● Làm Thế Nào Để Vượt Qua Những Thách Thức Của Trong Thời Đại Mới

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6797)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

Làm thế nào để vượt qua những thách thức
trong thời đại mới 
HT. Thích Giác Lượng, Phap Duyên Tinh xá, San Jose, Hoa Kỳ

I ) TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Xã hội Việt Nam ta hiện nay đang trải qua những biến đổi lớn hằng ngày trên các lãnh vực truyền thông, kinh tế, thương mại, quan hệ quốc tế v.v… Sau gần một thế kỷ tụt hậu, kỷ nguyên 21 mở ra nhiều triển vọng đối với Dân tộc ta với nhiều thách thức… Sự phát triển bền vững nhất chính là sự phát triển con người, mà tư tưởng triết học, tâm lý học và xã hội học Phật giáo Việt Nam được thể hiện như một hệ thống khoa học thực nghiệm tổng hợp có liên hệ trực tiếp đến những khát vọng của nhân dân Việt Nam hiện nay. 

Cục diện toàn cầu tuy có xu hướng hòa dịu, giảm bớt đối đầu, nhưng những yếu tố bất ổn và khả năng xung đột như Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo ngày càng tăng vọt. Vấn đề tranh chấp biên giới, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên như dầu lửa, khí đốt; Vấn đề chế tạo vũ khí nguyên tử; Vấn đề vi phạm nhân quyền; Vấn đề chênh lệch giàu nghèo quá cao giữa các nước và ngay trong xã hội Việt Nam, đòi hỏi một cuộc đổi mới tư duy làm lành mạnh hóa con người Việt, 

Ngày nay, Phật học được xem như là một triết lý khoa học, phù hợp với xã hội văn minh hiện đại, có sức thu hút rất lớn đối với các dân tộc phương tây. Nhìn được như vậy, Phật giáo Việt Nam phải làm gì để đáp ứng và hành xử giữa thời đại mới, qua vô vàn những thách thức phức tạp mà Phật giáo Việt Nam đã thấy rõ thật tướng của xã hội đương thời cả Đông lẫn Tây, nên cuộc Hội thảo nầy sẽ có tác dụng không ít đối với nhân loại, đối với đất nước, Dân tộc và Đạo Pháp hiện nay tại Việt Nam. Đây là cơ hội.

II ) ÔN CỐ TRI TÂN VÀ THẢO LUẬN:

Chúng ta thừa biết, Đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao thời đại, từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Thời Quân chủ do thực dân Pháp bảo hộ của Cựu Hoàng Bảo Đại. Đến thời Dân Chủ Cộng Hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập nên tại miền Bắc Việt Nam. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà vọng ngoại theo Tòa Thánh La Mã đàn áp Phật giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi đến thời Đệ Nhị Cộng Hoà tham nhũng cai thầu chiến tranh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho đến ngày thống nhất đất nước bằng vũ lực của Đảng Cộng Sản Việt nam sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đất nước ta có hơn gì các nước bạn lân bang ở vùng Đông Nam Á Châu. dân tộc ta đâu có được hưởng thái bình an vui, hạnh phúc như các dân tộc bạn! Tinh thần vọng ngoại và thái độ cao ngạo, bế quan tỏa cảng của kẻ thắng kiệt sức đã làm bại vong đất nước một cách thê thảm ! Nhân dân đói nghèo lại bị cấm vận không theo kịp đà tiến hóa văn minh của nhân loại toàn cầu ! 

Mãi cho đến sau khi đổi mới với chính sách mở cửa, cởi trói cho Trí thức Sĩ, Nông, Công, Thương, ta còn chưa lo được hàng triệu thương binh đang còn ngắc ngoải, nói gì đến hiện đại hóa quân lực mà nhân dân đang mất niềm tin.

Chúng ta cần thật tình ôn lại những bài học đích đáng thời xưa, đời Lý, đời Trần các nhà vua lãnh đạo đất nước thì nước nhà hưng thịnh, dân tộc phú cường. Thời mà Phật giáo và Dân tộc là một, thời mà truyền thống đạo đức của Tổ Tiên ta sáng ngời trong lòng dân tộc. Nếu các ngài lãnh đạo quốc gia trải qua từng thời, mang ngọn đèn Chánh Pháp và lý tưởng quốc gia để hành xử, để phụng sự và phục vụ cho dân, cho nước đúng với lương tâm và trách nhiệm của người lãnh đạo thì có phước cho đất nước và dân tộc ta biết bao nhiêu. (Ôn cố tri tân )

Xin mọi người hãy tự mình thắp lên ngọn đèn chân lý rực sáng ngôi nhà Dân tộc.

Trong phần nầy, chúng tôi xin nêu lên vài ý kiến thô thiển, để góp phần vào Hội thảo trong tinh thần xây dựng, phụng sự Phật Pháp và Dân tộc.

a) Giáo Dục và Đào Tạo Nhân Tài : 

Phật giáo Việt Nam trong hiện tại, “Cần Đào Tạo Nhân Tài”, để đẩy mạnh công tác giáo dục xã hội. Giáo dục sẽ hướng tới việc phát triển trí tuệ, tác phong và tư cách công dân để có thể đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước và chấn hưng kinh tế.

Nhân tài luôn là cái vốn quý báu nhất của quốc gia, và giáo dục chính là phương pháp hoàn hảo nhất để khuyếch trương cái vốn quý ấy. Giáo dục bao giờ cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của bất cứ chính quyền nào biết nhìn xa thấy rộng. Trong các chế độ dân chủ vấn đề giáo dục không phải là độc quyền của Chính phủ, và cũng không phải là trách nhiệm riêng của một đảng phái nào hay Tôn giáo nào được nhà nước giao khoán, mà là trách nhiệm chung của toàn dân. Nhu cầu lâu dài của quốc gia đòi hỏi sự lưu tâm của những người làm chính sách quốc gia, nói chung, cũng như của những cá nhân hoặc tổ chức, các cơ quan có liên hệ đến lãnh vực giáo dục. Công tác giáo dục là toàn bộ những nổ lực vận dụng tài nguyên quốc gia, đào tạo nhân tài.

Về nội dung giáo dục, bất cứ chính sách giáo dục nào cũng nhằm đào tạo những mẫu người công dân tài đức để đáp ứng nhu cầu quốc gia. Tương lai đất nước của chúng ta có sáng sủa hay vẫn đen tối đều tùy thuộc vào nền giáo dục. Khủng hoảng hiện tại trong nền giáo dục đại chúng và huấn nghiệp của Việt Nam đã chứng minh sự thất bại hoàn toàn của đường lối “thương mại hóa giáo dục”được du nhập từ ngoài vào qua nhiều thập niên, đã tác hại trên ba mặt chính trị, kinh tế và xã hội tại Việt Nam. 

Chính quyền cũng như các nhà lãnh đạo Phật giáo nhìn thấy những vấn đề khổng lồ của thời nay mà Việt Nam phải đối phó. Nếu không nhìn thấy mức độ to lớn của những khó khăn đã và đang chờ đón, người ta không thể hình dung ra được những nhu cầu cần thiết phải đáp ứng, trong đó có vấn đề giáo dục trong đời sống cạnh tranh đa dạng của thế giới. Mục tiêu chú trọng vào cá nhân là trí, đức, và thể dục, giúp con người mưu cầu hạnh phúc cá nhân qua sự nẩy nở của tinh thần và thể xác trong sự tôn trọng quyền lợi chung với tâm hồn phóng khoáng. Mỗi cá nhân cần có ý thức tự tin, tự chủ, tự lập, tự tu mà phục vụ tổ quốc, bảo vệ hòa bình. “Tâm Bình thì Thế Giới Bình”.

Trong bối cảnh hiện nay, dân chúng Việt Nam sống chụp giựt. mánh mung, còn quan chức thì hối lộ, tham ô, làm sao có thể giữ được nền Hòa bình công chính cho đất nước và dân tộc. Ai đó rước voi về dày mồ là chuyện không tránh khỏi của những người đã tự mình bán đứng lương tâm !

Trước tình hình thế giới có nhiều biến chuyển nhanh chóng, Phật học giúp cho người dân Việt có trình độ hiểu biết cơ bản để suy luận và tham dự vào sinh hoạt xã hội. Vì vậy chương trình giáo dục được hướng dẫn cụ thể cho mọi học sinh các cấp về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán và lễ giáo của quốc gia. Với tinh thần nhân bản dân tộc đề cao, tôn trọng giá trị con người, không có ý tạo thành công cụ phục vụ cho một mục tiêu đảng phái nào. Nên giáo dục phải mở rộng cho tất cả mọi người chứ không dành riêng hoặc ưu tiên cho một thành phần thiểu số ưu đãi nào. Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục, cơ hội đồng đều nếu Chính phủ biết khai thác khả năng của các Tôn giáo, nhất là Phật giáo đã chiếm 80% dân số Việt Nam.

Thiết tưởng ở đây cũng cần nói về tư tưởng giáo dục chính trị trong Phật giáo:“Phật giáo giải quyết được mọi vấn đề của con người, trong đó có cả vấn đề giáo dục, quản lý quốc gia có tình có lý”.

Đức Phật nói về nghệ thuật trị nước trong kinh Dasa Rija-Dharma, có mười đức tính như sau:

Mười đức tính của một vị Quốc Vương phải có là: 

1. Dàna (Bác Ái) Bổn phận của vị Quân Vương là phải bảo vệ, săn sóc đời sống của nhân dân, giúp dân no cơm áo ấm, thuốc men, nhà cửa v.v…

2. Sila (Đạo đức) Quân Vương phải giữ gìn đạo đức cá nhân cũng như các quan chức, phải làm gương sáng cho dân.

3. Pariccàga (Ban thưởng) cho những quan chức thanh liêm, hết lòng phục vụ nhân dân, trung thành với Tổ quốc, theo gương sáng của Vua.

4. Ajjvan (thẳng thắn) Quân Vương hành xử phải thẳng thắn, không dùng phương thức bá đạo để đạt mục đích.

5. Majjivan (hoà nhã) tuy cương quyết nhưng nhu hoà, nhu hoà mà không yếu đuối, ủy mị.

6. Tapam (tự kiểm) biết kiểm soát ngũ quan của mình, không để cho dục vọng làm mờ tâm, không bị lôi cuốn vào những thị hiếu dục lạc.

7. Akkodha (không oán thù) không đem lòng thù ghét những người muốn hại mình, phải hành động bằng tình thương yêu và độ lượng.

8. Akhimsa (không bạo động) cố gắng tự kiềm chế, không theo đòi những thú giải trí có tánh cách bạo động, hại người và sinh vật.

9. Khanti (nhẫn nhục, kiên nhẫn) phải luôn luôn kiên cường, nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh.

10. Alhodhata (Hỷ xả) tâm rộng lượng và bình đẳng.

Đức Phật quan niệm dân chúng hành thiện hay làm điều sai quấy đều do thái độ, cung cách hành xử của nhà vua, hễ nhà vua tốt thì dân tốt, vua bạo hành thì dân bạo hành, vua sa đoạ thì dân sa đoạ. Ngài dạy: “Người cai trị dân phải có lòng nhân ái thương dân, giúp đỡ những người nghèo khó, ban thưởng xứng đáng cho chúng quan lại biết phục vụ nhân dân, các quan cai trị dân phải thực hành hạnh cần kiệm liêm chính, sống đời đạm bạc, không phung phí ngân quỹ quốc gia, phải thực hành hạnh bình đẳng, xem dân như mình, cùng tuân thủ pháp luật.”

Kinh nhà Phật có nhiều điều thực tế, hữu ích cho con người và xã hội như “Bát Chánh Đạo” chẳng hạn. Các bậc Quân Vương, nếu đem thực hành đúng Chánh pháp một cách sáng suốt và rốt ráo thì bất cứ Quốc gia nào ở bất cứ thời đại nào cũng trở thành một nhà nước văn minh. Điều nầy đâu phải viễn vông hay ảo tưởng mà là thực tế, lợi ích khi áp dụng vào đời.

Vua Asoka Ấn Độ, Vua Lương Võ Đế và Vua Tùy Dung Đế Trung Hoa, Vua Srong Tsan Gampo. Vua Khí Tông Lông Tán của Tây Tạng, Vua Thánh Đức của Nhật. Vua Lý Thay Thái Lan. Vua Lý Công Uẩn, Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Nhân Tông của Việt Nam.

Các vị vua trên đã áp dụng lời Phật dạy, các Ngài đã làm rạng rỡ cho Quốc gia và cho Phật giáo.

Quí vị từng biết, trong quá khứ Dân tộc ta đã vượt qua nhiều cam go, thử thách, nhưng Tổ Tiên chúng ta đã thành công, nhất là trong đời Lý, đời Trần. tinh thần bảo quốc an dân, mà các Ngài hết lòng vì dân vì nước. Nghiệm cổ suy kim, chúng ta hãy mạnh dạn và can đảm xác nhận: “Tình trạng tụt hậu của đất nước và dân tộc ta rất ư là trầm trọng, nạn tham nhũng tràn ngập khắp nơi, từ thượng tầng đến hạ cấp. tình trạng chia rẽ, bè nhóm từ trong hàng ngũ lãnh đạo cho chí đến người dân, trong các tôn giáo hàng giáo phẩm cũng rời rạc, chia rẽ và nghi kỵ nhau, bằng mặt chớ nào có được bằng lòng.” Hiện tình đất nước Việt Nam là thế! Chúng ta không nên mặc cảm tự tôn hoặc tự ty, mà nhìn thẳng vào tệ trạng vẫn mãi là tệ trạng. Lời thật mích lòng, nhưng dù sao đi nữa, lời thật lúc nào cũng là chân lý. Nếu biết được chân lý thì không một lý do nào ngăn cản chúng ta không thành công trong tương lai. Chúng ta có quyền quyết định, xây dựng lại một nước Việt Nam có Tự do, Dân chủ và phú cường, bắt đầu bằng công tác xây dựng con người Đạo lý Việt Nam.

b) Bản Thể Phật Giáo Việt Nam Trong Vận Hội Đổi Mới:

Phật giáo Việt Nam vẫn sống trong lòng dân tộc, thịnh suy theo vận nước, vậy trong “Vận Hội Đổi Mới” của đất nước, Phật giáo có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong sự hướng dẫn đời sống tinh thần cho dân tộc và phát triển quốc gia, làm nền tảng luân lý để xây dựng một xã hội tiến bộ và đạo đức con người. Nó đánh thức con người đức tính tự tin, tự chủ, tự trọng, khoan dung, từ bi, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm tự tu bản thân đối với xã hội. Nhưng muốn làm được những việc đó, bản thân Phật giáo phải đào tạo được Tăng Ni đức hạnh.

Những triều đại trước, các nhà Sư là thành phần ưu tú của xã hội, thông minh, đức hạnh. Phật giáo từ thời các nhà vua Lê, Lý, Trần, qua từ các trường Đại học Phật giáo cung cấp cho xã hội giai tầng trí thức. Vì thế, tư tưởng và hành động người tu sĩ Phật giáo khác người thường. Một đàng vì lợi ích cá nhân, một bên vì lợi ích cho đại chúng. Phải vận dụng trí tuệ trong cuộc sống tu hành, giúp người an vui hạnh phúc, làm sáng danh Phật Pháp. Đạo Phật là đạo trí tuệ, hành giả phải rọi tuệ giác vào cuộc sống để hành đạo. Trực diện với dân để hiểu dân chúng và hiểu thêm “chư pháp thường không tánh, hay không cố định”, chúng ta có thể uốn nắn, thay đổi được người xấu nhất, thay đổi diễn biến, thay đổi tình huống, làm đẹp xứ sở chúng ta. 

III ) ĐỀ NGHỊ :

a) Đào Tạo Tăng Tài, Dấn Thân Nhập Cuộc, Phụng Sự:

Phật giáo Việt Nam sau nhiều thế kỷ suy thoái, muốn có đủ sức vận động dân tộc phải xem trọng chủ trương “Đào Tạo Tăng Tài.” Lịch sử chứng minh rằng: “Phật giáo tồn tại và phát triển mạnh chỉ khi nào đệ tử của Phật đầu tư vào trí thức đạo đức, vào việc công ích cho đời”. Điển hình như Phật giáo Thời Lý, Trần. Về mặt xã hội cũng vậy, không có một quốc gia nào phát triển được giàu mạnh lại không nhờ vào trí thức như dân tộc Mỹ, Đức, Nhật, Anh v.v…

Chính sách tiêu diệt Trí, Phú, Địa, Hào đã phá sản đất nước Việt Nam ta và Trung Hoa quá rõ. Vậy chúng ta muốn duy trì và phát triển Phật Pháp, hầu góp phần giải quyết các vấn nạn của đất nước hôm nay, không có con đường nào khác hơn là “Đào Tạo Tăng Tài”, Tăng tài có đủ tư cách, tài, đức, trí tuệ. Tăng, Ni phải ý thức sâu sắc điều nầy, thành tựu trí thức và đạo đức, Tăng Ni phải vượt trội hẳn người đời mới có thể hướng dẫn 80% dân chúng Phật tử Việt Nam được.

Đức Phật sử dụng trí tuệ như ngọn đèn chân lý soi vào cuộc sống chính xác, thấy rõ yêu cầu thế nào thì đáp ứng theo nhu cầu đó (xem bệnh cho thuốc) nhằm mục tiêu phát triển mọi người trong xã hội thành những công dân chính trực, thăng tiến, nhân bản, không để họ thành những kẻ sâu dân mọt nước.

Trong Ngũ minh Phật giáo có dạy: “Trí tuệ là nền tảng của mọi ưu tính thiện hảo, nó như bó đuốc soi đường dẫn lối trong đêm, cho nên các bậc Thầy Tổ lấy trí tuệ làm chuẩn và là phương tiện trước tiên, pháp này hiện hữu trong Bồ tát, không thể rời ra ngoài, mà bất cứ chư Tăng Ni nào đến với Phật Pháp đều coi trọng trí tuệ, dùng nó làm phương tiện để đi đến điểm giác ngộ.” Kinh nói:“Trí tuệ là mẹ của Bồ tát, sinh ra tất cả các công đức lành”. Là chư Tăng ai cũng biết, khi Phật giáo truyền vào nước ta, các vị Thiền Sư Việt nam có mắt trí tuệ, kết hợp Phật giáo Ấn và Hoa vào tư tưởng, tình cảm Việt Nam, sinh hoạt Việt Nam. Từ đó tạo thành Phật giáo Việt Nam “Dựng Nước và Giữ Nước”, với hai tinh thần, Phật giáo Ấn, Hoa hòa đồng, quyện vào nhau một thể duy nhất, đã trở thành truyền thống “Dân tộc và Đạo pháp”.

Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo trên thế giới, có lúc rất bi thảm, cay đắng, tủi nhục, nhưng có lúc vẻ vang đáng tự hào. “Lúc bi thảm là lúc bản thể Tăng Ni lu mờ, nội bộ của Tăng Ni bị phân hóa, thành phần của Tăng Ni có nhiều điều dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết giáo lý nông cạn. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hoà hợp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư để phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc” như đời Trần. Các Ngài bỏ qua những chấp ngã tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp, thấm nhuần tư tưởng tự chủ, cởi mở, bao dung với tinh thần vô ngã, áp dụng tư tưởng ấy vào đời sống cá nhân, cộng đồng, xem cá nhân chỉ là một phần tử trong cộng đồng xã hội. 

Tôi nhớ lời mở đầu của Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) năm 1964 có câu: “Công bố lý tưởng từ bi, bình đẳng và giải thoát của đức Phật. GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”

b) Đoàn Kết, Hoà Ái, Tương Thân, Tương Kính:

Hình thức, cơ cấu, định chế có thể nhiều, nhưng mục đích chỉ là một, hay nói theo từ ngữ nhà Phật: “Chỉ có một pháp vị, đó là mùi vị giải thoát”, mùi vị ấy không hạn hẹp trong một hình thức, danh xưng nào, mà cũng nằm trong từng danh xưng, hình hài. Sự tồn tại của Phật giáo không trong nguyên vị cá biệt, thì hình tướng, cá thể đâu phải là yếu tố ngăn cản tinh thần thống nhất. Trong hiện tình Phật giáo có sự phân hoá, thì danh từ thống nhất là nói lên ước vọng của hướng đi thiết thực. Từ năm 1951 Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời thống nhất sáu giáo đoàn Phật giáo Bắc, Trung, Nam.

Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, thống nhất Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông, hai tổ chức thống nhất này không phải để hoà giải, vì có mâu thuẫn đâu mà hoà giải. cũng không phải để giải thể một chế độ nào. Nó chính là sự thừa hưởng tinh thần dân chủ của Phật giáo, thừa hưởng tinh thần hoà hợp tăng, thừa hưởng giáo nghĩa nhân duyên cộng sinh, hoà đồng cùng tột. Nên ngay từ thời kỳ hưng thịnh Phật giáo chủ trương:“Tam Giáo Đồng Nguyên” Vì vậy các vị tiền bối luôn luôn đề cao tinh thần “Trăm con trong bọc trứng” Người trên núi, người dưới biển đều là con một nhà”. 

Vậy, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) khác nhau ở chỗ nào ? Thực tế, do hoàn cảnh lịch sử, ảnh hưởng bởi những cơn lốc chính trị. Một bên do nhà nước lập vào năm 1981 dưới sự điều khiển của Ban Tôn giáo, của Mặt trận Tổ quốc. Một bên vốn có từ trước thống nhất, đứng ngoài Ban Tôn giáo, đứng ngoài Mặt Trận Tổ quốc. Trên thực tế chất liệu không khác nhau. Cũng giáo lý ấy, cũng Tăng Ni ấy, cũng chùa chiền lễ bái như nhau v.v… Ngặt vì cái chỗ khác nhau không phải do Tăng Ni, mà khác là ở chỗ chính quyền cho hai bên khác nhau, hoặc tự mình cho mình khác nhau. Nói cách khác Chính quyền cho ta khác nhau, nhưng Chính quyền không thay đổi được Giáo luật của nhà Phật. Còn nguyên nhân của sự phân hoá là cố chấp vào danh xưng, hình tướng mà quên bản thể, vì bị ảnh hưởng bên ngoài. Hoà thượng Thích Đôn Hậu tuy ở trong Giáo Hội nhà nước, nhưng Ngài đã giữ được Bản thể của Giáo Hội, giữ được niềm tin của Tăng sĩ và Tín đồ.

Danh xưng, danh từ của các tổ chức là sự sáng tạo của con người có giá trị tuỳ theo quốc độ, tuỳ theo thời đại, tuỳ theo truyền thống văn hóa khác biệt nhau, nó không phải là một hình thức, cho nên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) rốt cuộc tất cả cũng chỉ là tên gọi, chỉ là danh xưng được đặt ra để biểu thị bằng tên nầy, tên nọ, cũng vẫn chỉ là ảo mộng, là phù vân, anh, tôi, người, cũng chỉ là giả danh, đồng nghĩa với vạn pháp như phù vân! Thiển nghĩ các vị Tăng Ni, sinh hoạt trong GHPGVN hay trong GHPGVNTN không phải là điều tối quan trọng. Vấn đề là làm sao giữ được tâm xuất gia, duy trì được lý tưởng giải thoát, phụng sự nhân loại, dâng hiến cuộc đời của người xuất gia cho Đạo Pháp, mới đúng là người ở trong hàng Tăng Bảo. Nói như vậy không phải là xem thường chí nguyện xuất gia, mà là đề cao tinh thần xuất gia đúng Chánh Pháp.

Nương vào sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của chư Lịch Đại Tổ Sư, truyền đăng tục diệm, mà Tăng Bảo được coi là thành phần trọng yếu. Nhờ có Tăng Hoằng Pháp mà Đạo Phật được rộng mở trên khắp thế giới ngày nay.

Nhân đây cũng nên nói thêm rằng: Phật giáo không phải là một tổ chức chính trị, nên mục tiêu không phải để giải thể chế độ nầy hay chế độ khác. Từ xưa đến nay 

Phật giáo không bao giờ có ý định dành quyền lãnh đạo quốc gia, hay muốn chính quyền phải làm theo ý mình mà chỉ mong giúp các nhà lãnh đạo chính trị cầm quyền đương thời ý kiến sáng suốt, đem lại an bình hạnh phúc cho nhân dân, đem lại sự phồn vinh hoà bình cho tổ quốc.

Mục đích của Phật giáo Việt Nam là phổ biến lý tưởng từ bi, bình đẳng và giải thoát của Đức Phật. Phật tử tranh đấu là thể hiện quyền công dân chứ không phải là chiếm quyền thống trị xã hội, Phật tử tranh đấu kiên cường, nhưng không hề cố chấp, hận thù, hoặc kỳ thị tôn giáo, hay chia rẽ nội bộ Phật giáo Việt Nam. Trái lại, Phật tử là công dân biết hành xử lục hoà, dù cho ở cấp nào cũng vậy.

IV) KẾT LUẬN :

Lịch sử dân tộc Việt được viết nên bỡi nhiều thế hệ, tấm thân tứ đại của con người rồi sẽ khuất chìm vào cát bụi, chỉ còn sự nghiệp, tiếng thơm như các Thiền sư Định Không, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Thái Tông, Nhân Tông cùng các vị Anh hùng Dân tộc v.v… Những chứng tích ấy được ghi vào sách sử và truyền tụng mãi cho đến đời sau. Từ những sử liệu lưu truyền, khiến các Ngài sống mãi mãi với thời gian. 

Sau bốn mươi năm cai trị đất nước, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nương về Đạo Pháp để tu sửa. Cựu Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lui về tư thất, nghiên cứu Phật học để tu tâm, đem kinh nghiệm cảm thức của mình, chia xẻ với hậu sinh là đã đi chệch hướng. Dù muộn còn hơn là ngoan cố. Đó là tinh thần thức tỉnh, ăn năn sám hối. Đó không phải là gương sáng cho lớp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước hiện nay, khi họ sắp rời bỏ chính trường ư ?

Giáo lý Từ Bi là ban vui cứu khổ, nhất là nạn khổ lương tâm. Đạo Phật là Đạo hỷ xả, không hận thù mới độ tận chúng sanh. Nhà Chùa là nơi đào tạo người hiền đức, thức giác kẻ sai lầm, thì những Thiền Viện, Tu Viện Như: Yên Tử, Bạch Mã, Trúc Lâm v.v. sẽ là nơi rửa sạch bụi trần, nơi tập họp những tâm hồn cầu tiến, mà các lãnh tụ cao niên có cơ hội nghỉ hưu, trau dồi sám hối tu học, đoàn kết hướng dẫn đoàn hậu tấn. Đồng thời, cảnh báo lớp hậu sinh đang vừa học Phật, vừa phục vụ cho “Đời” cho “Đạo” trong tương lai.

Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu người: “Không hạnh nào là chẳng đủ, không việc gì là chẳng làm, không chỉ có sức định tuệ mà cũng có công phò tá” Đó là câu nói của Vua Lý Nhân Tông, nói với Thiền Sư Mãn Giác gần một ngàn năm trước.

o 0 o

Thưa quí vị, nay tôi tuổi cũng đã quá bảy mươi rồi, sự sống có thể ngừng lại bất cứ lúc nào, và từ giã quí vị, từ giã Tăng Đoàn mà chưa làm tròn trách nhiệm của mình: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ”, Trong tứ trọng ân, có “Ân Tổ Quốc và Ân Tam Bảo”, nên tôi thiết tha với tiền đồ Dân tộc và Đạo Pháp. Mong rằng bản thể của Tăng Già được phát huy ngày càng lớn mạnh, Tinh thần lục hoà của Phật giáo ngày càng gắn bó keo sơn trong nguồn suối Chánh Pháp: “tương kính, tương thuận, tương sám, tương giáo như Phật dạy”.

Xét vì tình trạng Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước có những vấn đề rất tế nhị trong phạm vi nội bộ mà chúng ta chưa bắt đầu thực hiện một cách chu toàn về tổ chức và qui luật, hầu bảo vệ Chánh Pháp và Tổ quốc Việt Nam.

Do vậy chúng tôi xin đề nghị: 

a) Liên kết Phật Giáo trong và ngoài nước Đào tạo Tăng tài: khuyến khích Tăng Ni trẻ Du học, bồi dưỡng, trau đức cho lớp tu sĩ trẻ, để kế thừa lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

b) Dục lương: Để bảo tồn Chánh Pháp, duy trì và phát huy Giáo lý, đoàn ngũ hóa tổ chức, phục hưng Giáo Hội, khoa học hóa cơ cấu hành chánh cả trong lẫn ngoài nước, bồi đức hàng ngũ Tăng già, hợp thức hóa thủ tục Tăng Tịch, gạn lọc những thành phần phạm giới, phạm luật, hầu trang nghiêm Giáo hội.

c) Từ thiện xã hội: Tập trung mũi nhọn vào vấn đề “Phật Giáo Phụng Sự Xã Hội”, khai thác khả năng làm từ thiện, huy động viện trợ tài chánh quốc tế và phát huy tiềm năng lãnh đạo của Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

Kính thưa quí vị,

Qua những ưu tư với tấm lòng của người xa Tổ quốc, hằng quan tâm suy nghĩ về Quê hương đất nước, về Đạo Pháp và Dân tộc, Tôi mạnh dạn ghi lên niềm thao thức, xin trao về Ban tổ chức Hội thảo do Thượng toạ Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát can đảm chủ xướng, tổ chức và kêu gọi. 

Bài nầy là một đóng góp nhỏ với tình người, tình đạo, tình quê, đậm đà thắm thiết. Vì sự tồn tại của Giáo Hội, vì sự sống còn của Đạo Pháp để phục vụ Dân tộc, mà tôi và quí vị hãy nổ lực cùng quan điểm hoằng dương Chánh Pháp, làm phận sự hữu ích hơn nữa cho “Đạo” cho “Đời”, noi gương các Bậc Tiền bối, nêu cao tinh thần phụng đạo, sáng danh Phật Pháp, Phục vụ Phật Giáo Việt Nam.

Để chứng minh nguyện vọng chánh đáng mà tôi đã dấn thân phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc, Nay vận nước đã đến hồi đổi mới, Phật giáo là nguồn sống của dân tộc mà Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, chủ trương mở cuộc Hội thảo có tầm vóc Quốc tế, tôi rất khâm phục và hưởng ứng.

Nhân cơ hội nầy, một lần nữa, cụ thể hơn trong công tác Phật sự ở hải ngoại, tôi xin mời và đón tiếp Thượng Toạ Thích Tuệ Sỹ, TT.Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát tại Hoa Kỳ, cũng như đã vài lần tiếp Đại Đức Thích Nhật Từ tại Tịnh Xá chúng tôi. 

Có thể lần đón tiếp nhị vị Thượng tọa, chúng ta sẽ tạo một niềm tin cho đại cuộc kết hợp trong tinh thần “Lục Hoà Của Phật Giáo” trong và ngoài nước. Nếu được có thời gian nhị vị Thượng toạ ở tại Hoa Kỳ, tôi sẽ dấn thân và tạo điều kiện vật chất để quí Thượng toạ làm việc cùng tôi khai thác mọi nguồn tài trợ, khởi đầu bằng liên hệ với Toà nhà Trắng (Toà Bạch Ốc) và Đại Học Texas mà Pháp Duyên Tịnh Xá chúng tôi đã có liên hệ từ lâu. Chúng ta hãy cùng ngồi lại với nhau, định hướng cho một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vững mạnh cả về quản trị và tài chánh. 

Về phần “TU”: chúng ta đã có nhiều vị Cử nhân, Tiến sĩ Phật học uyên thâm đảm trách. Về phần “HÀNH” thì chúng ta chưa có lấy một Thạc sĩ Quản trị giỏi xuất hiện, tích cực dấn thân xây dựng như các Tôn giáo bạn. Tuy nhiên, nhị vị Thượng tọa đủ khả năng và uy tín cùng với Đại đức Thích Nhật Từ tài giỏi, dấn thân, sẽ tạo được cơ hội hy hữu cho Phật Giáo Việt Nam chúng ta. Đây là bước đột phá căn bản tối cần, mà nhị vị Thượng tọa chắc chắn phải quan tâm,

Nơi đây, chúng tôi xin cầu chúc Hội Thảo Khoa Học thành công tốt đẹp trong tinh thần dấn thân phục vụ Đạo Pháp và Dân tộc. Kính chúc Thượng tọa Trưởng Ban cùng quí vị trong Ban Tổ chức: Pháp thể khương an, Phật sự viên thành.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3832)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5893)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5373)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.