúng ta phải tự hỏi có khi nào nó cũng có thể hoạt động một cách độc lập về thời gian với một bộ não sống hay không.

Liệu có các bằng chứng khác ủng hộ cho ý nghĩ rằng ý thức vẫn tiếp tục tồn tại sau khi bộ não chết hay không? Một lĩnh vực nghiên cứu về câu hỏi này là lĩnh vực kinh nghiệm cận tử. Nhiều người đã sống sót được sau một sự việc đã khiến họ đến rất gần với cái chết hoặc bị chết lâm sàng trong một thời gian ngắn và họ đã kể lại các trải nghiệm của mình trong khoảng thời gian đó. Chúng thường là những cảm giác về việc ra khỏi cơ thể mình, chứng kiến những sự việc từ trên cao rồi sau đó đi đến một thế giới khác, nơi họ gặp những người thân đã mất của mình hoặc các Đấng tối cao khác. Dĩ nhiên, có nhiều điều trong số này là suy nghĩ chủ quan và không thể chứng minh được nhưng một số người kể rằng trong khoảng thời gian kề cận cái chết họ đã nghe được hoặc nhìn được những sự việc phía dưới mình mà sau này được khẳng định là có xảy ra.

Một trong những người này – Pam Reynolds – đã miêu tả chính xác thiết bị y tế không còn được đặt trong tầm mắt của cô khi cô tỉnh dậy và một cuộc hội thoại diễn ra trong phòng mổ trong lúc cô bị gây mê để phẫu thuật chữa phình não. Trong ca phẫu thuật này thân nhiệt của cô bị hạ đến 33 độ C, tim cô ngừng đập và máu bị rút hết ra khỏi cơ thể của cô. Ở một ví dụ khác, Tiến sĩ Bruce Greyson ở trường Đại học Virginia đã điều tra lời tường thuật của một người đàn ông tên Al Sullivan về các trải nghiệm của mình trong một ca phẫu thuật cấp cứu nối vòng động mạch vành tim. Anh nói rằng khi nhìn xuống cảnh mổ trong khoảng thời gian gần kề với cái chết của mình, anh đã thấy bác sĩ phẫu thuật của mình vỗ khuỷu tay. Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ điều trị bệnh tim cho Sullivan đã xác nhận với Tiến sĩ Greyson rằng quả thật người bác sĩ phẫu thuật có một thói quen khác thường là vỗ khuỷu tay sau khi rửa tay để chuẩn bị thực hiện phẫu thuật.

Một lĩnh vực nghiên cứu khác lại tập trung vào những lời tường thuật về các bóng ma hay lời kể của những người đã được viếng thăm bởi các cá nhân không thực sự tồn tại. Hoạt động nghiên cứu về những cá nhân này bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII. Đó có thể là những người đang sống hoặc đã chết và một số nhân chứng đã nhìn thấy họ vào thời điểm họ qua đời, mặc dù những nhân chứng này không hề có lý do nào để nghĩ rằng người đó đang chết.

Các nghiên cứu về các nhà ngoại cảm – những người tự nhận mình có thể nói chuyện với những người đã chết – cũng bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVIII. Mặc dù một số nhà ngoại cảm đã bị bóc trần là những kẻ lừa đảo hoặc chỉ đưa ra được những thông tin mà họ có thể biết được bằng những cách thông thường, nhưng cũng có những nghiên cứu rất cẩn thận về một số người có khả năng bẩm sinh đã nói ra được những điều rất chi tiết và riêng tư về những người tìm đến họ để hỏi thông tin và người thân đã chết của những người này. Một nhà ngoại cảm như vậy – bà Lenore Piper – đã được nghiên cứu lần đầu bởi William James – nhà tâm lý học thời đầu của Mỹ vào những năm 1880. Bà cũng đã được đưa tới nước Anh và trở thành đối tượng nghiên cứu của hiệp hội Society for Physical Reseach (Hiệp hội nghiên cứu vật lý). Các nhà nghiên cứu đã rất cẩn thận để ngăn chặn lừa đảo bằng cách sử dụng những biện pháp như cho thám tử theo dõi bà trong nhiều tuần để đảm bảo rằng bà không tìm cách thu thập thông tin về những người sắp đến nhờ mình. Trong hoàn cảnh đó, bà đã nói ra được những chi tiết rất riêng tư và cụ thể về những người lạ tình nguyện để bà đọc thông tin. Bà Osborne Leonard – một nhà ngoại cảm người Anh vào đầu thế kỷ XX – đã được nghiên cứu theo cách tương tự và cũng tỏ ra ấn tượng không kém. Bà cho thấy một khả năng đặc biệt là có thể nói ra được những chi tiết mà vào lúc đó hoàn toàn mới đối với những người để bà đọc thông tin nhưng sau này lại được xác nhận là đúng sự thật.

Trong thời gian gần đây, thuật ngoại cảm đã thực sự trở thành một nghành công nghiệp tại gia, trong đó một số nhà ngoại cảm đã trở thành những nhân vật nổi tiếng trên truyền hình.

Mỗi lĩnh vực này đều có điểm yếu cũng như điểm mạnh riêng, nhưng khi xem xét chúng một cách tổng thể, các bạn có tự hỏi vì sao giới khoa học chính thống loại bỏ qua tất cả những bằng chứng mà các nhà nghiên cứu này đã đưa ra. Khoa học vốn rất bảo thủ và tính ổn định của nó được dựa trên suy nghĩ cho rằng những hiểu biết mới về thế giới phải khớp với những tri thức từ trước về nó. Nhà sinh học E. O.Wilson đã sử dụng từ “sự trùng hợp” để miêu tả điều này, hiện tượng “kết nối” tri thức, trong đó các sự thật và giả thuyết thuộc các lĩnh vực khác nhau được tổng hợp lại để tạo nên một nền tảng tri thức chung. Như ông đã nói: “Những cách giải thích cho các hiện tượng khác nhau mà có khả năng tồn tại lâu dài là những cách có liên quan và phù hợp với nhau”.

Tuy quan điểm như vậy rõ ràng là đúng nhưng nó có thể khiến giới khoa học chính thống muốn duy trì nền tri thức hiện nay càng lâu càng tốt và đôi lúc sẽ không chấp nhận những kiến thức mới mà về sau lại trở thành hoàn toàn hiển nhiên. Trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp không may trong đó nền khoa học chính thống đã quay lưng lại với một khối lượng lớn các bằng chứng thách thức tri thức thông thường. Dĩ nhiên nền khoa học chính thống cũng đã bác bỏ nhiều ý tưởng gàn dở. Việc quyết định nên xem xét và nên bỏ qua các ý tưởng nào đôi khi rất khó. Bản chất bảo thủ của khoa học đồng thời là điểm mạnh và điểm yếu lớn nhất của nó. Những hiểu biết cơ bản về thế giới có xu hướng thay đỏi chậm như tốc độ trôi dạt của các lục địa nhưng chính thái độ miễn cưỡng chấp nhận các ý tưởng mới lại giữ cho các hiểu biết đó không bị thay đổi một cách bừa bãi. Sự cần thiết phải có “tính trùng hợp” – để các kiến thức mới có thể thâm nhập được vào nền tri thức hiện thời – đã giúp loại ra các niềm tin sai lầm nhưng nó cũng có thể ngăn cản không cho chúng ta chấp nhận các hiểu biết mới.

Câu hỏi dành cho chúng ta là liệu quan niệm đầu thai có thể trùng khớp với những gì chúng ta đã biết hoặc những gì chúng ta nghĩ mình đã biết về thế giới nói chung hay không. Một vấn đề là việc chúng ta không có một giả thuyết thỏa đáng để giải thích cho hiện tượng đầu thai. Chúng ta chỉ có những nét chính của một giả thuyết, dựa vào quan niệm cho rằng ý thức không bị giới hạn bởi bộ não. Ý thức của một cá nhân sẽ tiếp tục tồn tại sau khi người đó chết đi và sau này sẽ nhập vào một bào thai đang phát triển, mang theo các kí ức, tình cảm và thậm chí các tổn thương.

Mặc dù quan niệm này mâu thuẫn với cách nhìn về thế giới của chủ nghĩa duy vật, nhưng khi xem xét các bằng chứng về một ý thức tồn tại độc lập mà tôi đã đưa ra cùng với các quan điểm gần đây của các nhà vật lý học, chúng ta có thể thấy việc tuyên bố rằng “bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm duy vật về vũ trụ thì đều sai” rất có thể một ngày nào đó sẽ bị coi là thiển cận, giống như việc nền khoa học chính thống đã bác bỏ các hiện tượng như thiên thạch trước đây. Lĩnh vực cơ học lượng tử có thể cung cấp cho chúng ta một mô hình để xem làm thế nào quan niệm về ý thức có thể trùng khớp với các kiến thức khác của chúng ta. Thế giới của các hạt nhỏ nhất trong vũ trụ có những quy luật rất khác với các quy luật trong thế giới lớn hơn được tạo thành từ những hạt đó, điều này khiến các nhà khoa học nói về tính kỳ lạ của cơ học lượng tử, nhưng cơ học lượng tử đã được chấp nhận bên cạnh những hiểu biết về thế giới lớn hơn. Tương tự như vậy, những quy luật của ý thức có thể rất khác so với các quy luật của vũ trụ vật chất, nhưng điều này không phải là lý do để ngăn cản việc chấp nhận nó là một phần của vũ trụ. Chúng ta sẽ cần phải hiểu biết thêm về ý thức trước khi phần lớn các nhà khoa học chính thống chịu chấp nhận quan niệm đầu thai, nhưng quan điểm của nhiều nhà khoa học có uy tín cho thấy một ngày nào đó chúng ta sẽ có thể đạt được sự trùng khớp này.

Những cơ chế chưa được biết đến

Một lý lẽ tương tự như lý lẽ của chủ nghĩa duy vật là chúng ta không nên xem xét hiện tượng đầu thai như một hiện tượng có thể xảy ra, vì chúng ta không biết phải giải thích nó bằng cơ chế nào – chúng ta không biết làm thế nào ý thức có thể tồn tại được mà không cần tới cơ thể, làm thế nào nó có thể ảnh hưởng đến một bào thai đang phát triển và nhiều điều khác. Điểm yếu của lý lẽ này chỉ nhìn bề ngoài đã khá rõ rệt, nhưng lại càng rõ hơn khi chúng ta xét nó trong các hoàn cảnh khác. Chúng ta thật may mắn vì giới y học đã không đợi đến khi phát hiện ra các cơ chế mới tận dụng các cách chữa trị hiệu quả vì các bác sĩ sử dụng nhiều phương thuốc chữa bệnh thành công trước khi khám phá được cơ chế hoạt động của chúng.

Cơ chế của trọng lực vẫn hoàn toàn là một điều bí ẩn vào thời điểm Isaac Newton đưa ra giả thuyết này, nhưng mọi người vân chấp nhận nó. Chúng ta không có một cơ chế để giải thích cho nó cho đến khi Albert Einstein đề xuất một giả thiết trong học thuyết về thuyết tương đối của ông rằng trọng lực là sự co giãn của thời gian và không gian. Trường hợp này cho thấy thậm chí việc lập luận rằng không có cơ chế nào khả dĩ cũng không đủ để làm lý do bác bỏ một ý tưởng, vì sự co giãn của không gian và thời gian rõ ràng là một điều không thể hiểu được vào thời điểm Newton đưa ra khái niệm trọng lực. Trừ khi chúng ta sẵn sàng nói rằng chúng ta biết không có một cơ chế khả dĩ nào, nếu không chúng ta không nên bác bỏ một khái niệm chỉ vì lý do đơn giản là chúng ta không biết cơ chế của nó.

Sự bùng nổ dân số

Một số người cho rằng sự tăng trưởng dân số khiến hiện tượng đầu thai không thể nào xảy ra. Lý lẽ của họ là sự tăng lên về dân số trong thời hiện đại có nghĩa là tất cả những cá nhân đang sống hiện giờ không thể nào đã được đầu thai qua nhiều kiếp vì dân só hiện tại lớn hơn rất nhiều so với dân số trong quá khứ. Có một số lập luận phản đối lý lẽ này. Thứ nhất, hiện tượng đầu thai không cần phải xảy ra với tất cả mọi người. Một số người được đầu thai vì còn “những chuyện chưa giải quyết” từ kiếp trước, vì cách chết của họ, hoặc vì các nguyên nhân khác, nhưng những người khác có thể sẽ không được đầu thai. Một số người đang sống sẽ có kiếp trước cho dù phần lớn chúng ta không có. Chúng ta cũng không có lý do nào để nghĩ rằng những người mới không thể được sinh ra, vì thế, ngay cả khi tất cả mọi người đều đã sống qua nhiều kiếp, thì trong số những người đang sống sẽ phải có một số người đã sống nhiều kiếp trong khi một số khác đang ở trong kiếp đầu của mình. Trong bất cứ trường hợp nào ở trên, số lượng người sống tại một thời điểm cũng đều không có ý nghĩa gì.

David Bishai ở Trường sức khỏe cộng đồng Johns Hopkins đã chỉ ra rằng chúng ta thậm chí không cần đến những giả thiết này để giải thích cho hiện tượng đầu thai trước sự tăng trưởng dân số. Ông đã nhìn vào câu hỏi có bao nhiêu người đã từng sống trên trái đất. Dĩ nhiên chúng ta phải đoán, vì chúng ta không biết nhiều về dân số ở những thời xa xưa và chúng ta cũng phải cân nhắc việc nên coi những tổ tiên nào là con người. Tiến sĩ Bishai đã trích dẫn một phép tính, trong đó thời điểm con người bắt đầu tồn tại là năm 50.000 trước Công nguyên, mà đã tạo ra kết quả là có 105 tỷ người từng sống trên mặt đất. Vì người ta dự đoán rằng dân số sẽ đạt đến tối đa là 10 tỷ vào cuối thế kỷ này, nên rõ ràng số người đã sống trong quá khứ là đủ lớn để hiện tượng đầu thai có thể xảy ra. Tiến sĩ Bishai cũng nói khoảng thời gian trung bình giữa các kiếp phải được rút ngắn để phù hợp với sự tăng lên về dân số. Dĩ nhiên chúng ta không có lý do nào để nghĩ rằng khoảng thời gian trung bình giữa các kiếp sẽ không thay đổi, thế nên sự bùng nổ dân số không dẫn đến việc phải loại trừ khả năng đầu thai.

Căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer

Một lý lẽ khác là sự mất trí nhớ và tính cách đi kèm với quá trình teo não trong căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer cho thấy một bộ não nguyên vẹn là điều kiện cần thiết để tạo ra được ý thức. Nếu những đặc điểm trí nhớ và tính cách không thể tồn tại sau khi một phần bộ não bị hủy hoại thì chắc chắn chúng không thể tồn tại được sau cái chết. Trong quá trình xem xét điều này, chúng tôi có thể công nhận rằng một người dĩ nhiên cần có một não bộ nguyên vẹn để biểu hiện kí ức và tính cách, nhưng điều đó không nhất thiết phải có nghĩa là chính bộ não đã tạo ra những thứ trên. Vào cuối thế kỷ XIX, khi nghiên cứu vấn đề sự sống sau cái chết, William James đã đi sâu vào vấn đề này. Ông đặt giả thiết rằng bộ não là nơi chứa hoặc truyền ý nghĩ chứ không phải nơi tạo ra nó. Trong giả thuyết truyền đạt này, ông đã so sánh bộ não với một tấm kính màu có thể sàng lọc và chặn màu của ánh sáng đi qua nó, mặc dù tự thân nó không phát ra ánh sáng. Ông chỉ ra rằng tuy ý thức phải phụ thuộc vào bộ não để được bộc lộ ra ngoài trong thế giới tự nhiên, nhưng sự phụ thuộc này vẫn có thể ăn khớp với khả năng tồn tại một cách siêu nhiên của nó sau cái chết. Ông nói khi bộ não bị hủy hoại hoặc bị chết, chuỗi ý thức có trong nó cũng biến mất khỏi thế giới tự nhiên, nhưng “thực thể” tao ra ý thức đó có thể vẫn nguyên vẹn.

Tôi không biết liệu James có ủng hộ phép so sánh sau đây hay không, nhưng chúng ta có thể lấy một ví dụ là chiếc ti vi thời hiện đại. Nếu chiếc ti vi của bạn bị hư, bạn sẽ không xem được chuỗi hình ảnh nó phát ra, nhưng vì nó chỉ truyền hình ảnh chứ không tạo ra chúng nên chương trình ti vi vẫn tồn tại cho đến khi bạn tìm được chiếc tivi khác để đưa những hình ảnh đó vào lại nhà bạn. Tương tự như vậy, ý thức được thể hiện ra bên ngoài thế giới tự nhiên thông qua một bộ não vẫn có thể tồn tại được sau khi bộ não đó bị suy yếu hoặc chết đi và nó có thẻ nhập vào một bộ não mới, hay một cơ quan truyền đạt mới, tại một thời điểm sau này.

Mặc dù cách lập luận này không chứng tỏ được hiện tượng như vậy có xảy ra, nhưng James đã chỉ ra rằng giả thuyết não tự nhiên tạo ra ý thức cũng không đơn giản hay có sức thuyết phục cao hơn bất kỳ giả thuyết nào khác, chẳng hạn như quan niệm coi nó chỉ là một cơ quan truyền đạt ý thức. Sự thật là nên khoa học đã tiến thêm một bước ngắn trong việc xác định nguồn gốc của ý thức trong bộ não so với thời của James cách đây 100 năm.

Một “lý lẽ” khác mà một số người đưa ra để phản đối quan niệm đầu thai chỉ đơn giản là nó thật ngớ ngẩn. Sự chế nhạo không phải là một cách tốt để thay thế cho sự lập luận chặt chẽ. Vấn đề quan trọng là phải xác định xem hiện tượng đầu thai có điểm gì khiến nó trở nên ngớ ngẩn. Tôi tin rằng tôi đưa ra những lập luận phản đối hợp lý, có tính khoa học, có sức thuyết phục cao nhất, và tôi vẫn không thấy bất kỳ lý do nào để bác bỏ hiện tượng này ngay lập tức.

Sự phản đối của tôn giáo

Ở thái cực kia, một số người phản đối quan niệm đầu thai vì nó mâu thuẫn với các tín ngưỡng tôn giáo của họ. Việc xem xét lời phản đối này dưới một góc nhìn khoa học là không thể vì nó không mang tính khoa học, nhưng nó vẫn là một lập luận cần bàn đến. Những người đưa ra lời phản đối này có xu hướng theo đạo Thiên Chúa Giáo Do Thái, vì thế chúng ta sẽ nhìn vào những tôn giáo này.

Mặc dù quan niệm đầu thai không phải là một phần của học thuyết Thiên Chúa giáo Do Thái chính thống, nhưng một số tín đồ theo đạo này vẫn tin vào nó. Nhiều người ở phương Tây tin là có hiện tượng đầu thai và một số nhóm Thiên Chúa giáo Do Thái đã đưa quan niệm đầu thai vào tín ngưỡng của mình. Trong đó có đạo Kabbalah và đạo Do thái Hasidic. Một số nhóm Thiên Chúa Giáo thời đầu, đặc biệt là các tín đồ Ngộ đạo, cũng tin vào quan niệm đầu thai và một số tín đồ Thiên chúa giáo ở miền nam Châu Âu cũng đã tin vào nó cho đến Đại hội Cơ đốc giáo lần thứ hai ở Constantinople vào năm 553 sau Công nguyên. Những sự việc xảy ra ở đại hội đó vẫn còn gây tranh cãi, nhưng người ta tin rằng các vị lãnh đạo nhà thờ ở đó đã chỉ trích quan niệm cho rằng linh hồn tồn tại từ trước khi được thụ thai.

Trong Kinh Thánh cũng có một số đoạn được trích từ cuốn Tân ước và dường như đề cập đến hiện tượng đầu thai. Trong đoạn Matthew 11:10-14 và 17:10-13, chúa Jesus đã nói thánh John The Baptist (John Tẩy Giả) chính là nhà tiên tri Elijah đã sống hàng thế kỷ trước đó và Ngài không tỏ vẻ đang dùng phép ẩn dụ. Một số người phản bác lại rằng theo cuốn Cựu ước thì Elijah không chết mà được một cơn gió lốc đưa lên Thiên đường, thế nên ông sẽ phải được quay trở lại mặt đất chứ không phải được tái sinh. Cuốn Phúc âm Luca đã phản đối cách lập luận này bằng cách miêu tả sự chào đời của thánh John Tẩy Giả, trong đó ông chào đời trong hình hài một đứa bé chứ không phải một nhà tiên tri trưởng thành trở về từ mặt đất.

Một đoạn khác có nhắc đến sự đầu thai là khi các đệ tử hỏi Chúa Jesus trong đoạn John 9:2 rằng việc một người đàn ông nọ khi sinh ra đã bị mù là do tội lỗi của anh ta hay của bố mẹ anh ta. Điều này rõ ràng cho thấy họ tin là người đàn ông đó có thể đã mắc tội từ trước khi được sinh ra, có nghĩa anh ta đã có kiếp trước. Trong câu trả lời của mình, Chúa Jesus không bác bỏ khả năng này nhưng nói với người đàn ông đó sinh ra đã bị mù để bàn tay sáng tạo của Chúa được thể hiện trên anh ta và sau đó Ngài đã chữa bệnh mù cho người đó.

Bên cạnh những đoạn cụ thể này, chúng ta cũng nên xét xem quan niệm đầu thai có mâu thuẫn với học thuyết Thiên Chúa giáo Do Thái nói chung hay không. Sự tồn tại của hiện tượng đầu thai nghĩa là chúng ta chưa biết hết về cuộc sống sau cái chết. Nhiều vấn đề tôn giáo khác cũng không hề rõ ràng. Cuốn Kinh Thánh có thể diễn giải được theo nhiều cách khác nhau, một điều có thể thấy rõ qua các quan điểm khác nhau của các giáo phái. Kinh Thánh không đề cập rõ đến hiện tượng đầu thai, nhưng điều này không có nghĩa là nó nhất thiết phải đi ngược lại với những gì được nêu ra trong Kinh Thánh . Trên thực tế, nó thậm chí không nhất thiết phải mâu thuẫn với khái niệm về Thiên đường và Địa ngục, vì một số người tin vào hiện tượng đầu thai, bao gồm một số nhóm Hồi giáo Shiite, cũng tin rằng Ngày phán quyết cuối cùng sẽ đến sau nhiều kiếp sống, khi đó Chúa sẽ dựa vào tư cách đạo đức của con người trong tất cả các kiếp để đưa linh hồn của họ lên thiên đường hoặc xuống địa ngục.

Ngoài ra, Thuyết luân hồi rõ ràng không mâu thuẫn với giá trị mà đạo Thiên Chúa giáo Do Thái cũng như các đạo chủ chốt khác trên thế giới đã gán cho tình yêu và lòng nhân từ. Nó không hề làm thay đổi quan niệm cho rằng việc sống một cuộc sống nhân từ, đạo đức là rất quan trọng, cho dù đó là kiếp sống duy nhất hay chỉ là một trong nhiều kiếp.

Tóm lại, chúng tôi đã bàn luận đến nhiều lập luận phản đối quan niệm đầu thai và đã thấy việc một số người quả quyết hiện tượng đầu thai không thể nào xảy ra là chưa thỏa đáng. Chúng tôi đã nhìn vào một số lập luận – chẳng hạn như các lập luận cho rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ có sự sống sau cái chết hay hiện tượng đầu thai mâu thuẫn với sự tăng trưởng dân số và thấy không phải như vậy. Chúng tôi cũng thấy không có lập luận nào đưa ra được lý do để bỏ qua các bằng chứng ủng hộ cho quan niệm đầu thai. Không có lý lẽ nào khiến chúng tôi thấy tin vào sự đầu thai cũng giống như tin rằng 1 bằng 2. Chúng ta không có một lý do thỏa đáng để ngay lập tức bác bỏ quan niệm đầu thai và các nghiên cứu về nó. Như Carl Sagan đã viết, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng những bằng chứng mà các nghiên cứu đó đã đưa ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 9092)
Bill Gates là nguời khôn ngoan thức thời, có một hôm đã nghĩ ra được cái chân lý, là chết trên đống của cải của mình là một cái chết rất vô duyên, nên cả hai ông bà đã đồng tình cống hiến hết tài sản để giúp đỡ người nghèo: cứu đói, xây trường học, mở bệnh viện cho các nước nghèo khó.
21 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5940)
Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẫn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẫn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?”
13 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6854)
The Journal of Complementary Medicine tại Úc, năm 2006, vol 5 số 5 page 34, có nói về các loại thảo mộc liên quan đến bịnh tiểu đường, chẳng hạn như cây quế (Cinnamon), mà kết quả của nó được báo cáo khi nó được d̀ùng điều tṛi tại các bịnh viện, với những bằng chứng như sau:
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12217)
Bài nói chuyện của bác sĩ William Li về một phương thức tiếp cận mang tính đột phá trong y học để chữa trị nhiều bệnh hiểm nghèo, nhất là các loại ung thư và béo phì, dựa trên những hiểu biết mới của bộ môn "angiogenesis" về cơ chế tạo mạch máu. Những hiểu biết này còn giúp tất cả chúng ta có thói quen ăn uống lành mạnh hơn để có đời sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn.
17 Tháng Mười 2014(Xem: 17716)
MORGAN HILL, California (VB) -- Báo San Jose Mercury News hôm 15-10-2014 có bản tin viết về trường hợp một buổi chữa bệnh thần kỳ do một vị y sĩ từ Việt Nam sang -- chữa bằng sức mạnh huyền bí. Bài báo nói về buổi chữa bệnh hôm Thứ Tư 15-10-2014, tại ngôi chùa Tâm Từ Buddhist Temple, ở thành phố Morgan Hill, ngoại ô của San Jose.
13 Tháng Mười 2014(Xem: 6299)
Làm người ai cũng muốn được mạnh khoẻ và sống lâu. Ở phương Đông trước thế kỷ thứ 20, các đạo sĩ vào núi luyện cách trường sinh và có tuổi thọ cao hơn người thường (70-80 tuổi thay vì 50-60 tuổi). Theo khoa học ngày nay, các đạo sĩ Lão Giáo đạt được tuổi thọ nhờ dinh dưỡng tốt vì ăn nhiều trái dâu và những loại quả nhỏ mọng nước không có hạt (berries) mọc hoang trong núi chứa nhiều chất kháng oxy hoá và tập thể dục (quyền Võ Đang) thường xuyên.
25 Tháng Chín 2014(Xem: 6937)
Người Việt có câu “Mười con không nuôi được cha mẹ”, nhưng bao giờ “Nước mắt (cũng) chảy xuôi”. Có lẽ đó cũng là kiếp luân hồi của con người. Đã có bao câu chuyện buồn về những người già ở phương Tây, nhưng với văn hoá, đạo lý truyền thống của người Việt dường như nỗi buồn đó còn là nỗi đau gấp bao lần vì những người già phải xa quê hương, nguồn cội... Bài tạp văn của Huy Phương mang đến cho bạn đọc một nỗi niềm đau đáu khó quên...
21 Tháng Chín 2014(Xem: 12065)
Đức Phật có nói đến “sự tái sinh”, nhưng tôi có cảm tưởng rằng hầu hết mọi người, kể cả một số bậc cao tăng học giả, đã hiểu lầm và giải thích sai lạc ý nghĩa của sự “tái sinh” theo quan điểm của Đức Phật. Họ noi về sự tái sinh theo cái cách mà những người khác nói về sự tái hiện thân, và họ nói rằng, ...
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8451)
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 14744)
Hiểu được lẽ vô thường của Phật giáo, cố gắng tu tập thân tâm đưa mình đến an lạc luôn luôn thấy thân xác nhẹ nhàng, thì cũng sẽ thấy bệnh tật nhẹ hàng hơn phần nào. Thân tâm an lạc cũng làm cho mình bớt được những hỷ nộ ái ố do những căng thẳng cuộc sống gây nên cũng bớt được một số bệnh tật.