Soi Gương - Thích Chân Pháp Sĩ

04 Tháng Hai 201200:00(Xem: 24593)

Soi gương
Thích Chân Pháp Sĩ

blankCó người khuyến khích nên soi gương thường xuyên. Vì các tia bức xạ giữa mặt gương và cơ thể giúp tuần hoàn máu, nâng cao khả năng hoạt động sinh học, giảm quá trình lão hóa. Người ta còn đưa ra một số quy tắc phong thủy khi sử dụng gương, cải thiện năng lượng ở phương vị xấu, hóa giải tà khí, nhân bản không gian. Vì vậy, cần chọn gương không bị chia cắt, không méo mó thiếu hụt hình ảnh. Loại gương rạn nứt, xây sướt làm sai lệch hình ảnh thì nên loại bỏ. Gương phải giữ cho sáng trong.

Nhưng soi gương không hẳn là phải đứng trước tấm kiếng thủy tinh. Việc soi gương còn có ý nghĩa là quán chiếu, tư lượng, học hỏi. Sự thực tập quán chiếu về tình trạng của mình và biết rõ hoàn cảnh để hóa giải năng lượng khổ đau, giữ cho tâm được sáng trong, trị liệu những vết trầy sướt trên đất tâm, nuôi dưỡng điều kiện hạnh phúc. Đó cũng là một cách soi gương.

Cõi người ta

Một anh thanh niên nghiện thuốc lá. Anh hít vào buồng phổi hơn ba mươi điếu mỗi ngày. Kết quả là cuống phổi của anh bị sưng. Vậy mà, khi cầm gói thuốc trên tay, bao thuốc có dòng chữ: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Lời cảnh báo như sự phản chiếu cho anh biết những tác hại trong việc hút thuốc. Nhưng mỗi lần đọc dòng chữ trên thì anh lại đọc: Hút thuốc lá có hai sức khỏe. Chữ hại anh đọc trại thành chữ hai. Đó là tình trạng không vượt qua cái lôi cuốn của cảm thọ, lâu dần thành tập khí, nên cuống phổi của anh đến lúc phải nhờ bác sĩ chăm sóc.

Môi trường là tình trạng gần nhất có tác động trực tiếp lên đời sống con người. Những biến đổi khí hậu hiện nay là được kêu gọi sự thức tỉnh toàn cầu. Môi trường bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân làm bệnh ung thư tăng cao. Tờ Daily Mail cho biết - khi những hóa chất bền vững theo chuỗi thức ăn xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư, bệnh tim mạch và chứng vô sinh. Những chất hữu cơ ô nhiễm bền vững (POPS) có thể tích tụ bên trong cơ thể, gồm thuốc trừ sâu DDT, chất Polychlorinated biphenyls (PCBs). Những chất độc hại này có trong sữa mẹ và máu con người.

Trong lúc hàng ngàn trẻ em chết đói ở miền Nam Shabelle và miền Trung Bakool (Somalia), thì những trẻ em khác lại được người ta làm cho thích nghi với những đồ chơi chiến tranh và trò chơi điện tử. Mà những trò chơi này có xu hướng bắt chước những công cụ giết người, vô tình gieo hạt giống cho một cuộc chiến tranh tương lai. Điều mà Ariel Dorfman gọi là – Sự chết lặng linh thiêng cứ như là sự chết lặng này không hiện hữu lâu hơn vũ khí hạt nhân. Đó là nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực, vô cảm – khuynh hướng làm rối loạn, tổn thương lên sự sống. Giải pháp được đưa ra là không nên bóp méo trò chơi của trẻ em bằng việc tổ chức các cuộc thi có giải thưởng lớn, thể hiện sức mạnh bạo lực và lừa dối. Khuyến khích trẻ em chọn những trò chơi mang tính hợp tác, tương trợ. Có nghĩa là, giúp các em cùng chơi với nhau chứ không chống lại nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn chứ không tranh giành, và phải có tâm niệm an lành trong các trò chơi đó (theo Terry Orlick).

Khi khổ đau có tính riêng tư, nếu không được trị liệu, thì khổ đau này chuyển thành khối khổ đau có tính tập thể. Những nơi xuất hiện bạo lực tập thể, thường có khổ đau sâu nặng hơn những nơi khác. Khối khổ đau tập thể sẽ biểu hiện, lớn mạnh, từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Các phim có nội dung bạo lực, chiến tranh, thường được nhiều người xem nhiều hơn những phim có giá trị giáo dục nhân cách, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành công nghiệp giải trí, các thể loại truyền thông, công nghệ chế biến thực phẩm, đều có sự liên hệ với tư cách như là “tác nhân” lên khối khổ đau hoặc hạnh phúc của cộng đồng. Trên phương diện truyền thông, thường có nội dung đề cập tới tai nạn, khủng bố, bạo động, trấn áp, kích thích tham vọng lên thị hiếu người tiêu dùng, v.v... Thay vì đưa ra tiêu đề: Xin quán chiếu kỹ trước khi sử dụng. Người ta đưa ra câu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, hoặc, mua sách giả là giết chết sách thật. Trong đó có nhiều cuốn sách thật rất có hại cho tâm lý, đời sống con người. Nhiều cuốn sách giá rẻ bán ở lề đường lại có tác tính giáo dục cao. Các hãng chế biến thuốc lá thì thành thật hơn: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Nhưng vẫn là hàng bán chạy nhất.

Nếu chỉ biết đề cập tới khổ mà không soi sáng những nguyên nhân, không đưa ra giải pháp thích hợp để giúp chuyển đổi tình trạng đi về hướng hiền thiện, thì sự đề cập đó sẽ cộng hưởng vào khối từ trường đau khổ vốn đã có trong tư duy và lối sống con người. Khi những thông tin về những nếp sống an lành chưa được quan tâm đúng mức qua các phương tiện truyền thông, sẽ tập cho con người có thói quen tác ý và hành xử theo chiều hướng tiêu cực. Đây là niềm đau tập thể.

Tại những nước Trung Đông, niềm đau tập thể sau nặng đến mức làm nhiều người phải phản ứng trong vòng luân hồi của sự thù hận và bạo lực. Qua nhiều thế kỷ, người Do Thái từng chịu đựng sự ngược đãi. Niềm đau trong từng cá nhân, trong từng gia đình, đã phát triển thành niềm đau tập thể. Niềm đau của người Do Thái đã vượt tới cấp chủng tộc. Tại châu Mĩ, người Indians đang mang khối khổ đau này. Dân số của họ càng ngày bị giảm thiểu. Bản sắc văn hóa bộ lạc bản địa bị diệt vong bởi sự du nhập văn hóa của làn sóng di cư từ người châu Âu. Người da đen tại Phi châu cũng chưa thoát khỏi tâm lý này. Sự kỳ thị của nhiều người da trắng và tình trạng buôn bán nô lệ trong thời khai thác thuộc địa, đã để lại khối nội kết, tủi nhục trong lòng người da đen.

Nhưng sự đau khổ này, không chỉ là thương tích riêng trong lòng người Indian và người Africa. Khi những hạt giống kỳ thị, phân biệt chủng tộc, triệt tiêu bản sắc văn hóa của người khác, và ngay giây phút những hạt giống ấy xuất hiện, tự thân nó là niềm khổ đau rất lớn cho tất cả. Nghiệp lực có tính chất cộng đồng, mà ngày nay, một số quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ phải gánh chịu.

Năm 2003, tại một trung tâm thiền tập vùng Thénac (miền Nam Pháp) tổ chức khóa tu hòa giải cho vấn đề xung đột sắc tộc và tôn giáo giữa Palestine và Irael. Đây là cuộc xung đột dai dẳng qua nhiều thế hệ, chỉ vì một dải đất nằm giữa bờ đông Địa Trung Hải và sông Jordan. Khóa tu tập chánh niệm cho người da màu cũng được tổ chức hằng năm. Khóa tu đầu tiên diễn ra vào mùa Hè năm 2004, tại tu viện Lộc Uyển vùng Enscondido, miền Nam California. Người da màu, người Trung Đông được thực tập thiền đi, thiền thở, thiền im lặng, thiền ngồi, v.v…

Họ có nhiều cơ hội và thời gian để tập nhận diện, lắng nghe những cảm xúc trong nội tâm. Họ biết chăm sóc những vết thương từ lòng thù hận bằng những phương pháp thiền tập. Họ hiểu sâu rằng, những người kỳ thị, đàn áp, làm cho dân tộc mình phải uất ức tủi nhục – những người ấy cũng đau khổ không kém. Những người ấy đang bị tàn phá hạnh phúc bởi chính những tâm hành bất thiện ấy. Nhờ những thực tập này, họ tìm lại niềm tin và sự hiểu biết. Họ nhận biết tính tương tức tương duyên giữa người với người, giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa quốc gia với quốc gia.

Khối đau thương cộng đồng chỉ có thể được chuyển hóa bằng thực tập chánh niệm. Học giả Eckhart Tolle gọi niềm đau tập thể là “Khối từ trường khổ đau sâu nặng” – theo Awakening to Your Life's Purpose (thức tỉnh mục đích sống). Khổ đau có nguồn gốc từ tri giác sai lầm (chấp và thủ). Kẹt vào khái niệm phân biệt giữa ta và người, tâm và cảnh, chủ thể và đối tượng, là tác nhân tạo thành khối từ trường khổ đau tự thân và trực tiếp phủ sóng tới cộng đồng. Khổ đau cũng đến từ nhận thức sai lạc về cơ cấu của năm uẩn. Hạnh phúc và tự mãn trên cái đẹp về hình sắc cũng góp phần vào khối từ trường khổ đau này.

Nét hoàng hoa

Không rõ hai thôn ấy tên gì. Sử sách thì ghi; thôn ở phía Đông – thôn ở phía Tây. Trữ La là một làng nhỏ nằm dưới chân núi nên chỉ có hai thôn đó thôi. Tuy là vùng sâu vùng xa, nhưng thôn Tây lại sinh ra cô gái có nhan sắc chim sa cá lặn (trầm ngư lạc nhạn). Cha mẹ đặt tên cho cô là Thi Di Quan. Nhưng vì cô được sinh ra ở thôn Tây, nên người trong làng gọi là Tây Thi (cô gái họ Thi, nhà ở thôn Tây). Cái tên rất đơn giản. Vốn chỉ ghi nhận vài thông tin về lý lịch trích ngang để thành viên trong làng nhớ lâu mà nhận ra người của làng.

Vậy mà cái tên này trải qua mấy ngàn năm, ở đâu, thời nào, mọi người ai cũng nhớ tới. Cái tên thường đi kèm với cái nghiệp. Nghiệp thì có thiện, có ác. Thiện, ác, là do sự can thiệp của tác ý. Nhưng việc làm của Tây Thi là thiện hay ác rất khó xác định. Bởi vì, mấy ai sống cùng thời để chứng kiến? Điều có thể cảm nhận ngoài chuyện tài sắc thiên hương, Tây Thi là người có nhiều khổ đau. Khổ đau không hẳn vì nhan sắc trời cho. Không phải ai có chút hồng nhan đều bạc phận. Khổ có khi căn cứ vào những hạt giống nơi tâm hồn mà khổ ra. Bậc tuyệt thế về cầm, kỳ, thi, họa, mấy chục năm ở đài Cô Tô vịnh phú ngô đồng. Nhưng có mấy lần được hạnh phúc?

Sau trận chiến quyết tử với Ngô Phù Sai, vua nước Việt là Câu Tiễn bị bắt sang đất Ngô làm con tin. Mưu thần Văn Chủng hiến kế giúp vua Việt phục quốc. Tây Thi cùng với nhiều mỹ nữ đất Việt đành tạm rời thân phận nữ nhi để rời làng quê thực hiện đặc nhiệm trong cung vua Ngô. Từ lúc Tây Thi nhập cung, vua Ngô không còn nhiệt huyết để quan tâm đến sự an nguy quốc gia. Vì thế, Việt vương sớm hoàn thành ý nguyện phục quốc. Cái nhan sắc trời cho có thể làm nên việc mà những trang hào kiệt thời ấy đành bó tay. Người ta cũng đồn hơi quá, rằng khi Tây Thi nhăn mặt cũng khiến nam tử siêu lòng.

Thời bây giờ, những bóng anh thư thi thố tài năng trên sân khấu, chỉ cần sơ xuất một ít về tác phong phẩm hạnh, thì giới truyền thông liền mở hội bình phẩm. Một vết nứt trên mặt gương đã khiến người ta loại bỏ. Huống gì một cái nhăn mặt phàm tình trên khuôn quốc sắc. Vì thế, có người chịu không thấu, đành giã từ người hâm mộ mà về vui thú ruộng vườn. Nhưng cũng có người thì chấp nhận cái tình cảnh trơ gan cùng tháng năm mà tìm kiếm danh phận. Với dân nước Ngô, Tây Thi là điềm tai họa cho quốc gia. Với dân Việt, Tây Thi là một liệt nữ anh hùng biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để cứu sơn hà xã tắc. Oan trái cũng có mà ân đức cũng nhiều. Người đời sau cảm mến nên có bài minh cho cô gái vùng Trữ La:

Nước nhà còn mất bởi cơ trời

Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hoài?

Tây tử nếu làm Ngô mất nước

Thì xưa Việt mất bởi tay ai?

Thiên bạc mệnh rồi cũng tìm tới ðóa hoàng hoa. Chuyện đã xa xýa từ thời Xuân Thu bên Tàu. Vậy mà ngýời thời nay mãi týởng về tích cũ. Mà cũng chẳng ai biết, sau ngày ca khúc khải hoàn, Tây Thi trầm mình dứới sông Tây Hồ vì lòng đối kỵ tài sắc từ vị phu nhân của Câu Tiễn, hay chèo thuyền cùng Phạm Lãi tháng ngày tiêu dao?

Ngày trước, có một cô bé tuổi mới mười lăm cũng thích chuyện hành hương. Buổi sáng nọ, bỗng nhiên cô thức dậy sớm hơn thường lệ. Ba mẹ thì lo cơm nước để ăn điểm tâm trước lúc đi lễ chùa. Thay vì xuống bếp giúp mẹ nhặt rau, giúp ba pha trà, cô đi thẳng vào phòng lấy chiếc gương vấn lại mái tóc. Cô diện quần lĩnh áo the, cột tóc đuôi gà, tìm nón, tìm guốc. Tuổi mười lăm (người bây giờ ưa gọi là Teen) mà đã biết làm đẹp rồi! Bà mẹ thấy con gái cưng của mình. Bà ngạc nhiên quá, liền thốt lên: “Con tôi trông xinh quá! Bao giờ cô lấy chồng?”. Bà mẹ hiểu tâm lý cô con gái: “Nó làm đẹp thế này thì sớm muộn gì cũng bỏ mình mà đi lấy chồng!”. Nhưng cô bé chỉ muốn tươm tất một chút để đi chùa lễ Phật. Rất dễ thương!

Cái tập khí “Mơ xa, nghĩ gần” dường như ai cũng mắc phải. Tâm không có mặt cho thân nên chưa biết an trú trong hiện tại. Lâu lâu mới có dịp đi xa. Non nước mây trời thênh thang thế kia mà không nhận ra!. Đò mới cách bờ vài tay chèo. Chàng văn nhân thi sĩ nào đó bỗng xuất hiện. Chàng có dung quang thanh nhã, chứ không đuề huề lưng túi kiểu Kim Trọng. Thư sinh người Việt khác thư sinh người Tàu là chỗ đó. Chàng này biết an trú hơn cô bé kia. Chàng ngồi rất yên, ngắm trời, nhìn núi, rồi làm thơ. Bài thơ hay quá, làm bố của cô bé tấm tắc khen hoài. Thuyền dừng trước cổng chùa, mọi người bắt đầu leo núi. Cô đi trước, anh chàng theo sau. Nơi thị thành náo nhiệt nhiều bận rộn. Nay được đến chùa nên tâm trở nên an lạc. Cô vốn quen bước nhanh. Nhưng khi nhìn thấy chàng thư sinh này bước nhẹ nhàng, chậm rãi, nên cô cũng học cách bước chậm lại. Bước chậm để thảnh thơi là việc mà cô được học lần đầu.

Em đi chàng theo sau

Em chẳng dám đi mau

Sợ chàng chê hấp tấp

Số gian nan không giàu

Nếp sống hối hả, bận rộn suốt ngày. Mình chưa bao giờ có được chút ít thảnh thơi. Dù có giàu đến cách mấy vẫn thấy khổ. Chuyến đi chùa trở thành thiên ký sự của cô bé. Thiên ký sự còn kể nhiều chuyện ngộ nghĩnh trên đường. Nào là chuyện ăn mày, chuyện gà xôi, chuyện khỉ ngồi voi phục, chuyện vừa đi vừa niệm Bồ tát Quan Thế Âm. Chỉ có chuyện cô kể sau cùng làm nhiều người ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng thông cảm cho cái tuổi mới lớn thường hay mơ mộng. Nhiều người thắc mắc sau chuyến đi chùa về, cô bé kể chuyện gì nữa? Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (tác giả bài thơ) thì cho rằng: Không biết chuyện gì sẽ tới với cô bé đang tuổi mười lăm?

Tôi thì thấy cô bé hay chàng trai nào mà biết đi chùa lễ Phật, biết nghe kinh, biết niệm Bồ tát trong lúc khó khăn, biết tập đi những bước chân thảnh thơi là hạnh phúc rồi! (Hết phần 1).

"Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 18652)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 8621)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 16141)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10595)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25738)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9595)