Thái Độ "Cư Nho Mộ Thích" Của Các Chúa Nguyễn - Hoa Duyên

02 Tháng Ba 201200:00(Xem: 9217)
MỤC LỤC
TẠP CHÍ ĐẠO PHẬT NGÀY NAY SỐ 14
THÁNG 02 NĂM 2012

Thái độ "Cư Nho Mộ Thích"
của các chúa Nguyễn

Hoa Duyên

blankThời đại Chúa Nguyễn được hình thành và phát triển xuất phát từ nguyên nhân chính trị. Từ cuối thế kỷ thứ XVI, khi triều đại Lê Sơ suy yếu, nhà Mạc nổi lên. Đất nước bước vào giai đoạn “Nam - Bắc triều”. Sau khi nhà Hậu Lê diệt được nhà Mạc, đất nước lại bước vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài 148 năm (1627 – 1775), họ Trịnh xưng Chúa miền Bắc (còn gọi là Bắc Hà hay Đàng Ngoài), họ Nguyễn xưng Chúa miền Nam (còn gọi là Nam Hà hay Đàng Trong), lấy sông Gianh thuộc vùng Quảng Bình ngày nay làm ranh giới, tình hình nước Việt thời kỳ này trở thành “một Vua, hai Chúa”.

Nguyễn Hoàng là người mở đầu cho đại nghiệp họ Nguyễn ở miền Nam. Theo sử sách ghi lại (như Đại Nam Thực Lục, tập 1; Việt Nam Sử Lược;… ), vì bị anh rể là Trịnh Kiểm có âm mưu loại trừ mình, Nguyễn Hoàng đã tìm cách bảo vệ chính mình. Nguyễn Hoàng ngầm sai người đến hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được chỉ vẽ bằng câu nói: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”(nghĩa là một dãy núi ngang có thể dung thân được muôn đời). Nguyễn Hoàng hiểu ý nên đã nhờ chị ruột là Ngọc Bảo xin với anh rể vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Nhận thấy đất Thuận Hóa xa xôi, hiểm trở nên Trịnh Kiểm nhận lời. Trịnh Kiểm dâng biểu tâu vua Lê Anh Tông rằng : “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan Quận Công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam”.

Năm 1558, vua Lê Anh Tông ban chỉ cho Nguyễn Hoàng trấn thủ vùng Thuận Hóa. Năm 1570, vua lại ban cho Nguyễn Hoàng trấn thủ thêm Quảng Nam và giao quyền quyết định mọi việc ở hai xứ Thuận – Quảng, mỗi năm chỉ nộp thuế cho triều đình. Nguyễn Hoàng tuy phò vua Lê nhưng vì vua Lê bấy giờ ở trên ngai vàng chỉ còn trên danh nghĩa, mọi quyền lực nằm trong tay họ Trịnh. Bất mãn trước hoàn cảnh chính trị, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng cơ nghiệp ở miền Nam cho họ Nguyễn từ năm 1600 để đối lập với họ Trịnh ở miền Bắc. Nguyễn Hoàng bình ổn vùng đất mới với chính sách tự chủ, khoan hòa và nhân đức: “Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy”, làm cho “chính trị rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đền nhiều, Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”. Trước khi mất, Nguyễn Hoàng đã có dặn con là Nguyễn Phước Nguyên rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thân yêu nhau…; Đất Thuận Quảng, phía Bắc có núi ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bi (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có muối, cát… thật là đất của trời để cho anh hùng dựng võ. Nếu biết thương yêu và dạy dỗ dân, lo luyện tập binh sĩ để chống lại họ Trịnh thì đủ để xây cơ nghiệp muôn đời…”.

Việt Nam đến thế kỷ XVII tồn tại ba tôn giáo chính: Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Nho giáo truyền vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, có vị trí quan trọng đối với các triều đại phong kiến. Nho giáo với thuyết hình nhi thượng học (quan niệm về Thiên đạo, Nhân đạo và Luận lý học) và hình nhi hạ học (Quân tử, Tiểu nhân, Hiếu, Lễ Nhạc, Chính trị, Học vấn) được các nhà Nho triển khai qua nhiều thời đại khác nhau. Nhà Lê Sơ, nhà Mạc, nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, dùng “văn chương để lấy kẻ sĩ”, triều đình tổ chức lối học khoa cử theo Nho giáo.

Nếu thời Đinh-Lê-Lý-Trần, triều đình sử dụng Phật giáo làm cố vấn cho chiến lược bảo vệ độc lập quốc gia, trong Việt Sử Thông Giám Cương Mục, một số vua Trần chỉ trích nhà nho là bọn “thư sinh mặt trắng toan đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả về y phục, âm nhạc,...” thì đời các chúa Nguyễn lại sử dụng Nho giáo trong guồng máy chính trị và giáo dục. Chẳng hạn, đặt ra quan chế tam ti giúp vua cai trị đất nước, đặt thuế khóa, định nghi lễ trong gia đình, hôn nhân, làng xã và triều chính, định tài chánh (như phát hành tiền đồng, tiền kẽm có khắc chữ Thái Bình…), mở các khoa thi chọn người ra làm quan, như: “Mùa Thu tháng 8, thi văn chức và tam ty ở sân phủ. Thi văn chức thì kỳ đệ nhất tứ lục, kỳ đệ nhị thơ phú, kỳ đệ tam văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về số tiền thóc xuất nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm. Thi hai tu tướng thần lại và lệnh sử thi thì viết một bài thơ. Đình thí bắt đầu từ đó”…

Ở xứ Đàng Trong Phật giáo rất phát triển. Chùa chiền được các chúa Nguyễn chăm lo xây dựng, trùng tu. Nhiều Tăng sĩ Trung Hoa đến xứ Đàng Trong truyền đạo thành công như Viên Cảnh, Viên Khoan, Hưng Liên, Giác Phong, Pháp Bảo, Tử Dung... Các thiền phái phát triển mạnh lúc bấy giờ là phái thiền Trúc Lâm được phục hưng trở lại với sự có mặt của thiền sư người Việt là Hương Hải, phái thiền này sau được Hương Hải truyền ra Đàng Ngoài và rất thịnh; Hai thiền phái từ Trung Hoa là phái thiền Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều và phái thiền Tào Động do Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) truyền sang; Đời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi phát triển chi phái thiền Liễu Quán của Tổ sư Liễu Quán. Trong đó, Nguyên Thiều là người có công truyền đạo tại xứ Đàng Trong, thiền phái Lâm Tế đã ảnh hưởng lớn đến triều đình và dân chúng, Ngài được Hiến Tôn Hoàng Đế (chúa Nguyễn Phúc Chu) ban hiệu Hạnh Đoan thiền sư và khen ngợi rằng: “Cao vút trí tuệ. Phạm hạnh vun trồng. Giới đao một lưỡi,… Hoằng pháp lợi người. Quán thân vốn không. Mây từ che khắp trời tuệ chiếu cùng,…”.

Nhưng Phật giáo thời các chúa Nguyễn đã trở nên yếu thế. Bởi vì, tuy có các Tăng sĩ nổi tiếng từ Trung Hoa sang và Tăng sĩ người Việt có tài đức hoằng đạo. Đời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1744) có thỉnh Đại Tạng kinh đem về cất giữ tại chùa Thiên Mụ. Một số thiền sư làm công việc học thuật như thiền sư Hương Hải dịch kinh, chú giải các kinh, sáng tác bằng tiếng Nôm hơn 30 tác phẩm. Nhưng nền tảng Phật học không phát triển, không thấy sử sách ghi chép đạo tràng giảng dạy Phật học hay phiên dịch kinh điển nào.

Hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Phật giáo không còn phát triển huy hoàng như thời Lý Trần. Vì Phật giáo kể từ cuối đời nhà Trần đến đời nhà Hồ rơi vào suy yếu. Khi quân Minh xâm lược Đại Việt thì Phật giáo Đại Việt dường như bị bật gốc. Quân Minh đã thủ tiêu nền văn hóa của Đại Việt (gom và đốt kinh, sách, phá chùa, đình, miếu, văn bia...), đưa văn hóa Trung Hoa sang để đồng hóa dân Việt thành dân Trung Hoa. Khi đất nước giành lại độc lập tự chủ, triều đại Lê Sơ ra đời, Nho giáo giữ địa vị độc tôn. Phật giáo chỉ còn yên phận lui về dân dã và ảnh hưởng trong xã hội như hình thức của văn hóa tín ngưỡng lâu đời. Vả lại, từ cuối đời Lê Sơ đến Lê Trung Hưng, đến đời Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhân dân vẫn phải sống trong cảnh ly loạn, đất nước bị xâu xé, nghèo đói triền miên, khốn khổ trăm điều. Trước cuộc đời vô thường, con người cần điểm tựa tâm linh nào đó để an ủi và giải quyết khổ đau, họ không có thời giờ để nghiên tầm giáo lý. Các chúa Nguyễn cũng không phải là nhà tu hành như các vua đời Trần (Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông) mà chỉ là tín đồ Phật giáo nhiệt tâm, muốn tạo dựng công đức để cầu nguyện cho cơ nghiệp bền vững, đất nước thái bình.

Các chúa Nguyễn đã có những việc làm đối với Phật giáo như: Sửa chùa, xây chùa, đúc Đại Hồng Chung, mở hội lớn tại chùa, thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Hoa, thỉnh các danh Tăng Trung Hoa và người Việt giảng đạo, mời Tăng sĩ trụ trì chùa, ban sắc tứ cho nhiều chùa, cho dựng văn bia... tựu trung đó là những việc làm mang lại phúc đức như câu nói: “Hóa công thăm thẳm nghìn trùng. Nhắc cân phúc tội, rút vòng vần xoay”(Nhị độ mai).

Phật giáo thời kỳ này có phần nổi trội về tín ngưỡng hơn là học thuật. Sách Đại Nam Thực Lục trang 35, có đoạn ghi về sự ra đời của chùa Thiên Mụ đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “Bấy giờ, Chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ linh khí, cho bền long mạch”. Nói xong bà già biến mất… Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”. Khi đất nước có nạn, chúa thượng Nguyễn Phúc Lan dựa vào Phật giáo để cầu nguyện: “Tân Tỵ, năm thứ 6 (1641), mùa Hạ tháng năm, trời hạn, lúa khô héo, mỗi đấu gạo trị giá 60 đồng tiền, dân chết đói nhiều. Chúa trai giới khấn thầm, rồi được mùa, mùa lại được. Trăm họ đều yên nghiệp làm ăn”. Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) “Canh Dần, năm thứ 19 (1710)… đúc chuông chùa Thiên Mụ nặng 3.285 cân. Chúa thân làm bài minh khắc vào chuông”, “mùa Thu, tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ờ vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu…”

Lại nữa, mở rộng bờ cõi đến nơi nào, các chúa thường xem cảnh trí và cho xây chùa làm “hộ quốc”. Vì đất miền Nam từ Thuận Hóa trở vào khi còn là của Chiêm Thành và Phù Nam, Phật giáo có mặt, nên khi các chúa Nguyễn thực hiện con đường Nam tiến đã biết đồng hóa văn hóa xứ sở và văn hóa người Việt. Phật giáo trở thành tâm điểm để thuần hóa lòng dân đối với vương triều mới. Chẳng hạn, chúa Nguyễn Hoàng xây chùa Long Hưng sau khi lập Dinh Trấn ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Đời Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cũng cho xây chùa Sắc Tứ Hộ Quốc khi thống suất Nguyễn Cửu Vân đánh Chân Lạp ở Đồng Nai.

Cuộc đời của các chúa Nguyễn luôn phải cầm quân chiến trận cùng với việc xây dựng đại nghiệp cho xứ đàng trong. Buổi sơ khai bao giờ cũng vướng mắc nhiều vấn đề khác nhau. Muốn xây dựng nền chính trị độc lập phải xây dựng luôn nền văn hóa riêng. Vì vậy, các chúa Nguyễn luôn có thái độ quan tâm đến hai điểm: Chế độ quan liêu và đời sống văn hóa tâm linh. Triều đình sử dụng Nho giáo trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chọn lấy Phật giáo làm điểm tựa tâm linh. Vì thế có câu nói “Cư Nho mộ Thích”, lấy tôn giáo làm công cụ để thống trị đất nước. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã viết văn bia trùng tu chùa Thiên Mụ, thể hiện tư tưởng “Cư Nho mộ Thích”, trong văn bia có đoạn:

“Ñaát Vieät phöông Nam chöø, coù nöôùc coù non

Baûo saùt traùng leä chöø, maët trôøi chieáu raïng

Töï tónh thanh tònh chöø, suoái tuoân moät ngoïn

Quoác gia an oån chöø, Nho Thích cuøng ban

Ghi caûnh ñeïp naøy chöø, nhaân quaû tuaàn hoaøn

Döïng bia löu daáu chöø, chính giöõ taø an”.

Tuy nhiên, không phải chỉ có hoàng tộc chúa Nguyễn có thái độ “Cư Nho mộ Thích”, trong giới Phật giáo lúc bấy giờ cũng có xu hướng dung hòa tam giáo (Phật, Nho, Lão) để phát triển. Hương Hải thiền sư vốn là “Nho sĩ đầu thiền” nên có tư tưởng “tam giáo nhất thể” với Nho, thể hiện qua một số bài kệ, như: “Chán cảnh phồn hoa mến cảnh Thiền, Tùy thời mới hiệp lẽ đương nhiên… Cho hay nhất thể đồng tam giáo, Đạo cả chưa từng lệch một bên”; “Trong nơi danh giáo có ba. Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân. Đạo thời dưỡng khí an thần. Thuốc trừ tà bệnh, chuyên cần luyện đơn. Thích độ nhân khỏi tam đồ khổ. Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương”. Tư tưởng của Hòa thượng Thạch Liêm có khuynh hướng: Thiền tịnh song tu, Nho Phật nhất trí và Lâm Tào tổng hợp, mang tính nghệ sĩ, có ảnh hưởng đến triều đình. Năm 1695, Thạch Liêm đã viết hai câu đối trước giới đàn thiết lập tại chùa Thiền Lâm: “Phật gia trì giới, nho giả lý trung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực; Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đều về minh tâm kiến tánh, cũng vì răn nơi chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe”. Trong văn học như truyện Quan Âm Diệu Thiện cũng thể hiện tư tưởng Phật và Nho dung hòa: “Chân như đạo Phật rất mầu. Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân. Hiếu là độ được đấng thân. Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài”. Tầng lớp Nho sĩ cũng hòa nhập vào Phật giáo để tìm ra cái tinh hoa của dân tộc. Các nhà Nho cũng thích đàm luận Phật pháp với thiền sư, sáng tác văn chương có tính thiên về Phật giáo, chẳng hạn Lê Quý Đôn với sách Vân Đài Loại Ngữ và Kim Cương Chú Giải, Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sanh, Nguyễn Công Trứ với Vịnh Phật…

Nói tóm lại, thái độ đối với Nho giáo là cách hành động cho guồng máy chính trị, thái độ đối với Phật giáo là cách hành động để an dân. Đó được gọi là công cụ chính trị mà câu nói “Cư Nho mộ Thích” muốn nhấn mạnh. Đất nước mở mang đến đâu, chùa chiền lập ra ở đó, Phật giáo đi song hành cùng dân tộc, làm điểm tựa tâm linh trước những biến động của thời cuộc. Điều này, không có gì tiêu cực cả, nhưng Phật giáo không có cơ hội phát triển huy hoàng vì thiếu những nhà nghiên cứu, đạo trường dịch thuật và trước tác, không có sự chuyển biến mạnh mẽ để thích nghi với thời cuộc, chỉ còn là tôn giáo của tín ngưỡng hơn là tôn giáo của thực hành và luận lý. Tư tưởng dung hòa Phật – Nho trở nên phổ biến từ Tăng sĩ, nhà Nho và hoàng tộc như chỉ để cho cuộc sống dễ chịu, yên ổn, như câu nói của thiền sư Trí đời Lý: “Thả nho gia khả thuyết Quân, Thần, Phụ, Tử chi đạo, Phật pháp khả ngôn Bồ-tát, Thịnh Văn chi công. Nhị giáo tuy thử, kỳ qui tắc nhất. Nhiên xuất sinh tử khổ, đoạn hữu vô kế, phi thích tắc bất năng dã” (nghĩa là: Nho gia có thể thuyết lý về cái đạo vua, tôi, cha, con; Phật giáo có thể nói về việc làm của bậc Thinh Văn, Bồ-tát. Hai giáo lý tuy khác nhau mà đi về một mối. Tuy nhiên, ra khỏi được cái vòng đau khổ của sống chết, cắt đứt được nỗi tính toán Có hay Không, thì chỉ Thích học mới có được mà thôi).

Mỗi thời đại có sự kiện khác nhau giữa giai cấp thống trị đối với Phật giáo và thái độ “Cư Nho mộ Thích” đã làm nên nét riêng biệt của triều đại khai mở đất phương Nam – triều đại các chúa Nguyễn. Thái độ “Mộ Thích” còn thể hiện truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân tộc người Việt Nam vốn đơn giản, hài hòa và thậm chí có tính cách siêu việt tâm linh. Nhưng mặt hạn chế của tư tưởng này chỉ có lợi ích cho thời kỳ và không thể đem lại sự phát triển bền vững cho Phật giáo.¡

 

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007, trang 28.

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007, trang 28.

 Như trên, trang 31.

 Như trên, trang 37.

 Thời Bắc thuộc lần thứ nhất bắt đầu từ khoảng 207-39, tức thế kỷ II trước Tây lịch, thuộc triều đại nhà Hán của Trung Quốc.

 Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa gia đình Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2007, trang 123.

 Tam-ti là: Xá sai-ti (giữ việc từ tụng văn án. Có quan Đô-tri, Ký-lục làm đầu). Tướng-thần-lại-ti (giữ việc thu tiền thu thuế, chi-phát lương thực cho quan các đạo. Có quan cai-bạ làm đầu). Lệnh-sử-ti (giữ việc tế tự, tết nhất và việc chi-cấp lương cho quân ở chính dinh. Có quan Nha-úy làm đầu). (Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Trung Tâm Học Liệu Xuất Bản, bản PDF, trang 135.

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007, trang 109 - 110.

 Mật Thể, Việt nam Phật giáo Sử lược, NXB Tôn Giáo, 2004, trang 194 - 195.

 Như trên, trang 568.

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007, trang 55.

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007, trang 125.

 Như trên, trang 130.

 Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo Dục, 2007 , trang 631 - 632.

 Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược, NXB Tôn Giáo, 2004, trang 188.

 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, 2008, trang 644.

 Như trên, trang 626.

 Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Việt Nam, NXB Thuận Hóa, 1997, trang 323.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 18655)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 8626)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 16143)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10600)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25740)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9595)