Khôi Phục Một Dòng Thiền Trên Mảnh Đất Địa Linh Nhân Kiệt - Phương Hoa

04 Tháng Hai 201200:00(Xem: 19231)

Khôi phục một dòng thiền
trên mảnh đất địa linh nhân kiệt
Phương Hoa

blankThiền giáo song hành - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng là nơi chuyên tu Thiền, nhưng vẫn giảng Kinh, Luận, Sử, Ngữ lục (lời chư tổ) để cho những người sa cơ biết đường lối tu hành của Thiền phái Trúc Lâm, qua đó gián tiếp góp phần đẩy lùi mê tín dị đoan; Tam giáo đồng nguyên - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ đoàn kết với các tôn giáo bạn, và với các tông phái của đạo Phật trong tinh thần hòa hợp dân tộc để đoàn kết chấn hưng đạo đức, góp phần xây dựng an ninh trật tự cho địa phương...

Yên Dũng còn là một vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống: Tự hào là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng gắn với dãy Nham Biền kỳ vĩ; Có chốn tổ Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII. Chùa cách đỉnh Đền Vua 15km đường bộ về phía Đông Bắc. Đã từ lâu, Vĩnh Nghiêm đã trở thành một “đại danh lam cổ tự” nổi tiếng khắp cả nước. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn thời Trần-là nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông-Pháp Loa-Huyền Quang) từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Ngôi chùa này còn là nơi đào tạo các Tăng, Ni có lịch sử lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam-được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta và được truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Là một trong 20 xã, thị trấn của huyện Yên Dũng, tên gọi “Nham Sơn” không chỉ đại diện một đơn vị hành chính mà còn biểu hiện cho cả sơn hệ nằm trên địa phận Yên Dũng-dãy Nham Biền gồm hai dãy, một là dãy Núi Bài với ngọn cao nhất ở khu Vân Cốc với cái tên là núi Ông Già hay núi Ngự; dãy còn lại mang tên là dãy núi Neo, đỉnh cao nhất là ngọn Non Vua hay còn gọi là Đền Vua cao gần 280m). Giữa hai dãy núi này là trục đường bộ chạy từ Đồng Việt-ngã ba sông Cầu, sông Thương nối thẳng với đường Quốc lộ 1A tạo thành huyết mạch giao thông quan trọng của đất Yên Dũng xưa và nay.

Theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân Phật tử của huyện Yên Dũng nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung mong muốn có được một Thiền viện để hướng dẫn nhân dân Phật tử tu thiền theo Thiền phái Trúc Lâm với mục đích tu sửa thân tâm, bởi tâm có an tịnh thì cuộc sống mới an vui hạnh phúc, bớt đi tham-sân-si và mê tín dị đoan…Việc xây dựng thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng không chỉ thỏa lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân Phật tử trong tỉnh Bắc Giang mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, góp phần làm sống dậy một dòng Thiền do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngộ đạo, ngài đã dung hợp 3 dòng Thiền từ Trung Quốc truyền sang (dòng Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi vào Việt Nam ở thế kỷ thứ VI; dòng Vô Ngôn Thông ở thế kỷ thứ IX và dòng Thảo Đường ở thế kỷ thứ XI) tạo thành dòng Thiền Trúc Lâm-dòng thiền có sức sống mãnh liệt suốt hơn 700 năm qua, chỉ đến thời kỳ Pháp thuộc do chính sách kỳ thị tôn giáo mà chìm ẩn nhưng chưa một ngày bị lãng quên.

Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng với chức năng là một Thiền viện tu theo Thiền phái Trúc Lâm, nên chủ trương theo tinh thần Phật giáo đời Trần, đó là:

Thiền giáo song hành - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng là nơi chuyên tu Thiền, nhưng vẫn giảng Kinh, Luận, Sử, Ngữ lục (lời chư tổ) để cho những người sa cơ biết đường lối tu hành của Thiền phái Trúc Lâm, qua đó gián tiếp góp phần đẩy lùi mê tín dị đoan; Tam giáo đồng nguyên - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ đoàn kết với các tôn giáo bạn, và với các tông phái của đạo Phật trong tinh thần hòa hợp dân tộc để đoàn kết chấn hưng đạo đức, góp phần xây dựng an ninh trật tự cho địa phương; “Tức tâm tức Phật - tin tâm mình là Phật. Phật vốn là tính giác ở mỗi người. Ai biết phản chiếu lại mình thì thấy Phật, gọi là kiến tánh. Việc phản chiếu này không dành riêng cho giới nào, xuất gia hay cư sĩ… Ai khéo tu, khéo phản chiếu đều được kết quả như nhau. Do đó, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng lấy sự chuyển hóa thân tâm làm gốc của sự tu hành. Khi tâm an thì trí sáng, đưa đến giác ngộ giải thoát, không phải do cầu một đấng quyền năng mà được, hay do cúng lễ kính bái mà thành. Tinh thần nhập thế - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ góp phần xây dựng đạo đức cho nhân dân tại địa phương, giúp mọi người hiểu đạo Phật là đạo tu theo lý nhân quả. Phật đã dạy: “Ta không ban phước giáng họa cho ai, chính các người lãnh lấy cái quả do mình gieo nhân. Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chính pháp”. Tu là chuyển hóa thân tâm của mình, bỏ đi hành động, lời nói, ý nghĩ xấu ác, hại người lợi mình, từ đó góp phần tích cực xây dựng cho con người, gia đình và xã hội. Tinh thần dân tộc - Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ngoài việc giảng giải những kinh Phật, Ngữ lục (lời của chư tổ), còn giảng những tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm còn sót lại như: Khóa Hư Lục, Tam Tổ Trúc Lâm, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Kiến Tánh Thành Phật… để cho mọi người thấy được giá trị của đạo Phật và tư tưởng, đường lối tu hành của ông cha ta đưa đến giác ngộ giải thoát, từ đó phát sinh lòng yêu nước, ra sức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tinh thần độc lập, tự cường - các nghi thức tụng niệm tại Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đều được Việt hóa, nhằm khuyến khích mọi người trở về nguồn, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong mọi nghi lễ, để hiểu nghĩa lý của kinh, rồi thực hành lời Phật, lời chư tổ chỉ dạy, chứ không phải tụng kinh chữ Hán sẽ linh hơn chữ Việt, hoặc có phước lớn hơn… Đó là tinh thần bản sắc văn hóa Phật giáo của thời Trần mà con cháu phải giữ gìn và phát huy; Hướng đến cuộc sống an lạc giải thoát - Ngày nay khoa học đã minh chứng, thiền không chỉ là con đường tịnh hóa thân tâm đưa đến giác ngộ giải thoát của tôn giáo, mà Thiền còn là một phương pháp tối ưu để phát triển trí tuệ, phát huy sáng kiến, một lối sống hướng thiện. Ngoài ra, thiền còn là một phương pháp dưỡng sinh đem lại sự cân bằng cho bộ não, chống lại bệnh stress của thời đại, chống lại bệnh lão hóa, suy nhược thần kinh (mất ngủ, dễ quên…), vì Thiền chính là một phương pháp, một cách sống tỉnh giác, đưa đến đời sống nội tâm an tịnh, trí tuệ sáng suốt, đem đến sự an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện đời.

Qua khảo sát sơ bộ về vị thế và địa danh dãy núi Nham Biền nói chung, ngọn núi Phượng Hoàng nói riêng cho thấy đây là một địa thế có phong thủy đẹp nằm trong sơn hệ Nham Biền, đỉnh cao nhất của dãy Nham Biền là đỉnh Non Vua cao gần 300m so với mực nước biển-đây là nơi linh khí rất mạnh, thường sẽ rất khó có thể nhìn thấy đình Non Vua, chỉ những ngày nắng đẹp mới có thể nhìn thấy, bên sườn Non Vua có vô số những khe nước nhỏ róc rách chảy xuống ven chùa Nguyệt Nham rồi chảy ra sông Thương. Đặc biệt, Non Vua nằm trong khu vực dày đặc những di tích lịch sử của hai triều đại Lý-Trần như chùa Hang Chàm, chùa Liễu Đê, chùa Nguyệt Nham, chùa Kem…Với mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Phật tử huyện Yên Dũng nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung; đồng thời để phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh, ngày 21-10-2011 UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 1497/QĐ-UBND điều chỉnh Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bổ sung thêm dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020 với tổng số vốn dự kiến là 102 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cấp từ ngân sách là 35 tỷ đồng, số còn lại là vốn của các nhà đầu tư và nguồn vốn xã hội hóa.

Danh từ “Phượng Hoàng” trong Dự án “Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng” được bắt nguồn từ một truyền tích. Truyện kể rằng: Ngày xưa đã lâu lắm rồi, trời đất tạo thiên lập địa ở vùng đất này nổi lên 99 ngọn núi làm thành một dãy. Người đời gọi núi ấy là dãy núi Neo. Trên dãy núi ấy, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào để muôn loài tụ hội. Vì thế, có một vị vua muốn chọn đất lập kinh đô mở mang cơ nghiệp đã về núi này xem ngắm địa thế. Ngài thấy nơi đây vượng khí rất thịnh nên cũng ưng ý lắm. Lúc đó, có 100 con chim phượng hoàng từ xa bay về, mỗi con đậu trên một ngọn cây, còn một con không tìm được nơi đỗ nên đã bay đi. Thế là cả đàn theo nhau bay đi. Vị vua ấy thấy thế thở dài. Tuy biết là đất đẹp nhưng không phải là đất đế đô nên cũng đành quay đi tìm nơi đất khác định đô. Chỗ vị vua ấy ngự ngày nay vẫn còn địa danh để lại, dân gọi là núi Đền Vua.

Núi Phượng Hoàng hình thế kỳ tú lạ thường, thế núi quanh co, uyển chuyển bao bọc, ôm ấp lấy nhau. Mạch núi từ trên cao chạy xuống quanh co từ đỉnh Đền Vua xuống tới khu vực Ao Giàu tạo thành tay Hổ. Bên trái có một mạch núi dài hơn bao kín phía Nam làm thành tay Long ôm ấp chính mạch theo thế Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Trên thì thông với đỉnh Đền Vua, dưới thì thông với đất Ao Giàu dừng kết theo cách “Thắt cuống cà phình ra huyệt kết”. Cứ mạch núi lên tới đỉnh Vua Bà nhìn ra xung quanh là cả một vùng rộng lớn của trấn Kinh Bắc xưa thu vào tầm mắt. Phía Đông là vùng sông nước Lục Đầu với các danh thắng Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Phả Lại. Phía Tây là những miền đồi núi trập trùng của đất Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa với căn cứ địa nổi tiếng xưa nay. Phía Nam là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng-trái tim của cả nước với những Luy Lâu, Thăng Long, Cổ Loa tráng lệ. Phía Bắc là phòng tuyến Cai Kinh, Bảo Đài che chở cho cả một vùng Trung du. Tất cả đều chảy về Đông, hội tụ về Lục Đầu Giang và đổ ra biển Đông. Người dân quanh vùng núi Vua Bà thường ngắm xem đỉnh Đền Vua để dự tính thời tiết. Khi nào đỉnh ấy sáng sủa, đường nét rõ ràng thì ắt là trời trong sáng, nắng ráo. Khi nào đỉnh núi mờ nhạt hoặc có mây che thì đi xa liệu phòng mưa gió, thật xứng đáng là một trong bốn thế đất địa linh: Long-Ly-Quy-Phượng. Đứng trên đỉnh Đền Vua mới thấy toàn bộ hình thế Đền Vua như một con phượng hoàng lớn đang giang hai cánh bay lượn quay về ba ngọn núi phía trước.

Phật đã dạy “Phật tại tâm”, chư vị Tổ sư đã nói “Tức tâm tức Phật”, tổ tiên chúng ta cũng “Tin tâm mình là Phật”, thế mà ngày nay con cháu các ngài chạy đi tìm cầu lễ lạy Phật ở bên ngoài, không soi rọi lại tâm mình, quên lời Phật dạy “Ngoại tâm cầu Phật danh vi ngoại đạo”. Tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm đến nay vẫn khế hợp với thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, vẫn xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho Phật tử Việt Nam hướng về tìm cầu giác ngộ giải thoát. Qua đó đẩy lùi mê tín dị đoan đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng là nơi nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ các thư tịch, ấn phẩm văn hóa của địa phương và Thiền phái Trúc Lâm. Hướng dẫn cho những ai có duyên muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Phật giáo đời Trần, thực hành đường lối tu theo Thiền phái Trúc Lâm, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc, nâng cao giá trị của Phật giáo Việt Nam. Giới thiệu bản sắc của Phật giáo Việt Nam với các nước bạn, và những ai muốn nghiên cứu học hỏi.

Việc xuất hiện Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân. Đặc biệt, thiền viện cũng “nối liền” du khách bốn phương với một hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như Đền Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm và non thiêng Yên Tử….

Lễ đặt đá xây dựng thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trên đỉnh Non Vua đã diễn ra vào ngày 2-11- Tân Mão (tức ngày 26-11-2011). Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, trên đỉnh dãy Nham Biền sẽ sừng sững một ngôi thiền viện bề thế, uy nghi, góp phần hoàn chỉnh hệ thống du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang, kết nối với hệ thống di tích Tây Yên Tử, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Yên Dũng nói riêng, của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc nói chung.

"Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Ba 2016(Xem: 4465)
Được xem như là một thiên đường thiền định chốn trời Nam, mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm (Tp. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng) đón tiếp hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh cũng như thiền tập.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7847)
Đầu năm Ất Dậu, nhân dịp mang tro cốt của ông thân tôi về Việt nam tìm nơi ký tự, tôi được thiện duyên đến Chùa Tôn Thạnh đảnh lễ Sư Ông trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng, rồi được trao tặng một tập sách nhỏ, tựa: Chùa Tôn Thạnh, do nữ sĩ Trần Hồng Liên biên soạn, sở Văn hóa-Thông tin Long an ấn hành năm 2002.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5669)
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5733)
21 Tháng Tư 2015(Xem: 5517)
Chưa bao giờ như ngày nay , chùa chiền thắng tích và các cơ sở Phật giáo Việt Nam phát triển rộng khắp trên mọi miền đất nước , từ thành thị đến nông thốn , từ miền núi đến hải đảo ; phần lớn được phục hồi , trùng tu từ những ngôi chùa xưa đã điêu tàn trong chiến tranh , phần khác được xây dựng mới trên địa điếm cũ hoặc tọa lạc trên vùng đất mới .
17 Tháng Tư 2015(Xem: 7497)
Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đâu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có bóng mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất.