Quan Hệ Giới Tính Trong Lúc Mang Thai

07 Tháng Sáu 201521:17(Xem: 4468)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

QUAN HỆ GIỚI TÍNH TRONG LÚC MANG THAI

Con biết chuyện chăn gối là tế nhị nhưng con mong Thầy cho con lời khuyên. Con nghe nói, trong thời gian mang thai nếu vợ chồng quan hệ giới tính nhiều thì về sau đứa con ra đời bị ngu độn hoặc thích ăn chơi? Nếu cấm vận chồng thì sợ chồng thèm “phở”. Vậy là người tại gia, chúng con phải làm thế nào để giải quyết vấn đề trên, nhằm duy trì hạnh phúc gia đình trong thời gian mang thai?

Vũ Hoàng Oanh, Thái Nguyên

Để duy trì hạnh phúc gia đình trong thời gian vợ mang mầm sống trong cơ thể, hai vợ chồng không chỉ quan tâm đến sự “an toàn thai nhi” mà còn tìm cách làm tăng “hương vị cuộc sống lứa đôi”. Để làm được hai việc trên, vợ chồng chị cần lưu ý một số điểm sau đây:

Cá tính mẹ và con trong lúc mang thai

Theo Phật giáo, trong thời gian mang thai, cách ăn uống, nếp suy nghĩ và lối sống của mẹ ảnh hưởng ít nhiều đến cá tính của thai nhi. Phật giáo thường khích lệ người mang thai có những suy nghĩ đẹp, tư duy tích cực, tính tình hài hòa, nói lời từ ái, hiểu biết và cảm thông, rộng lượng và cao thượng để góp phần định hướng cá tính tốt của thai nhi về sau.

Có nhiều thai phụ muốn đứa con trai tương lai có tính khí vui tươi, xởi lởi quán tưởng Đức Phật Di-lặc (biểu tượng của hoan hỷ và rộng lượng); nhưng người muốn có đứa con gái dịu hiền, dễ thương thì thờ và quán tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm (biểu tượng của tình thương, hiểu biết và ban vui).

Do vậy, Phật giáo thường khuyên thai phụ chuyển hóa các thói quen tiêu cực, không đam mê hưởng thụ, xoa dịu cảm xúc, sống lạc quan và tươi cười để thai nhi có nhân cách tốt về sau. Do đó, theo tương quan hai chiều giữa thai phụ và thai nhi, “ân ái quá nhiều” trong thời gian mang thai sẽ có thể ảnh hưởng đến cá tính “ăn chơi” của đứa con về sau. “Quá nhiều” ở đây được hiểu là vượt quá mức tối thiểu cần thiết, so với nhu cầu tự nhiên của cơ thể và tự nguyện của hai người. Tuy nhiên, không có cứ liệu y khoa và Phật học khi cho rằng tình trạng “quá nhiều” đó sẽ làm cho “đứa con ra đời bị ngu độn”. Vì ngu độn thuộc về nghiệp thiếu kiến thức và thiếu trí tuệ, chứ không do “chuyện chăn gối” mà ra. Giả sử nghiệp riêng của thai nhi không có nhiều hạt giống kiến thức, thì cũng đừng quá lo lắng, vì quá trình giáo dục và tư duy đúng cách sẽ giúp con người vượt qua khiếm khuyết này theo năm tháng.

“Cấm vận” hay “thả dàn” đều là sai lầm

Dù biết rằng an toàn thai nhi là mối quan tâm hàng đầu, nhưng đừng vì thế mà ngộ nhận rằng “cấm vận” chồng là sự an toàn tuyệt đối cho mẹ con thai phụ. Nói cách khác, “cấm vận tuyệt đối” trong suốt thời gian mang thai, trong khi tình trạng sức khỏe thai phụ không bị buộc thế, là một sai lầm lớn.

Về phương diện y khoa, thông thường, những thay về đổi sinh học và sinh lý trong ba tháng đầu và sự đi đứng cồng kềnh, nặng nề, vướng víu, khó khăn trong ba tháng cuối mang thai sẽ làm cho một số thai phụ có khuynh hướng thờ ơ chuyện ân ái với chồng. Tuy nhiên, buộc chồng phải gắng “nhịn” hay “kìm nén” suốt thời kỳ mang thai là một cực đoan nên tránh. Vì điều này có thể dẫn đến sự lãnh cảm ở người vợ và nhạt nhẽo ở chồng, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hiện tại và trong tương lai. Theo Phật giáo, trong sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thì xúc giác trên thân có nhu cầu cao hơn vì tính phủ trùm và nhạy cảm của nó. Như quy luật, trong thời gian mang thai, thai phụ có phần tăng ham muốn “ân ái” và nhạy cảm trên thân hơn nhưng đừng vì thế mà ngộ nhận rằng “thả dàn” là tốt. Cần tư vấn bác sĩ chuyên môn để tránh những sai lầm mang tính thiên cực có thể xảy ra.

Các suy nghĩ tiêu cực nên tránh

Suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai phụ và thai nhi là điều không thể tránh khỏi trong thời gian mang thai. Do đó, để duy trì sức khỏe, thai phụ đừng quá lo lắng và bâng quơ suy diễn rằng vì chuyện mang thai mà chồng mình “thèm phở” nên sẽ có nhu cầu “ăn vụng” hoặc “ăn bánh trả tiền”. Lối suy nghĩ này một mặt làm cho thai phụ trở nên đa nghi, dồn nén cảm xúc, tạo ra gánh nặng tâm lý, mặt khác làm cho chồng có cảm giác “không được tin” hoặc thậm chí, cảm thấy “bị xúc phạm”. Nếu hôn nhân xuất phát từ tình yêu đích thực, trong thời gian mang thai, “niềm vui sắp được làm bố” sẽ làm cho người chồng thể hiện sự yêu thương vợ nhiều hơn, nên hiếm có chuyện chồng “giải quyết ở ngoài” như một số bà vợ thường nghĩ do mặc cảm mình già đi, xấu đi khi mang thai. Nếu không có những hiện tượng như chồng đi suốt ngày lẫn đêm mà không có lý do chính đáng, thể hiện tâm trạng hờ hững, không quan tâm chăm sóc, lửa yêu thương lịm tắt. thai phụ nên tránh các thái độ võ đoán xấu về chồng để tránh tình trạng lục đục trong thời gian mang thai. Ngược lại, thai phụ nên phát triển các tư duy tích cực và sự tự tin để góp phần cùng chồng xây dựng hạnh phúc gia đình và nuôi lớn mầm sống yêu thương. 

Tóm lại, để hương vị hạnh phúc không giảm đi trong giai đoạn mang thai, người vợ nên tăng thêm các giá trị cuộc sống, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc với lối sống tích cực; người chồng nên quan tâm, chăm sóc, nâng niu, chiều chuộng vợ hơn. Chuyện “thầm kín” nên là nhu cầu tự nhiên, tự nguyện và cần được chia sẻ và cảm thông giữa hai người, với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn