CHƯƠNG 10: Các kết luận và suy đoán

05 Tháng Giêng 201603:06(Xem: 3984)
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 10
CÁC KẾT LUẬN VÀ SUY ĐOÁN

Giờ chúng tôi sẽ tóm tắt lại những cách giải thích khả dĩ cho hiện tượng này. Cách giải thích bình thường thỏa đáng nhất cho những trường hợp có bớt hoặc dị tật trùng hợp ngẫu nhiên các vết bớt là trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin cho các câu trẻ đã nói. Đối với những trường hợp chủ yếu chỉ có những lời nói của trẻ, chúng ta có thể áp dụng giả thiết về thông tin đạt được bằng các cách thông thường cho các trường hợp trong đó người tiền kiếp thuộc cùng một gia đình hoặc sống trong cùng một ngôi làng với trẻ và trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin là lời lý giải khả dĩ nhất cho hầu hết các trường hợp còn lại. Tuy nhiên, nó lại rõ ràng không thỏa đáng cho những trường hợp khi các câu nói của trẻ đã được ghi lại trước khi xác định được người tiền kiếp, vì thế lúc đó chúng ta phải xét đến khả năng lừa đảo. Các cách lý giải bình thường tốt nhất cho những hành vi có liên quan đến kiếp trước của trẻ là trí tưởng tượng kết hợp với sự trùng hợp ngẫu nhiên và trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin nhưng chúng đều có nhiều lỗ hổng. Cuối cùng, nếu trẻ nhận ra được những người và vật thân thuộc với người tiền kiếp, chúng ta có thể sử dụng khả năng người cung cấp thông tin nhớ nhầm để giải thích cho nhiều trường hợp như thế, nhưng đối với những phép thử nhận diện có kiểm soát, một lần nữa chúng ta lại chỉ có một cách giải thích duy nhất là lừa gạt.

Vì khả năng người cung cấp thông tin nhớ sai có thể được áp dụng để lý giải cho nhiều loại trường hợp nên tôi muốn trình bày một số nghiên cứu về khả năng này. Trong nghiên cứu đầu tiên, bác sĩ Stevenson và Tiến sĩ Keil đã so sánh những lời tường thuật của các gia đình về trường hợp được đưa ra ở thời điểm khác nhau. Nghiên cứu này bắt đầu khi Tiến sĩ Keil vô tình xem xét lại một vài trường hợp mà bác sĩ Stevenson đã điều tra 20 năm trước đó.

Khi Tiến sĩ Keil và bác sĩ Stevenson xem xét lại các thông tin từng người thu thập được, họ phát hiện thấy chỉ có một trường hợp trở nên chi tiết hơn dựa vào những lời các nhân chứng đã nói. Trong trường hợp này, gia đình của trẻ đã kể cho Tiến sĩ Keil nghe về một sự việc mà trước đó họ đã không cho Tiến sĩ Stevenson biết. Đó là chi tiết đứa trẻ tìm được một chiếc thìa đặc biệt mà người tiền kiếp – chính là người anh trai đã mất của đối tượng – đã để trên một ngăn rất cao ở một chỗ khá khó nhìn.

Trong ba trường hợp khác, mức độ chi tiết của các lời tường thuật về cơ bản vẫn không đổi. Có một số chi tiết đã được đổi khác, nhưng nhìn chung, qua thời gian các trường hợp này vẫn không mạnh hơn hay yếu đi. Các lời tường thuật trong 11 trường hợp khác thực ra đã trở nên kém rõ ràng hơn vào thời điểm Tiến sĩ Keil nói chuyện với các gia đình. Điều này thường là vì họ nói ra ít thông tin hơn so với những gì họ đã cung cấp cho bác sĩ Stevenson nhiều năm trước đó. Điều này hoàn toàn hợp lý vì thông thường, theo thời gian chúng ta sẽ nhớ được ít chi tiết về các sự kiện hơn nhưng trong hoàn cảnh này nó vẫn rất quan trọng. Nó cho thấy các trường hợp này không phải ngày càng rõ rệt trong tâm trí mọi người, mà trên thực tế lại trở nên mờ nhạt hơn. Như chúng ta đã thấy, một số trường hợp có những yếu tố khiến chúng ta phải nghĩ đến khả năng nhân chứng đã nhớ sai về các câu hỏi hoặc các sự việc. Nghiên cứu này không hề tạo ra được bằng chứng nào ủng hộ cho khả năng đó.

Tiến sĩ Sybo Schouten và bác sĩ Stevenson cũng thực hiện một nghiên cứu khác về vấn đề này. Họ đã so sánh các trường hợp trong đó các câu nói của trẻ được ghi lại trước khi hai gia đình gặp nhau với những trường hợp không có bản ghi đó. Họ đang kiểm chứng giả thiết rằng bố mẹ trẻ đã phóng đại những lời con mình nói ra về người tiền kiếp trước cuộc gặp đó. Họ cho rằng nếu điều này là đúng thì những trường hợp trong đó có người ghi lại những lời trẻ nói ra trước khi gia đình hai bên gặp nhau phải có ít câu nói hơn và ít chính xác hơn so với các trường hợp kia.

Vì những trường hợp có bản ghi chép hầu hết đều ở Ấn Độ và Sri Lanka nên Tiến sĩ Schouten và bác sĩ Stevenson đã nghiên cứu kĩ càng tất cả các trường hợp xảy ra ở hai nước này bằng cách xác định và ghi lại những câu nói đúng sự thật cũng như không đúng sự thật. Quá trình này đã dẫn đến 21 trường hợp có người ghi chép những lời trẻ nói trước khi hai gia đình gặp nhau và 82 trường hợp không có và sau đó họ so sánh hai nhóm này. Những phát hiện của họ rất đáng ngạc nhiên. Con số trung bình của các câu nói trong các trường hợp có bản ghi chép là 25,5 trong khi đó con số này trong các trường hợp không có bản ghi lại thấp hơn rất nhiều là 18,5. Tỷ lệ phần trăm các câu nói chính xác về cơ bản đều như nhau ở cả hai nhóm trường hợp – 76,7% trong những trường hợp có bản ghi và 78,4% trong các trường hợp còn lại.

Vậy là kết quả nghiên cứu này lại trái ngược với những gì chúng ta nghĩ sẽ xảy ra nếu những người cung cấp thông tin đã nhớ nhầm và gán cho trẻ nói được nhiều câu (và nhiều câu chính xác) hơn so với những lời thật sự của các em trước khi hai gia đình gặp nhau. Trong các trường hợp không có bản ghi, những người này kể rằng trẻ đã nói ra ít câu hơn, có lẽ là vì họ đã quên đi một số lời nói do không có ai ghi lại chúng. Như Tiến sĩ Schouten và bác sĩ Stevenson đã chỉ ra, các kết quả này cho thấy nếu quả thật các gia đình đã gán cho trẻ biết nhiều điều về kiếp trước hơn so với những gì các em thật sự nói ra trước khi gia đình hai bên gặp nhau thì họ đã không làm vậy đến một mức độ đủ để gây ra ảnh hưởng đáng kể lên dữ liệu.

Nghiên cứu này khớp với kết quả của nghiên cứu trước đó ở chỗ nó chỉ ra rằng những lời tường thuật trong các trường hợp trở nên kém chi tiết theo thời gian chứ không phải ngày càng rõ ràng hơn vì các nhân chứng trong các trường hợp không có bản ghi chép nhớ được ít câu nói của trẻ hơn so với con số ghi lại trong những trường hợp có bản ghi. Điều này trùng khớp với phát hiện mà bác sĩ Stevenson và Tiến sĩ Keil đã thu được là nhiều trường hợp trở nên yêu hơn theo thời gian. Hai nghiên cứu này thật sự khiến chúng ta phải nghi ngờ quan điểm cho rằng nguyên nhân chính của các trường hợp này là các nhân chứng đã nhầm lẫn và gán cho trẻ nói được nhiều chi tiết ấn tượng về kiếp trước hơn so với sự thật. Nếu điều đó là đúng thì lẽ ra với một trí nhớ ngày càng kém chính xác, những lời làm chứng của họ phải trở nên chi tiết hơn theo thời gian. Nhưng trên thực tế, những lời tường thuật của họ lại thường kém chi tiết hơn. Tương tự như vậy, những trường hợp có bản ghi chép những lời trẻ nói đáng lẽ phải có ít câu nói hơn và ít chính xác hơn nhưng thật ra con số các câu nói và các câu chính xác đều cao hơn những trường hợp không có bản ghi.

Vì khả năng các nhân chứng nhớ nhầm là cách lý giải bình thường chủ yếu cho nhiều trường hợp, điều này khiến chúng ta không thật sự có một lời giải thích tự nhiên nào thỏa đáng cho chúng. Nhưng chúng ta đã thấy, quả thật không có một cách lý giải thích tự nhiên nào có thể lý giải được cho tất cả các loại trường hợp nhưng việc cách giải thích phổ biến nhất bị đặt dưới sự nghi ngờ như vậy rõ ràng là một thách thức lớn.

Vì không một lời giải thích nào có thể áp dụng được cho tất cả các trường hợp nên cách lý giải tự nhiên khả dĩ duy nhất ở thời điểm này là dựa vào một lỗ hổng nào đó trong từng trường hợp để nói rằng nó được gây ra bởi nguyên nhân tự nhiên và các trường hợp khác nhau sẽ có các nguyên nhân khác nhau. Trong quá trình xem xét điều này, trước tiên chúng ta nên chú ý rằng không có trường hợp nào hoàn hảo. Sự hoàn hảo rất hiếm thấy trong khoa học – đối với bất kỳ nghiên cứu y học nào đã được thực hiện, người ta đều sẽ tìm được lý do để chỉ trích hoặc nghi ngờ kết quả của nó. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng tự phát. Những hiện tượng này không xảy ra trong các phòng thí nghiệm – nơi chúng ta có thể kiểm soát tất cả các điều kiện để tạo ra những trường hợp hoàn hảo nhất có thể. Ngược lại, chúng xảy ra trong thế giới thật dưới những điều kiện không được kiểm soát.

Vì thế không có trường hợp nào hoàn hảo và chúng tôi công nhận điều đó. Khi nhìn vào những lỗ hổng, chúng ta có thể lập luận rằng nếu nguyên nhân của từng trường hợp là các bậc bố mẹ không trung thực, sự ngẫu nhiên, một cuộc nói chuyện về tiền kiếp trước mặt trẻ hay trí nhớ sai, thì có lẽ khi gộp lại chúng có thể giải thích cho tất cả các trường hợp.

Liệu một cách giải thích như thế có thỏa đáng hay không? Trong một trường hợp cụ thể, chẳng hạn chúng ta có thể nghĩ sự ngẫu nhiên rất khó xảy ra nhưng nó vẫn là một khả năng. Nếu sử dụng cách lập luận như vậy để giải thích 2500 trường hợp, vậy lúc đó chúng ta đang lấy cái không thể và lợi dụng nó đến mức vượt quá giới hạn. Sau một lúc, chúng ta bắt đầu cảm thấy việc đi tìm lỗ hổng trong từng trường hợp cũng giống như việc chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Nếu chúng ta lùi lại và nhìn vào tổng thể hiện tượng xảy ra trên khắp thế giới này, chúng ta sẽ thấy sự lặp lại của nhiều sự việc kỳ lạ. Mặc dù các trường hợp này chỉ là các dấu hiệu chứ không phải các bằng chứng rõ ràng của một hiện tượng siêu nhiên nhưng khi chúng ta nhìn vào các điểm yếu của những cách giải thích tự nhiên, tôi không nghĩ chúng có thể lý giải cho nhóm những trường hợp mạnh nhất một cách thỏa đáng. Tôi nghĩ chúng sẽ thất bại và vì thế, chúng ta phải chuyển sang các giả thiết siêu nhiên để xem chúng có thể cung cấp cách giải thích tốt hơn hay không.

Khi chúng ta xem xét toàn bộ các loại trường hợp khác nhau, sự đầu thai là một cách lý giải đơn giản hơn nhiều so với khả năng ngoại cảm hay vong nhập. Nó dễ dàng giải thích được cho tất cả các trường hợp – một điều các giả thiết khác không làm được – và nó chắc chắn là cách lý giải rõ ràng hơn hai giả thiết còn lại. Câu hỏi lớn bây giờ là liệu những trường hợp này có đưa ra đủ bằng chứng về một hiện tượng siêu nhiên để chúng ta có thể chọn giả thiết đầu thai chứ không phải các cách giải thích tự nhiên hay không.

Theo lời bác sĩ Stevenson đã viết, ông đã bị thuyết phục rằng “sự đầu thai là giả thiết khả dĩ nhất – cho dù không phải là giả thiết duy nhất – để giải thích cho những trường hợp mạnh chúng tôi đã điều tra được”. Để thận trọng hơn, tôi sẽ nói rằng lời lý giải tốt nhất cho những trường hợp mạnh là những kí ức, tình cảm và thậm chí cả các vết thương thể xác đều có thể được truyền từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu đó chính là hiện tượng đầu thai thì kết luận của tôi cũng giống của bác sĩ Stevenson, nhưng vì, như ông đã viết chúng ta hầu như không biết gì về sự đầu thai nên tôi muốn sử dụng những từ ngữ cụ thể hơn.

Mặc dù nó có vẻ là một điều khó tin – việc các kí ức, tình cảm và vết thương thể xác có thể được truyền từ kiếp này sang kiếp sau – nhưng tôi nghĩ các bằng chứng sẽ dẫn chúng ta đến kết luận đó. Nhiều giả thuyết vật lý hiện nay đã được chấp nhận cũng tỏ ra khó tin như thế vào thời điểm chúng mới được đưa ra và vì tất cả các bằng chứng đều cho thấy điều đó nên chúng ta cần phải cân nhắc. Tôi hoàn toàn công nhận rằng mình có thể sai – như bác sĩ Stevenson đã nói, đây là cách giải thích tốt nhất cho các trường hợp nhưng không phải cách duy nhất – nhưng những người hoài nghi cũng có thể sai, cho dù họ có thừa nhận hay không. Mặc dù những người đó chắc chắn sẽ có kết luận khác, nhưng dựa vào những bằng chứng mà nghiên cứu này đã thu thập được trong vòng 40 nămqua thì hiện tượng đầu thai hay sự chuyển tiếp giữa hai kiếp tỏ ra là kết luận khả dĩ nhất.

Trong nỗ lực tìm hiểu hiện tượng này, chúng ta nên nhớ rằng hiện nay một số nhà vật lý đã coi ý thức là một thực thể hoàn toàn tách biệt với bộ não và có những chức năng rất quan trọng trong vũ trụ. Ít nhất thì sự quan sát có ý thức tỏ ra có khả năng gây ảnh hưởng đến tương lai và thậm chí cả quá khứ ở cấp độ của thế giới lượng tử vi mô và nếu ý thức quả thật là một phần chủ chốt của vũ trụ – nếu nhà vật lý Andrei Linde ở trường Đại học Standford đã đúng khi ông nói rằng không thể có một giả thuyết thích hợp cho mọi thứ mà lại bỏ qua ý thức – thì thế giới phức tạp và kỳ lạ hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn thấy thường ngày.

Trong vật lý, các khái niệm về thuyết tương đối và cơ học lượng tử đã chỉ cho chúng ta thấy rằng vũ trụ – theo những hiểu biết hiện giờ – khác rất nhiều so với những gì các trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày nói cho chúng ta biết về nó. Tương tự như vậy, hầu hết chúng ta chỉ nhận biết được ý thức của riêng mình và chúng ta làm được điều đó là nhờ vào bộ não. Điều này có thể khiến chúng ta thấy khó để chấp nhận các bằng chứng chứng tỏ ý thức là một yếu tố trong vũ trụ chứ không chỉ là một thứ gì đó xuất hiện trong đầu mình. Nếu ý thức là một phần chủ yếu của vũ trụ thì chúng ta sẽ phải cân nhắc xem quan điểm cho rằng nó chỉ đơn giản là một sản phẩm phụ của bộ não có phải là một quan điểm hợp lý hay không. Nếu sự quan sát có ý thức có thể quyết định đường đi của một hạt ánh sáng từ hàng tỷ năm trước như John Wheeler đã đặt giả thiết thì việc kết luận rằng ý thức chỉ là một trạng thái tạm thời của một bộ não đang hoạt động có hợp lôgic hay không? Tôi nghĩ là không. Nếu quả thật ý thức là một thành phần chủ yếu của vũ trụ thì nó phải tồn tại ngoài bộ não nhỏ bé của chúng ta trên trái đất. Tuy các trải nghiệm hàng ngày có thể nói với chúng ta rằng ý thức bắt đầu khi sinh và chấm dứt cùng với cái chết, nhưng còn có một cách nghĩ hợp lý khác là bộ não của chúng ta chỉ là nơi để ý thức trú ngụ trong một kiếp sống và ý thức đã tồn tại trước khi chúng ta ra đời và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi chúng ta chết đi cho đến khi nó tìm được một nơi trú ngụ khác trong một cơ thể mới.

Các bằng chứng trong các trường hợp của chúng tôi ủng hộ giả thiết này và trong phần còn lại của chương này, chúng tôi sẽ nhìn nhận dưới quan điểm rằng nếu điều này là đúng thì những trường hợp đó có thể cho chúng ta biết những gì về hiện tượng đầu thai. Tất nhiên, thời điểm này, bất cứ kết luận nào đưa ra về hiện tượng đầu thai cũng chỉ mang tính chất ban đầu, nhưng chúng ta có một số câu hỏi rất thú vị để tìm hiểu.

Có phải tất cả mọi người đều được đầu thai?

Khi xem xét các bằng chứng của sự đầu thai, chúng ta có thể sẽ nghĩ về ảnh hưởng của nó đối với bản thân mình. Rõ ràng tất cả chúng ta đều muốn có cơ hội được nhìn thấy những người thân đã mất một lần nữa. Chúng ta có thể nghĩ về những cảm xúc mà mẹ của Patrick Christenson chắc hẳn đã có khi chị tin rằng đứa con trai đầu của mình vốn đã chết khi chỉ vừa mới biết đi đã quay lại với chị. Một sự mất mát như thế chắc hẳn là rất đau buồn và tất cả chúng ta đều sẽ thấy được an ủi khi biết rằng sự mất mát đó không phải là mãi mãi.

Một điều không may là chúng ta phải nhớ rằng việc đã xảy ra với những đứa trẻ có kí ức về kiếp trước không hẳn sẽ xảy ra với tất cả những người còn lại trong chúng ta. Các em có thể là một nhóm duy nhất và dù cho các em đã được tái sinh thật thì cũng có thể ngoài các em ra, không một người nào khác được như thế. Như tôi đã bàn ở trên, trong những trường hợp biết được cách chết của người tiền kiếp, 70% trong số họ chết vì những nguyên nhân bất thường và trong số những người có cái chết tự nhiên cũng có một vài người chết rất đột ngột. Điều này cho thấy một cái chết bất đắc kỳ tử hay đột ngột có khả năng dẫn đến trẻ có kí ức về kiếp trước cao hơn nhiều so với những cách chết khác. Một cái chết như vậy có thể là một yếu tố khiến các đối tượng của chúng tôi bị ràng buộc với mặt đất và trở thành ngoại lệ đối với các quy trình tự nhiên. Sau cái chết, ý thức có thể chỉ được nhập vào một ý thức vũ trụ rộng lớn hoặc đi tới một không gian khác – chẳng hạn như Thiên đường. Cũng có thể những quan niệm truyền thống về cuộc sống sau cái chết của đạo Thiên Chúa giáo Do Thái nhìn chung lại đúng ngay cả khi những trường hợp của chúng tôi là các bằng chứng xác thực của hiện tượng đầu thai.

Mặt khác, có thể hiện tượng đầu thai vẫn thường xuyên xảy ra nhưng kí ức không được truyền lại từ kiếp trước. Trong trường hợp đó, tất cả mọi người đều có thể có kiếp trước dù cho hầu hết chúng ta không nhớ được chúng. Nếu điều này đúng thì có thể quy trình tự nhiên đó đã chịu tác động bởi một yếu tố trong kiếp trước, chẳng hạn như một cái chết bất ngờ hoặc một yếu tố nào đó trong kiếp sau. Điều này có thể dẫn tới việc kí ức được truyền lại sang kiếp sau và vì thế, tuy mọi người đều có thể được tái sinh, nhưng các trường hợp của chúng tôi vẫn rất khác thường vì có sự hiện hữu của kí ức.

Những trường hợp này không trả lời được cho câu hỏi khả năng nào khả dĩ hơn, chỉ có một số người được đầu thai hay chỉ có một số người nhớ được kiếp trước, dù chúng cho thấy hiện tượng đầu thai xảy ra trong một số hoàn cảnh. Tuy tất cả chúng ta đều muốn được nhìn thấy những người thân đã mất quay trở về, hoặc muốn được quay lại với con cháu của mình sau khi chết, nhưng những trường hợp này không trả lời câu hỏi đầu thai có phải là một hiện tượng phổ biến hay không. Chúng đưa ra các bằng chứng cho thấy chúng ta có thể được tái sinh, ít nhất là ở trong một số hoàn cảnh nào đó – một phát hiện rõ ràng rất có ý nghĩa – nhưng chúng không cho biết liệu tất cả chúng ta đều được như vậy hay không.

Thậm chí ngay cả khi tất cả mọi người đều được đầu thai, những đặc điểm chúng ta đã thấy ở các đứa trẻ có kí ức kiếp trước không hẳn sẽ đúng với những người còn lại trong số chúng ta. Cách chết hoặc một yếu tố nào đó có thể sẽ làm thay đổi quy trình tự nhiên và dẫn đến một số hiện tượng đi kèm với kí ức kiếp trước. Chẳng hạn, những đứa trẻ nhớ được kiếp trước có thể thấy gắn bó với một địa điểm nào đó hơn những người khác. Những đứa trẻ này thường đầu thai gần nơi người tiền kiếp đã sống, trong khi những người không có kí ức kiếp trước không phải chịu những hạn chế tương tự. Tương tự như vậy, những đứa trẻ kể lại việc mình đã ở một nơi nào đó trong nhiều năm giữa hai kiếp có thể không phải là trường hợp điển hình cho tất cả những người đầu thai. Chúng ta nên nhớ rằng còn có thể có những điểm khác nhau khác giữa những người nhớ và không nhớ được kiếp trước.

Nếu được đầu thai thì những thứ gì sẽ được đầu thai?

Mặc dù còn nhiều nghi ngại, nhưng chúng ta vẫn nên tìm hiểu những trường hợp này kỹ càng xem chúng nói lên điều gì về cuộc sống sau cái chết. Có một câu hỏi như sau: Nếu những trường hợp này là ví dụ của hiện tượng đầu thai, vậy thì chính xác những thứ gì đã được đầu thai? Chúng cho thấy các kí ức, cảm xúc và vết thương thể xác đều có thể được truyền lại kiếp sau. Tôi đã nhắc đến khái niệm về một ý thức tiếp tục tồn tại, nhưng nó không phải là một từ rõ ràng. Những từ khác có thể dùng được như “linh hồn” hay “thiên thể”, lại có những nghĩa rộng chúng ta có thể cảm thấy không chính xác. Vì nguyên nhân này mà bác sĩ Stevenson đã nghĩ ra từ “psychophore” – một từ ông lấy trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mang theo tâm hồn” – để miêu tả nơi kí ức trú ngụ sau cái chết.

Thực thể này, còn gọi là psychophore hay ý thức, dường như có khả năng tiếp nhận thêm thông tin mới, nếu dựa vào những trường hợp trong đó trẻ kể lại những sự kiện xảy ra sau khi người tiền kiếp chết. Chúng ta có thể tự hỏi nó làm điều đó bằng cách nào, vì ý thức rõ ràng không có cơ quan cảm giác như mắt và tai. Câu trả lời là nó tiếp nhận thông tin bằng các phương tiện siêu nhiên. Điều này cũng tương tự như những lời tường thuật của các bệnh nhân đã từng cận kề cái chết, vì họ vẫn thường kể là họ đã chứng kiến các sự việc xảy ra từ trên cao. Nó cũng trùng khớp với các nghiên cứu khác trong lĩnh vực cận tâm lý đã cho thấy một số người có thể thu nhận những thông tin không thể nào biết được bằng các giác quan thường. Họ biết được chúng thông qua các phương tiện siêu nhiên và tuy chúng ta không biết các phương tiện đó là những gì, nhưng nếu một người có thể làm được việc đó trong lúc sống thì việc ý thức của họ cũng làm được như thế sau khi họ chết là một điều hợp lý.

Mặc dù chúng ta có xu hướng nghĩ rằng quan niệm đầu thai nghĩa là một số thực thể tồn tại từ kiếp này sang kiếp sau, nhưng nhiều tín đồ Phật giáo – đặc biệt là các Phật tử Nam Tông – lại nói không phải như vậy. Học thuyết về anatta – hay “vô ngã” – của họ nhấn mạnh rằng không hề có “cái ta” nào và vì thế không có thực thể nào tồn tại qua nhiều kiếp. Vào thời điểm một người chết đi, một người khác được tạo ra, cũng như việc ngọn lửa của một cây nên sắp tàn có thể được dùng để thắp lên một cây nên khác. Có sự tiếp diễn giữa hai người này, vì nghiệp để lại bởi người tiền kiếp sẽ dẫn đến sự ra đời của người kiếp sau, nhưng không thực thể nào vẫn tiếp tục tồn tại. Vì không phải một học giả về đạo Phật nên tôi thừa nhận rằng mình đã gặp khó khăn trong việc chấp nhận hoặc thậm chí là hiểu hết được khái niệm này, nhưng ít nhất tôi có thể nhạn thấy bất kể học thuyết này, trên thực tế hầu hết các tín đồ Phật tử đều tin rằng có một thực thể có thật nào đó được tái sinh trở lại.

Nhưng bác sĩ Stevenson đã chỉ ra, các trường hợp của chúng tôi rõ ràng cho thấy có một thực thể nào đó mang theo các kí ức cùng với nó sang kiếp sau. Dường như còn có một thứ nào khác được đầu thai chứ không chỉ các kí ức và cảm xúc. Chúng ta đã bàn về hiện tượng các vết bớt có thể nảy sinh nếu ý thức bị tác động bởi những vết thương trong kiếp trước đến nỗi nó ảnh hưởng lên bào thai đang phát triển để tạo ra những vết tương tự trên cơ thể mới. Tôi thấy thật khó để hình dung rằng một quá trình như vậy có thể xảy ra mà không có một thứ gì đó, cho dù chúng ta gọi nó là ý thức, psychophore hay bằng một từ nào khác, để mang theo các tác động của các vết thương sang kiếp sau. Tuy một số Phật tử chắc chắn sẽ phản đối, nhưng các trường hợp của chúng tôi là dấu hiệu cho thấy một thực thể nào đó – thứ mà tôi vẫn gọi là ý thức – có thể tồn tại qua nhiều kiếp.

Hiện tượng các chấn thương thể xác có thể có tác động lớn lên ý thức đến mức dẫn đến những vết bớt trên bào thai đang phát triển ám chỉ rằng ý thức này có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể. Điều này khiến chúng ta phải quay lại cuộc bàn luận về thuyết nhị nguyên trong Chương 9 và câu hỏi liệu những ý nghĩ phi vật chất có thể tác động đến thế giới vật chất – mà ở đây chính là bào thai đang phát triển – hay không. Những trường hợp này cho thấy điều đó là có thể. Bên cạnh đó, chúng cũng chỉ ra tự bản thân ý thức có thể bị ảnh hưởng bởi những chấn thương. Ở Chương 4, chúng ta đã bàn về một số trường hợp trong đó có một số bệnh nhân tự nổi những vết trên người khi họ sống lại những sự kiện đó trong lúc bị thôi miên. Các trường hợp đầu thai cho thấy những ảnh hưởng đó thậm chí có thể kéo dài sang tận kiếp sau. Các chấn thương có thể gây ra “những vết sẹo” trên ý thức lớn đến nỗi chúng cũng hiện hữu trên cả cơ thể mà nó nhập vào sau này.

Mới đầu ảnh hưởng lâu dài của các chấn thương có vẻ là một điều kỳ lạ, cho đến khi chúng ta nhớ lại cách mà những sự kiện chấn thương có thể gây tác động đến tinh thần trong một kiếp. Những người đã phải trải qua những sự kiện gây tổn thương lớn đến cơ thể hoặc tình cảm có thể sẽ bị hội chứng căng thẳng hậu chấn thương, trong đó những triệu chứng thể xác và tâm lý của họ chỉ hình thành nhiều năm sau khi những sự kiện đó xảy ra. Nếu vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi biết rằng những chấn thương đó có thể đi cùng với ý thức sang kiếp sau, dù ở dưới dạng các vết sẹo hay các chứng sợ đi nữa. Chúng ta có thể hi vọng rằng tất cả những khó khăn trong một kiếp sẽ chấm dứt khi chúng ta chết đi, nhưng những trường hợp này lại cho thấy điều ngược lại.

Khi nào và ở đâu thì được đầu thai?

Giờ chúng ta hãy bàn đến câu hỏi liệu ý thức còn tồn tại có quyết định được thời gian và địa điểm đầu thai hay không. Trong một số trường hợp, trẻ đã kể rằng chính các em đã chọn bố mẹ kiếp sau của mình. Trong những trường hợp xảy ra ở Châu Á, trẻ đôi lúc miêu tả một sự việc trong đó các em đã nhìn thấy người bố hoặc người mẹ tương lai của mình và quyết định theo họ về nhà. Trong những trường hợp ở Mỹ, một số trẻ lại nói mình đã lên thiên đường và chọn bố mẹ kế tiếp của mình. Mặc dù những câu chuyện này rõ ràng không thể kiểm chứng được, nhưng một số trường hợp ở Châu Á đã được kiểm chứng là có phần đúng ở chỗ vào khoảng thời gian thụ thai đứa trẻ, người bố hoặc người mẹ quả thật đã ở vùng mà các em miêu tả.

Trong các trường hợp khác, khi nghĩ đến việc trẻ đã phàn nàn như thế nào về gia đình hiện tại của mình, chúng ta có thể kết luận rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các em đã được tự chọn bố mẹ cho mình. Vì hầu hết trẻ đều không kể lại kí ức về khoảng thời gian giữa hai kiếp nên chúng ta không thể biết liệu các em có tham gia vào quá trình quyết định đó hay không. Có thể các em có tham gia nhưng lại không có kí ức về nó. Chúng ta không có cách nào để biết chắc chắn, nhưng dựa vào sự khác nhau giữa các trường hợp, có thể thấy một số người được chọn bố mẹ kiếp sau hoặc nơi đầu thai của mình trong khi những người khác thì không.

Điều này làm dấy lên một câu hỏi lớn hơn là liệu có người nào được tự quyết định trong quá trình đầu thai hay không. Nếu ý thức của từng người không có quyền được chọn thời điểm đầu thai của mình – vậy thì người dẫn đường, thiên thần, hay Chúa – mới là người quyết định? Hay quá trình đó chỉ xảy ra một cách tự nhiên chứ không phải do ai quyết định? Nhiều hệ tín ngưỡng đã có các quan niệm khác nhau về quá trình đầu thai của một người. Mặc dù một số đối tượng của chúng tôi đã kể rằng có người dẫn đường cho các em đến với gia đình mới của mình, nhưng hầu hết trẻ đều không nói gì về khoảng thời gian giữa hai kiếp, vì thế những trường hợp chúng tôi thu thập được chỉ làm sáng tỏ rất ít về vấn đề quan trọng này.

Để tìm hiểu nó, chúng ta có thể nhìn cụ thể vào những nơi xảy ra hiện tượng đầu thai. Một kết luận có thể rút ra từ những trường hợp này là địa điểm đầu thai – ít nhất là ở những trường hợp trẻ nhớ được kiếp trước – không phải ngẫu nhiên. Phần lớn trẻ đều kể về kiếp trước là những người ở trong cùng một đất nước với mình và rất nhiều em nói mình đã từng là người sống cùng làng hoặc thậm chí thuộc cùng một gia đình. Chúng ta nên nhìn nhận điều này như thế nào? Một khả năng là những giới hạn địa lý có ảnh hưởng đến nơi ý thức có thể đến để được đầu thai. Mặc dù giả thiết rằng ý thức chỉ quanh quẩn trong một khu vực nhỏ nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó phù hợp với những câu chuyện của trẻ trong đó các em đã ở một chỗ nhất định, chẳng hạn như nơi người tiền kiếp đã chết, cho đến khi các em thấy người bố hoặc mẹ tương lai của mình.

Tôi nghiêng về giả thiết cho rằng ý thức đi đến những nơi nhất định vì mối liên kết tình cảm giữa nó và những nơi đó. Nhiều người trong số chúng ta cảm thấy gắn bó với đất nước quê hương của mình, vì thế theo lẽ tự nhiên chúng ta có nhiều khả năng được đầu thai ở trong cùng một đất nước. Bên cạnh đó, nhiều người có tình cảm thân thuộc với những địa điểm nhất định và sẽ bị kéo trở về với chúng. Quan trọng hơn, mối quan hệ giữa một cá nhân với những người khác cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến nơi người đó đầu thai. Trong những trường hợp xảy ra trong cùng một gia đình, có thể trẻ được đầu thai lại trong gia đình đó vì mối gắn bó tình cảm vẫn còn rất mạnh. Đặc biệt ở những trường hợp người tiền kiếp là một đứa trẻ bị chết khi còn nhỏ, ý thức của người này có thể vẫn bị gắn chặt với gia đình cũ của mình, nên nó sẽ bị kéo về đó để đầu thai trở lại. Dĩ nhiên cơ chế lôi kéo này vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng tôi có thể hình dung một lực cảm xúc trong thế giới ý thức sẽ kéo các cá nhân về những nơi hay gia đình nhất định với một lực hút gần giống lực từ trường.

Các trường hợp trong đó trẻ kể về người tiền kiếp là những người ở một đất nước khác cũng có thể giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề này. Ở những trường hợp đó, trẻ thường kể rằng trong kiếp trước các em đã chết ở đất nước mình đang sống hiện giờ. Một ví dụ là các em nhỏ Miến Điện tự nhận mình từng là những người lính Nhật bị tử trận ở Miến Điện trong Thế chiến thứ hai. Nhiều em trong số những đứa trẻ Miến Điện này thể hiện lòng mong muốn được trở về Nhật Bản, như thể các em đã bị mắc kẹt ở Miến Điện sau khi chết ở đó. Chúng ta không biết liệu những giới hạn địa lý hay mối liên kết tình cảm mới là nguyên nhân khiến các em bị mắc kẹt. Có thể những hành động của các em khi còn là lính Nhật – thường là những hành động rất tàn ác với người dân Miến Điện – đã tạo ra một món nợ tình cảm chưa được giải quyết và khiến các em phải ở lại Miến Điện trong kiếp tới của mình.

Dù cho là nguyên nhân địa lý hay tình cảm đi nữa, chúng ta vẫn có thể nói những trường hợp này cho thấy con người thường giữ lại một mối liên kết nào đó với một kiếp sau khi chết. Chúng ta không biết liệu điều này đúng với tất cả hay chỉ đúng với những người có kí ức về kiếp trước, nhưng những trường hợp này nói lên rằng trong một số hoàn cảnh nhất định, mối liên kết đó sẽ được tiếp tục cho đến tận kiếp sau.

Nghiệp

Nghiệp là một quan niệm tồn tại trong nhiều tôn giáo có tín ngưỡng tin vào sự đầu thai, đặc biệt là đạo Hindu và đạo Phật. Nó được cấu thành từ nhiều điều khó hiểu thuộc nhiều nền tôn giáo khác nhau mà chúng tôi không thể bàn kỹ ở đây, nhưng nhìn chung, nó là tín ngưỡng cho rằng hành vi của một số người sẽ quyết định tương lai của người đó. Nó bao gồm quan niệm cho rằng các hành vi trong kiếp trước sẽ có ảnh hưởng đến hoàn cảnh sống ở kiếp này. Một cách lý giải cho các trường hợp Miến Điện – Nhật Bản tôi vừa đề cập là các hành động kiếp trước của những đứa trẻ đó đối với người dân Miến Điện khiến các em phải đầu thai làm người Miến Điện.

Liệu nhìn chung các trường hợp của chúng tôi có cung cấp bằng chứng nào cho thấy có sự tồn tại của nghiệp hay không? Trước khi trả lời câu hỏi đó, tôi phải chỉ ra rằng theo quan niệm nghiệp, hoàn cảnh sống của một người trong kiếp hiện tại được quyết định bởi các hành vi không chỉ trong kiếp gần đây mà trong tất cả các kiếp trước, vì thế rất khó để đánh giá ảnh hưởng của những hành vi thuộc kiếp gần đây nhất.

Tôi đã nhìn vào cơ sở dữ liệu máy tính của chúng tôi để xem có mối tương quan nào giữa các đặc điểm tính cách của người tiền kiếp với hoàn cảnh sống của các đối tượng hay không. Cụ thể hơn, tôi đã tìm hiểu những đặc điểm sau của người tiền kiếp – người đó có nhân từ hay không? Người đó có phải tội phạm hay không? Người đó có vi phạm đạo đức hay không? Người đó có hào phóng rộng lượng hay không? Và người đó có tích cực tham gia vào các nghi thức tôn giáo hay không? – để xem chúng có mối tương quan nào đến tình hình kinh tế và tầng lớp xã hội của các đối tượng hay không. Trong quá trình thực hiện việc này, tôi nhận thức rõ là dưới con mắt của chúng ta, nếu một đứa trẻ có bố mẹ nghèo nhưng luôn yêu thương và ủng hộ con thì đứa trẻ đó đã được sinh ra trong một hoàn cảnh may mắn, nhưng ít nhất chúng ta có thể nghĩ rằng một hoàn cảnh may mắn thường đi kèm với tình hình kinh tế tốt hơn là xấu.

Khi tôi kiểm tra các mối tương quan, chỉ có một đặc điểm ở người tiền kiếp có liên hệ đến hoàn cảnh của các đối tượng. Lòng nhân từ ở người tiền kiếp có mối tương quan rất mạnh với tình hình kinh tế của đối tượng và một một tương quan khác khá đáng kể với tầng lớp xã hội của trẻ. Điều này có nghĩa người tiền kiếp càng được cho là nhân từ thì trẻ càng có khả năng có hoàn cảnh kinh tế tốt và tầng lớp xã hội cao. Lòng nhân từ không tương quan với tầng lớp xã hội trong các trường hợp ở Ấn Độ và không có bất kỳ đặc điểm nào khác của người tiền kiếp có tương quan với hoàn cảnh của đối tượng. Do đó, chúng ta phải cân nhắc khả năng mối tương quan này chỉ là do ngẫu nhiên và chúng ta có ít bằng chứng để chứng tỏ Nghiệp của kiếp trước sẽ ảnh hưởng đến hoàn cảnh của kiếp sau.

Một chi tiết khác mâu thuẫn với giả thiết về ảnh hưởng của Nghiệp là một hiện tượng tôi đã đề cập đến trong Chương 4. Đó là những trường hợp trong đó trẻ có các vết bớt hoặc dị tật tương tự với những vết thương mà trẻ nhớ là mình đã phải chịu trong kiếp trước. Nếu Nghiệp là nguyên nhân gây ra chúng thì lẽ ra chúng phải giống với các vết thương người tiền kiếp gây ra cho một người khác chứ không phải các vết thương trên cơ thể người đó. Vì sự thật không phải như vậy nên chúng tôi phải nói rằng các trường hợp có bớt và dị tật không ủng hộ giả thiết về Nghiệp.

Những tình cảm kéo dài

Khi xem xét kỹ hơn những mối liên kết tình cảm, chúng ta có thể sẽ mong muốn tình yêu và những cảm xúc tích cực mà ta dành cho những người khác sẽ kéo dài hơn một kiếp và những trường hợp này cho chúng ta hi vọng rằng điều đó có thể đúng sự thật. Ở những trường hợp này, trẻ không chỉ có các vết bớt và nỗi sợ hãi mà còn tiếp tục thể hiện tình yêu đối với gia đình lúc trước của mình.

Điều này đặc biệt nổi rõ trong những trường hợp xảy ra trong cùng một gia đình. William – cậu bé ở Chương 1 – đã nói với mẹ mình rằng cậu sẽ luôn luôn chăm sóc chị, cũng như lời ông ngoại cậu đã nói với chị. Patrick Christenson – cậu bé có nhiều vết bớt ở Chương 4 – để kể về lúc cậu bỏ mẹ mình đi vào cuối cuộc đời ngắn ngủi của đứa con trai đầu của chị và bây giờ cậu có một mối quan hệ rất gần gũi với mẹ. Những ví dụ đó cho thấy tình yêu có thể vượt qua cái chết và tồn tại đến tận kiếp sau.

Abby Swanson ở Chương 3 nói mình đã từng là bà cố ngoại của cô bé. Nếu cô bé nói đúng thì lần này em có một mối quan hệ rất khác với mẹ mình so với kiếp trước khi em vẫn còn là bà của chị. Việc chuyển từ bà thành con gái là một thay đổi rất lớn, thế nhưng nó lại tương tự như việc những cặp bố mẹ già phải dần nương tựa vào con mình – những đứa con trước đây vẫn phải nương tựa vào họ. Có lẽ vấn đề ai chăm sóc ai không quan trọng bằng mối quan hệ giữa các cá nhân. Mối quan hệ đó là một thứ có thể kéo dài qua nhiều kiếp.

Ý nghĩ đó không chỉ khiến chúng ta thấy an lòng mà rất có thể đúng với sự thực, nếu dựa vào những bằng chứng trong nhiều trường hợp của chúng tôi. Giả thiết mối quan hệ tình cảm – chứ không phải vai trò – kéo dài qua nhiều kiếp có thể ảnh hưởng đến cách bố mẹ nhìn nhận con mình, vì nó gợi ý rằng bố mẹ cần nuôi dưỡng con, không phải theo một cách độc đoán khắt khe, mà như người dẫn đường cho những bạn đồng hành của mình. Trẻ nên được xem là những người bạn cùng chia sẻ một hành trình cuộc đời chứ không phải là những người yếu kém hơn, cho dù các em cần sự chỉ bảo và cảm giác an toàn bắt nguồn từ việc biết rằng bố mẹ mình đang kiểm soát mọi việc.

Trong trường hợp của Abby, có thể bà cố ngoại của em đã chọn cách quay về với mẹ Abby để họ có thể tiếp tục cuộc hành trình cùng nhau. Vai trò lần này của họ đã đổi khác và mẹ Abby sẽ cần phải chỉ bảo cho em nhiều điều. Dần dần, chị có thể sẽ học được nhiều thứ từ mối quan hệ với Abby như những gì Abby học được từ chị.

Khi hiện tượng đầu thai không xảy ra trong cùng một gia đình, mối qua hệ kéo dài này, hoặc ít nhất là nỗi nhớ mà nó tạo ra, có thể sẽ là một vấn đề trong kiếp sau. Nhiều trẻ đã bị xáo trộn tình cảm vì các em cảm thấy mình đang bị chia cắt khỏi bố mẹ thật của mình. Cảm xúc này sẽ dần dần mất đi khi trẻ lớn lên, nhưng khi còn hiện diện nó có thể rất mạnh mẽ. Như tôi đã nói trong Chương 6, nhiều bậc bố mẹ Châu Á tôn trọng những gì con mình nói về kiếp trước vì họ thường tin các em, nhưng họ cũng làm rõ cho trẻ hiểu rằng cuộc sống hiện tại của các em khác với cuộc sống kiếp trước. Không may là nhiều khi họ nhấn mạnh điều này một cách quá đà và một số người sử dụng những biện pháp rất gay gắt để buộc con mình ngừng nói về kiếp trước.

Về lâu dài, cách làm này vẫn tốt hơn việc duy trì mối liên kết với kiếp trước. Những mối quan hệ kiếp trước đã thuộc về quá khứ và việc cứ tập trung vào kiếp trước mà quên đi cuộc sống hiện tại sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho chúng ta. Một số trẻ thấy rất đau buồn vì muốn tiếp tục mối quan hệ các em nhớ được từ kiếp trước, điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ của các em với bố mẹ hiện tại của mình. Tương tự, một số người lớn quá chìm đắm trong kiếp trước của mình đến nỗi họ quên đi cuộc sống hiện tại. Chắc chắn đó không phải là cách tốt nhất. Mặc dù khả năng đầu thai có thể sẽ làm con người quý trọng các khía cạnh tinh thần và đời sống tình cảm của những người khác hơn, nhưng chúng ta không nên quá chú trọng đến kiếp trước của mình, nếu quả thật chúng có tồn tại.

Vẫn trong khuôn khổ vấn đề này, nhiều người còn nhờ đến thuật thôi miên để khám phá kiếp trước của mình. Ngay cả khi con người có thể thu được nhiều thứ từ việc tìm hiểu kiếp trước của mình, vẫn có rất ít bằng chứng ủng hộ cho việc sử dụng thuật thôi miên để thực hiện điều này. Nhiều nhà thôi miên có thể thôi miên đối tượng của mình và giúp họ nhớ lại những sự việc hình như xảy ra trong kiếp trước, thường là với rất nhiều chi tiết và cảm xúc. Khó khăn nằm ở trong việc kiểm chứng rằng những “kí ức” này đúng là về những sự việc đã thật sự xảy ra. Trong nhiều trường hợp, đối tượng tỏ ra nhớ được một kiếp trước từ thời xa xưa, vì thế chúng ta không có cách nào biết được điều này có thật hay không. Ở những trường hợp khác, lời nói của các đối tượng có bao gồm cả những chi tiết trái với lịch sử. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn nhớ lại những chi tiết mà sau này được phát hiện ra là do họ lấy từ một nguồn khác, ví dụ như một cuốn sách họ đã đọc nhiều năm trước rồi quên đi.

Trong Chương 8, tôi đã bàn đến các trường hợp trong đó thuật thôi miên đã cho ra những kết quả rất ấn tượng, nhưng thật không may, nó lại không phải là một công cụ đáng tin cậy, cho dù trong việc giúp hồi phục kí ức từ kiếp hiện tại hay kiếp trước. Thuật thôi miên có thể giúp con người lấy lại những kí ức lúc trước trong cuộc sống hiện tại, nhưng nó có thể dẫn đến những ý nghĩ tưởng tượng. Khi bị thôi miên, trí óc của chúng ta thường tự động lấp đầy những khoảng trống. Nếu một người được yêu cầu kể lại những việc mình không nhớ, trí óc người đó thường sẽ tạo ra một thứ gì đó. Khi điều này xảy ra, người đó có thể sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa kí ức thật sự và ý nghĩ tưởng tượng của mình.

Điều này không có nghĩa là tất cả các phép thôi miên lùi về kiếp trước đều vô ích. Suy cho cùng, nếu một số trẻ nhỏ có thể nhớ được kiếp trước thì theo lôgic, một số người lớn cũng có thể lấy lại được những kí ức đó nhờ thôi miên, cũng như họ có thể nhớ lại những sự việc từ thời thơ ấu. Ngay cả như thế, phần lớn các trường hợp này vẫn không chứa bằng chứng nào ủng hộ cho giả thiết rằng những hình ảnh con người thấy trong lúc bị thôi miên là những hình ảnh về kiếp trước của họ. Như Alan Gauld đã viết – mặc dù chúng ta có thể tìm được một số trường hợp mạnh – nhưng “chúng sẽ chỉ là chút phù sa ít ỏi lắng đọng lại của một dòng chảy rất lớn các ý nghĩ tưởng tượng thú vị nhưng khó tin, và sẽ thật khờ dại nếu có ai đó tiêu tốn cả một đời của mình chỉ để cố tạo ra chúng”.

Những lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ

Các bậc cha mẹ vẫn thường xin chúng tôi lời khuyên về cách đối xử với những câu nói về kiếp trước của con mình. Mặc dù mỗi trường hợp đều có những điểm khác nhau, tôi có thể đưa ra một số lời khuyên chung mà tôi hi vọng là sẽ có ích. Đầu tiên, bố mẹ nên biết rằng những câu nói này không phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần. Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều gia đình có con nói nhớ được một cặp bố mẹ khác, một ngôi nhà khác, hoặc cái chết trong kiếp trước và những đứa trẻ này hiếm khi có những triệu chứng của bệnh tâm thần.

Một nghiên cứu đã tìm hiểu về vấn đề này. Gần đây, tôi đã hoàn thành một nghiên cứu với một người đồng nghiệp – Tiến sĩ Don Nidiffer – trong đó chúng tôi đã xem xét kết quả kiểm tra tâm lý của 15 đứa trẻ người Mỹ. Ở thời điểm kiểm tra các em có đội tuổi từ ba đến sáu, chúng tôi phát hiện thấy nhìn chung các em khá thông minh. Khi nhìn vào thang đánh giá các vấn đề hành vi, số điểm trung bình của các em đều nằm trong phạm vi bình thường và các em không có triệu chứng nào của các vấn đề tâm lý.

Các kết quả này tương tự những gì Erlendur Haraldsson và đồng nghiệp của ông phát hiện ra khi họ kiểm tra các đối tượng ở những đất nước khác. Ở Sri Lanka, các đối tượng cũng có kết quả học tập tốt nhưng lại có một số vấn đề hành vi nhỏ ở nhà. Một điều đáng chú ý hơn cả là các em không dễ bị ảnh hưởng hơn các trẻ khác, điều này mâu thuẫn với giả thiết rằng các em tự nhận mình nhớ được kiếp trước vì có người bảo các em như thế. Ở Lebanon, trẻ cũng không có triệu chứng bệnh lý nào, mặc dù các em có xu hướng tưởng tượng rất nhiều.

Khi trẻ nói về kiếp trước, bố mẹ các em đôi lúc không biết phải phản ứng thế nào. Chúng tôi khuyên bố mẹ nên lắng nghe những gì con mình nói. Một số trẻ có cảm xúc rất mạnh mẽ về việc này và bố mẹ nên tỏ ra tôn trọng khi lắng nghe cũng như đối với các chủ đề khác mà con họ đưa ra.

Khi một đứa trẻ nói về kiếp trước, bố mẹ nên tránh đặt quá nhiều câu hỏi trực tiếp. Điều này có thể sẽ khiến trẻ bị tổn thương và quan trọng hơn, dưới góc nhìn của chúng tôi, có thể khiến trẻ bịa ra câu trả lời. Lúc đó việc phân biệt giữa kí ức thật với trí tưởng tượng sẽ trở nên rất khó. Nên đặt những câu hỏi mở chung chung như: “Con còn nhớ được gì nữa không?” và cũng nên tỏ thái độ thông cảm với những câu nói của trẻ – chẳng hạn như ta có thể nói: “Chắc nó đáng sợ lắm nhỉ?” khi trẻ miêu tả một vụ tai nạn chết người.

Chúng tôi khuyến khích các bậc bố mẹ ghi lại tất cả những câu nói về kiếp trước của con mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong những trường hợp trẻ cung cấp đủ thông tin để có thể xác định được người tiền kiếp. Khi đó, việc ghi lại những câu trẻ nói rất quan trọng để cung cấp những bằng chứng cho thấy trẻ đích thực đã nhớ lại những sự kiện từ kiếp trước. Đồng thời, bố mẹ không nên chú trọng vào các câu nói đó đến nỗi họ và trẻ cùng quên đi sự thật rằng cuộc sống hiện tại mới là thứ quan trọng nhất. Nếu trẻ khăng khăng nói rằng các em muốn quay về gia đình hoặc ngôi nhà cũ của mình thì việc giải thích cho trẻ hiểu gia đình hiện tại mới là chỗ của các em trong kiếp này sẽ có ích. Bố mẹ nên công nhận và tôn trọng những lời trẻ nói với họ và đồng thời làm cho rõ trẻ hiểu cuộc sống kiếp trước đó đã thuộc về quá khứ.

Bố mẹ đôi lúc còn thấy phiền muộn vì những câu nói đó hơn cả trẻ. Việc phải nghe con mình tả lại cái chết đau đớn hoặc khổ sở của nó thật khó khăn, nhưng cả bố mẹ và trẻ cần biết rằng giờ trẻ đã được an toàn trong kiếp này. Một số bậc bố mẹ có lẽ sẽ thấy yên tâm khi biết hầu hết những đứa trẻ này sẽ ngừng kể về kiếp trước khi lên năm hoặc bảy tuổi. Như tôi đã đề cập, những kí ức này có thể kéo dài đến tận tuổi vị thành niên hoặc tuổi trưởng thành trong một số ít trường hợp, nhưng chúng thường kém rõ ràng hơn nhiều so với trước kia. Trong nhiều trường hợp, khi trẻ lớn lên, các em thậm chí không nhớ rằng mình đã từng nói về kiếp trước.

Những suy đoán về khía cạnh tinh thần

Các trường hợp của chúng tôi đã đóng góp thêm các bằng chứng chứng tỏ ý thức có thể vượt qua cái chết – ít nhất là trong một số hoàn cảnh và đây chắc chắn là một phát hiện quan trọng hơn bất kỳ điều nào khác chúng ta có thể tìm ra. Nó có nghĩa rằng mỗi người trong số chúng ta không chỉ là một cơ thể vật chất. Chúng ta còn có một ý thức và nó vẫn có thể tồn tại sau khi cơ thể đó chết đi. Nếu chúng ta thay đổi từ ngữ từ ý thức sang linh hồn thì lúc đó chúng ta có thể nói tất cả mọi người đều có một phần tinh thần tồn tại bên cạnh cơ thể vật chất.

Nếu chúng ta kết luận rằng mỗi người chúng ta gặp đều là một thực thể tinh thần bên cạnh thực thể vật chất thì liệu chúng ta có thể sử dụng quan niệm này để thay đổi cách chúng ta đối xử với nhau hay không? Có lẽ chúng ta nghĩ mình có thể, nhưng như nhà sư Swami Muklyananda đã từng nói với bác sĩ Stevenson: “Người Ấn Độ chúng tôi biết là có sự đầu thai, nhưng nó không thay đổi được điều gì. Ở Ấn Độ, chúng tôi cũng có nhiều người đểu giả và xấu xa như ở phương Tây của các vị”. Bác sĩ Stevenson đã chỉ ra rằng mặc dù điều này có thể đúng về toàn cảnh, nhưng niềm tin vào sự đầu thai chắc chắn sẽ mang lại thay đổi cho một người chấp nhận tất cả các học thuyết đi kèm với nó.

Tôi rất hi vọng nhận thức rằng mỗi chúng ta đều có một phần tinh thần mà cũng cần được chú ý và chăm sóc như phần thể xác sẽ tạo nên một sự thay đổi. Việc quá chú trọng đến phần thể xác có thể sẽ ngăn chúng ta nhận ra mình phải làm gì để bồi dưỡng phần tinh thần và nó cũng có thể làm chúng ta trở nên ganh đua và ích kỉ hơn trong mối quan hệ với người khác. Chắc chắn chúng ta có thể học được cách để trở nên bớt thực dụng hơn nếu chúng ta hiểu được mình còn có một thế giới tinh thần rộng lớn hơn. Rõ ràng chỉ các nghiên cứu về hiện tượng đầu thai là chư đủ để hoàn toàn thuyết phục được mọi người rằng tất cả chúng ta đều là các thực thể tinh thần, nhưng việc tìm hiểu chúng có thể sẽ giúp con người khám phá được các biện pháp để sống một cuộc sống tinh thần phong phú hơn.

Giờ chúng ta hãy xem xét một vấn đề khác. Nếu trong số chúng ta có những người không nhớ gì về kiếp trước nhưng đúng thật đã đầu thai, vậy thì có thể họ sẽ mang theo một số vấn đề tình cảm sang kiếp này cho dù không lưu lại kí ức nào. Các đứa trẻ được sinh ra với những tính khí và phản ứng tâm lý khác nhau trước mọi vật. Điều này khiến các nhà sinh học tập trung tìm hiểu làm thế nào gen của một người có thể ảnh hưởng đến tình cảm của người đó, nhưng chúng ta có thể tự hỏi liệu ý thức hay phần tinh thần chứa đựng các cảm xúc từ kiếp trước có vai trò gì trong việc này hay không. Nếu điều đó là đúng thì nó gợi ý rằng chúng ta có nhiều kiếp sống để giải quyết các khó khăn tình cảm. Mặc dù giả thiết các vấn đề tình cảm được truyền từ kiếp này sang kiếp sau dường như là một điều không dễ chịu, nhưng viễn cảnh chúng ta có nhiều hơn một kiếp để giải quyết chúng cũng có nghĩa là cuối cùng chúng ta có thể sẽ xử lý được nhiều vấn đề hơn mình tưởng. Quan niệm đầu thai cuốn hút được nhiều người chính là nhờ giả thiết rằng một người có thể sống nhiều kiếp để tích lũy trí khôn và trở nên nhân ái và thanh thản hơn trong những kiếp sau. Tuy chúng ta không nên mong mình sẽ trở nên hoàn thiện sau nhiều kiếp, nhưng rõ ràng chúng ta có thể đạt được đến gần mức đó nếu có nhiều hơn một kiếp để cải thiện bản thân.

Có lẽ điều này nghe thật triết lý, nhưng chúng ta có thể suy luận xa hơn rằng giả thiết đó cũng gợi ý rằng mục đích sống của chúng ta có thể thay đổi từ kiếp này sang kiếp sau. Có lẽ chúng ta sẽ không có một mục đích sống duy nhất mà những mục đích khác nhau cho các kiếp khác nhau. Mỗi người có thể sẽ phải giải quyết những vấn đề tình cảm riêng của mình, chính vì thế chúng ta mới thấy một số người sẵn sàng dành tất cả sức lực của mình để gìn giữ mối quan hệ với những người thân yêu. Một số người khác lại muốn được độc lập và tự khẳng định mình trong thế giới công việc. Có lẽ tất cả chúng ta đều sẽ lần lượt cải thiện các khía cạnh khác nhau của bản thân cho đến khi chúng ta dến gần được mức hoàn thiện hơn. Ý tưởng rằng chúng ta có nhiều hơn một cơ hội sống và chúng ta không phải giải quyết tất cả mọi việc trong một kiếp rõ ràng rất hấp dẫn, nhưng điều khó khăn đối với một số người là làm thế nào để hình thành được một mục đích sống trong cuộc đời của mình. Đây là nhiệm vụ cho tất cả mọi người dù chúng ta được sống một kiếp hay nhiều kiếp đi nữa, nhưng nó có thể sẽ bớt khó khăn hơn nếu chúng ta nghĩ rằng một mục đích trong một khía cạnh nhất định của cuộc sống là đủ cho kiếp này. Chúng ta không cần phải tham gia vào mọi khía cạnh hay thành công trong một kiếp mới khiến nó có giá trị.

Các nghiên cứu trong tương lai

Sau 40 năm nghiên cứu, chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc chưa hoàn thành. Tôi đang dự định sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu vào các trường hợp có kí ức về kiếp trước ở Mỹ. Trong quá trình điều tra về những khía cạnh cụ thể của các trường hợp, tôi hi vọng sẽ có nhiều người biết đến công việc nghiên cứu này và chúng tôi sẽ thu thập được nhiều trường hợp hơn và nhiều trường hợp mạnh hơn ở Mỹ. Nếu có thể phát hiện được những trường hợp ở Mỹ cũng mạnh như ở Châu Á thì người khác sẽ rất khó để bác bỏ nghiên cứu của chúng tôi. Việc tìm hiểu các trường hợp ở đây tỏ ra khó khăn hơn, nhưng tôi tin rằng một lúc nào đó chúng tôi sẽ thu thập được những trường hợp rõ ràng để có thể tự tin để trả lời câu hỏi liệu một số trẻ có khả năng nhớ được kiếp trước thật hay không.

Có thể chúng tôi sẽ có một công cụ khác trong tương lai để giúp trả lời câu hỏi đó. Một số nhà nghiên cứu đã so sánh hoạt động của bộ não trong quá trình gọi dậy những kí ức thật với những kí ức giả. Nghiên cứu này vẫn đang nằm trong giai đoạn ban đầu. Trong quá trình nghiên cứu, các đối tượng sẽ được cho xem một danh sách gồm nhiều từ. Sau đó các nhà nghiên cứu đưa cho họ một từ khác và hỏi nó có nằm trong danh sách ban đầu hay không. Đôi lúc các đối tượng nhớ là mình đã thấy từ đó trong danh sách trong khi thực ra không phải như thế. Lúc đó, họ sẽ có kí ức giả. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu hình ảnh não bộ bằng cách đo hoạt động của não khi các đối tượng có kí ức giả so với lúc họ có kí ức thật và đã phát hiện thấy các phần khác nhau của bộ não tham gia vào hai quá trình này. Nếu nghiên cứu này tiến triển đến mức đủ để giúp chúng ta xác định được một người có đang nhớ chính xác về những sự kiện xảy ra lúc trước hay không thì lúc đó chúng ta cũng có thể dùng nó để đánh giá các kí ức về kiếp trước. Nghiên cứu này nếu thành công ũng sẽ mất rất nhiều năm, nhưng nó rõ ràng là một khả năng khiến chúng ta phải quan tâm.

Nếu cuối cùng chúng tôi có thể chứng minh được quả thật một số trẻ có kí ức về kiếp trước, lúc đó chúng tôi có thể tìm hiểu xa hơn về những vấn đề trong chương này. Chúng tôi muốn hiểu thêm về quá trình đầu thai, nếu quả thật nó có xảy ra và tôi hi vọng những phát hiện thu được sẽ giúp con người tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Nhiều nghiên cứu khác đang được tiến hành ở Division of Personality Studies (Khoa nghiên cứu nhân cách) thuộc Đại học Virginia. Tiến sĩ Bruce Greyson – trưởng khoa hiện thời – đang tập trung chủ yếu vào các kinh nghiệm cận tử. Trong một nghiên cứu đang tiến hành, tiến sĩ đã đặt một chiếc máy tính xách tay ở trên cao trong một phòng điều trị ở bệnh viện nơi bệnh nhân được gắn máy khử rung tim. Vì trong quá trình điều trị, những bệnh nhân này có thể bị chứng loạn nhịp tim vốn thường rất nguy hiểm, Tiến sĩ Greyson muốn xem có người nào có kinh nghiệm cận tử và có thể miêu tả được màn hình chờ của máy tính trong thời gian họ có kinh nghiệm đó hay không.

Tiến sĩ Emily Kelly đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu các loại trải nghiệm khác nhau, bao gồm việc nhìn thấy các bóng ma và người thân đã chết về đón mình sang thế giới bên kia. Hiện tại, bà đang tiến hành một nghiên cứu với các nhà ngoại cảm trong đó họ sẽ truyền đạt đến các người tình nguyện tham gia nghiên cứu những lời nhắn nhủ của những người thân đã chết của họ và các nhà ngoại cảm phải làm việc này mà không được nghe bất cứ phản hồi nào từ phía những người tình nguyện. Sự thật là họ chưa từng gặp mặt hay nói chuyện với những người này. Nếu họ nói được những thông tin chính xác thì chúng ta sẽ biết là không phải họ suy chúng ra từ các hành động và lời nói của những người tình nguyện.

Những nghiên cứu này khiến chúng tôi rất hứng thú và chúng tôi hi vọng sẽ đạt được nhiều tiến triển trong công việc nghiên cứu khả năng có cuộc sống sau cái chết. Khoa Nghiên cứu nhân cách vẫn phụ thuộc vào kinh phí tài trợ để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Khi có nhiều kinh phí, khoa đã thực hiện được nhiều dự án nghiên cứu và trong những thời điểm khó khăn, chúng tôi đã phải cắt giảm hoạt động và nhân lực. Bang Virginia không hề cấp kinh phí cho hoạt động của khoa và sự hào phóng của những người như Chester Carlson – cùng với nhiều cá nhân và tổ chức khác – chính là điều đã giúp nghiên cứu này có thể được thực hiện. Chúng tôi hi vọng mình sẽ đủ may mắn để được tiếp tục và thậm chí có thể mở rộng thêm nghiên cứu về vấn đề cuộc sống sau cái chết rất lý thú này.

Lời kết

Nếu một ngày nào đó chúng ta có thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi liệu chúng ta có vượt qua được cái chết hay không thì tôi hi vọng nghiên cứu về những đứa trẻ này sẽ là một phần quan trọng của câu trả lời đó. Nếu vậy, chúng ta sẽ thấy ngay cả những đứa trẻ bé nhỏ nhất cũng có hiểu biết để chia sẻ với tất cả mọi người – các em có thể là “những linh hồn già” trong các cơ thể mới. Nếu tất cả mọi người đều là các thực thể tinh thần, chúng ta nên cố gắng đối xử với nhau bằng tất cả lòng tôn trọng và đối với trẻ điều này nghĩa là phải lắng nghe các em nói. Cũng như những đứa bé trong cuốn sách này có thể có những thông tin quan trọng để chia sẻ với chúng ta, nhiều em khác cũng thế nếu chúng ta chịu lắng nghe những người bạn đồng hành bé nhỏ trong chuyến hành trình cuộc đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Tư 2016(Xem: 6252)
Mặc dù có một lịch trình huấn-luyện bận rộn tại Thái Lan, Bác Sĩ Suresh Kumar vẫn dành thời gian nói chuyện với nhà sư Phra Paisal Visalo, là Tu Viện Trưởng của Tu Viện Phật Giáo Wat Pasukato, và cũng là người sáng lập Hệ Thống Phật Giáo Cho Người Chọn Cái-Chết Bình-An (hospice)
12 Tháng Ba 2016(Xem: 8106)
Hiện nay, hầu hết người ta đều nghĩ rằng võ học Trung Quốc là xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm là do Bồ-đề Đạt- ma sáng tạo, và Dịch cân kinh là thánh điển của võ học Thiếu Lâm! Nhưng thực ra quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Võ học Trung Quốc đương nhiên không xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm không phải do Bồ-đề Đạt-ma sáng lập, và Dịch cân kinh cũng không phải là công phu của Phật môn.
01 Tháng Ba 2016(Xem: 6432)
Thi thoảng trong đời chúng ta nên suy nghiệm về cái chết. Đúng ra, chúng ta nên nghiệm về nó hàng ngày. Đức Phật khuyên nên nghĩ về cái chết thường xuyên ( Maraṇānussati ) vì làm vậy có nhiều cái lợi.Chúng ta hãy xem suy nghiệm về cái chết thì được lợi như thế nào.
05 Tháng Giêng 2016(Xem: 7957)
Miêu tả 2.500 trường hợp thuộc dữ liệu của trường Đại học Virginia (Hoa Kỳ) được các nhà nghiên cứu tìm hiểu cẩn thận kể từ khi bác sĩ Ian Stevenson nghiên cứu trường hợp đầu tiên cách đây 40 năm. Tiền kiếp - có hay không? trình bày các trường hợp này một cách rõ ràng và đi sâu vào giả thiết rằng ý thức vẫn có thể tồn tại sau khi bộ não chết đi. Đây là một cuốn sách thú vị và gợi suy nghĩ; nó có thể thách thức và làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của độc giả về sự sống và cái chết.
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7269)
Nội dung chính của quyển sách như chính tác giả xác định trong phần giới thiệu là “để chuyển tải thông tin cực kỳ quan trọng” về cái khám phá “hạt nhân” của sức khoẻ tim mạch – một phân tử nhỏ bé mang tên Nitric Oxide. NO – như cách gọi của các nhà hóa học – được cơ thể sản sinh ra đặc biệt nhằm giúp các động mạch và mạch máu không bị xơ vữa gây đột quị
16 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 10008)
Vì vậy, ngày hôm nay, tất cả con cái, người thân tụ tập nơi đây với nhau, con hãy suy xét xem bằng cách nào cha mẹ của mình lại có thể trở thành con cái của mình đời hiện tại. Trong những đời trước con là con cái của cha mẹ, bây giờ họ trở thành con của con. Trí nhớ của họ giảm đi, đôi mắt của họ mờ đi. Đôi khi họ cắt ngang lời nói của con. Hãy đừng để những điều này làm lãng xao dòng tâm. Tất cả những ai đang chăm sóc người bệnh đều phải biết buông xả.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6397)
Cấy ghép bộ phận cơ thể trở thành một cách điều-trị y-khoa đã được chấp nhận, để thay thế các bộ phận cơ thể đang hư-hỏng ở vào giai-đoạn cuối. Tuy nhiên, chỉ có bản thân chúng ta là có thể giúp cho việc hiến tạng thành công. Sau đây là một số sự thật quan trọng về việc hiến tặng bộ phận cơ thể:
15 Tháng Mười 2015(Xem: 8706)
Quả là một chuyện không được cho là bình thường vì đang khỏe mạnh yêu đời mà lại đi đến các nhà quàn hỏi thăm vấn đề hỏa táng hay chôn cất người chết vì nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết là một điều cấm kỵ, có thể mang lại vận sui vào người.
01 Tháng Mười 2015(Xem: 5001)
Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.