Còn Và Mất Thiện Ý

09 Tháng Giêng 201400:00(Xem: 5569)

CÒN VÀ MẤT 
Thiện Ý

Cái triết lý bình dân của còn và mất thì rất đơn giản: Hễ cái gì ‘còn nhìn thấy’ thì cho là còn, cái gì ‘không còn nhìn thấy’ thì cho là mất. Đôi khi, có những vật, hay hiện tượng vẫn còn nhưng vì chúng ta không để tâm đến thì cũng coi như mất. Chẳng hạn, có những vật ban đầu mình khao khát, mong mỏi để có nó nhưng sau một thời gian mình bỗng thấy chán nên coi như nó không còn vì mình có nhìn, nhưng không thấy nó! Đã biết bao lần mình rơi vào tình cảnh này, từ vật chất đến tình cảm, sức khỏe, tinh thần. Khi mình còn quý thì sự hiện hữu của nó rất được quan tâm, lúc hết để ý thì coi như đã mất. 

Khi còn trẻ chúng ta thường mơ ước có một đời sống gia đình hạnh phúc nên khi có chút suy nghĩ mình mong muốn gần chết để tốt nghiệp trung học. Sau đó mình lo lắng đến mất ăn mất ngủ để được nhận vào trường đại học mình yêu thích. Rồi khi được nhận vào đại học, mình lại mong ước sao cho ra trường sớm để tìm việc làm giúp gia đình và tương lai của mình. Đến khi có việc làm rồi, mình lo cố gắng làm cho giỏi để được thăng thưởng, tiến thân. Khi việc làm đã ổn định thì lại lo tìm kiếm cho mình một mái ấm gia đình, một người phối ngẫu thật vẹn toàn. Nếu mà may mắn tìm thấy người yêu ‘như mộng ước’ rồi, chúng ta lại mong mỏi có được đứa con kháu khỉnh. Có được đứa con kháu khỉnh, mình lại lo nuôi nấng sao cho chúng sớm lớn khôn, thành tài. Còn bản thân thì ao ước khi con lớn khôn thì mình sẽ được về hưu an nhàn, và đi du lịch thế giới. Đến khi được về hưu và chuẩn bị hưởng nhàn thì nhìn lại mình đã lục tuần. Cuộc đời mình đang trong thời kỳ cuối!

Trong suốt quá trình sống mình chưa bao giờ ‘thật sự’ sống! Mình chỉ có ước ao và lo âu sợ rằng những cái mình mong mỏi không được thành tựu. Cho nên dù sống với những cái mình đang ‘còn’ mà mình đã lo chúng bị ‘mất’ và chạy đuổi theo một giấc mơ hoàn hảo, trong đó mình sẽ có tất cả và mọi thứ sẽ không bao giờ bị mất! Đó là cái nhìn của thế gian về còn và mất thường là thế.

Chính cái dính mắc của còn và mất trong thế gian mà chúng ta cứ chạy theo chụp bắt những ảo tưởng, như Phật gọi là 'hoa đốm hư không.' Vì thấy có còn, có mất nên mình bị dính mắc cái thịnh, cái suy của thế gian. Như trong câu chuyện một vị tăng đến xin một vị thiền sư dạy cho mình phương pháp tu để giải thoát. Vị thiền sư bèn hỏi:'Vậy ai làm cho ông mắc kẹt mà ông muốn tu để giải thoát?' Mà hễ còn dính mắc trong tâm là mình còn thấy có còn, có mất. Như trong kinh Bát Nhã mà chúng ta thường đọc hằng ngày:

…Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối (Sư Ông Nhất Hạnh dịch)

Vậy, còn mất là do mộng tưởng đảo điên của chính mình dệt thành trong tâm. chúng ta cứ luôn nghĩ rằng chỉ khi nào mình chết thì mọi chuyện mới chấm dứt. Nhưng thực ra, theo khoa học, chúng ta đang chết từng giây từng phút. Nghĩa là, mình không phải thực sự là mình trong giây phút trước vì các tế bào thần kinh và cơ thể đã chết đi được thay thế bằng những tế bào mới. Do vậy sự suy nghĩ và hiểu biết của mình cũng không còn như xưa. Giống như một triết gia có nói rằng: 'Không ai tắm trong cùng một giòng sông hai lần' vì không chỉ giòng nước trong giòng sông thay đổi mà chính bản thân ta cũng thay đổi khi xuống tắm lần thứ hai. 

Cái con người mà chúng ta thấy còn ở đây đang mất dần đi và được một con người mới dần dần thay thế ! Vậy, còn và mất theo cái nhìn của cặp mắt trần tục chỉ là tương đối. Vả lại, còn và mất cũng không có nghĩa là cái nầy mất đi thì cái kia sinh ra. Mất hay còn chỉ là sự biến thể của hình sắc. Như đám mây, khi còn bay lơ lửng trên không nó có hình dạng trắng như bông. Nhưng lúc gặp không khí thay đổi nhiệt độ, đám mây sẽ biến dạng thành những giọt mưa, rơi xuống trên đất, hay trên sông suối, ruộng vườn… Dù đám mây đã không còn hiện hữu dưới hình thức thực sự của một đám mây, nó đã biến hình thành những giọt mưa. Và rồi những giọt mưa hòa vào dòng chảy của lạch, suối, sông ngòi để đổ ra biển. Rồi từ biển chúng bốc hơi để biến dạng thành mây; và sau đó là cái vòng chuyển biến của hình sắc lại tiếp diễn.

Cho nên Phật dạy tính vô ngã của tất cả mọi hiện hữu, luôn cả con người chúng ta. Tính vô ngã có nghĩa là các hữu tình hay vô tình đều không có một bản chất thực sự của chính chúng mà do sự tập họp của những vật khác không thuộc về chúng để mà hiện hữu, tồn tại, dù là vô hình hay hữu hình. Như con người chúng ta do tập hợp của đất, nước, gió, lửa (bốn đại) và sắc thân, cảm xúc, tư tưởng, tâm trạng, và nhận thức (năm uẩn) mà thành. Và tất cả những thứ này không thuộc về mình, không do mình tạo ra mà là sự kết hợp của nhiều món mà thành. 

Do vậy, mình không có một thực ngã do chính mình quản lý mà chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào những thay đổi, biến chất của những thứ tạo ra bản thân mình. Ví dụ như nếu mình có khả năng hoàn toàn kiểm soát bản thân, mình sẽ không bao giờ bị bệnh. Mình có khả năng phòng ngừa bệnh, nhưng mình không có khả năng làm cho mình không bao giờ bị bệnh vì những thứ làm mình bị bệnh đều nằm ngoài sự quản lý hay kiểm soát của mình.

Mất và còn là một loại văn hóa chúng ta nghe và học được từ nhỏ. Dần dần ý tưởng này ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta cho nó là một ‘sự thật’ hay chân lý. Nhưng như Phật dạy, đây là sự thật của thế gian, hay tục đế. Nếu nhìn bằng con mắt tuệ, chúng ta sẽ thấy rằng cái mình cho là còn, hay cho là mất, thực sự không mất mà cũng không còn, như ví dụ về đám mây ở trên. Chúng luôn thay hình, đổi dạng do ảnh hưởng của thời gian, không gian, và vô thường. Đây chính là chân đế, sự thật siêu thế.

Mục đích tối hậu mà đức Phật muốn chỉ bày cho chúng ta thấy là khi mình tu tập và quán chiếu sâu xa cái chân lý siêu thế này, như ngài Quán Tự Tại trong kinh Bát Nhã đã làm, chúng ta sẽ vượt thoát khổ đau, tự mình giài thoát, và đạt đến cứu cánh niết bàn.

Những ai bi quan, yếm thế, hay tiêu cực sẽ diễn dịch sự thật siêu thế này như là một lý do chính đáng để chán ngán sự đời và chỉ mong sao sớm được lìa khỏi trần gian đầy những biến đổi, vô thường, và không bền chắc nầy. Họ cho rằng vì đời là vô thường nên không bao giờ mình sẽ có hạnh phúc chân thật, mà theo định nghĩa của họ hạnh phúc chân thật tức là hạnh phúc mãi mãi, không có khổ đau và không thay đổi. Cho nên mình phải lo tu để sớm giải thoát khỏi cái trần gian mộng mị, điên cuồng nầy! 

Riêng người nào hiểu rõ ý nghĩa của chân lý siêu thế sẽ thấy rằng đời sống mình đang có thật là vô giá, và mình phải biết sống thật trọn vẹn vì hạnh phúc hay khổ đau chỉ là những trò thắng bại trong một cuộc chơi. Nếu mình không biết thưởng thức chúng, mình sẽ không biết sống. Người biết sống là người biết ' thõng tay vào chợ,' không để cho những quay cuồng của khổ đau và hạnh phúc làm mình choáng ngợp. Mình không chỉ đuổi theo hạnh phúc rồi đau khổ với cái mất và còn của hạnh phúc; ngược lại, mình thưởng thức hạnh phúc và không sợ hãi hay chán ghét khổ đau vì dù muốn dù không, như là một quy luật tự nhiên trong cuộc chơi này, khổ đau và hạnh phúc là một phần của đời sống này. Chúng ta không thể nào sống mà không có khổ đau vì tất cả những giá trị mà ta qui về cho hạnh phúc chính là dựa vào khổ đau mà lượng định. Như nhờ có bùn nên hoa sen mới mọc được nếu không có bùn hôi thì sen thơm mọc ở đâu?

 San Jose, California - tháng cuối năm 2013

Thiện Ý
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn