● Phật Giáo Trong Thời Đại Mới

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6874)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
PTS. Thích Hạnh Tấn

Thông thường khi người ta làm một cuộc khảo cứu, như đề tài hội thảo đã được đưa ra, điều đầu tiên cần nên biết chính là sự định dạng của đối tượng một cách chính xác để tránh sự biện giải lệch lạc không vào vấn đề. Ở đây chúng ta có một số cụm từ, mặc dầu xưa cũ, nhưng cũng nên được định dạng lần nữa. 

Riêng đối với chúng tôi việc định dạng này dùng để nêu rõ cái nhìn thiên lệch của chính mình về vấn đề này là giúp cho người đọc không ngộ nhận sự biện giải bên dưới ở một khía cạnh phổ quát hơn là trong phạm vi mà người viết muốn trình bày.

Phật Giáo được định dạng ở đây là điều đức Phật dạy, chỉ xin được hiểu trong ý nghĩa hẹp nhất của nó, chính là sự hướng dẫn của đức Phật đối với những vị đệ tử của Ngài, theo một quy chế nhất định. Trong Phật Giáo xin được chia thêm ba nhóm, đó là đạo đức (giới), tập luyện tinh thần (định) và nhận định tuệ giác (tuệ).

Thời đại mới theo riêng chúng tôi rất khó định dạng, vì hai chữ thời đại nói lên một khung cảnh lệ thuộc thời gian, nhưng lại bao hàm không gian và văn hóa con người trong đó. Thời gian thì chỉ là cái mốc để nhận biết, trên phương diện tương đối; mà lại là một đối tượng trừu tượng không định thể, trên phương diện tuyệt đối. Để dễ nhận định và giới hạn phạm vi của bài viết, ở đây chỉ xin nhận định “Thời Đại” theo khía cạnh văn hóa và xã hội hiện nay (tạm dùng cho chữ mới).

Cơ hội! hai chữ này trùng hợp với hai chữ “khế cơ” của Đạo Phật? Nếu đúng như vậy thì không còn là cơ hội nữa, vì sự phát triển đạo Phật luôn luôn không ngừng nghỉ và điều khế cơ là đương nhiên vì đây phải là một yếu tố được đặt ra hàng đầu khi nói đến vấn đề trình bày đạo Phật. Vì vậy ở đây xin dùng hai chữ khế cơ (trong ý nghĩa thích hợp với tư tưởng hiện tại) để diễn đạt vấn đề.

Thách thức là một khích thích tố mà người trẻ nói riêng và người nhiều tuổi nói chung ngày nay thường đợi chờ! Dĩ nhiên sự phát triển Đạo Phật không ra ngoài yếu tố này. Nhưng sự thách thức này sẽ được thể nghiệm như thế nào để chúng ta không lầm lẫn với sự thách thức của những người thả mình từ một độ cao vài trăm thước xuống vực sâu hay tham gia vào các cuộc chơi lấy sinh mạng ra để thử thách.

Nhận định về xã hội.

Phần vào đề hơi dài dòng, mong rằng không làm phiền lòng người đọc. Nhưng như đã trình bày bên trên, đối với chúng tôi không thể thiếu được. Nói đến Đạo Phật nhất là trong xã hội ngày nay, khi mà mọi nhu cầu và sinh hoạt đều được đánh đổi và liên hệ qua sự lợi lạc của cá nhân, con người tất yếu phải hỏi rằng: “Đạo Phật đem lại lợi ích gì cho chúng tôi?” Đây không phải là câu hỏi quá đáng! Nhiều người phật tử có quan niệm chúng ta phải phục vụ Đạo Phật chứ không thể chờ đợi Đạo Phật đem lại gì cho mình! Xin thưa điều này Đức Phật hoàn toàn không có chủ trương và yêu cầu chúng ta. Ngài đã truyền đạt cho chúng ta những sự hiểu biết cũng như những hướng dẫn là để phục vụ chúng ta, chứ không phải để chúng ta phục vụ Đạo Phật.

Tuy nhiên điều cần hỏi ở đây là sự phục vụ này nằm trong những lãnh vực nào và phục vụ cho mục đích gì. Đức Phật ngày xưa khi còn tại thế đã truyền đạt sự chứng ngộ của mình cho chúng tăng và khuyên các Ngài hãy đem thông điệp “mọi người đều có khả năng giác ngộ và thành tựu như Phật” để truyền bá khắp nơi. Sinh hoạt tăng đoàn của 2550 năm về trước đã được xây dựng như thế nào và sinh họat như thế nào? Điều này dường như là quá xưa, nhưng không xưa nếu chúng ta cần phải có một sự chuẩn đích cho hoạt động của chúng ta ngày nay. Theo sử sách ghi lại thì xã hội Ấn Độ bấy giờ được phân chia thành bốn giai cấp:

1. Bà La Môn, tương đương với giáo sĩ ngày nay trong đó có thể kể cả tăng sĩ phật giáo

2. Sát Đế Lợi, tương đương với những vị chức sắc trong chánh quyền ngày nay

3. Phệ Xá, tương đương với những người dân bình thường, ở Việt Nam ta chia ra gồm có học sinh, nhà nông, thợ thủ công nghệ và người buôn bán.

4. Thủ Đà La, tương đương với những người bần cùng của xã hội hiện tại cũng như những người bị bệnh khó chữa phong cùi v.v.

Qua đó, đứng trên phương diện phân chia thì xã hội ngày nay không khác ngày xưa. Trên phương diện quyền hạn và đối xử nhau thì thế nào? Dĩ nhiên đối với ba giai cấp trên trong đời sống hiện đại không còn có sự chia quyền như ngày xưa một cách rõ rệt và mạnh mẽ, nhưng trên phương diện thực dụng thì không thể chối cãi là các quan viên chức sắc ở nhiều quốc gia vẫn còn thủ cựu và đôi khi còn lạm dụng công quyền để tư lợi, đưa đến tình trạng kiệt quệ của quốc gia và con người. Một số trong tầng lớp giáo sĩ thì lại lợi dụng niềm tin của tín đồ để cầu lợi dưỡng cho mình và người, điều này từ ngàn xưa cho đến ngày nay vẫn chưa hoàn toàn khắc phục. Điều đáng buồn hơn hết chính là sự đối đãi với những người thuộc giai cấp thứ tư! Đã không có một sự phát triển khả quan nào hơn thời Đức Phật còn tại thế cả! 

Nhận định về văn hóa.

Bối cảnh xã hội đã như thế, còn bối cảnh văn hóa thì sao? Vãn hóa ðược ðịnh nghĩa một cách đơn giản là sự đẹp đẽ do nghi lễ đối xử, do đạo đức đời sống và do thăng hoa tinh thần tạo nên, ngoài ra vãn hóa còn có ý nghĩa cảm hóa (thuyết phục) do những đức tính trên đưa lại. Con người khi còn tồn tại trên quả địa cầu này nói riêng hay trong dục giới nói chung thì luôn luôn hướng đến dục lạc, lấy dục lạc làm đối tượng và mục tiêu sống. Vì vậy văn hóa ngày xưa cũng như ngày nay cũng đều nhắm vào điều này mà khai thác, phần nhiều các tảng văn, các danh họa, các nghi thức lễ tụng cũng đều nhắm đến sự kéo dài đời sống ở thế gian này và làm cho mọi người chịu đựng thế gian dễ dàng hơn thậm chí đưa đến kết quả là thích thú thế gian này hơn là giải thoát. Vì vậy, nhiều khuynh hướng mới đã đưa đến nhận định giải thóat là trừu tượng, sống hiện tại là thực tế. Thật sự thì so với văn hóa thời Đức Phật còn tại thế thì cũng không có gì khác biệt, chỉ có khác là cách thức hành văn cũng như đối tượng diễn đạt, nói cách khác trên thực thể thì giống nhau, chỉ có hình thức là khác biệt mà thôi.

Nhận định về con người.

Theo định nghĩa của Đức Phật thì con người được nhận biết qua hình tướng và tên gọi (danh sắc) từ đó phân chia nhỏ nhặt hơn là năm uẩn, tứ đại v.v. Con người, như trên đã nói sống tại cõi dục này thì căn bản do năm thứ dục chiêu cảm mà thọ sanh nơi cõi Ta Bà, đó là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Điều này từ trước đến nay không hề thay đổi, con người trải qua bao thế hệ, bao thế kỷ, chỉ thay đổi sắc phục, thay đổi đối tượng hưởng thụ, nhưng về căn bản của ngũ dục thì vẫn tồn tại như xưa.

Nhận định về sự họat động của Đạo Phật.

Đức Phật đã đánh động vào chính nơi điểm then chốt này, và cũng chính vì vậy nên nhiều người không thích Đạo Phật ở khía cạnh thực hành mà chỉ thích trên khía cạnh giáo nghĩa. Tệ hơn nữa một số phật tử lại biến thể Phật Giáo trở thành một tôn giáo mà trong đó Đức Phật đã trở thành một sức mạnh tuyệt đối ban phước và ban lộc, biến Phật Giáo trở thành một công cụ để phục vụ cho bản ngã và hợp thức quá sự hưởng dục của mình!

Là người phật tử chúng tôi thiết nghĩ chúng ta phải nhìn lại một cách cụ thể như thế để xác định rõ được rằng, xã hội, văn hóa và con người ngày nay không khác xã hội và văn hóa thời Đức Phật chỉ khác chăng là những tiên tiến của khoa học kỹ thuật, những phương tiện truyền thông và di chuyển được cách tân để thuận lợi hơn cho sự trao đổi (nếu chúng ta muốn nhìn tích cực) và tiện lợi hơn cho sự hưởng thụ của con người (nếu chúng ta muốn nhìn tiêu cực). Khi chúng ta khẳng định được điều này thì ai trong chúng ta có thể tự nhận biết rằng mình trí tuệ hơn Phật? hay bằng Phật? để có một nhận định mới mẻ cho một hướng đi của Phật Giáo trong ngày nay và mai sau? Phật Giáo cần phải đáp ứng những nhu cầu gì? Đức Phật nhắm vào những nhu cầu gì của chúng sanh? Chắc chắn một điều đó là sự thoát ly khổ đau vĩnh viễn qua con đường thấu triệt các pháp. Nếu chúng ta chấp nhận điều này thì những gì được trình bày phía sau đây trở nên hữu lý, bằng không, quý vị có thể ngưng không cần đọc tiếp phía sau nữa.

Giáo đoàn và giáo lý của Đức Phật đi đôi với nhau, và qua nhận định trên chúng tôi đã diễn đạt bối cảnh xã hội tương đồng với sự phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến của thời đại ngày nay. Như vậy mà nhìn, thì cái “Thời Đại” bây giờ cũng không có thể gọi là mới, khi tất cả các điều kiện vẫn như xưa. Cái mới hiện tại chỉ là đối tượng của sự chấp thủ nơi từng cá thể mà thôi, vì đối tượng chấp thủ có thay đổi nên chúng ta dường như có những biến tướng phiền não được gọi là “bệnh thời đại”. Đứng trên phương diện của phân tâm học hay duy thức học mà nhìn thì những chứng bệnh này cũng chẳng mới mẻ gì! Phải chăng đây là cái “cơ hội” mà đề tài hội thảo đã đưa ra để phát triển Đạo Phật và phải chăng vì vậy mà hiện nay chư tôn thiền đức nghiên về vấn đề giải quyết tâm lý xã hội nhiều hơn là giải quyết phiền não căn bản tham sân si?

Nói đến sự thách thức thì chúng ta đúng là đang tự thách thức với chính mình, vì mình có dám nhìn thẳng vào chính mình để phát hiện các phiền não hầu biến chuyển và thay đổi hiện tướng của nó thành giải thoát hay không? Đây là một sự thách thức lớn, vì phần đông chúng ta thích nhìn ngắm ngoại duyên, và lấy ngọai duyên làm “ngã” nên trở thành con người sống hướng ngoại chứ không còn là những con người nội tại như Đạo Phật vẫn thường hướng dẫn và Đức Phật vẫn thường dạy bảo. Hiện nay tình trạng cứu trợ các nạn nhân thiên tai bảo lụt, người khuyết tật v.v. Trở nên một phong trào và một đấu trường để đoạt tiếng tăm trong xã hội.

Ở đây chúng tôi không muốn phê phán việc làm ấy là đúng hay không đúng mà chỉ nêu lên cái nhận định để từ đó nhìn rõ và chấn chỉnh chủ đích của quý vị làm việc từ thiện, vì chữ “từ thiện” nếu được hiểu đúng nghiã theo tinh thần của Đạo Phật thì từ việc mang đến niềm vui cho chúng sanh (từ tức là ban vui) người và ta đều được giải thóat giác ngộ (thiện trong Đạo Phật được định nghĩa là sự kiện đưa đến giác ngộ giải thoát – cứu người được hiểu trong Đạo Phật là hành động đưa người ra khỏi biển vô minh).

Đứng trước ngưỡng cửa của cái được gọi là thời đại mới này chúng tôi chỉ thấy sự mới mẻ chính là tinh thần lìa xa cốt tủy của Phật Đà và xoay mình hướng đến đời sống hưởng thụ. Một tinh thần vô cùng quan trọng đang lan tràn khắp nơi trong tăng đoàn Việt Nam (trong cũng như ngòai nước) đó là hiện tượng nhận cha nuôi, mẹ nuôi, anh chị nuôi v.v. và chư tăng (ni) lìa xa tăng đoàn sống đời sống độc cư, nhưng không phải để đi sâu vào thiền định mà là để dễ dàng hơn trong các sinh hoạt hằng ngày, điều này vô hình trung đã đưa Phật Giáo đi đến một trạng thái phân hóa, các “tăng sự” không còn có thể thực thi và hiệu lực của yết ma không còn hiện hữu trên thế gian! Đây là điều đáng lo ngại vô cùng.

Vì lý do như trên đã dẫn, một khuynh hướng chung khác đang lan tràn khắp nơi từ trong nước và ngoài nước, đó là thay vì phát triển Phật Giáo người tăng sĩ đi truyền bá văn hóa của nước mình đến người dân bản xứ, hay cả những con em của mình đang sống tại nước ngoài với lý do đơn giản là Đạo Phật gắn liền với văn hóa con người! Điều này không sai, nhưng nếu nhìn đúng đắn thì văn hóa con người là văn hóa như thế nào? Qua điển hình sự hướng dẫn chư tăng trong oai nghi tiểu tiện của Đức Phật chúng ta cũng biết quá rõ, đối với Đức Phật không có một cái gì quan trọng cả, chỉ có vấn đề giác ngộ giải thóat là thực tế và đáng nói đến mà thôi.

Sự thử thách của chúng ta trong thời đại ngày hôm nay là có dám buông xả những thứ lăng xăng để quay về với sự nghiệp này hay không? Hay chúng ta vẫn sợ rằng việc giác ngộ là một cái gì quá ra vời, trong khi các vấn đề xã hội, giáo dục, văn hóa, lịch sử, thi ca v.v. Là gần gũi, là “thực tế” trước mắt hơn. Nếu như vậy thì chúng ta không có cái điểm chung để nói nữa và chúng ta cũng không thể nhìn Đức Phật mà không hỗ thẹn vì mình đã làm phụ lòng Đức Phật, khi Ngài tuyên bố sự ra đời của Ngài chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là giới thiệu, hướng dẫn chúng sanh đi đến sự thành tựu như chính bản thân Ngài đã làm được.

Chúng ta có thể học được bài học rất đích đáng của người Hoa khi họ truyền giáo vào nước Mỹ, trong những thế kỷ trước ở Mỹ có rất nhiều chùa chiền, nhưng đến đầu thế kỷ thứ 20 các chùa đều đã “phá sản” và biến thành những nhà hàng bán thức ăn Tàu! Nguyên nhân chính yếu ở đây là người Hoa đã coi trọng các truyền thống văn hóa của họ, từ đời sống đến tôn giáo, vì vậy ngay chính người Hoa di dân ở những thế hệ sau cũng không tiếp nhận được những điều mà chùa chiền truyền đạt! Một đối tượng tiếp tục mà chúng ta có thể học hỏi đó là thiền Nhật Bản, thiền Nhật Bản đã nhanh chóng được người ngoại quốc chấp nhận vì nó không rườm rà đầy nghi lễ, và người ngoại quốc cũng không nhất thiết phải biết tiếng Nhật, biết văn hóa Nhật v.v. Vẫn có thể tiếp nhận và thực hiện một cách tốt đẹp.

Đứng trên một phương diện khác, chúng ta cũng có thể học hỏi nơi người Đức trong thời kỳ du nhập đầu tiên, Phật Giáo đã được giới trí thức Đức đón nhận nhưng không phát triển được vì họ đã đến với Phật Giáo trên phương diện giáo nghĩa, từ đó đã đem đến những tranh chấp nội bộ mạnh mẽ đưa đến những cuộc bút chiến trên báo chí v.v. Như chúng ta đều biết, Đạo Phật là đạo của sự thực hành, chỉ khi thực hành mới biết được cái giá trị thực tế của cái tôn giáo đầy triết lý và tư tưởng siêu việt nầy. Người Đức ban đầu chỉ nếm được vị ngọt của Đạo Phật qua giáo nghĩa và nhận thấy tinh thần siêu việt trong những lời dạy của Đức Phật nhưng họ quên yếu tố thực hành nên cuối cùng họ vướng mắc ở văn tự để rồi đi đến tan rã.

Mãi đến khi những vị tu sĩ Phật Giáo người Đức đưa Đạo Phật một lần nữa trở lại với khuynh hướng nghiên về tu tập giới luật và thiền định song song với học Phật, đã làm sống lại tinh thần phát triển Phật Giáo tại Đức. Những nhà sư Tây Tạng đã xuất hiện trong giữa thế kỷ thứ 20 với thông điệp đem Phật Giáo đến với người Tây phương. Họ đã tiếp cận với văn hóa Tây phương sống với người Tây phương và làm người Tây phương phải bội phục và phục tùng đối với tư tưởng Phật Giáo đại thừa đầy huyền bí này, nhưng lại rất rõ ràng trong sự phát triển tâm linh qua từng giai đoạn một, có thể nói đây là then chốt của sự thành công của Phật Giáo Tây Tạng, họ có thể diễn đạt được giáo nghĩa cao tuyệt nhất và lại cũng có thể hướng dẫn người tu tập đi từng bước một trong sự phát triển tâm linh, người tu tập biết rõ ràng mình đang nằm ở đâu trong sự phát triển này, chứ không phải chỉ thấy phía trước một sự mờ mịt của con đường dài vô tận như tổ Quy Sơn đã dạy “tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”.

Những kinh nghiệm quý báu đó thiết nghĩ cũng là một sự thử thách cho chúng ta khi đứng trước cơ hội phát triển Phật Giáo tại mọi nơi, ngay cả trong nước chứ không phải ở ngoại quốc mà thôi. Chiêu bài Đạo Phật gắn liền với dân tộc là đúng và tuyệt vời, nhưng không phải chỉ dùng nó để buộc ràng phật tử mà phải làm sao từ trong tinh thần dân tộc Việt Nam dấy lên được tinh thần học Phật và thực hành giáo lý của Đức Phật một cách chân chính mạnh mẽ, khi đó mọi sự cá biệt và dị biệt được nhận biết đơn giản, dung dị và hoàn toàn không trở thành một lý do để tranh cãi và chia rẽ, nó sẽ trở thành phương tiện để thăng hoa và bổ xung cho nhau mà thôi.

Sở dĩ chúng ta học giáo lý của Đức Phật để từ đó biết rõ con đường phát triển tâm linh một cách cụ thể hầu giải quyết vấn đề sinh tử cho chính mình và hướng dẫn những người có duyên với mình cũng hướng đến mục tiêu trên. Nếu chúng ta không bỏ quên mục đích này thì sự tu học trở nên có đối tượng rõ rệt và những vị học phật, sau khi chấm dứt chương trình học của mình không còn phải thốt lời: “không biết bây giờ phải làm gì?”, vì người học phật không phải là một người học một nghề, sau khi ra trường phải có chỗ làm mới biết “làm gì!”.

Cơ hội hiện tại của chúng ta là có thể tạo lập lại cho Phật Giáo nói chung và cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng một hướng đi trở về với truyền thống đúng nghĩa của Đức Phật ngày trước tức là sự hướng đến giác ngộ giải thoát một cách mạnh mẽ và đồng thời cũng là một sự thách thức đối với bản Ngã, một cuộc chiến mới lại bắt đầu trong tâm thức. Cuộc chiến vinh quang nhất mà Đức Phật đã tuyên dương từ ngàn xưa.

Những lời thô thiển trên được viết ra bằng một tâm thức đầy định kiến và hiểu biết hạn hẹp, ngưỡng mong chư Tôn Đức từ bi hoan hỷ thứ lỗi. Chỉ mong những điều thích hợp được đón nhận, những điều sai quấy được gạt ra trong tâm thức của mọi người để không ai phải bị vướng mắc. 

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Xin cảm niệm sự chú ý của chư Tôn Đức và các bạn.

(Bài viết tham dự Hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức")

Thích Hạnh Tấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn