● Kinh Nghiệm Truyền Bá Và Phát Triển Phật Giáo Tại Châu Âu, Đặc Biệt Là Đức Quốc

14 Tháng Hai 201200:00(Xem: 7509)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

 

KINH NGHIỆM TRUYỀN BÁ VÀ
PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO TẠI CHÂU ÂU, ĐẶC BIỆT LÀ ĐỨC QUỐC
Thích Như Điển

 

Đạo Phật như một cây đại thọ, có gốc rễ đã bám chặt sâu vào lòng đất của Á châu hơn 2500 năm lịch sử. Do vậy gốc rễ ấy đã quá vững vàng để cho những cành lá ấy vươn cao mãi cho đến tận trời Tây và Phật Giáo đó ngày hôm nay đã có mặt khắp năm châu trên quả địa cầu nầy.

Sau khi vua A Dục (304 BC-232 BC) quy y với Đạo Phật và gửi nhiều đoàn truyền giáo sang các nước Âu Châu như Hy Lạp, Iran, Irak, Alexandria... Thì nghiểm nhiên giáo lý của Đức Phật đã có mặt tại các xứ Trung và Đông Âu này từ những ngày mà Thiên Chúa chưa xuất hiện. Vì vậy mà thuở bấy giờ những Tăng Sĩ và giáo đoàn cũng như tự viện đã được phát triển một cách hùng mạnh, đã chiếm cứ một phương trời triết học, nghệ thuật, văn hóa cũng như đạo đức tại những xứ này. Đó là kết quả của những nhà khảo cổ học gần đây đã khai quật được nhiều di tích tại xứ Alexandria cũng như tại Hy Lạp. Điều này chứng tỏ rằng Phật Giáo đã vang bóng một thời tại những xứ ấy.

Sau đó thì các đạo khác xuất hiện và Phật Giáo vốn chủ trương ôn hòa, bất bạo động; nên đã bị các tôn giáo khác như Hồi Giáo đã thanh toán, chiếm hữu và giết chóc cũng như phá hoại không biết bao nhiêu là tự viện, tu sĩ và những giá trị tinh thần khác. Ngay cả tại Ấn Độ; nơi quê hương của Đạo Phật cũng đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm như thế. Phật Giáo không chùn bước với những thử thách và chịu đựng ấy; Phật Giáo đã nép mình vào sự tồn tại của dân chúng mà thị hiện qua nhiều hình thức khác nhau và trong những thời kỳ bị đánh hại như thế, Phật Giáo chỉ còn tồn tại trong những hình thức nghi lễ, cúng bái cũng như đức tin trời Phật mà thôi. Đây chính là cái nhân để gìn giữ lửa trí tuệ cho những thời kỳ phục hưng sau nầy tại Âu cũng như Á Châu.

Đọc sử Âu Châu không thấy nói nhiều về sự hiện diện của Phật Giáo tại châu này vào những thế kỷ sau Thiên Chúa cho đến thế kỷ thứ 17, 18. Có lẽ vì ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo trong những thế kỷ ấy quá lẫy lừng tại châu này; nên Phật Giáo lại ẩn nhẫn đâu đó để tự tiếp cận về sau này, nơi những nhà triết học của Âu Châu chăng? Trải qua những lần chinh đông của quân đội các nước Âu châu để đi tìm thuộc địa, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hòa Lan v.v. đã để lại nơi những con người khoa học Âu Châu trong khi tìm kiếm một giá trị tâm linh đích thực của những dân tộc Á Châu ấy thì họ đã bắt gặp Phật Giáo và cũng chính những người ra đi viễn chinh ấy họ đã mang về cho quê hương của họ những chiến lợi phẩm đã nhặt được tại Ấn Độ, Tích Lan, Việt Nam v.v. gồm những tượng Phật, kinh điển bằng tiếng Pali hay Hán Văn. Kể từ đó những nhà nghiên cứu mới bắt đầu làm quen với Đạo Phật.

Như vậy, trong cái rủi lại có cái may và trong cái may ấy lại ẩn chứa những rủi ro khó lường được về sau nầy. Cái rủi là thuở ấy những người Á Châu chúng ta không có đủ phương tiện thuyền bè như người Âu Châu để chinh Tây như người Tây Phương đã đến chinh phục chúng ta vào những thế kỷ 16, 17, 18 và 19; nhưng được cái may là giáo lý của Đạo Phật được tự động tràn ngập vào Tây Phương từ hàng thượng lưu trí thức và từ đó giáo lý ấy đã được truyền bá rộng rãi trong khắp Âu Châu ngày nay.

Nhưng trong cái may ấy cũng có cái rủi là không có người lãnh đạo những phong trào học Phật này. Đúng là trăm hoa đua nở. Lý do chính đáng để trăm hoa nầy đua nở. Vì các nhà học phật Âu Mỹ nầy họ đã chán ngấy những tôn giáo độc thần, mọi quyền của con người đều được ban ơn bởi một vị Thượng Đế. Do đó mà họ muốn thoát ra khỏi những kỷ cương vốn đã trói cột họ suốt hơn 2000 năm nay. Đây là lý do chính để họ thấy rằng ở Đạo Phật có một cái gì đó công bằng hơn. Vì mọi người đều có khả năng thành Phật và ngay cả người nữ đối với Đạo Phật cũng có một vai trò và giá trị cao hơn là những Tôn Giáo khác; nên họ đã chấp nhận Đạo Phật một cách rất dễ dàng. Rồi từ đó họ đi vào giáo điển bằng tiếng Pali, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam và Phạn Ngữ.

Riêng tại nước Đức này cách đây hơn 200 năm có nhà văn đồng thời là triết gia đã bắt đầu làm quen với Phật Giáo. Đó là Schopenhauer (22.02.1778-21.09.1860), ông ta không hẳn là một phật tử, nhưng ông đã thích giáo lý của Đạo Phật và hình ảnh tượng Phật đầu tiên đã có nơi phòng làm việc của ông vào những năm ở đầu thế kỷ 19 đã khiến cho những nhà phật học khẳng định rằng: Phật Giáo tại xứ Đức nầy đã bắt đầu từ đó. Đồng thời với Schopenhauer, tại Việt Nam chúng ta có đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du đã phải tụng kinh Kim Cang hơn 300 biến mới hoàn thành được tác phẩm Kim Vân Kiều là một câu chuyện bên Trung Quốc nhan đề là “Thanh Tâm Tài Tử Truyện” hay “Đoạn Trường Tân Thanh” vốn dĩ là một áng văn xuôi rất bình thường đã xuất hiện vào triều nhà Minh, ở vào thế kỷ thứ 13, 14.

Thế nhưng khi tác phẩm ấy đã vào tay cụ Nguyễn Du, là một bậc quan lại của ba triều(1) nghiễm nhiên đã trở thành một tuyệt tác văn chương, mà có lẽ trước và sau đó trong lịch sử văn học Việt Nam không có tác phẩm nào có thể sánh bằng với tác phẩm nầy. Vả chăng tinh thần Tam Giáo đồng quy đã thể hiện được trong tác phẩm nầy qua cái nhìn biến thiên của lịch sử. Giả dụ, nếu tác phẩm này có tồn tại ở Trung Quốc trong 1000 năm sau nữa, cũng chỉ thế thôi. Nó sẽ trở về trong quên lãng. Nhưng ở đây may mắn nó đã lọt vào tay của cụ Nguyễn Du và chính nó đã làm đẹp đẽ giang sơn văn học Việt Nam, chứ không là của Trung Quốc.

Đạo Phật cũng như thế, khi du nhập vào các nước Âu Châu đã biến thể khá nhiều. Đầu tiên có những nhà nghiên cứu người Âu Châu sau khi thâm hiểu giáo lý của Đạo Phật ít nhiều, họ đã tự động sang Á Châu để xuất gia học đạo, trong đó có ngài Nyanatiloka(2) người Đức, ngài sang Tích Lan kể từ sau đệ nhị thế chiến (1939-1945) và viên tịch tại đó. Trong thời gian Ngài ở Tích Lan, rất tích cực trong việc dạy Thiền cũng như phiên dịch những kinh điển từ tiếng Pali sang tiếng Anh và tiếng Đức. Ngài không về lại Đức. Vì lẽ xứ Đức đối với Ngài chưa có cơ duyên; trong khi đó Tích Lan là một xứ Phật Giáo; nên Ngài đã không rời bỏ nơi mà Ngài đã tu học trong nhiều năm tháng.

Rồi những năm đầu thế kỷ thứ 20 nầy, người ta đã để ý đến Zen của Nhật Bản, qua sự truyền bá của Daisetsu Suzuki (1870-1966), là người Nhật có vợ Anh và những tác phẩm của ông như “Easy Zen and Easy Practise” đã làm cho nhiều người Âu Mỹ, nhất là người Đức ưa chuộng phong thái mới nầy. Nó rõ ràng hơn và an ổn hơn là đi vào thế giới tiếng Pali không đơn thuần chút nào ở những giai đoạn đầu học Phật.

Rồi các triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) hay Sigmund Freud (1856-1939) và Hermann Hesse (1877-1962) là những người không nhiều thì ít đã ảnh hưởng tinh thần khai phóng tâm linh của Phật Giáo qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia) của Edwin Arnold (10.06.1932-24.03.1904). Để từ đó họ có những sáng tác độc đáo như “Đường về nội tâm” (Der Weg nach Innen) của Herman Hesse. Chính những tư tưởng của những triết gia này đã ảnh hưởng không ít đối với người đương thời và ngay trong hiện tại, không thiếu những người nhắc nhở đến họ.

Đặc biệt nhất ở xứ Đức này phải nhắc đến nhà bác học Albert Einstein (14.03.1879-18.04.1955). Ông ta là người Đức gốc Do Thái sinh ra tại Neu Ulm thuộc miền nam nước Đức. Lớn lên ông học hành cũng bình thường; nhưng sau đó nhờ đi dạy học tại Thụy Sĩ và nhờ phát minh thuyết tương đối (Reality Theory); nên đã được thế giới ngưỡng mộ. Sau đệ nhị thế chiến, ông di dân qua Hoa Kỳ và lập nghiệp cũng như chết tại đó. Ông đã viết rất nhiều sách và diễn thuyết rất nhiều nơi trên thế giới; nhưng với ông đặc biệt có ba điều mà người phật tử chúng ta cần nên nhớ. Ông nói: “Điều thứ nhất, người phật tử không cần đi tìm Đạo Phật nơi khoa học, vì trong Đạo Phật đã đầy đủ tính chất khoa học rồi.

Điều thứ hai, tôi (tác giả) không phải là một Phật tử. Nhưng nếu tôi theo một Tôn Giáo, tôi sẽ chọn Phật Giáo.

Điều thứ ba, kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi không có Tôn Giáo nào có thể phát triển mạnh trên thế giới bằng Đạo Phật.”

Ta có thể nói rằng: nhà bác học Albert Einstein là một người Phật tử chưa quy y Tam Bảo và rất có thiện cảm với giáo lý của Đạo Phật mà ở vào cuối thế kỷ thứ 20. trên quả đất này có sáu tỷ người, trong khi đó Liên Hiệp Quốc đã chọn ông là người tiêu biểu và là cha đẻ của thuyết tương đối. Từ đó ta hãnh diện là một người Phật tử đã chọn đúng đường cho nội tâm của mình.

Đức Phật nói trong luận A Tỳ Đàm về việc thành lập các thế giới(3) đã khẳng định rằng vũ trụ nầy còn tồn tại lâu bền hay sẽ vở tung ra trong thời gian dài ngắn là do con người biểu hiện qua các việc: có kính trọng cha mẹ, Thầy Tổ; có hòa thuận với anh chị em trong gia đình; có tu bát qua trai, làm lành lánh dữ hay không; chứ không phải quả đất nầy được cai quản bởi một vị chúa tể nào. Đây là một nhận định khoa học, khách quan mà Đức Phật đã dõng dạc tuyên bố như thế qua tuệ giác siêu việt chứng ngộ của mình.

Cũng như gần đây nhà bác học Stephen Hawking (sanh 08.01.1942) là người Anh. Ông ta đã chứng minh như Đức Phật là thời gian không có bắt đầu và không có cuối cùng. Rõ ràng là giáo lý ấy đã được người Âu Mỹ và đặc biệt là những học giả của thế giới đã tán đồng. Do vậy đề tài “Phật Giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức” có lẽ sẽ không dừng lại đây mà sẽ triển khai ở nhiều phương diện, để Đạo Phật càng ngày càng được thăng hoa hơn.

Vào giữa thế kỷ thứ 20 một phong trào học Phật mới tại Âu châu nầy đã bùng nổ mạnh. Đó là Phật Giáo Tây Tạng. Qua hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà giáo lý Mật Tông đã được truyền bá khắp nơi. Từ thành phần trí thức, đến những người dân dã đã đổ xô đi nghe Ngài thuyết giảng, hay muốn gặp gỡ Ngài để được ban phước lành và đặc biệt là học hỏi những tư tưởng thâm sâu của Phật Giáo Tây Tạng đi từ Nhất thừa, đến Bích chi phật thừa, Bồ Tát đạo rồi mới vào được Kim Cang thừa. Đây là điểm son của lịch sử truyền thừa Phật Giáo trên thế giới.

Ở Đạo Phật không có cơ quan truyền giáo; nhưng ở Phật Giáo có một chất liệu thẩm thấu rất ly kỳ; nó giống như nước cứ chảy đến đâu là thấm vào lòng đất tại đó và không bị đất đẩy ngược lại. Nhìn lại lịch sử truyền thừa từ Ấn Độ qua Trung Hoa cũng thế. Thuở ấy Phật Giáo đã nhờ Lão giáo nên đã thâm nhập vào đất Trung Hoa một cách dễ dàng; nếu chỉ qua con đường Nho giáo thì có lẽ Phật giáo đã dậm chân tại chỗ. Ngược lại Việt Nam chúng ta thì qua những nhà Nho và qua những bậc vua chúa mà Phật giáo đã được truyền vào đây một cách dễ dàng. Phật giáo Nhật Bản cũng thế. Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi) là một ông vua vào thuở thời Đường hưng thịnh bên Trung Hoa, ông ta cũng làu thông kinh sử; nhưng ngược lại đã chọn Phật giáo làm quốc giáo cho thần dân. Ngoài ra trong điều 3 của hiến pháp Nhật Bản lúc bấy giờ còn lấy Tam Quy Ngũ Giới cho vào đó để thực hiện việc cai trị dân của Thái Tử. Quả thật Đạo Phật đã ở trong lòng người.

Chúng ta cũng sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử (1010 – 2010) chắc chắn không thể không nhắc đến Vạn Hạnh Thiền Sư vốn là một nhà Nho và đã bỏ Nho theo Phật và vai trò của Lý Công Uẩn trong việc trị nước an dân qua tinh thần của Phật học. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng Phật giáo đi đến đâu đã hòa nhập một cách tài tình vào tinh thần cũng như cách sống, phong tục, văn hóa, tập quán của nước đó.

Người Đức vốn là một dân tộc trọng kỷ luật và có tinh thần tự giác rất cao. Ngoài ra bên ngoài tuy họ lãnh đạm; nhưng bên trong có một quả tim rất từ bi, có một tình thương vô tận. Vì họ đã kinh qua những lò thiêu Do Thái của Hitler và trải qua chiến tranh đau khổ của đệ nhất và đệ nhị thế chiến; nên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 họ đã giang tay ra để đón nhận hơn 100.000 người Việt Nam đến đây để tỵ nạn, sinh sống và bây giờ chúng ta đã và đang xây đắp cho quê hương nầy một viên gạch tâm linh của Phật Giáo vào tòa nhà cao nhất của 200 năm lịch sử truyền thừa nầy và dân tộc Đức đã chấp nhận Phật giáo một cách dễ dàng từ chính quyền trung ương đến địa phương. Từ những người thượng lưu trí thức, cho đến những người bình dân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây quả thật là pháp Phật nhiệm màu và hầu như đã không có một sự chống đối nào khi Phật giáo Việt Nam của chúng ta hội nhập vào xã hội nầy.

Vì người Đức quan niệm rằng: một người không có đạo đức Tôn Giáo là người ấy dễ phá rối nền an ninh trật tự của xã hội nầy; nên chính quyền đã giúp cho Tôn giáo về văn hóa cũng như ổn định xã hội bằng phương pháp tạo điều kiện cho người có tôn giáo tham gia hoạt động Tôn giáo nhiều hơn để khỏi gây ra những tệ nạn trong xã hội, mà vốn dĩ công tác này là những chuyên đề của những vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo, có thể giúp đỡ cho chính quyền Đức ổn định trật tự trong xã hội nầy.

Ở đây người ta không cai trị dân bằng sự “gọi dạ bảo vâng” mà họ nghe tiếng nói từ dân và do dân đề nghị, cũng như giải quyết những nhu cầu của người dân, trong đó có vấn đề Tôn giáo, là một vấn đề ưu tiên mà nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của họ. Có như thế cuộc sống xã hội mới được an bình và quốc gia mới được thịnh trị.

Tôi vốn xuất thân là một nhà giáo dục học Phật giáo đi từ Á sang Âu và khi đến đây, thấy vấn đề tổ chức xã hội của họ có quy cũ và chặt chẽ như thế nên đã cúi đầu chào khâm phục và bắt tay cộng tác để làm những công việc xã hội văn hóa mà Tôn giáo của mình vốn đã không xa lạ gì trong mấy ngàn năm lịch sử tại quê hương Việt Nam yêu dấu ấy. 

Đem chuông đi đánh xứ người, quả không phải là điều dễ dàng gì; nhưng riêng cá nhân tôi đã cố gắng qua 47 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Việt, Anh, Hoa, Nhật, Đức ngữ đã và đang đóng góp phần mình về vấn đề tâm linh cho ngôi nhà Phật Giáo tại Đức nầy.

Theo tôi nghĩ những bậc Tổ Sư của chúng ta như Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan khi qua kinh đô Lạc Dương của Trung Quốc vào thời nhà Hán chắc rằng các Ngài cũng bở ngỡ lắm, vì ngôn ngữ không thông; nhưng qua kinh Tứ Thập Nhị chương mà quý Ngài đã phiên dịch tại chùa Bạch Mã và những bản kinh sau đó, quả đã đóng góp và tích tụ bằng nhiều năm tháng kinh qua để được hội nhập vào cuộc sống tâm linh ấy thuở bấy giờ, quả thật vấn đề ngôn ngữ là vần đề tối trọng đại.

Người Nhật có câu tục ngữ rằng:
 “Go ni ireba, go ni sitagae”. (vào làng phải theo làng đó)

Người Trung Quốc có câu:
 “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”

Và người Anh có câu:
 “When you are in Rome do as Romans do”

Quả là sự ly kỳ cho việc truyền thừa Phật Giáo tại xứ nầy.

Ở Đức, Phật Giáo Việt Nam mới có mặt độ 30 năm; nhưng Phật Giáo đã bước đi những bước rất chậm và chắc như câu tục ngữ Đức: “Langsam aber sicher” (chậm mà chắc) và hy vọng ở thế hệ thứ 2, thứ 3 trở đi Phật Giáo Việt Nam sẽ có chân đứng vững chải tại xứ nầy(4). Một điều rất rõ ràng là bây giờ người Đức có một số lớn đọc, tụng được kinh tiếng Việt và người Việt sinh ra và lớn lên tại xứ Đức nầy bắt đầu từ thế hệ thứ 2 trở đi đã đọc, tụng kinh được bằng tiếng Đức. Đây là một sự giao thoa về mặt văn hóa và Tôn Giáo mà chúng ta thật ra khó có một cơ hội định trước. Có lẽ các pháp tất cả đều do nhân duyên sanh và tất cả các pháp cũng sẽ do nhân duyên diệt. Nếu thuận lợi thì sẽ tồn tại và phát triển. Nếu nghịch duyên thì giáo lý ấy sẽ ẩn mình, hoặc chuyển sang một hướng khác để tự tồn. Điều này lịch sử đã chứng minh và dĩ nhiên lịch sử không là vấn đề lập lại mà lịch sử là sự trải dài của thành, trụ, hoại, không.

Vui, buồn, khen, chê, được, mất, lợi, bất lợi v.v… đó chẳng qua là những đối đãi trong cuộc đời và tất cả không thật tướng. Vì thật tướng của chơn lý vốn là không như trong Bát Bất Trung Đạo, Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã dạy cho chúng ta gần 2000 năm lịch sử rồi.

Đối với khoa học cái gì càng mới bao nhiêu, càng có giá trị bấy nhiêu. Vì đó là những sản phẩm của văn minh và trí tuệ. Còn đối với Tôn Giáo, những gì càng cũ kỹ bao nhiêu và được tồn tại qua thời gian năm tháng lâu dài thì đấy chính là văn hóa và đấy chính là niềm tin vào một Tôn Giáo. Nhưng điều quan trọng nó không nằm trong chiều dài của lịch sử tồn tại Tôn Giáo đó, mà nó chỉ có giá trị của bề dày lịch sử và cuộc đời mà tôn giáo ấy đã, đang cũng như sẽ đóng góp cho nhân loại mà thôi.

Tôi xa nước từ năm 1972 để đi Nhật và qua Đức trực tiếp từ Nhật năm 1977. Cho đến nay ở ngoại quốc đã gần 35 năm và ở Đức gần 30 năm chưa một lần về thăm xứ; ngoại trừ năm 1974 có 1 tháng thăm quê. Thế nhưng quê hương và đất nước là những tình tự dân tộc mà người con xa xứ không được quyền quên. Vì nơi đó đã sinh ra mình và nuôi mình lớn lên thành người. Nay Thượng Tọa Giáo Sư học giả và Sử gia Trí Siêu Lê Mạnh Thát tổ chức được một buổi hội thảo khoa học về Phật Giáo trong thời đại mới như thế nầy, quả là điều đáng ngưỡng vọng và thán phục biết bao. Ở xa, tôi chưa về thăm quê được; nên xin gởi bài này để đóng góp vào việc phát triển Phật Giáo Việt Nam trong mai hậu và xem đây như là một chút tình quê của người sống ly hương đang vời trông về cố quốc.

Kính chào tất cả liệt quý vị.

Viết xong vào một sáng mùa hạ tại thư phòng chùa Viên Giác.
 

Notes

(1) Đó là triều chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Triều Nguyễn Huệ Tây Sơn và triều Gia Long Nguyễn Ánh
(2) Antom Gueth, 1878 - 1957
(3) Do TT. Thích Như Điển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt – Sariputra Giáo Dục Từ Thiện Hội xuất bản năm 2006 tại Hoa Kỳ.
(4) Xin đọc thêm sách tiếng Đức, của Dr Martin Bauman về sự hình thành của Phật Giáo Việt Nam tại Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 10387)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 5867)
Biết rằng cuộc sống là không công bằng và rằng bạn sẽ thường xuyên vấp ngã, nhưng nếu các bạn dám chấp nhận rủi ro, dám tiến lên trong những thời điểm khó khăn nhất, dám đối mặt với những kẻ bắt nạt, nâng đỡ những người bị áp bức và không bao giờ… không bao giờ bỏ cuộc - nếu các bạn làm được những việc này, thế hệ tiếp theo và các thế hệ nối tiếp sẽ sống trong một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới của chúng ta ngày hôm nay, và những gì được bắt đầu ở đây sẽ thực sự thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 8308)
Từ quan điểm chủ quan hay khách quan,sự an lạc của con người là nhu cầu cơ bản của xã hội loài người .Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các tổ chức và thể chế xã hội khác nhau đã xuất hiện với mục tiêu duy trì sự sống của nhân loại trong tinh thần hòa hợp. Nhiều đóng góp đã được thực hiện nhằmcủng cố và phát triển them phúc lợi cho xã hội loài người.
11 Tháng Năm 2014(Xem: 7099)