Đúng Và Sai

15 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 13444)

ĐÚNG VÀ SAI
Hoàng Tá Thích

blankTrong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, có câu chuyện kể về một người lái buôn bị lạc vào một nơi xa lạ rất kỳ dị. Người lái buôn này là một chàng thanh niên đẹp như Phan An, Tống Ngọc (hai người Trung Hoa thời nhà Tống được kể như là điển hình cho vẻ đẹp đàn ông) theo một đoàn thương thuyền mang hàng hóa vượt biển. Một hôm gặp bão, tàu đắm, chàng thanh niên bị trôi dạt vào một hoang đảo, nằm bất tỉnh úp mặt trên bờ biển. Những người dân trên đảo này đi làm cá, bắt gặp có người bị nạn liền kéo nhau đến cứu. Nhưng vừa lật ngửa chàng thanh niên ra, mọi người đều la lên hoảng sợ. Có người hét lớn: “Quỷ! quỷ!”. Tiếng hét làm chàng thanh niên tỉnh dậy. Vừa nhìn thấy những người dân trên đảo này, chàng cũng hoảng sợ muốn ngất đi. Thì ra những người dân ở nơi này mặt mày xấu xí như quỷ dạ xoa. Cuối cùng thì chàng thanh niên cũng được dẫn đến trình diện một vị quan sở tại. Vừa gặp vị quan này, chàng thanh niên lại suýt bị ngất đi lần nữa, vì vị quan này còn xấu xí hơn những người dân kia. Khi được đưa đến trình diện vị vua của xứ này thì chàng thanh niên mới hiểu ra là càng có địa vị cao thì bộ mặt lại càng xấu xí, và chàng cũng không thể diễn tả được vị vua nước này xấu xí đến mức nào. Trái lại khi nhà vua trông thấy chàng thanh niên kia, thì ngài cũng giật mình thốt lên: “Trời ơi, sao lại có người xấu xí đến như thế, làm ta sợ muốn chết”.

Xem như vậy thì đẹp hay xấu chỉ là một quan niệm, một ước lệ về mỹ thuật của từng nơi mà thôi. Chắc chắn những người dân trên đảo này cũng có thể khen trời đẹp, như những người ở nơi khác, vì không có một bầu trời khác để so sánh. Chắc chắn những người dân trên đảo này cũng thấy nước biển là mặn, vì nước biển mặn là một sự thật khách quan. Nhưng xấu đẹp lại là một vấn đề khác. Mặc dù chàng thanh niên kia cũng có mắt mũi như họ, nhưng lại hoàn toàn khác với họ, nên họ có thể so sánh một cách chủ quan trên quan niệm về mỹ thuật của xứ đó.

Ngày xưa Tây Thi, Dương Quý Phi, Cléopatre… đẹp thế nào thì không biết, nhưng ai cũng biết nữ minh tinh màn bạc Liz Taylor, Marilyn Monroe… là những người đẹp. Thế mà cũng có người không đồng ý như thế. Trịnh Công Sơn nổi tiếng là một người tài hoa, các ca khúc của ông được rất nhiều người yêu thích. Thế mà vẫn có người cho là tầm thường, chẳng có gì hay, có thể vì một lý do nào đó không hiểu được. Tất nhiên họ cũng phải có những lý lẽ nào đó để bảo vệ ý kiến của mình, và cho dù những lý lẽ của họ là khác thường thì cũng không ai có thể khẳng định những lý lẽ đó là sai, bởi đó chỉ là một quan niệm về nghệ thuật, ngay cả khi họ không dựa trên một căn bản nào để nhận định. Có điều, người ta có thể cho người đó là gàn, là quá sức khác người. Tuy nhiên, nếu nói đến một nhân vật như Hitler của Đức Quốc xã thì không ai không đồng ý đó là một kẻ có tội đã giết hàng triệu người Do Thái. Nhưng Hitler đúng hay sai thì lại chưa chắc có thể quả quyết được, vì phải có một lý thuyết vững chắc nào đó thì ông ta mới có thể điều hành cả một chính quyền có sức mạnh ảnh hưởng đến cả thế giới như thế, dù đối với thế giới, Hitler không có chính nghĩa. Hoa Kỳ chấm dứt cuộc Thế chiến thứ hai ở mặt trận Thái Bình Dương bằng hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản giết chết hàng triệu người, rõ ràng là có chính nghĩa, nhưng cũng không thể quả quyết là đúng hay sai được.

Quốc gia nào cũng có những quy ước mà dân chúng phải tuân theo, nhưng không phải quy ước nơi nào cũng giống nhau, mặc dù đều dựa trên căn bản luật pháp, để duy trì trật tự xã hội: ví dụ phần đông trên thế giới, xe đều chạy bên phải, nhưng ở một vài quốc gia như Anh quốc, Hongkong… xe lại chạy bên trái. Đĩ điếm được cho là một tệ nạn xã hội, và đều bị cấm đoán hầu như trên khắp thế giới, nhưng ở một vài quốc gia như Hòa Lan, Ấn Độ… thì lại được coi là hợp pháp, có tổ chức hẳn hòi.

Xã hội nào cũng có những phong tục tập quán, nhưng không phải nơi nào cũng giống nhau. Ví dụ ở Âu Mỹ, ăn mì sợi hút vào sồn sột làm người khác khó chịu thì trái lại ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, điều đó lại bình thường. Nhiều người nuôi chó, thấy tình nghĩa của chó đối với chủ, nên không bao giờ họ có thể ăn thịt một con vật quá gần gũi với mình được, vì người ta cho là tội nghiệp và họ không thích những người ăn thịt chó. Nhưng ở Hàn Quốc, người ta ăn thịt chó như một loại thịt rất phổ thông. Luật pháp của phần đông các quốc gia tiến bộ không cho phép người ta có hai vợ, nhưng ở một vài nước, người đàn ông có thể có bao nhiêu vợ cũng được.

Vậy thì đúng và sai là những điều hết sức khó phân định; cũng vậy, những điều được gọi là hợp pháp hay bất hợp pháp cũng chỉ là dựa theo quy ước, chẳng có điều gì tự thân nó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Thế nhưng điều tốt và điều xấu thì có thể phân biệt được. Theo quan điểm của nhà Phật, điều tốt là điều đem lại lợi ích cho mình và cho người, đem lại lợi ích cho cả hai. Làm lợi cho mình mà đem lại hại cho người thì đã đành không phải là điều tốt; nhưng làm lợi cho người mà mang lại hại cho mình thì nhà Phật cũng không cho đó là điều tốt. Chẳng hạn, cướp của người giàu rồi đem phân phát hết cho kẻ nghèo thì làm lợi cho người này mà lại gây hại cho người kia và bản thân mình có thể phải chịu đựng những rủi ro, chưa kể phải chịu nghiệp xấu, thì rõ ràng không phải là điều tốt theo quan điểm nhà Phật. Nhưng những vị hành Bồ-tát hạnh, chấp nhận thiệt thòi về phần mình để mang lại lợi lạc cho người lại là một vấn đề khác, vì các vị đó hiểu được như vậy là tốt cho tiến trình giải thoát của họ; nghĩa là các vị đó cũng hành xử trên tiêu chuẩn lợi mình lợi người; chỉ khác ở chỗ cái lợi mà họ có được không phải là cái lợi thế tục trước mắt. Phân biệt được để có thể tránh điều xấu, làm điều tốt là một cách sống có thể đưa con người đến thân tâm an lạc như tư tưởng cốt lõi của Phật giáo: “Làm điều thiện cho mình và cho người, tránh làm điều ác cho mình và cho người để cuối cùng đạt đến thân tâm an lạc”. Cái khó là biết phân biệt cho được đúng đắn hai chữ tốt và xấu. „■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 138

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tám 2015(Xem: 8020)
Biển Pháp mênh mông, chúng sanh nhỏ bé, lặn hụp, bị chi phối rất nhiều trong vòng sanh tử luân hồi. Do đó, hiểu được Pháp, hành được Pháp là một điều không phải dễ.
26 Tháng Bảy 2015(Xem: 8210)
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Hành trình Tây Tạng của Hòa thượng Minh Tịnh Nhẫn tế (1935-2015), Tổ sư Khai sơn Tây Tạng tự, môn đồ đệ tử đời thứ ba và chư huynh đệ thân hữu thiện trí thức đã kết tập hình ảnh, tư liệu về cuộc đời của Hòa thượng
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 5692)
NỘI DUNG SỐ NÀY: ¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ TÙNG TRIÊU TRIỆT NGỘ CẢM TÁC (thơ chữ Hán ĐNT Tín Nghĩa – Lam Nguyên dịch), trang 8 ¨ NHƯ BÓNG CÂU (thơ Kiều Mộng Hà), trang 8
09 Tháng Năm 2015(Xem: 21468)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã
20 Tháng Tư 2015(Xem: 117852)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
01 Tháng Ba 2015(Xem: 8723)