Giúp Con Vượt Qua Kỳ Thi Đại Học

07 Tháng Sáu 201520:27(Xem: 4610)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

GIÚP CON VƯỢT QUA KỲ THI ĐẠI HỌC

Bạch Thầy, hè này con trai lớn của con sẽ thi vào đại học. Cả nhà con, thậm chí cả họ đều lo lắng cho cháu. Suốt 11 năm qua cháu đều đạt học sinh giỏi, và luôn đứng đầu lớp, khối về môn tiếng Anh. Mọi người bảo con: “Học tài thi phận, học giỏi thế mà chưa chắc đã đỗ đâu. Phải lo mà lễ bái cho cháu thi cử đỗ đạt”. Nghe lời mọi người con rất siêng đi lễ, ai mách chùa nào, đền nào, phủ nào là con đi hết. Con là giáo viên nên giờ giấc cũng eo hẹp và ngặt nghèo, bây giờ mới tháng 3 mà con đã nghỉ hết các ngày phép trong năm để đi lễ: Vào Nam, ra Bắc, ai mách đâu là đi đấy. Con làm thế có đúng không Thầy? Chồng con phản đối cực lực, anh ấy nói thi đỗ hay trượt là do kiến thức và tâm lý của cháu chứ không phải cứ lễ bái là thành công. Con mong Thầy chỉ bảo cho con.

Lâm Minh Anh, Vĩnh Phúc

Có bệnh thì vái tứ phương

Thái độ và cách chị quan tâm đến con trai chị cũng là tâm lý phổ biến mà nhiều bậc làm cha mẹ thường vấp phải. Thói quen “có bệnh thì vái tứ phương” không chỉ là hành động chạy vạy khắp nơi để cầu may trong trị bệnh, mà còn là một hiện tượng cầu nguyện phổ biến, mong mỏi mình và người thân đạt được mọi việc như ý. Theo Phật giáo, “vái tứ phương” là một thói quen mê tín, chỉ có tác dụng an ủi hoặc trấn an tạm thời, không thể làm thay đổi bản chất của hiện thực và do vậy không thể tạo ra kết quả như mong đợi. Hậu quả xấu nhất của vái tứ phương là sự thất vọng do không đạt được ý nguyện, dù đó là một thiện chí. 

Người vái tứ phương thích chạy theo lời đồn về phép mầu và sự linh thiêng, mà phần lớn không có thật, vốn được cường điệu, hay bơm phồng vì các mục đích vụ lợi từ sự mê tín của con người. Lời đồn về sự linh thiêng, cầu gì được đó có khoảng cách rất lớn đối với kết quả trong hiện thực, vốn hiện hữu và tồn tại khách quan đối với nguyện ước của con người. Người mê tín thường không nhận chân được điều này, nên tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc trong vái van vô ích và do vậy không thể giải quyết được vấn nạn nào. Phản ứng dội ngược từ việc vái tứ phương là sự thất vọng vì không đạt được kết quả như mong đợi. Đạo Phật gọi đó là “khổ đau do mong muốn mà không được toại nguyện”.

Hành động “vào Nam, ra Bắc, ai mách đâu là đi đấy” của chị chẳng những không giúp ích gì cho cháu, ngược lại còn làm cho cuộc sống của gia đình chị và công việc của chị trở nên xáo trộn, cụ thể là bất hòa giữa vợ chồng chị. Kết quả là chồng chị “phản đối cực lực” khi thấy chị quá cả tin vào mê tín và con chị thì không vui khi biết vì mình mà cha mẹ phải gây gổ với nhau. Thái độ “cả họ đều lo lắng cho cháu” là không cần thiết, vì con trai chị là người có ý thức tự lập cao, học hành có kết quả như ý từ nhiều năm qua và sẽ tiếp tục thành công ở năm nay và những năm tiếp theo.

Không nên tin vào “học tài thi phận”

Mặc dù rủi ro trong thi cử là không thể tránh, nhưng tin rằng “học tài thi phận” chính là một nhận thức sai lầm. Người mê tín thường không phán đoán và giải quyết các vấn nạn trên nền tảng nhân quả, mà chỉ thiên hướng về sự mong muốn chủ quan. “Học giỏi thế mà chưa chắc đã đỗ đâu” là một quan niệm lệch lạc, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan niệm “số phận an bài” mà một bộ phận xã hội cảm thấy mình trở nên yếu đuối và không thể thành công trong thi cử, hay bất kỳ nỗ lực tích cực nào.

Quy luật khách quan không thể phủ định là người học lực giỏi có tỷ lệ thi đỗ đạt cao hơn trong các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học so với nhóm có học lực trung bình. Tỷ lệ đỗ đạt do may mắn là không đáng kể. Người học giỏi mà bị rớt trong các kỳ thi thì chưa thật sự là giỏi. Trong thi cử, nếu người giỏi không thể thi đỗ nổi thì người có học lực khá trở xuống không thể đạt điểm cao.

Cần phải tin rằng “học tài thi đỗ” là chân lý. “Số phận” chẳng qua chỉ là sự suy nghĩ sai lầm về năng lực hoặc nguồn tiềm năng sẵn có trong mỗi người, đến độ, có người đã không thể tin rằng mình có thể làm được một việc gì có ý nghĩa. Nếu do “lễ bái” mà được đỗ đạt như một “số phận đỏ” thì có lẽ những người nhà giàu chịu khó lễ bái để đỗ đạt cao trong các kỳ thi, không ai bị rớt và tất cả đều thành công. Thực tế, kết quả thi đỗ đạt đã không làm phụ lòng những người nỗ lực học tập nghiêm túc suốt cả mùa học và nhất là có phương pháp học thi trong mùa thi đầy thử thách.

Qua những gì chị mô tả, tôi tin rằng con chị đã giữ phong độ học tập “suốt 11 năm qua đều đạt học sinh giỏi và luôn đứng đầu lớp”. Trên nền tảng logic này, chị hãy an tâm rằng con trai chị sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đỗ vào đại học sắp tới. Truyền thống học giỏi suốt 11 năm của cháu sẽ giúp cháu dễ dàng thành công trong thi cử hơn chúng bạn. Trong khi con chị không có bất kỳ biểu hiện lo lắng, lơ đễnh, mê chơi, ham vui, tuột dốc trong học tập, chị càng không nên lo lắng cho cháu và vì cháu. Hãy để con chị tự giải quyết vấn đề học tập và thi cử của mình, như cháu đã từng tự lực trong thời gian qua. 

Nhân quả của thành công

Theo Phật giáo, nhân quả là cán cân công lý chuẩn xác nhất và không bị con người lũng đoạn. Thay vì chạy vạy, vái tứ phương, đạo Phật dạy mọi người nắm vững luật nhân quả để biến các ước mơ trở thành hiện thực. Ai nắm vững và sống theo nhân quả, người ấy nắm chắc sự thành công trong tầm tay.

Trong kinh tạng Pali, Đức Phật dùng hình ảnh “như kẻ vắt sữa ở sừng bò, đầu bò, lưng bò, đuôi bò, chân bò” để chỉ ra tình trạng rằng làm sai quy luật nhân quả, làm sai phương pháp, thì dù có ước nguyện chân thành, đương sự cũng không thể đạt được thành tựu mỹ mãn. Ai cũng biết sữa có trong bầu sữa của con bò, vắt sữa sai cách, sai chỗ, dù trong thân bò có sữa cũng không thể có được sữa để uống. Mê tín và các hành động tín ngưỡng như vái tứ phương, cầu trời khẩn thần, giống như vắt sữa bò thiếu phương pháp, không thể mang lại kết quả tốt lành.

Nếu kiến thức chân chính là chiếc chìa khóa mở cửa các cơ hội thành công thì chánh tư duy là tư duy phương pháp, tư duy tích cực, tư duy phù hợp với quy luật cuộc sống, sẽ là nền tảng đưa đến thành công. Cũng giống như bao nhiêu lĩnh vực khác, thành công trong thi cử phải là kết quả của quá trình nỗ lực có phương pháp một cách không gián đoạn. Đức Phật gọi đó là “tinh tấn” tức sự phấn đấu có hệ thống, kiên trì, hướng đến mục đích và thành tựu. Kiên nhẫn trước nghịch cảnh và thử thách là thái độ hình thành nên bản lĩnh thành công. Trí tuệ, đỉnh cao của tri thức là chìa khóa quan trọng nhất của mọi nỗ lực và thành công.

Nhân quả thành công trong tình huống của con chị hoàn toàn lệ thuộc vào cháu, chứ không phải một ai khác. Câu nói của chồng chị “thi đỗ hay trượt là do kiến thức và tâm lý của cháu” là một nhận xét rất phù hợp với hiện thực. Do vậy, thay vì “lễ bái, cúng kiếng cho cháu thi cử đỗ đạt” thì chị nên tư vấn cháu, hoặc dẫn cháu đến văn phòng tư vấn có kinh nghiệm hướng dẫn về phương pháp học thi, ôn thi, nuôi dưỡng thái độ tích cực trong mùa thi. Đây là những điều vốn có khả năng giúp cho cháu chắc chắn đỗ đạt cao trong thi cử. Là người thân nếu không trực tiếp giúp ích gì cho con cháu thì cũng không nên gieo rắc mê tín vào đầu óc của các cháu. Là cha mẹ, hai anh chị nên đóng thêm vai “thầy cô giáo” của con mình, nhờ đó, các anh chị nắm rõ tâm sinh lý của con em, uốn nắn con em trên lộ trình tìm kiếm sự thành công qua học tập và lập nghiệp.

Sức khỏe mùa thi cũng là vấn đề cha mẹ cần quan tâm, đặc biệt là người mẹ vốn là người chăm lo “cơm dẻo, canh ngọt” cho gia đình, giờ càng phải chú trọng hơn nữa đến khẩu phần ăn của các con hằng ngày, sao cho đủ các nhóm thực phẩm quan trọng (theo tháp dinh dưỡng). Bởi các con có khỏe mới đủ minh mẫn mà giải quyết được các đề bài được đưa ra trong thi. Thứ hai là nhờ sức khỏe, các cháu sẽ không phải quá căng thẳng dễ rơi vào trạng thái dao động về tinh thần, dẫn đến sự thất bại trong mọi lĩnh vực nhất là thi cử.

Rất mong chị hợp tác với chồng chị trong việc giáo dục con cái, giúp con cái thành công, để trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn