Nỗ Lực Hàn Gắn Hạnh Phúc Gia Đình

17 Tháng Ba 201518:29(Xem: 6068)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015


Nỗ Lực Hàn Gắn Hạnh Phúc Gia Đình

blankBạch Thầy, vợ chồng con lấy nhau được 15 năm và có một cháu gái năm nay 12 tuổi. Chúng con ở chung với gia đình nhà chồng nhưng bố mẹ chồng không hợp cả hai vợ chồng con nên thường xuyên có xích mích. Sau một thời gian sống cùng, ông bà đề nghị ngăn đôi nhà và ăn riêng. Lúc ấy, con đã phản đối cực lực chuyện đó nhưng bố mẹ chồng và cả chồng con cứ nhất quyết làm như vậy. Cuộc sống của chúng con trôi đi yên ả không có vấn đề gì lớn. Bỗng cách đây vài tháng chồng con thường xuyên đi qua đêm vào dịp cuối tuần không về nhà (anh ấy nói là đi làm ở tỉnh xa), nhưng điều đáng nói là từ chỗ rất thương yêu và chăm sóc con, con muốn gì anh ấy cũng chiều ý con thì giờ chồng con quay ngoắt 180 độ: liên tục nói xấu con với họ hàng bên ngoại nào là con không hiếu đễ với bố mẹ anh ấy, và những chuyện vụn vặt khác trong cuộc sống mà con không bao giờ ngờ tới như lời ăn tiếng nói, việc nấu cơm, đổ rác... Con đã nói với chồng con là từ trước em đã không đồng ý chuyện ngăn nhà với bố mẹ, nên giờ hai vợ chồng sẽ nói chuyện với ông bà để phá vách ngăn, sửa lại nhà cửa. Nhưng con có linh cảm cốt lõi của vấn đề không ở đó, chuyện với ông bà chỉ là cái cớ, con nghi ngờ chồng con có người đàn bà khác và cứ cuối tuần lại đi qua đêm với cô ta. Con phải làm thế nào đây, mong Thầy hãy chỉ cho con con đường sáng. Con cảm ơn Thầy nhiều!
Hoàng Thị Bạch Mai, Tp. HCM

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Đọc các dòng tâm sự của chị, tôi thấy “cốt lõi của vấn đề” của chị không nằm ở chỗ chị “có linh cảm” rằng chồng chị “có người đàn bà khác” hay không, vì đó không phải là bằng chứng, mà là những việc chị hoài nghi đó có sự thật hay không? Theo tôi, vấn đề mà chị cần lưu tâm tìm hiểu, nghiên cứu giải pháp, bao gồm việc xác định nguyên nhân qua đêm của chồng chị và nỗ lực hàn gắn với cha mẹ chồng, để tái xây dựng lại hạnh phúc gia đình, nhờ đó, cha mẹ chồng chị có thể sống an vui ở tuổi xế chiều và vợ chồng chị ngày càng hạnh phúc hơn.

Về việc chồng thường xuyên qua đêm cuối tuần

Trong thời đại truyền thông và kỹ thuật số này, không quá khó khăn để có thông tin chính xác rằng chồng chị thường xuyên qua đêm cuối tuần là vì lý do công tác hay là đây “chỉ là cái cớ” để qua đêm với “người đàn bà” khác. Để xác định, chị có thể đến gặp lãnh đạo của công ty mà chồng chị đang làm để kiểm chứng thông tin.
Dĩ nhiên, khi thu thập thông tin, chị nên khéo léo để chồng không cảm thấy bị vợ theo dõi, làm ồn ào ở cơ quan. Thông thường, khi cơ quan phân công việc cho nhân viên thì có giấy phân công, lịch làm việc, làm việc với ai, về việc gì, thời gian làm việc, tiền trợ cấp công tác, các biên lai (khách sạn, ăn uống) để thanh toán tiền với cơ quan,... Nếu cơ quan của anh ấy trả lời là có sự thật thì chị không nên tiếp tục hoài nghi anh ấy viện cớ, vì sự hoài nghi sẽ giết chết tình yêu vợ chồng, nhất là vợ chồng chị đang trải qua các căng thẳng với cha mẹ chồng.

Nếu cơ quan của chồng chị xác định rằng trong thời gian anh ấy thường xuyên qua đêm cuối tuần là vì được điều đi công tác là thông tin “không có sự thật” thì rõ ràng anh ấy có “vấn đề” như chị chia sẻ.

Ngay cả trong tình huống đi công tác thật, chị cũng có thể kiểm tra để biết rằng ngoài mục đích chính thức này, chồng chị có bóng hồng nào khác ở nơi đến công tác không. Trong thời gian chồng chị đi công tác ở tỉnh xa, chị khó liên lạc được với chồng, thì chị nên khéo tìm hiểu để phòng hờ những bất trắc có thể xảy ra. Chẳng hạn, chồng chị lúc nào cũng đưa lý do bận họp, bận tiếp khách, bận làm việc riêng, điện thoại không liên lạc được, điện thoại bị hư, điện thoại không reo, để điện thoại trong phòng đang khi công tác ở bên ngoài, khi nhận điện thoại thì nói năng lạu quạu rồi đột ngột cúp máy như sợ đó ở cạnh bên nghe thấy,... thì có thể hiểu đây là những lý do có “vấn đề.”

Trong các tình huống chồng chị có “vấn đề” thì chị nên ứng xử khôn ngoan, cao thượng, rộng lượng, không chấp quá khứ của chồng, đồng thời, khéo léo giúp chồng từ bỏ thói trăng hoa, vốn có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình mà vợ chồng chị đã cùng nhau vun đắp.

Nếu sau khi kiểm chứng, chồng chị không có vấn đề gì như chị đã đặt ta thì chị không nên kéo dài tâm trạng lo lắng, hoài nghi chồng vì như thế sẽ làm cho tình cảm hai người trở nên căng thẳng và vô ích. Lúc đó, chị nên dành thời gian tháo mở mâu thuẫn với cha mẹ chồng.

Giải quyết mâu thuẫn với cha mẹ chồng

Ở dâu trong nhà cha mẹ chồng mà vợ chồng chị không hợp với cha mẹ chồng thì khó mà hạnh phúc trong mái nhà “tam đại đồng đường.” Từ việc không hợp tính cách của nhau dẫn đến tình trạng “thường xuyên có xích mích” đến độ cha mẹ chồng quyết định “ngăn đôi nhà và ăn riêng”, theo tôi, vấn đề ngày càng trở nên phức tạp. Tình trạng chồng chị “quay ngoắt 180 độ” về vấn đề này và đổ lỗi chị “không hiếu đễ với bố mẹ” chồng là một ví dụ điển hình.

Khi gốc rễ bất hòa trong gia đình chưa được giải quyết dứt điểm, cái gọi là “không có vấn đề gì lớn” chỉ cần một tác động nhỏ, từ bên trong hay từ bên ngoài, cũng làm cho vấn đề không thể “trôi đi yên ả.” Có lẽ, cách “phản đối cực lực” của chị về vấn đề “ngăn đôi nhà và ăn riêng” giữa cha mẹ chồng và vợ chồng chị đã chưa đủ “độ chín” của sự khéo léo cần thiết để vấn đề mâu thuẫn trong gia đình được lắng dịu và kết thúc. Hai thế giới trong một gia đình thì khó mà sống hạnh phúc được.

Tôi đồng ý với chị về kế hoạch thương thảo với cha mẹ chồng “phá vách ngăn, sửa lại nhà cửa”. Để nỗ lực này được thành công, trước nhất, chị nên chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ ruột, lo cơm nước, giặt giũ áo quần, chăm sóc sức khỏe, chế tác hạnh phúc cho cha mẹ chồng. Có thể khi mới nỗ lực làm việc này, cha mẹ chồng, do vì vẫn còn hờn dỗi, nên mặt nóng mặt lạnh, để thử lòng chị. Chị hãy thực tập kiên nhẫn với mục đích làm thế nào để trong mắt của cha mẹ chồng, chị được đánh giá là “dâu thảo và vợ hiền.” Khi chị đã thành công trong việc làm cha mẹ chồng thay đổi nhận thức tích cực về chị, lúc ấy, lời thỉnh cầu “phá vách ngăn, sửa lại nhà cửa” mới dễ dàng được cha mẹ chồng đồng ý.

Trước mắt, nếu chị không bất hiếu với cha mẹ chồng thì chị đừng nên bận tâm về những lời “nói xấu” với họ hàng chị rằng chị “không hiếu đễ với bố mẹ” chồng và các “chuyện vụn vặt” khác, dù người phát ngôn đó là ai. Đó là chưa nói đến tình trạng ‘tam sao thất bổn” mà trong hoàn cảnh “lấn cấn” hiện nay của chị, những điều này dễ làm cho người trong cuộc càng rối rắm thêm.

Những việc nhỏ nhặt như “lời ăn tiếng nói, việc nấu cơm, đổ rác” đều có thể dẫn đến tình trạng “ghi điểm” hay “mất điểm” trong mắt cha mẹ chồng và chồng. Do vậy, từ nay trở đi, chị nên lưu ý một số điều sau đây. Thể hiện văn hóa “kính trên nhường dưới” trong gia đình. Thực tập lời nói lời từ ái, lễ phép, khiêm cung, dễ thương. Làm việc gì cũng nghĩ đến mục đích làm cho cả gia đình được hài hòa hạnh phúc. Chị nên tình nguyện nấu cơm, mời cơm, dọn dẹp, đổ rác, giặt giũ, chăm nom cha mẹ chồng. Chị cố gắng làm tất cả việc tốt có thể để để làm mới mối quan hệ cha mẹ chồng và nàng dâu. Khi cha mẹ chồng cảm nhận được hạnh phúc đích thực từ sự hiếu đễ của con dâu, cha mẹ chồng dễ dàng thay đổi quan điểm với chồng chị. Từ đó, vấn đề “thị phi” về lối sống và ứng xử của chị trong gia đình chồng có thể sớm kết thúc.

Khi niềm hạnh phúc trong gia đình được sưởi ấm lại, mà công lao là từ thiện chí tích cực và nỗ lực khéo léo của chị, tôi nghĩ rằng chồng chị sẽ cảm thấy nhẹ nhỏm tinh thần, không còn bị “kẹt” giữa cha mẹ và vợ nữa, anh ấy sẽ ít đi khỏi gia đình, huống hồ là đi “qua đêm cuối tuần” thường xuyên. Khi cảm thấy quá ngột ngạt trong gia đình, một số quý ông có khuynh hướng đi ra ngoài để tìm không khí thoải mái. Có người sa đà vào nhậu nhẹt với bạn bè để tìm quên, rồi nghiện không gian nhậu và tán dóc. Có người ra phố tìm kiếm và thưởng thức phở, dù vẫn biết đắt tiền và không an toàn thực phẩm... Dù động cơ là gì, việc trốn khỏi tổ ấm do cảm giác “ngột ngạt” sẽ làm cho hạnh phúc gia đình ngày càng mất dần. Con cái của anh chị lớn lên trong bối cảnh cha mẹ chúng bất hòa với ông bà nội sẽ càng bị ngột ngạt hơn. Hãy nghĩ đến điều này để nỗ lực khôn khéo, nhằm tái lập lại không khí hạnh phúc của gia đình.

MỤC LỤC 
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Mười 2015(Xem: 4316)
Nghề trồng cây ăn quả đã là một nghề có từ rất lâu. Nhiều người đã giàu lên từ nghề này, như vùng trồng phật thủ uy tín ở Đắc Sở, Hoài Đức
28 Tháng Chín 2015(Xem: 5138)
Không có quy luật nào trong Phật giáo buộc con người phải kết hôn, hoặc là ở độc thân hoặc là sống một đời sống hoàn toàn trinh bạch. Giới luật cũng không đặt ra cho người Phật tử buộc họ phải sinh con cái hoặc là điều chỉnh số lượng con cái mà họ phải sinh. Đạo Phật cho phép mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền tự do quyết định cho chính bản thân mình về tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 10292)
Đức Phật luôn hiện hữu quanh ta, theo từng bước ta đi, từ hòn sỏi ven đường đến cành cây, chiếc lá, đâu đâu ta cũng có thế thấy Phật. Phật Giáo Giữa Đời Thường ghi lại trải nghiệm mỗi ngày.
17 Tháng Chín 2015(Xem: 4754)
Câu chuyện tôi yêu thích viết về người mẹ, lấy ra từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel của tác giả Toni Morrison, Đôi Mắt Mầu Xanh Thẳm Như Bầu Trời (The Bluest Eye).
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 6124)
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ...
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 8855)
Khi được khen ai cũng vui tươi, Khi bị chê ai cũng buồn chán, Người khôn vượt khỏi khen chê, Thân tâm an ổn, vui tươi làm lành.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 6841)
“Bát phong trong nhà Phật” nghĩa là Tám ngọn gió đời, là Tám pháp thế gian, là thước đo người tu hành chân chính. Tám gió này hay làm con người vọng động, điên đảo mà sinh ra vui vẻ, hạnh phúc hoặc phiền muộn, khổ đau.
31 Tháng Bảy 2015(Xem: 6999)
Có một Phật tử nhân ngày đầu năm đến Thiền Viện thăm Thiền sư và sau đó yêu cầu Thiền sư chúc phúc. Thiền sư liền chúc như sau: “Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết, và chít chết.” Vị Phật tử nghe xong quá kinh hoàng, hoảng sợ nói: “Kính bạch thầy, hôm nay là ngày đầu năm sao thầy chúc con toàn sự chết chóc, thật là xui xẻo và bất hạnh cho gia đình chúng con.
25 Tháng Bảy 2015(Xem: 4719)
Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”
22 Tháng Bảy 2015(Xem: 12740)
Tôi được mời thuyết giảng về “Bảy bí quyết sống hạnh phúc”, nhưng thật khó để hạn chế các bí quyết xuống chỉ còn có bảy! Thật ra có nhiều bí quyết hơn thế, nên tôi hy vọng rằng khi bạn sống với chánh niệm, trí tuệ và lòng từ bi, bạn sẽ trở nên ý thức về các bí quyết khác nữa.