- Hòa Thượng Tố Liên - Người Con Tinh Tấn Của Đức Phật

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 3338)


HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức

HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN
NGƯỜI CON TINH TẤN CỦA ĐỨC PHẬT
Phúc Hải - N.Q.Cừ

Nhớ Ngài, biết ơn Ngài trong cuộc hội thảo này chúng tôi nghĩ không gì thiết thực hơn là thực hành những ý tưởng của Ngài đối với Phật pháp từ cách đây 50 năm. Đã 50 năm hay 1/2 thế kỷ nhưng những ý tưởng ấy hầu như vẫn còn rất mới, rất phù hợp, rất khế lý, khế cơ với hiện tại bây giờ.

Vào những năm của Thập niên 50; 60 thế kỷ 20 - Đến Lễ Phật tại Tùng Lâm Quán Sứ Phật tử thường nói đến tên “cụ Tố” một cách trừu mến và kính cẩn: vào vấn an Cụ Tố, vào hỏi cụ Tố v.v… “Cụ Tố” đây chính là Thượng tọa Thích Tố Liên người trụ trì Tùng Lâm Quán Sứ những năm từ 1945 đến khoảng 1960; một cao tăng uyên thâm Phật pháp, đạo hạnh sáng ngời vào hàng bậc nhất. 

Đã 30 năm vắng bóng Ngài tại chốn Tùng Lâm uy nghi này nhưng tại đây hôm nay ta vẫn còn mường tượng bóng dáng Ngài, nâu sồng giản dị của một bần tăng như Ngài tự nhận, đứng trên hiên nhà Tổ miệng nhai trầu môi đỏ thắm; vẫn như văng vẳng tiếng Ngài giảng Kinh Pháp, tiếng đáp lễ thân tình với khách thập phương. Thời gian của những năm ấy Thượng tọa mới ở độ tuổi 50 vậy mà bằng những việc thực người thực, ở Ngài đã hiển lộ chân tính của một bậc cao tăng thạc đức “thâm nhập kinh tạng trí tuệ như biển”; đúng là một xứ giả của Như Lai.

Ngài nói được; viết được; thực hành được góp phần gây tạo nên một lực lượng trụ cột của tăng đoàn thời kỳ đó như các vị Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Mật Ứng, Hòa thượng Trí Hải, Cư sĩ Thiều Chửu, Cư sĩ Tuệ Nhuận v.v … Có thể nói Ngài sinh ra là để dành cho Đạo Phật, con người của Ngài là con người của Đạo Phật, cả cuộc đời Ngài đã lặn lội hiến dâng son sắt thủy chung với Đạo, tôn kính Đức Phật đến tuyệt đối.

Chúng ta biết ơn các bậc sinh thành đã sinh ra Ngài và dẫn đưa Ngài vào con đường Phật pháp. Tùng Lâm Quán Sứ thời kỳ Ngài trụ trì uy nghi và êm đềm, sâu lắng một tâm linh đạo pháp; sân chùa giải sỏi lạo sạo bước chân đi trồng nhiều cây cao bóng mát; chùa có tòa báo Phương Tiện, có máy in, có trường tư thục Việt Đồng, có lớp Anh văn vào buổi tối, những năm 1950 – 1952 lại có nuôi cả một số học sinh nghèo đến tạm trú; các Ngài còn thành lập đội Thanh niện Phật giáo mặc đồng phục đội mũ vải chóp nâu … 

Chúng tôi đã được nhìn thấy khung cảnh trên và đến bây giờ sau cả đời nhìn lại chúng tôi mới nhận được ra rằng: ấy là công lao của chư Tăng hồi đó mà Hòa thượng Thích Tố Liên là một trong những vị có công đầu; một vị lãnh trách nhiệm cao nhất trong việc hoằng pháp lợi sinh trong một hoàn cảnh xã hội khó khăn phức tạp của thời thuộc Pháp và thời chiến tranh Việt Pháp, chết chóc, ly tán, túng đói xảy ra hàng ngày.

Trong vô vàn những kiến thức sâu sa của Phật pháp mà Ngài đã đạt, hôm nay hội thảo về ngài ta không thể không tán thán Ngài, học tập Ngài qua những phần sau đây:

I. Lòng Kính tin Đức Phật chân thành và tuyệt đối.

Như chúng ta đã biết, với mỗi người con Phật 3 yếu tố Tín, Hạnh, Nguyện là cứu cánh để đi đến đạt đạo, trong đó tinh thần tin yêu Phật là hàng đầu. Có tin thì mới có quyết tâm mới có son sắt thủy chung và từ đấy mới soi sáng trên con đường hành đạo, soi sáng cho những bước khó khăn của con đường Tu hành gian khổ – Với Hòa thượng Thích Tố Liên chúng ta thấy lòng kính yêu Đức Phật Tổ Như Lai thật sâu sắc vô cùng, hiếm có sự tỏ ngộ như Hòa thượng. Chúng ta hãy xem Ngài viết trong ký sự đi thăm Ấn Độ 1950 khi đến chiêm bái bồ Đề đạo tràng là nơi Đức Phật tu hành và đắc đạo.

 “…Đến trước đài hương tôi cũng như mọi vị đều quỳ Lễ độ 10 phút niệm hồng danh Đức Bản Sư Thích Ca Mô Ni. Quả thực lúc đó tâm tôi thôn thức, mắt tôi dơm dớm nhìn lên chân thân Đức Thế Tôn. Tôi không khẩn cầu với Từ Phụ một điều gì cả. Trái lại chỉ thấy tự hổ mà suy nghĩ rằng “Xưa Đức Thế Tôn cũng là người, sao Ngài sống với cuộc đời trong sạch sáng sủa? Nay con cũng là người, mặc dầu đã theo Ngài xuất gia mà vẫn sống chung với cuộc đời xấu xa tối tăm và người ta còn đương thi nhau đem cái màn ám muội che phủ cho mù mịt thêm mãi đi. Ngài cũng là người tu mà tu đến giác ngộ chân lý vũ trụ nhân sinh, con chỉ thấy tối như đêm dày như đất. Trăm lạy nghìn lạy Đức Thế Tôn xin rủ lòng từ điểm hóa cho cọn cùng chúng sinh được giác ngộ”. Lời khấn Phật Tổ như trên thật không có lời nào cảm kích hơn.

II. Thâm nhập kinh tạng trí tuệ như biển

1. Với Hòa thượng có thể nói Ngài là một pho tự điển sống: “Phật học thâm đắc, nho học, sử học, văn học đều thông hoạt, văn phú từ chương điển cố đều tra cứu đến nơi”.

Như chúng ta biết thời kỳ mà Hòa thượng trụ thế đó là thời kỳ mà các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, Kinh sách tam tạng Phật giáo chưa nhiều, lực lượng thầy tổ dạy dỗ còn ít ỏi. Vậy mà Hòa thượng đã sớm tiếp thu, sớm đạt đạo, học một biết mười, lầu thông Phật pháp, với một trí nhớ tuyệt vời. Đúng là do có lòng tin Phật tuyệt đối nên Ngài đã thâm nhập kinh tạng và đem trí tuệ đạt được để nhất thiết không ngại cứu độ chúng sinh.

Khẳng định đạo Phật là đạo cao cả vào năm 1950 ngay tại trên nước Ấn độ, Ngài phát biểu trước buổi tọa đàm với các học giả Ấn Độ Ngài nói: “Ôi Việt Nam chúng tôi có gần 1000 năm bị ba lần người Tàu đô hộ; giữa thời gian ấy các triều đại Ấn Độ cũng có các vua anh hùng, thế mà lịch sử Việt Nam không hề có một trang sử đẫm xương máu đáng tiếc xẩy ra giữa hai nước Ấn Việt, mà chỉ thấy chép những trang hai dân tộc Ấn Việt giao lưu buôn bán và truyền bá văn hóa Phật giáo mà thôi. Các nhà học giả Đông, Tây ngày nay đều công nhận văn minh Ấn Độ là văn minh tinh thần chứ không phải văn minh vật chất. Huống hồ với nước Việt Nam còn được các bậc thánh tăng người Ấn truyền bá sang nước tôi một nền văn hóa từ bi bình đẳng, một nền văn hóa triết học cao siêu mang nặng tinh thần đại từ, đại bi, đại hùng, đại lực …” và “Chính nền văn hóa Phật giáo đó đã sản xuất ra cho Việt Nam những vị cao tăng có học thức, có đạo đức để giúp dân giành lại quyền tự chủ xây dựng cuộc sống an lành như Khuông Việt Thái Sư, Đỗ Thuận Quốc Sư, Vạn Hạnh Quốc Sư. Đời Trần còn có các vị vua thâm ngộ Phật pháp, có vua xuất gia như Trần Nhân Tông …” 

Ngài nói tiếp “Nước Việt Nam có thể gọi là một nước Phật giáo vì hầu hết mỗi làng đều có chùa chiền thờ Phật, Tăng, Ni tu hành. Tuy từ hơn 300 năm nay (tính đến 1950) do hoàn cảnh có chiến tranh ly tán nên Phật giáo Việt Nam đã suy kém một phần về tinh thần giáo lý, còn lòng tín ngưỡng của dân chúng thì vẫn như xưa. Vẫn trẩy hội Chùa Hương, vẫn chiêm bái Yên Tử, mặc dầu hoàn cảnh kinh tế và xã hội còn rất khó khăn”. Lý giải tại sao dân ta có lòng tín ngưỡng Phật giáo như vậy Ngài trình bày tiếp: “Sở dĩ họ có lòng tín ngưỡng bồng bột (hăng hái) vậy vì hầu như họ đều đã qua một cuộc bom đạn khói lửa, phần lớn bị cốt nhục ly tán, tài sản tan không … Cái thảm họa đó đã khiến họ càng hiểu cái chân lý vô thượng của Phật dạy nên không ai bảo ai đã đi lễ bái, nghe kinh; cầu đạo hăng say thành tín …”

Thật ít có những lời khúc triết như trên khi nói về Phật giáo tại một nước đã sinh ra Đức Phật.

2. Sau khi đã gửi gắm lòng tin kính tuyệt đối vào Đức Phật rồi, đến bước tu hành Hòa thượng xác định là Phật tử phải nhìn cho đúng suy nghĩ cho đúng và hành động cho đúng tức là một loạt vấn đề trong bát chính đạo. Ngài cho ra đời trong giai đoạn này các tác phẩm với mục đích hướng dẫn đồng đạo như tấm gương Tam quy (tái bản 1953). Sự lý lễ tụng, Nguyên nhân tục đốt vàng mã; Khoa cúng Phật Tổ.

Các sách trên được Ngài biên soạn với một tinh thần khoa học hiếm thấy mà không hề mất đi cốt lõi của đạo Phật. Không những thế mà còn nâng lên tầm cao siêu của Đạo Phật, xác định giá trị thực tiễn tối hậu của Đạo Phật trong việc xây dựng lành mạnh đời sống xã hội con người. Ngài nhắc nhở và khuyên những người vào đạo trước hết là không “mê tín huyền hoặc” bởi các điển tích xa vời không đúng thực tế. Ngài đặt vấn đề một cách rõ ràng thẳng thắn rằng “Tại sao Đức Phật Tổ Thích Ca bắt đầu tiếp hóa các đệ tử hữu duyên của ngài bằng pháp tam quy? Ôi chỉ vì chúng sinh mê mất chân tâm, do nghiệp tà ác nên cứ phải khúm núm ba đường luân hồi, vòng quanh sáu ngả khổ não hết đời này sang kiếp khác. Đức đại bi Thế Tôn thấy chúng sinh bị đau khổ cũng như Ngài đau khổ nên mới chế ra pháp quy y, để cho chúng sinh muôn đời sau biết đường quy về đạo chính, tu tỉnh thân tâm, đoạn trừ mê hoặc, dứt bỏ nghiệp ác, tin có nhân quả luân hồi, tội phúc báo ứng từ đó giữ gìn ý nghĩ, lời nói việc làm cho rất mực chân chính để làm cho bản thân mình có đủ nhân cách. 

Một người làm mười người bắt chước, mười người làm trăm người bắt chước từ đó sẽ tạo nên một nền phong hóa chí thiện giữa gia đình, giữa xã hội. Cho nên mỗi người nên hiểu phép quy y cho rành; làm phép quy y cho đúng; không những có lợi ích riêng cho mình mà còn lợi ích chung cho cả gia đình, xã hội nữa. Sống đã tốt như vậy, có mục đích cao quý như vậy thì lúc chết, đi đâu mà chẳng được giải thoát”. Rồi Ngài khẳng định một cách chân tình: “… Nếu các vị làm được như vậy mà không thu lượm được cái kết quả đại công đức như trên thì bần tăng này sẽ cam vào địa ngục Bạt thiệt để tự chịu lấy vọng ngữ vậy”.

Kính thưa các đại biểu; sinh thời Hòa thượng thường chỉ nhận mình là một bần tăng. Rất khiêm hạ trong một trí tuệ sâu rộng !.

Trong cuốn Tấm gương tam quy Ngài nhắc nhở: “Đã quy y phải bền lòng giữ gìn phép quy y”. Vì từ trước đến nay rất nhiều người không gặp được minh sư dạy bảo tường tận trong phép quy y thành ra đã quy y mà hành động vẫn sai lầm không khác gì người chưa quy y; như vậy sao được gọi là đệ tử Phật chân chính của Phật. Vậy tác giả (tức Hòa thượng) xin chiểu theo các nhời thiết yếu của Phật đã dạy ở kinh luật lược dịch ra đây để các vị đã quy y Tam bảo noi theo thực hành cho tròn phận sự.

Đó là tôn kính Tam bảo: phải coi Pháp như mẹ, phải thực hành Pháp; những Pháp chưa biết, chưa rõ phải chăm chỉ học hỏi; chăm chỉ xem nghe, suy nghĩ; luôn tưởng nhớ Pháp như đang đói mong ăn, đang khát mong uống. Phải chăm chỉ cung kính cúng dàng các vị chân chính Pháp sư, lo toan giúp đỡ mọi công việc truyền bá đạo Pháp, luôn luôn đem những lời hay lẽ phải của Phật dạy để khuyến khích cho mọi người cũng được biết như mình, phải coi các vị chân tăng như thày, mỗi khi trông thấy nên kính chào; thấy có bệnh tật nên lo giúp đỡ thuốc thang, thấy có chí chăm chỉ tu học nên giúp đỡ đủ phương tiện để các vị đó tu học được minh kinh đạt đạo để sau này nối gót Phật Tổ cứu độ chúng sinh … 

Còn đối với những người giả mạo tu hành cũng không nên bài bác công kích và cũng không nên cung kính cúng dàng vì nếu cúng dàng các vị đó tức là đã giúp thêm phương tiện vào việc phá hoại Tam Bảo; cũng không nên vì các vị đó mà có những hành động và lời nói vô lễ với Tam Bảo tức là phá mất phép Tam quy và cũng không nên sinh lòng chán nản lười biếng với Tam bảo vì nếu thế cũng là phá mất phép tam quy …”. Sau đó Ngài còn hướng dẫn phép thờ cúng lễ bái sao cho đúng người đúng việc như: “Thờ Tổ Tiên Phụ Mẫu và các Đấng Quốc Thần là phận sự cố nhiên của mọi người”. Còn ta phải theo lời Phật dạy mà thờ cúng cho sự tín ngưỡng được duy nhất mới không sa vào đường mê tín dị đoan. 

Phật dạy rằng: “Người đã quy y chỉ được thờ cúng lễ bái Tam bảo thôi; cấm tuyệt thờ cúng lễ bái những hạng tà thần ma quỷ mặc dù có thiêng liêng cũng không được; không nên thờ cúng lễ bái các thần thánh của ngoại đạo trừ khi muốn xem cho biết. Không thờ các thày ngoại đạo làm thày trừ khi vì sự ngoại giao. Nhưng Phật cho phép các Phật tử tại gia vì cớ cầu đảo cho gia môn được thịnh vượng bình yên thì được thờ cúng các đấng thần Phạm Thiên, Đế Thích hộ Pháp; 12 Đại tướng.v.v… vì các đấng thần này đã dày công đức ủng hộ Phật Pháp, phù trì nhân dân”.

Cùng với việc thờ cúng lễ bái cho đúng, Ngài còn nhắc nhở Phật tử phải “giữ phép tu hành, lợi mình lợi người” Ngài viết: “Kinh Đề Vị dạy rằng: Người đã quy y phải rứt bỏ hết thảy mọi điều ác, phải làm hết thảy mọi điều thiện, phải thương sót hết thảy mọi chúng sinh”. Luật dạy rằng: “Người đã quy ýit nhất mỗi tháng cũng phải có 2 ngày sám hối (15 và 30); nên đến trước Tam Bảo sám hối hết thảy tội lỗi nghiệp chướng cho thân tâm được trong sạch yên vui”.

Thật là những lời nhắc nhở cụ thể và tường tận cho Phật tử chúng ta. Nói và viết được những điều xúc tích trên ra sách để cống hiến cho mọi người theo đạo chắc hẳn học lực Phật Pháp và khả năng diễn đạt của ngài phải uyên thâm thành tín đến mức nào!

3. Với các hiện tượng thờ cúng mê mờ không có lý sự viên minh Ngài hết sức đem tâm huyết trí tuệ ra để giáo dục Phật tử không vấp phải. Ngài đã biên soạn một loạt bài rất hùng biện để đả phá tục đốt vàng mã có lý có tình có sử có sách để ai cũng có thể nhận ra cái sai của sự mê tín. Ngài kết luận thẳng thắn về tục đốt vàng mã như sau: “ Ai cũng phải công nhận tinh thần của dân tộc Việt nam ta là đều nhờ Phật giáo và nho giáo đào tạo nên cả. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam là Phật và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã là ở sách nào? nếu các Ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu. Nếu các Ngài không tìm thấy thì một lần nữa bần tăng thiết tha yâu cầu các ngài bỏ tục đốt vàng mã đi… Nay chúng ta cùng nhau triết để bài trừ mê tín việc đốt vàng mã thì quyết nhiên dân tộc Việt nam ta dễ dàng đạt đến sự viên thành của sự nghiệp kiến quốc vậy”.

4. Đối với việc hành trì chính pháp thì việc Lễ Tụng là một trợ duyên cho việc học đạo kết quả. Song không những chỉ là trợ duyên Ngài còn chỉ rõ ý nghĩa sâu xa của Lễ Tụng là “Chúng ta hàng ngày Lễ Tụng tức là cày cấy ruộng lòng, cày cấy ruộng lòng nó còn khó gấp vạn lần cày cấy ruộng đất kia. Vậy phải có nhiều phương pháp màu nhiệm như Lễ phải hợp nghĩa; Tụng phải hiểu lý …” Thiết thực hơn nữa Ngài còn mạnh dạn đưa cái tác dụng mới mẻ nhất vào việc Lễ Tụng là “Ngoài việc gột rửa được lòng trần, trừ bỏ được thói tà còn lợi ích cho cả ba môn Đức dục, Trí dục và Thể dục.

Riêng về ý nghĩa lễ tụng là thể dục Ngài dạy: “Tôi trộm nghĩ quy tắc lễ tụng hàng ngày của Phật tử cũng không khác gì chương trình tập thể thao nhẹ vì mỗi khi lễ bái lên xuống sẽ làm cho các bộ phận trong người vận động, tức là thao luyện cho khí chất cặn bã trong người tự tiêu tan đi, huyết mạch chạy điều hòa thân thể nhẹ nhàng hô hấp đều đặn … Đó là về cụ thể con người nếu lại bàn về ý tưởng thì lúc lễ tụng ấy mắt nhìn tượng Phật, tai nghe tiếng tán dương công đức, tâm hồn được thưởng thức đạo vị khoái lạc, đó là lúc đạo tâm và đạo lực nảy nở ra rất mạnh …”. Những nhận xét kết luận trên về Lễ Tụng thật đúng với thực tế; nhiều người cũng biết vậy nhưng chỉ riêng Hòa thượng mới phát kiến ra. Thật là quý giá.

III. Tinh thần xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo

Với Hoà thượng Thích Tố Liên đây là một phật sự mà Ngài trăn trở nhất, mà Ngài cho là thiêng liêng nhất trong cuộc đời phụng sự đạo pháp của Ngài.

Trong bài giới thiệu cuốn Tăng già Việt Nam của Pháp sư Trí Quang có đoạn Ngài viết: “...Cốt làm sống dậy tất cả hình ảnh oanh liệt của tăng già ở quá khứ. Sau hết Tăng Già Việt Nam phải thế nào đối với giáo lý giáo chế và giáo sản để mà chỉnh lý và thống nhất... và với ngần này việc cũng đủ cho Tăng già Việt Nam tự biết mình là gì và phải làm gì. Tôi đồng ý với Pháp Sư Trí Quang, muốn thống nhất và thống nhất một cánh cứu cánh nền Phật giáo Việt Nam thì phải chỉnh lý Tăng già trước hết. Và đó là bản chí của bình sinh tôi. Tôi bồi hồi mà lo nghĩ : Biết ngày nào mà Tăng già Việt Nam biết tự trọng mà thấy cái địa vị “chúng trung tôn” của mình?! Tôi chắc Pháp sư Trí Quang cũng đồng mối lo nghĩ ấy khi người biên tập tập văn này!”

Đây thật là những lời vàng tâm huyết thẳng thắn, vô cùng cảm động thốt ra từ miệng của một chính tăng có lòng tôn kinh Phật tuyệt đối và bảo vệ Phật tuyệt đối. Do có tư tưởng chư đạo như vậy nên ngày từ những năm của 1930-1945 Ngài đã cùng các chư tăng tinh tấn đường thời lao vào công cuộc chấn hưng Phật giáo làm nòng cốt thành lập Hội Phật giáo Bắc Việt rồi đến năm 1947 thành lập hội Tăng ni chỉnh lý Bắc Phần Việt nam rồi đến năm 1950 đồi thành hội Phật giáo tăng già Bắc Việt. Những việc trên đều có sự góp công xứng đáng của Ngài. Rồi từ Bắc phần các Ngài đã không từ nan lập mối quan hệ Phật giáo ở 2 miền Trung-Nam để thành lập ra Hội Phật giáo Việt Nam cho cả nước.

Chúng ta biết bối cảnh xã hội nước ta thời đó là thời kỳ của chiến tranh chống Pháp. Đất nước chia làm 2 vùng xen kẽ địch, ta rất khó dung hoà cho Phật sự. Đứng ở bên này thì bên kia chê, đứng ở bên kia thì bên này bài bác. Vậy mà các Ngài vẫn kiên trì nhẫn nhục hành đạo. Không bị chính quyền “tế nhị” lôi kéo, các Ngài chỉ có một mục đích là khai phá ruộng tâm cho đồng bào để Phật tính trong mỗi người được hé lộ dù người đó đứng ở vị trí nào, phe phái nào. Và Ngài thường nói có Phật là có hết người mà theo Phật là người biết hành xử đúng nhất, dễ dàng đạt đến chân lý tối hậu của vũ trụ nhân sinh, của thế giới đại đồng, thế giới Phật giáo đưa đất nước đến đài vinh quang sanh vai cùng thế giới. Việc thống nhất Phật giáo trong toàn quốc trong thời gian trụ trì của Ngài như vậy đã là hoàn thành tuy chưa viên mãn nhưng cũng đã đánh dâu một bước ngoặt làm cơ sở cho việc thành lập Giáo Hội P.G.V.N như ngày nay.

Kết luận

Những thập niên cuối đời, Hoà thượng Thích Tố Liên sống an nhiên tự tại tại chùa Quán Sứ nơi mà cả quãng đời sôi nổi nhất dũng tiến nhất của tuổi trẻ Ngài đã không ngừng dấn thân cho sự đi lên của Phật giáo. Thời này, trí tuệ Ngài vẫn còn như rất dồi dào tinh tấn, ý trí lục hoà vẫn như rất sung sức nhưng cánh cửa Phật sự đã khép lại do thời cuộc và cơ duyên không còn. Kinh vô ngã tướng Đức Phật dạy:

“Không phải là ta, không phải là tự ngã của ta
Sinh đã diệt, phạm hạnh đã thành
Những việc cần làm đã làm không còn lưu lại một cuộc đời khác nữa.”

Quãng đời sau của Hoà thượng đúng là vậy.

Ngài thực đúng là con của Đức Phật, xứ giả của Như Lai vì Ngài đã thâm nhập kinh tạng để có trí tụê như biển rồi truyền lại cho đông đảo Phật tử như ngọn đèn vô tận ngươi này thắp sáng cho người khác, khơi dạy Phật tính trong mỗi con người để xã hội dần hết tham sân si, dần hết tranh giành chiến tranh tàn khốc. 

Nhớ Ngài ta cũng đồng kính cẩn nhớ tới các đạo hữ cao tăng chí thiết của Ngài trong một thời đã tạo nên lực lượng hùng hậu, tạo vận hội cho Phật giáo trường tồn... Nhớ Ngài, biết ơn Ngài trong cuộc hội thảo này chúng tôi nghĩ không gì thiết thực hơn là thực hành những ý tưởng của Ngài đối với Phật pháp từ cách đây 50 năm. Đã 50 năm hay 1/2 thế kỷ nhưng những ý tưởng ấy hầu như vẫn còn rất mới, rất phù hợp, rất khế lý, khế cơ với hiện tại bây giờ. Đó là như Ngài nói trong buổi lễ suy tôn Pháp chủ tháng 4/1951: “ ... Có người cho rằng bây giờ nhằm đời mạt pháp còn làm sao chấn hưng Phật giáo được nữa” nhưng ôi Phật pháp không có đời chính pháp, cũng không có đời mạt pháp, đời nào trong Phật giáo có nhiều tăng ni minh giới luật, đủ đạo đức là đời chính pháp, nếu không thế là đời mạt Pháp...” và Ngài viết tiếp: “muốn không mạt pháp thì cần khuyến khích chư tăng ni tu hành, sau khi đức Phật đã thi tịch chư tăng ni cần phải thờ trai, kính giới, minh định chúng tuệ mới gột rửa được đáy lòng, như gương không bụi, như nước không sóng, tự mình làm chân thân đức Phật chói lọi khắp thế gian này để giác ngộ nhân sinh, tức là Phật pháp còn ở thế gian.”

Ý tưởng thật bình dị mà cao cả. Tứ chúng đều có thể lĩnh hội song đó cũng là mục tiêu xuyên suốt của lớp lớp đệ tử Phật trong nước mắt và lâu đài từng từng thế kỷ. Những con Phật hãy tiếp bước và dấn bước theo Ngài.

Cũng nhân cuộc hội thảo này chúng tôi xin kiến nghị:

I. Kính đề nghị: Giáo hội cho tái bản các cuốn:

1. Ký sự đi thăm Ấn Độ và dự hội nghị Phật giáo thế giới; Nhà xuất bản Đuốc Tuệ 1951.

2. Tấm gương tam quy- Nhà xuất bản Đuốc Tuệ 1950

3. Kỷ yếu suy tôn Pháp chủ – Nhà xuất bản Đuốc Tuệ 1951

II. Kính đề nghị: Ban Hoằng Pháp Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức cho Tăng ni và Phật tử học những bài viết của Hoà thượng trong kỷ yếu suy Tôn Pháp chủ và ký sự vì đây là những kiến thức tư tưởng rất phong phú rất thiết thực để mọi người tu học và thực hành.

Nam mô thường tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

Hà Nội, ngày 15/3/2007 - PL 2550
 
Phúc Hải - N.Q.Cừ

Phật Tử Việt Nam

04-02-2007 04:56:02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn