● Đột Phá Mới Trong Truyền Bá Phật Giáo ở Phương Tây

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 9319)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức


Đột phá mới trong truyền bá Phật giáo ở phương Tây
 
KTS. Nguyễn Hữu Thái, Hoa Kỳ

Tác giả Nguyễn Hữu Thái, kiến trúc sư Sài Gòn, nghiên cứu và thỉnh giảng tại các đại học Tây Âu & Bắc Mỹ. Từ 1995 đến 2003, về lại Việt Nam công tác tư vấn đầu tư xây dựng, viết sách báo và giảng dạy đại học. Đang tham quan nghiên cứu đô thị và kiến trúc Âu Mỹ, hợp tác nghiên cứu tại Trung tâm Việt Nam Học của Đại học Temple (Philadelphia) và Trung tâm William Joiner (nghiên cứu chiến tranh & hậu quả của chiến tranh) thuộc Đại học Massachusetts Boston, Hoa Kỳ. Cộng tác viên thường xuyên của báo Giác Ngộ, Tp.HCM. 

Phật giáo ngày càng xuất hiện như một giải đáp tâm linh cho thế giới loài người đang khủng hoảng trân trọng về nhiều mặt. Nhưng phải chăng chúng ta đang chứng kiến một sự kiện mâu thuẫn kỳ lạ: trong khi phong trào Phật giáo mới ở phương Tây đang quay về nguồn, tìm ra con đường tu tập và hành đạo đầy sáng tạo, thì Phật giáo nguồn gốc châu Á truyền thống có mặt ở phương Tây đa phần vẫn còn sa lầy trong trì trệ và bảo thủ. Làm sao thu hút được giới trẻ và trí thức đang là mối bận tâm chung của xu thế đổi mới Phật giáo ở phương Tây, đặc biệt trong cộng đồng người châu Á ở nước ngoài. Bài này đúc kết một số quan sát bản thân tác giả ghi nhận được tại phương Tây suốt mấy năm qua, với nội dung: (1) Phật giáo như giải đáp tâm linh mới (2) con đường tu tập và hành đạo sáng tạo và (3) hướng đột phá mới trong Phật giáo châu Á tại phương Tây.

“Sự kiện có ý nghĩa nhất của thế kỷ 20 là sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây”. Tôi nghĩ rằng nhận định đó của nhà sử học nổi tiếng người Anh Arnold Toynbee về các nền văn minh loài người, đang là một hiện thực. 

Thật ra, Phật giáo như một tôn giáo và triết học phương Đông đã đến phương Tây từ thế kỷ 19, nhưng lại chỉ giới hạn trong giới nghiên cứu học thuật và trí thức. Phật giáo chỉ nở rộ và đi vào xã hội phương Tây vào nửa sau của thế kỷ 20 khi nền văn minh vật chất của phương Tây đi vào thế bế tắc và hướng về các truyền thống tâm linh phương Đông tìm lời giải đáp. Người phương Tây nay chủ yếu đến với đạo Phật như một triết lý sống và một phương pháp tu luyện tâm linh. 

Phải chăng các con số như đang có hơn 10 triệu Phật tử ở Mỹ, 5 triệu ở Pháp là đã bao gồm số Phật tử gốc châu Á đang sinh sống tại các nước này. Kể ra thật khó mà xác định con số người theo đạo Phật ở nước ngoài cũng như ở ngay chính trong nước ta, nếu chỉ căn cứ vào các con số thống kê cứng ngắt. Ở phương Tây người ta cũng đang tranh luận phải chăng những người gọi là theo đạo Phật đó thật sự là tín đồ Phật giáo mới ở phương Tây hoặc họ chỉ là những người tu tập hành thiền, những kẻ đang thực hành một bộ môn dưỡng sinh kiểu thời thượng phương Đông nào đó? 

Có đi sâu vào sinh hoạt trí thức và tâm linh ở phương Tây ngày nay, nhìn ra những cái bế tắc của xã hội kỹ thuật-vật chất ở đây, ta mới nhìn thấy hết khát vọng của con người hiện đại. Đó là làm sao dung hòa được việc duy trì được những thành tựu khoa học lẫn tiện nghi vật chất cùng với ước vọng vươn tới một cuộc sống tâm linh thanh cao. 

Do hậu quả của khuynh hướng chống giáo quyền và “thế tục hóa tâm linh”, đa số người phương Tây ngày nay đến với đạo Phật không phải như một tôn giáo, tín ngưỡng mà như một con đường trí tuệ, một con đường giải thoát tâm linh. Và cũng khác với phương Đông, nơi mà đạo Phật là một tôn giáo và một truyền thống văn hóa với các trung tâm Phật giáo được định hình từ lâu. Ở phương Tây, sinh hoạt Phật giáo từ bước đầu đã nghiêng về chiều sâu, nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, tìm kiếm những giá trị tinh thần, hơn là quan tâm đến tín lý, giáo điều của tôn giáo truyền thống. 

Do đó, việc xây dựng các trung tâm Phật giáo, tự viện, thiền thất ở đây cũng được quan niệm một cách khác, không mấy chú trọng đến hình thức kiến trúc qui mô mang tính phô diễn, diêm dúa kiểu dân gian như thường thấy ở phương Đông. Theo tôi thì các chùa Phật kiểu truyền thống của các cộng đồng người châu Á ở phương Tây thường khép kín, pha tạp mê tín dị đoan, xa lạ, nên rất khó hấp dẫn người phương Tây và ngay cả lớp người trẻ và trí thức gốc châu Á.

Cho đến nay, bản thân tôi chưa nhìn thấy một tự viện nào to lớn do chính người phương Tây xây dựng lên, mà đó chỉ có những công trình thiền thất giản dị và khiêm tốn, chủ yếu hướng về nội thất thanh tịnh bên trong và mở ra thiên nhiên bên ngoài. Điều này rồi cũng dần dần tác động đến các trung tâm sinh hoạt Phật giáo mang tính “đổi mới” của các cộng đồng Phật tử trí thức người gốc châu Á ở phương Tây. 

Trong thực tế, nhiều nơi ở đây đã xuất hiện các thiền thất, trung tâm nghiên cứu và tu tập Phật giáo do chính người phương Tây bỏ công sức xây dựng và tự điều hành. Các công trình này thường nằm ngoài và không dính dáng gì đến các chùa Phật mang tính truyền thống và quốc tịch gốc của các cộng đồng người châu Á. 

Chẳng hạn như ở Pháp, nay mỗi sáng chủ nhật ta có thể xem truyền hình Tiếng nói Phật giáo trên sóng France 2. Hầu hết các khoa xã hội và nhân văn của đại học lớn phương Tây đều có giảng dạy triết học Phật giáo. Nhiều khóa tu tập thiền định, đọc kinh sách, học giáo lý Phật giáo diễn ra tại các học viện, thiền viện chuyên biệt. Tham khảo sách báo truyền bá đạo Phật ở phương Tây, ta phải nhìn nhận chúng khá phong phú, sáng sủa, khoa học, tập trung vào giáo lý căn bản, tinh túy của đạo Phật, không sa đà vào những điều huyền hoặc, phản khoa học, mê tín dị đoan còn đầy dẫy ở Phật giáo cổ truyền châu Á. 

Tuy cũng có người phương Tây xuất gia, thọ giới, gia nhập Tăng đoàn nhưng số này không nhiều so với Phật tử tại gia. Do khuynh hướng thế tục hóa tâm linh, đạo Phật phương Tây cho đến nay chủ yếu là của những người cư sĩ. Đạo Phật nhập thế chứ không phải một đạo Phật xuất thế. Phần lớn các Phật tử phương Tây chọn lựa tiếp tục sinh sống trong gia đình và xã hội. Người Phật tử phương Tây thường không gia nhập hẵn vào một khuông hội hoặc phụ thuộc vào một ngôi chùa do một tăng sĩ đầy quyền uy lãnh đạo, mà chỉ gắn kết với nhau qua một học hội, thiền đường do chính các cư sĩ điều hành lấy. Dĩ nhiên họ cũng được các thiền sư hoặc tăng sĩ truyền giảng giáo pháp hoặc hướng dẫn tu tập. Nhưng ở đây, nam nữ, tăng sĩ, cư sĩ, tất cả những đệ tử của Đức Phật đều bình đẳng trên mặt tâm linh. Tôi đã nhìn thấy những thiền sư phương Tây tập họp các nhóm đệ tử để truyền dạy giáo lý cho họ, nhưng vẫn cùng ngồi tĩnh tọa và diện bích như các đệ tử của các ngài. 

Một sự kiện lạ lùng là việc truyền bá Phật pháp các thập kỷ gần đây ở phương Tây phần lớn lại do công sức của các Lạt-ma Tây Tạng. Họ là những nhà sư phương Đông lần đầu tiên gây được sự chú ý của người phương Tây đến Phật giáo cũng như kịp thời đem đến cho họ một thế giới tâm linh và thế giới nội tâm mới. Gần đây, cũng xuất hiện một số thiền sư người châu Á khác truyền bá Phật pháp theo lối mới, biết cách trình bày giáo lý của Đức Phật và đã thật sự lôi cuốn được rộng rãi người Âu Mỹ. Họ tác động bằng chính các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, truyền hình và các khóa tu tập hành thiền tập thể khắp Châu Âu và Hoa Kỳ.

 Odiyan là trung tâm Phật giáo Tây Tạng vào hàng lớn nhất thế giới tọa lạc trên một khu đất rộng cả trăm mẫu ở bang California, Hoa Kỳ. Tuy do vị Lạt-ma Tarthang Tulku sáng lập và điều hành với sự hỗ trợ của tăng sĩ và cư sĩ Mỹ, nhưng trung tâm này là kết quả công sức lao động và quyên góp suốt 20 năm trời của chính Phật tử Mỹ. 

Đền Ngàn Phật của phái Dashang Kagyu Ling ở vùng Bourgogne nước Pháp cũng là trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất Châu Âu. Vào năm 1974, đệ tử của vị Lạt-ma Kalou Rinpotché đã quyên góp mua lại lâu đài Plaige và khu đồi chung quanh. Nhiều đoàn thiện nguyện cho đến nay vẫn còn tiếp tục công tác hoàn tất công trình. Ngoài sự hấp dẫn của một công trình tôn giáo mang tính chất văn hóa dân gian phương Đông, trung tâm Phật giáo này đã lôi cuốn được nhiều người do các loại hình hoạt động phong phú thực tiễn khác. 

Tôi đã nhìn thấy nhiều nhóm người châu Âu đến đăng ký theo các khóa tu học, hành thiền theo từng trình độ. Bên cạnh đó, họ còn mở các khóa huấn luyện ngắn ngày về dưỡng sinh, yoga, khí công, y học phương Đông do chính người phương Tây đảm trách. 

Các chùa này đều bố cục theo đồ hình Mandala, mang đậm phong cách kiến trúc Mật tông. Tuy vậy, các Lạt-ma cũng xác định rằng các hình thức nghi lễ, thần chú, ấn quyết, đồ hình chỉ là những phương tiện nhắm tác động vào tinh thần hơn là các hình thức tín ngưỡng. Điều này phù hợp với Phật tử phương Tây đặt nặng vào trí tuệ hơn là vào đức tin. Nếu có tin tưởng thì đó là niềm tin vào Chánh đạo, những bậc Thầy, những người chỉ đường đã đi trước, chứ không phải vào sự sùng tín các thần linh đầy quyền phép nào đó. 

So sánh với các trung tâm Phật giáo xây dựng theo kiểu truyền thống Himalaya kể trên, thì những “Làng Hồng” rồi nay là “Làng Mai” ở Pháp hoặc các cơ sở tu tập tương tự ở California của Thiền sư Nhất Hạnh dễ gần gũi với người phương Tây hơn. Chúng chẳng những đã thu hút được giới trẻ và trí thức châu Á mà cũng lôi cuốn không ít người phương Tây, kể cả các tín đồ tôn giáo khác. Các trung tâm Phật giáo kiểu mới này không còn lấy ngôi chùa làm trung tâm mà chủ yếu tạo các phức hợp thiền thất để tu học và tham thiền mở ra giữa khung cảnh thiên nhiên. Trang trí thiền thất đơn giản, nghi thức nghiêm túc nhưng không rườm rà, giáo lý, kinh kệ hoàn toàn bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh). Một số ‘Làng Thiền’ tổ chức theo lối ấy đã xuất hiện từ hàng chục năm nay.

Trúc lâm Thiền viện (do thầy Thiện Châu sáng lập) tọa lạc trên một khu đồi thơ mộng nằm ở ngoại vi Paris, Làng Mai ở Pháp và các trung tâm tu tập tương tự ở California, Hoa Kỳ (do thầy Nhất hạnh chủ xướng) đã thật sự trở thành các cực hút thật mạnh giới trẻ và trí thức người Việt lẫn người phương Tây. Trong tinh thần đó, ở ngoại vi thành phố Montréal tại Canada cũng xuất hiện trung tâm tham thiền ‘Làng Cây Phong’ với với các đợt tu tập thiền định ngắn ngày, thỉnh thoảng có các bậc danh sư đến trực tiếp hướng dẫn tu tập. 

Tại châu Âu ngày nay phải kể đến trường phái Phật giáo đổi mới “Soka Gakkai” (Sáng Giá Học Hội). Đây có lẽ là một trường hợp ngoại lệ về một dạng tổ chức Phật giáo chặt chẽ theo lối Nhật Bản ở Pháp, với một vạn tín đồ. Tông phái này đang có 10 triệu tín đồ ở Nhật Bản, tham gia cả vào chính trường, sở dĩ thu hút nhiều người do khuynh hướng nhập thế tích cực, dấn thân làm trong sáng xã hội và chính trị. Họ cũng không ngại ngùng khi công bố ra ở phương Tây rằng họ là “Tông phái Phật giáo chính thống duy nhất”.

Hiện nay ở phương Tây đang bàng bạc một luồng sinh khí mới có tác dụng thúc đẩy nhanh tìến trình phục hưng Phật giáo. Như vậy là Phật giáo không còn bó hẹp trong bối cảnh châu Á và đang có khuynh hướng toàn cầu hóa. Phải chăng đó là do cơ may đạo Phật đang được chấp nhận và truyền bá ở phương Tây, trong đó có sự đóng góp rất đáng kể của những nhà cách tân Phật giáo gốc phương Đông, gồm các nhà sư Tây Tạng, Nhật Bản và cả Việt Nam nữa.
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3830)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5892)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5371)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.