● Thiền Là Dòng Sống Trong Lòng Phật Giáo Và Dân Tộc Việt Nam

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6736)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

THIỀN LÀ DÒNG SỐNG TRONG LÒNG PHẬT GIÁO
VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM
HT. Thích Nhật Quang 

Thiền tông là cốt tủy của đạo Phật. Đức Phật nhờ tu thiền mà chứng đạo, được giác ngộ giải thoát. Chư Tổ cũng thế, lấy thiền làm hơi thở, làm mạch sống của chính mình. Đặc biệt thiền tông đã có mặt rất sớm trên đất nước Việt Nam. Sự góp mặt của các thiền sư có một tầm vóc quan trọng nhất định đối với vận mệnh dân tộc trong những lúc quốc gia gặp cơn nguy biến. Cho tới bây giờ, trong thời đại của nền văn minh công nghệ thông tin và kỹ thuật đạt đến đỉnh cao, thì thiền đối với Phật tử Việt Nam, vẫn rất cần thiết và quan trọng như từng hơi thở, từng nhịp đập quả tim.

Kính thưa đại hội,

I. DẪN NHẬP:

Thiền tông là cốt tủy của đạo Phật. Đức Phật nhờ tu thiền mà chứng đạo, được giác ngộ giải thoát. Chư Tổ cũng thế, lấy thiền làm hơi thở, làm mạch sống của chính mình. Đặc biệt thiền tông đã có mặt rất sớm trên đất nước Việt Nam. Sự góp mặt của các thiền sư có một tầm vóc quan trọng nhất định đối với vận mệnh dân tộc trong những lúc quốc gia gặp cơn nguy biến. Cho tới bây giờ, trong thời đại của nền văn minh công nghệ thông tin và kỹ thuật đạt đến đỉnh cao, thì thiền đối với Phật tử Việt Nam, vẫn rất cần thiết và quan trọng như từng hơi thở, từng nhịp đập quả tim.

II. NỘI DUNG CHÍNH:

1. Thiền tông là cốt tủy của đạo Phật:

Như đã nói thiền định đưa chúng sanh đi tới sự giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là nhận thấy lẽ thật nơi con người và vũ trụ hay thấu triệt được lý duyên sanh của vạn vật trên thế gian. Tất cả đều không có chủ thể và cố định. Đức Phật đi tu vì nhìn thấy cảnh già, bệnh, chết của con người, Ngài nhất định tìm ra một lối thoát. Muốn tìm được lối thoát ấy, Ngài đã quyết tâm thiền định dưới cội bồ-đề. Khi công phu thiền định đã thành tựu, Ngài được giác ngộ, thấy rõ lẽ thật nơi con người và vũ trụ.

Về con người, Ngài thấy rõ tại sao chúng ta có mặt ở đây, nguyên nhân nào lôi cuốn chúng ta trở đi trở lại và làm sao để thoát được nó. Như vậy do đức Phật xoay lại, nhắm thẳng vào con người, nên bao nhiêu kinh điển của Phật đều nhắc nhở chúng ta tu để được giải thoát sanh, già, bệnh, chết. Về các pháp, đức Phật thấu triệt được lý nhân duyên sanh. Từ lý nhân duyên sanh mà có vạn vật trên thế gian. Khi thấy được lý nhân duyên rồi, Phật nói tất cả con người hay muôn pháp đều vô ngã, không có chủ thể. Các pháp cũng không có gì cố định. Không chủ thể, không cố định nên gọi là vô thường. Vô ngã, vô thường; cái nhìn đó phải chăng cũng là cái nhìn của khoa học hiện nay?

Chúng ta không chối cãi được muôn sự muôn vật ở thế gian này, không có vật gì do một người làm ra, cũng không có vật gì nguyên từ một vật thể thành hình, hoặc do một đấng thiêng liêng tạo nên. Tất cả đều do các duyên tụ hợp lại mà có. Đã từ các duyên tụ hợp thì không có cái gì chủ thể, tức là vô ngã. Đó là đặc điểm chủ yếu của đạo Phật về thuyết vô ngã.

Nhờ tu thiền định, có trí tuệ mà đức Phật thấy như thế và dạy lại cho tất cả chúng ta cùng tu để được giải thoát như Ngài. Thế nên nói thiền tông là cốt tủy của đạo Phật.

2. Thiền với Phật giáo và dân tộc Việt Nam:

Thiền tông đã có mặt rất sớm trên đất nước ta, do Thiền sư Tỳ-ni- đa-lưu- chi truyền vào năm 580 TL. Kế đó Thiền sư Vô Ngôn Thông truyền vào năm 820 TL. Sau đó Thiền sư Thảo Đường truyền vào năm 1069 TL. Cuối cùng Tông Tào Động, Tông Lâm Tế truyền vào Đàng trong, Đàng ngoài vào thế kỷ thứ XVII. Như vậy chúng ta có thể nói rằng Thiền tông đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ VI.

Sử liệu còn ghi lại, những nhà sư nổi tiếng truyền bá đạo lý hoặc làm ích nước lợi dân v.v... phần lớn là Thiền sư. Trước đời Lý Trần và sau đời Lý Trần cũng thế. Cho nên thiền tông đã gắn bó với dân tộc Việt Nam thật sâu đậm. Hiện giờ ở các ngôi chùa cổ, những bài vị thờ Tổ đều ghi lại quý Ngài kế thừa Tông Lâm Tế hoặc Tông Tào Động. Những vị Hòa thượng nổi tiếng hiện nay cũng thuộc các tông ấy. Nếu thế thì các Ngài đều có quan hệ gia phả trong nhà Thiền. Tuy nhiên phương pháp tu hành có thể uyển chuyển khác đi một chút. Như vậy nói Thiền tông là nói tới Phật giáo Việt Nam.

Theo dòng lịch sử, sự đóng góp của các thiền sư đối với dân tộc Việt Nam là không thể phủ nhận được. Như các Thiền sư trước thời Đinh, Lê tức trước thời những vị đứng ra giành độc lập cho xứ sở, các ngài đều có sự ủng hộ hay chuẩn bị cho nền độc lập của đất nước. Chẳng hạn như ngài La Quí An, sau này ngài Đỗ Pháp Thuận, ngài Khuông Việt. Tới đời Lý, có ngài Vạn Hạnh v.v... Các Thiền sư đã từng cố vấn và đứng ra gánh vác một phần trọng trách trong việc giành độc lập cho xứ sở. Song đến khi nước nhà thanh bình, các ngài đều lui về quy ẩn nơi rừng núi, vui với suối, đùa với mây. Không gì thích thú bằng! Cư trần bất nhiễm trần. Đó chính là nét xuất cách, tiêu sái, cao đẹp lạ thường của thiền sư Việt Nam.

Chúng ta biết thêm rằng chư sư nước ta cũng học chữ Hán, học để hiểu kinh điển mà ứng dụng tu. Nên các ngài có nền văn hóa độc lập, không bị nhồi sọ bởi người Trung Hoa. Vì vậy các triều đại vua ta rất trọng dụng quí ngài, nhất là trên mặt văn hóa. Có thể nói thiền học là một mảng văn hóa lớn và có sức ảnh hưởng rộng đến đông đảo nhân dân ta trong nhiều giai đoạn lịch sử. Rõ ràng ngay từ đầu, Phật giáo đã gắn liền với dân tộc, sự còn mất của đất nước tức là sự còn mất của Phật giáo. Đó là lý do tại sao các Thiền sư được đắc dụng trong triều đình.

3- Tông chỉ tu hành của các thiền sư Việt Nam.

Tông chỉ tu hành của các Thiền sư Việt Nam được thể hiện qua cuộc đời, lời huấn thị và các bài kệ của các Ngài. Thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng với bài kệ:

 Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
 Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô
 Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
 Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
 Dịch:

 Thân như bóng chớp có rồi không,
 Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
 Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
 Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.

 (HT. Thanh Từ – Thiền sư Việt Nam)

Bốn câu kệ thật đơn giản nhưng nói lên toàn bộ nhân sinh quan của thiền sư. Ngài nhìn thấy thân như lằn chớp, như chiếc bóng. Tất cả sự vật đều biến chuyển vô thường, không có gì quan trọng. Do không quan trọng nên không sợ hãi. Vì vậy sống vô úy an nhiên giữa những cơn sóng gió vô thường.

Đến bài kệ của Thiền sư Mãn Giác:

 Xuân khứ bách hoa lạc,
 Xuân đáo bách hoa khai.
 Sự trục nhãn tiền quá,
 Lão tùng đầu thượng lai.
 Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 Dịch :

 Xuân đi trăm hoa rụng,
 Xuân đến trăm hoa cười,
 Trước mắt việc đi mãi,
 Trên đầu già đến rồi.
 Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
 Đêm qua, sân trước, một cành mai.

 (HT. Thanh Từ – Thiền sư Việt Nam)

Nói hoa cũng chính là nói tất cả sự vật trên thế gian, mọi thứ đều theo thời gian mà sanh diệt. Thiền sư mượn cành mai để nói tuy sự tướng của muôn vật là một dòng chuyển biến không dừng, nhưng trong đó ngầm chứa một cái mà thời gian không chi phối nổi, không hoại diệt nổi. Đó là mùa xuân miên viễn, là tâm chân thật nơi mỗi chúng ta.

Đến Sơ Tổ Trúc Lâm Đầu-đà thì thật là thiền vị với bài Cư Trần Lạc Đạo:

 Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
 Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
 Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
 Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Dịch:

 Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
 Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
 Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
 Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.

 (HT. Thanh Từ – Thiền sư Việt Nam)

Như chúng ta đã biết, tinh thần của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần là tinh thần xuất thế để nhập thế. Sống ngay trong lòng đời mà muốn vui với đạo thì phải khéo tùy duyên. Tùy thuận theo hoàn cảnh để giữ được con đường tu cho mình là một việc làm đòi hỏi phải có trí tuệ và lập trường vững vàng. Đói ăn mệt ngủ trong nhà thiền phải là một cái tâm vô nhiễm vô úy mới đảm đương nổi. Chuyện nói nghe tầm thường mà thật ra không phải tầm thường. Đó chính là tinh thần, là sức mạnh của người làm chủ được mình.

Trong nhà có báu sẵn, không phải tìm kiếm ở đâu. Cho nên phải ngay nơi mình mà nhận lấy của báu. Nhận được của báu thì mọi sự như ý. Cũng vậy, người tu thấy được tánh giác rồi thì mọi việc đều được mãn nguyện. Câu cuối cùng Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền rất thâm thúy. Chỉ khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không khởi niệm, không dính mắc là thiền rồi. Muốn làm được như thế mỗi chúng ta phải thực sự là hành giả sống chết với công phu hành thiền, chớ không thể nói suông.

Và còn một hình ảnh rất đẹp của thiền sư Huyền Quang:

 Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,
 Lấy chốn Thiền lâm làm cửa nhà.
 Khuya sớm sáng choang đèn Bát-nhã,
 Hôm mai rửa sạch nước Ma-ha.
 Lòng Thiền vằng vặc trăng soi giại,
 Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
 Cốc được tính ta nên Bụt thực,
 Ngại chi non nước cảnh đường xa.

Qua bài thơ, chúng ta thấy trong công phu, trước các Ngài dùng trí tuệ Bát-nhã dẹp sạch phiền não, sau ngộ được lý thiền thì tâm tự trong sáng, nhận nơi mình có tánh Phật sẵn, không phải tìm kiếm ở đâu cả.

Chúng tôi lược dẫn những bài thi kệ của các thiền sư, vừa nói lên giá trị văn học của dòng thiền Việt Nam, vừa khẳng định cái vô giá của sự thể nghiệm, thân chứng thiền là bất diệt với thời gian và không gian. Thật ra ngôn ngữ không thể với tới chỗ tột cùng sâu lắng ấy được, nó chỉ là phương tiện ngầm báo sự hằng hữu của một tâm thể nhi nhiên thanh tịnh bên trong mà thôi. Người xưa nói «Đạo bổn vô ngôn, ngôn năng tải đạo». Đạo vốn không lời, nhưng lời hay chuyển tải đạo. Đó là chân tinh thần tu tập của Thiền tông Việt Nam.

Với sự có mặt của thiền tông như đã nói, các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn gần đây, cũng đã thừa nhận lĩnh vực thiền học và thiền hành có một giá trị nhất định trong đời sống tâm linh của những người tu Phật. Hơn thế nữa, các Ngài còn cổ xúy phục hưng, phát huy thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần như một tinh ba của Phật giáo nước nhà cần phải được bảo tồn và thiệu đăng thánh chủng. Đây là dấu hiệu đáng trân quý của Phật giáo Việt Nam, là tin vui của Tăng Ni Phật tử Việt Nam. Ngày nay, thiền tông Việt Nam có cơ duyên phát triển cũng nhờ vào uy đức của lịch đại Tổ sư thuở trước, dĩ nhiên chính yếu vì thiền là nguồn sống bất diệt vô thủy vô chung của cái tâm Phật chân thật có sẵn nơi mỗi chúng sanh, vượt ngoài hạn lượng đối đãi nhị nguyên.

III. KẾT LUẬN:

Thiền là một dòng sống mà ở đó không có sự ngắt quãng của hơi thở thực tại. Ngắt quãng là chết. Chúng ta có thể vào thiền từ bất cứ ngõ nào, vì toàn thể đời sống là một sự thiền định uyên nguyên. Thiền không chỉ là một phần trong sự sống mà là sự sống, là hơi thở. Chúng ta vẫn luôn luôn thở dù đang làm bất cứ việc gì, chứ không thể lúc thở lúc không. Và vì thế thiền là một hơi thở hiện sinh. Từ thiền định mà trí tuệ phát sinh. Và một khi trí tuệ chân thật đã phát sinh thì toàn bộ khối si ám vô minh vỡ tung. Chân trời an vui giải thoát mở toang, mặc tình cho hành giả cất bước thênh thang. Chính vì thế thiền tông đã đang và luôn sống mãi trong lòng Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Kính thưa đại hội,

Chúng tôi trình bày những điều này chỉ là thiển nghĩ như thế thôi, dám mong những bậc thức giả quan tâm chiếu cố. Thật ra sự tu tập và thân chứng quý ở lòng thành và phải là tự mình trải nghiệm mới được.

Rất mong thay!

Trân trọng kính chào đại hội. Kính chúc đại hội thành công tốt đẹp.

(*) HT. Thích Nhật Quang Viện chủ Thiền viện Thường Chiếu, Đồng Nai)

(Tham luận tại Hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức" do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức)

HT. Thích Nhật Quang (*)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3873)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5911)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5403)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.