● Vài Suy Nghĩ Về Một Đại Học Phật Giáo

16 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6592)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TS. Đỗ Hữu Tâm

Được tham dự thảo luận về những Cơ Hội và Thách Thức của Phật Giáo trong Thời Đại Mới, tôi xin đóng góp vài ý kiến liên hệ đến vai trò của Giáo Hội Phật Giáo đối với nền giáo dục và đào tạo của chư Tăng Ni thông qua cơ chế của một Đại Học Phật Giáo. Bài đóng góp này chỉ gồm những gợi ý chuyên môn trong ngành giáo dục đại học mà chưa có tính quy mô vì những giới hạn nhất định trong quá trình tìm tòi tài liệu cho bài viết từ hải ngoại.

Trước hết là một vài nhận xét tổng thể và sơ lược: Bên cạnh những phát triễn và đóng góp tích cực cho sinh hoạt Phật sự trong những lãnh vực khác, Giáo Hội dường như đã gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực đào tạo Tăng Ni có trình độ để kế thừa và phát huy nội lực của đạo pháp nhằm góp phần xây dựng quê hương. Đối nội thì Giáo Hội có lẽ đã chưa nắm bắt và vận dụng được những cơ hội để chấn chỉnh và phát triễn sở học của Tăng Ni dù đất nước đã thống nhất và hòa bình. Đối ngoại thì Giáo Hội có vẽ như đã thụ động trước khuynh hướng toàn cầu hóa (gồm cả Tây phương hóa và Thiên Chúa giáo hóa) mà ảnh hưỡng tiêu cực đang và sẽ tiếp tục áp đảo sinh hoạt xã hội và có khả năng làm biến tính cả nền văn hóa của dân tộc ta.

Dù nguyên nhân của các khó khăn này là gì thì tôi cũng rất kính trọng và tán thán nỗi ưu tư về quê hương và đạo pháp của Giáo Hội và hoàn toàn tin tưởng rằng mai đây Phật Giáo, như một bộ phận đã từng và sẽ còn gắn bó liên tục với vận mệnh của dân tộc suốt dọc chiều dài lịch sử, sẽ vượt qua được mọi thử thách để tích cực nắm lấy cơ hội mà xiển dương chánh pháp và xây dựng quê hương.

Trước tình hình khó khăn trên, và trong bối cảnh của những mâu thuẫn và xung đột mang tính văn hóa của thời đại hiện nay, có lẽ nỗ lực quan trọng và tiên quyết nhất của Giáo Hội Phật Giáo phải là chủ trương nâng cao trình độ học vấn và mở rộng tầm kiến thức của chư Tăng Ni trẻ. Do vậy, ưu tiên nhất và thực tế nhất của Giáo Hội phải là một nền giáo dục cấp Đại Học cho Tăng Ni thông qua việc xây dựng và phát triễn một Đại Học Phật Giáo Việt Nam.

Từ góc độ giáo dục, hãy xét sơ qua nền Đại Học của nước ta hiện nay.

Gắn liền với nỗi thăng trầm của đất nước, nhất là trong lịch sử cận đại, nền Đại Học Việt Nam đã trãi qua nhiều đổi thay cơ bản. Gần đây, ngoài những phát triễn và đóng góp tích cực, nhiều dấu hiệu cho thấy cơ chế Đại Học của nước ta đang kinh qua một giai đoạn khó khăn mà các hiện tượng tiêu cực vừa nhiều về số lượng vừa sâu về chất lượng đã làm cho nền Đại Học nầy bị trì trệ và dường như mất định hướng. Điều này cho thấy tiềm ẩn trong vai trò đào tạo nhân tài để phát triễn đất nước và xây dựng quê hương của nền Đại Học ta là những thách đố to lớn mà các nhà hoạch định chính sách và tổ chức Đại Học phải đương đầu.

Một số yếu tố sau đây có thể vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tình trạng trên:

- Yếu tố cơ sở hạ tầng:

Theo một báo cáo[1] vào năm 2003 của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, Việt Nam có 191 cơ sở giáo dục cấp đại học gồm 48 đại học công lập, 16 đại học tư thục, và 127 trường cao đẳng (gồm cả công lập lẫn tư thục). Quả là một bước nhảy vọt về số lượng cơ sở giáo dục cấp đại học so với khoảng 10, 15 năm về trước. Tuy nhiên, “bước nhảy vọt” này vẫn chưa cung cấp đủ không gian đào tạïo so với sự gia tăng của số lượng sinh viên và vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học hỏi của họ. Từ năm 1992 đến 1995, số lượng sinh viên đã tăng gấp đôi, từ hơn 200.000 đến 414.000. Con số này lại tăng gấp đôi một lần nữa từ năm 1995 đến 1997[2]. Năm 2002, trong số một triệu hai trăm ngàn tuyễn sinh, lượng sinh viên đăng ký tại các đại học đã lên đến gần một triệu. Người ta ước lượng con số này sẽ tăng 5% mỗi năm trong 5 năm sắp tới[3].

- Yếu tố kinh tế và nhân văn:

Khó khăn thứ hai nổi bật tính thời đại và phản ảnh sự lúng túng của các xã hội truyền thống trước khuynh hướng toàn cầu hóa áp đảo ào ạt đến từ phương Tây.

Dường như các nhà hoạch định chính sách và tổ chức Đại Học bị dằng co cùng một lúc bởi hai lực ngược chiều. Một bên là chủ trương “đổi mới” xã hội, đẩy mạnh kinh tế thị trường để hội nhập vào cộng đồng quốc tế nhằm thỏa mãn xu thế toàn cầu hóa đang lên đến cao điểm mà những ảnh hưỡng tích cực lẫn các hệ quả tiêu cực đang tác động càng lúc càng rõ nét từ thập niên vừa qua. Bên kia là những mẫu mực cũ, đã bắt rễ trong sinh hoạt xã hội và là khuôn mẫu tư duy hướng dẫn hành động từ mấy mươi năm trước. Trước mâu thuẫn này, các chuyên gia giáo dục phải tìm đáp số cho bài toán hội nhập và phát triễn để bắt kịp nhu cầu thời đại và thế giới nhưng đồng thời cũng phải rất dè dặt vì nguy cơ bản sắc văn hóa dân tộc có khả năng bị biến đổi sâu sắc đến độ bất khả hồi.

Chúng ta chưa thấy nền Đại Học Việt Nam đề xuất và chung quyết được nội dung và hướng giải quyết các vấn nạn giáo dục và xã hội hiện nay hay trã lời rõ ràng các câu hỏi căn bản và toàn diện đã được nhiều người đặt ra: Phát triễn quốc gia có phải chỉ là gia tăng sản xuất kinh tế? Toàn cầu hóa có phải là rập theo khuôn mẫu phát triễn của phương Tây? Làm sao gìn giử và phát triễn bản sắc dân tộc? Làm sao tạo sự hài hòa giữa những tiến bộ cần thiết về kỹ thuật và thương mại với sự phát triễn con người nhân văn và nghệ thuật để nền văn minh có thể tiến bộ một cách cân bằng?

- Yếu tố bản chất:

Nhưng thách đố lớn nhất có lẽ là sự khó khăn xác định mục đích và vai trò hiện nay của cơ chế Đại Học. Ngoài những nhiệm vụ có tính nghiên cứu như đóng góp vào các công trình tìm hiểu lịch sử và phản ánh tình trạng xã hội để bảo tồn và thăng hoa tinh thần dân tộc, cơ chế Đại Học cũng được trao cho vai trò thực tế và cụ thể là đào tạo nhân tài để xây dựng và phát triễn quê hương cùng đóng góp vào nỗ lực giải quyết các vấn nạn xã hội...

Trong thực tế, rất nhiều người có lòng và có phương tiện đã dấn thân, đối diện với những thách đố nói trên. Đã có rất nhiều buổi hội thảo, rất nhiều công trình nghiên cứu và nhiều bài viết đầy tâm huyết của những người có trách nhiệm gióng lên tiếng chuông cảnh báo để tìm một giải pháp cho vấn nạn giáo dục hiện nay. Trước sự thúc bách phải giải quyết nhu cầu học hỏi, do đó làm cho nhu cầu trường lớp càng lúc càng tăng, cả nước đã tưng bừng mở trường đại học như bông hoa nở rộ trong một cảnh vườn, đua nhau khoe màu chen sắc. Trong khung cảnh đó, trong khu vườn muôn sắc đó, sự thiếu vắng một đóa sen vàng lại càng trở nên rõ nét!

Giáo Dục là một đề tài mênh mông và Đại Học nói riêng cũng đã là một chủ đề quá lớn và phức tạp. Trong giới hạn của kiến thức và kinh nghiệm thu nhận tại Mỹ của bản thân, do đó có lẽ không phản ánh hoàn toàn thực tế hiện tại nơi quê nhà, người viết không mang tham vọng đề ra những phương thức giãi quyết ba vấn nạn trên mà chỉ mạo muội đóng góp một vài ý kiến cơ bản về vấn đề Tổ Chức và Quản Trị Đại Học và những ứng dụng của nó vào một Đại Học Phật Giáo.

* * *

Trước những “vấn đề” nêu trên và do những yếu tố đặc thù của một trường Đại Học Phật Giáo trong không gian và thời gian hiện nay, những khía cạnh quan trọng của vấn đề Tổ Chức và Quản Trị Đại Học là: (a) Trường cần có một cơ chế Uyển Chuyển để giúp người sinh viên đạt được mục tiêu của mình; (b) Trường cần có tính phổ quát để người dân dù ở đâu, và chỉ với một số vốn kiến thức nào đó, cũng có thể được hưỡng nền giáo dục “hậu Trung học”; (c) Trường cần là môi trường cho những công trình nghiên cứu chuyên và sâu để Khu vực, Châu lục, và Thế giới phải chấp nhận ngành học và bằng cấp của Đại Học Việt Nam. Nhưng Trường cũng cần cung cấp những kiến thức đại cương để mở rộng tầm nhìn của người sinh viên ra ngoài kiến thức chuyên và sâu của họ; (d) Trường cần là nơi phát huy và chuyên chở được văn hóa và học thuật đặc thù của dân tộc để Việt Nam trở thành điểm đến có giá trị và có khả năng thu hút du học sinh và nghiên cứu sinh từ khắp thế giới; và (e) Trường cần là nơi mà thông tin được lưu Chuyển một cách tự do, không bị giới hạn hay áp lực vì bất kỳ một sức ép nào ngoại trừ các tiêu chuẩn tôn trọng thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Phân loại thành 5 khía cạnh trên chỉ là để giản lược sự trình bày, nhưng rõ ràng các khía cạnh này có mối liên hệ trùng trùng duyên khởi nên sự áp dụng chúng phải triệt để, đồng bộ và toàn diện.

Chúng ta thử xem xét các khía cạnh nầy:

A. Cơ Chế Uyển Chuyển

Cơ chế tổ chức đại học hiện nay có tính cục bộ (trường nào trách nhiệm trường đó), địa phương (sinh viên gặp khó khăn đổi trường từ nơi này sang nơi khác), và cứng nhắc trong giáo trình (sinh viên khó đổi ngành học nếu không muốn bắt đầu lại từ đầu). Điều này phản ánh “lối suy nghĩ truyền thống của giáo dục trong đó trọng tâm của việc giảng dạy và học tập là người thầy mà không bắt kịp tư duy hiện đại trong đó sự sáng tạo, kiểm chứng và sử dụng kiến thức, cùng sự thay đổi thái độ, kỹ năng, và kỹ xảo của sinh viên được nhấn mạnh”[4].

Một vài thay đổi trong cách tổ chức và quản lý đại học sẽ làm cho cơ chế này trở nên linh động hơn, giúp cho sinh viên không mất những chứng chỉ đã hoàn tất hay bỏ phí thời gian học trước đây, mà phẩm chất giáo dục vẫn không thay đổi nếu không muốn nói là còn được tăng thêm:

- Hệ thống tín chỉ (Unit/Credit):

Đây là một ý niệm phổ biến đã được áp dụng từ lâu trong hệ thống giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vào những năm đầu thập niên 1970, một số đại học tư thục trong miền Nam cũng đã bắt đầu xử dụng hệ thống này. Một cách đơn giản, chúng ta có thể so sánh hai hệ thống, một theo “Chứng chỉ” [hay “năm (học)”] và một theo “Tín chỉ”, qua sự xác định đơn vị của bằng cấp: Nguyên tắc của cả hai hệ thống này giống nhau ở chổ bằng cấp là một tập hợp của nhiều lớp nhưng trong hệ thống “chứng chỉ”, số lượng cũng như sự chọn lựa môn học của các lớp để hoàn tất chương trình Cử nhân rất bị giới hạn. Ngược lại, trong hệ thống “tín chỉ” thì số lượng và sự chọn lựa môn học của các lớp lại rất đa dạng và phong phú.

Nhưng áp dụng hệ thống tín chỉ không phải là việc đơn giản: (a) Phải mất một quá trình dài lâu để tạo nên được một số lượng các lớp cần thiết đủ để người sinh viên chọn lựa và đủ để đảm bảo cho chất lượng của bằng cấp; (b) Phải mất một thời gian dài để trường đại học xây dựng nên học trình và thảo luận sự hợp lý và đầy đủ của nó trước khi được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phê chuẩn...; (c) Phải mất một thời gian nữa để các cán bộ quản lý, giáo sư, sinh viên, và cộng đồng hiểu và chấp nhận hệ thống mới này; và (d) Để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống tín chỉ, sự áp dụng phải đồng bộ và nhất quán.

Bên cạnh yếu tố thời gian, bốn yêu cầu này cũng đòi hỏi một ngân sách phong phú. Tuy nhiên một khi đã được áp dụng thì hệ thống tín chỉ sẽ mang lại ít nhất bốn điều tích cực sau đây: (a) Sự Uyển Chuyển trong việc thành lập học trình làm cho nó trở thành đa dạng và phong phú, cho sinh viên có nhiều lựa chọn; (b) Sự linh động này giúp cho sinh viên được dễ dàng trong việc Chuyển trường qua “quá trình lượng giá tương đương các lớp học” (Articulation process) sẽ đề cập dưới đây; (c) Nếu cần sinh viên cũng có thể theo học tại nhiều trường để rút ngắn thời gian ra trường; và (d) Sinh viên dễ thiết kế thời khóa biểu và chương trình học phù hợp với đời sống gia đình và việc làm của cá nhân mình.

Gần đây, “tín chỉ” đã được thảo luận nhiều ở một số trường tại Việt Nam như Đại Học Bách Khoa T/P HCM và Đại Học Xã Hội Nhân Văn và đang được chuẩn bị triễn khai thí điểm ở vài khoa dù vẫn còn một số trở ngại[5].

- Quá trình lượng giá tương đương các lớp học (Articulation Process):

Điều quan trọng nhất làm cho hệ thống đại học trở nên linh động và Uyển Chuyển chính là quá trình này. Đây là một nỗ lực có tính tập thể gồm các giáo sư và cán bộ quản lý của các trường đại học và những chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm lượng giá sự tương đương của các lớp trong những bộ môn được giảng dạy tại nhiều trường khác nhau. Càng nhiều lớp được quy định là tương đương giữa các trường (qua nội dung, phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, cách thiết lập thang điểm...) thì càng dễ dàng cho sinh viên Chuyển từ trường này qua trường khác hay thay đổi ngành học mà không bị mất thì giờ vì vẫn có thể tiếp tục học trình (curriculum) nhờ các lớp đã hoàn tất trước đó, tương tự như hệ đào tạo “văn bằng 2” hiện đang được áp dụng ở một số đại học.

Quá trình này khá phức tạp và đòi hỏi các nhân sự và cơ chế liên hệ làm việc chặt chẽ và liên tục với nhau để xây dựng một danh sách các lớp tương đương giữa những trường đại học trên toàn quốc. Điều căn bản để làm cho quá trình này đơn giản và thành công chính là sự chuẫn hóa tiến trình xây dựng nên giáo trình (curriculum) của một lớp với đầy đủ nội dung, phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, thang điểm, và những điều phụ thuộc.

Từ lâu, bộ Giáo dục của nhiều nước tiền tiến đã xử dụng cả hai giải pháp nói trên để nâng cao tính Uyển Chuyển của nền Đại Học của họ. [Ví dụ như hệ thống California Articulation Number (CAN) tại bang California, Hoa Kỳ, hiện đang được nâng cấp]

Tính Uyển Chuyển này của tổ chức đại học cũng rất phù hợp với tinh thần khế lý và khế cơ của Phật giáo và nhất là nhu cầu phát triễn trí dục của chư Tăng Ni sinh. Hiẹân nay. chư Tăng Ni sinh hoàn tất chương trình Trung Học phổ thông càng lúc càng đông và nhu cầu của một nền giáo dục hiện đại ở trình độ đại học càng lúc càng lớn. Vậy nhưng chùa chiền thì tản mác khắp nước mà Phật Giáo lại không có bao nhiêu cơ sở đại học! Do vậy, Đại Học Phật Giáo trong tương lai phải phát triễn nhịp nhàng với các đại học khác, công cũng như tư, trong cũng như ngoài nước. Nếu không thay đổi cơ chế cứng nhắc đã lỗi thời của nền đại học xưa cũ bằng sự Uyển Chuyển và linh động mới mẽ của cách tổ chức và quản lý đại học hiện đại thì e rằng nhân sự tương lai của Phật giáo sẽ cứ tiếp tục dậm chân tại chỗ vì những giới hạn về địa lý, vì nhu cầu hoằng pháp, và vì các thiếu hụt về tài chánh.

B. Tính Phổ Quát

Cơ chế đại học hiện nay với các kỳ thi tuyễn sinh khó khăn đã làm cho nền giáo dục đại học dần dà trở nên giới hạn chỉ dành cho thành phần ưu tú (elitist) mà thôi. Tình trạngï thiếu thốn trường ốc, phương tiện giảng dạy, và phí tổn đại học cao quả đã làm đậm nét thêm nữa sự bất công hay bất quân bình trong việc san sẻ kiến thức đại học hiện nay như giáo sư Dương Thiệu Tống đã suy nghĩ, “nếu nền giáo dục của ta còn có sự phân biệt giàu nghèo, sự phân biệt thành phần xã hội, thi cử và tuyễn chọn còn thiếu công bằng... [thì] không những đóng góp vào sự thất bại của công cuộc đầu tư, mà điều đáng lo nhất là nó sẽ làm hao mòn, nếu không nói là hủy hoại, một truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc ta”[6]. Ở các nước tiền tiến, dân trí được nâng cao là nhờ tính phổ quát của nền giáo dục đại học. Không phải ai cũng hoàn tất được học trình và có bằng cấp đại học nhưng ít nhất ai cũng có cơ hội được học hỏi những kiến thức đại học bất kể tuổi tác hay giới tính. Chức năng này của đại học sẽ là một đóng góp lớn vào công cuộc nâng cao dân trí nói chung.

Vài đề nghị dưới đây về cách tổ chức và quản lý đại học sẽ giúp đại chúng hóa nền giáo dục đại học và mang kiến thức đại học đi sâu và đi xa hơn vào Tăng, Ni chúng và cộng đồng dân cư.

- Giáo dục từ xa (Distance Education):

Ngoài phương pháp giáo dục truyền thống qua mẫu mực một lớp học với thầy/cô đứng lớp và sinh viên ghi chép nơi ghế ngồi, trường đại học hiện đại phải thiết kế những chương trình giáo dục sử dụng công nghệ mới của thời đại tin học. “Mạng” thông tin điện tử (Internet) có thể được dùng làm môi trường trao đổi giữa Thầy và Trò, để giảng dạy và học hỏi. Các lớp “on-line” này cũng cần được tổ chức để đạt tiêu chuẩn và được công nhận như những lớp truyền thống nhằm thỏa mãn đòi hỏi của học trình. Tuy không phải môn học nào cũng có thể dạy trên mạng tin học, loại lớp “on-line” này càng lúc càng thịnh hành vì vượt qua được rào cản địa lý và giới hạn về tài chánh, cho phép nhiều sinh viên tham dự hơn là một lớp học truyền thống. Ở những địa phương chưa có khả năng truy cập vào mạng thì trường đại học hiện đại phải thiết kế những lớp học dùng vô tuyến truyền hình làm môi trường giảng dạy.

Cái thời mà “giáo dục từ xa” bị xem thường và bị coi là “phi chính quy” đã qua rồi, Hiện nay, ở các nước tiền tiến, “giáo dục từ xa” đang được phát huy mạnh mẽ, song song với sự phát triễn của mạng tin học hiện đại. Dù cả hai phương pháp, internet và truyền hình, đều có một số giới hạn nội tại nhưng cả hai đều gia tăng đáng kể tính phổ quát của kiến thức đại học để bổ túc cho hình thức giãng dạy truyền thống hiện nay.

- Kiến thức đại cương (General Education):

Học trình Cử Nhân nên được thiết kế để bao gồm cả kiến thức chuyên môn và kiến thức đại cương, giúp trang bị cho người sinh viên những chuẩn bị đầy đủ cho ngành học của mình đồng thời có được kiến thức rộng rãi về những vấn đề khác.

Chính phần “kiến thức đại cương” này sẽ làm tăng tính phổ quát của Đai Học. Nhất là khi hệ thống “tín chỉ” được áp dụng để tăng số lượng và chất lượng của các lớp “kiến thức đại cương” này. Nếu đủ điều kiện tài chánh, sinh viên cũng như người dân thường có thể ghi học các lớp “đại cương” này mà không cần ưu tư về học trình hay điều kiện để ra trường gì cả. Học chỉ vì muốn hiểu một hay nhiều vấn đề nào đó. Các kiến thức đại cương này sẽ nâng cao dân trí và làm giàu vốn kiến thức của cả cộng đồng.

Ở một số nước tiền tiến, kiến thức đại học được đại chúng hóa qua những chương trình giáo dục cộng đồng (Community Education). Vì những giới hạn về tài chánh và kỹ thuật, Đại Học Phật Giáo có thể gồm chung phần học trình “chính quy” với chương trình giáo dục cộng đồng.

Tính phổ quát này hoàn toàn phù hợp với tinh thần khoa học và bình đẳng của Phật giáo. Giáo dục Phật Giáo tôn trọng con người vì con người là một vị Phật tương lai. Mọi người đều có Phật tính nên mọi người đều bình đẳng, không phân biệt sang hèn, giai cấp, giới tính, chủng tộc[7]... Đại chúng hóa kiến thức đại học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nổ lực nâng cao dân trí và trình độ của đại đa số chư Tăng Ni. Nhất là cho những quý vị không có cơ hội và phương tiện đến trường. Ngoài việc phổ quát hóa kiến thức đại học, yếu tố này cũng sẽ tiếp tục đóng góp một phần rất lớn cho công cuộc hoằng dương chánh pháp, giúp Phật giáo thấm sâu hơn nữa vào đời sống tâm linh và tinh thần của dân tộc.

C. Đạt Tiêu Chuẩn Để Thế Giới Công Nhận

Hiện nay học trình và văn bằng của đại học Việt Nam chưa được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Đã xảy ra trường hợp du học sinh, từng tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và từng được cơ quan tư nhân như International Education Research Foundation ước lượng văn bằng tương đương với văn bằng Cử Nhân của Mỹ (một chuyện hiếm hoi), nhưng vẫn bị đại học Mỹ khước từ vào chương trình cao học hay tiến sĩ vì không được coi là tương đương. Dĩ nhiên đây là điều thiệt thòi và bất công đối với sinh viên nước ta.

Một trong những mục tiêu chính và đáng được chú ý nhất của Đai Học Phật Giáo là phải sớm đạt được tiêu chuẩn cao cấp để học trình và văn bằng từ đại học Việt Nam có khả năng được những quốc gia tiền tiến trên thế giới chấp nhận. [Ngay cả những đại học hàng đầu, có tiếng tăm và truyền thống ở Trung Quốc gần đây cũng đã nổ lực để đạt được tiêu chuẩn quốc tế bằng cách mời các nhà nghiên cứu tiếng tăm trên thế giới vào hàng ngũ giáo sư, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, làm thêm nhiều công trình nghiên cứu, và nâng cấp cơ sở trường ốc[8]...] Ở một nước nhỏ như Việt Nam ta, vài đề nghị dưới đây về việc tổ chức và quản lý đại học có thể sẽ tạo được nền móng đưa đến khả năng đạt tiêu chuẩn cao cấp đó.

- Quá trình công nhận (Accreditation Process):

Có thể nói đây là điều quan trọng nhất cho sự hiện hữu của một đại học. “Quá trình công nhận” này làm cho văn bằng của trường đại học có giá trị, được chính phủ và các trường đại học khác trong nước công nhận. Ngoài ra, nếu quá trình này càng được thực hiện đúng đắn thì khả năng được các cơ chế giáo dục trong khu vực, châu lục, và quốc tế công nhận lại càng cao. Ở các nước tiền tiến, quá trình này cũng giúp cho trường đại học nhận được sự hỗ trợ tài chánh từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức tư nhân, và cơ sở doanh nghiệp... để phát triễn thêm hoặc để thực hiện các công trình nghiên cứu quan trọng.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một cơ chế để thực thi và giám sát “quá trình công nhận” này dù chính phủ dường như đang có xu hướng chọn một số trường để chuẫn hóa chương trình đào tạo cho đạt được tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng để bằng cấp được công nhân rộng rãi hơn5. Đại Học Phật Giáo sẽ phải theo một số tiêu chuẩn gắt gao và có tính quốc tế để tự thiết kế quá trình này với sự hợp tác của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Việc làm này là để nâng cao chất lượng của tiến trình dạy và học, của học trình, và bằng cấp của chính Đại Học Phật Giáo, và cũng để góp phần vào ý thức tự giác tập thể giữa các trường Đại Học hầu thiết lập, phát huy và gìn giữ phẩm chất cao. Gần đây, Đại Học Quốc Gia t/p HCM thành lập đoàn đi đánh giá một vài khoa của các trường thành viên5. Dù chưa được thể chế hóa nhưng đây đã là bước đầu đúng hướng.

“Quá trình công nhận” cần nhiều yếu tố để đạt được tiêu chuẩn hầu bảo đảm chất lượng của giáo dục đại học. Ví dụ như tiêu chuẩn tỷ lệ Thầy/Cô đối với số sinh viên trong lớp; số giáo sư có văn bằng Tiến Sĩ; tỷ lệ số giáo sư đã vào biên chế so với số giáo sư thỉnh giãng; sự sâu rộng cùng chất lượng của “quá trình lượng giá tương tương” (articulation process) của lớp học giữa các trường, số lượng cùng phẩm chất các công trình nghiên cứu của lớp sinh viên tiến sĩ... Ngoài ra, đại học phải có hệ thống thư viện được các tổ chức thư viện quốc tế công nhận về số lượng và chất lượng tài liệu chuyên ngành để tham khảo, số lượng máy vi tính và khả năng truy cập mạng thông tin điện tử, tỷ lệ số quản thủ thư viện so với số sinh viên... Ngoài các thông tin “tĩnh” đó, quá trình công nhận (accreditation process) còn chú ý đến những thông tin “động” như chất lượng của mối liên hệ giữa ban quản lý đại học và hội đồng giáo sư, khả năng đạt được những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn mà trường đại học đặt ra, tỷ lệ sinh viên ra trường, số công trình nghiên cứu hàng năm của ban giảng huấn...

Đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực đạt được các tiêu chuẩn cao cấp này là một số yếu tố đã đề cập trước như “Hệ thống tín chỉ” (Units), “Quá trình lượng giá tương đương” (Articulation), và “Giáo dục từ xa” (Distance learning)... Ngoài ra sự “tự do lưu chuyển thông tin” như sẽ nói đến dưới đây cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.

Đối với Đại Học Phật Giáo thì vấn đề đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều tối quan trọng vì vai trò đào tạo nhân tài của trường và nhất là vì chính nhiệm vụ tiên phong của trường trong sinh họat Phật Giáo hiện đại của hôm nay và mai hậu. Mượn tên một trong những đầu sách bán chạy nhất mới đây (“The World Is Flat”), vì những tiến bộ trong địa hạt khoa học và tin học, thế giới ngày nay không còn là hình cầu nữa mà lại là một mặt phẳng chật hẹp, trên đó mọi liên hệ đều hổ tương và gắn bó chặt chẽ, chúng ta có thể ý thức ngay là, trong bối cảnh đó, Đại Học Phật Giáo với học trình và bằng cấp của trường cần được công nhận càng rộng rãi càng tốt trong quốc nội, trong khu vực, châu lục, và trên thế giới.

D. Việt Nam Là Điểm Đến Của Du Học Sinh Thế Giới

Hiện nay, văn bằng và nền giáo dục đại học của nước ngoài luôn luôn được coi là có giá trị hơn hẳn văn bằng và nền giáo dục đại học ở Việt Nam. Cơ chế giáo dục hiện tại dường như đã thụ động chấp nhận điều này như một tình trạng hiển nhiên. Du học nước ngoài có lẽ là niềm mơ ước lớn nhất của đại đa số học sinh và sinh viên Việt Nam. Theo một trong những ước tính của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, có tới 47.000 sinh viên Việt Nam đang du học trên toàn thế giới trong năm 20059. Ngược lại, ngoài một số ít sinh viên ngoại quốc và Việt kiều xa xứ theo học các chương trình tiếng Việt và văn hóa Việt ở một vài đại học lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số sinh viên ngoại quốc ghi tên học tại các đại học Việt Nam có thể không đến một trăm người. Du học và trao đổi sinh viên là chuyện thường xảy ra nhưng, trong trường hợp Việt Nam, các sự kiện nói trên đã rõ ràng cho thấy tính mất cân đối.

 Đại Học Phật Giáo phải đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực biến các môn học, học trình, và bằng cấp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với giới trí thức và sinh viên quốc tế. Có rất nhiều điều lợi từ nỗ lực này: Về phương diện chính trị, sinh viên ngoại quốc sẽ là những sứ giả mang trở về quê hương của họ những điều hay, đẹp của Việt Nam. Nếu họ trở thành viên chức chính quyền hay là nhân vật có uy tín trong quốc gia họ thì Việt Nam sẽ có thêm bạn hữu trên thế giới. Về phương diện văn hóa, sự giao tiếp với sinh viên ngoại quốc sẽ mở rộng tầm nhìn và làm cho kiến thức của sinh viên Việt Nam thêm phong phú mà không cần đi ra nước ngoài. Sự tiếp xúc này cũng sẽ xóa đi những rào cản do định kiến và phân biệt chủng tộc gây ra. Đó là chưa kể Việt Nam sẽ nhận được những đóng góp “chất xám” từ các công trình khảo cứu của những du học sinh ngoại quốc. Về phương diện kinh tế, sinh viên ngoại quốc mang ngoại tệ vào nước, một phần có thể dùng để trang trãi cho ngân sách giáo dục của Việt Nam.

Riêng cho Phật Giáo, sinh viên ngoại quốc sẽ được học hỏi thêm về những nét độc đáo của Đạo Phật và Thiền Tông Việt Nam. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để thể hiện một trong những ý hướng về giáo dục của Phật Giáo là quân bằng lại trào lưu hiện hành trên thế giới: Bao lâu chúng ta chưa đưa giáo dục quay trở về chính con người, giúp con người tự tìm hiểu mình và tìm hiểu những người chung quanh thì những hành động sai trái, gây nguy hại vẫn tiếp diễn. Nói thế có nghĩa là giáo dục phải mang tính chất nhân bản hơn để xứng dáng là giáo dục của con người, vì con người[9].

Vài đề nghị sau đây trong khía cạnh tổ chức và quản lý đại học có thể đóng góp vào hướng phát triễn này:

- Ngành học đặc thù Việt Nam:

Ngoài các ngành học thông thường cần thiết như công nghệ tin học, quản trị kinh doanh, sư phạm, sinh ngữ, y tế công cọng, và kỹ thuật công nghiệp, Việt Nam vốn là một nước nhỏ và đang phát triễn nên để có thể cạnh tranh với các nước khác trong lãnh vực thu hút sinh viên và nghiên cứu sinh trên thế giới ta cần đưa ra những ngành học thật đặc thù Việt Nam.

Trường Đại Học Phật Giáo nên thành lập một ủy ban để chọn lựa và thành lập một số ngành học nhằm thu hút sự chú ý của thành phần trí thức thế giới. Các ngành này không nhất thiết phải phản ánh khuynh hướng chung về phát triễn kinh tế hiện nay trên toàn cầu mà, ngược lại, có thể gây nên một sự tò mò trí thức về đất nước, văn minh và con người Việt Nam. Vài ví dụ là các ngành khảo cổ và nhân chũng học, sinh vật học miền nhiệt đới, hải dương học miền nhiệt đới, lịch sử Việt Nam cận đại (có liên hệ đến lịch sử của Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, và Hoa Kỳ), kinh tế và văn hóa nông nghiệp, và Phật Giáo cùng Thiền Tông Việt Nam...

- Sự tham dự của các giáo sư ngoại quốc và sự liên kết với đại học trên thế giới:

Trường Đại Học Phật Giáo nên nổ lực để quốc tế hóa thành phần giảng huấn với những giáo sư có uy tín nhằm thu hút thêm số sinh viên ngoại quốc và cũng nhằm quốc tế hóa các công trình nghiên cứu của giáo sư và sinh viên của trường. Trong tiến trình tiếp xúc với các giáo sư (và sinh viên) ngoại quốc, giáo sư và sinh viên Việt Nam cũng sẽ có cơ hội để trao đổi và chia sẽ kiến thức và những cách dạy, cách học mới.

Cũng trong hướng suy nghĩ này, trường Đại Học Phật Giáo cần tìm mọi cơ hội để hợp tác với những đại học lớn trên thế giới. Trường có thể tham dự vào chương trình trao đổi giáo sư, trao đổi sinh viên. Trường có thể cùng chia sẽ học trình cho những văn bằng chung (như hệ đào tạo “liên kết hai năm” gồm 2 năm trong nước và 2 năm học ở nước ngoài như dạng du học tự túc đang được áp dụng ở một số trường bán công5). Trường cũng có thể hợp tác với các đại học ở nước ngoài để tổ chức những lớp học ngắn hạn ở Việt Nam hay ngoại quốc (study abroad)... Đây là những mô hình đang được trường SOKA University, đại học Phật giáo Nhật Bản tại Hoa Kỳ, áp dụng. Những cách tiếp cận này là phương pháp hữu hiệu và tiết kiệm nhất để Giáo Hội tạo điều kiện cho chư Tăng Ni có được một nền học vấn đại học với phẩm chất quốc tế trong điều kiện giới hạn về tài chánh như hiện nay.

Tuy nhiên, những điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu các yếu tố đề cập trước đây được áp dụng hoàn toàn, như quá trình công nhận (accreditation process), quá trình lượng giá các lớp học (articulation process), và hệ thống tín chỉ (unit system)...

E. Sự Tự Do Lưu Chuyển Của Thông Tin

Những yếu tố trên là các điều kiện Cần nhưng có lẽ điều kiện Đủ để Phật Giáo Việt Nam có một Đại Học đúng nghĩa là sự hiện hữu của một môi trường mà trong đó thông tin phải được tạo thành và xữ lý một cách tự do, rồi được lưu Chuyển, truy cập, và sữ dụng mà không bị một rào cản nào khác. Sự kiện thông tin giáo dục và dữ kiện nghiên cứu không bị vướng mắc hay giới hạn dưới bất kỳ hình thức nào sẽ đảm bảo được tính vô tư của nghiên cứu, gìn giữ được phẩm chất của môn học, cổ súy sự lương thiện trí thức, và xác định chủ quyền của nền Đại Học trong tiến trình đào tạo nhân tài để xây dựng quê hương ở ngưỡng cửa của thế kỹ 21 này....

Môi trường tự do này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần giáo dục của Phật Giáo. Hòa thượng Thích Minh Châu, trong bài diễn văn khai mạc Hội Thảo Giáo Dục Phật Giáo cách đây 6 năm đã nói, “Ý nghĩa nổi bật của giáo dục là sự truyền thọ, huấn luyện, đào tạo. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nhấn mạnh đến sự kích thích làm phát triễn khả năng tư duy, sự tinh tấn, tinh thần tự do, tính sáng tạo và thiện căn vốn có sẳn ở người được giáo dục... Giáo dục Phật Giáo khích lệ sự tự do, tinh thần sáng tạo, và phá chấp của người học...”[7] Dù đang ở trong hoàn cảnh thiếu thốn và điều kiện giới hạn hiện nay của quê hương, Đại Học Phật Giáo Việt Nam vẫn phải luôn nhắm tới và tích cực vận dụng những điều kiện có thể để đạt được yếu tố này. Đây sẽ là khuynh hướng chung nếu Đại Học Phật Giáo nói riêng và nền đại học nước nhà nói chung muốn thực hiện đúng đắn chức năng của mình hầu đóng góp một cách hữu hiệu vào sự phát triễn của quốc gia.

* * *

Như đã trình bày trên đây, điều ưu tiên để chấn hưng Giáo Hội nhằm đáp ứng với những cơ hội, thách thức và đòi hỏi của thời đại mới phải là nỗ lực đào tạo một thế hệ Tăng Ni được trang bị bằng hành trang kiến thức hợp lý gồm cả Nội điển lẫn Ngoại điển. Cung cấp những kiến thức hiện đại ở trình độ đại học thông qua việc thành lập trường Đại Học Phật Giáo rõ ràng là một quyết định có tầm nhìn chiến lược đúng đắn và khả thi nhất mà Giáo Hội có thể đầu tư vào để tiếp tục nhiệm vụ truyền thống là phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc của mình.

Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức được tiềm năng tham dự và đóng góp của nền giáo dục Phật Giáo vào phúc lợi của dân tộc và của nhân loại. Đó là một nền giáo dục không đặt nặng, không đòi hỏi niềm tin, sự tuân thủ giáo điều tôn giáo. Đó là một nền giáo dục chú trọng đến sự phát triễn của đời sống tâm linh, đạo đức và đòi hỏi sự thực hành theo tiêu chuẩn của giá trị đạo đức giải thoát.

Đỗ Hữu Tâm 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 2019(Xem: 3832)
13 Tháng Mười 2016(Xem: 5893)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 5373)
Tổng quan Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.