Thói Quen Dửng Dưng

21 Tháng Mười Hai 201300:00(Xem: 6647)

Thói quen dửng dưng
Việt Hà

thoi-quen-dung-dung-contentChiều thứ Bảy cuối tuần, sau một ngày nóng nực người dân thành phố Đà Nẵng ai cũng muốn ra biển tắm hay thỏa sức nô đùa với con sóng cho quên đi cái không khí ngột ngạt oi bức đang hoành hành. Đến cầu

sông Hàn, người từ hai lối đổ về rất đông, đúng lúc đó thì đèn đỏ ở ngã ba bật lên.

Tôi dừng xe và vẫn để máy nổ chờ tín hiệu đèn xanh thì thấy một em gái đi xe gắn máy mang biển số 36 – thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tôi đoán, có lẽ em là tân sinh viên mới vào đây nhập học, vì nhìn em còn trẻ lắm, gương mặt như ánh lên sự háo hức và tự hào về thành tích của kỳ thi lớn vừa trải qua. Em đi đến đúng đèn đỏ thì xe bị tắt máy, không đề cũng chẳng đạp được.

Đèn đỏ đã chỉ sang giây thứ 30. Chỉ còn 30 giây nữa là đến đèn xanh mà em ấy vẫn nai lưng ra hì hục đạp cần khởi động máy. Đường thì mỗi lúc một đông. Cái xe máy cũng ì ra một cách cố ý… Rất nhiều thanh niên đi bên cạnh nhưng chẳng có ai giúp em cả. Gương mặt mồ hôi nhễ nhại nhưng em vẫn cố gắng làm cho máy nổ. Tôi đi bên cạnh thấy thương quá nên dựng xe bên mé đường đến giúp em một tay. Mọi người nhìn tôi như người ngoài hành tinh vậy, vì lúc đó tôi chuẩn bị đi dự đám cưới một người bạn thân nên có trang điểm một chút và ăn mặc khá tươm tất. Có lẽ giúp một người không quen biết trong suy nghĩ của mọi người là một việc đáng ngạc nhiên lắm. Mọi người hình như cũng không ai quen giúp một người lạ ngoài đường như vậy. Cuối cùng cái xe cũng nổ máy được ở giây thứ năm của đèn xanh. Tôi cũng lên xe đi vội vì phía sau còn một đoàn người đang chờ xe tôi dịch chuyển, nếu chần chừ sẽ gây “tắc” đường mất. Tôi không kịp nhìn lại em, chỉ nghe tiếng cảm ơn rất nhỏ thoảng bay trong làn gió mát…

Trong lòng tôi nhen nhóm một niềm vui nhưng cũng chợt buồn! Thấy mọi người sống vô tình với nhau quá. Nhớ lại một lần tôi bị ngã xe rất đau trước cổng siêu thị Big C, sandal bị bật ra, chân sưng lên, tím bầm, áo mưa bị rách te tua thế mà không một ai giúp tôi đứng dậy cả, dù nam nữ thanh niên vào siêu thị mua sắm rất đông. Cũng may ông trời còn thương tôi nên tôi chỉ bị trầy xước nhẹ phần mềm thôi. Tôi tự dựng xe, mặt lạnh tanh vì sự vô tình của mọi người. Dù rất đau nhưng tôi thấy không thể yếu đuối trong hoàn cảnh đó được; bình thường tôi đã khóc òa lên rồi.

Sau vụ ngã xe tôi càng ý thức hơn một điều rằng khi ai đó ở ngoài đường gặp khó khăn, cho dù là một người lạ mà mình trong khả năng có thể giúp thì hãy làm một điều gì đó cho họ. Hãy giúp và hỗ trợ họ vì chính bản thân mình trước nhất… Vì có thể một lúc nào đó chính chúng ta cũng có thể gặp những điều không may như họ! Thế nhưng tôi thật sự chạnh lòng bởi không thể chối bỏ một sự thật: cuộc sống ngày càng hiện đại thì giới trẻ ngày càng hờ hững, dửng dưng với cuộc sống của mọi người xung quanh! „

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 143

BÀI ĐỌC THÊM:

Nữ tài xế bị cưỡng bức:

Câu chuyện cảnh tỉnh hay chỉ là sự trả thù tàn bạo


blankMấy ngày nay, câu chuyện về nữ tài xế xe bus lan truyền trên mạng đã gây tác động lớn đến cảm xúc và suy nghĩ của độc giả.

Câu chuyện xảy ra trên một chuyến xe bus trên đường núi đồi, nữ lái xe bus bị 3 kẻ du côn ép xuống đường cưỡng bức, trong số hành khách chỉ có một người đứng ra bảo vệ cô gái nhưng không thành. Sau đó nữ lái xe bus đã trả người bảo vệ mình ra khỏi xe để lao xe xuống vực thẳm chết chung với 3 kẻ du côn và đám người vô cảm bạc nhược.

Hơn 5 nghìn lượt bình luận trên yahoo, hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận đã xuất hiện và nối dài trên tường của các facebook trong vài ngày trở lại đây. Và hàng nghìn câu hỏi bật ra: Bao nhiêu lần mình từng thờ ơ với những giấy phút hoạn nạn, khó khăn của người khác? Mà bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ? Đôi khi, chúng ta quá vô cảm với cuộc sống quanh mình!

Phần lớn các bình luận của độc giả và cộng đồng mạng đều rất đồng cảm với nữ tài xế và rất hả hê với kết cục của 3 kẻ du côn và 10 người khách hèn nhát. Mục đích của câu chuyện này là gì? Là luật nhân quả, là kết cục của sự thờ ơ vô cảm và sự vô cảm sẽ không có đất sống trong xã hội này? Hay đây là câu chuyện thiếu tính nhân văn với sự trả thù tàn bạo.

Cái kết của câu chuyện đã chỉ ra tính chất vô nhân đạo của một hành vi manh động tự phát. Cô gái phẫn uất vì bị cưỡng bức đã lao xe xuống vực, trên xe có tất cả 13 người bao gồm kẻ thủ ác. Những người đó phạm tội, họ sẽ bị trừng phạt và xét xử bởi luật pháp bằng những khung hình đã được soạn thảo và ghi nhận. Cô gái hay chúng ta không có quyền tước đi mạng sống của ai trong 13 người đó. Những gì ta cố làm để trừng trị những kẻ hiếp dâm và kẻ hèn nhát chỉ đơn thuần là hành động thiếu lý trí trong thời điểm bùng phát cảm xúc. Thực thi công lý, xã hội đã giao trách nhiệm cho cảnh sát và quan toà.

Xã hội phát triển thì tất yếu còn có nhiều mặt trái nhưng không phải vì thế mà chúng ta, những người xung quanh chúng ta đánh mất đi niềm tin về sự nhân văn hay tình người. Cách đây không lâu, vào ngày 8/9, người dân ở Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng không khỏi đau lòng khi em Trần Văn Nguyên (14 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phải đối mặt với tương lai với đời sống thực vật, hậu quả của việc dũng cảm cứu bạn thoát khỏi dòng nước cuồn cuộn chảy xiết. Khi dìu bạn vào được đến bờ cũng là lúc em bị kiệt sức, chìm nghỉm giữa lòng nước giá lạnh.

Hay như câu chuyện có hậu "Duyệt Duyệt Việt Nam" em gái Hồ Thị Thu Hương bị tai nạn trên quốc lộ 1A.Trên đường có rất nhiều xe container và một số người đi xe máy qua lại. Nhưng tất cả mọi người chỉ ngó qua rồi đi hoặc đứng đằng xa trông lại mà sợ không dám đến gần người bị tai nạn.Và em Hương trong tình trạng nguy kịch đã được hai sinh viên Nguyễn Công Hiến và Nguyễn Viết Sơn đưa đến bệnh viện cấp cứu.

blank

Nguyễn Công Hiến và Nguyễn Viết Sơn

Đơn giản như một phần cơm trưa với giá 2000 đồng, một bình nước miễn phí làm mát lòng Hà Nội và Sài Gòn không chỉ là sự chia sẻ khó khăn với người nghèo mà đằng sau đó còn ẩn chứa thông điệp tình người cao cả của những tấm lòng nhân ái.
blank

Tuy chỉ có giá 2000 đồng nhưng thực đơn của mỗi phần ăn đều có đầy đủ món mặn, món xào, canh và trái cây như mọi suất ăn bình thường khác.


 NGUYÊN VĂN:

blankCâu chuyện thương tâm của nữ lái xe bus

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba kẻ du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường… - “Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình. Người đàn ông sững sờ, nói: - “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?” -“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười. Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.” Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: - “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”. Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.

Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: -“Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!” Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.

Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung. Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!.

Nguồn: aFamily.vn/PLXH


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6154)
16 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5744)
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 6156)
Trong khi mọi người cố gắng chấp nhận các sự kiện bi thảm đã xảy ra, thí dụ như vụ tấn công mới đây ở thành phố Nice, nước Pháp, vào buổi tối thứ Năm (ngày 14/7/2016), nhiều người đã đi tìm sự đoàn kết, và sự sẻ-chia niềm thông-cảm trên các phương tiện truyền-thông xã hội.
24 Tháng Sáu 2016(Xem: 5704)
Thông thường, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một người giàu có thường là người hạnh phúc, hay ít ra, họ dễ có cuộc sống hạnh phúc hơn người khác. Vì tin như thế, trong cuộc sống, chúng ta lao vào làm giàu và làm giàu không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy rằng, sự thật không hẳn như vậy.
28 Tháng Năm 2016(Xem: 5998)
Một huynh đệ của tôi đã giảng dạy thiền tại một trai giam có hệ thống an ninh bậc nhất gần thành phố Perth trong khoảng thời gian vài tuần. Một nhóm tù nhân đã đến làm quen và rất kính trọng thầy. Cuối mỗi buổi giảng, họ thường hỏi thầy ấy về những sinh hoạt hằng ngày trong một tu viện Phật giáo.
20 Tháng Năm 2016(Xem: 7285)
Có lẽ sự ra đi của một đứa trẻ là sự nghiệt ngã nhất của cái chết mà khó ai có thể chấp nhận nó. Tôi đã dự và làm chủ lễ trong nhiều đám tang của các bé trai, bé gái vẫn còn chưa được nếm trải cuộc đời. Trách nhiệm của tôi là hướng dẫn các bậc cha mẹ cũng như những người trong gia đình đang đau buồn cùng cực và quẫn trí, để vượt qua nỗi đau của mặc cảm tội lỗi và nỗi ám ảnh về câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”
27 Tháng Tư 2016(Xem: 5198)
Phật giáo cần nói gì về những giấc mộng? Giống như một nền văn hóa khác, trong giới tín đồ Phật giáo cũng có những người tự xưng là giỏi về chuyện giải thích giấc mộng. Hạng người đó đã làm lạc lối những kẻ cả tin bằng cách khai thác sự thiếu hiểu biết của họ vốn cho rằng mỗi giấc mộng đều có một ý nghĩa tâm linh hay tiên tri.