- Thử Tìm Mô Hình Phát Triển Phật Giáo Việt Nam Từ Bối Cảnh Lịch Sử

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4177)

HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

 THỬ TÌM MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TỪ BỐI CẢNH LỊCH SỬ HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN

 
 
blankGiáo hội Phật giáo Việt Nam mới, phải là một giáo hội đủ mạnh về tiếng nói ở trung ương, có sức thuyết phục các tổ chức khác qui tụ về mình, đủ quyền lực với cơ sở Phật giáo hạ tầng, để làm lợi ích cho nhân sinh xã hội và đem lại an lạc giải thoát cho Phật giáo đồ.

1. Sự trao đổi sinh viên giữa các miền để giao lưu kiến thức và học tập lẫn nhau.

Bối cảnh là trường đại học Phật giáo đầu tiên năm 1936 tại Phật học đường Tây Thiên Di Đà do Sơn môn Tăng già Huế tổ chức, Hòa thượng Phước Huệ chủ giảng. Khóa học này có sự trao đổi sinh viên đầu tiên của ba miền. Miền Bắc có các vị Tâm Ấn, Tâm Chính, Tâm Thông, Thanh Thùy, Tố Liên… Miền Nam có các vị Thiện Hòa, Thiện Hoa, Bửu Ngọc, Trí Tịnh, Hành Trụ… Chính sự trao đổi sinh viên đầu tiên này, mà các vị tăng tài xuất chúng lãnh đạo giáo hội ngày nay đều ra trường từ lớp đại học đầu tiên của thời kỳ chấn hưng Phật giáo đó.

Sau khi tham cứu các chương trình Phật học ở Huế về, Ngài Tố Liên đã viết: “Tôi nghe nói trường Phật học ở Huế có cả triết học Đông Tây, nếu ngoài Bắc ta có mở trường Phật học cũng nên theo chương trình Phật học ở Huế, rồi tùy cơ châm chước mà giáo huấn thì Phật học hiện hữu mới được tiến đạt” (Đuốc Tuệ số 40 ngày 20.9.1936). Từ bối cảnh ngày xưa mà nhìn về sự nghiệp đào tạo tăng tài ngày nay. Ta thấy cần rút ra những điều để học tập:

- Hiện cả nước có 4 trường đại học Phật giáo, trải dài cả ba miền Bắc Trung Nam và mới đây là trường đại học Phật giáo Cần Thơ dành cho chư tăng Nam Tông Khmer, nhưng chương trình giảng dạy còn chênh lệch nhau khá xa. Tại sao ta không tổ chức trao đổi giáo trình cho thống nhất? Tại sao ta không cho sinh viên tự do lựa chọn trường để học? Tại sao ta không trao đổi giảng viên giáo thọ để giá trị đào tạo của trường ngày một nâng cao? Ngài Tố Liên đã đi trước chúng ta một bước về mặt giao lưu hội nhập, đó là nền tảng cho sự thống nhất Phật giáo lâu dài.

- Sự phát triển tất yếu của khoa học và nhu cầu tiếp cận văn hóa giáo dục phổ thông của xã hội, đòi hỏi hệ thống giáo dục Phật giáo phải cập nhật hóa chương trình đào tạo, sao cho ngang tầm thời đại và bắt kịp các lĩnh vực nhạy cảm của nhu cầu xã hội đặt ra cho tôn giáo. Ngài Tố Liên thời đó là một thanh niên Tăng, đã có những trăn trở và ước vọng về xã hội hóa Phật giáo. Mà muốn xã hội hóa Phật giáo, trước hết hàng ngũ thanh niên Tăng phải cập nhật được kiến thức xã hội, mới có thể bước chân ra khỏi đại dương mà hội nhập vào thế giới. Ta thấy qua các bài viết của ngài đăng trong Đuốc Tuệ số 34 “Thanh niên Tăng chúng tôi với Phật học”; số 42 “Cái buồn chung của Tăng giới thiếu niên trụ trì”. Chính vì nỗ lực cho mục đích ấy, mà sau này ngài được các tổ chức Phật giáo Việt Nam cử làm đại biểu đi tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, đem về lá cờ Phật giáo cho nước ta với tư cách thành viên quốc tế.

2. Lá cờ Phật giáo và pháp nhân của Phật giáo Việt Nam trên trường thế giới.

Lá cờ ngũ sắc của Phật giáo đã là một biểu tượng chung cho tất cả các quốc gia Phật giáo trên toàn thế giới, kể từ ngày 7 tháng 6 năm 1950 với 26 nước thành viên, mà Việt Nam là một thành viên sáng lập với chức danh đầu tiên là Phó Chủ tịch hội Phật giáo thế giới của ngài Tố Liên. Điều đáng tự hào ở đây, chính ngài Tố Liên là người soạn thảo chương trình trù bị cho hội nghị, khíến cả hội nghị đều kính nể đại biểu Việt Nam ăn nói hoạt bát hơn hết (1). Ngày lịch sử của giáo kỳ Phật giáo thế giới lần đầu tiên treo phất phới tại chùa Quán Sứ là vào ngày lễ Phật đản mồng Tám tháng Tư năm Tân Mão (13.05.1951).

Chúng ta thấy rằng, lá cờ Phật giáo ấy đã được Phật giáo nước ta chấp nhận kể từ ngày ấy, trước khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam được chính thức thành lập ngày 09. 05. 1951 gồm 51 đại biểu khắp cả ba miền Bắc Trung Nam. Thế thì, giáo kỳ này đã đương nhiên đã là giáo kỳ của các tổ chức Phật giáo Việt Nam từ đó trở về sau, chứ không phải là của riêng một tổ chức Phật giáo nào khác ngoài lãnh thổ Việt Nam tự nhận đó là của riêng mình hoặc phủ nhận nó không là của mình. Lịch sử đã chứng minh sự kiện này bởi công lao của ngài Tố Liên, đem về một điểm son rạng rỡ cho lịch sứ Phật giáo Việt Nam kể từ ngày ấy.

Thế thì có gì là trở ngại mà khiến một thời gian dài, lá cờ này lại bị vắng bóng ở nơi địa phương đã treo nó đầu tiên? Mọi việc dẫu đã qua rồi theo thời gian do ý thức hệ khác nhau, nhưng giờ đây là lúc tất cả chúng ta những người con Phật tìm đường quay về nguồn cội, chúng ta tìm thấy trong bối cảnh của ngài Tố Liên thuở ấy một bài học lịch sử vẫn sáng giá cho sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết Phật giáo, lấy yếu tố thống nhất ý chí hạnh nguyện của những người con Phật khắp năm châu dưới một lá cờ ngũ sắc Phật giáo, tựa như chúng ta có đồng một bản thể là Phật tánh vốn không thể phân chia xưa nay, trong ngoài, xa gần vậy.

3. Mô hình Tổng hội ngày xưa, có thể là mô hình của Phật giáo phát triển ngày mai?

A. Phật giáo Việt Nam qua những chặng đường thống nhất

- Chặng đường thống nhất đầu tiên là sự thành lập các hội Phật giáo của giai đoạn Chấn hưng 1930 - 1945. Trong giai đoạn này, Phật giáo đã có những cuộc tập họp đầu tiên, khơi nguồn cho các Hội Phật giáo ở khắp ba miền đất nước được thành lập. Ngài Tố Liên đã tích lũy kiến thức từ các Phật học đường để hoài bão cho công cuộc thống nhất.

- Chặng đường thứ hai, là việc tập họp thành một khối thống nhất cả nước, thông qua việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 và Giáo hội Tăng Già toàn quốc năm 1952. Hai tổ chức Phật giáo này là sự đồng thuận đầu tiên cho quá trình phục hưng Phật giáo Việt Nam, đặt nền tảng cho sự pháp triển Phật giáo sau này. Chính chặng đường này, ngài Tố Liên là một trong những nhân tố chủ chốt của cuộc vận động thống nhất Phật giáo thời bấy giờ với phương châm “bước đầu là Tổng hội, bước hai là Giáo hội”. Rất tiếc rằng việc thống nhất trên nền tảng liên hiệp các tổ chức Phật giáo của ngài Tố Liên mới làm được bước đầu, chưa thể đi xa hơn do cuộc chiến tranh Việt Pháp đã làm lu mờ vai trò của Tổng hội và bị đứt đoạn bởi sự chia đôi đất nước.

- Chặng đường thứ ba, sau khi đất nước chia đôi bởi hiệp định Geneve năm 1954, miền Nam dưới sự cai trị độc tài của nhà Ngô đàn áp Phật giáo, các giáo hội, giáo phái, hệ phái ở miền Nam đã đoàn kết thành một khối đấu tranh chống lại sự bất công của nhà Ngô, dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ chính quyền ngày 01.11.1963. Sau đó là sự ra đời của một tổ chức Phật giáo mới tại miền Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giáo hội này với sự chủ súy của Ngài Trí Quang tiến hành trực tiếp bước đi thứ hai là hợp nhất như phương châm ngài Tố Liên từng đề xướng, nhưng yếu tố thống nhất toàn diện bằng cách đồng hóa các hình thức Phật giáo, đã vấp phải sự bất hợp tác của các giáo phái và sớm bị tan vỡ khối thống nhất ngay sau khi thành lập không bao lâu, do việc các tổ chức Phật giáo dần dần rút chân ra khỏi giáo hội này. Hội Phật học Nam Việt là một thành viên nòng cốt trong phong trào đấu tranh và hưởng ứng thành lập giáo hội, lại là thành viên rút chân đầu tiên ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập. Lý do vì giai đoạn quá độ từ hình thức liên hiệp - tổng hội trong khối đoàn kết ở bước một chưa thật sự chín mùi, và sự thống nhất mang màu sắc triệt để đã làm tan vỡ khối thống nhất ấy. Cuối cùng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy phổ cập ở khắp miền Nam, nhưng cũng không thể đại diện cho các màu sắc khác nhau của Phật giáo Việt Nam.

- Chặng đường thứ tư, kể từ khi đất nước được thống nhất năm 1975, Phật giáo hai miền Nam Bắc đã xúc tiến vấn đề thống nhất về một mối trên tinh thấn thống nhất ý chí và hành động nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của sơn môn hệ phái, nghĩa là chính thức đi vào bước hai của phương châm ban đầu. Ban vận động thống nhất Phật giáo được thành lập, cổ động khắp cả ba miền để đi đến Hội nghị đại biểu Phật giáo tháng 11 năm 1981, thành lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Chặng đường thứ tư này đã làm tốt sứ mệnh của nó trong 25 năm qua nhờ các yếu tố thuận lợi là:

- Quốc gia độc lập thống nhất không còn ngoại xâm.
- Đặt trên cơ sở đồng thuận giữa các hệ phái, giáo phái.
- Được chính quyền địa phương cho phép và tạo điều kiện.
- Không áp dụng hợp nhất triệt để mọi hình thức bản sắc.

Tuy nhiên, cũng không phải là giáo hội hiện nay với mô hình thống nhất này không gặp phải những trở ngại trên bước đường phát triển ngay từ đầu.

B. Bài học từ những mô hình thống nhất trong lịch sử.

Qua bốn chặng đường này, chúng ta rút ra được bài học gì từ ý hướng thống nhất Phật giáo trong quá trình lịch sử? Đó là hai mô hình tổ chức giáo hội.

1) Mô hình thứ nhất, tôi tạm gọi là mô hình theo quan điểm của ngài Tố Liên (vì phát xuất từ giai đoạn hoạt động của ngài và còn có nhiều vị khác cũng đồng quan điểm này) (2). Đây là mô hình kết hợp bước 1, liên hiệp các tập đoàn Phật giáo để bầu ra một ban lãnh đạo tinh thần, đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Thế mạnh của mô hình này là dễ dàng thuyết phục và dung nạp được tất cả các tổ chức Phật giáo đồng lòng vào trong liên hiệp, dựa vào nhau để tồn tại trong ngôi nhà chung, giống như chính sách đại đoàn kết của Mặt Trận Tổ quốc, trở thành lực lượng đông đảo dưới lá cờ Tổng hội. Mô hình này cũng đã phát huy rực rỡ trong giai đoạn đấu tranh của Phật giáo năm 1963, khi mà Tổng hội Phật giáo thành lập ra Ủy Ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo để đấu tranh cho 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ. Chính lúc ấy, vai trò tổng lực của Phật giáo phát huy ở đỉnh cao nhất. Nhược điểm của mô hình này là không có hệ thống quản lý nhất quán, nên khó đạt được mục tiêu chung, thường không đồng nhất trong hành động chỉ vì lợi ích riêng của các tập đoàn.

2) Mô hình thứ hai, tôi cũng tạm gọi là mô hình theo quan điểm của ngài Trí Quang (và cũng có nhiều vị khác cũng đồng quan điểm này) (3). Đây là mô hình ở bước 2, thống nhất tổ chức toàn diện, thống nhất hành động và tư tưởng để trở thành một giáo hội có tính quản lý cao. Thế mạnh của mô hình này là sự chặt chẽ trong hệ thống hành chính và giáo quyền xuyên suốt, với tính nhất quán trong hoạt động. Mô hình này dễ tạo ra các mệnh lệnh có hiệu lực để thực hiện một chủ trương đường lối do lãnh đạo đề ra. Ta thấy điển hình của mô hình này là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Nhược điểm cố hữu của mô hình này, chính là sự muốn gạt bỏ mọi giáo quyền riêng của các giáo phái thành viên, Điều này đã khiến cho tính thống nhất tuyệt đối không được bền lâu, bởi chỉ là một nên khó thể dung nạp tất cả dị biệt hay giáo quyền riêng của các tổ chức giáo phái khác.

Hai mô hình này, tùy theo diễn biến của hoàn cảnh lịch sử, ta thấy đã có lúc thành công nhưng cũng có khi vấp phải sự bất đồng sâu sắc trong quá khứ và hiện tại. Với giai đoạn lịch sử giành độc lập từ ngoại xâm hay đấu tranh chống áp bức bất công, thì mô hình 1 của ngài Tố Liên là cần thiết để kết đoàn tập họp. Với giai đoạn lịch sử chính trị ổn định xây dựng nền tảng cơ sở để phát triển, thì việc chọn mô hình 2 để thống nhất về một mối là đúng đắn và hiệu quả. Như thế chúng ta mới có được một giáo hội hợp nhất và đủ mạnh để quản lý xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Đó cũng là phù hợp theo diễn biến tất yếu của lịch sử nước nhà trong giai đoạn cần thiết có sự quản lý chặt chẽ. 

Tuy nhiên, thế kỷ 21 là thế kỷ hội nhập, sau khi đất nước chúng ta mở cửa bắt tay bè bạn với cả năm châu không phân biệt ý thức hệ. Tôi nghĩ rằng sự phát triển tất yếu của Phật giáo ở giai đoạn mở cửa này để đồng bộ cùng đất nước, là chúng ta cần phải mở rộng vòng tay giáo hội, dung nạp các tổ chức Phật giáo trong ngoài nước về dưới ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam. Ở giai đoạn này thì ta thấy mô hình 1 của ngài Tố Liên có những yếu tố ưu việt để phù hợp với bước đi của thời đại.

Sở dĩ tôi có quan điểm như thế, cũng không có nghĩa mô hình liên hiệp - tổng hội là một bước lùi về quá khứ, càng không phải là sự lập lại nguyên bản một hình thức trong lịch sử, mà là chúng ta dựa trên nền tảng của mô hình 2 đã hình thành sẵn có, phát triển lên mô hình mới từ sự chọn lọc có tính kế thừa của cả hai bước mô hình đã có quá trình lịch sử. 

Ví như trong lĩnh vực kinh tế, từ hình thức những công ty riêng lẻ (company) (A), người ta nối kết lại bằng hình thức liên hiệp đi lên tổng công ty (head of company) (B), rồi từ tổng công ty sẽ phát triển tiến lên thành tập đoàn (corporation) (C). Tập đoàn không có nghĩa là hình thức khác của Tổng công ty, vì nó có tính ưu việt và xuyên suốt trong lãnh đạo nhưng hoạt động tài chính và kinh doanh vẫn độc lập. Nghĩa là phải từ A đi đến B, rồi từ A + B sẽ phát triển lên thành C. Trên cơ sở ví dụ này, ta thấy mô hình 1 từ thời ngài Tố Liên (liên hiệp - tổng hội) không phải là sự lập lại danh nghĩa, mà ngay tự thân tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay (mô hình 2) sẽ tiến lên là ngôi nhà chung, chấp nhận và dung nạp các tổ chức Phật giáo khác trong và ngoài nước để nâng lên thành một khối liên hiệp mà thống nhất, tôn trọng sự quản lý riêng mà cũng nhất quán trong lãnh đạo. 

Thế thì, bài học từ bối cảnh hoạt động xưa của ngài Tố Liên, chúng ta kết hợp với những gì hiện có phát triển đi lên thành một tổ chức Phật giáo rộng rãi hơn, có tầm nhìn hiện đại vượt ra thế giới vậy. Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới, phải là một giáo hội đủ mạnh về tiếng nói ở trung ương, có sức thuyết phục các tổ chức khác qui tụ về mình, đủ quyền lực với cơ sở Phật giáo hạ tầng, để làm lợi ích cho nhân sinh xã hội và đem lại an lạc giải thoát cho Phật giáo đồ.

Chỉ có mạnh dạn chấp nhận bước đi như thế, chúng ta mới gọi là mở rộng, là phát triển theo sự hội nhập của đất nước để hòa nhập vào với Phật giáo thế giới. Tất cả những người Việt Nam theo đạo Phật đã và đang sinh hoạt trên khắp thế giới cũng đang trông chờ những tín hiệu sự đổi mới đột phá từ nội tại tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để họ có điểm tựa quay về cống hiến hoạt động cho quê hương xứ sở, như là Tăng thân Làng Mai của Hòa thượng Nhất Hạnh đang làm hiện nay vậy. 

Từ quan điểm tư tưởng tầm cỡ của ngài Tố Liên làm điển hình tiêu biểu, chúng ta rút bài học ra từ ngay cuộc hội thảo khoa học này, mạnh dạn đề xuất những quan điểm đổi mới trong đường lối tổ chức vào ngay trong Đại hội Phật giáo kỳ 7 tới đây. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ đi đúng bước lịch sử có kế thừa phát huy, để làm rạng rỡ ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam ở ngày mai.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26. 02. 2007 

Tỳ kheo Thích Đồng Bổn
* -Tiến sĩ, Giảng viên Học viện PGVN tại TP. HCM
 - Phó Ban PGVN - Viện NCPH Việt Nam 

Chú thích:

(1) Theo Lược khảo PG sử Việt Nam, chương Tổng hội PGVN ra đời, trang 250. 

(2) Hầu như chư tôn đức bên Tăng già và cư sĩ đều có quan điểm như ngài Tố Liên, tham gia Tổng hội nhưng vẫn giữ lại tổ chức Phật giáo riêng của địa phương. Ở miền Nam tiêu biểu là Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

(3) Quan điểm của ngài Trí Quang rõ rệt trong việc hợp nhất trong GHPGVNTN, khiến cho các tổ chức PG khác không đồng tình mà rút lui khỏi giáo hội như Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Thiền tịnh Đạo tràng, Hội Sư Sãi Tây Nam bộ, Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo hội Khất sĩ….. 

Tài liệu tham khảo:

- Lược khảo Phật giáo Sử Việt Nam, Vân Thanh, Sài Gòn 1973.
- Phật giáo Việt Nam Sử Luận tập III, Nguyễn Lang, Paris 1985. 
- Tư liệu chuẩn bị cho hội thảo về HT. Tố Liên, Nguyễn Đại Đồng, Hà Nội 2006. 
- Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, HT. Trí Hải, Nxb Tôn giáo 2004.
- Tấm gương Tam quy, Tố Liên, Hội Việt Nam Phật giáo, Nhà in Đuốc Tuệ, 1949.
- Tiểu sử danh Tăng Việt Nam tập I, Thích Đồng Bổn (chủ biên), TP.HCM, 1996.
- Phương tiện bán nguyệt san, số 17 - 28, Hội Tăng Ni Bắc Việt, Hà Nội 1950.
- Tin tức Phật giáo, số 31 - 64, phụ trương Phương Tiện bán nguyệt san, Hà Nội 1952. 
 
Thích Đồng Bổn
 
Phật Tử Việt Nam

03-29-2007 08:56

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 10390)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 5869)
Biết rằng cuộc sống là không công bằng và rằng bạn sẽ thường xuyên vấp ngã, nhưng nếu các bạn dám chấp nhận rủi ro, dám tiến lên trong những thời điểm khó khăn nhất, dám đối mặt với những kẻ bắt nạt, nâng đỡ những người bị áp bức và không bao giờ… không bao giờ bỏ cuộc - nếu các bạn làm được những việc này, thế hệ tiếp theo và các thế hệ nối tiếp sẽ sống trong một thế giới tốt hơn nhiều so với thế giới của chúng ta ngày hôm nay, và những gì được bắt đầu ở đây sẽ thực sự thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 8312)
Từ quan điểm chủ quan hay khách quan,sự an lạc của con người là nhu cầu cơ bản của xã hội loài người .Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các tổ chức và thể chế xã hội khác nhau đã xuất hiện với mục tiêu duy trì sự sống của nhân loại trong tinh thần hòa hợp. Nhiều đóng góp đã được thực hiện nhằmcủng cố và phát triển them phúc lợi cho xã hội loài người.
11 Tháng Năm 2014(Xem: 7099)