Từ thiện

19 Tháng Mười Hai 201403:34(Xem: 4351)

TỪ THIỆN

Hoàng Tá Thích

 

blankTrước đây, tôi vẫn thường nghe kể về một cô gái người Thụy Sĩ, ở cái tuổi hai mươi, nhân dịp qua Việt Nam du lịch, thấy trẻ mồ côi tật nguyền bèn nhủ lòng từ bi, muốn giúp đỡ chúng.

Hơn mười năm sau đó, cô gái Thụy Sĩ bấy giờ đã có một cái tên Việt Nam đúng với con người của cô: Tim. Tim nghĩa là trái tim, là Tâm, là tấm lòng. Ngoài khuôn mặt của một người ngoại quốc da trắng thì Tim gần như là một người Việt Nam hoàn toàn trong cách ăn mặc; cô viết và nói tiếng Việt khá giỏi.

Trong hơn mười năm khổ nhọc, chưa ai biết đến mình, Tim đã tìm mọi cách xin khắp nơi giúp đỡ, kiếm được một mặt bằng ở ngoại ô thành phố lập một cơ sở nhỏ để nuôi một số trẻ em mồ côi khuyết tật, cho chúng ăn, dạy chúng học và… ở chung với lũ trẻ.

Không biết có một động lực nào khác đã khiến cho một người con gái ở một đất nước giàu có, lại nẩy sinh lòng từ bi, bỗng nhiên đến một nơi xa lạ và sống một cách lây lất với đám trẻ mồ côi không quen biết. Cho dù có một động lực nào khác đi nữa – như người đời thường hay nghi ngờ – thì cũng không cần quan tâm, mà chỉ nên nhìn ngay việc làm của Tim đã đem đến hạnh phúc cho rất nhiều cuộc sống cơ khổ.

Nếu lúc đến Việt Nam không phải là hai mươi mà đã ba bốn mươi tuổi thì có thể không có gì đáng nói cho lắm. Nhưng lúc đó Tim chỉ vừa ngoài hai mươi, lại ở tận phương trời Âu trong một gia đình khá giả, với cả một tương lai mênh mông trước mặt, vậy mà cô đã từ bỏ tất cả để hy sinh cho một lũ trẻ con không cùng màu da, quốc tịch với mình, ở một đất nước xa lạ, thì quả là một điều đáng kính phục. Hồi đó, người ta ít biết về Tim vì không hề thấy Tim trên các phương tiện truyền thông để xin trợ giúp.

Sau này tôi cũng có được gặp Tim một đôi lần, nhưng bấy giờ thì Tim đã là một nhân vật nổi tiếng với cơ sở khá lớn, có quy mô đủ để nuôi dưỡng  một số lớn trẻ em, đầy đủ phương tiện để có thể cho học nghề và phát huy mọi khả năng của các em. Bây giờ thì không có gì đáng nói, nhưng nghĩ đến người đàn bà này vào lúc chỉ là một cô gái hai mươi tuổi thì không thể không đem lòng ngưỡng mộ.

Hiện giờ thì công tác từ thiện khá phổ biến. Bên cạnh những  cuộc sống đầy đủ, dư dật thì lại càng nổi bật sự nghèo  khổ, vì vậy mà công tác từ thiện gần như là một sự kiện tất yếu. Làm từ thiện do lòng thương  xót người nghèo  khổ, muốn san sẻ đôi chút sự giàu có của mình cho người khác. Làm từ thiện để bớt đôi chút thắc mắc về chênh lệch quá nhiều giữa sự giàu có của mình với những kẻ nghèo khó. Làm từ thiện để tích lũy phước đức. Làm từ thiện cũng để được quảng bá tên tuổi cho mình, cho cơ quan, cho công ty. Làm từ thiện lại có thể bớt được một khoản lợi tức phải khai thuế. Từ thiện có cả trăm cách. Đôi khi trong việc từ thiện lại có chút tính toán buồn cười: Một người bạn nói với tôi anh không bao giờ cho tiền những kẻ ăn xin, nhưng nếu đó là những người bán vé số, nhất là những kẻ tàn tật làm cái nghề này thì anh vui vẻ mua cho họ ngay. Cũng là một cách giúp đỡ kẻ nghèo, nhưng nếu may mà được trúng số thì anh lại có thêm tiền để giúp đỡ họ thêm. Cách nào cũng được, miễn kết quả là có những người nghèo khổ được giúp đỡ.

Trong kinh Phật có kể một  câu chuyện  về sự cúng dường: Có một người con gái nghèo tận mạt thường đến chùa lạy Phật. Một hôm cô ao ước có một phẩm vật để cúng dường chư Tăng, nhưng vì quá nghèo khổ, cô chẳng thể nào kiếm ra một cái gì để cúng dường. Một người chỉ cho cô: mua một bao muối, trong  khả năng  của cô có thể làm được. Muối là thứ gia vị rẻ tiền, sẽ được dùng để nấu ăn, và tất cả chư Tăng đều có thể thụ hưởng. Cô gái nghe lời và hôm sau đem bao muối đến chùa, cô được vị trụ trì đón tiếp rất long trọng. Cô còn được gọi là đại thí chủ. Vừa ngạc nhiên vùa sung sướng, cô ra về với cõi lòng thanh thản, thân tâm an lạc. Vẫn sống trong sự nghèo nàn thanh bạch và luôn luôn một lòng hướng Phật, một hôm do duyên may cô được một người giàu có đem về nuôi dưỡng, và sau đó cũng nhờ duyên phận, cô được nhà vua chọn làm hoàng  hậu, vì nhan sắc và phẩm hạnh. Sống trong nhung lụa và phú quý, nhưng cô vẫn nhớ đến ngôi chùa ngày xưa cô thường đến lễ Phật. Và một hôm, cô gái nghèo nàn ngày xưa, bây giờ là hoàng hậu, cho thuộc hạ chất đầy một xe thực phẩm, đồ đạc sang trọng đưa đến chùa để cúng dường. Lần này chẳng có ai đón rước và xưng tụng. Ngạc nhiên, cô hỏi vị trụ trì và được trả lời:
Bẩm hoàng hậu, ngày xưa khi hoàng hậu đến với ngôi chùa này, hoàng hậu còn là một người nghèo khổ, và mọi sự cúng dường đều xuất phát từ tấm lòng chân thành của hoàng  hậu. Bây giờ hoàng  hậu đã là một người giàu có nhất nước, muốn cúng dường gì mà chẳng được, nên bây giờ, sự cúng dường này không hẳn đã mang được ý nghĩa của sự phát tâm như ngày xưa”.

Cúng dường Tam bảo không phải là làm từ thiện, dù đó cũng là một hành vi dâng hiến vật chất. Cúng dường phải do khởi tâm, có lòng thành hướng Phật thì mới có ý nghĩa. Một khối lượng vật chất, một ngọn đèn dầu hay một bó hoa trên bàn thờ Phật cũng không khác gì nhau.

Ý nghĩa của việc từ thiện đúng ra thì cũng phải như thế, nghĩa là do khởi tâm mà ra. Không cần phải thấy trước mắt, nhưng chỉ nghĩ đến những người nghèo  khổ và có lòng mong muốn giúp đỡ được họ thì đã là một việc từ thiện. Mình không có phương tiện vật chất, nhưng nếu có thể kêu gọi người khác làm từ thiện, hoan hỷ vì người khác được giúp đỡ thì đó cũng là công đức vô lượng rồi. Phật giáo gọi là công đức tùy hỷ.

Nhưng thực tế, nếu cúng dường Tam bảo phải do lòng thành,  thì làm một việc từ thiện không nhất thiết phải do tâm khởi, lòng thành… miễn kết cục là có người thụ hưởng được hành động từ thiện đó về mặt vật chất.

Có người đang bận chuyện trò với bạn ngoài đường phố và cảm thấy bị làm phiền bởi một người ăn xin. Người đó liền móc túi cho vài đồng bạc, mục đích là muốn tống cổ người hành khất đi cho rảnh. Dù sao thì người ăn xin cũng có một chút tiền.

Có những cuộc từ thiện được công bố một cách rầm rộ sau buổi lễ long trọng đông người tham dự. Danh tánh được xưng hô vì số tiền hoặc phẩm vật quá lớn. Cũng tốt thôi, cho dù sau đó, hành trình của số tiền đó sẽ đến nơi như thế nào, có trọn vẹn hay không. Làm từ thiện một cách khiêm nhường  kín đáo thì tốt rồi, nhưng  nếu làm một cách phô trương rầm rộ để mọi người đều biết thì cũng vẫn tốt. Đôi khi nhờ vậy mà vô hình trung lại gián tiếp nhắc nhở mọi người nghĩ đến công tác từ thiện. Ít nhất, việc từ thiện trong bất cứ hình thức nào cũng đều có thể giúp đỡ phần nào những đời sống nghèo  khổ thiếu thốn. Tôi đã từng đến một cơ sở nuôi trẻ mồ côi và khuyết tật để nhìn thấy hàng trăm cuộc đời cần được cứu vớt. Lúc ra về, phần đông người ta chỉ nhớ đến những đứa trẻ nhanh  nhẹn, hoạt bát, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt, có thể trở thành những học sinh ưu tú. Ít người nhớ đến những trẻ em sứt môi, đui một mắt, què một chân nằm một chỗ không di chuyển được. Cũng ít người nhắc nhở đến những người trực tiếp săn sóc nuôi dưỡng đám trẻ tàn tật nghèo  nàn đó. Tôi thường  nghĩ đến Tim, đến người con gái Thụy Sĩ, lúc chỉ mới hai mươi, đã hy sinh cả cuộc đời mình để chung đụng lây lất với những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền. Không thể chỉ diễn tả chỉ bằng  hai chữ kính phục là đủ. Nói thế, chỉ vì Tim là một người ngoại quốc. Thực ra, tôi biết rất nhiều người chung quanh  tôi, cũng có những tấm lòng bao la như thế. Họ cũng hy sinh một phần cuộc đời để lo lắng giúp đỡ những kẻ khốn khổ. Họ là những người bạn của tôi, nhưng chính bản thân tôi tự biết không thể nào hy sinh như họ được.

Kết quả của việc từ thiện có thể không cần phải do thành tâm, nhưng việc từ thiện do khởi tâm thì vẫn giá trị hơn. Có tiền để cho thì dễ, nhưng chịu khó nhọc trong việc đem đến không những là vật chất mà những an ủi về tinh thần, đem đến hạnh phúc và niềm tin cho những mảnh đời khổ đau mới đúng là một công việc từ thiện thưc sự. Không phải ai cũng có thể làm được. 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn