12 Trồng Tỉa Trên Đảo

24 Tháng Mười Hai 201100:00(Xem: 7238)


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Trồng trỉa trên Đảo

Sau nhiều ngày dọn dẹp phát quang và làm nền, che chùa, khu đồi trên đỉnh Hòn Đỏ tạm thời đã được dọn sạch. Gai góc được chặt nhỏ phơi khô rồi đốt cháy bỏ vào các hố đào sẵn để chuẩn bị cho việc trồng cây lưu niên. Đất đưa từ đất liền lên đảo được chia thành khu vực để chuẩn bị trồng rau.

Tháng tám thời tiết thường hay thay đổi đột ngột. Trời đang nắng chang chang bỗng nhiên phương Tây mây kéo về đen đặc cả một bầu trời. Và mưa bắt đầu tuôn xuống. Nước mưa ào ạt chảy theo các triền dốc cuốn theo những hạt đất, hạt sỏi cùng các cọng cỏ khô. Mặt đất như bị bào mòn dần dần để trơ lại những tảng đá lớn cùng với những tảng đá nhỏ lô nhô chung quanh. Đã mấy trăm năm nay chỉ có sự bào mòn mà chưa có một sự bù đắp nào để làm cho đất trên đảo được thêm phì nhiêu màu mỡ. Cây to trên đảo không có, chỉ có các bụi gai góc mà sự rụng lá không thể bù vào sự mất mát xói mòn của các cơn mưa lũ. Bởi vậy cho nên cần đến sự hướng dẫn dòng chảy chậm để giảm bớt sự chảy ào ạt cuốn đi tất cả đất đai trên mặt đảo. Cho nên đá nhỏ được xây thành tường thấp chung quanh và các khe ngoằn ngoèo làm chảy chậm bớt dòng nước mưa trên đảo. Sau cơn mưa dông trời lại ửng nắng. Thời gian này rất thuận tiện cho việc trồng tỉa.

Những hạt giống được xin từ quê hương Phú Yên như: sắn nước, hạt é, và những hạt rau cải, tần ô….Những luống đất không thẳng hàng vì địa hình của mặt đất, được trộn xới nhiều lần với những bọc phân ủ, đang thấm đẫm nước mưa và ấm dần trong nắng. Các hốc trồng sắn nước, nằm rải rác khắp nơi theo các thế đất và đá. Đất đưa từ đất liền lên được dùng để trồng rau, trồng khoai lang, khoai mì, đu đủ, cà, ớt v.v..

Sau cơn mưa rào và một ngày nắng ấm, các hạt giống đã được gieo trồng. Các hạt sắn nước có sắc vàng nhạt được trộn với một ít tro để chống kiến được gieo vào các hốc đất cạnh các tảng đá. Những hạt cải ly ti màu nâu sẫm cũng được trộn với tro và rải đều trên các luồng đất mịn bằng phẳng. Hom mì cũng được chặt ra thành từng đoạn ngắn và được vùi trong các hốc đất ít đá. Rút kinh nghiệm ở những vùng tự do khi kháng chiến chống Pháp, sư đã dồn các lá cây, cỏ dại vào các hốc đá to có trộn thêm đất ruộng để trồng các củ khoai sọ, khoai mỡ, khoai tím v.v… Riêng về việc trồng khoai lang thì sư chia ra hai cách trồng: 

Loại ăn lá thì được trồng trên những luống đắp thành vồng có rãnh chung quanh để tụ nước. Loại lang ăn lá có những phiến lá tròn dùng đế luộc ăn thay cơm hoặc dùng làm món ăn hằng ngày.

Loại ăn củ thì lá có khía răng cưa, lá ít phát triển nhìn lúc ban đầu trông không đẹp mắt bằng lang ăn lá song lại cho củ rất nhiều. Các vồng lang củ thường được vun to, giữa các thân vồng luôn luôn có độn thân lá của các giống cây mọc hoang trên đảo để làm phân cho củ và để làm cho đất xốp. Vồng lang đầu tiên trên Hòn Đỏ chỉ vỏn vẹn có một vồng dài khoảng 10 mét. Khoai lang chỉ trồng thích hợp ở các vùng đất xốp. Nhiều nơi chỉ trồng lang trên đất cát mà củ lại rất nhiều và tinh bột cũng rất nhiều. Đặc biệt là khoai trồng trên đất thịt thì củ lớn song thường bị sùng và nhiều lúc lại bị sượng vị ngập nước. Riêng khoai trồng đất cát thì tuy có củ nhỏ song ăn rất bùi và thu hoạch rất thuận tiện. Có nhiều vùng đất cát song nhờ kinh nghiệm lót phân xanh (cành lá cây xanh) trong thân vồng nên củ khoai lớn mà bao giờ cũng tràn đầy tinh bột tuy khi nhìn trên mặt vồng ta chỉ thấy thưa thớt các lá khoai .

Vốn biết rằng đất nơi đảo không thích hợp với việc trồng khoai ăn củ song khi nhớ đến những chiếc giỏ bằng tre trồng khoai lang trong thời gian chống Pháp ở những vùng thiếu đất, nhà sư đã áp dụng cách trồng này trong các giỏ có lỗ thưa chung quanh, rộng 1 mét, cao nửa mét, dưới đáy có lót lá dày và đổ đất dày khoảng một gang tay, trên mặt xếp các dây khoai lang dài có hai đầu để thò ra ngoài giỏ. Trên các cọng dây khoai phủ một lớp lá xanh dày và đè lên trên là một lớp đất, rồi tiếp tục rải dây khoai. Cứ thế mà trồng độ 4, 5 tầng. Giỏ khoai được đặt trên một tảng đá, hằng ngày tưới nước như tưới một vồng khoai. Tuy nhiên mỗi khi lang đã mọc nhiều thì việc tưới nước có nhiều khi khỏi cần đến vì khi gặp trời mưa thì giỏ lang không khi nào bị úng nước và khi trời nắng thì trong lòng giỏ vẫn còn chứa nhiều độ ẩm. Khi lá khoai mọc đầy bò dài xuống đất, giỏ khoai trông giống như một ụ khoai lang trồng trên tảng đá, đôi khi trông giống như một khóm lang mọc tự đá, bò lên đá. Cách trồng lang này rất thích hợp nơi thiếu đất, thiếu nước.

Đến mùa thu hoạch, sau khi cắt các ngọn lang bao quanh giỏ, sư chỉ cần dùng lưỡi liềm cắt đứt các thanh tre đã ẩm mục rồi dùng cuốc nhỏ đào xới đất trong giỏ ra. Khi xới tầng đất trên cùng, các củ khoai lang hiện ra nằm chen chúc cạnh nhau như một bầy heo con màu đỏ hồng, màu trắng vàng trông thật dễ thương. Kết quả thu hoạch tùy theo cách trồng và cách bón phân lá. Nếu các dây khoai đặt quá sát nhau thì củ nhiều song lại có thân nhỏ. Nếu đặt thưa dây lang thì củ lớn song lại ít củ. Lại còn việc đất và phân lá tốt hay xấu, thích hợp với khoai hay không thích hợp. Phần nhiều đều do kinh nghiệm của người trồng mà ra. Đôi lúc không cần đào xới mà khi các nang tre đan được cắt, đất trong giỏ vì phần nhiều là đất cát trộn với lá, cành cây nên tự động bung ra và củ lang rơi nằm đầy trên mặt đá.

Trên Hòn Đỏ chỉ có thiếu đất chớ không thiếu nơi trồng. Mỗi tuần chỉ một chuyến vận chuyển đất lên đảo cũng đủ để trồng một vồng khoai.

Song song với việc trồng lang, việc trồng sắn nước cũng dễ dàng thành công hơn các loại giống khoai khác như khoai sọ, khoai tím, khoai mỡ. Củ sắn nước dễ trồng song không có lợi về kinh tế vì giá trị không cao, không thể thay thế cho thực phẩm như khoai, mì. Tuy nhiên đó là một thức ăn tạm thời vừa no, vừa đỡ khát nước. Củ sắn nước đã giúp cho nhà sư trong khi nắng hạn, khi các lu nước đã vơi đi mà chưa kịp vào bờ để lấy nước thì các củ sắn nước này đã làm dịu cơn khát, vơi cơn đói, trong khi chờ thuyền của anh Sáu chở thêm nước từ đất liền ra đảo mỗi khi nhà sư vì nhiều công việc cần làm nên không thể về đất liền mang gạo và chở nước ra đảo. Những lúc này nhà sư chỉ còn nhờ vào sự tiếp tế của anh Sáu Sài Gòn. Không có anh Sáu không có ghe thuyền ra đảo, không có phương tiện chở nước, chở đất. Nhiều lúc chờ không được vì một lẽ gì đó anh Sáu không ra đảo thì nhà sư lại phải đợi nước thủy triều xuống, lội vào bờ.

Một hôm khi lội vào bờ nhà sư mới hay anh Sáu Sài Gòn không ra được đảo vị bận đưa chị Sáu đi nhà thương sinh sản.

Việc lấy nước, gánh nước một mình trên đảo vắng vẫn âm thầm trong quạnh vắng, trong hiu quạnh giữa trời đất bao la nắng gió trùng trùng. Nhưng hạnh phúc đang lớn dần vị công việc càng ngày càng tiến triển. Kết quả đã trông thấy từng ngày. Vồng lang đã xanh lá, khoai mì đã xòe cánh nõn. Trên luống cải đã đậm màu xanh tươi sống. Mầm sống đã hiện diện. Niềm vui và hi vọng đã theo gió sớm tràn về..,

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Ba 2016(Xem: 4465)
Được xem như là một thiên đường thiền định chốn trời Nam, mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm (Tp. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng) đón tiếp hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh cũng như thiền tập.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7847)
Đầu năm Ất Dậu, nhân dịp mang tro cốt của ông thân tôi về Việt nam tìm nơi ký tự, tôi được thiện duyên đến Chùa Tôn Thạnh đảnh lễ Sư Ông trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng, rồi được trao tặng một tập sách nhỏ, tựa: Chùa Tôn Thạnh, do nữ sĩ Trần Hồng Liên biên soạn, sở Văn hóa-Thông tin Long an ấn hành năm 2002.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5669)
01 Tháng Chín 2015(Xem: 5733)
21 Tháng Tư 2015(Xem: 5517)
Chưa bao giờ như ngày nay , chùa chiền thắng tích và các cơ sở Phật giáo Việt Nam phát triển rộng khắp trên mọi miền đất nước , từ thành thị đến nông thốn , từ miền núi đến hải đảo ; phần lớn được phục hồi , trùng tu từ những ngôi chùa xưa đã điêu tàn trong chiến tranh , phần khác được xây dựng mới trên địa điếm cũ hoặc tọa lạc trên vùng đất mới .
17 Tháng Tư 2015(Xem: 7497)
Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đâu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có bóng mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất.