● Nguồn Tuệ Giác Phật Giáo Trước Nhu Cầu Của Thời Đại Mới

15 Tháng Hai 201200:00(Xem: 7033)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức


NGUỒN TUỆ GIÁC PHẬT GIÁO TRƯỚC NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI

Thích Phước Trí, Chùa Vạn Phước TP. HCM

Có quan niệm cho rằng : “Khi nhân loại còn trong thời kỳ đồ đá, nếp sống còn lạc hậu, nền kỹ nghệ còn phôi thai, khoa học chưa phát triển. Đức Phật thị hiện nhằm giác ngộ cho con người đang còn sống trong u tối lầm than”. Nhưng hiện nay trước sự bùng nổ của công nghệ tin học, khoa học đã đưa nhân loại đạt đến đỉnh cao của trí tuệ loài người. Vậy con người có cần đến sự giác ngộ của đạo Phật hay không? Và đạo Phật còn có thể đóng góp được gì cho nhân loại trước trào lưu văn minh hiện nay?

Đức Phật thị hiện ở cõi đời này dưới hình thức một con người, Ngài muốn chứng minh con người là địa vị tối tôn tối thắng (duy ngã độc tôn), con người là trung tâm của vũ trụ. Vì con người có trí khôn hơn muôn loài chúng sanh. Nhưng trí khôn đó dù đạt đến đỉnh cao của nền văn minh như hiện nay hay còn có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai thì trí khôn đó vẫn còn chứa đầy tham, sân, si, hỹ, nộ, ái, ố ; vẫn còn nhân, ngã, bỉ, thử. Nghĩa là thế giới vẫn còn hận thù, còn phân biệt giai cấp, còn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo …

Đức Phật thị hiện giữa cõi đời này dưới hình thức con người, Ngài muốn chỉ cho mọi loài chúng sinh mà đặc biệt ở con người không những chỉ có trí tuệ đỉnh cao mà còn có một trí tuệ tối thắng. Trí tuệ này chỉ có tình thương và đạo đức ; trí tuệ đó đạo Phật gọi là : “Tuệ Giác”. Tuệ Giác là một trí tuệ do quá trình tu tập đạt đến giác ngộ, khác với trí tuệ do học hỏi mà thành tựu. Trí tuệ do học hỏi càng đạt đến đỉnh cao thì cố chấp càng lớn, ngã mạn càng to. Trái lại, đạt được Tuệ Giác là nhờ quá trình tu tập loại bỏ các thói hư tật xấu, chuyển hóa vô minh, phá trừ ngã chấp … Nhờ có tuệ giác mới thấy được tự tánh của các pháp là vô thường vô ngã, giã tướng duyên hợp, thấy rõ sự tương quan tương duyên giữa các pháp, cái này có thì cái kia có.

Mỗi khi Tuệ giác đã chỉ cho ta thấy giữa tôi và anh, giữa tôi và muôn loài chúng sinh có sự liên hệ mật thiết với nhau như ruột thịt, thì lúc đó mới biết thương yêu nhau, bảo vệ cho nhau sống chung hòa bình với nhau. Còn ngược lại anh là anh, tôi là tôi không dính dáng gì nhau … thì cuộc sống sẽ đầy hận thù và bạo động.
 

TUỆ GIÁC CỦA PHẬT ĐÃ ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ DƯỚI THỜI ĐỨC PHẬT

Bằng Tuệ Giác, Đức Phật đã từ chối ngai vàng và vương vị, vì những thứ đó không có khả năng đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, cũng không giải thoát con người ra khỏi sanh già bệnh chết, luân hồi khổ đau.

Bằng Tuệ Giác tất nhiên là bằng trí tuệ và từ bi, đó là hai thứ vũ khí lợi hại Đức Phật không dùng để giết hại mà chỉ dùng để cảm hóa giác ngộ cho những con người còn mang nặng hận thù.

Bằng Tuệ Giác, Đức Phật đã tuyên bố một thông điệp ngắn gọn đầy tính nhân bản : “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Nước mắt tượng trưng cho đau khổ, không chỉ dân ngu mới chịu đau khổ, vua chúa cũng không tránh khỏi khổ đau. Dòng máu tượng trưng cho hạnh phúc, không chỉ có vua chúa mới có quyền hưởng hạnh phúc, mà dân đen cũng có quyền được hưởng hạnh phúc vì cũng có dòng máu đỏ như nhau.

Bằng Tuệ Giác, Đức Phật mới tuyên bố thông điệp khoa học : “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh, bốn đại khổ không, năm ấm vô ngã”.

Bằng Tuệ Giác, Đức Thế Tôn xiển dương giáo lý nhân quả nghiệp báo, luân hồi lục đạo, vô ngã vị tha.

Bằng Tuệ Giác, Đức Phật trình bày đầy đủ giáo lý nhân duyên, mọi sự vật trên thế gian này không có cái gì tự nó độc lập tồn tại. Tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau, tương quan tương duyên trong quá trình sanh khởi, tồn tại và hoại diệt. Giáo lý này xây dựng cuộc sống đoàn kết hòa hợp, tương thân tương ái giữa người và người, giữa người với muôn loài chúng sanh.


TUỆ GIÁC CỦA ĐẠO PHẬT ĐÃ GIÚP GÌ CHO ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Thời kỳ dựng nước : Căn cứ vào di sản văn hóa vật thể còn tồn tại đã chứng minh cho chúng ta thấy từ khi mới mở Nước, nhờ Tuệ giác của các thiền sư, Phật giáo đã đóng góp tích cực cho công cuộc dựng Nước. Do đó các triều đại trước đây đã cho dựng lập lên những ngôi chùa lấy tên là : “Chùa Khai Quốc, Chùa Kiến Sơ …” để ghi công của Phật giáo. Cũng buổi ban đầu mới mở mang bờ cõi các triều đại còn non trẻ đã biết lấy đạo đức Phật giáo để xây dựng một xã hội thuần lương, một dân tộc thuần thiện, nên văn học dân gian còn ghi lại : “Đầu làng có một cây đa, giữa làng cây thị xa xa ngôi chùa”. Ngôi chùa không thể thiếu khi lập một ngôi làng Việt Nam. Ngôi chùa hướng dẫn nếp sống đạo đức tâm linh cho dân tộc. “Rủ nhau xuống biển mò cua, lên non hái củi vào chùa nghe kinh” ; dù cuộc sống có cơ cực đến đâu, người dân Việt cũng không quên trau dồi đạo đức, xây dựng nếp sống hiền lương, biết thương yêu nhau : “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, biết giúp đỡ nhau “Lá lành đùm lá rách”, sống sao cho có tình làng nghĩa xóm.

Thời kỳ giữ Nước : Giai đoạn vàng son trong quá trình giữ Nước, lịch sử thường nhắc đến các triều đại huy hoàng nhất, đó là triều đại Lý Trần. Dưới các triều đại này các thiền sư nổi tiếng với Tuệ giác siêu trần đã giữ vai trò Quốc Sư góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước như thiền sư Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hoàng, Không Lộ … và trước đó còn có các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận. Các thiền sư đã trực tiếp giúp nhà vua thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, soạn chiếu chỉ, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận cả về quân sự.

Các vị vua thời Lý Trần là những nhà thâm sâu Phật học, có những vị xứng đáng là thiền sư như Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông … Họ có ý thức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam độc lập :

- Về phương diện địa lý, họ đã muốn dời kinh đô tới một nơi có thể dựng nên sự nghiệp độc lập lâu dài.

- Về phương diện học thuật, họ có công đào tạo một lớp trí thức không cố chấp, biết dung hợp các ý thức hệ dị biệt như Nho, Lão, Phật.

- Về phương diện văn hóa, họ đã dựng nên một triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị.

- Về văn học, họ là những người đóng góp vào vấn đề sáng tác nhiều nhất trong nước, dù phần lớn những sáng tác này nằm trong những chủ đề Phật giáo.

- Về mỹ thuật : những công trình kiến trúc điêu khắc của Phật giáo cũng là những đóng góp mỹ thuật quan trọng nhất trong thời đại (VNPGSL Nguyễn Lang, trang 189 cuốn I).

Đặc biệt dưới triều đại Nhà Trần, nhất là Trần Nhân Tông, một vị vua thấm nhuần sâu sắc giáo lý Phật giáo, mười sáu tuổi đã muốn xuất gia vì ông đã thấy được cái gì đó còn quý hơn cả ngai vàng. Do đó khi vâng lệnh vua cha lên làm vua, ông vẫn tuyên bố coi “Ngai vàng như đôi dép bỏ”. Trên thế gian này xưa nay ai cũng xem đỉnh cao danh vọng của con người là ngai vàng, cho nên thường xảy ra những cuộc đẫm máu vì tranh cướp ngai vàng. Trái lại Trần Nhân Tông với Tuệ giác siêu trần ông đã thấy như thái tử Tất Đạt Đa đã thấy: Ngai vàng, vương - vị không giải quyết được vấn đề sinh - tử, vì vậy ông đã xem nhẹ ngai vàng và lấy xã tắc sơn hà làm quý; lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc cho mình.

Đó là một trong ba tịnh giới (Tam tụ tinh giới) của người Phật tử, vì thế vua đã đích thân cầm quân đánh giặc. Trước khi xuất trận, vua đã mở Hội nghị Bình Than, rồi đến Hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến toàn quân và toàn dân. Khi cả quân và dân một lòng quyết đánh, vua đã thi hành theo quyết định của toàn dân, cầm quân ra trận. Vua giết hàng vạn quân xâm lược mà vẫn không mang tội sát sinh, vì vua làm theo ý dân chứ không phải theo ý riêng của mình. Đó là Tuệ giác và Tuệ giác đó giúp nhà vua đã biến một chế độ quân chủ chuyên chính thành một chế độ dân chủ.

Đã có trí tuệ giác ngộ tất nhiên có cả tình thương và đạo đức, do đó Ngài đã không bỏ tù mà còn tha tội chết cho các quan lại đã nhẹ dạ làm tay sai cho giặc, bằng cách ra lệnh đốt hết các hồ sơ đen trước mặt bá quan văn võ và đề nghị các quan lại có tội hãy lập công chuộc tội. Lý Thánh Tông đã nhờ Tuệ giác đó mà biết coi dân như con đẻ, coi tù nhân như thân thuộc và đặc biệt đưa một tên tù lên làm Quốc sư dạy đạo lý cho dân, cho nước, đó là Quốc Sư Thảo Đường.

Những chế độ chính trị đầy nhân đạo, nhân quyền và dân chủ như thế làm sao đất nước không thái bình thịnh trị được.

Đạo Phật không đem của cải vật chất hay vũ khí tối tân để giúp vua, giúp nước đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng nước nhà, mà bằng Tuệ giác đã giúp vua giúp nước, đánh thắng oai hùng quân xâm lược Nguyên Mông, xây dựng nên một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cũng như thời đại Hồ Chí Minh, động cơ nào khiến dân tộc Việt Nam đánh thắng được hai đế quốc hùng mạnh nhất loài người. Thông điệp của Bác Hồ là : “Lấy dân làm gốc, làm quan cách mạng là làm đầy tớ cho dân”. Đó là tư tưởng chủ đạo trong quá trình phát động công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Bác và với tư tưởng chủ đạo đó Bác đã thành công.

Đạo Phật đã tích cực đóng góp Tuệ giác trong công cuộc giữ Nước, nên các triều đại vua chúa đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa để ghi công Phật giáo như chùa Trấn Quốc, chùa Hộ Quốc, chùa Hưng Quốc …

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam rơi vào cảnh chiến tranh tàn khốc do thực dân Pháp xâm lược dưới chiêu bài “Đem ánh sáng Thiên Chúa đến khai sáng cho dân tộc Việt Nam lạc hậu”. Ho dụ dỗ, mua chuộc hoặc ép buộc người dân Việt Nam theo đạo Chúa, gây mọi khó khăn và áp lực để buộc người Phật tử đổi đạo.

Đến năm 1951, phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời, thế hệ các Ngài như : Trí Hải, Thanh Hanh, Giác Tiên, Tố Liên, Khánh Hòa, Huệ Quang, Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền … các Ngài đã đưa ra một hệ thống tổ chức Giáo hội trên tinh thần vô trụ của kinh Kim Cang : ‘Tổ chức mà không phải tổ chức mới thật sự tổ chức”. Đó là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, đứng đầu là một vị Hội chủ (Vai trò giống như tổng thư ký LHQ). Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam gồm sáu Hội đoàn :

­ Giáo hội tăng già Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt.
­ Hội Phật Học Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt.

Bản tuyên ngôn của Tổng Hội PGVN có đoạn : “Họa chiến tranh đang gieo rắc khắp nơi, nhân loại đang lâm vào cảnh lầm than phiền não. Chính là lúc đạo từ bi và vô thượng phải đem nước cam lồ mà rưới tắt sân si, để xây dựng một hòa bình cho nhân loại …

Hỡi toàn thể Phật tử Việt Nam ! Chúng ta hãy san bằng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mệnh kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc và nêu cao ngọn đuốc trí tuệ của Đức Thế Tôn”.

Ngọn đuốc trí tuệ của Đức Thế Tôn được các Ngài ứng dụng trong việc xây dựng tổ chức Phật giáo nước nhà. Giáo Hội tăng già mà đứng đầu là một vị thiền gia pháp chủ chứng minh tối cao, kế đến là một vị Trị sự trưởng cùng với Hội đồng Trị sự điều hành Phật sự tại mỗi miền.

Giáo Hội tăng già lo quản lý tăng sự, quản lý tự viện, đào tạo tăng tài, cấp phát tăng điệp. Đây là những giáo hội chuyên trách về tu học cho tăng ni. Mở các Phật học viện, các tu viện để đào tạo tăng tài, nơi đó tăng ni tu học tại chỗ, có thì giờ chuyên sâu vào thực nghiệm tâm linh để phát huy Tuệ giác.

Hội Cư sĩ Phật Học đứng đầu là một Hội trưởng cùng với Ban Quản trị chăm lo việc tổ chức các cơ sở Phật học như khuôn hội Phật giáo, gia đình Phật tử ở mỗi làng, mỗi xã đem Phật pháp đi sâu vào trong quần chúng, tiếp cận với quần chúng, giới thiệu và hướng dẫn quần chúng đến với đạo mầu. Đồng thời phổ biến kịp thời các tin tức Phật sự, các thông bạch của Giáo hội đến với dân chúng trong làng xã. Hội Cư sĩ Phật học lo hoạt động về các mặt xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế tài chính và ngay cả trong lĩnh vực chính trị đã giới thiệu các liên danh Phật Giáo ra ứng cử Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân, không có sự hiện diện của chư tăng.


NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

­ Ý thức lẽ vô thường, có hợp có tan, do đó Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một tổ chức sáp nhập mọi thành phần vào chung một Giáo Hội, có một hệ thống hành chánh quy mô từ trên xuống dưới của một quốc gia trong một quốc gia.

­ Vì không có một tổ chức trung ương tập quyền nên mọi ý đồ phân hóa chia rẽ khó có cơ hội can thiệp.

­ Chư tăng ni có điều kiện tu học, đi sâu vào thực nghiệm tâm linh phù hợp với chí nguyện xuất trần, cát ái từ sở thân. Qua quá trình tu học đạt đến chỗ sở tu sở chứng, tăng ni sẽ được bổ nhiệm ra làm trú trì, giảng sư, giáo thọ, Trị sự trưởng … để làm ngọn đuốc soi đường cho nhân thế.

­ Chư tăng còn trẻ đạo lực còn yếu vẫn còn phải ở trong tu viện, trong Phật học viện để tu luyện ít có cơ hội tiếp cận với quần chúng nhất là trong lĩnh vực hành chính nhờ đó niềm tin trong quần chúng vẫn được củng cố.

­ Những công tác Phật sự như tổ chức, điều hành, giáo dục, hoằng pháp, xã hội y tế … phần lớn do Hội Phật Học đảm trách. Như trong giai đoạn 1955 đến 1960, giảng sư của Tỉnh Hội Phật Học Thừa Thiên-Huế là các đạo hữu Tôn Thất Hàng, Trần Văn Tín đảm trách. Một phần vì thiếu tăng tài, phần khác vai trò của cư sĩ vẫn có nhiều ưu điểm. Các tăng ni là giảng sư phần lớn giảng ở chùa, giảng cho quần chúng Phật tử mà thôi. Còn giảng sư là cư sĩ, họ tổ chức những buổi trao đổi Phật pháp tại từng gia đình. Ở đó có quần chúng xung quanh tham dự, trong đó nhiều khi còn có những người ngoại đạo cũng tò mò đến nghe.

­ Người cư sĩ Phật tử đảm nhiệm công tác Phật sự phần lớn do Hội Phật Học tuyển chọn những người có tâm huyết với đạo pháp, có trình độ có tài lực và vật lực; họ đem hết lòng thành và khả năng để phục vụ đạo pháp mà không đòi hỏi lương bổng, họ chịu trách nhiệm trước Hội và trước Tăng già.

­ Người cư sĩ Phật tử khi ra làm việc hoặc thuyết giảng nếu có vụng về sai trái, vẫn chưa làm mất niềm tin của quần chúng; vì quần chúng còn đặt tin tưởng vào giới Tăng sĩ.

Trái lại trước những việc làm hay lời nói sai trái của một vị tu sĩ sẽ làm cho quần chúng thất vọng, mất niềm tin dễ dàng.

­ Cơ cấu tổ chức Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tạo sự sinh hoạt tương kính lẫn nhau, hòa hợp với nhau và tin tưởng lẫn nhau. Nhờ đó mà tạo được một sức mạnh, sự đồng tâm nhất trí trong công cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo trong tinh thần bất bạo động, dưới thời kỳ Ngô Đình Diệm đã dẫn đến thành công.

- Ở trong cuộc đời đầy ngũ trược ác thế này, Phật giáo cũng như mọi tổ chức khác đều bị các thế lực vô minh kỳ thị, chống phá và tiêu diệt. Nhưng nhờ có Tuệ giác soi đường, Phật giáo không bao giờ trả thù bạo động hoặc sách động thánh chiến, mà Phật giáo chỉ dùng lưỡi gươm trí tuệ, cây cung từ bi và áo giáp nhẫn nhục để cảm hoá và xây dựng. Trên bước đường hoằng truyền chánh pháp gần ba ngàn năm, Phật giáo chưa bao giờ gây đổ máu cho bất cứ ai. Chính vì vậy mà Tổ chức văn hoá, khoa học ‘UNESCO của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận và lấy ngày Đản Sinh Của Đức Thích Ca Từ Phụ là ngày lễ hội tôn giáo toàn cầu, ngày hoà bình cho thế giới. 
 

KẾT LUẬN

Dù khoa học có tiến bộ đến đâu, nhân loại văn minh đến mức nào, ánh sáng giác ngộ của Phật giáo vẫn như vầng thái dương đang cần cho con người và muôn loài.

Mọi lĩnh vực như khoa học, văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, quân sự, chính trị, thương mại … phải đặt trọng tâm trên một nền tảng đạo đức thì xã hội con người sẽ được an lạc; còn ngược lại thiếu nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ băng hoại. Do đó vai trò của Phật giáo hết sức quan trọng.

Giáo Hội Phật Giáo không phải là một tổ chức tôn giáo thuần túy về cơ cấu hành chính, mà Giáo Hội Phật Giáo là một tổ chức phát huy nền tảng đạo đức tâm linh, sản sinh ra nhiều bậc cao tăng thạc đức, nhiều thiện hữu tri thức ngõ hầu đem đuốc tuệ dẫn đường cho quần sinh.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay với một hệ thống hành chính quy mô từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, thu hút phần lớn chư tăng từ trẻ cũng như già, có tu hay thiếu tu, có học hay ít học đều được tuyển dụng vào điều hành và lãnh đạo. Thậm chí ở nhiều nơi, cán bộ của Giáo Hội toàn là tu sĩ thuộc cổ sơn môn hay lục hòa tăng. Thành phần này phần lớn họ làm việc vì gia đình, vì tự viện của họ hơn vì Phật pháp, vì Giáo Hội. Với giai tầng lãnh đạo Giáo Hội như thế liệu Giáo Hội có còn đủ khả năng lãnh trách nhiệm chỉ đạo, soi đường cho nhân thế ! Một khi mà vô minh ngự trị, vô minh cư điện các, xứ xứ khởi binh đao, xã hội bất ổn lại càng thêm bất trị. Phật giáo càng xa rời quần chúng vì mọi Phật sự đều do tăng già điều hành lo liệu ; người Phật tử tại gia không có cơ hội tham gia do đó nên thụ động, thờ ơ đứng ngoài mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Thậm chí giới trẻ bây giờ họ còn xa lạ không biết chùa là gì, Phật là gì, nhân quả luân hồi là gì …?

Hệ thống tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay muốn thực hiện có hiệu quả nhằm phát huy nền tảng đạo đức tâm linh, giúp cải thiện con người, cải thiện xã hội, để tạo niềm tin trong mọi giới, trước trào lưu phát triển mạnh mẽ của nền khoa học hiện đại, thì hệ thống tổ chức ấy phải được cải tổ.

Ví dụ : Hội Đồng Chứng Minh không phải là nơi các vị trưởng lão ngồi “làm vì”, mà Hội Đồng Chứng Minh phải là một Hội Đồng Tăng Thống, có trách nhiệm quản lý tăng sự, quản lý tự viện, đào tạo tăng tài, điều hành các tự viện, Phật học viện. Tăng ni trẻ được đưa vào các tự viện, Phật học viện tu học, đến khi đủ tài đủ đức mới đề cử ra làm trú trì, giáo thọ, giảng sư …

Hội Đồng Trị Sự tức Hội Đồng Điều Hành chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Tăng Thống. Hội đồng này cũng xin được tuyển dụng phần lớn nhân sự là những Phật tử cư sĩ có tài, có đức, có tâm huyết phụng sự đạo pháp, vào các ngành như: hành chính, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội, kinh tế tài chính, kể cả lãnh cực chính trị cũng nên đưa đại biểu Phật giáo là những cư sĩ Phật tử vào tham gia chứ không nên giới thiệu tăng sĩ vào, vì như thế là trái với luật đạo.

Hoạt động của các ngành chuyên môn đều đặt dưới sự giám sát của Hội Đồng Trị Sư.

Muốn Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển, hệ thống tổ chức Phật giáo cần được xây dựng trên tinh thần: “Tăng già cộng trụ, tứ chúng đồng tu”.

Tăng già phải tập trung về các trú xứ như: Tòng Lâm học viện, Phật học viện, tu viện, nơi đó có chúng lý cùng tu, cùng học, cùng thực nghiệm tâm linh. Không nên để, nhất là giới tăng ni sinh trẻ sống riêng rẽ trong các am thất tự lập.

Phật tử tại gia phải được tham gia và đảm nhận những công tác Phật sự về các lãnh vực như: Kinh tế, tài chánh, từ thiện xã hội, văn hoá giáo dục, tổ chức hành chánh… Giúp tăng ni có thời giờ và điều kiện tu tập, đồng thời với vai trò người cư sĩ dễ gần gũi với quần chúng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, giúp Giáo hội kịp thời có chủ trương đường lối khế hợp với quần sinh.

Xã Hội đang cần đến Tuệ giác của đạo Phật, Giáo Hội Phật Giáo phải chịu trách nhiệm đào tạo và cung cấp Tuệ giác đó. Ngõ hầu có nhiều đuốc tuệ soi đường cho mọi lãnh vực sinh hoạt Phật sự
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3832)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5893)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5373)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.