● Đối Thoại Nội Bộ: Động Lực Của Sự Tương Tác Giữa Các Bộ Phái Phật Giáo

13 Tháng Hai 201200:00(Xem: 7642)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức



Đối thoại nội bộ:
Động lực của sự tương tác giữa các bộ phái Phật giáo
GSTS. Asanga Tilakaratne, Đại học Kelaniya, Tích Lan

Những tiến triển mới đây trong việc hiểu biết và hợp tác giữa những tông phái Phật giáo

Đối thoại giữa những truyền thống tôn giáo khác nhau là một hiện tượng rất phổ biến trong những giai đoạn gần đây. Có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài này, cả về phương diện lý thuyết lẫn phương diện thực hành. Điều ít xảy ra hơn lại là những đối thoại với nhau trong cùng một truyền thống tôn giáo. Lý do có thể là có nguồn gốc lịch sử, xem những dị kiến trong nội bộ là sai quấy và tội lỗi hơn là những truyền thống tôn giáo hoàn toàn khác, nghĩ như vậy rõ ràng là sai lầm. Những việc không đồng tình với nhau trong nội bộ được xem là kẻ thù bên trong nên ngay cả việc chia sẻ thương thảo với nhau cũng đã chẳng có ai nghĩ tới. Lịch sử Phật giáo đã có hơn một trường hợp những sơn môn tông phái không chịu bao dung cho nhau và có những khi xung đột với nhau.

Mặc dầu chuyện đó trước kia đã từng xảy ra trong Phật giáo nhưng những diễn tiến gần đây cho thấy rằng đối thoại trong nội bộ càng lúc càng gia tăng giữa ba tông phái chính. Lịch sử hiện đại, nhất là đầu thế kỷ 20, được định tính với những nổ lực hợp tác giữa những tông phái khác nhau. Ngày nay, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau như vậy trở thành một màu sắc tỏa sáng mang bản chất liên kết nội bộ giữa những người Phật tử với nhau.

Mục đích của bài viết là xem xét những tiến triển như vậy phát sinh như thế nào và gợi lên những ý nghĩa gì trong lý thuyết và thực hành.

Đối thoại nội bộ: Những thôi thúc tương tác giữa những tông phái Phật giáo

Giới thiệu

Những cuộc gặp gở giửa những truyền thống tôn giáo khác nhau và giửa những bộ phái trong cùng một tôn giáo rõ ràng có hai hình thức. Thực tế cho chúng ta thấy rằng đối thoại với những nhóm đối nghịch trong cùng một tôn giáo khó khăn hơn là đối thoại với những đối tượng thuần túy là người khác tôn giáo. Những nhóm đối nghịch trong cùng một tôn giáo thì được xem là phản đồ trong khi người khác tôn giáo thì rõ ràng chỉ là người ngoài và vì vậy mà không cảm thấy bị e sợ. Phật giáo trong dòng lịch sử lâu dài của mình đã đối mặt với cả những người bên trong lẫn những người bên ngoài và những diễn biến lịch sử đó cần phải được vận dụng để nêu lên được phương hướng về mặt lý thuyết. Sau đây, trước hết tôi sẽ bàn ngắn gọn về vấn đề Phật giáo trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ đã đối mặt với những tôn giáo khác và với những chi phái trong nội bộ như thế nào. Sau đó tôi sẽ tập trung bàn chi tiết hơn về bản chất và ý nghĩa của những diễn biến gần đây, một hiện tượng mà tôi gọi là ‘đối thoại nội bộ’ giữa những người thuộc những hệ phái khác nhau trong Phật giáo.

Những cuộc đối thoại giữa các tôn giáo thời xưa

Trong giai đoạn phôi thai, thời mà Đức Phật còn tại thế, Đức Phật thường xuyên đối thoại với những truyền thống tôn giáo thời ấy. Thư tịch cổ cho chúng ta thấy rằng trong những cuộc đối thoại này Đức Phật thường gặp mặt những tín đồ của những tôn giáo khác, cụ thể là Bà-la-môn giáo, một truyền thống đã sâu rễ bền gốc và có thế lực trong xã hội. Đức Phật chỉ trích nhiều điểm của Bà-la-môn giáo, cụ thể là hệ thống giai cấp, một hệ thống được biện minh bằng giáo điều tôn giáo mà Phật cũng đã chỉ trích một số tế lễ và những nghi thức trong đó. Theo kinh Sa-môn quả thuộc Trường Bộ kinh thì có 6 vị đạo sư nổi tiếng đương thời và có vị trí vững vàng với đồ chúng đông đảo. Những vị đạo sư này đại diện cho truyền thống sa-môn, một truyền thống khác với truyền thống Bà-la-môn.

Không có tư liệu nào ghi nhận rằng Đức Phật đã trực tiếp gặp mặt bất cứ vị đạo sư nào, nhưng kinh điển Phật giáo ghi lại nhiều trường hợp Đức Phật gặp những đệ tử của Nigantha Nataputta, lãnh đạo đạo Jain, Makkhali Gosala và Sanjaya Belatthiputta; những chúng đệ tử của ba vị được người ta gọi là lần lượt là Niganthas, ajivikas và paribbajakas. Có cả hai trường hợp Đức Phật đến thăm những vị này những những vị này đến yết kiến đức Phật để thảo luận với nhau. Mặc dầu kinh điển cổ xưa ghi lại rằng thời đó có nhiều cuộc tranh luận diễn ra kịch liệt giữa những tôn giáo khác nhau nhưng những cuộc thảo luận giữa Đức Phật và những người thuộc tôn giáo khác lại rõ ràng có tính cởi mở và tương kính.

Những cuộc đối mặt trong nội bộ: Chia rẽ và đối đầu

Những tranh biện trong nội bộ Phật giáo chỉ xảy ra sau khi Đức Phật niết bàn. Theo những diễn tiến lịch sử do Thượng tọa bộ ghi lại thì nội bộ giáo hội Phật giáo bắt đầu mất hòa hợp sau cuộc kiết tập lần thứ hai xảy ra khoảng 100 năm sau khi Đức Phật niết bàn. Thư tịch cổ ghi lại rằng 10 điều trong sinh hoạt thường nhật của tăng sĩ được xem là nguyên nhân của sự mất hòa hợp đầu tiên. Khi quyết định cho rằng 10 điều này là vi phạm giới luật được ban hành thì một số lớn tăng chúng đã không muốn tuân hành quyết định đó nên li khai khỏi giáo hội. Nhóm li khai có tên gọi là Maha-sanghika gợi cho chúng ta thấy rằng đây là nhóm đông người. Không giống như những bất đồng về giáo pháp, những bất đồng về giáo luật khiến cho việc ở chung với nhau trong cùng một tu viện trở nên khó khăn. Sự li khai về chổ ở như vậy đã tạo môi trường cho sự bất đồng về giáo pháp.

Trong thời kỳ sơ khai này những phản đối trong nội bộ có mục đích căn bản là xây dựng nên cái nhìn đúng hay xác định đúng những gì là giáo pháp hay những lời mà Đức Phật đã dạy. Trường hợp điển hình là sự kiện đại trưởng lão Moggaliputta-Tissa biên soạn ra tác phẩm Kathavatthu-pakarana để làm sáng tỏ quan điểm của Thượng tọa bộ đối với những cách lý giải giáo pháp khác nhau đang dần dần phát triển trong nội bộ tăng chúng. Ngay trước thời gian này giáo hội gốc đã phân chia thành 18 bộ phái với 18 cách lý giải giáo pháp khác nhau. Trong thời kỳ đầu có một điển hình khác của việc phản đối trong nội bộ Phật giáo là sự kiện tổ Long Thọ biên soạn tác phẩm Mulamadhyamaka-karika, một nổ lực nhằm điều chỉnh những quan điểm sai lầm của một số người tin Phật. Mục đích của tổ Long Thọ trong Mulamadhyamaka-karika là bác bỏ quan niệm có một ‘sva-bhava’ (bản thể của con người), một đặc tính của các pháp như một số người thừa nhận.

Sau đó phát triển ra ba dòng truyền thừa chính: Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cang thừa, rồi dần dần lập cước ở những khu vực địa lý khác nhau. Ba dòng truyền thừa này hoằng hóa trong những khu vực cố hữu của mình suốt một thiên niên kỷ vừa qua. Về phương diện lịch sử, Tiểu thừa tức là Vaibhasika và Sautrantika đã không còn hiện hữu khi Phật giáo dần dần biến mất ở đất nước Ấn Độ. Dòng truyền thừa Thượng tọa bộ đã phát triển thành một tông phái độc lập tồn tại ở Tích Lan và từ đó được truyền sang những quốc gia ở Đông Nam Á.

Những phản đối về mặt giáo pháp là đặc điểm của thời kỳ đầu nhưng khi mỗi dòng truyền thừa định cư ở một vùng hay một khu vực địa lý riêng biệt thì những phản đối trong nội bộ Phật giáo chuyển sang một bước ngoặc. Thay vì là những tranh luận giữa những dòng truyền thừa với nhau thì dường như lại phát triển dạng phản đối trong nội bộ của một dòng truyền thừa, cụ thể là trường hợp của Mahavihara và Abhayagiriya ở Anuradhapura, Tích Lan. Những bất hòa chủ yếu là về mặt giáo pháp mặc dầu những bất đồng về mặt hành trì giới luật không thể hoàn toàn tránh khỏi. Trong Phật giáo ở Đông Á một điểm tranh luận dữ dội về giáo lý diễn ra ngay trong thời kỳ đầu về bản chất của chứng ngộ, nghĩa là: chứng ngộ mang tính chất bất chợt hay là từng bước. Sau rất nhiều diễn giảng, nhiều biện luận và phản biện, kết quả của cuộc tranh luận vẫn còn xa xôi mờ mịt.

Tranh luận nội bộ: Cộng tồn và phản đối

Ngành tôn giáo học so sánh với mục đích tìm hiểu những tôn giáo khác với tôn giáo của mình, có cần thiết hay không? Người ta đã khẳng định tôn giáo mà mình tin tưởng, do bởi chìu theo niềm tin của gia đình. Những nhà trí thức và thành phần ưu tú của tôn giáo đã nghiên cứu những tôn giáo khác để phát triển năng lực phê phán đối với những tôn giáo. Trong trường hợp những bất bình xảy ra giữa những bộ phái trong cùng một tôn giáo thì cách ứng xử thường là không chấp nhận, không thừa nhận và không bao dung nếu chưa đến mức đối địch thật sự.

Từ thời khởi thủy Phật giáo là một tôn giáo rất bao dung và chưa từng có thái độ thù địch đối với những tôn giáo khác mặc dầu thi thoảng những người tin Phật lại không chịu làm bạn với những người đối nghịch trong nội bộ của mình. Arnold Toynbee nói rằng ‘Tài liệu của đạo Judai chép lại những sự kiện không khoan dung, thù địch, phản trắc, không nhân từ và bức hại lẫn nhau; một vết đen của mình khi so với tài liệu lịch sử của Phật giáo.’ Điều này nhắc nhở rằng Phật giáo có phong thái tốt hơn khi ở trong môi trường đối thoại không những với những tôn giáo khác mà còn với những dòng truyền thừa khác nhau trong nội bộ. Lịch sử của thế giới Phật giáo cho chúng ta nhiều bằng chứng về cách thức mà những dòng truyền thừa khác nhau cùng phát triển một cách thân hữu và có những hợp tác hiệu quả qua nhiều thế kỷ. Không có một điển hình nào rõ rệt bằng những vị tăng sĩ nổi tiếng đã du hành từ Trung Hoa cổ đại đến Nam Á. Thế giới Phật giáo ngày nay chịu ơn những tăng sĩ người Hoa này, những người đã liều thân cho việc bảo tồn di sản văn học to lớn của Phật giáo.

Những diễn tiến mới đây

Ngày nay, xu thế hợp tác và giao lưu giữa những dòng truyền thừa Phật giáo đã là một hiện tượng rất phổ biến. Xu thế này phổ biến đến mức độ mà người ta có thể nói rằng có một dạng Phật giáo thế giới hay là một dạng Phật giáo hợp thừa thật sự đang phát triển. Tuy nhiên đây là một tiến trình từng bước. Mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 19 thế giới Phật giáo hãy còn là những dòng truyền thừa riêng lẽ trong phạm vi những khu vực địa lý sẳn có từ trước. Những tiến bộ nhanh chóng của ngành vận tải và thông tin liên lạc đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc giao lưu. Tìm hiểu tôn giáo trở thành một bộ phận của việc nghiên cứu văn hóa đóng vai trò cốt lõi trong tiến trình này. Mặc dầu sự hiểu biết về Phật giáo ngày càng gia tăng ở Châu Âu vào đầu thế kỷ thứ 19 nhưng việc giới thiệu nền văn học Phật giáo một cách có hệ thống cho người phương Tây vẫn chưa có ai thực hiện cho đến khi Rhys Davids, một viên chức dân sự người Anh sinh sống ở Tích Lan tìm hiểu tiếng Pali do một nhà sư Tích Lan chỉ dạy.

Khi trở về nước, Rhys Davids khai sáng hội Pali Text Society vào năm 1882 để xuất bản thánh tạng nguyên văn Pali của Thượng tọa bộ và những bản dịch tiếng Anh. Sự thích thú đối với Phật giáo ở Bắc Mỹ là do nhà sư Anagarika Dharmapala gốc người Tích Lan tạo nên tại World’s Parliament of Religions, tổ chức ở Chicago, 1893. Ông Henry Steel Olcott, người Hoa Kỳ, đến Tích Lan năm 1880 và trở thành một Phật tử lãnh đạo phong trào phục hoạt Phật giáo, đã góp phần quan trọng cho những hoạt động của Dharmapala sau đó. Olcott là người đầu tiên khởi động quá trình thiết kế xuất lá cờ Phật giáo 6 màu. Ngày nay lá cờ 6 màu đã được những người tin Phật khắp nơi trên thế giới công nhận là biểu tượng của mình.

Mặc dầu chỉ là một nhà sư thuộc Phật giáo Theravada nhưng Dharmapala có một tầm nhìn bao quát cả thế giới Phật giáo chớ không hạn hẹp trong phạm vi đảo quốc Tích Lan mà thôi. Trong sự nghiệp đấu tranh trường kỳ suốt đời cho việc phục hồi những thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, Dharmapala đã huy động tấm lòng của tất cả những người tin Phật trên thế giới. Vào năm 1889, Olcott và Dharmapala đã đi sang Nhật Bản và chuyến đi này đã được một cây bút miêu tả: ‘đã đánh thức tinh thần hòa hợp giữa những người theo Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cang Thừa’ Những hoạt động của nhà sư Dharmapala đã được sự chứng minh của Maha sangha Tích Lan, chứng tỏ rằng tinh thần thông thoáng mà nhà sư Dharmapala đã thể hiện không phải là điều hoàn toàn mới mẽ và cá biệt.

Ảnh hưởng của Dharmapala lan tỏa rất xa. Hội Liên Hữu Phật giáo (WFB) do cố giáo sư Gunapala Malalasekera khai sáng là một kết quả trực tiếp của tầm nhìn thông thoáng này. Malalasekera đã tiếp nhận ảnh hưởng của Dharmapala khi còn là một thanh niên rất trẻ. Khi trở thành vị giáo sư đầu tiên của khoa văn minh Phật giáo thuộc trường Đại Học Tích Lan, Malalasekera đã có một kiến thức vững vàng về tiến trình lịch sử của Phật giáo. Ông đã công khai quan điểm cho rằng tất cả những người đã tin Phật thì có nhiều lý do để đến gần với nhau hơn là đứng cách biệt với nhau.

Chính nhận thức và lòng khẳng quyết như vậy mà ông đã triệu tập những người tin Phật thuộc tất cả những dòng truyền thừa và xây dựng nên tổ chức tên là Hội Liên Hữu Phật Giáo ngày nay. Sau khi thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo, Malalasekera đã khởi động chuyến đi thăm vòng quanh thế giới bao gồm những quốc gia ở phía Nam, Đông Nam và Đông Á để tiếp xúc với người tin Phật thuộc tất cả những dòng truyền thừa. Những bài tự thuật của Malalasekera về chuyến đi đã phản ánh phong phú tấm lòng và sự kính trọng mà ông nhận được khắp nơi. Ngày nay, Hội Liên Hữu Phật Giáo là một địa chỉ gặp nhau cho những người tin Phật thuộc tất cả truyền thống trên thế giới.

Một tiến triển tương tự và còn hào hứng hơn nữa đã xuất hiện trong hàng ngũ ni giới Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Giống như tăng chúng, ni chúng Phật giáo cùng với nữ Phật tử đã phát động một hiệp hội quốc tế nữ giới Phật giáo với danh xưng là Hiệp hội những người con gái của Đức Phật Thích-ca. Hiệp hội đã khởi động năm 1987 với một nhóm những người nữ tin Phật do Karma Lekshe Tsomo lãnh đạo; Tsomo là một người Mỹ theo nghành Châu Á học, sau đó thọ giới Tỷ-kheo ni trong truyền thống Tây Tạng. Tham gia hiệp hội gồm có những Tỷ-kheo ni và nữ tín đồ thuộc tất cả những dòng truyền thừa, kể cả những nữ tu thuộc Theravada Tích Lan.

Chính sự kiện đưa giới đàn truyền thọ đại giới cụ túc ni vào truyền thống Theravada mà một điển hình hưng khởi nữa của một nền Phật giáo hợp thừa. Giáo đoàn Tỷ-kheo ni ở những đất nước theo truyền thống Theravada (Campuchia, Laos, Myanmar, Sri Lanka, và ThaiLand) đã mai một hẳn trong suốt 10 thế kỷ vừa qua và người ta cứ theo quan niệm cũ mà cho rằng tái lập giáo đoàn Tỷ-kheo ni là việc vô nghĩa vì trong dòng truyền thừa TheravÈda đã không có cộng đồng trưởng lão ni nên không ai thực hiện việc truyền đại giới cho ni. Người ta còn tuyên bố rằng trừ trường hợp Đức Phật xuất hiện trở lại thì không ai có thể tái lập giáo đoàn Tỷ-kheo ni trở lại. Điều này có nghĩa là không chấp nhận cho giáo đoàn Tỷ-kheo ni phục hoạt trở lại trong lòng của dòng truyền thừa Theravada vì những nhân vật trụ cột của dòng truyền thừa Theravada không muốn có cùng nguồn cội tông môn với những vị Tỷ-kheo ni Đại thừa về mặt giáo luật.

Nữ giới đã vượt qua được rào cản với sự chuẩn nhận của Giáo hội Tăng-già Tích Lan, thọ nhận đại giới từ truyền thống Tỷ-kheo ni Đại thừa Triều Tiên, sau đó lại thọ nhận đại giới từ Giáo hội Tăng-già Tích Lan: y theo giáo luật truyền thống. Như vậy, dòng truyền thừa Tỷ-kheo ni Theravada Tích Lan ngày nay, nói một cách chính xác, thì thuộc về cả hai truyền thống Đại thừa và Theravada. Mặc dầu điều này không có nghĩa là tất cả những tăng chúng và cư sĩ Theravada theo nếp xưa chấp nhận hiện tượng đó một cách không đắn đo nhưng không nghi ngờ gì nữa những đường ranh xa xưa ngăn cách những truyền thống khác nhau đang bị xóa mờ và những gì đang xuất hiện rõ ràng mang tính chất vượt thoát những quy phạm lâu đời.

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa (do những tiến bộ vượt bực của nghành thông tin và vận chuyển đã làm giảm hẳn những khoảng cách về thời gian và không gian) đã tăng cường mức độ tiếp xúc và thông tin liên lạc với nhau giữa những tăng sĩ thuộc những dòng truyền thừa khác nhau với mức độ chưa từng có trước đây. Cùng cọng trú, cùng chia sẻ những nếp sống và những pháp hành trì đã làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa những thành viên của tăng đoàn Phật giáo. Nền giáo dục hiện đại cũng đã góp phần tạo nên những cơ hội để tăng sĩ thuộc nhiều truyền thống tìm hiểu lẫn nhau. Đặc biệt, có một khuynh hướng càng ngày càng phát triển là những tăng sĩ không thuộc Theravada đi đến những quốc gia Theravada để học hỏi những điều mà chúng ta tin là những lời dạy nguyên thủy của đức đạo sư.

Điển hình là Viện hậu đại học chuyên nghành Pali và Phật học thuộc đại học Kelaniya Tích Lan hiện nay do tôi lãnh đạo, có rất đông sinh viên từ những quốc gia thuộc truyền thống Đại thừa. Tương tự, nhiều tăng sĩ thuộc truyền thống Theravada đã đi đến những quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản để học hỏi những tông phái khác nhau thuộc truyền thống Đại thừa. Những người tin Phật chưa bao giờ giảm nhiệt tâm trong việc học hỏi Phật giáo và chưa bao giờ cạn nguồn cảm hứng và thuần túy học thuật mà thiếu nội dung tu tập. Kết quả cuối cùng luôn luôn là làm phong phú cho nhau.

Ngày nay dường như đã là một thông lệ chúng ta thường nghe vị giảng sư Đại Thừa hay Kim Cang Thừa viện dẫn thánh điển Pali và vị giảng sư Theravada thuật lại những mẩu chuyện thiền Phật giáo hay trích dẫn kinh văn Đại Thừa, Kim Cang Thừa. Thiền quán niệm của Theravada đang có nhiều người tin Phật thực tập, không còn vướng mắc bởi những tông chỉ truyền thống cố hữu nữa. Những hành giả thuộc một phong cách mới có khi được gọi tên là ‘Phật giáo phong cách Hoa kỳ’ cùng một lúc rút tỉa cảm hứng từ nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau và phát triển thành một dạng Phật giáo tinh tuyển, thoát ra ngoài vòng cương tỏa của những quy chuẩn xa xưa.

Phật giáo phong cách Hoa kỳ như đã đề cập ở trên là một kết quả của tiến trình toàn cầu hóa, cũng là kết quả của một số vấn đề xã hội và địa lý chính trị trên thế giới trong 4 - 5 thập kỷ mới đây. Những người tin Phật từ Đông Nam Á, từ Việt Nam sau chiến tranh Việt Nam, thập niên 70 đã đến Hoa kỳ mang theo truyền thống Đại thừa và một số lớn những người tin Phật theo truyền thống Theravada dưới sự hướng dẫn của đại trưởng lão Narada ở Wajiraramaya, Colombo. Những người tin Phật thuộc Kim Cang thừa từ Tây Tạng đã đổ sang Phương Tây rất đông khi xảy ra rắc rối chính trị giữa Trung Quốc và Tây Tạng.

Những người tin Phật Campuchia cũng đã chạy nạn sang Phương Tây từ những năm 1980 sau những cuộc thí nghiệm chính trị kinh hoàng của chế độ Pol Pot, không quên mang theo truyền thống Phật giáo Theravada. Ngoài những cộng đồng tỵ nạn kể trên là những nhóm Phật giáo xuất thân từ những quốc gia thuộc truyền thống Đại thừa đã định cư ở Hoa Kỳ trên 100 năm và những nhóm Phật giáo truyền thống Theravada từ Tích Lan, Thái Lan và Miến Điện. Sự phát triển của dạng Phật giáo phức hợp này là một câu chuyện dài với nhiều tình tiết mà tôi không có ý định kể lại nơi đây. Tuy nhiên điều cần ghi nhận là sự diễn tiến liên tục của một dạng Phật giáo mới; dạng Phật giáo kết nạp nguồn cảm hứng từ tất cả những truyền thống có trước. Như trước đây chúng ta đã ghi nhận một số học giả đã ‘phong tặng’ dạng Phật giáo mới này danh hiệu ‘Phật giáo phong cách Hoa kỳ’. Richard Hughes Seager hiện cố gắng miêu tả như sau:

Cộng đồng Phật giáo Hoa Kỳ nói chung là một phức hợp rất phong phú những sắc thái, những quan điểm về bản chất của Phật giáo. Trong đó, những người theo nếp cũ và những nhà canh tân cùng có mặt với nhau, có khi thoải mái, có khi không. Thông thường lòng bao dung được xem trọng và hầu như mọi người đều chấp nhận quan điểm cho rằng tất cả những cách diễn đạt về pháp trong yếu tính của nó thì pháp chỉ là một mà thôi.

Điển hình đẹp của dạng Phật giáo mới phát triển tại địa phương là một Giáo Hội gồm cả tăng lẫn ni; đó là Hội đồng Tăng-già Phật giáo Nam California thành lập năm 1980, thoạt tiên hội đồng chỉ làm điều phối cho những buổi đàm luận giữa tăng ni và Phật tử, sau đó phát triển thành một tổ chức thu hút tăng ni và Phật tử thuộc tất cả những truyền thống Phật giáo đang có mặt trong địa phương. Hội đồng cũng đã tổ chức buổi đại lễ Phật đản chung cho những người tin Phật; đây là một việc làm rất có ý nghĩa nó biểu tượng cho sự đồng thuận của tất cả những dòng truyền thừa Phật giáo đối với việc chọn ngày trăng tròn của tháng Năm theo truyền thống Theravada làm ngày đản sinh của Đức Phật. Điều này cho người ta thấy những truyền thống Phật giáo khác nhau đã phát huy tính đồng thuận với nhau như thế nào trong những sự kiện trọng đại và tạo nên những tiền lệ mới ở địa phương cư trú mới của mình.

Kết luận

Đối thoại tôn giáo dù là trong nội bộ hay đối với bên ngoài đều đầy những khó khăn. Điều khó khăn nhất là không có sự đồng thuận ngay cả giữa những hành giả nhiệt tâm nhất. Đối thoại trong nội bộ Thiên Chúa giáo được phát động và tiến hành bởi những người Ki-tô thường bị chỉ trích là một dạng cải giáo trá hình. Một số lượng rất đông những người Ki-tô bảo thủ không chấp nhận việc đó. Chúng ta có thể mường tượng tình trạng tương tự như vậy xảy ra trong nội bộ Phật giáo. Cụ thể là việc có một số những hành giả không nhân nhượng và chỉ muốn duy trì thật đúng với những gì đã được truyền từ đời này sang đời khác.

Như chúng ta biết, xưa nay Đại thừa tách biệt với Tiểu thừa dựa trên thành kiến: Đại thừa cho Tiểu thừa là căn cơ thấp kém trong khi Tiểu thừa lại tin rằng Đại thừa là lệch hướng. Tuy nhiên sau 2 ngàn năm bất mãn với nhau, ngày nay sự li khai không còn mang tính chất cũ. Tất cả những dòng truyền thừa dường như đã đi đến một sự đồng thuận về vấn đề điều gì là cốt lõi của Phật giáo. Những dòng truyền thừa đã thể hiện tính khai phóng, học hỏi lẫn nhau. Những người tin Phật được tự do theo bất cứ mục tiêu nào mà người ấy có cảm hứng: mục tiêu giải thoát toàn bộ, mục tiêu giải thoát tự thân hay mục tiêu chứng đắc quả vị A-la-hán. Thảo luận đến đây chúng ta thấy rằng đối thoại giữa những người tin Phật hướng về lý thuyết thì ít mà hướng về tu tập thì nhiều hơn. Tuy nhiên điều này không có ý định đưa ra dự báo về nhu cầu phải có một học thuyết tinh tế về vấn đề đối thoại nội bộ. Dường như quá trình thực tu một cách chất lượng có thể phác họa ra được bản chất của một học thuyết đối thoại nội bộ, đồng thời tránh được nguy cơ tạo ra một học thuyết chỉ để người ta học và thuyết rồi thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn