PHẬT GIÁO VÀ MÔI TRƯỜNG
Tác Giả: Trần Khuyết Nghi
Cũng giống như một số nước đang phát triển khác mải lo bận rộn chuyện cơm áo cùng đủ thứ các vấn nạn về chính trị - xã hội, ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường tuy ngày càng được chú ý nhiều hơn, nhưng một số khái niệm tương đối mới như Đạo đức học môi trường (Environmental Ethics), Đạo đức học về Trái Đất (Land Ethics, cũng gọi “Đại địa luân lý học”), Thần học sinh thái (Theology of Ecology), Sinh thái học tầng sâu (Deep Ecology) … thì dường như còn ít người được biết đến. Đây chẳng qua chỉ là những loại khái niệm, hay cũng có thể gọi ngành học, đã lần lần phát sinh trong quá trình con người nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để cứu nguy nhân loại ra khỏi nạn hủy diệt sau khi đã thử đủ hết cách mà chẳng thấy hiệu quả là bao trước tình trạng môi sinh trên Trái Đất đã và đang xuống cấp đến mức thảm hại. Như chúng ta đều biết, tình trạng khủng hoảng môi sinh đến nay đã lên tới mức báo động. Nó đã được cảnh báo từ khá lâu nhưng có lẽ được đặt thành vấn đề một cách nghiêm túc và đầy đủ hơn kể từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, với sự thừa nhận chung không thể chối cãi là do sự khai thác quá mức và bừa bãi để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong xã hội tiêu dùng mà con người đã tự hủy diệt môi trường sống của chính mình mà hậu quả tất yếu là sẽ đi đến tận diệt nhân loại sau khi các nguồn tài nguyên không thể tái tạo đã bị vắt kiệt, môi trường đất - nước - không khí bị ô nhiễm nặng làm cho khí hậu biến đổi, mực nước biển dâng lên, kèm theo bão lụt cùng nhiều thứ tai họa thiên nhiên khác… Trách nhiệm bảo vệ môi trường vì vậy chính là nền tảng đạo lý mới của con người hiện đại. Ngoài các ngành đạo đức học ứng dụng truyền thống đã có (như y đức, đạo đức kinh doanh…), ngành Đạo đức học môi trường đã dần dần hình thành và thuật ngữ tương ứng để chỉ vào ngành học mới này cũng đã được xác lập từ năm 1979, sau khi Eugene C. Hargrove sáng lập tập san Environmental Ethics tại Mỹ, khởi động cho hàng loạt công trình nghiên cứu và tổ chức xã hội nhằm tập trung tư duy - tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan. Trong khi đó, ở một diễn biến khác thường xuyên liên tục và phổ cập hơn, mặc dù đã được cảnh báo, chỉ ra con đường hiểm nguy tất yếu, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia cũng như các cường quốc kinh tế, và đặc biệt ở những nước đang phát triển, người ta vẫn tiếp tục khai thác, sản xuất bừa bãi và phá hủy môi trường với quy mô ngày càng lớn rộng để thỏa mãn cho những tham vọng hưởng thụ bất tận của loài người. Đứng trước thực tế quá phũ phàng này, một thực tế không muốn nhưng cũng khó dừng lại được, các nhà khoa học, triết học, hoạt động xã hội ưu tư trước vấn nạn môi trường đều cảm thấy hầu như bó tay, vô vọng, và họ dần dần đã phải nghĩ đến giá trị của các tôn giáo, trong niềm hi vọng rằng khả năng giáo dục luân lý của tôn giáo, có thể góp phần hiệu quả vào việc hoán cải tâm thức con người để sửa đổi hành vi của họ hướng vào việc bảo vệ môi trường sống của chính con người. Trong nỗ lực tìm đến giải pháp tôn giáo cho vấn đề đạo đức môi trường, vào các năm 1996-1998, hàng loạt hội nghị quốc tế về “Các tôn giáo thế giới và Sinh thái” (The Religions of the World and Ecology) đã được Viện đại học Harvard (Mỹ) tổ chức dưới sự tham gia và cộng tác của khoảng 700 học giả, chuyên gia môi trường và lãnh tụ tôn giáo của nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, Đạo đức học môi trường vẫn còn là một chuyên ngành khá mới mẻ đối với phần đông nhân loại. Riêng tại Việt Nam, sự hiểu biết về nó lại càng ít hơn, và chỉ vài ba năm trở lại đây, chúng ta mới bắt đầu đọc được một số rất ít bài viết đăng tải rải rác trên tạp chí hoặc báo mạng Phật giáo bàn đến vai trò của đạo Phật trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tín hiệu đáng mừng là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 8 năm nay (2011) tổ chức tại Thái Lan với chủ đề “Phát triển xã hội - kinh tế” đã nhận được thông điệp của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi việc chung tay bảo vệ môi trường của Phật giáo như một trong những nội dung chủ yếu, viết rằng: “Quý vị đã chọn chủ đề hiện đại là Phát triển xã hội - kinh tế, đặt trọng tâm vào vấn nạn khổ đau của nhân loại mà đức Cồ Đàm Tất Đạt Đa phát hiện cách đây hơn 2500 năm khi Ngài rời bỏ cung điện, từ bỏ tư hữu thế gian để dấn thân vào thế sự. Lời của đức Phật chống tam độc tham - sân - si, có thể làm sống dậy những cuộc hội luận đa phương về nạn đói đang tác động gần một tỉ người trong thế giới sung mãn của chúng ta, về nạn bạo lực hung ác đang tác hại hàng triệu người mỗi năm, và sự gây hại môi trường một cách vô nghĩa mà con người gây ra cho nơi cư trú của chúng ta, là hành tinh Trái Đất. Nhiều tổ chức Phật giáo đã đem giáo lý của đức Phật vào thực hành. Tôi vô cùng biết ơn các tổ chức Phật giáo đã hậu thuẫn những hoạt động của Liên Hiệp Quốc để hoàn mãn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, là kế hoạch của Liên Hiệp Quốc nhằm khắc phục các thách thức xã hội - kinh tế quan trọng mà thế giới phải đối diện”. Trên cơ sở lời kêu gọi nêu trên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Đại lễ Phật đản tại Việt Nam năm nay cũng đã truyền thông điệp kêu gọi tăng ni, Phật tử hãy chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường và sự an nguy của Trái Đất: “Chủ đề của Đại lễ Phật đản là Phật giáo với môi trường. Sở dĩ vấn đề này Giáo hội chọn vì chúng ta - nhân loại đang đứng trước thảm họa của sóng thần, động đất và dịch bệnh. Muốn được môi trường tốt thì con người phải bảo vệ thiên nhiên, hãy trân trọng cuộc sống bằng cách trồng thêm cây xanh…”. Sự kiện truyền thông điệp về bảo vệ môi trường cho thấy nhận thức của người Phật tử trong vấn đề hệ trọng bậc nhất này của nhân loại đã được chuẩn bị để nâng lên một bước. Trong chiều hướng tiến triển tích cực đó, chúng ta có thể thấy rằng việc cho ra đời mới đây tập sách Đạo Phật và Môi trường do Thích Nhuận Đạt dịch và chú giải (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010; tái bản đầu năm 2011) cũng là một sự kiện thật đáng được chú ý và hoan nghênh, vì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, khả năng đóng góp của đạo Phật cho vấn nạn bảo vệ môi trường đã được luận giải một cách tương đối hệ thống và khá kỹ, thông qua một loạt tập hợp gồm tám bài nghiên cứu-khảo luận của các học giả - nhà nghiên cứu - nhà sư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Tiện đây tôi xin trích mượn vài lời của nhà sư Thích Quảng Hạnh nêu ra ở đầu sách để giới thiệu sơ qua giá trị của tập sách rất đáng trân trọng này: “Dịch phẩm này quả là tập sách “đương đại” đề cập đến những vấn đề cần thiết của mọi người chúng ta trên Trái Đất, nhất là vấn đề môi trường (…). Cái nhìn của các tác giả trong tập sách này là cái nhìn của nhà văn hóa tư tưởng có lợi ích lâu dài cho mọi người, mọi xứ sở qua ánh sáng chân thật Phật pháp”. Dịch giả cũng đã cố gắng tóm thuật một số ý chính liên quan đến đạo Phật và môi trường trong phần “Lời người dịch”, cũng nêu ở đầu sách: “Học thuyết Duyên khởi cho chúng ta biết mọi sự hiện hữu trên thế giới đều là sự kết hợp của rất nhiều nhân duyên (điều kiện). Chúng không thể tồn tại độc lập mà nương tựa với nhau trong mối tương quan mật thiết: Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh…, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt… Xuất phát từ tư tưởng Duyên khởi, Luân lý học môi trường đương đại cho rằng giữa con người và giới tự nhiên có sự tương nhập lẫn nhau (…); con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới tự nhiên là thân thể “vô cơ” của con người. Từ đó đưa đến một hệ quả tất yếu là, nếu con người tiếp tục phá hoại môi trường thiên nhiên, coi thiên nhiên là vật sở thuộc mà ra sức khai thác bừa bãi thì rốt cuộc nhân loại tự hủy diệt chính mình”. Thiết tưởng, trình bày lại cho gọn và dễ hiểu những tư tưởng đã được nêu ra trong số tám bài viết kể trên của tập sách dày hơn 300 trang, cũng là một cách tiện lợi để phô diễn vai trò ý nghĩa của Phật giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường như lời kêu gọi của Đại lễ Phật đản vừa rồi. Tôi xin được làm theo cách này, cũng là nhân tiện giới thiệu luôn một công trình dịch thuật - chú giải có giá trị và hiếm hoi trong loại này. Ở bài đầu tiên, “Tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật giáo” của Giáo sư - Pháp sư Tế Quần (Trung Quốc, sinh năm 1962) nêu lên nhận định sáng suốt: “Nếu việc bảo vệ môi trường của chúng ta chỉ tìm giải pháp trị liệu sau khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm, chẳng qua là tai nạn sắp ập đến rồi mới tìm cách cứu chữa. Như thế (…) chúng ta vĩnh viễn đều bị động (…). Trên thực tế, nguồn ô nhiễm chính không chỉ có vài xí nghiệp hay vài người chặt phá rừng mà chính là tất cả phương thức sinh hoạt của nhân loại. Sự hoằng dương của Phật giáo nhân sinh là dốc sức đưa ra quan niệm sống “lành mạnh” cho người dân từ góc độ Phật giáo, và dùng những quan niệm sống này để giải quyết những vấn đề tồn tại trong xã hội hiện tại” (tr. 12). Tiếp theo, tác giả đã đưa ra những nhận định, phân tích và biện luận hết sức thông minh tinh tường về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng con người tự phá hủy môi trường sống của chính mình, từ đó chỉ ra các lối thoát hữu hiệu đi kèm. Trước hết, con người cần phải tiết chế dục vọng và tính tham lam bất tận của mình bằng pháp tri túc thiểu dục của nhà Phật, để không tiếp tục điên cuồng nhắm mắt chạy theo những lợi lộc đơn thuần vật chất nữa: “…Trọng tâm của vấn đề không phải cuộc sống vật chất đạt đến trình độ như thế nào, suy cho cùng, cũng chính là vấn đề của bản thân nhân loại. Nói một cách chuẩn xác hơn, chính là vấn đề tâm linh con người” (tr. 17). Kế đến, phải sửa đổi quan niệm về hạnh phúc, với nhận định cho rằng “Tiền có thể mua được thuốc men, nhưng không có thể mua được sức khỏe. Tiền có thể mua được thực phẩm nhưng không thể mua được sự ngon miệng. Tiền có thể mua được các phương tiện hưởng lạc nhưng không thể mua được hạnh phúc” (tr. 19). Rồi con người còn phải thay đổi cách sống và hành vi của mình nữa, ý nói đến sự kích thích tiêu dùng để tiếp tục tiêu dùng và sản xuất, cũng như việc theo đuổi các trào lưu thời thượng, muốn dùng sản phẩm theo mẫu mã luôn luôn đổi mới. Sản xuất càng nhiều càng tạo nên rác rưởi và những vật phế thải đến nỗi Trái Đất không còn tải nổi, “Nếu đây chính là sản vật của nền văn minh, thì chỉ là sự sỉ nhục của văn minh” (tr. 24). “Phật giáo cho rằng, bất kỳ hành vi nào cũng cần có sự thúc đẩy của nhân và duyên (…). Nếu chúng ta không thích cái mới, chán cái cũ thì mỗi loại sản phẩm mới mà nhà sản xuất tung ra sẽ không gây ảnh hưởng tích cực như thế, yêu cầu của thị trường sẽ không lớn như vậy. Sự tiêu hao nguồn tài nguyên cũng không mau đến thế, rác thải sản xuất cũng không nhiều đến vậy” (tr. 25). Một vấn đề hệ trọng khác được Giáo sư - Pháp sư Tế Quần nêu ra trong bài viết, đó là nhận thức chính xác mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Sự nhận thức này dựa trên lý luận cốt lõi của Phật giáo liên quan đến thuyết Y Chánh bất nhị và thuyết Duyên khởi giải thích mối tương quan chặt chẽ giữa con người với môi trường và quá trình sinh thành - vận động - phát triển - hủy diệt của mọi vật trong vũ trụ. Hai khái niệm - lý thuyết này còn được lặp lại xuyên suốt trong nhiều bài viết khác của các tác giả ở sau. Duyên khởi luận là thế giới quan độc đáo của đạo Phật, là đặc trưng cơ bản khiến cho Phật giáo khác biệt với các tôn giáo, triết học khác. Duyên khởi luận đại khái cho rằng sự tồn tại và hủy diệt của thế giới do sự hình thành và tan rã của các điều kiện, “Có nhân có duyên thế gian tập thành; có nhân có duyên thế gian hủy diệt”. Nói cách khác, mọi thứ trong vũ trụ đều được kết nối bằng sợi dây Duyên khởi. Còn khái niệm Y Chánh bất nhị (hay Y Chính bất nhị) là do sự đề xuất của sư Trạm Nhiên (711-782), tổ thứ sáu của Thiên Thai Tông Trung Quốc. Theo đó con người và thiên nhiên (tức con người và môi trường) vốn có mối quan hệ chặt chẽ nhất trí với nhau không thể tách rời, tương tự với tư tưởng Thiên Nhân tương dữ hay Thiên Nhân hợp nhất của Trung Quốc cổ đại, và chắc cũng giống như nhận định của Engels (1820-1895) về sau này trong Biện chứng của tự nhiên: “… Bản thân chúng ta, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên…”. Thuyết Y Chánh còn gọi là Y Chánh nhị báo, tức Y báo và Chánh báo, mà theo đó loài người và loài vật là Chánh báo, thế giới xung quanh (tương đương môi trường sống) là Y báo, cả hai có quan hệ mật thiết với nhau, hễ Y báo (môi trường) bị hủy hoại thì Chánh báo cũng không thể tồn tại. Xin trích dẫn mục từ “Y Chính nhị báo” trong Từ điển Phật học Huệ Quang để làm rõ thêm luận điểm rất quan trọng này của Phật giáo: “Y báo và chính báo. Chính báo là chính thể của quả báo cảm được tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp ở quá khứ, như sinh làm người thì có đủ tứ chi, ngũ quan, được quả báo nhân gian; còn sinh vào loài súc sinh thì có đủ cánh, lông, răng, da, chịu quả báo súc sinh. Y báo là quả báo tùy theo Chính báo mà được nơi an trú tương ứng, như người được chính báo nhân gian thì sẽ có các y báo như nhà cửa, đồ dùng tương ứng với loài người; còn ai chịu chính báo súc sinh thì sẽ có các y báo như tổ, hang, tương ứng với súc sinh. Nói chung, Y báo chỉ quốc độ thế gian, là nơi nương tựa của hữu tình, còn Chính báo là chúng sinh thế gian, là hữu tình năng y (…). Do Y Chính nhị báo đều thuộc về một trong các loại quả báo nên còn được gọi là Y báo y quả, Chính báo chính quả” (tập VII, tr. 6209). Bài viết của tác giả Tế Quần kết thúc bằng đề nghị con người cần phải bồi dưỡng trạng thái tâm lý tốt đẹp, tức bồi dưỡng tâm linh, bao gồm: tâm cảm ơn đối với món quà của thiên nhiên; tâm tôn trọng đối với quy luật phát triển của thiên nhiên, mới có thể cùng chung sống hòa bình bình đẳng với thiên nhiên; tâm thương yêu đối với thiên nhiên, vì “sự ban tặng của thiên nhiên không yêu cầu chúng ta hoàn trả bằng tiền bạc, nhưng thiên nhiên yêu cầu một tấm lòng thương yêu, một sự quý trọng (…). Khi ngày diệt vong của tất cả động vật đang đến thì ngày diệt vong của nhân loại đâu còn xa nữa phải không? “Không sát sinh” mà Phật giáo đề xuất là căn cứ vào sự từ bi đối với tất cả các loài hữu tình (…). Nếu chúng ta có thể mang tâm thương yêu đến với động vật thì thiên nhiên có thể mang tâm thương yêu đến với con người, cũng có thể mang đến cho xã hội cảnh tượng hòa bình, vui vẻ” (tr. 37-38). Bài “Quan điểm của Phật giáo đại thừa về nhân loại, Trái Đất và vũ trụ” của GS.TS. Kawada Yoichi (người Nhật, sinh năm 1937) tiếp tục nhấn mạnh đến hai thuyết Duyên khởi và Y Chánh bất nhị để giải thích mọi hiện tượng của thiên nhiên và loài người theo quan điểm Phật giáo, từ đó đề xuất chủ nghĩa sinh vật bình đẳng, cho thấy “con người chỉ là loại sinh mệnh giữa tất cả những sinh mệnh khác, được nối kết với nhau rất phức tạp trong mạng lưới bao la của những mối quan hệ” (tr. 61). Chủ nghĩa sinh vật bình đẳng này có liên quan tới phong trào Sinh thái học tầng sâu (Deep Ecology) do triết gia người Na Uy Arne Naess đề xuất, sau được hai tác giả Bill Devall và Gecome Sessions mô tả như là “thế giới quan triết học tôn giáo có tính toàn diện” trong tác phẩm Deep Ecology của họ. Bài “Quan điểm của Phật giáo về môi trường sinh thái” của GS.TS. Ngụy Đức Đông (Trung Quốc) đề cập tính thực tiễn sinh thái của Phật giáo truyền thống, nêu rõ rằng trong lịch sử phát triển lâu dài, Phật giáo chắt lọc hàng loạt các phương thức sinh hoạt độc đáo, xét từ quan điểm bảo vệ môi trường hiện nay thì vẫn không mất đi giá trị của nó, như các việc ăn chay, phóng sanh và Phật hóa môi trường… Theo tác giả chủ trương, ăn chay có tác dụng trực tiếp đối với việc bảo vệ tính đa dạng của động vật. Ngoài ra còn có tục phóng sanh (thả chim, cá bị bắt về lại môi trường tự nhiên), được coi là sự phát triển từ giới cấm giết hại động vật và chủ trương ăn chay. Thời Phật tại thế còn có dụng cụ chuyên dùng gọi là “phóng sanh khí” để người tu hành tránh được sát hại các loài sinh vật nhỏ nhít khó thấy khi lấy nước dùng, bằng cách lọc qua rồi đem chúng thả về với sông suối ao hồ. Còn “Phật hóa môi trường” là nói đến việc hàng đệ tử Phật thích xây dựng chùa am ở những nơi non xanh nước biếc, giữ nguyên vẹn vẻ thiên nhiên thanh tịnh để tạo môi trường tốt cho sự tu trì, cũng là mô thức hữu ích cho sự bảo vệ môi trường. Bài “Đạo đức môi trường trong Phật giáo đại thừa” của GS.TS. người Nhật Yamamoto Shuichi (sinh năm 1953) bàn rộng đến một số vấn đề như những vấn đề có liên quan đến sinh vật, vấn đề phá rừng và thương mại hóa động vật hoang dã, đặc biệt nêu lên vấn nạn bắt buộc phải hủy diệt bớt một vài loài động vật có hại cho kinh tế nông nghiệp và sinh thái rừng (như vài loài khỉ, linh dương…), do đó tạo nên tình trạng tiến thoái lưỡng nan gây tranh cãi giữa một bên là làm lợi cho con người và sinh thái, còn bên kia là kết quả có hại đối với loài động vật. Giải quyết vấn nạn rắc rối này, tác giả Yamamoto Shuichi đã phân tích biện bạch dựa theo quan điểm ông cho là của Phật giáo về trí huệ và tầng nấc giá trị cao thấp của các loài sinh vật, để cuối cùng đưa đến kết luận như tìm một lối thoát: “Mặc dù trong Phật giáo, theo nguyên tắc thì tất cả sinh mệnh được coi là bình đẳng, nhưng giá trị của mạng sống con người được coi là cao hơn giá trị của những sinh vật khác. Tôi tin rằng điều này có nghĩa là mặc dù Phật giáo đặt trên tinh thần của chủ nghĩa bình đẳng nhưng vẫn dành cho mạng sống con người quyền ưu tiên” (tr. 180). Nhưng rồi tác giả cũng phải nói “vớt” lại ở một đoạn sau cho được tròn trịa chặt chẽ hơn về phương diện lý luận: “Thậm chí nếu chúng ta khẳng định rằng nạn phá rừng, bắt giữ sinh vật, và ăn thịt động vật là những hành động cần thiết để hỗ trợ cho con người thì chúng ta không thể phủ nhận những hành động này là bất thiện trong Phật giáo… Hơn nữa ăn thịt động vật, đốn phá cây cối, và bắt giữ động vật hoang dã là biểu hiện của sự ham muốn. Xét từ quan điểm đạo đức thì việc ăn quá nhiều, uống quá nhiều, đốn phá cây vô ý thức, săn bắn bừa bãi thì thật đáng bị lên án. Tuy thế, điều quan trọng là không những lên án những hành vi xấu xa đó mà còn phải tích lũy nhiều thiện nghiệp bằng cách làm các việc tốt” (tr. 197). Và những thiện nghiệp loại đó, theo tác giả, có thể nêu ra vài trường hợp thí dụ như thực hành phóng sinh, trồng cây gây rừng… nhằm phát triển môi trường sống cho các loài sinh vật… Bài cuối cùng, “Thuyết loài cây cỏ có tính giác và sinh thái học tầng sâu” của nhà sư GS.TS. Thích Hằng Thanh (sinh năm 1943 ở Đài Loan) bàn về quan điểm của Cát Tạng (549-623) và Trạm Nhiên vốn được phát triển lên từ thuyết “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”, cho rằng không chỉ tất cả chúng sanh hữu tình mà ngay cả các loài vô tình như cỏ cây, gạch đá cũng có Phật tính. Tác giả bài viết cho biết, trong các tổ sư Thiên Thai Tông, người đề xuất một cách dứt khoát, thẳng thắn cỏ cây cũng có thể tu hành thành Phật, đó là Lương Nguyên (912-985). Lý luận khúc chiết, phức tạp, đưa ra rất nhiều dẫn chứng rút từ các kinh sách Phật giáo. Phần thứ hai của bài viết nói về phong trào bảo vệ, chăm sóc sinh thái qua Sinh thái học tầng sâu được hình thành và phổ biến ở phương Tây vào cuối thế kỷ 20 vừa rồi. Lý thuyết mới này đặt nền tảng trên sự phê phán của rất nhiều học giả phương Tây cho rằng hoàn cảnh khó khăn sinh thái hiện nay là xuất phát từ thế giới quan Chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropo-centrism) của văn minh Kitô giáo vốn coi loài người là chủ tể của muôn vật, từ đó họ muốn hướng về các tôn giáo phương Đông nhất là Phật giáo để tìm ra đáp án. Một đại biểu tiên phong tích cực nhất của phong trào là nhà thơ Mỹ Gany Snyder (1930), từng đọc rất nhiều trước tác của các học giả Phật giáo nổi tiếng như D. T. Suzuki và Alan Watts, cho rằng “Cỏ cây và động vật đều là người (people)”, chúng phải có nhân quyền giống như con người, gọi là “quyền của động vật”, “quyền của cỏ cây”…. Một đại biểu khác là nhà sinh thái Robert Aitken cũng phát biểu mạnh mẽ, xác tín “Gạch đá và mây khói đều có quyền sinh mệnh của nó. Con người cần phải xây dựng mối quan hệ mật thiết với vạn vật. Muốn được như thế, trước hết con người phải thực hiện được “Vong ngã” và “Vô ngã” mới có thể mở cõi lòng để dung nạp vạn vật” (tr. 321). Cuối cùng một định nghĩa về Sinh thái học tầng sâu đã được tác giả bài viết nêu ra dựa trên một đoạn văn trích dẫn từ tác phẩm nổi tiếng Deep Ecology của hai tác giả Bill Devall và Gecome Sessions: “Sinh thái học tầng sâu hoàn toàn không chỉ xem xét vấn đề môi trường bằng nhãn quan hạn cuộc nhỏ hẹp mà còn cố gắng kiến lập một thế giới quan rộng lớn bao gồm đầy đủ cả tôn giáo và triết học. Ý nghĩa căn bản sâu sắc của nó trong hai đặc tính sau cùng là “Tự ngã thực hiện” (Self-realization) và Sự bình đẳng sinh vật trung tâm (Biocentric equality)” (tr. 329). Trên đây là tổng hợp giới thiệu những ý chính trong tuyển tập khảo cứu Đạo Phật và Môi trường của dịch giả Thích Nhuận Đạt, qua đó thấy được phần tích cực về tư tưởng mà Phật giáo bên cạnh những tôn giáo khác có thể tham gia đóng góp vào việc giáo dục, bồi dưỡng ý thức và cảnh tỉnh cho toàn thể nhân loại để ngăn chặn bớt nguy cơ về hủy hoại môi trường dẫn đến sự tận diệt. Phải trung thực nhận rằng, Phật giáo vốn dĩ không có chủ trương từ đầu về các giải pháp bảo vệ môi trường, vì trong các giai đoạn thành lập giáo pháp căn bản, trong điều kiện đất rộng người ít, các khu rừng và thảo nguyên rộng lớn vẫn còn nguyên sơ, khoa học - kỹ thuật chưa phát triển và chưa có sự khai thác bừa bãi bằng cơ khí hóa (tức giai đoạn mà Tô Đông Pha diễn đạt là “Thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt” giống như sử dụng các thứ gió mát trăng thanh), thì loài người chưa có điều kiện nhìn thấy những tác hại của sự suy thoái môi trường để mà đưa ra các lý thuyết phòng tránh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện đại, khi tình trạng hủy hoại môi sinh đã trở thành mối nguy cơ cụ thể ở mức báo động, thì những tư tưởng mang tính “tiên tri” của Phật giáo rất đáng được đem ra để nghiên cứu, chiêm nghiệm và ứng dụng như một nguồn bổ sung tích cực cho những nỗ lực hoạt động khoa học và tư duy triết học nhắm tới việc duy trì sự sống của loài người và loài vật trên hành tinh, và cũng để bảo vệ sự nghiệp sáng tạo vĩ đại kỳ diệu của Tạo hóa. Trên bình diện lý thuyết, những tư tưởng Phật giáo như đã trình bày ở trên xem ra khả quan và chắc chắn đều có giá trị to lớn đáng kể, vấn đề còn lại là ở chỗ liệu mức khả thi trên thực tế của chúng có thể đạt được đến đâu. Sự khó khăn bế tắc có thể được hình dung tương tự như khi người ta đặt ra những loại câu hỏi không có lời giải đáp, như: bao giờ thì toàn thể loài người mới chịu tri túc thiểu dục từ bỏ tiêu dùng xa hoa để trở về với cuộc sống đạm bạc gần như nguyên thủy khi đã lỡ tiến hóa quá xa; chừng nào họ mới khắc phục được tham-sân-si để hết tranh giành và bạo động lẫn nhau? Đơn giản chỉ vì khi tâm của mọi người bình hết thì thế giới mới có điều kiện đạt được nền hòa bình đích thực lâu dài, nhưng điều đó ai cũng biết chỉ là loại ước mơ muôn đời! Giả định nếu mọi người được thuyết phục hữu hiệu bởi giáo lý Phật giáo mà xoay ra chịu ăn chay hết, chỉ dùng thực vật và không giết hại động vật nữa, dân số thế giới tăng lên gấp năm gấp mười so với hiện nay, thì việc giải quyết lương thực, và những thứ khác nữa, sẽ rơi vào một tình trạng khó hiểu - khó tưởng tượng như thế nào? Giả định Phật giáo và một số tôn giáo đồng hành khác tham gia được một nửa gánh nặng trách nhiệm của mình trong vai trò bảo vệ môi trường như mọi người hi vọng thì đã là điều quá tốt, nhưng đây cũng không phải chuyện dễ, vì cần có sự phối hợp, nhất trí đồng bộ giữa tất cả các tôn giáo trên hành tinh. Hay là nhân loại vẫn sẽ tiến hóa theo chiều hướng thúc đẩy tới hoài để đi dần tới sự hủy diệt, không còn con đường lui nào khác, tiếp tục lặn hụp trong bể khổ và theo đúng cái lý thành - trụ - hoại - không của nhà Phật? 10.07.2011 * Xin xem bài “Tương lai nhân loại qua vấn nạn khủng hoảng môi sinh toàn cầu” của cùng tác giả, trong Suối Nguồn tập 1 (5.2011). (Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)
|