Tin Tức Và Hình Ảnh

11 Tháng Hai 201200:00(Xem: 8092)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức



Chương Trình Hội Thảo
Danh Sách Các Bài Tham Luận
Lễ Khai Mạc (Ngày 15-07-2006)
Hội Thảo (Ngày 15 và ngày 16-07-2006)
Đoàn Hội thảo trồng cây bồ đề tại khu đất mới Nam Saigon HVPGVN (ngày 17-7-2006)
Thông báo của Viện NCPH VN về Kết quả hội thảo

Tin Tức Hội Thảo Qua Các Báo:
1. Cần lưu giữ văn hóa cổ xưa cùng phát triển kinh tế, (VietNamNet)
2. TT. Thích Giác Toàn trả lời phỏng vấn của Cable TV
3. TP Hồ Chí Minh: Khai mạc hội thảo Phật giáo quốc tế
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư chúc mừng (Tuổi trẻ)
4. Phật Giáo Việt Nam Trong Thời Đại Mới (Lao Động)
5. Dịch Đại Tạng Kinh Bằng Máy Vi Tính (Tuổi Trẻ)

Nhận Định Sau Hội Thảo:
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Tuần báo V-Times (San Jose)
Tạp ghi về Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức”

 
 
 

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO

Từ ngày 15 đến 17/7/2006, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và Thách thức". Mời quý vị theo dõi lịch trình của Hội thảo này.

Thứ bảy, ngày 15/07/2006

07:30 am: Lễ khai mạc
08:00 am: Phát biểu chào mừng Hội thảo của các cấp lãnh đạo
08:30 am: Bài thuyết trình chính của GSTS. Noritoshi Aramaki, Đại Học Otani, Nhật Bản
09:00 am: Thuyết trình về chủ đề 1: “Phật giáo và những vấn đề toàn cầu”
10:00 am: Giải lao
10:15 am: Thảo luận
11:45 am: Chụp hình lưu niệm
12:00 am: Ăn trưa
12:30 am: Tham dự Mạn-ðà-la, cầu nguyện quốc thái dân an
13:15 pm: Thuyết trình chính của GSTS. R. Clark, Đại Học Stanford, Hoa Kỳ
13:45 pm: Thuyết trình về chủ đề 2: “Tìm kiếm những giải pháp”
14:45 pm: Giải lao
15:00 pm: Thảo luận
17:30 pm: Ăn chiều

Chủ Nhật, 16/07/2006

07:30 am: Bài thuyết trình của TS. Trương Như Vương, Viện Chiến Lược và Khoa Học
08:00 am: Thuyết trình về chủ đề 3: “Phật giáo và dân tộc”
09:20 am: Giải lao
09:45 am: Thảo luận
12:00 am: Ăn trưa
13:15 pm: Bài thuyết trình của Thượng tọa Tuệ Sỹ
13:45 pm: Thuyết trình về chủ đề 4: “Phật giáo và vấn đề kinh tế - chính trị”
14:45 pm: Giải lao
15:00 pm: Thảo luận
17:00 pm: Bế mạc hội thảo
17:30 pm: Ăn chiều
18:00 pm: Chương trình văn nghệ

Thứ hai, ngày 17/07/2006

08:00 am: Lễ trồng cây tại khu đất mới của Học Viện Phật giáo Việt Nam
10:30 am: Tham quan Thiền Viện Thường Chiếu
11:00 am: Ăn trưa tại Thiền Viện Thường Chiếu
12:30 am: Tham quan Đại Tòng Lâm
15:00 pm: Tham quan Chùa Ấn Quang
16:00 pm: Tham quan Chùa Xá Lợi
17:00 pm: Ăn chiều tại chùa Vĩnh Nghiêm 


LỄ KHAI MẠC 
Phóng Viên Xuân Lan (Phật tử Việt Nam) thực hiện

Sáng ngày thứ bảy 15/7/2006, tại Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới – Cơ hội và Thách thức” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc. Dưới đây là một số hình ảnh sinh hoạt trong ba ngày hội thảo do Phóng viên Xuân Loan gửi về từ Thành phố Hồ Chí Minh. (một số do Nguyên Định gửi - có ghi chú)


 htpg-hoithao-01
Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM
(Ảnh: Nguyên Định)

toancanhhoithao
htpg-khaimac-01

 

htpg-khaimac-08htpg-khaimac-07htpg-khaimac-06htpg-khaimac-05htpg-khaimac-04htpg-khaimac-03htpg-khaimac-02

HỘI THẢO NGÀY THỨ NHẤT & NGÀY THỨ HAI
(Click vào ảnh xem ảnh lớn hơn)
htpg-hoithao-ven_thichgiactoanhtpg-hoithao-ven_shijiandahtpg-hoithao-ven_chokitohtpg-hoithao-tt_thichgiaquanghtpg-hoithao-thichgiactoanhtpg-hoithao-langmaihtpg-hoithao-drnoritoshihtpg-hoithao-dr_wongchunwaihtpg-hoithao-dr_thichtrihoanghtpg-hoithao-dr_stevenhtpg-hoithao-dr_luongcanliemhtpg-hoithao-dr_karmalekshetsomohtpg-hoithao-dr_kantorhtpg-hoithao-dr_hisatoshihtpg-hoithao-dr_doquanghunghtpg-hoithao-dr_dhammaratanahtpg-hoithao-dr_devidohtpg-hoithao-dr_asangahtpg-hoithao-09shtpg-hoithao-07shtpg-hoithao-06shtpg-hoithao-04s_0htpg-hoithao-03shtpg-hoithao-02s_0

ĐOÀN HỘI THẢO TRỒNG CÂY BỒ ĐỀ TẠI KHU ĐẤT NAM SAIGON 
DỰ TRÙ XÂY DỰNG HỌC VIỆN PHẬT GIÁO TP. HỒ CHÍ MINH 
Ngày 17-7-2006
(Click vào ảnh xem ảnh lớn hơn)

Sau hai ngày tham gia Hội thảo, trong ngày 17/7/2006, các đại biểu đã đến dự Lễ trồng cây bồ đề tại khu đất mới (toạ lạc tại Nam Saigon) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Tới dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

htpg-hocvien-07htpg-hocvien-06htpg-hocvien-05htpg-hocvien-04htpg-hocvien-03htpg-hocvien-02

Mô hình Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP HCM Đô Thị Nam Saigon (Ảnh: Nguyên Định)

 


PHẬT GIÁO VIỆT NAM 
GÓP PHẦN PHỤNG SỰ ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC và NHÂN LOẠI
Hương Giang (Cable TV) phỏng vấn TT. Thích Giác Toàn


“Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức” là tên cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong hai ngày 15 và 16/7 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hội thảo khoa học về Phật giáo có tầm cỡ quốc tế lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam. Ban Tổ chức cho biết, có khoảng 60 giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học của Việt Nam và quốc tế sẽ tham dự hội thảo này. Phóng viên Báo điện tử phỏng vấn Thượng toạ Thích Giác Toàn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố HCM.

P.v: Thưa Thượng toạ, cuộc hội thảo được tổ chức nhằm mục đích gì?

Thượng toạ Thích Giác Toàn: Trong nhiệm kỳ V của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều ổn định, được củng cố và phát triển. Ngành Nghiên cứu Phật học cũng vậy. Nhiệm kỳ V sẽ kết thúc vào năm 2007, chúng tôi muốn tạo một nét mới trước khi tổng kết nhiệm kỳ. Năm nay, lễ Phật đản 2550 được tổ chức rất long trọng ở Thái Lan - một nước có phật giáo phát triển mạnh ở Đông Nam Á và châu Á với 45 nước tham dự. Việt Nam cũng là thành viên của Ban Tổ chức. Điều đó cho thấy vị thế của Phật giáo Việt Nam đối với các nước. Từ những lý do trên, Viện Nghiên cứu Phật giáo và Học viện Phật giáo Việt Nam đã quyết định tổ chức hội thảo này. Đây là cơ hội tốt để giới trí thức, giới nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước có dịp đóng góp những nghiên cứu mới nhằm thúc đẩy toàn diện các mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là ngành Nghiên cứu Phật học cũng như ngành Giáo dục đào tạo của Giáo hội.

P.v: Việc tổ chức hội thảo có nhận được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu Phật giáo trên thế giới?

Thượng toạ Thích Giác Toàn: Hiện nay, Ban Tổ chức đã nhận được trên 80 tham luận của các nhà nghiên cứu phật học ở trong và ngoài nước. Hơn 10 nước trên thế giới đã nhận lời tham gia, trong đó có các nước lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Australia.. . Điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà trí thức, các nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới đối với công cuộc xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam trong thời đại ngày nay.

P.v: Tại sao hội thảo lại chọn chủ đề “ Phật giáo trong thời đại mới- cơ hội và thách thức” ?

Thượng toạ Thích Giác Toàn: Chủ đề này nhằm khẳng định sự hiện diện của Phật giáo trong lòng dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam trong lòng thế giới. Phật giáo ở Việt Nam cũng như Phật giáo trên thế giới đang có những cơ hội và thách thức. Về cơ hội, Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam trên dưới 2000 năm. Đất nước ổn định, hoà bình và phát triển. Vị trí của Phật giáo ngày càng được khẳng định trong đời sống tinh thần của nhân loại. Vừa qua, tổ chức LHQ đã công nhận ngày Đại lễ đức Phật đản sinh là ngày Lễ hội tôn giáo thế giới. Trong xu thế đó, Phật giáo Việt Nam muốn góp phần phụng sự cho đất nước, cho dân tộc và cho nhân loại. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam cũng đứng trước những thách thức. Hiện nay trên thế giới xuất hiện khuynh hướng lấy tham, sân, si làm chủ trương để gây rối cuộc sống hoà bình của nhân loại. Bên cạnh xu thế phát triển văn minh khoa học để phụng sự loài người thì cũng có những thế lực lợi dụng khoa học để chế tạo vũ khí, chi phối cuộc sống, đưa đến đau khổ. Đó là những thách thức đối với quan điểm tốt đẹp của đạo Phật. /.

P.v: Xin cảm ơn Thượng toạ.

Hương Giang (CTV) 


CẦN LƯU GIỮ VĂN HOÁ CỔ XƯA 
CÙNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Tin và ảnh: Phạm Cường (VietNamNet)

(VietNamNet) - Hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới - cơ hội và thách thức” đã khai mạc vào sáng 15/7 tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Phật học VN. Hội thảo sẽ diễn ra đến ngày 16/7 với sự tham dự của khoảng 60 giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học đến từ 30 nước trên thế giới.

Hội thảo được đánh giá là có tầm cỡ quốc tế lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại VN. Có gần 100 tham luận của các giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu Phật học từ châu Âu, Mỹ, Nhật, Sri Lanka, Thái Lan, VN… được gửi đến hội thảo.

Phật giáo VN được xem là phát triển mạnh trong những năm gần đây. (Ảnh: Phạm Cường)

Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề chính: Phật giáo và các vấn đề toàn cầu; Tìm kiếm giải pháp; Phật giáo và dân tộc; Phật giáo và kinh tế - chính trị.

Về cơ hội cho Phật giáo trong thời đại mới, Thượng tọa Thích Minh Tâm, một diễn giả được mời dự từ Mỹ, cho rằng, sự phát triển công nghệ thông tin là một thuận lợi rất đáng kể cho sự phát triển của Phật giáo. Nhờ đó, việc hoằng pháp sẽ dễ dàng hơn, việc lưu dữ liệu sẽ tốt hơn và các trường đại học Phật giáo sẽ được thành lập nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo Ban tổ chức Hội thảo, đi cùng sự phát triển của khoa học, kinh tế trong thời đại mới, tinh thần vật chất và tính thực dụng khiến cho lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo trên thế giới lo ngại. Khuynh hướng này thật sự đe dọa đến bản sắc văn hóa và truyền thống tâm linh tốt đẹp của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nước có nền văn minh cổ xưa như VN.

Lời cảnh báo đối với VN là cần đặc biệt chú trọng lưu giữ bản sắc văn hóa cổ xưa, trong đó có văn hóa tâm linh, tạo nét khác biệt so với các nước song hành với phát triển kinh tế.

Tính hướng thiện một lẫn nữa được đề cao tại hội thảo. Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu khẳng định: "Đức Phật khuyến khích các học trò, đệ tử mình sống tốt, sống thiện, tránh tranh chấp, tranh cãi, sống nhiệt tâm, để chiến thắng tham sân si, thực nghiệm an lạc Niết bàn cho tự thân và làm lợi ích cho cuộc đời".

Cùng với hội thảo, Ban Tổ chức còn tổ chức lập Mạn-đà-la Quán Thế Âm để cầu quốc thái dân an và nhiều hoạt động văn hoá khác, trong đó có chương trình văn nghệ mang chủ đề "Phật giáo và dân tộc".

Tin và ảnh: Phạm Cường (VietNamNet)


TP. HỒ CHÍ MINH KHAI MẠC HỘI THẢO PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư chúc mừng
Tin và ảnh: Nguyễn Thuỷ (Tuổi trẻ))

Hôm qua 15/7, hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và thách thức" đã khai mạc tại Thiền viện Vạn Hạnh, kéo dài đến ngày 17/7. Hội thảo quy tụ khoảng 40 đại biểu quốc tế và 150 đại biểu trong nước là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu Phật học. Đến dự còn có đại diện Ban Tôn giáo TP.HCM, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Hội Phật giáo các tỉnh thành, đại diện ngoại giao, các nhân sĩ, trí thức... Đây được coi là hội thảo Phật giáo quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại VN.

Khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN đã khái quát nguyên lý sống và lời khuyên hành động của Đức Phật Thích Ca: "Không làm điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch". Trong phần đề dẫn, Giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN cho rằng thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đã thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, mọi người có cơ hội học hỏi, hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Mặt khác, tính thực dụng vật chất có nguy cơ đe dọa đến bản sắc văn hóa và truyền thống tâm linh tốt đẹp của các quốc gia, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển. Hội thảo này nhằm nỗ lực tìm kiếm, hoạch định vị thế của Phật giáo trong bối cảnh như vậy để tìm ra phương sách hoạt động phù hợp.

Tại hội thảo, các đại biểu rất xúc động được nghe thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi chúc mừng. (Xem toàn văn trong trang này)

Tin, ảnh: Nguyên Thủy

.
TP.HCM, ngày 14 tháng 7 năm 2006

Kính gửi: Chư vị Tăng ni phật tử cùng thiện hữu trí thức trong và ngoài nước

Thưa quý vị và các bạn,

Nhận được giấy mời của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đến dự cuộc hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và thách thức”, tôi rất xúc động. Tôi nhận thức rõ, sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc hội thảo khoa học. Rất tiếc, tôi không thu xếp được thời gian tới dự cùng quý vị được. Xin cho phép tôi chuyển đến quý vị và các bạn lời chào trân trọng, chúc cuộc hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên của Phật giáo Việt Nam (PGVN) thành công tốt đẹp.

Nhân dịp này, tôi xin chân tình chia sẻ, trao đổi cùng quý vị và các bạn đôi điều suy ngẫm. Những suy ngẫm của một người không có nhiều điều kiện nghiên cứu sâu về Phật giáo như quý vị, nhưng có may mắn được chứng kiến những đóng góp của PGVN và quý tăng ni phật tử trong lịch sử dân tộc và trải nghiệm những ý nghĩa của Phật giáo bằng chính cuộc đời mình.

Ở Việt Nam, Phật giáo chảy trong huyết quản của nhiều người dân qua hàng ngàn năm. Biết bao danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc đều là những tăng ni phật tử. Nhưng tôi nghĩ, thế đứng của đạo Phật trước hết nằm trong lĩnh vực văn hóa, và đạo Phật càng chứng minh được thế đứng đó trong đà phát triển của các trường phái tôn giáo, ý hệ xã hội trên hành tinh này.

Phật giáo Việt Nam trước hết là Phật giáo dân tộc. Hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỷ xả là bản chất và truyền thống của Phật giáo, đồng thời cũng là một nhân tố căn bản, sâu xa, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết nhân ái và hòa hiếu của dân tộc. Chính nhờ triết lý ấy mà ngay trong thời điểm cực thịnh của mình, khi có sự trỗi dậy của những tôn giáo mới, PGVN vẫn chủ trương "tam giáo đồng nguyên" thay vì cạnh tranh. Tư tưởng "đồng nguyên" của Phật giáo đã góp phần kiến tạo nên một xã hội mà xung đột đã không trở thành "khổ nạn" của người dân và đất nước. Trong lịch sử trước đây ở ta, lúc Phật giáo cường thịnh nhất thì cũng là thời kỳ hùng mạnh và hưng vượng của đất nước. Còn những lúc PGVN bị áp chế thì, như những ai từng sống dưới xã hội miền Nam đầu những năm 1960 chứng kiến, sự kết thúc là không mấy tốt đẹp cho một chế độ đàn áp tôn giáo.

Khi Trần Nhân Tông bỏ ngôi báu để xuất gia, Vua đã được khuyên: "Phật ở trong tâm, nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó là Phật. Đã làm vua thì phải lấy ý muốn của muôn dân làm ý muốn của mình". Chủ trương của Phật giáo là "nhập thế, cứu sinh", việc hành trì Phật pháp vì thế đã không tách rời với phụng sự chúng sinh và tổ quốc. Từ ngàn năm nay, triết lý đó của nhà Phật đã bám rễ vào những nhu cầu thường xuyên, cấp bách của dân tộc, thúc đẩy sự thăng tiến của xã hội và con người Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ ra chỗ gặp nhau về mục đích giữa các tôn giáo và cách mạng là đem lại hạnh phúc cho con người. Tôi có may mắn được chia sẻ cùng nhiều chức sắc, đồng bào theo đạo, được chứng kiến quá trình hoạt động và phát triển của nhiều tôn giáo trên nhiều địa bàn và trong cả nước nên rất thấm thía tư tưởng ấy.

Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay, nguyện vọng hòa hợp, chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Không chỉ nền kinh tế được giải thoát khỏi cơ chế "tập trung quan liêu, bao cấp", không gian hoạt động tôn giáo nói chung cũng đã được rộng mở. Phật giáo trên đà ấy mà mở rộng khắp nơi. Nhà chùa đang dần trở lại với vai trò như là một thiết chế văn hóa đóng góp to lớn vào việc củng cố, giữ vững những giá trị tinh thần cơ bản của người Việt, bảo tồn, sáng tạo và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam. Phật giáo cũng như những tôn giáo khác đều chủ yếu hướng con người tới những điều thiện và cái đẹp. Những chính sách chung và cách hành xử riêng của mỗi cấp chính quyền nhằm tạo cơ hội cho các tôn giáo phát triển nơi thờ phụng, trở lại với việc tham gia giáo dục thanh thiếu niên, theo tôi sẽ giúp cho giềng mối đoàn kết được củng cố, nền tảng đạo đức được khôi phục, làm cơ sở cho xã hội Việt Nam đủ "bản lĩnh" để tiếp thu những giá trị văn minh khác của loài người.

Sự cường thịnh của Phật giáo, từng là nền tảng cho sự thịnh vượng của nhiều triều đại phong kiến trước đây, liệu có còn là động lực phát triển cho đất nước trong giai đoạn hội nhập? Tôi hiểu, đây là một băn khoăn của nhiều người. Nhưng theo tôi, một thế giới mong muốn toàn cầu hóa chính là một thế giới mong muốn sự đa dạng. Những giá trị truyền thống mà Phật giáo giúp thiết lập và củng cố, chính là "bản sắc", là phần giá trị mà chúng ta có thể tham gia để góp phần tạo ra các giá trị toàn cầu. Mặt khác, tư tưởng "đồng nguyên" do Phật giáo chủ xướng, cũng không những không mâu thuẫn với dân chủ mà còn góp phần tìm kiếm sự "đồng thuận" của xã hội, trở thành "nội lực" của một quốc gia trên bước đường hội nhập. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, đạo lý và những giá trị Phật giáo đang được tiếp nhận ngày càng sâu rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Những xung đột tôn giáo và sắc tộc đang khiến thế giới có nhu cầu xích lại gần hơn với tinh thần từ bi, hỷ xả, tăng cường "đoàn kết hòa hợp".

Kính thưa quý vị và các bạn,

Người Việt Nam vốn tôn trọng đức tin tôn giáo. Nhưng đức tin ấy, trước hết là một đức tin thế tục, tin vào đạo đức con người. Bằng những lý lẽ như vậy, chúng ta hy vọng đồng bào các tôn giáo, trong đó có Phật giáo càng được thắp sáng đức tin của mình cho những giá trị lâu bền vững của con người Việt Nam. Tôi hy vọng cuộc hội thảo này sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp trong quá trình gặp gỡ, thảo luận và đóng góp thực sự cho những giá trị đó.

Cuối thư, một lần nữa, xin chân thành chúc cuộc hội thảo thành công. Nhân đây, cho phép tôi đặc biệt hoan nghênh và nói lên lòng biết ơn quý vị cùng các bạn quốc tế trước nay đã bền lòng thiện chí ủng hộ giúp đỡ dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Xin cảm ơn và trân trọng kính chào.

Võ Văn Kiệt
(Nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)


 
PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Tin và ảnh: Thuỳ ân (Lao Động)


Trong hai ngày 15-16.7, Học viện Phật giáo VN tại TPHCM tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: "Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức". Đây có thể nói là cơ hội để các giới, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thêm một cái nhìn về Phật giáo VN.

Các học giả Hoa Kỳ trao đổi với
các vị tăng lữ VN tại hội thảo.
85 bài tham luận của các đại biểu chủ yếu xoay quanh 4 chủ đề lớn: Phật giáo và những vấn đề toàn cầu, Tìm kiếm những giải pháp, Phật giáo và dân tộc, Phật giáo và kinh tế chính trị. Theo hoà thượng Thích Hiển Pháp - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo VN: Sự hiện diện tại hội thảo của hơn 60 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu Phật học từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ các vị học giả-tăng lữ Việt kiều và trong nước bỏ qua những dị biệt về ý thức hệ và truyền thống đã cho thấy sự quan tâm đối với các vấn đề Phật giáo nói chung và hội nhập Phật giáo VN trong xu hướng toàn cầu hoá nói riêng.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Phật giáo VN có thể sẽ đóng góp gì cho VN trong thế kỷ 21? GS-TS Đỗ Quang Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện KHXH VN cho biết khái quát: 

"Khi bước vào thế giới toàn cầu hoá, Phật giáo VN có lợi thế riêng: Dù trải qua những thế kỷ vàng son hay có lúc suy thoái, Phật giáo luôn gắn bó với dân tộc, tạo ra những yếu tính cơ bản cho văn hoá VN; và về phương diện tôn giáo, Phật giáo vẫn là thành tố quan trọng bậc nhất trong tâm thức tôn giáo của người Việt...

Về cơ bản, xu hướng nhập thế của Phật giáo VN đặc biệt từ giữa thế kỷ 20 cho tới ngày nay là hướng tới một đạo Phật dấn thân vì xã hội. Trong quá trình hiện đại hoá Phật giáo, chỉ riêng vấn đề hoạt động kinh tế nhưng phải giữ tính cách phi doanh lợi, giữ được cái thiêng hay tâm linh hoá các hoạt động nhập thế là điều không đơn giản...".

Còn theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - một chuyên viên của Viện Nghiên cứu tôn giáo: "Cần có một giải pháp toàn diện cho sự phát triển Phật giáo VN. Cần có một khuynh hướng đổi mới cho Phật giáo VN thế kỷ 21 với mục đích bắt kịp những yêu cầu phát triển của xã hội VN, tuy nhiên, sự đổi mới vẫn phải dựa trên nền tảng của trên 2.000 năm lịch sử Phật giáo của đất nước".

Trong lá thư gửi tới hội thảo, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng cho rằng: "Hoà hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỷ xả, lục hoà, tôn trọng và khởi thiện tâm đối với nhau là bản chất, truyền thống của Phật giáo, đồng thời cũng là một nhân tố căn bản tạo nên tinh thần đoàn kết nhân ái, hoà hiếu của dân tộc. Nhất định chúng ta phải cùng nhau bằng mọi cách phấn đấu để đạt đựơc sự đoàn kết hoà hợp trong nội bộ Phật giáo trong nước, giữa tăng ni Phật tử VN trong và ngoài nước, giữa Phật giáo VN với Phật giáo các châu lục...".

Có thể nói, điểm nổi bật nhất của hội thảo này là tinh thần cởi mở trong các cuộc đối thoại giữa các vị tăng lữ, Phật tử với các nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước xung quanh các vấn đề Phật giáo, đặc biệt là một số vấn đề cấp bách của Phật giáo VN hôm nay. Có thể coi hội thảo như một bước khởi đầu cho quá trình tiếp tục gặp gỡ, thảo luận thân ái, hoà hợp, có trách nhiệm về Phật giáo nói chung và Phật giáo VN nói riêng. 

Thùy Ân ( Lao động)


DỊCH ĐẠI TẠNG KINH BẰNG MÁY VI TÍNH
Tin và ảnh: Tuổi Trẻ Thứ Năm, 20/07/2006, 15:28 

Ngày 18-7, tại TPHCM, Viện Nghiên cứu Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu quốc học (Hội Nhà văn VN) đã tổ chức họp báo giới thiệu công trình Việt dịch Đại Tạng kinh bằng máy vi tính của nhóm Tuệ Quang (TQ) - gồm 40 Việt kiều Mỹ, Đức... vừa thực hiện.

Sẽ thành lập một Đại Tạng điện tử

Đại diện cho nhóm TQ, kỹ sư Trần Tiễn Khanh - Việt kiều Mỹ cho biết: Phật giáo được truyền bá tại VN hơn 2.000 năm qua; kinh sách thường được trích từ Hán Tạng nhưng cho đến nay, VN chưa có một Đại Tạng VN (Việt Tạng) hoàn toàn đầy đủ. Vì chữ Hán hiện rất ít người biết mà số lượng kinh điển chưa được dịch còn quá nhiều, nên nhóm TQ cố gắng nghiên cứu trong vài năm qua cách phiên âm, dịch các kinh điển Hán Tạng ra tiếng Việt bằng máy vi tính bởi lợi thế của máy vi tính là phiên âm có thể sai, nhưng không bao giờ sót, vì máy vi tính phiên âm từng chữ một.

Nhóm TQ đã liên lạc với Hội CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association) ở Đài Loan và nhận được CD Đại Tạng kinh từ năm 2002; nhóm hoàn thành một lập trình để phiên âm các bộ kinh. Lập trình này dùng Từ điển Hán-Việt của Thiều Chửu - cuốn từ điển thường được dùng trong việc học, nghiên cứu Hán học tại VN nhiều năm qua.

Với lập trình trên, nhóm TQ đã hoàn thành việc phiên âm và lược dịch (dịch thô) các bộ kinh trong Hán Tạng (hơn 70 triệu chữ trong 9.035 phiên bản). Tất cả 2.372 bộ kinh trong Hán Tạng được phiên âm và lược dịch bằng máy vi tính trong vòng 28 giờ. Các phiên bản có thể dùng với Microsoft Word và chiếm hết 1.4 gigabyte.

Nhóm đã liên lạc với các vị tăng lữ giỏi chữ Hán, các dịch giả trong và ngoài nước để tổ chức hiệu đính và duyệt xét các phiên bản. Nhóm hy vọng sẽ hoàn thành một Đại Tạng VN trong vài năm tới.

Việt Tạng sẽ còn có thêm các tác phẩm thuộc văn hoá Phật giáo của các vị hoà thượng Thanh Từ, Nhất Hạnh... các từ điển thường dùng tiếng Sankrit, Pali, tiếng Hoa, tiếng Anh. Việt Tạng sẽ gồm 300 tập, mỗi tập dày chừng 1.000 trang.

Nhóm TQ sẽ thành lập một Đại Tạng điện tử để truyền bá miễn phí và rộng rãi qua các phương tiện truyền thông.

Theo GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật giáo, lâu nay, một hai vị tăng lữ đã dịch tay Đại Tạng kinh từ tiếng Pali, Hoa ra tiếng Việt, được hơn 39 tập. Nay, với việc sử dụng máy vi tính, thời gian dịch sẽ rút ngắn thời gian, lại tiết kiệm nhân lực.

Triển vọng cho vấn đề phiên âm và dịch văn bản văn hóa cổ

Với công trình phiên âm, lược dịch Hán Tạng thành công, một triển vọng về vấn đề phiên âm và dịch văn bản văn hóa cổ của Việt Nam đang hé lộ. Đây cũng là vấn đề được các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học khá quan tâm trong buổi gặp gỡ, trò chuyện.

Về phía Trung tâm Nghiên cứu quốc học, đáp lại sự san sẻ của các nhà trí thức trong, ngoài nước như tiến sĩ Đỗ Hữu Tài, luật sư Võ Văn Quới… đã nêu lên trong buổi họp, GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học, cũng bày tỏ hy vọng về sự kết hợp giữa công nghệ vi tính phiên âm, lược dịch và chuyên môn học thuật sâu, sẽ tạo bước phát triển nhanh chóng hơn trong hoạt động nghiên cứu văn hóa, văn học cổ Hán, Nôm Việt Nam.

Hơn một vạn quyển sách Hán, Nôm còn trong kho sẽ sớm được “giải mã”. Lâu nay, hoạt động của trung tâm nghiên cứu nhiều lĩnh vực của quốc học. Lĩnh vực văn hóa dân tộc hàm nghĩa rất rộng, trong đó có cả việc nghiên cứu Phật giáo, cảm quan Phật giáo trong văn học, nghệ thuật; hoặc vấn đề Phật giáo, Nho giáo trong văn học thời Lý Trần v.v…

Thế nhưng, về việc dịch văn bản cổ vẫn còn khó khăn, do công việc phiên dịch chiếm khá nhiều thời gian nhất là ở khâu dịch nghĩa đen (chưa kể đến việc dịch nghệ thuật). Trong khi, lớp chuyên gia cao niên am hiểu sâu về văn chương, văn hóa cổ của Việt Nam càng ngày càng hiếm!

Vì thế, trong xu thế hội nhập, hiện nay, sự đóng góp về chương trình dịch bằng máy vi tính kinh Hán Tạng ra tiếng Việt và chuẩn bị liên kết dịch sách Hán, Nôm cổ giữa các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước dành cho sự nghiệp chung văn hóa dân tộc là những tín hiệu thật đáng mừng và đáng trân trọng.

(Theo Lao Động và Sài Gòn Giải Phóng)

 

THÔNG BÁO
 của VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM và HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM tại TPHM-VIỆT NAM về KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC TẾ
“PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI MỚI-CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

 Nam mô thường tinh tấn Bồ-tát ma-ha-tát!

I. Từ nửa cuối thế kỷ 20 trở đi, Phật giáo Việt Nam ngày càng có thêm thuận duyên để phát triển sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh trong nước và hội nhập, hợp tác, đóng góp cùng đạo hữu và nhân dân các châu lục; đồng thời phải khắc phục và vượt qua không ít thử thách, khó khăn trên đường đi tới. Trong vận hội ấy, nhiều vị tôn túc Tăng Ni và cư sĩ thiện trí thức trong, ngoài nước ước mong có những cuộc họp mặt để chia sẻ, trao đổi đi đến nhất trí tinh thần, nhận thức những vấn đề cơ bản, thiết yếu và cùng quan tâm về Đạo pháp gắn bó Dân tộc và hòa hợp thế giới thời hiện đại. Đó là lý do chủ yếu đã gợi ý và khuyến khích Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh đề xướng và tổ chức hội thảo quốc tế “Phật giáo thời đại mới-cơ hội và thách thức”.

1. Cuộc Hội thảo nhằm mục đích:

a/ Thực hiện một cuộc họp mặt đoàn kết hòa hợp Tăng Ni cư sĩ giữa các môn phái và khuynh hướng ít nhiều khác nhau trong nước, giữa trong nước và ngoài nước, giữa người Việt Nam và người nước ngoài... trong tinh thần cùng hướng về mục tiêu chung: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại.

b/ Góp phần động viên Tăng Ni Phật tử Việt Nam tinh tấn vươn lên trong tu học và phục vụ, cố gắng thích ứng với các mặt tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ, nhất là điện tử - tin học, sinh học, vật liệu mới...; về dân chủ và giải phóng, hoàn thiện con người; về tiến bộ và công bằng xã hội; về phát triển Đất nước đi đôi toàn cầu hóa; về bảo vệ hòa bình và môi trường sống...

c/ Góp phần nâng cao một bước hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong điều kiện Đất nước đang ra sức phát huy nội lực và độc lập tự chủ đồng thời mạnh mẽ hội nhập khu vực và toàn cầu. 

2. Cuộc Hội thảo “Phật giáo thời đại mới-cơ hội và thách thức” khai mạc lúc 8 giờ ngày 15/7/2007 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh-Thiền viện Vạn Hạnh, số 750 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, và đã làm việc trong hai ngày 15-16/7/2006, với 294 đại biểu chính thức và khách mời.

II.1. Quí vị khách mời quang lâm tham dự phiên khai mạc Hội thảo gồm có: Đại diện Hội đồng Trị sự, Văn phòng I, Văn phòng II và các Ban ngành Viện Trung ương, các Ban Trị sự Tp Hồ Chí Minh cùng một số Tỉnh, Thành GHPGVN; đại diện Ban Dân vận Trung ương (phía Nam), Ủy ban nhân dân và Ban Tôn giáo Tp Hồ Chí Minh; đại diện các Tổng lãnh sự và Lãnh sự Thái Lan, Ấn độ, Mỹ, Pháp, Úc... tại Tp Hồ Chí Minh.

+ Quí đại biểu tham dự Hội thảo có 21 vị học giả, giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người nước ngoài (Ấn độ, Nhật, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Úc, Sri Lanka, Đài loan...); 28 vị tăng sĩ và cư sĩ trí thức Phật giáo người Việt Nam ở nước ngoài là Thượng tọa, Đại đức, giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu... (trong đó có những vị đứng đầu một số tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng tương đối rộng trong đồng bào Việt kiều hoặc là thành viên ban quản trị của tổ chức Liên hữu Phật giáo thế giới WFB); 25 vị giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ thuộc các Viện, Trường trong nước (trong đó có các vị đứng đầu hoặc chủ lực của Viện Tín ngưỡng và Tôn giáo Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Khoa học, Viện nghiên cứu khoa học về Tôn giáo và Viện Văn học của Trung tâm KHXH-NV quốc gia, khoa Lịch sử của các Trường ĐHKHXH-NV Tp Hồ Chí Minh và Huế) cùng một số nhà nghiên cứu tự do ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh. Còn lại là quí vị giáo sư, tiến sĩ, giảng sư thuộc Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viên Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cùng một số vị cư sĩ trí thức chủ yếu đến từ Tp Hồ Chí Minh. Tp. Đà Nẳng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Kontum... Ngoài ra, một số đại biểu nhà báo quốc tế, trung ương, Tp. Hồ Chí Minh cùng dự để theo dõi và đưa tin.

2. Ban Tổ chức Hội thảo nhiệt liệt hoan nghênh và cám ơn 103 tác giả gửi bài tham luận. Trong đó, 32 bài tiêu biểu đã được trình bày tại hội trường, phân bổ theo 4 chủ đề: a / Phật giáo và toàn cầu hóa, b / Các vấn nạn và giải pháp, c / Phật giáo và Dân tộc, d / Phật giáo với kinh tế - chính trị. Do điều kiện thời lượng không cho phép, rất tiếc còn những bài tham luận công phu, có thiện chí và giá trị chưa được phát biểu tại hội trường; vì vậy Ban tổ chức nghiêm túc cho phát hành nội bộ các bài viết đến tác giả và các đại biểu tham dự chính thức để trao đổi ý kiến theo thông lệ hội thảo khoa học. Tất cả các bài tham luận nói trên sẽ được trân trọng biên tập và sắp xếp thỏa đáng, đưa vào Kỷ yếu để xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh khi có điều kiện.

III.1. Về nội dung, Hội thảo đã đề cập các vấn đề cốt lõi: Nêu vị trí, yêu cầu cũng là khả năng của Phật giáo thích nghi với thời hiện đại trên các mặt tiến bộ khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và thị trường, toàn cầu hóa...; đồng thời đáp ứng công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa - dân chủ hóa Đất nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu Nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”; Vai trò của Phật giáo trong quan hệ hữu nghị, bảo vệ hòa bình thế giới và môi trường sống; Nhìn nhận đạo Phật hòa nhập với tín ngưỡng thờ Tổ tiên là đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh cơ bản, truyền thống của Dân tộc; Đề xuất chiến lược liên kết Phật giáo với chính trị, kinh tế và khoa học trong đường lối trị quốc; Xác định nhiệm vụ cấp thiết và cơ bản trước mắt của Phật giáo Việt Nam là hòa hợp đoàn kết (giữa nội bộ Phật giáo trong nước, giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo ở nước ngoài...) và tinh tấn phát triển (khế cơ khế lý với Đất nước và thời đại); coi trọng đào tạo nhân lực (trang nghiêm Tăng già, tinh cần Tứ chúng) là yêu cầu hàng đầu hiện nay; chú ý nỗ lực đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cứu tế, an sinh xã hội - nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Do lượng thời gian hạn chế nên một số chủ đề thiết thân và quan trọng đã phải hoãn lại hay chỉ mới đề cập một cách sơ lược, như: Thấm nhuần và trưởng dưỡng đạo đức học Phật giáo trong xã hội và nhân sinh hiện đại; Xây dựng Giáo hội hòa hợp, tinh tấn và trang nghiêm phù hợp với tình hình và yêu cầu mới; Phát triển hàng Phật tử tại gia - nhất là cư sĩ thiện tri thức và thanh thiếu đồng niên; Phát huy vai trò và bổn phận của Ni chúng; Tăng cường sứ mạng hoằng pháp lợi sinh ở vùng sâu vùng xa, nhất là các địa bàn dân tộc - miền núi; Mở rộng hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong tình hình mới...

Trong các tác giả đã trình bày tại diễn đàn, có nhiều bài được cử tọa hoan nghênh, đánh giá cao như của GSTS. Noritoshi Aramaki (Nhật), GSTS. R. Clark (Mỹ), GSTS. Cao Huy Thuần (Pháp); TS. Trương Như Vưong (Việt Nam); GSTS. S.R. Bhatt (Ấn độ), TT. BS. Mettanando (Thái lan) v.v..

2. Đặc biệt, thay mặt GHPGVN, Hòa thượng Thích Hiển Pháp – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, phát biểu “tán thán Viện Nghiên cứu Phật học đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo Phật giáo thời đại mới - cơ hội và thách thức” và kêu gọi toàn thể đại biểu “hòa hợp đóng góp ý kiến nhằm chấn hưng và phát triển Phật giáo gắn bó với Dân tộc và thích ứng với bối cảnh, điều kiện toàn cầu hóa”

Hòa thượng Tiến sĩ Thích Mãn Giác, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, nồng nhiệt chào mừng cuộc Hội thảo, đề nghị “tăng bổ nội dung thời đại của Phật giáo Việt Nam” và nêu rõ “nội dung đó phải bao gồm ít ra ba điểm sau đây:

“Một, Nêu cao tinh thần hòa hợp, hòa giải trên bình diện quốc gia cũng như trong nội bộ Phật giáo.

“Hai, Nâng cao ý thức của quần chúng Phật tử về trách nhiệm và sự đóng góp của Phật giáo đối với công cuộc tái thiết Đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng dân chủ.

“Ba, Thu hút sức ủng hộ của dư luận quốc tế, nhất là Phật giáo quốc tế đối với chính nghĩa Việt Nam, và hạnh nguyện phục vụ Đạo pháp và phục vụ Dân tộc của Phật giáo Việt Nam”.

Cụ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ, gửi thư chúc mừng và trao đổi ý kiến với các đại biểu Hội thảo. Cụ nguyên Thủ tướng tỏ rõ tinh thần, tình cảm và thiện chí đối với Phật giáo dân tộc; động viên tăng cường đoàn kết hòa hợp, hợp tác cùng phát triển và mong rằng những cuộc gặp gỡ, thảo luận trong tinh thần tích cực hòa hợp và xây dựng sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

IV.1. Kết hợp với phần nội dung chính là Hội thảo khoa học trên đây, trong hai ngày làm việc, còn có một số hoạt động chào mừng và phục vụ, được các đại biểu và công chúng hoan nghênh: Một buổi tối văn nghệ “Phật giáo và Dân tộc” với sự tham gia của các nghệ sĩ Phật tử và một phòng triển lãm hội họa, thư pháp, tranh ảnh, tranh thêu Phật giáo...

2. Buổi trưa 16 /7 /2006, Ban Tổ chức đã tranh thủ trình bày sa bàn quy hoạch - mô hình xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, ở khu đất được Nhà nước cấp tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Trong thời gian đó, lễ cầu “Quốc thái dân an” do hai vị pháp sư Mật tông, một Việt kiều và một người Mỹ, cử hành tại chính điện Thiền viện Vạn hạnh, theo nghi thức Mạn -đà-la, cùng một số Phật tử tham dự.

3. Buổi sáng 17 /7 2006, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức Lễ trồng cây lưu niệm tại khu đất đang xúc tiến xây dựng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh nói trên. Được trồng là một cây bồ đề có nguồn cội từ chùa Trấn Quốc - Hà Nội, rước vào Nam. (Cây bồ đề mẹ ở chùa Trấn Quốc vốn từ cây gốc ở Bồ đề Đạo tràng, Ấn độ - nơi đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định 49 ngày đêm và thành đạo, được Tổng thống Ấn độ Prasad chuyển sang Thủ đô Hà Nội năm 1957 để làm quà tặng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và đích thân trồng cây ấy ở chùa Trấn Quốc, bên Hồ Tây; nay đã thành cổ thụ). Quý đại biểu là các Thượng tọa, Đại đức của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, các giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người Việt Nam trong, ngoài nước và người nước ngoài về dự Hội thảo, đại diện UBND và Ban Tôn giáo Tp. Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh, xã Lê Minh Xuân và 200 Tăng Ni Phật tử đã cùng Cụ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trồng cây bồ đề lưu niệm trong không khí vui mừng phấn khởi, cảm kích, hòa hợp và có tiếng vang khá rộng trong dư luận Phật giáo và đồng bào Thành phố.

V. Sơ bộ soát xét, ghi nhận cuộc Hội thảo quốc tế “Phật giáo thời đại mới - cơ hội và thách thức” cùng các hoạt động kết hợp:

1. Đã đạt được một số thành quả có ý nghĩa cơ bản và lâu dài sau đây:

Một là, Đánh dấu lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công một hoạt động quốc tế về Phật học và Phật sự; có thể mở đầu và rút kinh nghiệm tốt cho những hoạt động giao lưu Phật giáo quốc tế và khu vực về sau, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong bối cảnh, điều kiện nước ta đang xúc tiến Hội nghị APEC và chuẩn bị tham gia WTO, công cuộc phát triển Đất nước đi đôi với hội nhập toàn cầu hóa đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Hai là, Bước đầu thực hiện được một cuộc gặp gỡ và thảo luận giữa những nhóm Tăng Ni và cư sĩ thiện trí thức trong, ngoài nước ít nhiều có quan điểm, xu hướng và thái độ khác nhau, trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng về mục tiêu: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại. Tuy bước đầu chỉ mới ở quy mô nhỏ và mức độ thấp, nhưng chứng tỏ triển vọng tích cực, có thể mở đường và rút kinh nghiệm tốt cho những hoạt động đoàn kết và hợp tác xây dựng tiếp theo.

Ba là, Chính thức, công khai nêu rõ vai trò, khả năng, triển vọng và trách nhiệm của Phật giáo đối với Đất nước và thời đại; từ đó góp phần động viên Tăng Ni Phật tử Việt Nam đoàn kết phấn đấu trong tinh cần tu học và thiệp thế độ sinh, ra sức thực hiện ngày mỗi tốt hơn bổn phận đối với Đạo pháp, Dân tộc và nhân loại.

+ Đồng thời, bước đầu giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bốn là, Góp phần luyện tập, nâng cao một bước khả năng, kinh nghiệm hoạt động Phật sự đối ngoại và quốc tế của các Tăng Ni cư sĩ có trách nhiệm, từng bước làm quen và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong điều kiện Đất nước đang mở rộng giao lưu quốc tế và khu vực.

2. Bên cạnh một số kết quả và ưu điểm nêu trên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh xin nghiêm túc kiểm điểm nhận rõ và rút kinh nghiệm những tồn tại, thiếu sót chung quanh các việc: Xác định yêu cầu và chuẩn bị nội dung; Mời, đón tiếp, phục vụ đại biểu và quý khách; Bố trí hội trường, nơi ăn ở và các phương tiện kỹ thuật; Điều hành chương trình và các công việc của Hội thảo...; đồng thời thành khẩn cầu thị và xin tiếp thu ý kiến phê bình giúp đỡ của Quý Tôn túc, quý vị thức giả cùng đạo hữu xa gần, để cố gắng tổ chức thực hiện tốt hơn trong những dịp tới.

VI. Dự kiến một số công việc thời gian tới:

Được sự khuyến khích và giúp đỡ của Quý Tôn túc Tăng Ni, quý cư sĩ thiện tri thức trong, ngoài nước cùng quý cơ quan hữu trách và thiện chí xa gần, trên cơ sở phát huy những thành quả, ưu điểm và cố gắng khắc phục, rút kinh nghiệm những tồn tại, thiếu sót của công việc đã làm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam dự kiến xúc tiến trong thời gian tới một số công việc như sau:

1. Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế hàng năm về các chuyên đề Phật học và Phật sự phục vụ mục tiêu: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại. Về quy mô, yêu cầu, nội dung đề tài và thư mời sẽ được chuyển đến đại biểu (và khách mời) chậm nhất trước 6 tháng. Các đại biểu (và khách mời) tham dự Hội thảo theo thông lệ hiện hành của các cuộc hội thảo (hay hội luận) khoa học quốc tế về nội dung, diễn đàn, đi lại, ăn ở, phục vụ... do Ban Tổ chức chịu trách nhiệm quy định cụ thể và thông báo trước.

2. Tổ chức các Hội thảo khoa học trong nước từng thời gian trong năm về các chuyên đề Phật học và văn hóa, học thuật thích hợp với tôn chỉ, chức năng của Viện. Về quy mô, yêu cầu, nội dung đề tài và thư mời sẽ được chuyển đến đại biểu (và khách mời) chậm nhất trước 4 tháng. Ban Tổ chức chịu trách nhiệm quy định thể lệ cụ thể và thông báo trước về nội dung, diễn đàn, đi lại, ăn ở, phục vụ...

+ Hai hình thức hội thảo (hay hội luận) quốc tế và trong nước nói trên do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam làm chủ lực thực hiện hoặc sẽ liên kết hợp lệ và hợp pháp với thân hữu và đối tác là các tổ chức, cơ quan khoa học trong, ngoài nước để phối hợp thực hiện.

+ Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phân công một bộ phận nhân sự chuyên trách về tổ chức, điều hành hội thảo (hoặc hội luận) và sẽ thường xuyên có chuyên mục trên trang web của Viện (vinabri.com/.org/.net).

3. Đưa vào kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam các chương trình và đề tài nghiên cứu về Phật pháp có liên hệ đến Dân tộc và Hiện đại trên các lĩnh vực.

Các chương trình và đề tài nghiên cứu khoa học này có thể do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đề xướng và thực hiện; hay do Viện bảo trợ; hoặc do Viện liên kết, phối hợp tiến hành.

4. Lựa chọn và tổ chức thông tin, truyền bá trong phạm vi cần thiết hoặc phổ cập rộng rãi các công trình nghiên cứu và kết quả của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam bằng những phương tiện phù hợp và có điều kiện, như: văn bản rời hoặc tập chuyên đề; xuất bản phẩm dưới các hình thức sách, băng đĩa, tập san, tạp chí, mạng thông tin điện tử internet, v.v..

Trên đường tiến lên còn phải khắc phục và vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, nhưng trong vận hội mới, chương trình Phật sự nghiên cứu và ứng dụng Phật pháp của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam góp phần phụng sự Dân tộc và đáp ứng thời đại mới nhất định sẽ từng bước thành tựu viên mãn.

Nam mô Đại hùng đại lực Quảng Đức Bồ-tát Ma-ha-tát!

TM. VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM VÀ BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
Viện trưởng kiêm Trưởng ban

HT. GS.TS. Thích Minh Châu
(Theo Vinabri.org)

 

HÌNH THỨC VÀ BIỂU TƯỢNG
Bài viết này đã được đăng tải trên Tuần báo V-Times (San Jose) vào ngày 14/7/06
Nguyễn Hữu Liêm

 

Đà Nẵng - Hội thảo Thế giới về Phật Giáo với chủ đề: “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới : Cơ Hội và Thách Thức” vừa chấm dứt hôm 17 tháng Bảy vừa qua ở tu viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, Sài Gòn, sau ba ngày liên tục.

Đây là một đại hội tôn giáo thành công, xét trên nhiều mặt tương đối của vấn đề và thời đại. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một buổi tụ họp quốc tế lớn lao của Phật Giáo như thế, kể cả trước 1975. Công lao phải nói là của rất nhiều người, dám nói, dám làm. Nhưng tôi nói đến (vì biết) ba vị chủ chốt : Mạnh Thát, Giác Toàn, và Nhật Từ.

Hơn 300 đại biểu từ hơn 10 quốc gia đã về tham dự, nhất là từ các quốc gia có truyền thống Phật Giáo lâu dài, như Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản. Phái đoàn Phật tử Việt kiều đến từ Mỹ là đông nhứt, sau đó là từ Đài Loan, Pháp, Đức. Có hơn 200 bài tham luận được gởi về hội thảo. Đại hội kéo dài hai ngày rưỡi. Ngày thứ ba thì có phần lễ trồng cây Bồ Đề trên khu đất 32 mẫu nói sẽ là khuôn viên của đại học Phật Giáo mới và quy mô ở quận Bình Chánh, ngoại ô Sài Gòn.

Các chương trình thảo luận tràn ngập thuyết trình viên. Phần nói về Phật Giáo Việt Nam hiện nay và phần bàn về Phật Giáo và chính trị đã diễn ra thật là sôi nổi. Phòng hội nghị chứa được 200 người, nhưng luôn luôn có khoảng 300 người đứng chen chúc để tham dự. Các lối đi, hành lang thì tràn ngập các ống kính và phóng viên, ký giả. Nhìn đâu cũng thấy phỏng vấn, quay hình, thu thanh. Hội trường nằm trên lầu chót của tòa nhà lớn 5 tầng, được xây dựng bởi sự tài trợ của một tu sĩ người Đài Loan. Hệ thống máy lạnh, âm thanh, phiên dịch từ Việt ngữ ra Hoa ngữ và Anh ngữ, và ngược lại, đã được điều động tốt đẹp. Mỗi đại biểu tham dự được trang bị một wireless headphone để nghe phiên dịch. Cơm sáng, trưa chiều, giải khát, được cung cấp liên tục. Các đại biểu từ xa về được ở khách sạn với giá thấp tại Sài Gòn trên đường Đông Du ở quận Nhất và có xe đưa rước.

Sở dĩ tôi phải dài dòng về hình thức tổ chức là để cho quý vị hình dung ra cái không khí và khung cảnh của hội thảo này, trước khi tôi đi vào nội dung của các phần thảo luận. Ở Việt Nam hiện nay, phần hình thức đôi khi nói lên được nhiều điều hơn là nội dung.

Từ những ngày tiền hội nghị mà tôi đã có dịp tham dự, các thầy trẻ tuổi muốn giảm thiểu tối đa phần nghi thức vốn rất là dài dòng trong truyền thống Phật Giáo. Cho nên, phần nghi lễ đã diễn ra nhanh chóng và giản dị đến bất ngờ. Vì có nhiều đại biểu ngoại quốc nên phần tụng kinh đã không có. Trong phòng hội không treo cờ; phần nghi thức không có đạo ca hay quốc ca. Chức danh các thuyết trình viên thì cũng không nói đến. Nhưng cũng như ở Việt Nam bây giờ, hình như ai cũng được giới thiệu là “giáo sư tiến sĩ” cả. Chương trình bằng Anh ngữ, Hoa ngữ và Việt ngữ đi thẳng vào vấn đề. Tập kỷ yếu hội thảo (dày hơn 500 trang) với tất cả các bài tham luận gởi về đã được in ra và phát ngay trong khi hội thảo đang xẩy ra. Có bị kiểm duyệt không ? Tôi không biết. Nhưng bài của tôi, “Thoái trào Phật Giáo ở Việt Nam,” chỉ được đăng phần tóm lược. Các thầy cho biết là vì bài tôi “có nhiều ý kiến gây tranh cãi quá, thôi để khi khác.”

Phần khai mạc thì có tuyên đọc bài chào mừng của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Phật Học Vạn Hạnh (hậu thân của Đại hoc Vạn Hạnh). Thầy Minh Châu vì vấn đề sức khỏe nên đã không đến tham dự. Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt được mời, cũng đã không đến dự (quyết định vào phút chót) và đã gởi đến thư chúc mừng và cũng đã được tuyên đọc. Các bài diễn văn bằng Anh ngữ của các học giả Phật Giáo Nhật và Ấn Độ rất khó hiểu vì tiếng Anh của họ tôi không theo kịp.

Hầu hết các bài thuyết trình đều nói về những điều quá quen thuộc, đến độ nhàm chán. Các khách thuyết trình viên tham dự dùng ngôn ngữ khách sáo và ngoại giao. Các học giả trong nước thì trình bày vấn đề như là đọc kinh Bát Nhã : nghe lời thì nó quen thuộc, còn ý tưởng thì hoặc là trống rỗng, hoặc là quá sâu xa, hay chỉ là làm cho có theo hình thức.

Trong ngày thứ hai có một phần thuyết trình của các quan chức nhà nước, bày tỏ quan điểm của đảng Cộng Sản về các vấn đề tôn giáo. Phần này thì quý vị đã từng ở Việt Nam rồi thì cứ ngủ một giấc đến khi tỉnh dậy cũng đoán ra là các ông bà này muốn nói gì và đã nói chi. Có sử gia của đảng Lê Cung từ Huế bàn về cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 và xem đó như là một phần đấu tranh của đảng Cộng Sản chống Mỹ đã bị phản đối mạnh bởi các đại biểu Việt kiều. Không khí tranh luận nổi lên như cồn. Thượng Tọa chất vấn phái đoàn nhà nước về việc nhân sự giáo hội bị xếp đặt bởi Mặt Trận Tổ Quốc. Trả lời : Đảng và nhà nước tôn trọng chủ quyền và tự do sinh hoạt nội bộ của giáo hội – “ngoại trừ một vài chức vụ quan trọng.” Tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười mĩa mai của các thầy quanh tôi. Ha, ha ! Thầy Phước Trí tung ra “quả bom” : Thế còn khẩu hiệu “Dân Tộc, Đạo Pháp và Xã Hội Chủ Nghĩa” ? Đạo Pháp và Dân Tộc là chuyện đương nhiên và quen thuộc. Còn “Xã Hội Chũ Nghĩa” ? Phần này đã không được trả lời. Sự tránh né không trả lời là câu trả lời. Hoặc nhà nước không có câu trả lời; hay là ai cũng biết câu khẩu hiệu đó là chuyện sai lầm nhưng không (chưa) ai dám đụng đến.

Phần hội thảo về Phật Giáo và Kinh tế thì có bài diễn văn mở đầu của thầy Tuệ Sĩ. Vì đang ở trong mùa “kiết hạ an cư” nên thầy Tuệ Sĩ không đến dự, mà chỉ gởi bài đến, đề tài “Nền tảng Phật Giáo của Kinh tế”. Bài viết bằng Anh ngữ, được đọc tại đại hội cũng bằng Anh ngữ bởi một tu sĩ có giọng Anh mà tôi nghe không kịp. Bài của Tuệ Sĩ cũng có phần dịch ra Việt ngữ bằng audio trực tiếp qua headphone, có thêm phần chiếu lên màn ảnh trong phòng hội. Tuệ Sĩ đến với hội thảo này như là bằng một nửa con người của ông. “Dùng giằng, nửa muốn, nửa không.” Tuệ Sĩ tuy có bài viết nhưng không đến dự trực tiếp; ông có ngôn ngữ tham gia, nhưng không phải là tiếng Việt, bài nói chuyện có nội dung, nhưng mà chỉ bàn đến chuyện tổng quan qua các lời dạy của Phật về kinh tế chung chung. Tuệ Sĩ đến với hội thảo này, tôi nghĩ, là vì thầy Lê Mạnh Thát, tức Thượng Tọa Trí Siêu, một người bạn tu đã cùng nhau nhận bản án tử hình vì chống đối nhà nước sau năm 1975. Tuệ Sĩ và Mạnh Thát, hai ngôi sao sáng trên bầu trời Phật Giáo Việt Nam, đang dần dần xích lại gần nhau, sau bao nhiêu năm “tuy gần mà xa, tuy xa mà gần.”

Trong phần hội thảo cuối cùng, “Phật Giáo và Chính Trị” có bài thuyết trình của Đỗ Hữu Tài, Tạ Văn tài, Thái Kim Lan (Việt kiều) và Đỗ Hữu Tuấn (Viện Tôn Giáo Hà Nội). Đến phần thảo luận, có lúc không ai muốn nói gì cả. Thầy Mạnh Thát và thầy Nhật Từ, một ngôi sao khác đang lên của Phật Giáo Việt Nam, hỏi, “Còn ai có ý kiến gì không ?” Cả hội trường không ai đưa tay. Lạ lùng ! Mới trong giờ trước thì giành nhau nói, nhưng đến khi đụng đến chính trị thì ai cũng im lặng. Tôi cũng muốn nói. Có thầy nhắc tôi, “Ông Liêm nói đi chứ !” Nhưng tôi cũng im lặng. Phần chính trị và Phật Giáo ở Việt Nam bây giờ cũng như là chuyện kinh Bát Nhã, chúng ta nên “bước qua trong im lặng.” Tôi quay qua nhìn nhà văn Nguyên Ngọc sát bên, và chúng tôi cùng mĩm cười. Ai cũng có quá nhiều điều để nói đến nỗi không biết là chúng ta nên bắt đầu từ đâu ?

Trong các phần thảo luận, về phần giáo lý, các sư Thái Lan đã phát biểu rất hay. Nhìn các sư đến từ Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ, các ngài đều có nét dung dị, giải thoát, sáng hiền. Các thầy, các ni Việt Nam cũng có vóc dáng như vậy. Tôi vui mừng thầm vì tôi rất lo ngại về hiện tượng thoái hóa của hàng ngũ tăng ni Phật Giáo Việt Nam hiện nay, nhất là trên phương diện giới luật, trì chú, và tu học có quy củ, kỹ luật. Các chùa, các thầy đã không còn là điểm tựa cho đạo pháp, mà đã biến thành các thầy cúng, các nhà sư làm kinh doanh qua cơ sở chùa chiền. Không có ai rao bán Phật và giáo lý nhà Phật nhiều như các sư bây giờ. Nhưng ở trong hội thảo này, tôi nhìn các thầy, các ni và tôi cảm nhận ra một cái gì rất là thoáng đạt từ nơi họ. Hầu hết các tăng sĩ đều tích cực ngồi yên, im lặng, chăm chú lắng nghe. Giữa cái không khí sinh động, đầy ngôn ngữ của hội thảo với hơn 300 người tham dự, các thầy, các ni hiện ra như các vì sao. Các ngôi sao yên lặng, nhưng không an nghỉ -và cũng đang đi tìm như tất cả mọi người, có lẽ ở trên một bình diện khác. Vì ở trong loại hội thảo như vậy, chắc chắn không ai sẽ học hỏi được gì nhiều. Mà sự có mặt, gián tiếp hay chính bản thân, im lặng hay phát biểu, tất cả đều mang một ý nghĩa của Chánh Pháp. Nói như Thái Kim Lan, đây là cơ hội cho một “ngôn ngữ hòa bình.” Một “hòa bình” không phải là sự từ bỏ, quy phục, yếu đuối, hay là thụ động. Mà là một thứ hòa bình trong tích cực, chủ động, từ bi, trí tuệ và dũng khí.

Người gửi: Tâm Minh


Tạp ghi về Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức” 
tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh
[02.08.2006 12:13]

 

Khi tôi theo Thầy Lê Mạnh Thát leo đến tầng lầu cuối cùng của Học viện Phật giáo Việt Nam tại đường Nguyễn Kiệm số 750 Tp HCM, trưa ngày 14. 07 và nhìn thấy hàng chữ chạy tít lớn vừa được các tăng sinh gắn xong trên tường: Hội thảo Quốc tế - Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức - Buddhism in the New Era: Chances and Challenges- Vietnam Buddhist University Hall, July 15-16/2006, tôi mới tin là cuộc Hội thảo Quốc tế này thành sự thật.

Cũng đã hơn mười mấy năm sau 1975, cũng trong Học viện này, khi ấy hòa thượng viện trưởng Thích Minh Châu còn sức khỏe, đã có một hội thảo tạm gọi là quốc tế với sự tham gia của các giáo sư người Đức với chuyên đề “”Phật giáo và vấn đề môi sinh”. Thuở ấy còn rất khiêm tốn, đạm bạc. Từ đó đến hôm nay, “cơ hội” tổ chức hội thảo quốc tế mới trở lại trong tầm tay. Tuồng như mọi vô thường đều là những thách thức tính kiên trì. Và Vạn Hạnh đã có thừa tính “dũng” trong hạnh “nhẫn” được thể hiện trong từ bi của HT Thích Minh Châu và hôm nay trong tiếng cười sảng khoái, lạ thường của Thầy Mạnh Thát sau bao gian truân, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật Học tại Tp HCM, và trong những đóng góp của các tăng ni của Học Viện và cư sĩ khắp nơi. Được biết trong buổi họp báo sau Hội thảo, kinh phí đài thọ Hội thảo hoàn toàn do sự đóng góp của các Phật tử trong và ngoài nước. Hội thảo đã được tổ chức thành công trên nhiêu mặt, ai đã tham dự, đều đã hưởng được mọi tiếp đón chu đáo (cơm chay ngon, nước uống, trái cây không thiếu…) đến độ ngạc nhiên. 

Hôm ấy, Thầy Mạnh Thát chỉ 200 cái ghế dành cho khách mời một cách hoan hỉ trong sự tíu tít của các tăng ni đang trang hoàng từng chậu cây, cành hoa. Thầy bảo, quyết định lấy phòng ở tầng lầu tư là vừa mới mấy hôm, vì có khách ngoại quốc, nếu làm dưới sous sol sợ không đủ trang nghiêm cho khách nước ngoài. (Phòng dưới hầm được dùng làm phòng triển lãm tranh Thiền của họa sĩ Phương Hồng, đồng thờI được bố trí hàng trăm ghế với màn ảnh và máy truyền trực tuyến cho Phật tử đến nghe). Từ lan can, Thầy chỉ cảnh thành phố trong gió lộng và bảo: khách sẽ thích khi nhìn cảnh thành phố rộng xa… Thiện ý nên thơ này không may đã bị những cơn mưa Sài Gòn ồ ạt vào những giờ giải lao trong hai ngày hội thảo sau đó đánh thốc đi, may mà cửa không sập! Và lầu thứ tư, tuy cao quí, lãng mạn, đẹp, nhưng cũng khá bất tiện cho sự đi lại của hơn 200 khách mời không phải là thanh niên trẻ trung. Nhiều người lên đến nơi thì lại không có chỗ. Hệ thống âm thanh khá hoàn chỉnh nhưng khó nghe do điều kiện kiến trúc của phòng họp. Dù ban phiên dịch ra Anh ngữ và Hoa ngữ đã làm việc ráo riêt nhưng vẫn có những trở ngai vì máy nghe cá nhân trục trặc. Nhiều khiếm khuyết kỹ thuật và điều kiện phòng ốc chưa làm hài lòng mọi khách đến, nhưng mọi người đêu háo hức được tham dự cuộc hội thảo đã lâu mới có lại. Nhiều người lên đến nơi không còn chỗ, vẫn cố đứng chen với 200 khách ngồi, nhưng trang nghiêm trật tự vẫn còn đuợc giữ đúng cách cho nên mọi trở ngại đều được vượt qua. 
Và dĩ nhiên, gần như một thông lệ, sáng ngày 15.07, lúc 7 giờ 30, khách đã tề tựu đông đủ, bỗng nhiên điện tắt bất ngờ, có lẽ vì quá tải năng suất, một thứ trục trặc kỹ thuật rất điển hình… làm cho ban tổ chức không khỏi bối rối. Thầy Mạnh Thát hôm truớc đã khoe với tôi là Viện có chuẩn bị sẵn máy nổ tự động, Thầy chỉ lên khoảng không, phòng sự cố bất ngờ! Nhưng loay hoay mãi, máy không nổ, đã có dấu hiệu xôn xao, may sao, khoảng 8 giờ 30, đèn bỗng phựt lên, quạt máy hoạt động, micro sùng sục chạy, mọi người thở phào nhẹ nhõm như được hưởng một ân huệ vô hình nào đó! Và cuộc Hội thảo đã bắt đầu dưới sự điều khiển chững chạc, tự tin của Thầy Lê Mạnh Thát. 

Đối với hai ngày ngắn ngủi, với một đề tài mông mênh, quả thật là một thách đố cho tham vọng muốn quán xuyến tất cả mọi vấn đề. Và quả nhiên nhiệt tình trí thức không thiếu: đã có cả thảy 103 bài tham luận được gửi đến tham gia trong 4 cụm chủ đề: Phật giáo và toàn cầu, Các vấn nạn và giải pháp, Phật giáo và dân tộc, Phật giáo và kinh tế, chính trị. 

Không dám lạm bàn về hệ thống khái niệm suy diễn từ “Phật giáo trong thời đại mới”, tự mỗi chủ đề đều đáng được là đề tài cho một hội thảo. Nhưng sự hứng thú trong cuộc trao đổi đầu tiên, sau mấy mươi năm tắt tiếng, đã làm cho cử tọa bị thu hút vì đang được chứng kiến, được xem, ngoài nghe, một hội đàm khoa học về tôn giáo như một thứ của lạ và hiếm. Hầu như đó là khát khao dồn nén lâu năm của phần đông người tham dự, và có lẽ đó là thành công hàng đầu của Hội thảo, một thành công có tính quần chúng quảng bá trước khi là một thành công có tính trí thức. Lần đầu tiên, dù còn rất khiêm tốn cho một hội thảo quốc tế, đã có sự tham dự đông đảo: 21 vị học giả, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người nước ngoài (Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Sri Lanka, Đài Loan, Hoà Lan…), 28 vị tăng sĩ và cư sĩ trí thức Phật giáo người Việt nam ở nước ngoài, 25 vị giáo sư tiến sĩ thuộc các viện, trường trong nước, Viện tín ngưỡng, Viện tôn giáo, Học viện chính trị quốc gia HCM, Viện Chíến lược và khoa học, Viện nghiên cứu về tôn giáo và Viện Văn học, Viện nghiên cứu lịch sử, của các trường ĐHKHXH-NV Tp HCM và Huế và những nhà nghiên cứu tự do từ các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh vv… cùng các giáo sư, tiến sĩ, giảng sư thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cùng một số vị cư sĩ trí thức chủ yếu đến từ Tp Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Kontum... Ngoài ra, một số đại biểu nhà báo quốc tế, trung ương, Tp. Hồ Chí Minh cùng dự để theo dõi và đưa tin (theo bản tin hội thảo). 

4 buổi thảo luận vừa bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Việt về các chủ đề đều có một bài chủ đạo và những bài tham luận được phát biểu thật ngắn. Nói chung về nội dung, Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề cốt lõi: Nêu vị trí, yêu cầu và cũng là khả năng của Phật giáo thích nghi với thời hiện đại trên các mặt tiến bộ khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và thị trường, toàn cầu hóa...; đồng thời đáp ứng công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa - dân chủ hóa Đất nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Vai trò của Phật giáo trong quan hệ hữu nghị, bảo vệ hòa bình thế giới và môi trường sống; Nhìn nhận đạo Phật hòa nhập với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh cơ bản, truyền thống của Dân tộc; Đề nghị liên kết Phật giáo với chính trị, kinh tế và khoa học trong đường lối trị quốc; Xác định nhiệm vụ cấp thiết và cơ bản trước mắt của Phật giáo Việt Nam là hòa hợp đoàn kết (giữa nội bộ Phật giáo trong nước, giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo ở nước ngoài...) và tinh tấn phát triển (khế cơ khế lý với Đất nước và thời đại); Coi trọng đào tạo nhân lực (trang nghiêm Tăng già, tinh cần Tứ chúng) là yêu cầu hàng đầu hiện nay; Chú ý nỗ lực đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cứu tế, an sinh xã hội - nhất là ở vùng sâu vùng xa. 

Do lượng thời gian hạn chế nên một số chủ đề thiết thân và quan trọng đã phải hoãn lại hay chỉ mới đề cập một cách sơ lược, như: Thấm nhuần và trưởng dưỡng đạo đức học Phật giáo trong xã hội và nhân sinh hiện đại; Xây dựng Giáo hội hòa hợp, tinh tấn và trang nghiêm phù hợp với tình hình và yêu cầu mới; Phát triển hàng Phật tử tại gia - nhất là cư sĩ thiện tri thức và thanh thiếu đồng niên; Phát huy vai trò và bổn phận của Ni chúng; Tăng cường sứ mạng hoằng pháp lợi sinh ở vùng sâu vùng xa, nhất là các địa bàn dân tộc - miền núi; Mở rộng hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong tình hình mới... 

Chính sự đa dạng của đề tài quá hoành tráng trong buổi hội thảo này lại trở thành một trở ngại, dù là trở ngại nhỏ, ở chỗ, nhiều cây nên không thấy được rừng, bởi lẽ Hội thảo quốc tế này chỉ mới “nêu” lên nhiều vấn đề mà không có đủ thì giờ để thảo luận tường tận rốt ráo một vấn đề, nhiều người chưa thấy những biện pháp cụ thể đề ra cho Phật giáo Việt nam trong tương lai, ngoài viễn tượng mang hi vọng. Nhưng có lẽ những đòi hỏi này chỉ muốn nói lên một điều: sự cần thiết của công luận, của sự công khai hoá có trình độ khoa học khai sáng những tư tưởng, suy tư về yếu tính của Phật giáo Việt nam song song với những kinh nghiệm của Phật giáo các nước từ Á sang Âu Mỹ có mặt trong buổi Hội thảo đã tắm gội trong truyền thống Phật giáo hay đang đón nhận nếp sống cao đẹp rất cần thiết cho thời đại mới. Nhưng nếu chỉ là thế thì buổi Hội thảo đã thành công lớn trong việc đem lại niềm tin về một nếp sống đạo đức cao quí của Đức Phật đã thấm nhuần trên đất Việt, mà không những Phật tử, ngay cả giới trẻ Việt nam, đang rất cần, đó là món ăn tinh thần có ý nghĩa và có chất lượng trong thời đại mới đang chạy đua, đắm chìm theo vật chất và thế lực, sa đọa trong băng hoại đạo đức. 

Cho nên trong không khí sôi nổi của những tranh luận về tiến trình thế tục hóa Phật giáo trên mọi lĩnh vực, nỗi băn khoăn về phía những thiện tri thức Việt nam làm thế nào để Phật giáo Việt Nam theo kịp với thờI đại đã khiến tôi tự hỏi, điểm nổi bật của Phật giáo nằm ở đâu? Chắc chắn không nằm trong sự chạy đua về phía thế lực thế tục. Khuynh hướng này có thể tìm thây trong những tham luận của các học giả và tăng ni nước ngoài. Quả thật nếu Phật giáo tự thế tục hoá trong đà chạy đua như mọi cuộc chạy đua khác trên thế giới, thì chẳng bõ công đi tìm một phương thức mới. Những người khách đến từ Mỹ Âu đã cho ta nhiều gợi ý qua kinh nghiệm chọn lựa của họ, họ đã chọn lựa Phật giáo như con đường khai sáng song song với con đường văn minh kỹ thuật Tây phương. Kinh nghiệm của các nước bạn Phật giáo Á châu cho thấy đạo Phật đã phát triền thâm sâu vào cuộc sống an lạc tỏa hiện ngay trong cung cách của các vị sư, cư sĩ. So với các nước bạn, Phật giáo Việt Nam, với trí tuệ sắc sảo của người Việt Nam, đã có một truyền thống đặc thù, rút tỉa những tinh hoa của đạo Phật để vun trồng gầy dựng một bản lai văn hóa độc lập và tự chủ. Phật Giáo Việt Nam chắc chắn đóng góp phần mình trong sứ mệnh đem vui cứu khổ trên địa cầu vẫn còn nung nóng hận thù tham lam và càng ngày càng chật hẹp tình người này. Mỗi thời có một cách chữa trị khác nhau. Vấn đề là phải nhìn ra được căn cơ của cơn bệnh, nguyên nhân của khổ, mới có thể chữa trị được. Đạo Phật linh diệu chỉ ở một chữ “KHÔNG”, như một diễn tả của trí tuệ về tự do và sáng tạo, đối trị căn bệnh của thời đại là hư vô chủ nghĩa,. Càng vong thân trong vật chất càng tự chôn mình trong hư vô. Triết học, chính trị, kinh tế, kỹ thuật công nghệ truyền thông điện tử đang trên đường tiến đến hư vô, trong nghĩa tự sát bằng thủ thuật giả mạo (Simulation) thay thế nhân bản. Đối trọng của nó là chữ “KHÔNG” như một lối thoát tìm về chân như, tự chủ, tự do. Bồ Tát Long Thọ đã trả lời rốt ráo, bóc hết mọi giả tướng để chỉ còn HẠNH GIỚI: thực hiện hạnh Bồ tát trang nghiêm, sống đạo đức trong hòa bình. Con đường cho Phật tử Việt Nam nằm trong hướng ấy với những điều kiện nhân duyên cụ thể mà mỗi Phật tử phải thức tỉnh nhận ra được trong lúc Tu Tâm. 

Tôi muốn nói, trong tất cả những căng thẳng tập trung tâm ý để lắng nghe những lý luận khúc chiết của các bậc thức giả, tôi đã có lần vẩn vơ, và hình như chỉ có Phật giáo mới cho phép vẩn vơ như thế. Thật bất ngờ, sau buổi hội thảo, gặp một nữ ký giả, phó tổng biên tập một tờ báo lớn tại Thành phố, tôi hỏi cảm nghĩ của cô về buổi hội thảo. Cô cười bảo, em có nghe gì đâu, số là, vì không còn chỗ ngồi đứng mãi mỏi chân, cô đi xuống sân, ngồi ở tầng cấp nghe chim hót, và thấy vui. Có người đến, thấy cô đeo bản tên tòn teng trước ngực, hỏi mượn thẻ của cô để được đi lên xem Hội thảo (hình như đã nhiều người lên “chui” kiểu này, cho nên thiếu ghế!), cô bảo mượn thẻ làm gì, lên trên ấy thì cũng như ở dưới này, ở đây còn khỏe chân hơn, vừa nghe chim hót và nghe tiếng tham luận, và cô đã có một đồng bạn cùng nghe. Cũng là một cảm nhận hội thảo đấy chứ! Nghe nói ở dưới sân Phật tử đến nghe khá đông và họ đều được mời dùng cơm chay với các đại biểu, khách ăn hơn 400 người. 

Sau khi nghe “một câu chuyện Thiền” của cô ký giả, tôi lại sực nhớ thắc mắc của mình ngay từ buổi đầu hội thảo, không hiểu có phải vì lý do tắt điện, nên nghi lễ thường có khi bắt đầu và kết thúc các đàm luận Phật giáo không được thực hiện, mà tôi rất tâm đắc mỗi khi tham dự: đó là niệm Bổn sư và hồi hướng công đức. Những lời niệm này giúp cho ta định tâm để chánh niệm và chánh ngữ. Theo chương trình, buổi lễ cầu quốc thái dân an Mạn Đà La do các vị sư Tây Tạng cũng không thực hiện được, buổi lễ đã được cử hành sau đó với các sư Việt Nam. 

Nói gì thì nói, phải nói Hội thảo quốc tế Phật giáo đã thành công trong những điều kiện ngoại tại còn hạn chế. Theo chương trình, ngày thứ ba, khách được mời đi tham quan cơ sở xây Đại Học Phật Giáo trong tương lai thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Tp HCM, trồng cây Bồ Đề làm kỷ niệm. Sau đó mọi người đi thăm Thiền Viện Thường Chiếu ở gần Vũng Tàu, cũng nghe nói gần cả nghìn Phật tử từ tỉnh Bà Rịa đứng đợi cả ngày để đón khách, đã gây ấn tượng không nhỏ cho khách nước ngoài. 

Sau hội thảo, tôi gặp lại Thầy Mạnh Thát, vẫn tiếng cười sang sảng, Thầy nói với tôi, giọng trầm xuống, với âm Quảng Trị, “lạy Phật, nhờ Phật phù hộ, mọi chuyện được tốt đẹp!” Có lẽ, đây là lời đẹp nhất trong buổi hội thảo mà tôi nhận được từ một tu sĩ Phật giáo đã có những công trình nghiên cứu khoa học đáng kể trên lĩnh vực văn học, lịch sử và triết học Phật giáo Việt nam. 

Huế - Mùa Vu lan 2006

Thái Kim Lan
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7696&rb=0303
Nguồn: Phần chính của bài viết đã đăng trên Tia Sáng, Hà Nội, tháng 7.2006. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3830)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5892)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5371)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.