Từ Ngữ Phật Giáo Những Ảnh Hưởng Trong Đời Sống Xã Hội - Tắc Phú

31 Tháng Ba 201200:00(Xem: 8548)
Từ ngữ Phật giáo
những ảnh hưởng trong đời sống xã hội
Tắc Phú

blankTrong giao tiếp xã hội, ngôn ngữ là phương tiện để chuyển tải thông tin, là cơ sở để thẩm định phong cách của con người, tổ chức đoàn thể hay tôn giáo, các tầng lớp giai cấp trong xã hội. Qua mọi thời đại, theo sự phát triển của nền học thuật văn hóa xã hội mà ngôn ngữ sẽ có sự biến đổi cho phù hợp. Ở những thời kỳ sơ khai, con người chưa tiến hóa tri thức, ngôn ngữ chỉ có nhiệm vụ thông tin đơn giản, nhưng đến thời kỳ văn minh hiện đại, ngoài nhiệm vụ, chức năng đó, ngôn ngữ còn là phương tiện làm nhịp cầu giao lưu chia sẻ tâm tình. Đối với đạo Phật, ngôn ngữ là công cụ truyền bá Phật pháp hữu hiệu, giúp cho mọi người có thể tiếp cận và hướng về Phật giáo tu học, chuyển hóa tâm linh, thực hành điều thiện, sống đời an vui giải thoát.

Về phương diện lịch sử, đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ cách nay hơn 25 thế kỷ và du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai cho đến nay. Với khoảng thời gian ấy, trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đạo Phật đã có sự gắn bó và gần gũi với các tầng lớp quần chúng nhân dân.

Về phương diện học thuật, đạo Phật đã có nhiều đóng góp đáng kể; Trong lĩnh vực giáo hóa đồ chúng, tiếng nói của Phật giáo đã góp phần cân bằng đời sống tinh thần của con người trong xã hội. Vì thế Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng, nhất là ngôn ngữ, có những từ mà không biết tự bao giờ mọi người thường dùng trở thành quen thuộc trong sinh hoạt như: Nhân duyên, nhân quả, nghiệp chướng, nghiệp lực, luân hồi, kiếp số, tùy hỷ, tùy duyên, hoan hỷ, từ bi, nhẫn nhục, v.v... Ảnh hưởng đạo lý đáng kể của lớp từ ngữ này đã làm thay đổi tư tưởng con người hướng đến cách sống thiết thực, lạc quan, thoát ly khỏi trạng thái tâm lý tiêu cực và sẵn sàng thực hiện hạnh nguyện lợi tha cao cả vì con người. Đó chính là tâm điểm mà đạo Phật có mặt trên thế gian, cũng là yếu tố thiết thực giúp đạo Phật tồn tại, ngày càng phát triển đi sâu vào quần chúng.

1. Những ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo qua lớp từ sinh hoạt trong đời sống xã hội

1.1. Ảnh hưởng triết lý nhân sinh quan từ đạo lý nhân quả, nhân duyên

Từ ngữ Phật giáo, nếu chỉ xét về phương diện cấu tạo từ (vay mượn từ Hán Việt), chúng ta sẽ không thể nào thấu cảm được toàn diện cái hay, cái đẹp tiềm ẩn bên trong chiều sâu của lớp từ ngữ này ẩn trong bình diện nghĩa của từ. Từ góc độ ngữ dụng, cách thể hiện trong giao tiếp ứng xử, mới khám phá được chất nhân văn thấm đẫm, ý vị qua mỗi từ, mỗi chữ đưa con người thoát khỏi trạng thái tiêu cực, bế tắc, hướng đến đời sống tinh thần lạc quan tích cực, biết yêu thương và chia sẻ.

Trong xã hội, chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian có thể khuyên nhau:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. (Ca dao)

Hay: Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng. (Ca dao)

Hoặc:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau. (Ca dao)

Và tế nhị hàm ý:

Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời. (Ca dao)

Cho đến một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, v.v... tất cả đều xuất phát từ điểm nhìn đạo lý nhân quả, nhân duyên, luân hồi và nghiệp báo.

Con người sinh ra trong cuộc đời, theo quan niệm Phật giáo, mọi thứ đều có nhân duyên, có nhân duyên nên mới cùng gặp mặt kết thân làm cha mẹ, chị em; Có nhân duyên nên mới khiến cảnh “người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”. Trong mối quan hệ ấy, con người trưởng thành theo năm tháng, buồn vui khổ đau hay hạnh phúc đều được luân chuyển trong vòng tròn xoắn ốc của nhân duyên. Đối mặt với biết bao cay đắng của cuộc đời, có lúc tưởng chừng như không còn lối thoát, song do tiếp nhận đạo lý nhân duyên, người ta dễ dàng buông bỏ, tha thứ cho nhau và nguôi ngoai những nỗi đau buồn mình vướng phải, vì đã nhận ra tính chất “duyên”:

Ruộng ai thì nấy đắp bờ

Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công. (Ca dao)

Cũng như tiếp nhận lý nhân quả, luân hồi khiến con người cảm thấy lạc quan hơn và tin vào lý lẽ công bằng có nhân thì có quả:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho. (Ca dao)

Và để thuyết phục mọi người có lòng tin tuyệt đối lẽ sống trong hiện tại không chỉ do đời này mà còn có sự liên quan của quá khứ.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. (Tục ngữ)

Ông bà kiếp trước khéo tu

Kiếp này con cháu võng dù nghinh ngang. (Ca dao)

Như trên đã nói, Phật giáo có mặt tại Việt Nam đã nhiều thế kỷ, tuy ở những thế kỷ đầu còn phôi thai, chỉ thuần theo dạng tín ngưỡng, mọi người chưa hiểu nhiều về giáo lý của đạo Phật nhưng vẫn được các bậc cao Tăng tinh tế lồng ghép vào trong cách truyền đạo bằng những câu chuyện mang tính chất nhân quả, nghiệp báo, luân hồi để khuyên người tu dưỡng đạo đức, bỏ ác làm thiện, như: Câu chuyện Tấm Cám, Con muỗi hút máu, Ăn khế trả vàng, v.v... mang đậm tính chất nhân văn. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức của con người về đời sống thực tại.

1.2. Ảnh hưởng thuyết Nghiệp trong nhận thức

Từ cái nhìn hiện thực vào cuộc sống theo luân hồi, nghiệp báo khiến con người thoát khỏi vỏ bọc tiêu cực định kiến:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.

[Truyện Kiều, câu 3249]

Theo Phật giáo, nghiệp khởi đầu từ thói quen và được tích lũy định hình theo năm tháng qua các hành vi thân, miệng, ý. Thói quen xấu sẽ đưa đến kết quả xấu (quả báo) và ngược lại điều thiện thường tích lũy trong tâm sẽ đưa đến đời sống an lạc, hạnh phúc. Nghiệp không phải là cố định, nó được tích lũy trong môi trường giao tiếp, trong nhận thức, từ đó dẫn đến hành động có phân biệt đúng sai. Do vậy thay đổi nhận thức thì nghiệp cũng thay đổi. Nhận diện được như thế, con người sẽ không quá đau khổ khi gặp việc không như ý và sẵn sàng cải tạo tự thân mình để có cuộc sống tinh thần bao dung, phóng khoáng; Không có thái độ tiêu cực “ôm cây đợi thỏ”, hay “ngồi chờ sung rụng” mà tích cực nuôi dưỡng điều tốt đẹp, vì gieo nhân nào thì gặt quả đó:

Cười người chớ khá cười lâu

Cười người hôm trước, hôm sau người cười. (Ca dao)

Hơn nữa, trong giao tiếp ứng xử, ít ai chịu thừa nhận mình ngu dốt, ngu si, nhưng hiểu học thuyết Nghiệp, có thể khiến cho người ta có thể chấp nhận cái nghiệp của mình tốt hay xấu. Ví dụ, thay vì nói: “Tại tôi ngu quá nên chẳng làm được gì” thì có thể chuyển thành cách nói “Tại nghiệp tôi nặng quá, nên làm việc gì cũng trắc trở”, để rồi từ đó nỗ lực vạch ra hướng đi tốt đẹp cho chính mình, tạo điều kiện giải trừ nghiệp xấu. Nếu không có được phương tiện thuận lợi để vươn lên, người ta cũng không quá buồn tủi cho số phận, bởi biết rằng nghiệp nhân đã gieo, nghiệp quả đã trổ thì phải thay đổi dần dần, giống như nhổ cỏ cú thì phải mỗi ngày một ít, gia tâm đào lấy gốc rễ của nó, mới mong dứt sạch hoàn toàn.

Đối với Phật giáo, trên phương diện trí tuệ, mọi người thảy đều bình đẳng không có ai dốt hơn ai, chẳng qua là do nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ mà có sự sai khác nhau trong nhận thức. Do tin tưởng điều đó, để tâm hồn thanh thản, con người sẽ chọn cách sống thiết thực:

Lễ Phật thì đặng việc hiền

Bao nhiêu nghiệp chướng não phiền đều tan. (Ca dao)

Vì mọi người ai cũng hiểu “quả ngọt mọc ra từ cây phước, quả đắng mọc ra từ cây nghiệp, tất cả đều do con người tự tay vun đắp mà nên”. [Nguồn VnExpress]

1.3. Ảnh hưởng phong cách sống

Trạng thái tâm lý tùy duyên, tùy hỉ, tùy thuận là cách giúp cho con người thoát khỏi tâm niệm tham cầu, hẹp hòi ích kỷ. Hiểu được điều này, trong công việc, mọi người đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bổn phận của mình nhưng không tha thiết mong cầu báo đáp tương xứng; Cũng không bao giờ thắc mắc tại sao lại như thế này, tại sao như thế kia, Tại sao người ta đối xử với mình nhạt nhẽo không nồng hậu như người kia, v.v... Do không bám víu vào ý nghĩ ấy nên con người cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thấy người xuất tiền của ra bố thí, cúng dường, làm từ thiện, thì khởi tâm tùy hỉ, khen ngợi, tán dương. Đồng thời sẵn lòng tùy thuận theo việc làm của người thân mà không hề có tâm đố kỵ, chê bai.

Trong giao tiếp, việc ứng xử sao cho vừa lòng người quả là nghệ thuật vô cùng tinh tế, bởi lẽ “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Vì vậy, tùy duyên, tùy hỉ và tùy thuận là phương thức sống thể hiện con người có văn hóa và trí tuệ.

Trong các kinh điển, đức Phật thường tán thán hạnh tùy thuận và tùy hỷ, Ngài cho rằng những ai không có tiền của cúng dường Tam bảo, cúng dường chư Tăng Ni, hay bố thí cho người nghèo khổ; Không có thời gian đóng góp công sức mình cho xã hội, nhưng có tâm tùy thuận và tùy hỷ thì kết quả phước đức tương đồng với người thực hiện đóng góp tài sản và công sức kia. Ngài luôn khen ngợi thái độ biết sống tùy duyên của hàng đệ tử, không luận là tại gia hay xuất gia.

2. Giá trị của từ ngữ Phật giáo trong đời sống xã hội

Ngoài lớp từ Hán Việt vay mượn mang tính chọn lọc, uyển ngữ, làm cho từ ngữ Phật giáo mang tính trang trọng, uyên bác, sâu sắc, lớp từ ngữ này còn hàm tính giáo dục cao về đạo đức, trước hết là giáo dục tự thân, làm cho cuộc sống chính mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng hơn. Biết rõ “phiền não” là chất đốt tai hại, có thể hủy diệt tâm lương thiện, nên con người luôn hoan hỷ, nhẫn nhục tránh va chạm những điều phiền phức “một câu nhịn chín câu lành” hay “tránh voi chẳng hổ mặt nào”, hoặc là “chén chung sóng còn va chạm huống chi con người”, v.v... Do vậy, trong cuộc sống, con người thường mở lòng mình khoan thứ, bao dung.

Từ quan niệm ở hiền thì gặp lành, “ác giả ác báo” hay “chạy trời không khỏi nắng”; Sông có khúc, người có lúc; Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, nên “từ bi, hỷ xả” là nền tảng thiết lập mối quan hệ tình làng nghĩa xóm trong nếp sống và nếp nghĩ của dân gian Việt Nam “thương người như thể thương thân” và “làm lành để đức cho con”.

Giá trị đạo đức có ảnh hưởng sâu rộng nhất của lớp từ ngữ sinh hoạt Phật giáo là đạo lý nhân quả, luân hồi, nghiệp. Quan niệm nhân quả, luân hồi chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của dân gian Việt Nam. Con người phải có trách nhiệm về những hành động của mình, chết đi không phải chấm dứt tất cả mà là sự luân chuyển sang một hình thái khác tương ứng với nghiệp nhân mình đã làm trong quá khứ. Câu chuyện Tấm Cám là một ví dụ điển hình, kẻ làm ác sẽ bị báo ứng. Nhờ đạo lý này mà an ninh trật tự xã hội ổn định, nó kiềm hãm được những cá tính bồng bột, nông nổi, thiết lập tính chuẩn mực công bằng của xã hội. Tham gia giao thông trên đường, vi phạm luật đèn đỏ sẽ bị phạt hay sát hại người thì phải đền mạng, v.v... Nếu không có luật nhân quả hiện hành thì mọi thứ đều sẽ đảo lộn, con người sẽ mất đi nhân cách, phẩm chất tốt đẹp vốn có của mình. Không chỉ như thế, tính nhân văn tốt đẹp của đạo lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo khiến mọi người phát tâm từ thiện, tự nguyện trích phần chi tiêu hàng ngày của mình để chia sẻ với những người bất hạnh hiện tại và mong đem phước đức ấy hồi hướng đến cho người thân của mình trong cõi vô hình nào đó được an vui.

Những điều đó hình thành nên nét đẹp văn hóa cho xã hội trong hiện tại và cả tương lai. Gia đình biết thực thi nhân quả sẽ cho thế hệ sau tương lai tốt đẹp. Con người biết mở lòng từ bi hướng đến người khác sẽ cho xã hội niềm tin vào lẽ sống, vượt qua khổ đau hiện tại của chính mình. Nhiều chương trình hành động: Đi bộ vì người nghèo, Câu chuyện ước mơ, Ngôi nhà mơ ước hay Tết vì người nghèo, Vượt lên chính mình, v.v... do kênh truyền hình HTV tổ chức, đã cho thấy nét đẹp văn hóa được thể hiện từ những tấm lòng nhân ái của con người trong xã hội, mà hệ quả tất yếu của những việc làm đó đã được đúc kết từ niềm tin vào đạo lý nhân quả, nhân duyên. Giải tỏa nỗi khổ đau của người khác, chính là tự thân đang xây lâu đài hạnh phúc an lạc nội tâm cho chính mình. Vì thế con người không ngừng làm điều thiện, tích lũy việc tốt cho mình, cùng chung tay vì cộng đồng hướng đến cuộc sống văn minh đầy tình thương cao đẹp.

3. Giá trị của từ ngữ Phật giáo trong văn học

Trong lĩnh vực văn học, từ ngữ sinh hoạt Phật giáo có sự đóng góp đáng kể vào kho từ vựng tiếng Việt, biểu đạt ý nghĩa cô đọng, súc tích, hình tượng, hàm nghĩa trang trọng, giúp con người dễ dàng cảm nhận được triết lý nhân sinh quan của cuộc đời, qua các câu ca dao và thơ ca như Truyện Kiều hay các bài văn tế của Nguyễn Du, các tác phẩm văn học. Trong đó, Hồ Biểu Chánh là nhà văn Nam bộ đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải tinh thần nhân quả, nghiệp báo gửi gắm qua các tác phẩm văn học của mình: “Nợ đời”, “Con nhà nghèo”, “Cha con nghĩa nặng”, “Tơ hồng vương vấn”, v.v... là những tác phẩm có giá trị nhân văn đối với người dân Nam bộ không chỉ vào các thập niên đầu thế kỷ XX mà cho đến thế kỷ XXI, hiện tại đã được chuyển thể sang kịch bản phim truyện, đề cao giá trị nhân cách của con người.

3.1. Từ ngữ Phật giáo trong Ca dao, tục ngữ

Ca dao, tục ngữ là mảnh đất trù phú đúc kết những kinh nghiệm, tâm tình hồn nhiên chân thật của dân gian nhằm mục đích thông báo răn dè, nhận định về vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Trong đó, từ ngữ Phật giáo được sử dụng khá nhiều, góp phần xây dựng đạo đức con người. Ví dụ:

Sân si nghiệp chướng không chừa

Bo bo mà giữ tương dưa ích gì. (Ca dao)

Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo. (Tục ngữ)

Có duyên ngàn dặm cũng gần

Vô duyên dẫu gặp mấy lần cũng xa.

Nghèo hèn thì chẳng ai nhìn

Đến khi đỗ trạng tám nghìn nhân duyên. (Ca dao)

Bội giác hiệp trần là nguyên nhân đau khổ

Quay đầu giác ngộ là mục đổ Như Lai.

[Thích Trung Hậu, Ca dao, Tục ngữ Phật giáo]

3.2. Từ ngữ Phật giáo trong tác phẩm văn học, thi ca

Từ ngữ Phật giáo không chỉ xuất hiện trong ca dao mà còn được Nguyễn Du khéo léo đưa vào Truyện Kiều, để mô tả cho cảnh long đong một đời tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều:

Âu đành là kiếp nhân duyên

Cùng người một hội cùng thuyền đâu xa. [203-204]

Số còn nặng nghiệp má đào

Người dù muốn quyết trời nào đã cho. [907-908]

Đánh liều nhắn một hai lời

Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. [989-990]

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi. [1013-1014]

Kiếp này duyên đã phụ duyên

Dạ đài còn biết, sẽ đền lai sinh. [2229-2300]

4. Kết luận

Từ tính thực tiễn được thể hiện qua đạo lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, v.v... của Phật giáo có giá trị thiết thực trong đời sống con người, hiện nay không chỉ giới tri thức mà giới bình dân cũng để tâm tìm hiểu về đạo Phật. Mọi người đến với đạo Phật không phải để thỏa mãn tri thức mà là nhằm tìm ra phương hướng giải tỏa những khúc chiết trong đời sống, cân bằng trạng thái tâm sinh lý, tìm đến sự thanh thản bình yên của tâm hồn và tạo nền tảng phúc lành cho tương lai. Chính do những nhân tố trên nên từ ngữ Phật giáo được phổ cập rộng rãi trong các giới.

Vì thế, nếu như trước đây, các từ ngữ Phật giáo này chỉ xuất hiện trong “bút ngữ” thì hiện nay đã được dùng qua khẩu ngữ. Mọi người sử dụng từ ngữ Phật giáo không phải vì muốn tỏ ra mình là đệ tử Phật giáo, người có nghiên cứu về Phật giáo hay vì tính uyên bác của từ ngữ, mà chủ yếu là do nghĩa của lớp từ đó thích hợp để chuyển tải những điều mà người nói muốn thể hiện như các từ “sám hối, phiền não, thanh tịnh, hoan hỷ, an lạc, tùy hỷ, giác ngộ, v.v...”.

Từ đó có thể thấy, việc sử dụng lớp từ ngữ sinh hoạt Phật giáo ngày càng đi sâu vào xã hội là do giá trị đạo lý thiết thực trong đời sống được thể hiện qua từ ngữ, giúp cho sự tồn tại của các lớp từ ngữ này ổn định, không bị mai một theo thời gian và không gian.

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đức Dân (2000), Ngữ Dụng học (I), Nxb. Giáo dục.

[2] Nguyễn Du (1972), Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

[3] Thích Trung Hậu (sưu tập) (2002), Ca dao Tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội – những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học Xã hội.

[5] Trần Thị Ngọc Lang (1995), Phương ngữ Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.

[6] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận (I, II, II), Nxb. Văn Học, Hà Nội.

[7] Thích Nguyên Tạng (2008), Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống người Việt, Tạp chí thư viện Huệ Quang.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 18651)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 8621)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 16141)
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10595)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25737)
10 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9595)