● Vai Trò Cư Sĩ Trước Tiền Đồ Phật Giáo Việt Nam

16 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6975)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

VAI TRÒ CƯ SĨ 
TRƯỚC TIỀN ĐỒ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Thích Quán Thông

Gần đây, có nhiều bài phổ biến trên các tạp chí, trên mạng, trên mọi phương tiện truyền thông, đề cập đến hiện trạng suy đồi trong hàng tăng lữ, về giá trị học thuật ngọai điển, về mảnh bằng của đời nâng cấp địa vị trong đạo, v.v. Thật ra trạng huống suy đồi thời nào cũng có, ngay cả lúc Phât còn tại thế; vấn đề là tại sao chỉ trách cứ hàng tăng lữ mà không ai nhắc đến vai trò của đoàn thể cư sĩ tại gia trong trạng huống suy đồi đó.

Lời dạy cuối cùng trước khi đức Phật Thích Ca nhập Đại Bát Niết Bàn là: "Các ngươi hãy lấy giới luật làm Thầy" (Vinayo Sasanassa Ayu – The Rule is the Life of the Teaching). Trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm, lời dạy này vẫn còn là mạng mạch của Phật Pháp, bất kỳ ở thời gian hay không gian nào. Giới luật có hai phần, phần cụ túc giới dành cho tăng lữ xuất gia, và phần căn bản năm giới cho cư sĩ tại gia. Qua thời gian, Phật Pháp phát triển và tồn tại đều nương vào hai yếu tố: tăng lữ và cư sĩ; hai thành phần này (hay đúng ra là bốn, tức tứ chúng: tăng lữ gồm tỳ kheo và tỳ kheo ni, cư sĩ gồm ưu bà tắc và ưu bà di) luôn luôn hổ trợ nhau, như cá với nước, không thể nào tách rời nhau được. Lý do giản dị và thực tiễn là tăng lữ nương nơi cư sĩ phần vật chất như tứ sự cúng dường, còn cư sĩ nhờ vào tăng lữ trong những sinh hoạt tâm linh như học Phật, tu tập, cầu siêu cầu an, v.v., từ đó Phật giáo mới tồn tại. Tăng lữ như cá sống trong nước cư sĩ; không có nước, cá không sống được.

Truyền thống Nam phương Phật giáo hiện nay phần lớn vẫn giữ nguyên tình trạng hỗ tương liên hệ đó: một vị tăng trước khi xuất gia, phải tìm một gia đình cư sĩ bảo trợ cho phần tứ sự, trong khi đó cư sĩ vào những ngày lễ thì đến chùa hay tự viện, để nghe pháp, tu học, và phát nguyện thọ giới cư sĩ lần nữa. Tại các nước Phật giáo nguyên thủy, chư tăng ở vùng xa phố thị kinh đô vẫn còn trì bát khất thực, không ăn sau giờ ngọ và dành nhiều thì giờ để thiền định. Trong khi đó, lúc Phật Pháp truyền vào Trung hoa, là nước có một nền văn minh hoàn toàn khác hẳn với văn minh Ấn độ, đã phải trải qua rất nhiều thay đổi lớn trong căn bản để có thể hội nhập giao lưu với hai dòng tư tưởng bổn địa là Đạo giáo và Khổng giáo, cuối cùng phát triển tư tưởng Đại thừa (Bắc phương) Phật giáo đến cực điểm. Nhưng dù có thay đổi tư tưởng căn bản, lời dạy của Đức Phật "lấy giới luật làm Thầy" vẫn không thay đổi. Do đó, trong lịch sử hoằng bá Phật Pháp, lúc nào một vị tăng có đạo cao có đức trọng cũng đều được các bậc vua chúa hay hàng vương giả trí thức, tôn bái làm Thầy, quy hướng theo và bảo trợ để dễ dàng xiển dương chính pháp. Rồi cũng trong tiến trình bảo trợ từ hàng cư sĩ vương giả đó, nảy sinh ra nhiều tệ đoan, kết thành những chống đối, mãnh liệt đến độ hủy diệt Phật giáo.

Trong lịch sử truyền bá vào Trung hoa, Phật giáo đã phải trải qua ba lần pháp nạn lớn, gọi là thời Phế Phật: (1) Thời Bắc Ngụy Thái Võ Đế (tại vị 424-451), phế Phật, có đến 1300 chùa bị tàn hủy mà về sau, Dương Huyễn Chi, cảm khái về những ngôi tự viện do Vương tôn quý tộc xây dựng bị bỏ hoang phế, đã viết nên Lạc Dương Gìa Lam Ký vào năm 547; (2) Thời Bắc Châu Võ Đế (tại vị 560-578), lại phế Phật lần nữa; số lượng ba triệu tăng ni bị hoàn tục, và 40 ngàn ngôi chùa bị đập phá tiêu hủy có lẽ bị Phí Trường Phòng trong Lịch đại Tam bảo ký thổi phồng lên con số thập bội, nhưng đã nói lên tình trạng tệ hại như thế nào; và (3) Nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhất là thời Hội Xương năm 845, dưới triều Đường Võ tông, Phật giáo lại bị phế lần nữa, khi đó 4 ngàn 6 trăm tự viện bị hủy, hơn 260 ngàn tăng ni bị hoàn tục, tất cả kinh điển (khi đó còn chép tay) đều bị thiêu đốt, 40 ngàn đền chùa bị tàn phá, hàng triệu mẫu đất phì nhiêu do các vua đời trước phong cấp cho tăng đoàn bị sung công, 150 ngàn nô dịch (ngày nay gọi là công quả) chuyển làm nô lệ nơi khác, v.v.

Lần này nạn phế Phật bị ảnh hưởng trầm trọng đến độ chỉ hơn một năm sau, khi Huyền tông kế vị và sắc lệnh cho phục hoạt Phật giáo, thì các tông phái lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Tam Luận ... hầu như tan rã hoàn toàn, chỉ có Thiền và Tịnh độ tông là có cơ ngơi khởi sắc thêm. Phật giáo Trung hoa từ đó dậm chân tại chỗ, không phát sinh thêm tư tưởng gì mới, để rồi dần dần hội nhập vào tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Phật giáo bắt đầu quần chúng hóa, và một phó sản tiêu cực của nó là vai trò của tăng lữ được thần thánh hóa, như là những nhà phù thủy có thế lực thần quyền trừ tai giải nạn cho bình dân bá tính.

Tại Tích Lan và Ấn độ, vào thế kỷ 11, Hồi giáo nổi dậy quét sạch Phật giáo đến nỗi khi phục hoạt lại, thì Ni bộ không đủ số lượng để tiếp thừa tỳ-kheo ni giới; cho mãi đến ngày nay, một ngàn năm sau, vẫn chỉ còn có những tu nữ giữ 8 giới mà thôi, không có ni bộ theo đúng nghĩa của nó. Một trong những lý do gây ra những Pháp nạn như trên là trong thời cực thịnh, sản sinh nhiều thành phần thối nát trong tăng già, nhất là những tay hoạt giáo không nghiêm trì giới luật, gây nhiều hủ hoại. Như tại Tích Lan, ni chúng được cung đình tôn trọng đến sinh ra những xa xỉ tiêu hao công quỹ, lòng dân ca thán, nên khi Hồi giáo nổi dậy, càn quét thảm sát toàn bộ ni chúng đến nỗi không còn được một số lượng nhỏ nhoi tam sư thất chứng để mà phục hoạt ni bộ.

Phật giáo Việt nam may mắn không gặp những nạn phế Phật như thế, nhưng biến cố 1963, phần tích cực dĩ nhiên nhưng yếu tố tiêu cực cũng không thiếu, đã khiến cho một số tăng lữ bị chóa mắt trước hào quang chói lọi giả tạm của một cuộc cách mạng không đổ máu cho nên đạo đức nền tảng bị băng hoại, kéo dài cho đến ngày nay. Công cuộc chấn hưng Phật giáo trong những thập niên 20-30 do các tôn đức cử xướng đã bị những cái ngã cá nhân chà đạp, còn lại chỉ là những cái vỏ bóng lưởng, mang danh giáo hội thống nhất này nọ mà ngay sau khi thành lập thì đã có đổ vỡ tách lìa rồi. Khi nhà học giả uyên thâm Mai Thọ Truyền cương quyết giữ vai trò Ủy viên Cư sĩ vụ, thì một vị đại thượng tọa nói thẳng: "Ông giữ vụ Cư sĩ thì chúng tôi (tăng đoàn) còn ai đâu để làm việc?" Thế là hội Phật học Nam Việt rút lui, để dành vụ Cư sĩ cho một vị tăng lớn lãnh đạo. Có phải chăng từ đó mà cư sĩ phải quy phục nơi tăng lữ, thần thánh hóa những con người bằng xương bằng thịt đầy đủ thất tình lục dục như là một thứ quyền năng phù thuật?

Cho nên những bài viết nói về tình trạng suy đồi trong tăng lữ hiện đại, tại quốc nội cũng như hải ngọai, cũng không phải là vấn đề mới mẻ. Duy một điều là các vấn đề đặt ra đều xoay quanh hành hoạt của tăng lữ, phần lớn do một số cư sĩ than thở viết ra, nhưng hầu như chưa thấy ai nêu lên vấn đề vai trò và trách nhiệm của cư sĩ trong tiến trình hộ pháp hộ tăng. Thành phần cư sĩ ý thức thì thở than khi tăng lữ suy đồi, thành phần cư sĩ dễ tin, nhất là dễ sợ - sợ phạm tội – thì mù quáng chiều chuộng theo những dục vọng của nhóm tăng lữ hủ bại.

Ở vào thập niên 60, thế kỷ 20, chỉ có một ít du học tăng được du học Ấn Độ. Và HT Minh Châu là người được mời về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, một viện đại học đầu tiên và có lẽ sẽ là duy nhất của nước Việt Nam cận đại. Sự nghiệp chính trị của HT, nếu có, hãy để lịch sử phán xét. Ít nhất ra, HT cũng đã phiên dịch toàn bộ Kinh Điển Nam tông (Pali) ra Việt ngữ rồi. Điều đó hiển nhiên và lịch sử văn học Phật giáo Việt nam sẽ ghi ơn ngài. Có thể câu di ngôn ngài để lại đời sau là: "Ai làm chính trị thì cứ làm, tôi chỉ lo làm văn hóa và giáo dục", nên được tăng lữ ghi xương khắc cốt. Làm văn hóa và giáo dục dĩ nhiên phải có một kiến thức căn bản và chuyên môn, cho nên hiện tượng có hơn hai trăm tăng ni đang du học tại Ấn độ ngày nay là một điều đáng mừng cho tiền đồ Phật giáo, thế nhưng, lại có một học tăng đã lớn tiếng tuyên bố: "Không cần biết Hán văn, chỉ cần giỏi Phạn ngữ và Ba li là đủ, Hán học không cần thiết". Quả là tiếng kêu hơi ngông của con ếch còn ngồi đáy giếng. Ngay cả đến HT Minh Châu, khi phiên dịch Đại tạng Ba li sang Việt ngữ mà còn phải tham khảo với các bản Hán, Anh để bản dịch của ngài được hoàn chỉnh.

Còn những người đồng đại với HT cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như cố HT Huyền Vi, lập được giáo hội Linh Sơn “toàn cầu” và để lại nhiều băng giảng cho hậu thế; HT Mãn Giác là Hội chủ một Tổng hội với nhiều chùa Việt Nam trên đất Mỹ; HT Pháp Nhẫn cũng là viện trưởng một ngôi chùa lớn ở Texas; thế hệ đàn em thì có cố HT Thiện Thanh trụ trì chùa Phật Tổ, cố HT Đức Niệm với Viện Phật học Quốc Tế chuyên in lại tòan thể các kinh tụng trước năm 1975, hoặc HT Tịnh Hạnh hiện đang cố sức hoàn thành bộ Đại Tạng bằng Việt ngữ , v.v.. Tất cả, với những mãnh bằng tiến sĩ mang từ ngọai quốc về để thực hiện nên những công trình đó, đều cũng không thể bỏ qua sự cúng dường của hàng cư sĩ.

Du học Nhật Bản cũng rất nhiều, nhưng đạt được bằng tiến sĩ của một đại học lớn của Nhật cho đến ngày nay cũng đếm chưa đủ mấy ngón trên một bàn tay. Hệ thống đại học Nhật cũng như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, là không phải cứ đạt được mảnh bằng thì có thể kiếm nồi cơm sinh nhai. Mà lúc nào cũng phải nghiên cứu, cũng phải sáng tác, cũng phải viết lách, cũng phải có bài tham dự hội thảo, v.v. mới có thể duy trì được một chút khả tín về thực học, bằng không phải chịu luật đào thải của thời gian và tiến bộ của học thuật.

Rất tán thành câu nói của Đại đức TNT: "Măng vẫn thường xuyên mọc bên cạnh các cụm tre già" (Giao Điểm 59, tr. 41-45). Dĩ nhiên tre đã già măng đã mọc, đã là tre xanh, nhưng chúng ta sẽ làm gì với con số hơn hai trăm học tăng (ni) đó, một khi trong vòng mười năm trở lại thôi, họ sẽ mang những cấp bằng đó về nước? Đại học Phật giáo đâu để có chỗ cho họ dạy? Đại học nhà nước thì chưa mời tăng giới. Đại học ngoại quốc, ngay cả tại Ấn độ nơi đào tạo họ đi chăng nữa, có chấp nhận giá trị của những mảnh bằng đó hay không, để bổ nhiệm họ vào những ghế trống của trường? Anh văn tuy cần thiết nhưng khộng phải là quan trọng, đó chỉ là một phương tiện truyền thông, hay truyền đạt tư tưởng mà thôi.

Ngay cả giáo sư Lê Mạnh Thát, một nhà Phật học tài ba lỗi lạc, cũng chỉ viết bằng tiếng Việt để làm giàu cho văn hóa Phật giáo tiếng Việt mà thôi. Những khám phá mới lạ của tiến sĩ, đã được giới học giả ngọai quốc nào chú ý đến chưa? Ở thế kỷ 21, dĩ nhiên kiến thức ngọai điển là rất cần thiết nhưng phải biết phối hợp kiến thức đó với nếp sống tu hành của đạo. Được du học ngọai quốc, làm luận án trầy vi tróc vảy 5, 7 năm trời, là một ân huệ, do cư sĩ bảo trợ, không phải là một vinh dự để vị tăng ni đó sinh tâm kiêu hãnh, ngạo mạn.

Đó là chưa nói đến một số Tăng Ni từ Việt nam qua Mỹ theo diện du lịch, xin ở lại nói là để học nhưng đa số đi “làm chùa” riêng, ở những vùng không cần thiết, để hưởng nhàn. Số Tăng Ni khác sau vài năm kham khổ không nổi tại Ấn độ cũng chạy sang Mỹ, mượn tiếng là đi tìm tài liệu, rồi tìm cách định cư bất hợp pháp luôn và nhiều vị cũng đi “làm chùa” lung tung tiêu hao của đàn na thí chủ. Những người đó rồi sẽ đóng góp được gì cho Phật giáo Việt nam, khi bản thân họ đang chỉ biết thụ hưởng những kỷ thuật tân tiến nhất của thế kỷ 21? Mỗi người một cái laptop (không phải để lôi từ trên mạng xuống những bài vở có giá trị giúp ích cho sở học), một cái cell phone (không phải để liên lạc cùng thiện tri thức), một chiếc xe bóng nhoáng (không phải để đi làm Phật sự)?

Nêu lên câu hỏi trên, chúng ta chỉ trở lại câu hỏi lần nữa: "những kiến thức ngoại điển đó, có giúp ích gì được cho cuộc sống nội tâm của một tăng sĩ, trên đường tìm giải thoát hay không? Hay là mang hình thức mới, mang đạo vào đời, cư trần lạc đạo?"

Cho nên, tất cả giáo trình đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt nam cần phải đặt lại, đối tượng là một tu sĩ Phật giáo (tăng hay ni), không những phải thâm đạt một bộ môn nào đó trong Phật học (nội điển), mà còn phải học qua các bộ môn khác thực tiển trước xã hội: như tâm lý học, xã hội học, v.v.

Bài "Đề nghị một giáo trình tu học..." của Phật Điển Hành Tư chỉ là một bộ môn Lịch sử trong toàn thể văn học Phật giáo đa dạng và sung mãn; bài tuy rất hạn cuộc nhưng cũng vẫn bị những vị thẩm quyền lập giáo trình bác bỏ vì trên thực tế, Phật giáo không có đủ nhân sự để thực thi đề nghị eo hẹp đó. Đề nghị này cũng không mới mẻ gì, vì trước đó rất lâu, cố HT Thích Trí Thủ cũng đã mang ưu tư viết thành hoài bão rồi. Bài "Thử vạch một quy chế cho Tăng sĩ và một chương trình đào tạo Tăng sinh thích ứng với nhu cầu của giáo hội trong hiện tại và tương lại gần" của ngài (đăng trong Toàn tập Tâm Như Trí Thủ, quyển I, các trang 678-697), bao quát nhiều vấn đề và bộ môn hơn, có thể tóm lược theo bản trang 685 như sau:

1. Trụ Trì Tăng: lãnh đạo một tự viện;
2. Công đức tăng: Củng cố thực chất (tu trì, niệm Phật, ngồi thiền...): Kiện nội;
3. Thiệp thế tăng: Kéo đời vào đạo: Hóa ngoại, giảng pháp
4. Giáo huấn tăng: Đem Đạo vào đời: Văn hóa Giáo dục;
5. Nhiếp hóa tăng: Tích cực nhập thế: công tác xã hội.

Mỗi ngành cần có một hội đồng quản trị của ngành về mặt chuyên môn. Tại vì một vị tăng dù tài cao học rộng đến đâu cũng không thể nào bao quát hết mọi phương diện của Phật pháp. Có thể nói, đề nghị này của ngài đã được Phật giáo Tây Tạng tích cực thực thi rồi. Trong thập niên Pháp nạn 1950, sau khi vượt biên đến Ấn độ và được cho một khu đất hoang tàn nay được biết đến là Dharamsala, Phật giáo Tây Tạng đã biết dĩ tịnh chế động, biết âm thầm đào luyện tăng tài trong vòng thập niên 60: những người có thế trí biện thông, biện tài vô ngại, thì chuyên luyện về thuyết giảng (thiệp thế tăng), những vị muốn nghiên cứu hay dịch kinh thì có nơi để ngồi yên mà viết lách dịch kinh thuật (giáo huấn tăng) – hiện nay 2 bộ đại tạng Kanjur và Tanjur của Tây Tạng đã được phiên dịch toàn bộ sang Anh văn, hơn 20 năm qua.

Nhưng có một số có lẽ cũng không ít công đức tăng, vô danh, đang lặng lẽ thiền định trong những nơi hoang vắng, trên đỉnh Tuyết sơn, trong những chùa làng đèo heo hút gió, để làm nòng cốt thực chất cho những thiệp thế tăng ngoài kia. Những thiệp thế tăng thành công một phần nhờ vào tri thức căn bản về Phật học, nhờ biện tài vô ngại, nhưng phần lớn là nhờ vào đạo đức trang nghiêm, hành trì cẩn mật, nhờ chất lượng nòng cốt từ những công đức tăng kia. Số lượng Phật tử bên ngoài Tây Tạng quá ít, tăng đoàn chỉ nhắm đến người Tây phương và đã thành công có thể nói là rực rỡ, qua hình ảnh của một đức Đạt lai Lạt ma, được trọng vọng như một giáo hoàng của Phật giáo toàn cầu, ngoài điều mà ngài đã được xưng danh là đức Phật sống. Phật giáo Việt nam, có lịch sử trải dài hơn hai ngàn năm, có được một vị được đề nghị giải Nobel Hòa bình và một vị cứ được các lực lượng chính trị của một bộ phận Việt kiều hải ngoại hứa cuội là sẽ được, trong nay mai!

Quá trình lịch sử cho thấy, chính cư sĩ mới là thành phần nòng cốt trong sự phát triển Phật giáo, cho nên mới có câu: "Phật Pháp bất ly thế gian pháp". Có phải chăng chính trong tinh thần đó mà thái độ "cư trần lạc đạo" của Trần Nhân Tông đã sống động trong thời hưng thịnh Lý-Trần? Và cũng với tư tưởng đó mà hiện tại có rất nhiều vị tăng trẻ hăm hở tình nguyện làm thiệp thế tăng, mang đạo vào đời, hay đang tự để cho đời làm hoen áo đạo. Tại hải ngoại, hiện tượng mỗi thầy một chùa, ai có giọng tụng kinh hay, hoặc tổ chức được các khóa tu học như bát quan trai, đạo tràng Pháp Hoa (tụng kinh Pháp Hoa được nhiều phước), v.v., thì chùa đó có đông Phật tử, dĩ nhiên có tiền nhiều vào trong túi riêng, trong khi giới thứ 9 Phật dạy rõ ràng: không được cầm giữ vàng bạc; thật ra họ có cầm giữ đâu, nhà băng giữ dùm mà! Một tăng sĩ trẻ tuổi, rất khá Anh văn, có thể mở lớp dạy thiền cho người Mỹ nhưng cũng đã phải nhìn nhận rằng: "không có Phật tử Việt nam không sống nổi", khi được khuyên nên nhắm đến truyền bá cho Phật tử ngọai quốc. Đó là tình trạng thuần thành của giới Phật tử cư sĩ, ủng hộ tăng lữ hết mình. Nhưng còn chính bản thân tăng sĩ thì sao?

Cư sĩ Phật tử sống trong một mâu thuẫn biện chứng kỳ lạ đến độ kỳ diệu: nuôi dưỡng tăng lữ, rồi lại quỳ lụy tăng lữ. Một ông thầy nào đó, phạm giới, đáng lý phải nên xa lánh thì lại chỉ có rỉ tai, sợ phạm tội, ngao ngán thở dài, rồi bỏ đạo. Phật Pháp không sai, chỉ có những người khoác áo tu sĩ đi sai, làm sai, nói sai. Những thành phần đó là những con trùng sống trong mình sư tử mà ăn lại thịt sư tử, cần phải bốc ra loại bỏ. Đạo Phật là đạo từ bi, nhẫn đến con kiến cũng không hại, nhưng nếu muốn con sư tử sống còn để rống lên tiếng sư tử hống, thì phải biết vạch lông tìm bắt từng con trùng sâu trên mình sư tử mà bỏ đi. Không ai có thể hủy diệt Phật giáo ngoài chính một số ít thành phần ung thối đó trong tăng ni. Lẽ dĩ nhiên trong tăng lữ vẫn còn rất nhiều bậc đạo cao đức trọng, cho nên cư sĩ cần phải dũng cảm, cần dùng trí tuệ sáng suốt vốn là điều kiện tiên quyết trong Phật Pháp để mà gạn lọc được viên ngọc kim cương sắc bén giữa cát sạn bẩn nhơ. Chiếc áo không làm nên thầy tu!

Đời nhà Thanh, vua Thuận Trị đã làm một bài thơ trước khi rời hoàng cung xuất gia làm tăng:

Trẩm vi đại địa sơn hà chủ
Vi quốc vi dân sự chuyển phiền
Bách niên tam vạn lục thiên nhật
Bất cập tăng gia bán nhật nhàn.

Ngày nay, thử hỏi có mấy ai biết hưởng thú nhàn nhạ chỉ trong nửa ngày của cuộc đời tăng? Từ ngàn xưa, Phật dạy: Cư sĩ có bổn phận cúng duờng tứ sự chư tăng: thức ăn uống, thuốc thang, chỗ ngủ nghỉ và y phục. Không lao nhọc, mà đầy đủ như thế rồi, nếu dành hết thời giờ để ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, bái sám, hoặc đọc sách, dịch kinh, tư duy lời Phật dạy, thì biết bao là nhàn nhạ, đâu những chỉ nửa ngày?

Y phục, tức là 3 bộ y, vừa đủ để mặc, ngày nay tăng ni không biết là bao nhiêu bộ, lại dùng loại hàng lụa thiệt tốt. Chỗ ngủ nghỉ, tức chùa chiền, tu viện, tịnh xá, có nghĩa là Phật tử cúng dường chung để bảo trì chùa làm nơi ngủ nghỉ tu hành cho tăng ni, không phải cúng dường riêng cho một người nào để lập chùa. Thức ăn, có thể ăn ngày 3 buổi, không cần khất thực theo truyền thống, nhưng phải biết tiếc từng hạt cơm, từng miếng rau do cư sĩ dâng cúng; nhiều chùa ăn dư buổi trưa thì đổ vào thùng rác, buổi chiều nấu thức khác. Thuốc thang, có nhiều bác sĩ Phật tử trị bịnh miễn phí, những bịnh bình thường mà còn là con người thế nào cũng mắc phải, chứ không phải những bịnh vì phạm giới cấm mà phát sanh ra.

Tình trạng chùa chiền chen chúc nhau mọc lên như nấm tại vùng quận Cam (Orange County tại bang California) cũng là do nơi cư sĩ đã quá đà trong việc ủng hộ tăng ni, phần lớn là còn trẻ nhiều sinh lực, có tài ăn nói không thua một salesman, dùng những danh từ Phật học trống rỗng thật kêu (thiền gia gọi là "bắn bổng") để "ăn khách", không khác nào làm diễn viên trên sân khấu cho khán giả cư sĩ khen rộ vỗ tay.

Rồi cũng chính Cư sĩ đã thần thánh hóa tăng lữ. Phật tử thường hay than phiền vị thầy này, cô ni kia, nhưng lại nơm nớp lo sợ là nói động đến họ thì mang tội. Đọc lại các kinh điển do chính Phật dạy, có kinh nào Phật bảo phải tôn sùng tăng lữ như vậy hay không? Tất cả, từ kinh Pháp Hoa, Kim Cang cho đến Viên Giác, Hoa Nghiêm, v.v., đều là chỉ bày chân lý và tự thân thực chứng (ông tu ông đắc, bà tu bà đắc); ngay chính Đức Phật cũng không chịu cho ai sùng bái Ngài, "các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là Người chỉ đường." Thì sao lại phải sợ mang tội?

Một ông thầy tu, ngoài cái đầu không tóc và bộ áo tràng ra vẻ đường đường tăng tướng, thật tế cũng chỉ là một người bình thường, cũng có lục dục thất tình như mọi người. Ngoài số lớn trì giữ giới luật nghiêm mật – thành phần này không có xe hơi, không có cell phone, có nhiều những băng giảng pháp chân chính hay các bộ kinh điển dịch thuật đúng nghĩa – , số còn lại thì cũng chỉ là những người tập tễnh trên đường tu đạo mà thôi. Chữ tu có nghĩa là sửa đổi (tu chỉnh), một người sinh ra bản tính có thể là hay sân giận, nói nôm na là tính nóng, hay nổi nóng, sau quá trình tu tập hoặc thiền định hoặc niệm Phật vài ba mươi năm, đến cuối đời mà vẫn không bớt tính nóng đó đi được một phần nào, thì công phu tu tập ở đâu? Làm thiền sư dạy trăm ngàn người ngọai quốc thực hành an lạc, thư giãn, hít thở cho tĩnh lặng, mà video nhiều chỗ chiếu lên gros plan, gương mặt nhăn nhó nhiều phiền não, không phải ưu sầu cho thế sự, mà là một bầu tâm sự sôi sục trong lòng, thì định nghĩa thiền sư phải như thế nào?

* **

Nêu lên những tiêu hoại như trên, không phải là để đả kích, mà là để kêu gọi một hưởng ứng như là ôm mộng đội đá vá trời, kêu gọi hàng ngũ Cư sĩ xin hãy khoan vội đổ lỗi cho hàng tăng lữ, mà cần thấu hiểu và áp dụng giới luật do chính Phật dạy để hộ trì và thực thi chính pháp. Con đường trước mặt là Cư sĩ cần phải làm môt cuộc cách mạng để:

1. Đả phá tôn sùng thần tượng nơi người tăng sĩ. Bởi vì tăng sĩ cũng vẫn còn là con người, còn đủ thất tình lục duc; chỉ có mảnh áo tràng và giới luật là bảo vệ cho họ còn là một người cao quý hơn cư sĩ một nấc, chỉ một nấc thôi. Họ không phải là thần thánh, cũng không đại diện cho thần thánh để giải trừ tai ương khổ nạn cho chúng sinh. Tăng sĩ, nhất là từ một vài đạo tràng uy tín ngoài Huế, thường có thái độ như ta đây là "thiên nhơn chi đạo sư". Chỉ có Đức Phật mới là bậc "thiên nhơn chi đạo sư"; tăng lữ, dầu là những bậc đạo rất cao, đức rất trọng, đã đạt được vài quả vị trên đường giải thoát rồi, cũng vẫn còn là con người bình thường, hà huống những hạng bê bối, phạm đủ thứ giới ba la di! Những bậc đáng tôn kính là những long tượng theo đúng nghĩa "thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sinh", thế nhưng còn hạng kia, trước đã không theo đúng đường Phật dạy rồi thì sau lấy cái gì để dạy dỗ chúng sinh? Chỉ cái đầu tròn cái áo vuông và một giọng tụng kinh hay, chưa đủ. Đừng quên câu "nhược dĩ sắc kiến ngã..."

2. Kiểm thúc việc cúng dường. Những gì tăng sĩ do cảm tình cá nhân yêu cầu mà không cần thiết cho sự phát triển tâm linh của họ, cần phải từ chối. Thí dụ, một vị tăng trẻ, cần một cái cell phone để làm gì? Để liên lạc với Phật tử? Chỉ trong hai giờ đồng hồ, một vị tăng nói chuyện trên cell phone 3 lần, đều là với nữ cư sĩ, với một người trên nửa giờ. Nói chuyện gì? Chắc chắn không phải là thuyết pháp! Trong hai giờ đó, nếu biết giữ giới tu thiền niệm Phật, công đức biết bao! Ngày nay, chính vì những dư dã đó đã khiến tăng sĩ sa đọa, cho nên, chính cư sĩ làm hư thầy!

3. Sáng suốt trong khi phát tâm cúng dường: Một vị tăng sang Nhật bản học vào đầu thập niên 70, không học hành nên gì, qua thăm Mỹ lần đầu giữa những năm 80, "tôi lên máy bay rồi mới cạo đầu lại", đó chính là lời ông tâm sự với một vị thầy khác. Đầu năm 2006 trở lại, đã thành Hòa thượng, kêu gọi để xây chùa tại Nhật, quyên được hai ba trăm ngàn đô. Đất Mỹ quả thật phì nhiêu, lòng người Phật tử rất thuần thành rộng rãi. Có biết nơi xứ Nhật, một tăng sinh ngọai quốc giới hạnh đầy đủ còn chưa có thể được tạm trú trong một ngôi chùa Nhật để tu học, làm gì có chuyện cho phép thầy tăng ngọai quốc cất chùa ở đó?

Nhật không phải là một khu quận Cam dể dãi, thiên hạ chen chúc nhau lập chùa! Ông ta cũng đã gần 70 rồi, nếu có thể lập chùa đi nữa, bao giờ mới xong? Lập xong rồi thầy sẽ tụng kinh giảng pháp cho ai? Cho người Nhật à? Cho nên tuy phát tâm cúng dường là một phước báu nhưng cư sĩ cũng phải suy lường đến kết quả của sự cúng dường đó. Phải biết dùng trí tuệ, là một phước báu lớn hơn trong đạo Phật, để nhận định mà cúng dường đúng theo chính pháp. Đừng có ý nghĩ tiêu cực rằng "tôi phát tâm cúng dường là tôi được phước, còn ông thầy làm bậy với số tiền cúng dường đó thì ổng mang tội ráng chịu". Người xưa còn có câu : "nối giáo cho giặc"; vậy xin hãy thận trọng.

4. Tích cực tham gia các công tác thuộc xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, ngay cả chính trị... Điển hình về những công việc cứu tế từ thiện, phải do cư sĩ đảm đương, vị Thầy chỉ đứng tên kêu gọi vì có uy tín, nhưng vị thầy đó không được đụng tới những đồng tiền đó (giới thứ 9). Ai là người đã mượn danh nghĩa cứu trợ nạn lụt vùng đồng bằng Cửu Long để bỏ vào túi riêng một ít tiền đó? Hãy noi gương của Ni sư Chứng Nghiêm bên Đài loan, hội Từ Tế của bà đã có mặt khắp nơi trên thế giới; những kiện hàng cứu tế ăm ắp trong kho chờ khi nơi nào có thiên tai nhân họa là sẵn sàng chất lên máy bay ngay. Ni sư chỉ ra đứng làm lễ chứng minh rồi nhường lại cho cư sĩ đảm trách phần thể hiện lòng từ bi chân thật của đạo Phật. Cư sĩ bảo trợ là những đại thương gia tài sản kết sù; họ cần một bậc chân tu chứng minh cho công tác từ thiện của họ; đây là không kể Ni sư cũng là chứng minh đạo sư cho một trường đại học y khoa (bà không có cấp bằng bác sĩ), đào tạo những tăng ni bác sĩ y tá với mục đich thực hịện những giáo lý từ bi thiện nguyện của Phật.

Phật tử Việt nam ngày nay không thiếu những cư sĩ có nhiều phương tiện vật chất, có đầy đủ đạo tâm, có dư thừa tình thương như thế, sao không thể làm được một hội từ tế cho Việt nam, sao không có được một ni sư Chứng Nghiêm cho Việt nam? Nói về tham gia chính trị, thì cư sĩ mới phải làm chính trị, để bảo vệ Phật Pháp. Cá nhân tăng lữ không được vì một cái ngã, đáng lý là mục tiêu cần tiêu diệt trên đường tu đạo, mà dẫn dắt cư sĩ vào đường chính trị rồi cứ hô hào là không làm chính trị. Phạm giới thứ tư! Tăng lữ cũng không được y áo chỉnh tề sì sụp lễ lạy hôn nhẫn linh mục Công giáo La mã để cầu viện đồng minh chính trò, liên tôn liên tiếc. Gương Gia Long cõng rắng cắn gà nhà còn sờ sờ đó. Tăng lữ cũng không để cư sĩ xỏ mũi để xum xê làm những con múa rối cho một tập đoàn cư sĩ "Made in Paris, funded by CIA" giật dây; đã "nội bất xuất, ngọai bất nhập, bị kìm kẹp?" thì làm sao có những văn thư viện trưởng này tăng thống nọ rập rềnh trên những phương tiện truyền thông ngoại quốc và cám ơn đầy đủ tên tuổi những cơ quan toàn cầu (global), những nhân vật chính trị nổi tiếng thế giới?

5. Giữ thái độ bình nhiên và bao dung trước những vị tu xuất: Nhờ đủ nhân duyên mà một người còn là tăng sĩ (chân chính); nếu nghiệp quả lôi kéo nửa đường phải xin giải y một cách đàng hoàng, cư sĩ cần phải hoan nghênh họ trở về với cư sĩ đoàn, tham gia những công tác đóng góp trong vai trò của cư sĩ cho Phật Pháp. Đã có nhiều thái độ trái nghịch, của một số cư sĩ mù quáng, khi một thầy tu giải giới thì bè diểu, phỉ nhổ khiến vì mặc cảm vị đó bỏ chùa bỏ đạo. Phật Pháp mất đi một cư sĩ có khả năng! Ngược lại, một vài thầy, danh tiếng vang dậy, che đậy giới phạm thứ ba (tăng tàn), sanh con đẻ cái, mà vẫn chễm chệ leo lên ngồi ghế cao để nhận xì sụp bái lạy của một số cư sĩ thuần tín. Có bao nhiêu con hoang – thật ra không hoang, vì chúng biết có mẹ có cha, mà không thể gọi một tiếng cha, còn đau khổ nào bằng – nếu ông thầy kia biết tàm quý, danh lợi trong cổng chùa cũng không cao cả linh thiêng bằng tình cha con máu thịt, để được tự nhiên vuốt tóc gọi một tiếng con (đau khổ nào hơn), thì thanh tịnh biết mấy cho hàng tăng lữ!

Cá phải sống nhờ trong nước, nhưng mà nước đục thì cá có thể chết. Nếu cư sĩ là nước, thì phải là những thứ nước trong sạch, để trưởng dưỡng cá tăng, bằng không, cá chết rồi mà nước tuy vẩn đục nhưng vẫn còn có thể là nước. Đây không phải là một cuộc cách mạng bạo lực, mà cư sĩ phải ý thức vai trò hộ pháp của mình, hộ trì chính pháp chứ không phải hộ tăng (nhất là những vị tăng tàn), mặc dầu tăng là những vị truyền bá chính pháp.

Cuộc chấn hưng đầu thập niên thế kỷ 20 do Thái Hư đại sư lãnh đạo cũng do vì tình huống tăng lữ quá hủ bại. Nay nếu trong giáo đoàn tăng lữ không ai dám, hay không có thể -- vì không có giáo quyền – để tiếp tục công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì cư sĩ phải là đòan thể có trách nhiệm và có bổn phận chấn chỉnh tăng già. Bởi vì cư sĩ là những vị hộ trì Tăng lữ để nối truyền mạng mạch của Phật Pháp, cư sĩ có quyền (có tiền là có quyền) và có khả năng (tất cả phương tiện không nằm trong 5 giới cư sĩ) để thực thi sứ mạng đó. Mong thay!

(Bài viết Hội thảo Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức" do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.)

Thích Quán Thông 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn