● Mùa Xuân Hoa & Người Nguyên Quân

14 Tháng Hai 201200:00(Xem: 8234)

NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 191
Tháng 2 năm 2012
Nghệ Thuật Giao Tiếp Trong Kinh Điển Phật Giáo

Mùa Xuân hoa & người 
NGUYÊN QUÂN

Tương truyền: Sau khi soán được nhà Đường, Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Châu. Bấy giờ đang độ tiết Đông tàn, mùa Xuân sắp đến. Trương Tôn Xương là cận thần được Võ Tắc Thiên sủng ái nhất. Vì muốn lấy lòng vị hoàng đế xinh đẹp nên Xương tâu: “Oai đức của bệ hạ đã bủa khắp thế gian. Trên được Thánh Thần phù trợ, dưới được muôn đân kính phục. Nhân ngày mai là Nguyên đán, bệ hạ hãy giáng chỉ cho trăm hoa trong vườn thượng uyển phải rộ nở để chúc mừng”. Võ Tắc Thiên nghe tâu rất thích ý, liền sai lấy một tấm lụa quý, tự tay viết:

Minh triêu du thượng uyển
Hỏa tốc báo sơn chi
Hoa tu liên dạ phát
Mạc đãi hiến phong si.

(Tạm dịch: Sáng mai ta ngự ở vườn thượng uyển, cấp báo cho mọi loài hoa, phải nhất luật nở rộ. Không được trái lệnh).

Quả nhiên sáng hôm sau, Võ Tắc Thiên ngự du thượng uyển, thấy trăm hoa đều đua nở. Chỉ duy một mình hoa mẫu đơn là khép cánh im lìm. Vị nữ hoàng đế nổi giận, cho mẫu đơn là cao ngạo, liền bắt tội khi quân, đem đày qua đất Giang Nam. Từ đó chốn Tràng An không còn giống mẫu đơn.

Có phải loài hoa tuân theo chiếu chỉ của Võ Tắc Thiên hay không? Nhưng đúng là vào mùa Xuân, rất nhiều loài hoa nở. Hoa như muốn chọn mùa Xuân làm giang sơn riêng để thỏa sức đua hương khoe sắc.

Từ ngàn xưa, con người đã cảm nhận được sự cần thiết của hoa, lá cỏ cây trong cuộc sống. Một ngọn lá rơi, một cành hoa hé mở đều được người xưa tận tình quan chiêm, về lẽ nhân sinh, về lẽ biến dịch của trời đất. Vô hình trung hoa trở thành người bạn tri kỷ của người. Vì chọn hoa làm đồng hành trên con đường nhân sinh dài vời vợi, nên người cũng vô tình đem hoa giam vào cái xã hội người đầy tính thị phi phân biệt.

Đặt định đẳng cấp cho hoa, người xưa cũng lắm đa đoan, tùy nghi theo sở thích, theo quan niệm riêng tư trong cung cách xử thế. Nhưng tựu trung vẫn phải dựa vào truyền thống đạo đức của dân tộc và đặc tính của mỗi loài hoa. Có lẽ chỉ nên đề cập đến triết đạo, quan niệm của người Trung Hoa cho gần gũi với chúng ta. Dựa trên nền tảng nhân sinh của Khổng, Lão giáo, người Trung Hoa xưa đã ví các loài hoa:

Lan: Vi Vương giả chi hương.
Cúc: Đồng ẩn dật chi sĩ; Quốc sắc thiên hương.
Mẫu đơn: Chi phú quý; Băng cơ ngọc cốt.
Mai: Ngạc chi thanh kỳ.
Lại có người cho rằng:

Thanh cao, tinh khiết như lan, huệ; vô úy cường quyền như mẫu đơn thì mới được phong Vương giả chi hoa.

Lộng lẫy như hường, thanh kỳ như mai, kín đáo như cúc là hạng Phú quý chi hoa.

Gần bùn nhưng chẳng vướng chút mùi bùn như sen mới xứng gọi: Quân tử chi hoa

Bình dân chi hoa, là loài hoa tràn đầy đồng nội như vạn thọ, mồng gà...

Từ sự gần gũi, tri kỷ ấy, con người đã nắm bắt được thời gian nở, tàn của hoa, nắm bắt cả mối tương quan giữa hoa với sự biến dịch của thời tiết. Người xưa phân định rất rõ ràng cái “Hiện tượng thời gian” của hoa (theo nguyên từ là tiết); mỗi tiết hoa kéo dài mười lăm ngày, chia đều thành ba thì hầu, từng thì hầu có một ngọn gió riêng tác động riêng biệt lên mỗi loài hoa, để chúng mãn khai:

Tiết tiểu hàn: nhất hầu: mai; nhị hầu: sơn trà; tam hầu: thủy tiên.

Tiết đại hàn: nhất hầu: thụy hương; nhị hầu: lan; tam hầu: sơn phàn.

Tiết lập xuân: nhất hầu: nghênh xuân; nhị hầu: anh đào; tam hầu: vọng xuân.

Tiết vũ thuỷ: nhất hầu: thái; nhị hầu: hạnh; tam hầu: lý.

Tiết kinh trập: nhất hầu: đào; nhị hầu: đường, lê; tam hầu: tường vi.

Tiết xuân phân: nhất hầu: hải đường; nhị hầu: lê; tam hầu: mộc lan.

Tiết thanh minh: nhất hầu: đồng; nhị hầu: mạch; tam hầu: liễu.

Tiết cốc võ: nhất hầu: mẫu đơn; nhị hầu: đồ ly; tam hầu: luyện.

 

Để có được bảng “Thời gian tính” của hoa, hẳn nhiên người xưa đã phải lao tâm khổ trí và rất mực trọng vọng hoa. Ví như Cao Bá Quát, một con người cuồng ngạo, khí khái cũng phải nghiêng mình, cúi đầu trước “nhân cách” Ngạc chi thanh kỳ của hoa mai mà thú nhận: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Hay đã “đại ngộ” được lẽ huyền vi của tạo hóa từ sự biến dịch của loài hoa, mà Thiền sư Mãn Giác trước khi “hóa” đã Cáo tật thị chúng: ... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Nguyệt San Giác Ngộ)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn