10 Gánh Đất Lên Đảo

24 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 7555)


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Gánh đất lên Đảo

Một tuần, nhà sư chở nước lên đảo một lần và chở đất lên đảo một lần. Chở nước thì vận chuyển từ đất liền ra đến chân đảo dễ dàng thuận tiện song việc gánh nước lên đến đỉnh đồi lại khó khăn. Còn chở đất thì nghịch lại.

Muốn có đất thì thuyền phải ngược lên tận các bãi đất hoang gần chiếc cầu sắt Ngọc Hội chạy qua sông Cái. Tại đây có những bãi đất hoang mọc đầy gai mắc cỡ và cỏ mần trầu. Đất ở đây là đất sét pha lẫn đất cát dọc hai bờ sông. Vì vậy nên đất rất xốp.

Từ chiều hôm trước, nhà sư đã nhờ anh Sáu cho mượn chiếc ghe và chuẩn bị 50 chiếc bao cát cùng với cuốc và xuổng. Khi trời vừa hừng đông ghe đã vượt qua khỏi cửa sông Cái, qua cầu xóm Bóng, rồi ngược giòng sông. Nơi cửa sông, gió biển hiu hiu thổi. Thuyền đánh cá từ biển xa trở về. Âm thanh của máy thuyền vang vọng trên sóng nước. Tiếng máy có âm thanh trầm nặng là tiếng máy của chiếc thuyền có cá nặng đầy khoang. Tiếng máy có âm thanh nhẹ và bổng là tiếng máy của thuyền đánh cá ít gặp may mắn, cá nhẹ lòng khoang. Bầu trời bình minh căng lòng tươi mát đón đoàn ghe thân yêu trở về. Bến cá Cù Lao vui nhộn vì vợ con các ngư dân ra đón cha, chồng và những người “rổi cá” chen nhau trong chờ đợi.

Để lại sau lưng tiếng reo hò vui vẻ, chiếc ghe của nhà sư vẫn im lìm tiến thẳng về eo đất nằm giữa dòng sông. Đây là một cồn đất nhỏ hoang vắng. Lau sậy và cỏ lát mọc đầy. Đất phù sa của dòng sông Cái tích tụ nhiều năm. Lấy đất ở đây không ai ngăn trở. Neo thuyền cặp sát bờ, nhà sư đi sâu vào bên trong tìm vùng đất tốt. Nơi nào có cây to và cỏ nhiều, nơi ấy có đất tốt cho trồng trọt. Đất được cho vào bao cát, cột chặt miệng. Bao cát này làm bằng một loại vải lâu mục của nhà binh thường dùng để làm hầm trú ẩn hoặc hầm chiến đấu. Khi di chuyển đi nơi khác, các hầm này được bỏ hoang, dân chúng thường đến đào bới đổ cát đi và đem về bán để dùng vào nhiều công việc

Đến gần trưa thì ghe đã được chất đầy bao cát đựng đất và ghe được xuôi về Hòn Đỏ. Ghé nhà anh Sáu, bữa cơm trưa đã chờ sẵn. Tuy đạm bạc song nhờ lao động nên bữa cơm với rau dền chấm xì dầu vẫn được xem là bữa cơm đầy đủ. Ăn xong thì nước triều vừa lên, ghe nhờ thêm một tay chèo là anh Sáu nên ghe cặp bến Hòn Đỏ rất nhanh. Các bao đất được chuyền lên bến mau lẹ và anh Sáu lo trở về nhà chuẩn bị cho chuyến đi thả lưới ban chiều. Còn lại một mình, sư Viên Mãn, mỗi vai vác một bao đất, bắt đầu leo dốc.

Vác đất không nhọc công bằng gánh nước vì gánh nước thì hai đầu gánh thường bị vướng các mỏm đá trên đường lên dốc và nhất là phải chú tâm sợ nước vương vãi ra đất. Vác đất tuy nặng hơn song lại gọn gàng khi di chuyển, khi bước chân lên gộp đá và nhất là khi di chuyển qua các khe đá chật hẹp. Hai bao đất cũng che được hai vai và một phần lưng dưới ánh nắng gay gắt xế trưa. Trong không khí hừng hực, bóng nhà sư lặng lẽ di chuyển, âm thầm, kiên nhẫn, Cảnh mênh mông vắng vẻ của hoang đảo không hề làm chùn bước của con người đã có quyết tâm thực hiện cho được ước nguyện của mình.

Lên đến đỉnh đồi, nhà sư đặt hai bao đất xuống đúng vào vị trí đã dự định rồi lẳng lặng xuống đồi. Gió từ biển khơi đã lồng lộng thổi về. Trên bầu trời trong xanh, lênh đênh đôi dải mây trắng mỏng. Cơn nắng như hun vẫn đổ xuống hòn đảo nhỏ nhoi này. Bên dưới là biển nước mênh mông, trên này là không gian đầy nắng lửa. Trên đỉnh đồi thì có gió thoảng song ở nơi các khe đá, đường mòn ẩn khuất trong đá, không khí vẫn hừng hực khí nóng, lưng của đá vẫn tỏa khí nóng. Khi vác đất qua những vùng này, chân tự nhiên bước mau, lòng mong cho chóng đến vùng có gió biển thổi qua. Nơi đây chân tự nhiên dừng lại, gió như một nguồn nước mát xối xuống toàn thân. Mọi sự mệt nhọc như tan biến, hai bao cát không còn đè nặng trên hai vai. Bóng người trải dài trên vách đá, nhà sư trong thế đứng nghỉ hơi, mắt hướng về bể khơi, lồng ngực hít đầy gió biển. Rồi lại tiếp tục cất bước lên đồi.

Chuyến cuối cùng vừa xong thì mặt trời đã khuất dưới chân trời. Phương Tây rực rỡ ánh vàng. Biển ào ào con sóng. Hơi mát đã tràn về. Nhà sư lại tiếp tục đem các bao đất đổ vào các khe đá, lấp mặt các tảng đá tạo thành một khoảnh đất bằng phẳng vuông vức. Xong việc thì trời đã tối hẳn. Nhìn qua một lượt những công thành của một ngày lao động, nhà sư xuống bến tắm gội những vết đất đã gắn chặt trên lưng, trên tay chân. Dầm mình trong một vũng nhỏ kín gió nhà sư cảm thấy sóng biển ấm áp đã âu yếm vỗ nhẹ lưng mình. Cơn mệt mõi như tan vào lòng biển. Nhà sư lặng lẽ trở về túp lều nhỏ trên đồi. Trong bầu trời chạng vạng tối, giữa không gian xa vắng của đảo khơi, tiếng tụng kinh tối vang lên rõ mồn một. Tiếng mõ nhịp nhàng đều đặn. Thỉnh thoảng một tiếng chuông buông rơi nhẹ nhàng nhưng trầm lắng. Mùi hương lan xa, tỏa lững lờ trong bóng tối buông dày. Đêm đã phủ đầy trên hải đảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 9008)
Nằm cách cố đô Huế chừng 14 cây số, về huớng Tây, với địa danh là thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một ngôi chùa, một rừng thiền được gọi là Huyền Không Sơn Thượng (hoặc Huyền Không 2).
23 Tháng Tư 2014(Xem: 12940)
03 Tháng Tư 2014(Xem: 13554)
19 Tháng Giêng 2014(Xem: 9603)
09 Tháng Bảy 2013(Xem: 9389)
31 Tháng Ba 2013(Xem: 9755)