● Phật Giáo: Cơ Hội Và Thách Thức

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6820)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

PHẬT GIÁO: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Thích Minh Tâm, Úc Đại Lợi

Vài nét tổng quan hiện tình thế giới:

Suốt trong chiều dài lịch sử Phật giáo từ lúc khai sáng tại Ấn Độ đến phát triển tại Trung Quốc và các nước Á châu khác như Tây Tạng, Tích Lan, Nhật, Thái Lan, Cam bốt, Việt Nam, số tín đồ đã nâng lên đến trên 600 triệu người trong tổng số 6 tỷ người đang có mặt trên thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, thì trong năm tôn giáo lớn, Thiên chúa giáo chiếm 2.2 tỷ người, Phật giáo 600 triệu, Hồi giáo 1.6 tỷ. Sự phát triển này không những chiếm nhiều đặc điểm về mặt rộng Nguyên Thủy, Tây Tạng, Nam Tông, Bắc Tông, Thiên Thai v.v. mà còn về chất lượng như Đại Thừa, Bồ Tát Nhập Thế, Tân Tăng (contemporary Buddhism) v.v.. 
 

Trong suốt bốn thập niên vừa qua, sự phát triển các công nghệ như công nghệ thông tin, và công nghệ sinh học đã dẫn thế giới bước sang một trang sử mới của nhân loại. Internet đã biến trái đất thành một trái banh nhỏ bé. Thông tin chuyển qua internet có thể được cập nhật hóa ngay lập tức với phí tổn rẻ và đưa đến toàn thể mọi người đang sử dụng internet hoặc có phương tiện internet trên toàn thế giới. Tổng số người này lên đến trên 800 triệu theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2005 và con số này đang tăng nhanh mỗi năm hơn 100 triệu.

Chủ nghĩa toàn cầu hóa:

Trước các Thế chiến I và II, vì sự sinh tồn và phát triển của các quốc gia lớn nên phát sinh chủ nghĩa phát-xít, thực dân đế quốc. Các quốc gia này phát triển bằng cách đi chiếm dụng tài nguyên từ các nước nghèo có điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng không có phương tiện khai thác. Sự đô hộ và chiếm hữu trắng trợn đã đưa đến kết cục bi thảm trong hai cuộc thế chiến. Cả nước lớn giàu và nước nghèo đều bị thiệt hại nặng nề vế kinh tế và con người. 

Sau hai thế chiến, nhà kinh tế gia lỗi lạc Keynes trong hội nghị Bretton Woods đưa ra một mô hình kinh tế chiến lược để tạo ra an bình và phát triển cho toàn thế giới. Mô hình này được 130 quốc gia trong phiên họp chấp thuận thực hiện, bao gồm một hệ thống tài chính toàn cầu mà trong đó Ngân hàng thế giới mệnh danh là ngân hàng cho người nghèo (Bank for the Poor) nhằm trợ giúp kinh tế và phương tiện cho các nước chậm tiến giải phóng (liberate) và tận dụng những tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo sẳn có của quốc gia đó hầu tăng gia khả năng tiêu thụ của nhân dân trong nước. Như vậy, nước nghèo có thể mua hàng hóa của các nước lớn đã phát triển. Mô hình này thành công vào giai đoạn đầu lúc mới ban hành sau khi thế chiến. Nhưng ngày nay ngân hàng thế giới đã không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới. Nó đã trở thành một công cụ cho nước giàu thống trị thế giới qua kinh tế. Đồng thời nó cũng trở thành công cụ cho các nước nghèo ỷ lại để phát triển chủ nghĩa cá nhân sinh tồn, ỷ lại vào các nguồn trợ giúp và quên đi nhu cầu lâu dài của quốc gia là tự lực phát triển kinh tế. 

Nảy sinh từ những sự kiện đó, chủ nghĩa toàn cầu hóa ra đời. Nó nhằm hỗ trợ những yếu kém của mô hình ngân hàng thế giới trong vai trò thống trị toàn cầu bằng kinh tế của các cường quốc. Trong lúc phát triển, chủ nghĩa toàn cầu này mang theo nó những phong tục tập quán, văn hóa, tư duy và tôn giáo. Tôn giáo chính vẫn là Thiên chúa giáo mở rộng hay nói đúng hơn Thiên Chúa giáo Canh Tân (Contemporary Christianity). Tư duy cốt lõi vẫn là tự do cá nhân chủ nghĩa mệnh danh là chủ nghĩa dân chủ (democracy). Mô hình xã hội chính vẫn là dân chủ kinh tế tự do theo chủ nghĩa cá nhân cạnh tranh sinh tồn thay vì hợp tác phát triển sinh tồn. 

Do đó nảy sinh ra sự cạnh tranh sinh tồn giữa những quốc gia nhỏ nhưng nắm giữ những tài nguyên thiên nhiên trọng yếu cho sự phát triển kỹ nghệ và những quốc gia lớn đang trên đà phát triển nhanh và cần những nguồn nguyên liệu này. Hồi giáo ngẫu nhiên trở thành thế lực đàng sau hỗ trợ cho những quốc gia nhỏ này trong tranh chấp thế giới. Nó đã liên tục dẫn đến những sự giao động chính trị và kinh tế bất ổn trên thế giới trong suốt thập niên vừa qua. Nó cũng dẫn đến tranh chấp trường kỳ đẫm máu trong nhân loại nhân danh con người và tôn giáo. 

Phát triển kinh tế không bền vững: hủy hoại trái đất, tài nguyên, môi sinh và cơ cấu xã hội.

Phát triển kinh tế đi đôi với tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên vì quan điểm ích kỷ trong cạnh tranh nên các nước thi nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên như gỗ rừng, hầm mỏ, khoáng biển và thử nguyên tử tại biển. Kết quả là thiên tai, động đất, ô nhiễm môi trường. Trong suốt vài năm qua, hậu quả thiên tai để lại hằng triệu người không nhà, hằng triệu người chết vì hậu quả kéo dài (post-natural disaster impact), hằng trăm ngàn trẻ em trở thành cô nhi, hằng chục tỷ đô thất thóat v.v.. Đó là chưa kể đến những thứ bệnh vi khuẩn như cúm gà, miễn tính HIV, và những vi khuẩn chưa biết tên hiện đang hoành hành trên hơn 200 triệu người trên thế giới. 

Liên Hiệp Quốc đang kêu cứu và đặt ưu tiên đây là vấn nạn quốc tế. Trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2004, nếu thế giới không cùng nhau tìm ra phương thức kiểm soát hữu hiệu và khống chế sự bành trướng chiến tranh vi khuẩn này thì trong 50 năm nữa, loài người sẽ sống trong địa ngục của bệnh tật, thiên tai. 

Phong trào liên tôn kêu gọi tái lập hòa bình thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Trước những khủng hoảng thế giới, Liên Hiệp Quốc và những thế lực lớn phía sau chỉ còn một phương thức cổ điển là xử dụng tôn giáo như là nguồn hy vọng tạo sự ổn định cho sinh tồn và phát triển của thế giới. Trong suốt hơn hai chục năm qua, rất nhiều trợ giúp phương tiện và hằng tỷ đô la đã tung ra để giúp các tổ chức tôn giáo cổ vũ, giáo dục và xây dựng hòa bình thế giới. Những cuộc hội thảo thế giới và xuống đường lớn đã được LHQ tài trợ tại Israel, Dubai trong năm 2004 và 2005. Trong năm 2006, LHQ lại tài trợ Thái Lan tổ chức ngày Phật đản quốc tế tại Thái Lan.

Rồi đây, mọi người sẽ chứng kiến ngày Phật đản là một ngày quốc tế như ngày thế vận hội Olympic. Mọi người sẽ gặp gỡ để cúng kiến, bàn thảo và kiến nghị về hòa bình thế giới. Nhưng kết quả vẫn là sự thiếu thốn một mô hình thực tiễn lâu dài trong việc xây dựng một con người vị tha, bác ái và sống vì mọi người. Con người ấy hiếm khi được đào tạo tại chùa như Lý Công Uẩn mà đa số chỉ có thể thực sự được đào tạo trong một gia đình Phật tử lành mạnh. Giáo dục gia đình do đó đã được đặt thành thiết yếu cơ bản trong việc kiến tạo hòa bình thế giới lâu dài. 

Liên Hiệp Quốc đã nghiên cứu và tài trợ những chương trình tương tự dưới chiêu bài phát triển giáo dục, bảo tồn văn hóa và giá trị nhân bản con người. Tuy nhiên những chương trình trên vẫn chưa có khả năng thuyết phục nhiều nước hoặc các tổ chức quốc tế tham gia vì đa số các chương trình và nguồn tài trợ đều do khối Thiên Chúa giáo quyết định và kiểm soát. Do đó ảnh hưởng của chương trình còn hạn hẹp trong phạm vi vùng (regional) hoặc manh mún (piecemeal effect) chưa rộng lớn toàn cầu và nhất quán. Phật giáo dựa trên căn bản hòa đồng, hội nhập có thể dung hợp được tất cả mọi quan điểm dị biệt trong một phương thức hòa bình bất bạo động. Tuy nhiên Phật giáo dường như im lặng trong lãnh vực này mặc dù có sự khích lệ của Liên Hiệp Quốc và Uỷ Ban Liên Tôn của Liên Hiệp Quốc cho Hòa Bình thế giới. Đa số nỗ lực kiến tạo hòa bình an lạc cho mọi người đều do Thiên Chúa giáo Canh Tân khởi xướng và thực hiện.

Những cơ hội phát triển của Phật giáo

Phật giáo đang tiến vào một trang sử mới của thế giới. Thứ nhất, sự khủng hoảng chính trị và kinh tế của thế giới kêu gọi mọi sự đoàn kết tôn giáo về tâm linh và niềm tin để giải quyết những khủng hoảng đó. Phật giáo với chủ trương hòa đồng, vô chấp, vô phân biệt, bất bạo động đang được các tổ chức quốc tế kể cả Liên Hiệp Quốc nghiên cứu như là một phương thức tốt có thể giải quyết những xung đột của con người. Thứ hai, cơ hội này được gia tăng lũy thừa vì có sự tham gia của các công nghệ thông tin. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, số người xử dụng internet hiện nay đã lên đến trên 800 triệu trên toàn thế giới. Tất cả bản tin, bài pháp giảng, sinh hoạt phật sự chỉ cần 5 phút là có thể trải rộng đến toàn thế giới những người sử dụng internet. Trước mắt là 3 cơ hội chính của phát triển Phật giáo.

1. Nhu cầu cấp thiết và hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và các nhóm quốc tế liên tôn cho hòa bình là động cơ mạnh cho sự phát triển Phật giáo toàn cầu cho hòa bình thế giới. Không những nó bao gồm trợ giúp những phương tiện vật chất, công nghệ và tài chính mà còn cơ hội nối mạng liên kết cùng các tổ chức quốc tế khác nhằm phát triển hòa bình thế giới, kiến tạo một xã hội bình đẳng cùng phát triển vật chất và tâm linh, nhất là trong lãnh vực giáo dục gia đình, trong đó con người là thành viên đóng một phần quan trọng. Tham gia vào những hoạt động hòa bình thế giới một cách tích cực là một cơ hội phát triển của Phật giáo Việt Nam nói riêng. 

i). Tham gia vào Uỷ Ban Liên Tôn cho Hòa Bình và Thịnh Vượng Thế Giới của Liên Hiệp Quốc hoặc thiết lập phong trào Phật giáo quốc tế phụng sư hòa bình thế giới. Hầu hết các nước Âu châu đều xây dựng trên căn bản của Thiên Chúa giáo. Kinh tế cũng như pháp luật đều dựa vào nguyên tắc thần quyền Christianity và sự cứu rỗi. Vật chất thụ hưởng được xem như ân sủng dành cho những người theo Thiên Chúa giáo và những ai thực hiện nghiêm túc những điều giảng dạy trong Kinh thánh (Christian Bible). Các nước giàu mạnh thường lạm dụng chiêu bài tự do dân chủ để cưỡng chế một mô hình Thiên Chúa giáo (democracy vis a vis Catholocism) để bành trướng thế lực kinh tế và chính trị của họ tại các nước chậm tiến nhưng có nhiều tài nguyên thiên nhiên. 

Ngược lại, Phật giáo xây dựng trên căn bản ý thức (mindfulness), hòa đồng (harmony) và chấp nhận (tolerance). Phật giáo không có nhu cầu đối kháng và cưỡng chế. Trái lại Phật giáo có khả năng dung hòa và kết hợp với các tôn giáo khác cho hòa bình thế giới. Nhu cầu kết hợp này của thế giới rất khẩn thiết. Đây là cơ hội lớn cho Phật giáo tham gia vào việc thiết lập một cơ cấu trật tự tốt hơn cho tương lai thế giới

ii). Mô hình phát triển kinh tế cộng tác: Trong tiến trình phát triển kinh tế kiến thức, nhu cầu cộng tác để sinh tồn và phát triển đã thúc đẩy nhiều quốc gia hợp tác mặc dù họ có rất nhiều sự khác biệt về phong tục, tập quán, tôn giáo và ngay cả chính trị. Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình hợp tác này. Trong khi các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo và đạo Hồi có quá nhiều di biệt đến nỗi không thể chấp nhận ngồi chung với nhau được, thì Phật giáo có thể chấp nhận tất cả các tôn giáo khác cùng hợp tác trên căn bản chia sẻ và tôn trọng quan điểm chung. Liên Hiệp Quốc cũng đang dành diễn dàn cho phát triển kinh tế cộng tác trong khung đa tôn giáo hoặc liên tôn. Đây là một cơ hội lớn và tốt cho Phật giáo tham gia và phát triển trong cộng đồng quốc tế.

2. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin giúp cho sự truyền bá Phật giáo và hoàn thiện cuộc sống con người nhanh chóng hiệu quả và toàn cầu. Giáo lý và phương thức tu tập có thể được truyền bá nhanh chóng, rộng rãi, hiệu quả và chi phí thấp qua mọi băng tần truyền thanh, truyền hình, internet, multimedia nhanh chóng đến đại chúng trên khắp thế giới. Sự sử dụng internet để truyền bá Phật giáo cần có chương trình, chiến lược và kiến thức chuyên môn về công nghệ và truyền thông. Sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cho Phật giáo có thể thực hành những sự vụ như sau:

i). Thư viện Phật giáo điện tử trên mạng giúp cho việc hoằng pháp nhanh chóng và ít tốn kém. Buddhanet.net, quangduc.com và buddhismtoday.com là những bằng chứng rõ ràng. Thư viện điện tử có thể chuyển ngữ sang nhiều ngôn ngữ khác nhau cho toàn thế giới bất cứ nơi nào. Nhiều người cùng một lúc có thể vào trong mạng để tham cứu học hỏi một bài kinh mà không bị gián đoạn. Thư viện điện tử này sẽ đóng góp một phần rất lớn trong việc phát huy đạo Phật. Nó cũng sẽ là bộ máy giảng dạy nòng cốt liên tục 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần trong việc thiết kế các trường đại học Phật giáo trên thế giới nói chung và trường đại học Phật giáo Việt Nam nói riêng.

ii). Thiết kế chùa, tịnh xá, đạo tràng và giảng đường ngay trên mạng internet. Các thông tin và sinh hoạt của chùa, tịnh xá hoặc giảng đường có thể thiết kế trên mạng và trải rộng đến hằng tỷ người trên thế giới ngay lập tức. Thông tin liên lạc thường xuyên giữa các trường phái tu học khác nhau, chùa và giảng đường sẽ giúp liên kết các tăng ni, tín đồ Phật giáo trên thế giới. Sự hoạt động của Phật giáo không còn mang tính cách cục bộ địa phương mà sẽ được thông báo cho toàn thế giới. Sự hỗ trợ của cộng đồng Phật giáo do đó cũng được phối hợp nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chi phí cho công việc này cũng giảm đi rất nhiều.

iii). Chuyển các bài giảng Phật pháp qua băng tần rộng cho toàn thế giới. Gần một tỷ người trên thế giới hiện đang có phương tiện sử dụng internet. Voice over Internet là một công cụ đang phát triển nhanh chóng hiện nay. Công cụ này đang tiến đến trình độ cao rõ ràng (crystally clear), đa đạng, nhiều người cùng tham dự, và miễn phí. Công nghệ này cho phép chuyển tải một bài giảng của một giảng sư đến toàn thể đại chúng trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc. Những bài giảng này có thể được tái phát thanh, phát hình trên băng tần thông số rộng bất cứ lúc nào theo yêu cầu mà không cần đến sự tham dự trực tiếp của giảng sư. Buddhistradio.com là một thí dụ điển hình.

3. Sự phát triển công nghệ sinh học giúp cho phát triển kinh tế trong mô hình hài hòa cân bằng của thế giới. Công nghệ sinh học đã tạo cho một số quốc gia biết tận dụng cơ hội hiếm có trở thành dẫn đầu trong ngành này trên thế giới chẳng hạn như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba và Trung Quốc. Tại Việt Nam đã có những thành công về công nghệ phát triển cây trầm bằng sinh hóa, phát triển những cây thuốc trị bệnh bằng công nghệ cấy phôi. 

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học có thể được sử dụng và truyền bá để cải thiện cuộc sống nghèo nàn của dân chúng. Những công nghệ về trồng trọt các loại cây thuốc hoặc những phương thức cải tiến về chế biến, lưu trữ, thị trường sẽ giúp cho nông dân phát triển cuộc sống kinh tế. Những thông tin về phát triển kinh tế hài hòa và tân tiến trên thế giới khi được chuyển tải đến người dân thường cũng sẽ giúp cải tạo bộ mặt xã hội tốt đẹp hơn. Khi cuộc sống của người dân được nâng cao thì việc truyền bá giáo lý Phật lại có thể càng dễ được chấp nhận hơn theo như cổ ngữ “có thực mới vực được đạo”. 

Những thách thức đối diện với Phật giáo

Phật giáo đang phải đối diện những thách thức về nền tảng lý luận cũng như áp dụng thực tiễn. Những thách thức này có thể được biến thành cơ hội tốt nâng cấp Phật giáo về mặt tư duy cũng như hoạt động một cách hiệu quả hơn. Bài này chỉ chú trọng 5 điểm sau đây:

1. Những học thuyết nguyên thủy đang bị trải qua thời kỳ chứng nghiệm bằng những phương tiện khoa học. Các lý luận logics một phần đã bị xem như thiếu nhất quán về mặt lý luận. Những lý luận xưa đang bị thử thách. Ngôn ngữ chuyển tải giáo lý như Pali hiện được xem là tử ngữ (dead language). Ngôn ngữ Phật giáo cần có sự nhất quán để tạo ra niềm tin chính xác và vững chắc hơn. 

Phật giáo đã bị hiểu lầm là tiêu cực với vật chất vì hưởng thụ thường được xem như là có tội. Con người theo Phật giáo được giáo dục nên từ bỏ những đòi hỏi vật chất, ngay cả chính sự hiện hữu của bản thân. Điều này khiến cho nhiều quốc gia ảnh hưởng Phật giáo như Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia, Laos, Miến Điện, Việt Nam và Tích Lan khó phát triển kinh tế trong suốt thế kỷ vừa qua. Thực ra, đức Phật có khuyến cáo tất cả mọi người từ bỏ đời sống vật chất để chọn con đường vô gia cư, khổ hạnh đâu? Con đường Trung Đạo do đức Phật vạch ra từ xưa cần phải được giải thích rõ ràng cho đại chúng và áp dụng linh động trong nhiều tình huống khác nhau. 

Liệu giáo hội Việt Nam có khả năng xây dựng một trường đại học Phật giáo quốc tế để xây dựng lại cơ bản lý luận thích ứng hiện tại và tăng đoàn có đạo đức cao và khả năng tốt phù hợp với cơ cấu xã hội văn hóa Việt Nam không? Liệu Giáo Hội có đủ uy tín, dõng mãnh và trí tuệ đảm nhận trọng trách khó khăn trong việc hệ thống hóa Phật học này hay không? Liệu cơ chế chính trị xã hội Việt Nam hiện nay có cho phép Giáo hội làm những việc có ích lợi cho tương lai của Phật giáo và dân tộc hay không?

2. Cơ cấu tổ chức của hàng ngũ tăng ni từ xưa đến nay đều tự phát. Những sự tự phát đã dẫn đến sự thiếu đồng nhất và hệ thống quy củ, nếu không nói là vô tổ chức. Thứ nhất, nhiều hiện tượng phát sinh về giáo quyền, giáo chủ mới đã làm nhiều Phật tử suy tư nhiều về Phật giáo và tăng đoàn. Nhiều vị tự xưng là giáo chủ và sáng lập ra tôn giáo mới trong đó giáo lý của Phật đã được bóp méo theo nhu cầu tham vọng cá nhân. Thứ nhì, cộng thêm vào đó có nhiều hiện tượng thoái hóa của một số tăng ni đạo hạnh kém, thối thất đã không giữ giới luật nghiêm minh. Cửa thiền trở thành nơi trú ẩn và phát triển của tội lỗi.

Thứ ba, phong trào tân tăng do hiểu lầm và thực hiện sai đã làm đại chúng phải suy nghĩ nhiều về giá trị truyền thống tăng đoàn của Phật giáo. Thực tế thì một số tân tăng ni Âu Mỹ trên thế giới đã tiến khá nhanh. Tại New York đã có những thượng tọa Âu Mỹ ban ngày đi làm trong ngân hàng hoặc IBM, ban chiều về chùa tu học chấp hành nghiêm túc giới luật và dẫn dắt đại chúng tốt. Tất cả tiền lương đều sung vào quỹ của chùa hoặc thiền viện. Cuối cùng, chất lượng do sự đào tạo tăng sinh bậc tiến sĩ đa số từ Ấn Độ đã không đủ sức về chuyên môn kỹ thuật và khả năng quản lý để giúp các tăng ni phát triển trong xã hội văn minh hiện tại với công nghệ tiến nhanh hiện nay. 

Nhìn chung, không những cơ cấu tổ chức không rõ ràng thống nhất mà chất lượng tăng đoàn cũng không thể phát triển tốt nếu không có cơ cấu rõ ràng. Chính đức Phật cũng phải đặt ra giới luật và tổ chức cơ cấu khi số tăng sinh gia nhập nhiều. Do vì những yếu điểm nêu trên nên Phật giáo không đủ sức phát triển tốt như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. 

Liệu Giáo hội có đủ uy tín và trí tuệ thiết kế một cơ cấu tổ chức đồng nhất để dìu dắt tăng ni trong con đường tu học và hoằng pháp lợi sanh hay không? Có phương thức nào khuyến khích các tăng ni chấp hành thực hiện những giới luật của Phật một cách nghiêm túc không? Liệu Giáo hội có đủ uy tín, phương tiện, cơ cấu và quyền hạn để khai trừ những phần tử cố ý vi phạm giới luật trầm trọng hay không? Liệu Giáo hội có cho phép tăng ni được thực hiện như nhóm tân tăng mà vẫn đảm bảo chất lượng giới luật của người tu sĩ và giáo lý nguyên thủy không?

3. Việc đem lại an lạc hay thiết lập niết bàn trên trái đất không thể chỉ bắt đầu duy nhất bằng các tu sĩ. Mô hình một cộng đồng Phật giáo do đức Phật chỉ đạo từ ngàn năm trước bao gồm: tăng, ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ vẫn là mô hình tiêu chuẩn cho sư sinh tồn và phát triển của Phật giáo. Nó phải bắt đầu bởi con người toàn hảo theo như bát chánh đạo. Con người sống trong gia đình. Do đó nhu cầu giáo dục cá nhân trở thành nhu cầu giáo dục gia đình. Các luận giảng về giáo lý của Phật nên chú trọng môi trường gia đình hơn. Một số đông cư sĩ ngày nay có nhiều khả năng thực tế và am tường giáo lý còn hơn cả đa số tu sĩ tăng ni. Họ lại có đủ phương tiện hoằng pháp cho đại chúng kể cả người Tây Âu. 

Liệu Giáo hội đã suy nghĩ, hệ thống hóa, đơn giản hóa và chuyển tải những giáo lý này đến hàng cư sĩ bằng một phương thức hữu hiệu chưa? Có một cơ cấu như thế nào để sự hòa nhập giữa tăng già và cư sĩ được chấp nhận đến mức độ có thể bảo đảm vai trò, vị trí của tăng già trong khi đó cư sĩ vẫn có thể hấp thụ và thực hiện tốt được giáo lý của Phật?

4. Thông tin trên internet và phát hành multimedia rất khó kiểm chứng về mặt chất lượng và phương thức. Thứ nhất về chất lượng. Rất nhiều kinh sách đã được chuyển tải lên Internet. Một số chuyển tải thiếu sót về phần nội dung vì thiếu kinh nghiệm và chuyên môn về Phật học. Một số dịch giảng kinh theo quan điểm cá nhân có mục đích đề cao cá nhân hơn là học hỏi và truyền bá những điều đức Phật dạy có ích lợi cho chúng sanh. Một số dịch giảng kinh luật nhằm mục đích đề cao cá nhân thần quyền để thực hiện tham vọng thiết lập ra một tôn giáo mới.

Thứ nhì về phương thức. Phát triển hàng ngang tải rộng không có một trung tâm đầu não quản lý hoặc hướng dẫn chỉ đạo sẽ dẫn đến tình trạng dao động nhầm lẫn và lãng phí. Một cư sĩ cũng có vài cái websites về Phật giáo để truyền bá bất cứ tài liệu nào gọi là có dính líu đến Phật giáo. Rất nhiều websites này đã cho truyền tải những bài viết nhằm phổ biến mục đích của websites hơn là mục đích hoằng pháp lợi sinh. Thêm vào đó, nhiều websites của nhiều cơ quan phật giáo, chùa trên thế giới dành nhiều nhân sự cho việc thiết kế, đánh máy, chuyển tải, lưu trữ những tài liệu đã được các cơ quan khác đã làm rồi do đó gây ra lãng phí thời giờ và tài nguyên. 

Liệu Giáo hội có một mô hình hay cơ cấu nào đề ra giúp cho tăng đoàn thi hành tốt việc quản lý tài liệu quảng bá về Phật giáo trên Internet hay không? Liệu Giáo hội có đủ nhân sự có khả năng chuyên môn về công nghệ thông tin để thực hiện mô hình này hay không? Và cuối cùng là Giáo hội có đủ uy tín và thực lực để kêu gọi một cuộc đại hội để làm việc này vì lợi ích của tương lai Phật giáo hay không?

5. Để thực hiện những việc trên, một vấn đề không thể né tránh được là phương tiện vật chất cơ bản. Thiên Chúa giáo có một cơ cấu tổ chức và ngân quỹ để hoạt động. Ngân quỹ này cho phép đầu tư vào những công ty có sản phẩm phục vụ con người và đạo pháp. Hằng tỷ đô la do Toà thánh Vatican đã được đầu tư vào trong công ty điện toán IBM và các công ty y tế. Với số 3 triệu người Việt hải ngoại hiện nay, theo thống kê của ngân hàng Việt Nam thì mỗi năm đã gửi về giúp thân nhân theo tính cách cá nhân hơn 3 tỷ đô la Mỹ, nếu có một Quỹ Phát Triển Phật Giáo Nhân Bản với mục đích rõ ràng, cơ cấu dân chủ thực sự (Corporate Democratic Structure) thì có thể huy động không khó khăn hàng tỷ đô la và hàng ngàn chuyên gia thượng thặng trong ngành tài chính, quản lý. Trong lịch sử, người Do Thái, Syrian, Lebanese đã làm được với số người tín đồ lưu vong ít hơn thế nữa. 

Liệu Giáo hội đã có suy nghĩ và đề ra những mô hình tài chính hoặc quỹ để có thể phát triển đạo pháp và phục vụ nhân sanh hay không? Những mô hình tài chính này có thể được tăng già cùng chấp thuận thực hiện hay không? Liệu cơ chế chính trị hiện tại có cho phép Giáo hội thực hiện việc lợi ích này cho dân tộc và đạo pháp hay không?

Con người là yếu tố quyết định

Nhìn chung, có nhiều cơ hội tốt đang mở ra trong tầm vóc quốc tế cho sự phát triển của Phật giáo. Những cơ hội này phát sinh một phần lớn do sự khủng hoảng chính trị, kinh tế của thế giới thiếu một mô hình tâm linh bền vững. Sự phát triển Phật giáo lại gặp nhiều cơ duyên tốt hơn nữa vì sự phát triển nhanh chóng của hai công nghệ cao trên thế giới. Đó là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Riêng công nghệ thông tin có thể truyền tải giáo lý nhanh chóng, ít tốn kém đến một số đông người trên thế giới. 

Ngược lại, Phật giáo cũng phải đối đầu với những thách thức không kém cam go. Sự tái cơ cấu đồng nhất tổ chức về quản lý, học thuật và tăng đoàn đòi hỏi sự vận dụng trí tuệ một cách dõng mãnh của Giáo hội. Thách thức về sự đồng nhất về học thuật, lý luận, quản lý đều là những thử thách từ trong cơ cấu nội bộ. Lịch sử đã chứng minh, với hùng tâm và trí tuệ, con người sẽ có thể cùng nhau vượt qua những thử thách này. Câu hỏi còn lại là Phật giáo với chất lượng và hoàn cảnh hiện nay có thể tìm ra những con người như thế không? Nếu có thì Giáo hội đã có kế hoạch sử dụng hữu hiệu những con người này cho sự sinh tồn và phát triển của Phật giáo chưa? Nếu không thì Giáo hội đã có kế hoạch đào tạo những mẫu người như vậy chưa?

Trên đây là những điểm tóm tắt nhằm phục vụ Đại hội Phật giáo tháng 7 năm 2006 tại Việt Nam. Có những vấn đế cấp bách và không thể tránh né. Vì ưu tư cho tương lai của Phật giáo, bài viết ắt có những suy tư và phân tích cực đoan. Kính mong chư vị tôn đức mở lượng từ bi hoan hỷ. Nếu có những sai lầm sơ sót, đệ tử xin cúi đầu sám hối.
 

Tài liệu tham khảo:

- Adherent statistic of World religions, 2006
- UN report of World Peace 2005
- Universal Federation for Peace report 2005
- UN report on Melinium Development
- International Internet Association Report, Fleming Group, 2004
- Microsoft vision, internal memo, 2004
- Papers in Asian Conference of IT development, Intercountries-Ministerial Conference

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn