● Sự Thể Nhập Của Phật Giáo Việt Nam Trong Thế Kỷ Xxi

16 Tháng Hai 201200:00(Xem: 6730)

CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO 

PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức

SỰ THỂ NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XXI
Thích Lệ Thọ

Thế giới ngày nay, dường như nhỏ lại bởi thông qua lăng kính của tôn giáo, học thuyết, môi trường, thông tin và khoa học con người đã xích lại gần nhau, xoắn quyện vào nhau một cách chặt chẽ. Mặc dù vậy, nhưng không có nghĩa là khi con người đã xóa lằn ranh biên cương, màu da, sắc tộc là thống nhất, đặt lợi ích chung cho con người lên hàng đầu, mà dường như ngược lại những định hướng tư duy cho một thế giới đa nguyên.
 

Có thể nói đây là một vấn đề thách thức không riêng gì các nhà lãnh đạo và các tôn giáo. Triết lý và học thuyết lớn trên thế giới, khi nhìn về tính toàn cầu và mỗi quốc gia trở thành thành viên của WTO lại tạo thành những đợt sóng ồ ạt của các xu thế văn hóa và xã hội thời đại.

Đứng trước thách thức và cơ hội của bước ngoặc chuyển biến toàn cầu như thế, Phật giáo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng làm gì trước sự nhận định vượt thời gian của nhà bác học lỗi lạc người Đức ở thế kỷ 20: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy.” hay câu nhận định riêng về Phật giáo Việt Nam: “Mái Chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì với tinh thần thể nhập tùy duyên mà bất biến… để hóa giải cho việc phát triển nhưng thiếu tính bền vững, ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế và văn hóa… nhằm đáp ứng cho bước phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước ở thế kỷ 21?

Thiết nghĩ, ngày nay bài học đóng góp của các Đại sư qua nhiều triều đại như những thông điệp còn nguyên giá trị cho việc tham khảo. Đó là nét đặt trưng của Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy mà từ lâu người ta đã nhận xét “Phật giáo và dân tộc là người bạn song hành”. Khi đất nước cần sự đóng góp thì hàng tăng sĩ sẵn sàng làm bất cứ việc gì kể cả đóng vai người chèo đò để tiếp Sứ giả, để lại một ấn tượng đẹp và sự kính trọng trong lòng văn-hào Lý-Giác qua bài thơ:

Nguyên văn: 
Nga nga, lưỡng nga nga. 
Ngưỡng diện hướng thiên-nha.
 

Nghĩa là: 
Ngỗng kìa! Ngỗng một đôi! 
Nghểnh cổ nhìn góc trời.

Sư Thuận nghe, ứng-khẩu đọc tiếp: 
Bạch-mao phô lục-thủy. 
Hồng trạo bãi thanh-ba.
 

Nghĩa là: 
Nước xanh lông trắng phủ. 
Sóng biếc chân hồng bơi.[1]
 
 

Điều này cho chúng ta thấy, sự uyển chuyển của Đại sư Pháp Thuận cho thấy rằng tính thể nhập trong cách hành đạo ứng xử không bị khô cứng trong nhận thức. Tăng sĩ không phải lúc nào cũng đạo mạo, uy nghiêm với chiếc Y pháp phục mà phải dấn thân như hình ảnh của Ngài Quán Thế Âm, có mặt bất cứ nơi nào từ vua quan cho đến thứ dân đều có sự hóa thân của Ngài, nhằm mang đến hạnh phúc và an lạc.[2] Tinh thần đó rất sinh động và thích ứng cho nhận thức của Tăng sĩ đương đại, trong đời sống và hành đạo để đáp ứng cho nhu cầu của đất nước sau gia nhập WTO.

Phải chăng, từ trước đến nay chúng ta nhọc nhằn giữa quan điểm Tu tập, học thuyết và kinh doanh. Nên khi có hình bóng của Tăng sĩ là người ta nghĩ ngay đến việc ma chay siêu độ, và học thuyết thì yếm thế không có động lực kích thích cung cầu tạo nên nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, vừa qua trên diễn đàn “Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” của báo Thanh Niên đã có ý kiến của bạn Khánh làm việc ở NXB Chính trị quốc gia nhận định làm chúng tôi đã quan tâm: “…Phải chăng Phật giáo chủ trương Tư tưởng tiết dục và đạo Lão không đề cao chữ phú…nên đã tác động phần nào đến nền kinh tế nước nhà?..”. [3] Mặc dù ý kiến mang tính tham khảo, nhưng chúng ta không nên chủ quan mà phải “phản quan tự kỷ” đã và đang đóng góp những gì cho đất nước, từ con người đến học thuyết. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy 2 quan điểm rất rõ ràng trong giáo lý của Đức.

1/ Phật tử tại gia được phép làm bất cứ việc gì của xã hội, miễn là phải áp dụng phương thức “Chánh mạng”. Không làm giàu trên xương máu của người khác, không vì lợi nhuận cao mà đánh mất đi chữ tín. Đồng thời phải nói lời chân thật là nguyên nhân sanh phước, và cũng là tạo niềm tin cho đối tác về lâu dài. Tâm được an vui trong kiếp này và vị lai; sẽ có lợi lộc, quyền chức, giàu sang và nhiều bạn lành.[4] Nói lời chân thật làm cho đối phương dễ tin tưởng nơi ta, đồng thời cũng là một phương thức hoạt động trong thời điểm hội nhập WTO.

2/ Quan điểm và giáo lý cho người xuất gia, đặt nặng vào đạo lý Vô ngã, Tánh không, giải thoát. Không có gì thường hằng vĩnh cửu. Mọi sự vật hiện tượng đều do duyên sinh, tức là mỗi yếu tố được hình thành đều có liên hệ thiết với các yếu tố khác. Vì vậy, tất cả người xuất gia đều phải áp dụng theo tính triết lý là ít muốn, và không thụ hưởng vật chất để tâm hồn được thanh cao[5]. Vì vậy, đối tượng của người xuất gia nhắm đến là Diệu pháp tối thượng. Trong khi con người lại có khuynh hướng đi tìm sự trường cửu trong biến động của thế giới[6]. Từ đó bám víu vào từ thân thể của mình cho đến sáng tạo ra những ý niệm tồn tại để tranh danh đoạt lợi, đó là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Chính vì vậy, nên có không ít người đã quy kết giáo lý của Phật giáo là bi quan, yếm thế, xa rời thực tế đời sống, làm sao có đủ năng động tính trong nền kinh tế Tư bản hay kinh tế thị trường ngày nay? Trong đó cũng có số ít tu sĩ và khách quan nhận thức Đạo Phật phải ra rời “trần tục” nên đã tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm đến nhiều lĩnh vực của xã hội.

Trong khi giáo lý của Đức Phật hoàn toàn không phải vậy, Ngài không hề ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu kính. Cứu kính là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ. Không những kinh tế dồi dào, mà những điều quý báu nhất của nhân sinh như là sức khỏe dồi dào, thọ mạng lâu dài, dung nhan sáng đẹp v.v... tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống đạo đức và trí tuệ. Trong kinh “Chuyển luân thánh vương tu hành”, có đoạn dẫn chứng lời Phật giảng cho các Tỷ kheo:

“Các ngươi phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ tu điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của báu dồi dào, uy lực đầy đủ...” [7]

Chúng ta thử đi tìm một vài ý niệm mới khả dĩ kết hợp giữa tinh thần đạo Phật với sự phát triển, chính trị, xã hội và kinh tế thị trường như một điều kiện tất yếu và hỗ tương để đánh tan các thành kiến cũ.

Nhìn lại trong quá khứ, vai trò của Tăng sĩ có một vị trí nhất định trong việc đóng góp ý kiến ở nhiều lĩnh vực: Giúp nhà Lý lên ngôi mà không tốn một giọt máu đào. Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vực dậy một nền kinh tế sau nhiều năm chiến tranh, hay thổi vào hồn dân tộc một ý chí kiên trung để bẻ gãy ý chí ba lần xâm lược của quân Nguyên-Mông[8]. Hoặc các vị Thiền sư đã chứng đắc để lại nhục thân làm chỗ dựa tinh thần cho Tăng sĩ và Phật tử hướng thượng.

Điều đó, cho chúng ta thấy rằng các bậc tiền nhân đã ứng dụng giáo lý vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn! Vậy, với kinh nghiệm đó chúng ta sẽ làm gì cho công cuộc đổi mới đất nước? Trong khi hiện nay cả nước có khoảng 40 chục ngàn Tăng, Ni.[9] Theo sự thống kê của kế hoạch và dân số có khoảng 65% trên 74 triệu dân theo đạo Phật. Nhưng xem ra sự ảnh hưởng của Phật giáo chưa đúng với tiềm năng. Có thể xem đó là một thách thức.

Cơ hội để phát huy vai trò thể nhập của mình cùng khẩu hiệu hiện đại hóa đất nước ở thế kỷ 21 là hoàn toàn thích hợp với phương châm “Tri-túc-hành” trong đạo Phật là biết dùng các phương thức sử dụng tài năng để soi xét, tìm hiểu. Dùng lý trí để phán đoán sự vật mà không cho tình cảm xen lấn vào. Một trong bốn điểm của “Tứ- nhiếp-pháp” là người Phật tử cố làm tất cả mọi công việc xét thấy có lợi cho bản thân và tập thể. Áp dụng tính thực tiễn này trong lãnh vực sản xuất, vấn đề quản trị sẽ nhẹ bớt các biện pháp giám sát, động viên nhân công. Người quản đốc vì hiểu được lợi hành, nên tự coi mình bình đẳng với nhân viên trong môi trường làm việc, đánh mất tính chỉ huy, mệnh lệnh. Người nhân viên vì hiểu được lợi hành, nên có ý thức trách nhiệm, không mặc cảm thứ bậc, tránh khỏi tính bất mãn, chống đối vô cớ.[10]

Trách nhiệm trên hoàn toàn mang tính khả thi và thực tiễn, bởi không vực dậy tinh thần dân tộc và áp dụng giáo lý vào đời sống thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng của Ấn Độ hiện nay xem “thương trường là chiến trường” bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Họ phải sống chung với áp lực bắt nguồn từ nhân viên, thời hạn kết thúc công việc. Ngoài ra còn phải vắt óc để khơi nguồn sáng tạo để theo kịp các tập đoàn lớn, nên có khoảng 70% các vị giám đốc (CEO) đã bị trầm cảm (Stress) trầm trọng tới mức bị tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa và mất ngủ…[11]

Ở điểm này, xin đề xuất với giáo hội Trung Ương và Ban Hoằng pháp hãy sớm thay đổi quan điểm, thuật ngữ trong phương thức giảng dạy cho giới trẻ và doanh nghiệp những khóa tu phù hợp nhằm giúp họ thanh lọc tâm hồn loại bỏ gánh nặng công việc để mang lại sự thăng bằng giữa thân và tâm là hết sức cần thiết cho việc phát triển bền vững.

Chính vì nền tảng giáo lý không định kiến, tạo cho con người sự tự do, khai phóng về tư duy: “không nên tin vào giáo điều, không vịn vào những tập quán lưu truyền đã tạo nên thành kiến, không tin vào những điều được lập đi, lập lại, hoặc những bút tích của thánh nhân... ”[12]. Thông điệp đó giúp cho tư duy nảy sinh ra nhiều sáng tạo. Kết quả sau cùng của mọi suy tư tạo nên tính hợp lý trong lề lối suy nghĩ và hành động. Khi nhìn vào sự vật và hoàn cảnh theo quy luật biện chứng nhân duyên, nhân quả, từ đó các nhà kinh tế kế hoạch sẽ có khả năng tiên liệu, sắp đặt tổ chức công việc khoa học.

Mối liện hệ hữu cơ giữa tính-hợp-lý-hóa về tổ chức và tinh thần “Duy Tuệ Thị Nghiệp” sẽ linh động hóa, khả năng quản trị, sản xuất, chế tạo, theo nhu cầu và khả năng thực tế con người và điều kiện của Việt Nam hiện nay. Bởi nông dân còn quá xa lạ với hội nhập. Họ chưa được trang bị những kiến thức cũng như chưa được hỗ trợ những biện pháp đối phó khi tháng 10/2006 tới đây Việt Nam vào WTO. Nhưng vẫn còn tồn động khoảng 4,2 triệu hộ nghèo, hơn 31% lao động có trình độ cấp I, đấy sẽ là một rào cản để kinh tế nông nghiệp- nông thôn vượt lên.[13]

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây, Việt Nam sẽ mất thời gian bao lâu để xóa khoảng cách đó? Liệu hiện nay ta cố gắng vào WTO có sớm không? Còn bây giờ vận động các đoàn thể xã hội tham gia để giúp chính sách nhà nước đẩy nhanh trình độ nhận thức có muộn không? Theo tôi, nếu có muộn thì vẫn phải quyết tâm làm còn hơn không. Đấy là một thực tế, chứ đừng nghĩ, gia nhập WTO là phép mầu, để rồi sau vài năm Việt Nam tự nhiên trở thành một trong các nước phát triển! Thiết nghĩ, Tăng Ni trẻ sẽ là những “đại sứ thiện nguyện” để mang kiến thức và tri thức đến mọi tầng lớp thông qua các bài giảng bằng ngôn ngữ thế kỷ 21 nhằm cân bằng “đạo đức-kinh doanh” cho sự phát triển với chiều sâu.

Giai đoan đổi mới và hội nhập hiện nay là một cơ hội tuyệt vời cho khái niệm “Tri hành hợp nhất” của Phật giáo. Bởi từ ngàn xưa Phật giáo có một vai trò rất quan trọng đối với các sách lược nhằm “trị quốc, an dân bình thiên hạ” thông qua tinh thần “Bi-Trí-Dũng”. Nên được làm một tu sĩ Phật giáo Việt Nam là vinh dự lớn trước truyền thống đặc thù quí giá của dân tộc. Nhưng lâu nay, vai trò ấy dường như thụ động trước mọi vận hành của quốc gia? Hằng ngày báo chí đưa tin biết bao nhiêu vấn đề cần phản ảnh đến những người hữu trách, nhưng thật ít ỏi được sự phản hồi từ phía cá nhân cũng như tạp chí trong giới Phật giáo!

Nếu Phật giáo tiếp tục quan điểm “ổn định để phát triển” thì cũng phải khẳng định móc thời gian bao lâu cho sự ổn định? Chứ sự ổn định đến mức như yên lặng, thì chính phủ nào, thủ tướng nào giỏi cách mấy đi nữa cũng khó phát huy được năng lực lãnh đạo và đưa đất nước đi lên. Bởi thiếu sự bày tỏ chính kiến, thẳng thắn góp ý những chỗ chưa đúng hoặc nghị quyết chưa phù hợp cho sự phát triển với thế giới v.v... Không biết chính phủ sẽ nghĩ gì khi người “bạn” song hành lại để một mình “đơn thương độc mã” trên thương trường cũng là chiến trường sắp tới đây? Có thể nói ngay bây giờ, rất cần những ngọn lửa bùng cao, tỏa rộng và đồng thời liên tục mở ra các cuộc hội thảo quốc tế như thế này để nhân tài hướng về, có vậy thì vượn khí của quốc gia mới hội tụ và vận hành theo chiều hướng phát triển. Chứ không xã hội sẽ quen theo cách không cần người tài. Để rồi tiếp tục trả giá cho một thời bạc đãi đạo đức và giáo dục[14].

Bởi bản chất của con người là thích thụ hưởng nên hội nhập mà thiếu cân nhắc trong thời đại thì người thiếu ý thức sẽ tự đánh mất “con người thật của mình”, chạy theo cái giả dối, thèm muốn điên đảo, không bao giờ có thể thỏa mãn. Trong thời đại văn minh như hiện nay, con người có đời sống vật chất rất cao, rất phong phú, nhưng đời sống tinh thần thì lại bị dao động, thiếu thốn, mất thăng bằng v.v… với một tâm lý như vậy rất dễ đưa họ đi vào con đường tôn sùng chủ nghĩa thụ hưởng trụy lạc, chẳng cần biết ngày mai. Đó là con đường dẫn họ và giới trẻ đến nghiện ngập, hút chích, ma túy, hoặc nặng hơn có thể đi đến tự sát!

Nói theo lương tâm, muốn cho nước nhà sau khi hội nhập được phát triển và bền vững, thì mọi giới trong xã hội phải ý thức được mình đang ở đâu, hoặc tự đánh giá nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ để góp chút sức mọn cho công cuộc đổi mới. Chứ đừng đòi hỏi nước Việt Nam đã làm cho ta những gì? Và Tăng Ni trẻ Phật giáo sẽ tiếp nối truyền thống: “Mái chùa che chở hồn dân tộc” hoặc phát nguyện:

Nơi nào chúng sinh cần con đến,

Đạo pháp cần con đi.

Chẳng kể gian lao,

Chẳng từ khó nhọc.

Lần gia nhập WTO này sẽ là điểm son tô thắm thêm cho dòng sử Việt và cũng là cơ hội tuyệt vời cho ý niệm thể nhập của Phật giáo một cách thiết thực chứ đừng nghĩ, gia nhập WTO sẽ là phép mầu, sau vài năm Việt Nam tự nhiên trở thành một trong các nước phát triển, nếu không có sự chọn lọc cho hướng đi đúng đắn và sự chuẩn bị kế hoạch lâu dài bắt đầu từ ngày hôm nay!

[1] Đại-việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên. (Lê)

[2] Kinh Pháp Hoa, Phẩm Quán Thế Âm. H.T Thích Trí Tịnh

[3] Báo Thanh Niên, diễn đàn “Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” 28.05.2006

4 Kinh Hạnh phúc (Mangalasutta).

[5] Văn Minh Ấn Độ, Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch

[6] Bát Đại Nhân Giác, Đệ nhất giác ngộ

[7] Trường A Hàm - trg 327. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành.

[8] Việt Nam Phật Giáo Sử lược, TS Thích Nhất Hạnh.

[9] Thống kê tự viện, năm 2000

[10] Từ tâm linh đến vấn nạn kinh tế, Nguyễn Văn Hóa

[11] Hiệp hội thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) khảo sát, 2006.

[12] Kinh Kalama

[13] Giới thiệu về hội chợ thương mại nông nghiệp-nông thôn, Vũ Ngọc Kỳ, 12.07.2006 (Chủ tịch hội T.Ư Nông dân VN.)

[14] Hoà nhập thế giới, tránh cách làm dị biệt, Đoàn Lê Giang (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGTpHCM)

Đây là bài viết tham dự Hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và Thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.

Thích Lệ Thọ 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn