● Tri Thức Việt ở Hải Ngoại Với Phật Giáo Việt Nam (Abstract)

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 7079)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

TRI THỨC VIỆT Ở HẢI NGOẠI VỚI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm

Lời Nói Đầu 

Một trong những biểu dấu cho sự trưởng thành của một tổ chức xã hội là khả năng tự kiểm thảo. Ngay thẳng đánh giá những khuyết điểm của tổ chức là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó. Phật giáo Việt Nam (PGVN) là một tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc Việt, trên cả bình diện văn hóa lẫn định chế tổ chức, và do đó, phải qua những thăng trầm. Và ở trong giai đoạn này, PGVN đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. 

Truyền thống PGVN thiếu vắng những đánh giá nghiêm chỉnh và thẳng thắn về những vấn đề mà nó phải đương đầu, từ cơ chế, nhân sự đến giáo lý, nghi lễ. Người Phật tử khi nói về PGVN chỉ nói đến những ưu điểm, những hoài niệm, chứ chưa trực diện khuyết điểm. Trong quá khứ có những nổ lực chấn hưng PGVN, nhưng vẫn chưa có những phân tích rõ ràng từ những khuyết điểm nào để cần phải được chấn hưng. Đây là điều mà chúng ta phải bắt đầu: phân tích và kiểm thảo và đánh giá PGVN từ quan điểm và kinh nghiệm của những người trong cuộc, tức là của Phật tử VN. 

Bài này chúng tôi sẽ đưa ra những cái nhìn trên quan điểm cá nhân của một Phật tử với hơn 40 năm sống với PGVN, mà 30 năm đó là ở hải ngoại. Chúng tôi chỉ nêu lên một vài vấn đề cơ bản, nhất là vấn đề giáo lý liên hệ đến bối cảnh tâm thức và tín ngưỡng của dân Việt ở trong và ngoài nước. Tiền đề của bài viết này nhấn mạnh đến sự “thoái trào” của PG đối với dân tộc Việt Nam, không phải ở trên bình diện cơ chế, mà là giáo lý. Sự thoái trào này được biểu hiện rõ ràng qua hai hiện tượng: trí thức Việt ở hải ngoại bỏ chùa và quần chúng Việt ở trong nước - nhất là ở các vùng nông thôn, vốn có ảnh hưởng Phật giáo - nay đi theo đạo Tin Lành càng ngày càng đông. 

Đây là một cái nhìn bi quan với nhiều đánh giá tiêu cực - mà chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ được chứng minh và phản biện ngược lại. Từ nhận định bi quan đó, Phật tử Việt nam mới nhìn rõ vấn đề để bắt tay vào công cuộc Chấn Hưng PG. Tôi luôn tin tưởng rằng PGVN là một gia sản tinh thần lớn cần phải được đánh thức và chuyển hóa. 

Ngôn ngữ không thể lột hết ý tình, và trong nỗi thao thức chung về cơ đồ PGVN, bằng ngôn từ triết luận lẫn phóng sự, tôi sẽ nêu lên nhiều nhận xét có thể sẽ xúc phạm nhiều người, nhiều phía. Tôi xin chịu trách nhiệm và mong đón nhận những phê bình và phản biện. 

A. Từ Hải Ngoại. 

1. Phật Tử Việt Nam ở hải ngoại là ai? 

Hơn ba mươi năm ở hải ngoại, chúng tôi, những người Phật tử Việt, đã kinh nghiệm tương đối chín mùi câu nói, “Hoàn cảnh có thể đem một người ra khỏi quê hương, nhưng không thể đem quê hương ra khỏi họ được.” Nhưng quê hương là gì? Nó không phải chỉ là hoài niệm, khổ đau hay là hạnh phúc. Quê hương này là một cõi của phần mềm, software, mà ở đó, biên giới giữa quê hương và ly hương, chỉ là một sợi dây tâm tưởng. Ở trong các tầng lớp của “quê hương mềm” này có một chương trình cơ bản của tâm thức, một năng động ý lực thường trực - đó là đạo Phật. 

Ở đây không phải chỉ là đạo Phật tổng quát, trừu tượng, mà là một đạo Phật dân tộc, của quê nhà, của ngôn ngữ, của biểu tượng, lễ nghi, âm thanh và những xúc động vô vàn, sâu xa. 

Người Phật tử Việt ở hải ngoại muốn vượt qua những cảm xúc thuần hoài niệm, nếu những cảm xúc này chỉ mang đến cho họ quá khứ bi kịch, những tưởng tượng thuần mê hoặc, và những sinh hoạt có tính cách thuần phản ứng để thỏa mãn cái tình cảm hướng về quá khứ riêng tư. Họ đứng trên biên độ của hai cõi trần gian: một khối ý thức của dân tộc mang tràn đầy và nặng gánh quá khứ, lịch sử, đối lại với một cõi sống thuần thực tế mà tất cả năng lực ý chí sinh hữu đều phải hướng về tương lai. Đôi khi họ không biết mình có nhiều quá khứ hay là mình chỉ còn có tương lai. Cái Đã là định nghĩa cái Chưa là; hay là ngược lại. Mỗi chính họ bị giằng xé giữa hai bờ tâm tưởng - và dòng sông Đang Là trở nên một chiến trường của nội tâm. 

2. Dòng sông ngôn ngữ và chiếc cầu chánh Pháp. 

Đứng trên giòng nước của dòng sông đôi bờ này, có một chiếc cầu huyền diệu đưa người Phật tử Việt sang bến: ngôn ngữ mới - một “sinh ngữ” mà họ phải học, phải truyền thông, phải vật lộn để làm lại chính mình. Cuộc đời cũ phải được tắm gội bởi giòng sống ngôn ngữ mới. Ta phải biết bơi để vượt qua dòng sông thực tế này. Chính ý chí vật lộn này mang đến cho ta một ân huệ: cái thức chìm đắm về quá khứ được nâng cao bởi chiếc phao ngôn từ mới cho thiết yếu hiện thực. Khái niệm của tiếng nói mới bổng trở nên trong sáng, tròn lý tính, không bị ô nhiễm bởi cõi ngôn từ của liên tưởng. Và khi ta cố nhớ những danh từ mới để nói về ta, về người khác, ta từ giã quá khứ. Khi ta không còn vật lộn để xưng hô với người đối diện cho đúng lễ nghi truyền thống, ta được giải phóng ra khỏi cái khắc nghiệt ngôn từ và khuôn phép. 

Sinh ngữ của xứ mới, cuộc sống mới, như là một năng lực thần chú ở cõi trần gian để ta tìm ra đường nào đi đến sở làm, đến chợ mua bán, đến chùa, về lại nhà, con lộ của xe buýt, trả giá món hàng, chào hỏi người hàng xóm. Ngôn ngữ trở nên linh thiêng. Ta phải biết đến và sử dụng đúng để cõi sống này được khai mở. Khi ta không biết sinh ngữ thì ta như là người mù, lạc lối. Sinh ngữ vén màn vô minh từ cuộc sống đời thường. 

Với ngôn ngữ mới, nó là một Dharma nối liền giữa năng thức Siêu việt và Thường hằng với cái Ta-đang-tiến-hóa bằng những thể tướng của biểu tượng. Nội dung và biểu tượng hòa nhập vào nhau thành lại một - như thân xác và cuộc đời này bơi lội và chìm đắm trong sinh ngữ mới. 

Từ đó, mỗi cuộc đời người Việt ly hương trở nên một biểu dấu về một ý nghĩa từ khối duyên nghiệp trùng trùng và sâu thẵm - mà chính họ không thể nhìn ra được. Ta chìm trôi và ngụp lặn trong chính Dharma của tâm thức lưu vong. Và ý chí quên bỏ quá khứ Đã Là cũng chính là tiếng kêu của Chánh pháp - như trong một trang kinh Phật học Tây Tạng yêu cầu người tu Phật nên bỏ xứ, bỏ quê hương mà ra đi, vì lòng nặng hoài niệm về quê hương chính là một trở lực lớn giống như là sự luyến ái về thân xác và ngã mạn. 

Từ sinh ngữ mới, chúng tôi có thêm văn hóa mới và khác. Nếu chúng ta định nghĩa Văn Hóa như là một khối tập hợp những giả định (a set of assumptions) thì người di cư phải hoàn toàn nhìn cuộc sống bằng những tập hợp giả định mới. Sống với giả định mới thì giống như từ trên cầu cao nhảy xuống dòng sông để bơi mà không biết sông sâu hay cạn; như bước vào phòng khách khác lạ mà không biết là có thềm nhà cho mình bước lên hay không; như là đi qua ngã tư đèn xanh mà không biết là xe cộ đi ngang có ngừng lại cho đèn đỏ. 

Trong cuộc sống mới ở ngoại quốc, khi đối diện với những giả định nhỏ nhoi và thường nhật, con người bổng được tĩnh thức nhiều hơn về chính mình và ngoại cảnh. Những giả định này cùng với những khái niệm và suy tưởng trừu tượng đã cho chúng ta một ý chí trần gian hòa vào một năng lực trí thức mới. Lần đầu tiên khi làm người lưu vong là những câu hỏi, Ta là ai? Làm chi? Giá trị nào là vĩnh hằng? Trời Phật là gì? Tất cả những khái niệm về giáo lý cần phải đặt lại bằng giả định và ngôn ngữ mới. Đây chính là ân huệ, và niềm vui - cũng là một thách thức tâm lý và trí thức khó khăn. Và làm người Phật tử Việt Nam ở hải ngoại chính là những con người tỉnh thức và vật lộn trong năng lực câu hỏi giữa giòng sống văn hóa và ngôn ngữ mới này. 

B. Giữa Tín Ngưỡng và Tri Thức: Một Đánh Giá 

Cuộc sống tín ngưỡng của người Việt hải ngoại, trong xã hội và văn minh Tây phương, thể hiện cái nguyên tắc Isthmus của truyền thống Sufism: nhìn từ phía dưới thì nó là ánh sáng, nhưng từ phía trên thì còn là bóng tối. Tất cả mọi đánh giá về một hiện tượng - mà tín ngưỡng Phật giáo Việt ở cộng đồng người Việt chỉ là một hiện tượng nhân văn - thì một thước đo tương đối từ một vị thế tư duy và tiêu chuẩn nào đó cần phải được chọn lựa. 

Con người trí thức Phật tử Việt nhận biết rằng tri kiến cá thể tự bản chất là hữu hạn, nhưng họ đòi hỏi sự thông quán về một tính thể vô hạn. Qua sinh hoạt tín ngưỡng, họ muốn dung thông được hai phương diện này. Khi giáo lý đã nhấn mạnh rằng chỉ có con người mới có thể thành Phật - thì chính từ khả thể tri thức, trong năng động tín ngưỡng, con người mới có thể tìm được Phật tính của chính mình. 

Tuy nhiên, trí thức và hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, phải có sự tương đồng và thể hiện cùng chung nhịp. Biểu tượng của Chân lý phải có khả năng diễn đạt Chân lý - như cánh hoa phải nở theo mức độ tối đa nào đó mới có thể diễn đạt hết cái đẹp của thực vật, nếu không biểu tượng sẽ huỷ hoại cơ hội khai ngộ Chân lý khi nó làm cho niềm tin không còn được rung động để lôi kéo tri thức vào khả năng thông hiểu. Hình thái sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo Việt nam chính là một khả năng biểu tượng của Chân lý vĩnh hằng mà đạo Phật muốn khai mở. 

1. Tại sao trí thức Việt bỏ chùa? 

Nhưng khi hình thái tín ngưỡng cổ truyền không còn đi chung nhịp với khả năng tri thức mới thì hệ quả là chính biểu tượng tôn giáo trở nên một cản trở, nhiều lúc rất tiêu cực. Khi trái tim không lôi kéo được đầu óc, vốn đi nhanh hơn là khả năng tín ngưỡng vốn bảo thủ và trì trệ có thể thoả mãn được, thì tri thức Việt ở hải ngoại từ bỏ và xa lánh chùa chiền, tăng lữ, nghi lễ truyền thống, và ngay cả ngôn ngữ và biểu tượng của Phật giáo Việt. 

Khi Phật tử không niệm Phật, đến chùa, ăn chay, tụng kinh, làm việc thiện, tham dự vào nghi lễ thì họ là những người chỉ biết đến đạo Phật như là một hệ thống tín điều, một khung cảnh nhân văn, một nhận thức triết học qua một tập hợp hệ thống ngôn ngữ đặc thù - và họ không còn là Phật tử trọn vẹn nữa. Người Phật tử không phải chỉ là một sinh hoạt thuần tri kiến, biết đến giáo lý như là một biện minh hiện sinh; họ phải là một sự dấn thân toàn diện từ thân, ý, thức cho đến tình cảm. 

Có thể nói rằng Phật tử Việt hải ngoại đang bị bỏ rơi bởi sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo Việt nam; và ngược lại, trí thức Việt đang đánh mất cái gia tài tình cảm và trực giác tôn giáo lớn lao vốn rất là cần thiết trong năng lực tâm linh của người Phật tử. Một ý chí tiến hóa phủ định truyền thống; một truyền thống của hình thái biểu tượng và nhắc nhở nay đã đánh mất hết chất men cho trái tim và tri thức. Năng thức phủ định từ tiến hóa tri thức được đo lường bởi một ý chí bảo thủ tương ứng và ngược chiều của chùa chiền và tăng ni - và cả hai đang nhìn về phía kia như là cái không thiết yếu. Phía trí thức thì hãnh diện và cao ngạo với kiến thức khoa học thực nghiệm - nhưng không nhận thức ra được giới hạn của nó. Phía truyền thống thì tự hào về gia sản lịch sử và cung cách huyền bí - nhưng không nhận thức ra được rằng chính nghi thức và truyền thống chỉ là một hệ biểu thức cần phải được cập nhật và thăng hóa. 

2. Mượn khoa học để biện minh Phật giáo

Kiến thức khoa học thực nghiệm đã làm cho nhân loại giàu có thêm trên nhiều lãnh vực, giải phóng con người ra khỏi bóng tối của tôn giáo thần quyền, áp chế, dị đoan, vô minh; thì ngược lại nó cũng đã làm cho nhân loại nghèo đi về đời sống tinh thần khi nó chiếm vị thế độc tôn về giá trị sự thật và tiêu chuẩn. Nói như Frihjof Schuon thì khoa học, giống như là một cái máy, đã đảo ngược vai trò: nó biến con người vốn là chủ thể sáng tạo ra nó trở nên những đối thể được chế tạo bởi nó. Khoa học không còn có chiều sâu của Trí huệ toàn giác khi nó muốn định nghĩa tính Tuyệt đối bằng cái hữu hạn thực nghiệm, bằng vị thế đứng từ ngoài nhìn vào trong, từ dưới thấp nhìn lên cao.(1) Cái huyền diệu và dung thông giữa cá nhân và Đại thể nay không mang tính linh thiêng khi thiên nhiên, qua tiêu chuẩn và giá trị khoa học hiện đại, đã không còn là biểu tượng sâu thẳm của một cơ năng tuyệt vời từ Chân lý đóng chức năng đánh thức lương tâm và trí tuệ cá thể.

Khi khoa học biến kiến thức thiên nhiên thành một màn kịch tự sung mãn, a self-sufficient stage-setting, thì cái giàu có kiến thức thực nghiệm bên ngoài chỉ làm cho đời sống nội tại bị cùng kiệt hóa. Khoa học có thể làm cho con người bớt còn túng quẫn về phương tiện vật chất, nhưng nó bần cùng hóa năng lực tinh thần - nếu con người trí thức không ý thức được giới hạn của nó để đi thiết lập lại cán cân quân bình của con người đơn giản. Không có cái hãnh diện thô lậu nào hơn là hãnh diện trí thức. Và đối với rất nhiều trí thức Việt hải ngoại, cái bệnh làm dáng trí thức nông cạn lại được thay thế cho đời sống tinh thần chân thực. 

Cái biết thực nghiệm theo tiêu chuẩn khoa học hiện đại chỉ có thể là một phương trình biểu ký phản ảnh bị lộn ngược, an inverse reflective image, mà giá trị và chân lý bị trói buộc vào bằng chứng giác quan trong khả thể ngôn từ và biểu tượng giới hạn. Khoa học chỉ có thể trả lời câu hỏi Cái gì mà không thể tìm ra mệnh lệnh thiết yếu của Tại sao. Khoa học có thể tìm ra vi khuẩn nào tạo ra ung thư mà không hiểu được cái nguyên cớ căn bệnh và khổ đau vốn phát xuất từ một bình diện nhân quả trong liên hệ trùng phùng của duyên nghiệp và các kiếp hiện thân. Y khoa hiện đại có thể kéo dài cuộc sống thân thể nhưng không có khả năng đem nội dung sự sống vào cho những năm gần cuối cuộc đời. Đạo Phật đem ý nghĩa cho cuộc sống và đồng lúc làm tăng giá trị của sự chết bằng cách nhắc nhở con người tĩnh thức đến cái mối huyền diệu cuả cuộc đời cũng như cái chết là sự thể không thể chối từ. 

Nhưng khi Phật giáo truyền thống còn lại như là một tổng thể của cái gì đã đi qua, trí thức Phật tử Việt tìm đến khoa học như là một biện minh cho tín ngưỡng của mình. Đây chính là con dao hai lưỡi: cái biện minh phương tiện bổng trở nên có giá trị và tiêu chuẩn cao hơn là chiều sâu huyền nhiệm của đạo học. Cái luận điệu “khoa học và Phật giáo” với những khẩu hiệu “Đạo Phật là đạo khoa học” mang một âm hưởng thiếu niên nhiệt thành với thân xác khi chưa có đủ chín chắn để nhận ra sự sống bao gồm nhiều nguyên nhân sâu xa và huyền bí không thể đo lường hay thông hiểu qua cơ thể. Khoa học thực nghiệm như là của hiện đại Tây phương là chiếc phà rất mong manh vốn không có khả năng chuyên chở hết cái nội dung siêu nghiệm của đạo Phật. Lấy khoa học thực nghiệm để biện minh cho đạo Phật thì cũng chỉ như đứa bé lấy chiếc đũa ăn cơm mà đo bề rộng của không gian. 

Có những thể loại tri kiến vốn không thể đạt được nếu cá nhân chưa tiến hóa trên bình diện tâm thức đến một mức độ thiết yếu. Chúng ta không thể hiểu đến chính chắn lý thuyết lượng tử hay là siêu sợi (superstrings) nếu chưa trang bị cho mình một trình độ toán học tương ứng. Cái khổ của trí thức Phật giáo Việt là lấy cái hiểu rất cơ bản của khoa học nhằm giải thích về cái thể tính siêu nghiệm của tinh thần. Vô tình, khi mượn khoa học thực nghiệm để biện minh Phật giáo, trí thức tự chính mình và làm cho kẻ khác càng xa lánh thêm Phật giáo. Vì sao? Sở dĩ con người bây giờ khi đời sống tâm linh càng bị khô cạn bởi giá trị thực nghiệm vốn làm cho họ chạy trốn để đi tìm con đường tâm linh thì họ không thể gánh thêm một gánh nặng trên vai một khối hành trang nặng lý tính. 

Vậy thì tại sao trí thức Việt ưa vay mượn khoa học? Có một lý do phụ và nhỏ: vì tự ái tôn giáo - trên lãnh vực chính trị, lịch sử với những cảm nhận về công lý và quyền lực. Sở dĩ Phật giáo hơn các đạo khác nào đó vì đạo Phật “khoa học” hơn. Biện minh theo kiểu này là không cần thiết và nhiều khi phản tác dụng. Chúng ta phải nhớ rằng: Phật giáo Việt nam chỉ cần một vài vị sư chứng ngộ và thể nhập vào cuộc đời khai sáng và tạo niềm tin vào Chánh pháp cho những ai tiếp xúc. Đây là điều cần thiết và quan trọng hơn là các vị trí thức dùng khoa học để chứng minh rằng Phật giáo là siêu việt. Chúng ta biết giá trị và sức mạnh của đạo Phật nằm ở đâu. Phật giáo chinh phục được con người Tây phương hôm nay không phải vì giáo điều, không vì biện minh khoa học thực nghiệm, không vì quyền lực - mà vì Phật giáo tôn trọng nhân phẩm và khả thể linh thiêng con người khi công nhận khả năng tự giác ngộ và giải thoát bởi chính họ. Nhưng đây chính là ưu và khuyết điểm của Phật giáo trên bình diện bảo tồn và phát huy đạo. 

3. Con đường về với Phật Việt

Nhưng khi con người mỏi mệt với đời sống thực nghiệm và lý tính của Tây phương để tìm đến với Phật giáo truyền thống Việt thì họ cũng thấy xa lạ. Từ nội dung tín ngưỡng, hình thái lễ nghi, ngôn ngữ giáo lý, đến cái hương vị thẩm mỹ của cơ sở và khung cảnh nhân văn của các cơ sở Phật giáo Việt đều làm cho họ không được thích ứng. Hình thức và nội dung Phật giáo vẫn còn là sinh hoạt nhân văn ghetto, mang nặng màu sắc văn hóa bản gốc giới hạn - chứ chưa có đủ tiến hóa và cập nhật theo nhu cầu tâm linh và hình thức của người trí thức Phật giáo ở hải ngoại. Trí thức Việt đi chùa ở hải ngoại ít vì nhu cầu tôn giáo mà nhiều vì nhu cầu dân tộc. Đó là một ưu điểm của sinh hoạt Phật giáo Việt hải ngoại - cũng là nhược điểm lớn. Truyền thống và tình cảm dân tộc thì càng ngày càng lùi dần vào quá khứ, thế hệ lớn lên và mới lạ với truyền thống sẽ không thích nghi; trong khi vẫn còn đó là nhu cầu đời sống tâm linh của một con người phổ quát vượt qua biên độ dân tộc hay lịch sử. 

Mệnh lệnh đạo lý của Phật giáo Việt không phải chỉ nằm ở chỗ xây dựng con người Phật tử dân tộc. Cứu cánh tính của đạo Phật là con người toàn diện, phổ quát, không bị giới hạn vào biên giới lịch sử và văn hóa. Phật giáo muốn giúp hoàn tất cứu cánh tính của con người như là một con người trung hòa. Muốn trở nên là một Phật tử Việt đúng Đạo lý thì việc đầu tiên là hãy trở nên là một con người theo giá trị của Đạo Pháp trước. Vì thế khi sinh hoạt tôn giáo của các cơ sở Phật giáo người Việt ở hải ngoại chỉ nhằm cung ứng cho nhu cầu dân tộc và tín ngưỡng truyền thống, thì năng động tôn giáo này đi ngược lại với biện chứng tiến hóa tự nhiên và cần thiết của cộng đồng trí thức Việt. Khi trí thức Việt bỏ rơi Phật giáo Việt trên bình diện sinh hoạt định chế và cơ sở thì các cơ sở, các chùa Việt nam càng cần phải phục vụ nhiều hơn cho quần chúng Phật tử bảo thủ, lớn tuổi, ít tuỳ thuộc vào dòng chính của xã hội Tây phương. Hệ quả là hai phía ngày càng xa nhau. 

4. Mâu thuẫn nhân văn và hình thái sinh hoạt. 

Hãy nói đến vấn đề mâu thuẫn và không thích hợp lẫn nhau trên bình diện con người giữa Tăng sĩ Phật giáo Việt và trí thức Việt. Có lần một cư sĩ Phật tử nói với tôi, “Tôi đã làm việc nhiều với các giới tu sĩ của các đạo Chúa, nhưng tôi thấy các sư ngã mạn, cống cao quá, trong khi các cha, các mục sư thì ít có vấn đề này.” Chưa nói đến vấn đề chính xác trên phương diện dữ kiện, nhưng đây là một ý kiến rất phổ thông khi cư sĩ Việt nhận xét về các thầy Phật giáo Việt ở hải ngoại. 

Điều nghịch lý (irony) là khi các thầy nói về đạo “vô ngã” thì họ lại là những người rất có vấn đề ngã mạn. Có tu sĩ viết những câu thơ lên tường như, “Ta chỉ là Không” thì chữ “Ta” và chữ “Không” ở đây như là một sự hãnh hiện tương đồng, và chữ “Không” ở đây được sử dụng như là một biểu dấu cho một thái độ kiêu mạn nhiều hơn là một khái niệm vô nghĩa. Nhiều tu sĩ và cư sĩ Việt bị vướng vào trò chơi ngôn ngữ ngã mạn này. Nó cũng giống như một thiền sư ưa thấy hình ảnh của mình ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề, miệng mĩm cười an lạc được đăng lên mặt báo hay bìa sách do mình viết bàn về chữ “không.” Có nhiều hiện tượng đáng khâm phục và ngưỡng mộ, như “tam bộ nhất bái”, khi các tu sĩ Phật giáo cứ mỗi ba bước là nằm lạy sát xuống mặt đất, suốt cả trăm dặm đường. Nhưng nếu không cẩn thận thì ngay cả điều này cũng sẽ trở nên những màn trình diễn vốn chỉ gia tăng ngã mạn cho người tham dự hơn là làm giảm nó. Cái tính trình diễn này nhiều khi được tác động một cách vô thức. 

Phật pháp dù có mầu nhiệm nhưng vẫn không qua được nguyên tắc và trình độ văn hóa cơ bản của mỗi cá nhân. Vấn đề là vậy: khi những con người chưa được kinh qua và trưởng thành trong cái “Có”, vẫn còn mang nặng nợ thế gian, mà đòi sống với chữ “Không” thì họ dễ trở nên một hiện tượng ngã mạn hơn là giải thoát. 

Rất nhiều trường hợp các cư sĩ Việt đến tham gia Phật sự tại các cơ sở Phật giáo Việt ở Mỹ, sau một thời gian cọ xát với các tu sĩ ở đó, đã bỏ ra đi luôn - vì mình và vì người, không ai là hoàn toàn đúng cả. Vấn đề là của hai vế. Nhưng vế trách nhiệm phải đặt nặng lên giới tu sĩ. Lý do là rõ ràng: Phật giáo đưa vai trò biểu tượng và giá trị tu chứng của đạo Pháp lên đôi vai của Tăng sĩ nhiều hơn. 

C. VẤN ĐỀ ĐẠO HỌC CƠ BẢN: Giữa Thượng Đế và Tánh Không

 1. Nhu cầu về một bản thể cho đức tin. 

Không có vấn nạn Đạo học nào, theo thiển ý của chúng tôi, cần thiết phải đối diện và đương đầu trong học thuật và giáo lý Phật giáo hơn là câu hỏi về khái niệm Thượng Đế. Đây là khoảng trống cơ bản đã đưa đẩy nhiều Phật tử ra khỏi Phật giáo Việt truyền thống để đi theo những tôn giáo và trường phái đạo học khác. 

Trong một bài viết của phái Thanh Hải - mà chúng tôi sẽ nói tới sau - có đoạn, “Năng lực đời sống tâm linh phải hướng về một đối thể linh thiêng nào đó chứ không thể nói theo các tu sĩ Phật giáo là để đi tìm chữ Không được.” Bỏ qua một bên về cách hành văn hay là sự kiện, chúng ta phải công nhận rằng đây là một đánh giá xác đáng và là một lời kêu gọi hiệu năng cho một niềm tin về “một Đấng tuyệt đối” nào đó hướng về giới Phật tử đang khao khát một con đường tu đạo. 

Tình trạng Phật học hiện nay là sự kéo dài một sự sai lầm về giáo lý đạo Phật. Ít nhất là trên phương diện truyền đạt, hay là qua phương tiện chuyên chở của khái niệm và ngôn từ của Phật giáo Việt, mà phần lớn mang nặng Hán ngữ, đạo Phật vẫn là đạo của “chữ Không”, của “vô ngã”, của “đời là bể khổ” được sử dụng và hiểu bởi quần chúng như là của những phạm trù tiêu cực và phủ định. Với cảm nhận tiêu cực về ngôn từ và khái niệm của Phật giáo qua ngôn ngữ Việt, đạo Phật chỉ là hấp lực cho những con người thụ động, thiếu khả năng thích ứng với cuộc đời, thiếu ý chí và khả năng sinh hữu với sự sống đầy thử thách, khó khăn. 

Phật giáo phải là con đường của những con người có năng lực tâm thức cao, ý chí mãnh liệt và đời sống tâm linh dồi dào. Những ai thất bại với cuộc đời cũng sẽ thất bại trên con đường tu học. Cái khó khăn và thử thách cho một cuộc sống thế gian không thể so sánh với những khó khăn và thử thách của con đường tu Phật. Nhưng điều này thì ít khi được nhấn mạnh và làm sáng tỏ. Các buổi thuyết pháp bằng Việt ngữ thường chỉ nhấn mạnh đến các phương diện tâm lý học và các phương diện tiêu cực của cuộc đời. 

Muốn có đời sống đạo, giáo lý nhà Phật không chỉ có dạy con người đổ bỏ cái ly rượu hiện hữu để tìm khoảng trống không, mà là phải thay thế chất liệu hiện hữu của cái ly cuộc đời hiện tại bằng một nội dung tinh thần mới. Vì thế, ngôn ngữ và khái niệm Phật giáo - như là được truyền đạt bằng Việt - Hán ngữ hiện nay - chỉ có thể làm cho cá nhân bị trống vắng tinh thần thêm; trong khi đó, con người muốn rót đầy ly cạn của họ bằng một nội dung tích cực và thực hữu. Phật giáo Việt thất bại trên bình diện này. 

Chúng ta không thể giảng đạo cho người mới, hay là giữ được người Phật tử ở với đạo, nếu cái mà chúng ta cống hiến cho họ là một ý chí và tâm thức phủ định. Họ cần niềm tin, họ cần đối thể của tinh thần, họ cần được thoả mãn năng lực tình cảm của trái tim, chứ không phải là của tri thức mà thôi. Cái điểm yếu của Phật giáo là nhấn mạnh về mặt trí thức quá đáng - trong khi tôn giáo cho con người hiện nay vẫn còn là sự khao khát của trái tim. Nói theo ngôn ngữ của Yoga thì Phật giáo chú tâm vào Raja Yoga, nhấn mạnh về thiền định và trí tuệ, trong khi quần chúng Việt nam ngày càng thích hợp hơn cho Bhakti Yoga, vốn là về niềm tin, như là của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. 
 

2. Vấn đề khái niệm và biểu tượng Thượng đế trong Phật giáo

Phần lớn các Phật tử Việt, thấm nhuần ngôn ngữ giáo lý truyền thống, hễ khi nghe đến hai chữ “Thượng đế” là họ có một sự phản ứng thuần máy móc và tiêu cực. Dĩ nhiên là Phật giáo không sử dụng và không công nhận khái niệm Thượng đế như là của Thiên Chúa giáo hay là Hồi giáo. Nhưng điều đó không có nghĩa là Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của một tính thể hay là một nguyên tắc siêu việt mang tính chất chủ thể cho hiện tượng. Có thể nói rằng, Phật giáo là một nỗ lực cải cách, hay là một cách mạng về khái niệm, một cao trào thay đổi tư duy về thực tính của bản thể (a reconceptualization of the meta-physical ontology).

Phật giáo không công nhận khái niệm Thượng đế như là một nhân thể sáng thế (a personal creator God). Đức Phật phủ nhận khái niệm và từ chối thảo luận về câu hỏi Thượng đế trên bình diện bản thể luận và giữ thái độ im lặng trước vấn nạn này là vì các lý do thuần khế cơ thực nghiệm, ngôn ngữ và văn hóa, trước nhu cầu giải phóng ngôn từ đạo học ra khỏi ảnh hưởng nặng nề và phản tiến hóa của Hinduism phổ thông ở thời đó, nhất là với tinh thần tôn thờ mù quáng vào đối thể Thượng đế của người Ấn giáo. Khi ngôn ngữ và tri thức hữu hạn không thể định nghĩa hay khái niệm hóa Thượng đế được thì đức Phật đã im lặng trước các câu hỏi về vấn đề này. Thượng đế là cái không thể nghĩ bàn - và nó chỉ được nói đến như là một tính thể phủ định “không phải vậy, không phải thế.” 

Tuy vậy, nếu chúng ta đọc các kinh như Lăng Nghiêm (Surangama) hay Lăng Già (Lankavatara) thì sẽ thấy rằng, bằng một phương án giáo pháp mới, đức Phật đặt nền tảng bản thể luận vào một thể tính Tâm thức Tuyệt đối, (a state of Absolute Consciousness, the Mind Essence), mà chúng ta có thể gọi là Chân Nguyên, Phật tính, Tánh Biết Thường Hằng, Chân Tâm. Chưa bao giờ Phật giáo đặt bản thể vào cái gọi là Tính Không, shunya. Tính Không chỉ là một khái niệm thuộc về phạm trù phủ định trong sự thảo luận trên bình diện hiện tượng. Tính Không không phải và không thể là một đối tượng cho đời sống tâm linh hay là cứu cánh cho lòng khát khao của cái ly trống tinh thần. Tiếc rằng rất nhiều trí thức Phật giáo bị đi vào mê hồn trận của ngôn ngữ để rồi chấp nhận Tính Không như là một bản thể để hướng về. 

Tuy nhiên, bản thể luận về một tính thể chân nguyên, cái “Chân không diệu hữu” của Phật giáo có một vấn đề trên bình diện khế cơ. Nó thỏa mãn nhu cầu tri thức như là một sự ký thác của khái niệm trên một phạm trù triết học, chứ nó không đáp ứng được năng lực khao khát tình cảm của con tim. Tôn giáo phải là một vấn đề của tâm linh, vuợt qua trí thức, để đi vào cõi linh thiêng; do đó, nó phải có năng lực đức tin. Mà đức tin thì phải có một đối tượng của nó, một đối thể thực hữu - ít nhất là trên phương diện biểu tượng - chứ không thể là một phạm trù phủ định được. Con đường đi đến kinh nghiệm linh thiêng và huyền diệu của cái Hữu trong Tâm Phật bắt đầu bằng con lộ của ngôn ngữ và biểu tượng. Vì thế mà Phật giáo có tượng Phật, có kinh nhật tụng, có Tăng Ni, có nghi thức. Đối với quần chúng Phật tử bình dân thì hệ thống biểu tượng này là vừa đủ cho họ. Còn với trí thức, khi họ nhìn xuyên qua hệ thống biểu tượng của Phật giáo Việt theo truyền thống Hán Việt thì họ không còn thấy gì cao hơn nữa mà chỉ là một khối lý luận hỗn độn, không minh, không linh, và mang nặng tính chất phủ định. 

Cái khuyết điểm lớn cho khái niệm “Thượng đế” hay “Chúa Trời” trong các tôn giáo “hữu thần” là sự nhân cách hóa và khách thể hóa tính thể này - một ý nghĩa về một tên gọi và biểu tượng thiếu sót và sai lạc vì nó bỏ quên chiều sâu thượng đế bên trong mỗi cá nhân. Hãy nhớ rằng trong Tân Ước, Chúa Jesus đã tuyên bố, “Một điều đã được viết rõ ràng trong luật đạo (Psalm của Do thái giáo) mà ta muốn nói, ‘Các ngươi đều là thượng đế (gods)’” (John 10). Lịch sử của Thiên Chúa giáo là một quá trình lẫm lẫn về ý nghĩa của Thượng đế. Hãy đọc các bản dịch Tân ước bằng Việt ngữ thì sẽ thấy được sự nhầm lẫn cơ bản này(2). Chúng ta không thể lấy cái sai lầm để đo lường chân lý được. 

Nhưng đối với một trình độ tiến hóa tâm linh cho khối nhân loại Việt nam, cái tên gọi Thượng Đế này phải mang tính chất của một “Ngài”, một “Đấng”, với những tính chất con người. Người Phật tử Việt chưa bao giờ từ bỏ cái vế của “ông Trời” khi nói về tính thể này trong ngôn ngữ “Trời - Phật” của họ. Dĩ nhiên, chữ Trời này không phải là “Chúa Trời” của Thiên Chúa giáo. Chữ Trời của Việt ngữ là một cách nói về một đối thể của niềm tin, vốn là cần thiết. Nó gần với chữ Đạo, chữ Thiên, chữ Tạo hóa. Nó có một sự dung thông, hòa nhập, giữa ta với Trời, có Trời và cũng có Ta - chứ không phải cái ta cá thể chỉ là một thuộc tính được sáng tạo bởi một nhân cách được biểu tượng trong truyền thống của các tôn giáo gốc Do Thái (Abraha-mic religions).

Tuy vậy, chữ Trời bình dân của Việt ngữ chưa hề trở nên là một biểu tượng nhân cách hóa cho một đối thể thực hữu với những mệnh lệnh đạo lý chắc nịch buộc con người phải lắng nghe. Mà con người Việt nam cần có một đối thể đầy nhân cách, với một hệ thống ngôn từ mệnh lệnh chắc mãn, tích cực, chủ động và bắt buộc một tâm ý phục tòng vào một đối thể đầy linh thiêng, đầy khả năng ban phát ân huệ và trừng phạt cho họ. Họ cần một vị cha già nghiêm khắc, nhưng đầy yêu thương và công bằng, để họ tin và yêu, để họ cầu nguyện, để họ kêu lên. Phật giáo cho họ biểu tượng Quán Thế Âm của trái tim từ bi, của A Di Đà cho trí tuệ siêu việt, của Đại Thế Chí cho ý chí sinh hữu, cho Di Lặc của một niềm vui khoáng đạt. Nhưng biểu tượng của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn nằm trong cõi hữu hạn của khả thể linh thiêng con người, cái tột đỉnh của tiến hóa tâm thức, nhưng chưa phải là một đối thể “Cha già” của một ông Trời đầy mầu nhiệm và kỷ luật. 

3. Rượu Phật giáo Việt đã hết chất men? 

Quần chúng nào thì biểu tượng đó, tâm thức nào thì tôn giáo đó. Tất cả chỉ là “cửa đi vào” Đạo dành cho một bản chất con người theo từng thời đại, từng hoàn cảnh, từng khối nghiệp duyên. Ngôn ngữ và biểu tượng là những tiếng chuông đánh thức. Chúng chỉ có tác dụng đến một mức độ nào đó, một thời gian giới hạn. Tới lúc mà Thời quán tâm thức đã chuyển tiếp, thì tiếng chuông cũ nay trở nên tiếng nhạc ru ngủ, thay vì tỉnh thức, ngôn ngữ cũ không còn ý nghĩa tác động tâm thức, biểu tượng cũ nay trở nên quen thuộc và nhàm chán. 

Có phải Phật giáo Việt nam, qua hệ thống biểu tượng truyền thống, với phong thái Tăng Ni và hình thức nghi lễ xưa nay, với hệ thống ngôn ngữ Hán Việt, ngày nay đã mất hết chất men tinh thần - như tiếng chuông đã không còn mang âm hưởng, như muối đã hết mặn, như rượu đã hết chất men, đường không còn vị ngọt?

Có phải là chúng ta đã đến lúc hãy cùng nhau mở một cánh cửa mới cho đạo Phật - trước khi quá trễ?

4. Đến những đồng cỏ Đạo mới: từ Lương Sĩ Hằng, Thanh Hải

Từ sự phân tích sơ khởi và tổng quát trên, chúng ta mới nhìn ra được nguyên nhân nào mà một số đông trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại đang đi vào những trường phái tu học khác mang màu sắc Phật giáo - nhưng nhấn mạnh đến hai khái niệm Thượng đế và linh hồn. Trường hợp phái Vô Vi của Lương Sĩ Hằng, phái Khai Ngộ của Thanh Hải hay là những bài giảng giáo lý của Osho là những thí dụ điển hình. 

Khi Lương Sĩ Hằng đến California vào đầu thập kỷ 1980 - 1985, một hiện tượng tu học mang mầu sắc Phật giáo Việt Nam xuất hiện hấp dẫn một quần chúng rộng rãi mà rất đông là trí thức Phật tử. Đây là một hiện tượng mới ở thời gian đó: vừa trí thức vừa mê tín, nửa học thuật nửa thần quyền. Giáo lý là Phật giáo nhưng lại nói trên cơ sở khái niệm “Thượng đế” và “linh hồn.” Cái mê tín là pháp tu “xuất hồn”; cái lý thú là sự giải thích giáo lý nhà Phật qua khái niệm Thượng đế. Phái tu này gọi là “Pháp lý Vô vi khoa học huyền bí Phật pháp”. Pháp lý này nhấn mạnh đến thiền định - đi đôi với niềm tin vào Thượng đế và giải thoát linh hồn.

Đây là con đường tu học bao gồm cái ưu điểm của Phật giáo trong truyền thống thiền định của Raja Yoga và năng lực đức tin vào chủ thể Thượng đế và bản sắc cá thể của linh hồn.”Thượng đế” và “linh hồn” ở đây thay vào khoảng trống của “tính Không” và “vô ngã.” Nguồn trực giác về bản thể cho sự Hữu, (the ontological intuition of Being), được chất đầy bằng hai khái niệm thực hữu (affirmative concepts) là “Thượng đế” (khách quan) và “linh hồn” (chủ quan) để giải quyết vấn nạn hữu thể mà người Phật tử hay vướng mắc. Chúng như là hai vế của một chiếc bè tạm thời nhưng cần thiết để vượt qua dòng sông ngôn ngữ và khái niệm. 

Kinh sách của phái Vô Vi nói, 

“Linh hồn cá nhân là điểm linh quang của Thượng Đế cho xuống trần gian để học hỏi tiến hóa. Vì linh hồn thì rất thanh mà cõi trần thì trọng trược, nên nó phải đầu thai vào xác thân con người cho hợp với khí chất cõi trần. Khi xuống trần, vì mê trần, nhiễm trần, con người phạm tội và gây nhân tạo quả xấu từ vô số kiếp nên phải luân hồi mãi. Vì vậy mà cần phải tu hành hầu trở nên hoàn thiện, trở về hưởng phước trên Thiên Đàng, giải thoát ra khỏi luân hồi”. Hay là,

“Nếu nói diệt dục được ngay là nói láo, trên thực tế khó mà làm được. Pháp lý Vô Vi nầy không có khuyên bảo hay ép buộc người tu hành diệt dục, mà hãy để cho họ, nhờ công phu luyện đạo, một ngày kia sẽ tự diệt lấy, gần như là tự động một cách dễ dàng, chứ không gò ép khổ sở”. Hay, “Người tu mà không có minh sư đắc đạo dẫn dắt, mà chỉ dựa vào kinh sách, thì khó mà đạt được kết quả”. Và,

“Hỏi: Tại sao trong kinh Phật không hề nói đến ‘xuất hồn’ mà Pháp lý này dạy thế, vậy đây có phải là chánh pháp không? Trả lời: Trong kinh Phật thường có nói tu để được “minh tâm, kiến tánh”. Tức là tu là để biết Tâm (hồn), Tánh là vía. Hồn là chủ nhơn ông, ví như ông chồng xuống trần gian, bị giam hãm nơi con tim, và Vía là phụ tá, ví như là vợ, ở nơi lỗ rún. Nếu ta tu luyện cho đến khi Hồn, Vía gặp nhau, như là chồng gặp vợ, rồi tạo nên “Thánh thai”. Thánh thai mang nhiều tên khác nhau tuỳ theo Pháp môn; trong nhà Phật thì gọi là Pháp thân, hay Kim đơn, Phật tử, Xá lợi tử”. (Tôi Tầm Đạo, 1980, Cali-fornia)

Chúng ta thấy một tập hợp ngôn ngữ vừa siêu hình, vừa biểu tượng thực dụng, nói về một lãnh vực siêu nghiệm mà người nào không chia sẻ được thì phải cho là mê tín. Đây chỉ là ngôn ngữ của niềm tin vào huyền bí hơn là của lý trí nghiệm thực. 

Cũng như thế là phong trào tu học của sư cô Thanh Hải, người được xưng tụng là “vô thượng sư”. Thanh Hải cống hiến phép tu Quan Âm với hứa hẹn “khai ngộ tức thì” qua các phép thiền định, ăn chay trường, và “truyền tâm ấn” bởi chính sư phụ. Bà cũng nhấn mạnh đến khái niệm Thượng Đế và linh hồn và kết hợp giáo lý Thiên Chúa giáo và Phật Giáo qua một phương cách phiên giải Tân Ước và Pháp Hoa mới. Bà giảng, 

“Tôi không theo đạo Phật hay Thiên Chúa. Tôi theo đạo sự Thật và rao giảng sự Thật. Bạn có thể gọi nó là Phật giáo, Công giáo, Lão giáo hay bất cứ gì bạn thích”. “Bất cứ bạn phải làm gì trên thế gian này, hãy làm đi, và làm một cách nhiệt thành. Hãy sống trong tinh thần trách nhiệm và nhớ hãy tu thiền mỗi ngày. Bạn sẽ phát huy kiến thức, thêm trí tuệ, được an lành, để mà phục vụ chính bạn và thế gian. Đừng quên là bạn có Thượng Đế ở trong bạn. Đừng quên là Thượng Đế nằm trong thân thể bạn. Đừng quên là bạn có Thượng Đế trong tim mình”. Hay là,

“Nói về ‘truyền tâm ấn’ nhưng thực ra chẳng phải là tôi truyền tâm ấn gì cho bạn, mà tôi chỉ giúp bạn tự giúp lấy chính mình. Tôi không đến đây để thu nhận bạn làm đệ tử. Tôi đến để giúp bạn trở nên một thượng sư (master). Có thể gọi là “rửa tội” (baptism) hay là “quy y”. (Tài liệu của tổ chức Thanh Hải, Taipei, 2003) (3)

Cả hai Thanh Hải và Sĩ Hằng đều khai động cái “Pháp phương tiện” của truyền thống Yoga Raja nhấn mạnh thiền định qua ngôn ngữ Phật giáo Hán Việt. Pháp phương tiện này được bổ sung bằng chủ thể Thượng đế và bản sắc cá thể linh hồn. Nó đáp ứng được hai vế của con đường tu đạo của trí thức lẫn con tim. Người Phật tử hiểu rằng niềm tin vào một đối thể là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải tự mình nỗ lực để khai mở chân Tâm. Nhưng khi đi trên con lộ của chánh Pháp, đức tin vào một Hữu thể tối hậu và vững chắc, với một cái Ta cần được cứu rỗi hay giải thoát, dù với khái niệm hay lý giải nào, là điều không thể tránh khỏi. 

 Khi người trí thức Phật tử Việt, với năng thức tâm linh khao khát đi tìm, họ không còn chữ Trời để sống với, khi chữ Phật đã trở nên thụ động, trống rỗng, và mất hết tác dụng linh thiêng và tỉnh thức, họ sẽ phải đi theo những hệ thống ngôn từ và biểu tượng đạo giáo mới. Khi mà cái trực cảm về cái “ta” cá thể cần phải nhận diện qua khái niệm, khi mà một thực thể tuyệt đối cần phải được định danh tích cực, khi mà cá nhân bị lạc lõng, mất niềm tin vào mình, vào đời, vào khả năng chứng ngộ của rất đông tu sĩ, lạc lõng trong giáo lý truyền thống vốn đã mất hết chất men, thì họ phải bám lấy chiếc bè của ngôn ngữ biểu tượng của các giáo phái mới. 

5 . Đến Osho 

Hãy đọc Osho: “Xin chào vị Phật bên trong bạn. Có thể bạn không biết điều đó. Có thể bạn chưa từng mơ tới điều đó - rằng bạn là một vị Phật, rằng bạn chỉ là bạn, mà không thể là bất kỳ cái gì khác; rằng Phật chính là cốt lõi, là trọng tâm của con người bạn, và điều đó không phải sẽ xẩy ra trong tương lai, mà đã xẩy ra rồi. Phật tính chính là cội nguồn từ đó mà bạn xuất phát, mà cũng chính là mục đích để bạn trở về”. Hay là,

 “Thế giới này chuyển vận trong chiếc bánh xe. Một vòng quay của nó được hoàn tất trong hai mươi lăm thế kỷ. Hai mươi lăm thế kỷ sắp tới, phần cuối của thế kỷ 20 này, đang sắp trở thành có giá trị vô cùng lớn lao. Nếu chúng ta có thể tạo ra đà trong thế giới cho việc thiền, cho cuộc hành trình bên trong, cho thanh bình, cho tĩnh lặng, cho tình yêu, cho Thượng Đế. Nếu chúng ta có thể tạo ra một không gian trong hai mươi lăm năm sắp tới để cho Thượng Đế xẩy ra đến với nhiều nhiều người thì nhân loại sẽ có sự sinh thành mới. Con người mới sẽ sinh ra.” Và,

“Bánh xe mà Phật đã chuyển nay đã dừng. Bánh xe phải được quay lại lần nữa. Và đó là công việc của đời tôi và các bạn. Bánh xe đó phải được quay lần nữa.” Osho nói. (Việt ngữ của Vạn Sơn và Như Không, California, 2002-03)

Osho là một trong những đạo sư gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng báo chí Âu Mỹ, từ cuộc sống của ông, đến phương cách và nội dung giảng dạy. Ông là một người uyên bác và chủ trương phá chấp những hình thức hay khuôn thước đạo đức truyền thống, nhất là về phương diện tình dục. Những bài giảng của ông thì trác tuyệt, nhất là khi ông bàn về đạo Phật và lý giải các kinh qua ngôn ngữ của Yoga và tâm lý học Tây phương hiện đại. Phật học qua sự phiên giải của Osho trở nên đơn giản, minh bạch và hợp lý - nhất là khi các bài giảng bằng Anh ngữ đã giải phóng trí thức Việt ra khỏi gánh nặng Hán ngữ vốn được hiểu và phiên dịch sai lạc, nếu không nói là nhàm chán. Ông xứng đáng là một luận sư của Phật học thời đại. Và trong nội dung và ngôn ngữ luận giải kinh Phật đó, nhiều trí thức Phật tử Việt nam đã tìm về với Osho như là một đạo sư (guru) cho chính họ. 

6. Tại sao Phật tử Việt đến với họ?

Các yếu tố nào mà Lương Sĩ Hằng, Thanh Hải, Osho hấp dẫn trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại? Tóm tắt, tôi xin nêu lên vài điểm chính:

* Trình độ chứng ngộ của các vị - theo sự tin tưởng của các môn sinh. Các vị trên đều có một sức mạnh về cá tính, charisma, làm chinh phục các người theo học. 

* Trình độ trí thức, uyên bác, cập nhật với thời đại, trình bày những phương án tu học phá chấp và thích hợp với mẫu người trí thức Á đông đang sống ở Âu Mỹ. 

* Đặt cơ sở đạo học trên giáo lý kinh điển đạo Phật, nhưng.

* Phiên giải kinh sách Phật học theo một bối cảnh tư tưởng rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn vào Phật giáo. 

* Sử dụng ngôn ngữ mới, trong sáng và dễ hiểu và thông đạt được giáo lý nhà Phật, nhất là Anh ngữ, và quan trọng nhất. 

* Bổ sung giáo lý đạo Phật với hai khái niệm bản thể “Thượng Đế” và “linh hồn”. 

7. Tin lành hóa Phật học?

Chúng ta hãy cùng mở mắt ra, để cùng nhau nhìn thẳng vào hiện tượng này một cách chính trực, bình thản để chúng ta nhìn thấy chính mình nhiều hơn. Đừng đổ lỗi cho ai, đừng trách là đạo này, đạo kia “quyến rũ” quần chúng, “mê hoặc” ai. Một số trí thức Phật giáo tố cáo các phong trào như Thanh Hải là một hiện tượng “Tin lành hóa” giáo lý đạo Phật khi có sự “nhập cảng” Thượng Đế và linh hồn vào giáo lý nhà Phật. Tôi chia sẽ và thông cảm tại sao có sự phản ứng này. Nhưng điều này cũng cần phải được minh định. 

Trước hết, đạo Tin Lành là gì? Tiếng Anh là “Protestantism”, được dịch là đạo “Phản Thệ”, hay là giáo phái “Phản Đối” (lại giáo hội La Mã). “Tin Lành” hay “Tin Mừng” là dịch từ hai chữ “Good News”. Một cách chung và rất tổng quát thì đạo Tin lành là Thiên Chúa Giáo trừ đi giáo hội La Mã (Christianity minus the Roman Catholic Church). Tinh hoa của giáo lý Tin lành là kinh Tân ước, Thượng Đế là “Chúa Trời” của truyền thống Cựu ước Do thái, và Jesus là “con trai một” được đưa xuống trần thế hy sinh trên thập tự giá để cứu rỗi tội lỗi của nhân loại. Đức tin vào Jesus là cần thiết và đủ nhằm cứu rỗi linh hồn. 

Nếu đạo Tin lành là thế thì tôi không thấy đạo học của Lương Sĩ Hằng, Thanh Hải hay là Osho được “Tin lành hóa” được. 

Thứ hai: Chữ Thượng đế (God) mà các vị trên sử dụng không có nghĩa là God (Chúa Trời) theo ngôn ngữ của truyền thống tôn giáo Abraham Do Thái. Khái niệm và chữ Thượng đế (God) có một lịch sử lâu dài và sâu rộng, từ trước khi Thiên Chúa giáo xuất hiện và không phải chỉ ở Tây phương hay là Trung đông. Lịch sử Ấn giáo và triết học Hy Lạp từ Socrates đến Plotinus, từ Ba Tư đến Ai Cập, cũng là những lịch sử của khái niệm God với nhiều tên gọi và biểu tượng khác nhau - nhưng chữ God tựu chung vẫn là chữ được quy nạp chung cho khái niệm này. Ngay cả từ Allah của Islam (đạo Hồi) cũng được dịch sang Anh ngữ là God. Chúng ta cũng dùng chữ God để dịch chữ “ông Trời” (Heaven) hay là Đạo (The Way). Còn chữ Chúa Trời là God của Thiên Chúa giáo. Chữ God, Thượng đế, bao gồm một khái niệm rộng lớn, phổ quát và phổ thông hơn. Mỗi tôn giáo, theo tôi, chỉ là một phương cách tiếp nhận khái niệm God theo ngôn ngữ, căn cơ tâm thức quần chúng, cho mỗi bối cảnh văn minh. 

Thứ ba: Các vị nói trên không đề cao điều kiện tối cần thiết và không thể thiếu của niềm tin vào vai trò cứu thế của Chúa Jesus. Và ngôn ngữ “cứu rỗi” cũng không phải là một năng lực ban phát từ Chúa Trời khách quan và ngoại thân như là một ân huệ trên cơ sở niềm tin. Jesus chỉ là một biểu tượng nhân cách trong một truyền thống tôn giáo đặc thù. Sự khác biệt giữa Jesus, một con người lịch sử, và Chúa, “Christ”, một tính thể linh thiêng của con người, “a divine reality”, là điều mà tôi nghĩ rằng các vị trên không thể bị nhầm lẫn (như là phần đông các tín đồ Thiên Chúa giáo, cả Tin lành và Công giáo). Khi các vị đó trích Jesus từ Tân Ước, “Thiên đường là ở ngay trong tâm bạn” (The kingdom of God is within you) để diễn giải rằng, “the kingdom of God” chính là cõi Phật, và Chúa (Christ) là Phật tính trong tâm mỗi chúng sinh. Diễn giải như thế không có nghĩa và cũng không có gì là “Tin lành hóa” giáo lý đạo Phật. Mà ngược lại, đó là một cách luận giải giáo lý Phật giáo theo đúng khế cơ, ngôn ngữ và kiến thức của con người thời đại - và đã biến cải được ngôn ngữ biểu tượng của Tân ước và Cựu ước theo ý nghĩa của Phật giáo. 

D. TRƯỜNG HỢP TIN LÀNH Ở VIỆT NAM

Từ những nhận định trên về khuynh hướng tôn giáo và nhu cầu tâm linh của trí thức Phật giáo Việt ở hải ngoại, mà khuynh hướng tôn giáo của người Việt hải ngoại cũng chính là khuynh hướng của người Việt trong nước. Hiện tượng Thanh Hải và Lương Sĩ Hằng rất có thể sẽ tiếp tục ở Việt Nam vì những lý do mà tôi vừa phân tích ở trên. Với quá khứ ba mươi năm của trí thức Phật tử Việt hải ngoại là một tiền đề, một dẫn nhập, thì tôi thiết nghĩ rằng trong một tương lai không xa, như trường hợp Nam Hàn, quần chúng Việt Nam sẽ theo đạo Tin lành rất là đông đảo - có thể vượt qua cả số lượng tín đồ Phật tử và Công giáo. Khoảng trống tâm linh nếu không có đạo Phật đổ đầy thì quần chúng sẽ đi những theo đồng cỏ đạo mới. Mà đạo Tin Lành sẽ là một nguồn hấp dẫn chính. 

Chúng ta thử phân tích cái dự phóng này, mà hiện nay nó đang xẩy ra ở nhiều nơi ở Việt Nam. Có hai bình diện của hiện tượng Tin lành này. Một là bình diện “đẩy” và kia là “kéo”. 

1. Trên bình diện Đẩy:

a. Hiện tượng trống vắng đời sống tâm linh: Khi trình độ tâm thức của quần chúng đang thay đổi và chuyển hóa theo thời đại. Trong những khối quần chúng đông đảo, nhất là ở những vùng quê, xa xôi, ở Trung Bắc và Bắc, đang khao khát một đời sống tâm linh, các vùng xưa nay là Phật giáo nhưng vì thiếu chùa, thiếu sinh hoạt của Gia đình Phật tử, thiếu Tăng sĩ, thiếu kinh sách. Các sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên theo truyền thống đã trở nên một bình diện xã hội bình dân, phổ biến, không thoả mãn được nhu cầu tôn giáo của họ. 

b. Sự thiếu vắng và điểm yếu của Phật giáo: Đây là yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong yếu tố xô đẩy này. Cho dù trong những vùng ảnh hưởng Phật giáo là sâu rộng xưa và nay, nhu cầu khao khát tâm linh này lại không được đạo Phật cung ứng cho khoảng trống này. Không phải chỉ vì yếu tố khách quan về nhân sự, cơ chế, hay tổ chức, mà vì nhiều lý do nội tại của giáo lý và đạo học: 

- Ngôn ngữ giáo lý, phong thái nghi lễ, hình ảnh và biểu tượng của Phật giáo đã hết chất men, ý chí tôn giáo đã mòn mõi, đạo lý bị khô cạn. Bánh xe của Chánh pháp đã ngừng quay khi muối của giáo lý đã hết chất mặn, đường của đạo hết vị ngọt; tiếng chuông của chùa đã hết khả năng đánh thức vì bị quá quen thuộc, âm thanh nay đã rè; ngôn từ của kinh tụng không còn kêu gọi tâm thức. 

- Giới tu sĩ Phật giáo mất hết khả năng biểu tượng giá trị Phật đạo khi trình độ tu chứng, ý chí tu học, phẩm chất con người, văn hóa cá nhân và tác phong, hành vi xã hội bị xuống cấp. 

- Nghi lễ, lời kinh, phương cách thờ cúng, hình thái tổ chức, tượng Phật, và nghệ thuật Phật giáo đã không còn sức hấp dẫn hay đóng chức năng đạo học, không thể hiện được sự rung động tôn giáo, không còn uy lực linh thiêng, không còn quyền uy huyền bí. Ngay cả âm nhạc Phật giáo cũng khô cạn và hoàn toàn thiếu vắng chất men tinh thần. 

- Hương vị (taste) tôn giáo của quần chúng nay đã thay đổi quá nhiều, trong khi Phật giáo không cập nhật kịp. Con người ngày nay mang một bản chất tâm lý và nhân sinh quan quá trần tục, mang nặng ảnh hưởng vật chất Tây phương, và không còn đơn giản như ngày trước. Phật giáo nay đã trở thành một vấn đề “Bụt nhà không thiêng”. 

2. Bình diện Kéo: Lý do đạo Tin Lành lôi cuốn quần chúng Việt:

Sẽ có nhiều hình thái tôn giáo khác lôi kéo và hấp dẫn người Việt chung và Phật tử nói riêng. Ngoài các trường phái bình dân như Cao đài, Hòa hảo, còn có các tôn giáo lớn như Công giáo và các hệ phái Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, đạo Bahhai. Nhưng nói chung, đạo Tin lành sẽ là hấp lực chính, là sức kéo mạnh nhất. Có nhiều lý do:

- Các giáo phái Tin lành rất năng động về công tác truyền đạo, missionary, mà các tín đồ coi công tác đi truyền đạo như là lý tưởng sống chết của họ. Đây là một tôn giáo mang nặng bản chất prose-lytism, cải đạo người khác. 

- Người bình dân Việt không hề được truyền đạo đã từ lâu lắm. Khi các tâm hồn ngây thơ lần đầu tiên trong đời được chú ý đến, được kêu gọi, được an ủi, được coi trọng, họ sẽ đi theo bất cứ đạo nào đang mời gọi họ. Mà các người truyền giáo Tin lành được huấn luyện và trang bị kỹ thuật tâm lý này. 

- Các giáo phái này có nhân lực, có khả năng tài chánh lớn, có tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ và điêu luyện, chuyên nghiệp. Họ xem chuyện truyền giáo như là công tác tiếp thị với một sản phẩm rõ ràng đáp ứng cho nhu cầu của một thể loại quần chúng. 

- Khả năng của Tin lành trên các lãnh vực truyền thông, chuyển tải giáo lý, hình thức đi đôi với nội dung định chế đầy ấn tượng bằng sức mạnh tổ chức qua hình thức. Chỉ trong vòng 10 năm truyền giáo ở Nam Việt Nam trước 1975, mà giáo hội Tin lành đã xây được những ngôi thánh đường to lớn ở những con đường sang trọng bậc nhất ở các đô thị lớn, nhất là Sài gòn. 

- Nội dung giáo lý đơn giản và cương mãnh, rõ ràng, khơi mở niềm tin bằng một thứ ngôn ngữ mới, gợi cảm. Đây là yếu tố thành công của Tin lành: một đức tin mới trong một hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng mạnh mẽ, đầy xúc cảm, đơn giản, dễ hiểu. (Thay vì “Ngươi hãy thắp đuốc lên mà đi tìm Chánh pháp tự trong tâm” thì nay là “Ngươi hãy tin Ta, và chỉ có qua Ta, ngươi mới được cứu rỗi để hòng có cuộc sống đời đời.” Thay vì, “Hãy nhìn chúng sanh với tâm từ bi” thì nay là “Hãy bước đi trong yêu thương”. Thay vì phúng điếu, “tiêu diêu miền cực lạc” thì nay là “hưởng nhan thánh Chúa.” Trong khi số lượng kinh Phật thì có thể chứa hết không gian tòa nhà thư viện chính của đại học Harvard thì Tân ước chỉ cần năm chương ngắn là nói gần hết tinh hoa của Tin lành). 

- Đối với những tâm hồn và đầu óc ngây thơ, mới bừng tĩnh, như là của quần chúng Việt Nam hiện nay, thì ngôn ngữ và biểu tượng Tân ước là một ly nước mát, ngọt, là một chiếc bè vững chắc cho cơn khát tinh thần. Tôi đã chứng kiến cảnh của những người trẻ, kể cả trí thức Phật tử, sau khi đọc xong Tân ước, đã xúc động mạnh, và chỉ với một lời an ủi, kêu gọi tình cảm từ người giảng đạo, họ đã quỳ xuống khóc “xin nhận Chúa Jesus là chúa cứu rỗi cho linh hồn tôi.” Thế là từ đó, cuộc đời họ kể như là “chiến sĩ cho vương quốc của Chúa”, đi đâu cũng mang theo kinh Thánh, đến đâu cũng giảng đạo. 

- Tin lành cống hiến cho người dân một đức tin vững chắc, đơn giản, với hứa hẹn thiên đàng và sự sống đời đời, đi đôi với lời đe dọa đốt cháy vĩnh cửu ở địa ngục. Theo đạo nay không những có gạo, mà có cả thiên đường, có đức tin, có tổ chức, có hệ thống tín hữu, có ngôn ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, thánh đường mới - mà lại tránh được địa ngục một cách dễ dàng. 

- Tin lành đi theo nhịp trống của sức mạnh văn minh và văn hóa Tây Âu, từ biểu tượng đến tinh thần. Từ việc người Việt nhuộm tóc vàng, sửa mũi cao, mặc Âu phục, cho đến các hệ thống giá trị định chế, chính trị, học thuật, thẩm mỹ Tây Âu được coi như là chân lý phổ quát và hoàn vũ, thì Tin lành cũng chỉ là một hiện tượng văn hóa trong cao trào Tây phương hóa này. 

- Tin lành đáp ứng được với tâm thức quần chúng hiện nay vốn là năng lực của trái tim - như là một sự khởi động của niềm tin, một phản đề với văn minh lý tính của hiện đại. 

- Đối với những người thấu hiểu được nội dung và tinh hoa của Thiên Chúa giáo, và hệ phái Tin lành, thì chất men ngôn ngữ và biểu tượng của tôn giáo này không thể hấp dẫn họ được - nếu không nói là họ sẽ dị ứng với cái tính cách đầy ngây ngô và buồn cười của hệ thống giáo điều biểu trưng cho một chuỗi dài vô minh phát xuất từ sự hiểu lầm trầm trọng cái nền tảng tinh hoa của Thiên Chúa giáo nguyên thuỷ. Cái hiểu lầm cơ bản nhất của người Thiên Chúa giáo, tất cả các giáo phái, là họ đọc và hiểu Kinh cựu và Tân ước như là một chuyện kể về sự kiện lịch sử, thay vì chúng là một kết tập của ngôn từ biểu tượng. Huống gì điều mà chúng ta đang bàn liên quan đến một khối tâm thức của quần chúng Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn rất sơ khai, ngây thơ, tình cảm chân chất, và của những đầu óc và con tim vừa mới được mở mắt. 
 

F. THAY LỜI KẾT

Nhìn thấy viễn tượng đó, những ai quan tâm đến cơ đồ đạo Pháp phải biết suy tư và làm việc để xoay chuyển bánh xe Chân lý lần nữa - vì nói như Osho, chánh Pháp mà đức Phật chuyển luân hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, thì bây giờ đây, ở trong cộng đồng Việt ở hải ngoại hay ở quê nhà, đang bị ngừng lại. Bánh xe đạo Phật này chắc là đã đi qua Tây Âu để đánh thức một khối tâm thức mới của người Tây Âu. Nhưng tại quê hương Á châu, tại Việt Nam, nơi Phật giáo được nuôi dưỡng cả ngàn năm nay, và trong cộng đồng trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại, ngọn đuốc chánh Pháp đang bị héo mòn, mất gần hết sinh lực. 

Phật giáo Việt Nam - một gia sản lớn cần phải được khai sáng và chấn hưng, một năng lực tinh thần mới cần phải được đánh thức và chuyển hóa. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta. (California, tháng Năm, 2006).

 

Chú thích

1. Frithjof Schuon, “Language of the Self: Essays on the Perennial Philosophy.” World Wisdom Books, 1999. 

2. Ví dụ, nhiều bản Tân ước Việt ngữ dịch rằng “Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là thần hay sao?” Nếu không có một sự giải thích sâu rộng thì câu dịch này hoàn toàn là tối nghĩa và sai lạc. 

3. Thanh Hải và Lương Sĩ Hằng cả hai là người Việt. Tôi đã có dịp tiếp xúc và làm việc với hai vị. Thanh Hải thì xuất hiện một cách có bài bản, màu mè, trang phục đa dạng như thời trang, ngôn ngữ thanh lịch, con người bản lãnh, kiến thức đa dạng và sâu rộng. Sĩ Hằng thì hùng hồn, mạnh mẽ, charismatic, và khó hiểu. Ông sử dụng ngôn từ đầy tính chất huyền bí theo biểu tượng của Á đông. Cả hai xứng đáng là những bậc thầy. Thanh Hải có một quần chúng đệ tử và khán giả khắp thế giới. Ảnh hưởng của Sĩ Hằng thì chỉ có trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Pháp. Cả hai đều bị nhiều Tăng sĩ Phật giáo Việt chỉ trích và lên án, nhiều lúc nặng nề và tiêu cực quá đáng, cả về phương thức hành đạo lẫn học thuật giáo lý đạo Phật. Còn các đồ đệ Việt của họ (Thanh Hải và Sĩ Hằng), nhiều người thì quá khích và thần tượng hóa các vị này một cách cực đoan. Ví dụ, khi Thanh Hải tắm, một vài đệ tử lấy nước dơ từ đó mà uống. Trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh trực tiếp, tôi có hỏi bà là có thực như thế, và nếu có thì tại sao bà lại cho họ làm như vậy? Thanh Hải trả lời tôi rằng, “Tôi thì đang tắm (chắc là ở một nơi tạm thời ngoài trời?), mà họ thì cứ chạy tới múc lấy nước dơ đó mà uống, tôi can cũng không được. Tôi đã bảo họ đó chỉ là nước dơ mà thôi, mà họ không thèm nghe!”. Các đệ tử của Sĩ Hằng ngồi thiền thì rung thân mình lên như bị kinh phong; có người tuyên bố là đã xuất hồn lên tầng trời nầy, cõi thiên nọ. Họ coi Sĩ Hằng như là một vị Phật đại giác ngộ. Tôi nhận thấy điều này: Hình như bất cứ cái gì hay đẹp đến đâu mà dính vào cõi quần chúng Việt thì cũng trở nên một thảm kịch buồn cười cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3830)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5892)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5371)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.