Theo Dấu Chân Phật – Kỳ 5

23 Tháng Giêng 201811:52(Xem: 4683)

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 5
(Chiêm bái thạch động Kāḷasilā - Động Đá Đen của Ngài Moggallāna - Mục Kiền Liên)

Bài: Lâm Nhược Vân | Ảnh: Gió

Kỳ 1

Kỳ 2

Kỳ 3

Kỳ 4

Kỳ 5

Kỳ 6

Kỳ 7

Kỳ 8

Kỳ 9

Kỳ 10

    

blank
Đoàn tụng kinh trong động Mục Kiền Liên

Tìm về thăm thạch động của ngài Moggallāna - Mục Kiền Liên, đoàn dừng lại nghỉ ngơi và độ thực phía sau một ngôi trường nhỏ. Toạ cụ bằng ni lông được trải ra đây đó. Đã gần giữa trưa nhưng sương mù vẫn còn bàng bạc. Chúng tôi cố tránh những gốc cây, tìm cho mình một khoảnh đất trống để ngồi, mong muốn chút nắng đầu ngày sẽ tô vàng cho làn da đang còn tím tái. Vài tốp học sinh hiếu kỳ, rủ nhau ra xem. Từng gương mặt ngây thơ, thân hình gầy gò run run trong những bộ áo quần mỏng manh, bạc thếch. Có mấy em mạnh dạn lân la đến gần các sư bắt chuyện. Vì không hiểu ngôn ngữ nhau nên câu chuyện đôi bên thường kết thúc trong những tiếng cười ngu ngơ, vui vẻ. Tựa như một bếp lửa cháy giữa trời đông, gương mặt ngây thơ và nụ cười hồn nhiên khe khẽ ấy cũng làm ấm lòng cho kẻ ruổi rong trên những con đường đầy sương và gió.

    Sau khi độ thực và nghỉ ngơi, một giờ chiều, đoàn lại chuẩn bị để tiếp tục lên đường. Chúng tôi điểm danh lại từng người thì thấy thiếu mười sáu vị. May mắn thay, sau một lúc đợi, các sư cũng đến kịp. Những bàn chân tuy đã phồng rộp, sưng tấy, bước đi nặng nề nhưng không vì thế mà làm giảm đi nét kiên địnhtín tâm hằn sâu trên những khuôn mặt. Các sư đã tới và cũng đã lỡ mất bữa cơm duy nhất trong ngày!

    Cánh đồng nối tiếp làng quê, làng quê liền kề đồi núi..., và cứ như vậy chúng tôi đi; những đôi chân như chưa bao giờ muốn ngừng lại, thế rồi ngọn núi Isigiri cũng dần hiện ra trước mắt. Xưa kia, Isigiri là một trong năm ngọn núi lớn bao quanh kinh thành của vua Bimbisāra như một bức tường thành tự nhiên vững chãi. Ngài Mục Kiền Liên đã tu tậpchứng đạo tại một hang động phía trên ngọn núi này.



    Đoàn dừng lại nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục bộ hành leo núi. Trúc mọc xen kẽ với đá, khóm to, khóm nhỏ trải dài đến tới chân núi, rất đẹp. Nhìn xa xa lên phía trên, một vài tảng đá nhô ra tạo nên một cái đầu con voi sống động như thật. Mọi người bước nhanh, cố theo cho kịp vị trưởng đoàn. Đường lên núi chỉ toàn đá và đá. Đến gần đỉnh núi, rẽ vào một lối nhỏ khác, chúng tôi đã thấy được thạch động Kāḷasilā của Ngài. Trưởng đoàn ra hiệu cho mọi người tuỳ nghi tìm chỗ ngồi xuống, chờ những vị lên muộn. Lạ lùng thay là thạch động, nơi tu tập của vị Đại Đệ Tử được Đức Phật xưng tán là Đệ Nhất Thần Thông-phải chăng, do năng lực tu tập của Ngài vẫn còn dư sót lại ở chốn này, mà động đá lại ấm áp một cách kỳ diệu. Ngồi chừng mươi phút, sự an bình bao phủ toàn thân, thư xả một cách vô thức đưa chúng tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Giấc ngủ ngon của một hài nhi yên lành trong vòng tay mẹ. Chúng tôi choàng tỉnh bởi tiếng bước chân của những vị đến sau. Cùng nhau quỳ xuống, cả đoàn đảnh lễ và bắt đầu tụng một thời kinh dài. Âm thanh dội vào vách đá nghe vang vọng trầm hùng. Sau thời kinh chúng tôi ngồi thiền, khoảng hai mươi vị có sức khoẻ tốt được phân công xuống núi gánh bức tượng Đức phật bằng sa thạch nặng hai trăm rưỡi ký lên. Tôn trí tượng Đức Phật một nơi cao ráo giữa thạch động, một lần nữa chúng tôi nghiêm trang cúi đầu đảnh lễ.

   Từ giã thạch động Kāḷasilā, chúng tôi lại tiếp tục bộ hành qua những ngày sương trắng.

Lâm Nhược Vân
Ảnh: Gió


hang-dong-mklblanktu-gia-bo-de-dao-trangtai-hang-dong-tu-tap-cua-ngai-muckienliensu19su18su-4su-3blankimg-4593img-4586duoi-chan-nui-hang-dong-tu-tap-cua-ngai-muckienlien3doc-duong9doc-duong-57doc-duong-46doc-duong-37doc-duong-33cua-hang-dong-noi-ngai-muc-kien-lien-tu-tap-nhin-xuong

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Tám 2014(Xem: 6556)
Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng. Có phải ở đây mà thuở trước là, Cửa che giáo ngọc sum ngàn mẫu. Đá trải lược châu lửng nửa vời. Theo từng dốc đá rêu phong, tôi lần bước leo lên, leo lên mãi...
01 Tháng Sáu 2014(Xem: 6466)
Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Người dân nơi đây là những tín đồ trung thành của Phật giáo, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.
20 Tháng Năm 2014(Xem: 9859)
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8052)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.
29 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 18653)
01 Tháng Chín 2013(Xem: 132430)
Ngồi dưới gốc cây Bồ đề mà trước kia là cây Vô ưu, tôi tin mãnh liệt rằng Ngài đã được hạ sinh tại nơi đây như một con người bình thường, không có gì là thần bí như huyền thoại trong một số kinh sách từng mô tả. Điều này cũng có thể hiểu rằng việc sinh ra bình thường nhằm bác bỏ quan điểm truyền thống sai lầm đã ăn sâu trong tín ngưỡng người Ấn Độ bấy giờ là mọi chúng sinh đều do Phạm thiên, thần chủ của Bà La Môn sinh ra.
21 Tháng Bảy 2013(Xem: 13765)
21 Tháng Bảy 2013(Xem: 13061)
21 Tháng Bảy 2013(Xem: 12626)