Tường trình Đại lễ Phật đản PL. 2558 của Tăng đoàn GHPGVNTN Thừa thiên – Huế

29 Tháng Bảy 201501:32(Xem: 5305)
Hòa thượng Viện trưởng cung tuyên Thông Bạch Phật đản PL. 2558
Hòa thượng Viện trưởng cung tuyên Thông Bạch Phật đản PL. 2558
TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

BAN ĐIỀU HÀNH TĂNG ĐOÀN THỪA THIÊN – HUẾ


VP: Chùa Phước Thành,

số 360  Phan Chu Trinh – Huế,

ĐT : (054) 3821122

Phật lịch 2558      

Số: 002/BĐH/TTH/BTT


BẢN TƯỜNG TRÌNH

ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2558

TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN THỪA THIÊN HUẾ

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Thưa đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước,

Hòa cùng niềm vui chung của hàng triệu triệu người con Phật khắp năm châu bốn biển, nhân ngày Phật đản năm nay Ban tổ chức Đại lễ Phật Đản, Tăng Đoàn Thừa Thiên Huế đã thực hiện nghiêm túc tinh thần nội dung Thông tư số 001/BĐH/TTH/TT. Ngày 26.4.2014 Ban Điều hành Tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên Huế, tổ chức Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2558.

Để chư Tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước tường lãm về ngày Đại lễ này, Ban Tổ chức “tường trình Chương trình Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2.558 tại Tổ đình Quốc Ân” như sau:

Ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 06.5.2014)

Buổi sáng chư Tăng và Phật tử khởi công thiết trí lễ đài tại Tổ đình Quốc Ân (Số 143 đường Đặng Huy Trứ, thành phố Huế).

Buổi chiều chư Tăng và đồng bào Phật tử các giới vân tập về Tổ đình Quốc Ân tham dự Lễ Bạch Phật khai kinh. Sau lễ khai kinh, chư Tăng và Phật tử an tịnh trì tụng kinh Pháp Hoa cuốn 1. Tiếng tụng kinh nhẹ nhàng, thanh thoát, hòa quyện khói trầm hương lan tỏa, càng làm cho nơi sắp diễn ra Đại lễ đón mừng ngày Phật Đản sanh thêm phần trang nghiêm, sống động.

Ngày mồng 9 đến ngày 13 tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 7-11.5.2014)

Suốt 5 buổi chiều liên tiếp, chư Tăng và Phật tử luân phiên trì tụng kinh Pháp Hoa. Cầu nguyện Hồng ân Tam bảo từ bi gia hộ cho đất nước vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải, Nhân dân an cư lạc nghiệp, tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do Tôn giáo được tôn trọng và thực thi đúng đắn, quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sớm được phục hồi.

Ngày mồng 10  tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 8-10.5.2014)

Lễ đài Phật đản chính của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên Huế, tiếp tục được thiết trí tại Tổ đình Quốc Ân. Cùng thời gian này, tại các chùa thuộc Tăng đoàn như chùa Kim Quang, chùa Phước Thành, chùa Bảo Quang, chùa Thọ Đức, chùa Phước Hải, chùa Phật Quang, các lễ đài cũng đã được thiết trí. Hình thức các lễ đài vẫn giữ nguyên mô hình tôn tượng đức Phật Đản sanh uy nghi trên quả địa cầu xoay chuyển với dòng chữ: “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT”.

Cũng vào sáng này, dù rất bận rộn với công việc thiết trí lễ đài, nhưng khi nghe tin Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, trú trì tu viện Long Quang lâm bệnh, đang điều trị tại bệnh viện Quốc tế Huế. Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đã kịp thời cử quý Hòa thượng Thích Chí Thắng, Hòa thượng Thích Chơn Niệm, Hòa thượng Thích Tánh Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Tánh và Hòa thượng Thích Khế Viên, đem theo phẩm vật đến bệnh viện thăm và vấn an sức khỏe Đại lão Hòa thượng. Nhưng khi phái đoàn đến bệnh viện thì được các Y Bác sĩ cho biết, Đại lão Hòa thượng đã xin xuất viện về lại chùa rồi.

Quý Hòa thượng lại tiếp tục ra chùa Long Quang. Tại đây, quý Hòa thượng được Đại lão Hòa thượng thân lâm tiếp đón niềm nở, ân cần. Sắc diện của Hòa thượng tuy có phần suy kém, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, ngôn ngữ vẫn cương trực như hằng ngày.

Sau lời tác bạch của vị Đại diện phái đoàn, Đại lão Hòa thượng đáp lời: “Tôi rất cảm động, xin cám ơn quý ngài đã đến thăm hỏi” và nhẹ nhàng đặt tay lên phẩm vật, tỏ ý hoan hỷ tiếp nhận. Đại lão Hòa thượng cũng nhờ quý Hòa thượng chuyển lời thăm hỏi của ngài đến Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh Thượng thủ Hội đồng Chứng minh Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài cũng không quên tỏ lời cám ơn quý Hòa thượng đã đích thân đến thăm và cầu Phật gia bị cho quý Hòa thượng pháp thể khinh an, việc tổ chức Đại lễ Phật đản thành tựu viên mãn.

Suốt thời gian hơn 20 phút hàn huyên tâm sự, Đại lão Hòa thượng đã dành cho phái đoàn một sự tiếp đón hết sức nhuần thấm đạo tình sâu lắng. Sau đó, chư vị Hòa thượng cung kính bái chào Đại lão Hòa thượng ra về.

Trên đường về, quý Hòa thượng đã ghé chùa Thiên Hưng – Huế, vấn an sức khỏe Thượng tọa Thích Tâm Không, Ủy viên Kiến thiết Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên Huế, đang lâm trọng bệnh.

Điều bất ngờ, là vào lúc 15 giờ cùng ngày, có một vị Tăng trẻ đến chùa Phước Thành (Trú sở của Ban Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa Thiên Huế) nói là từ chùa Long Quang vào, xin hoàn trả số phẩm vật do quý Hòa thượng dâng lên Đại lão Hòa thượng lúc ban sáng.

Sau đó, chư Tăng chùa Phước Thành, liền đem số phẩm vật ấy lên trình Đại lão Hòa thượng Thượng thủ. Ngài liền cho mời quý Hòa thượng trong phái đoàn đến và ân cần dạy: “Tình đồng đạo, nghĩa cốt nhục là phẩm vật xuất thế, mới là điều đáng trân quý, trong đời sống hòa hiệp của chư Tăng thì chúng ta đã thi thiết. Bây giờ, sự tình như vậy, chúng ta nên im lặng, hoan hỷ. Có như thế, đạo tình giữa Đại lão Hòa thượng Long Quang và chúng ta mới thêm phần thăng hoa”.

Ngày 13  tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 11.5.2014):

Buổi chiều, sau thời tụng kinh Pháp Hoa (cuốn 6), dưới sự hướng dẫn của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Trưởng ban Điều hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thừa Thiên Huế, phái đoàn Đại diện chư Tăng Ni và Phật tử đã đến đặt vòng hoa, niệm hương tại đài Thánh tử đạo ở đường Lê Lợi, Huế.

Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí vô cùng trang nghiêm. Sau khi đặt vòng hoa và niệm hương, Đại lão Hòa thượng Trưởng ban Điều hành đã hướng dẫn chư Tăng và đồng bào Phật tử đi diễu một vòng quanh đài tưởng niệm. Hình ảnh trang nghiêm ấy không chỉ khơi dậy một giai đoạn lịch sử đấu tranh đầy gian khổ, nhưng hào hùng, bất khuất của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hơn 50 năm về trước, mà còn nhắc nhở cho các thế hệ chư Tăng và Phật tử hôm nay thấy được tinh thần dõng mãnh của ông cha chúng ta đã không ngừng hy sinh, xả bỏ thân mạng để bảo tồn và phát huy Chánh pháp.

Ngày 14 tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 12.5.2014)

Đúng 6 giờ sáng, chư Tăng thuộc Tăng đoàn đã vân tập về giới trường chùa Linh Quang, làm lễ thọ An cư kiết hạ. Một truyền thống cao đẹp có từ thời đức Thế Tôn còn tại thế, vẫn được chư tôn đức Tăng Ni kế thừa và gìn giữ cho đến ngày nay. Buổi chiều, chư Tăng và Phật tử tiếp tục trì tụng kinh Pháp Hoa (cuốn cuối). Sau thời kinh là lễ tạ Phật, hoàn kinh và cúng Thí thực.

Ngày Rằm tháng 4 năm Giáp Ngọ (ngày 13.5.2014)

Khoảng 5 giờ 30 phút, chư Tôn đức Tăng Ni đã quang lâm đầy đủ, đồng bào Phật tử các giới cũng đã tề tựu đông đảo trước lễ đài Tổ đình Quốc Ân. Điều đáng ghi nhớ là cũng giờ này, trên các lễ đài ở các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng đang bắt đầu cử hành Đại lễ Vésak, 2014. Thế nhưng, chư Tăng và Phật tử các giới vẫn không ngừng quy tụ đông đảo về Tổ đình Quốc Ân để tham dự lễ chính thức. Điều này, đã khẳng định tinh thần vô úy của chư Tăng Ni, Phật tử là không ngại khó khăn, gian khổ, không chùn bước trước mọi hiểm nguy, thách thức mà luôn giữ vững niềm tin vào Chánh pháp.

Mở đầu Đại lễ chính thức, trước Phật đài trang nghiêm, khói trầm hương nghi ngút và ánh đèn muôn màu rực sáng, Đại lão Hòa Thượng Thích Diệu Tánh, Thành viên Hội đồng Chứng minh Tăng đoàn GHPGVNTN, niệm hương bạch Phật. Tiếp đến, Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn GHPGVNTN, cung tuyên “Thông bạch Phật đản PL. 2558” của Trưởng lão Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh, Thượng thủ Hội đồng Chứng minh Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những điều trong Thông bạch, thể hiện rất rõ đức Từ bi, tinh thần độ tha và lòng bao dung cao cả đạo Phật, đã làm cho Tăng Ni, Phật tử vô cùng hân hoan, xúc động: “…Xin hãy cứu lấy muôn loài sinh linh, nhân ngày Đản sanh của đức Phật! Xin hãy yêu thương và tha thứ cho nhau để con người chúng ta không phân biệt chủng tộc, màu da, không phân biệt tôn giáo, quan điểm chính trị…nhìn nhau trọn vẹn tình người.

Ai cũng yêu thương cuộc sống, ai cũng muốn an vui hạnh phúc, ai cũng muốn sống hòa bình, chán ghét chiến tranh, khủng bố hận thù và ai cũng muốn quyền làm người được tôn vinh công bằng, tôn giáo nào cũng muốn được hành đạo theo sở học, sở tu của mình, tồn tại khách quan, không bị o ép, phân làm thuần túy hay không thuần túy, dân lập hay quan lập…nông nỗi ấy làm suy yếu tiềm năng khối đại đoàn kết dân tộc, trước con mắt dòm ngó của các thế lực xâm lược…

Những lời vừa giải trình trên đây, cũng là những gì mà Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi thiết tha mong được sự đáp ứng từ mọi phía. Đó là lấy đức hiếu sinh làm nền tảng để xây dựng xã hội loài người, lấy trí tuệ giác ngộ của đức Phật làm nguồn sáng soi rọi mọi ngóc ngách của bóng tối vô minh trong tâm hồn chúng ta, lấy vô ngã vị tha làm chất liệu yêu thương và diệt khổ. Có được sự đáp ứng như trên đây, là chúng ta đang thiết thực hân hoan đón mừng Khánh đản của đức Bổn sư Thích Ca Nâu Ni Phật năm nay.

Nguyện cầu đất nước sớm có tự do, dân chủ, nhân quyền, nhân dân đươc an cư lạc nghiệp, cảnh lầm than đói nghèo, tù tội được xóa bỏ. Triệu người như một kề vai góp sức chống ngoại xâm, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải để không thẹn với tiền nhân đã khổ công gầy dựng. Nguyện cầu cho Dân tộc và Đạo pháp mãi mãi trường tồn, để ngày Đản sanh của đức Từ phụ thật sự là nguồn hạnh phúc đích thực của tất cả chúng ta và nhân loại”.

Sau phần cung tuyên “Thông bạch Phật đản Phật lịch 2558” là 3 phút nhập “Từ Bi Quán”. Trong khoảnh khắc im lặng này, không gian trước Phật đài tại Tổ đình Quốc Ân hoàn toàn lắng đọng, như nhắc nhở mọi người con Phật chúng ta hồi tưởng đến công lao to lớn của các bậc Tôn đức Tăng Ni, chư Thánh tử đạo và Phật tử tiền bối hữu công.       

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558, đã được cử hành vô cùng trang nghiêm và trọng thể tại Tổ đình Quốc Ân-Huế, với sự hiện diện đông đảo của chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử các giới từ thành thị đến nông thôn về tham dự.

Gần đến giờ kết thúc, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Thượng thủ Hội đồng Chứng minh Tăng đoàn GHPGVNTN, đến trước máy phóng thanh, bằng giọng nói rõ ràng, mạnh mẽ, ngài đã ứng khẩu tuyên bố cho chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử các giới biết về hiện tình đất nước đang bị ngoại bang xâm chiếm. Cụ thể Hòa thượng dạy:

Nam mô Bổn sư thích ca mâu ni Phật.

Kính bạch chư tôn đức

Kính thưa toàn thể Nam nữ Phật tử, đến tham dự Đại lễ Phật đản PL.2558 hôm nay.

Kính thưa quý vị, trong lúc chúng ta cùng nhau, Tăng Ni Phật tử cả nước, đang nổ lực hân hoan chào đón ngày Đản sanh của đức Phật, thì cũng trong thời gian đó quân Trung Cộng đã ngang nhiên đem một giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981, hạ đặt sâu trong vùng hải phận Việt Nam, bất chấp dư luận, xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Đây la một hành động xâm lược, nên đã bị các quốc gia lớn trên thế giới lên án, phản đối kịch liệt. Trong nước ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn …các nhà yêu nước, chống ngoại xâm cũng đã rầm rộ lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm chiếm Lãnh hải Việt Nam.

Hôm nay, sau giờ hành lễ Phật đản, để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, chúng tôi xin quý vị cùng chúng tôi đứng yên lặng trong ba phút và chỉ yên lặng trong ba phút thôi, để nhập ý thức quán :

- Ba phút nhập Ý thức quán, nhằm nhắc nhở Tăng Ni tín đổ Phật giáo Việt Nam về ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình đối trước Tổ quốc và dân tộc đang bị lâm nguy, đang bị Trung Cộng xâm chiếm.

- Ba phút nhập Ý thức quán cũng là để đánh thức trách nhiệm và bổn phận của hơn 90 triệu con dân của Tổ quốc Việt Nam, không nên vì sự phồn vinh giả tạo mà để đánh mất Tổ quốc hồi nào chẳng biết và dân tộc Việt Nam  trở thành dân nô lệ của Trung Cộng hồi nào chẳng hay.

- Ba phút nhập ý thức quán, còn là ba phút thiết tha kêu gọi đảng CSVN, nhà nước CHXHCNVN, hãy có ý thức trách nhiệm vai trò lãnh đạo của mình trước quốc dân đồng bào về sự an nguy của Tổ quốc như hiện nay, để có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, hơn là cứ đeo đẳng với ảo tưởng vòng kim cô, bốn  tốt,  mười sáu chữ vàng đầy gian manh xảo trá của Trung Cộng. Đó là ý nghĩa của ba phút nhập Ý thức quán. Bấy giờ xin tất cả yên lặng.

Ba phút nhập Ý thức quán bắt đầu… Ba phút nhập Ý thức quán đã qua.

Chúng tôi xin cám ơn quý liệt vị đã nghe tôi. Tôi cũng xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dân tộc và lich sử về những gì tôi vừa nói. Trân trọng kính chào quý vị.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Một điều đáng ghi nhận ở đây là, tại Thừa Thiên Huế, Đại lễ Phật Đản PL.2558 diễn ra khá yên ổn, không có gì xẫy ra đáng tiếc. Nhưng ở Quảng Nam Đà Nẵng, tại chùa An Cư, phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Tp Đà Nẵng. Đại đức Thích Thiện Phúc trú trì, bị Công an sách nhiễu, khủng bố, chụp mũ, vu khống, bôi nhọ đủ điều. Hình thức khủng bố như một vụ đấu tố vô cùng dã man. Đây là điều không nên có, nhất là  trong lúc quân Trung Cộng quấy phá biển đông, trong nhà thì đàn áp khủng bố Tôn giáo…thật là điều không nên có.

Sự thành tựu viên mãn của Đại lễ Phật Đản năm nay, không chỉ để lại trong lòng chư Tôn đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử các giới một niềm tin tưởng vào sự hưng long của Đạo pháp, mà còn ghi một dấu ấn sâu đậm trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam trước những chướng duyên, nghịch cảnh mà Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang nhận lãnh sứ mệnh nặng nề và khó khăn trước lịch sử.

Kết thúc Đại lễ Phật Đản PL. 2558. Hòa Thượng Thích Chí Thắng, đã thay mặt Ban tổ chức chân thành tán thán cảm tạ  công đức của chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước đã đóng góp công sức, tịnh tài vào sự  thành tựu viên mãn của ngày Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 này.

Nguyện cầu Hồng ân Tam bảo, chư vị Hộ pháp Thiện thần, chư Lịch đại Tổ sư và anh linh chư Thánh tử đạo từ bi gia hộ chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước luôn luôn được bình an, hạnh phúc và sớm đạt thành sở nguyện.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Huế, ngày 18 tháng 5 năm 2014.

TM. Tăng Đoàn GHPGVNTN Thừa Thiên Huế

Chánh Thư Ký

(đã ấn, ký)

Tỳ kheo Thích Thiện Tánh

Xem nguyên bản:
Ban-Tuong-Trinh-Phat-Dan-1Ban-Tuong-Trinh-Phat-Dan-2Ban-Tuong-Trinh-Phat-Dan-3Ban-Tuong-Trinh-Phat-Dan-4Ban-Tuong-Trinh-Phat-Dan-5
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Năm 2023(Xem: 1681)
Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 4 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com
03 Tháng Tư 2023(Xem: 2160)
I. Đại Lễ Phật Đản chung, PL 2567 sẽ long trọng cử hành vào lúc10 giờ sáng, Thứ Bảy ngày 10 tháng 6 năm 2023, nhằm ngày 23 tháng 4 năm Quý Mão tại Chùa Điều Ngự; II. Khoá An Cư ngắn hạn sẽ được tổ chức từ ngày 12 tháng 6 đếnngày 21 tháng 6 năm 2023 tại Chùa Điều Ngự; III. Đại Hội Khoáng Đại III sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16tháng 6 năm 2023 tại Chùa Điều Ngự. Để ba Phật sự trọng đại của Tăng Đoàn được thành tựu viên mãn. Thay mặt Hội Đồng Điều Hành, chúng con/ tôi trân trọng Thông Tư đến chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni và quý Thiện tín Cư sỹ, Huynh trưởng, Phật tử về thời gian - địa điểm tổ chức Đại Lễ Phật Đản chung, Khoá An Cư ngắn hạn và Đại Hội Khoáng Đại III của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại;
02 Tháng Tư 2023(Xem: 1751)
NGUYỆT SAN DIỆU PHÁP_NO.3 THÁNG 3_2023 Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 3 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com
13 Tháng Ba 2023(Xem: 1861)
Đạo Phật chủ trương lấy con người làm trung tâm điểm để cải hóa và xây dựng xã hội. Con người tốt, xã hội tốt và ngược lại. Giáo dục con người để trở thành một tài bảo của thế giới nhân loại là bước căn bản và hết sức quan yếu mà Phật giáo gọi là Nhân Thừa trong Ngũ Thừa giáo. Con người là tài nguyên lớn vô giá như Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân thị tối thắng - Con người là trên hết”; ... Truyền thống giáo dục của Phật giáo là truyền thống giáo dục toàn diện. Đức Phật được tôn xưng như là một nhà giáo dục vĩ đại và thánh thiện, là bậc đạo sư tiêu biểu, mẫu mực (bậc Điều Ngự, đấng phước trí vẹn toàn), đức Phật chủ trương giáo dục con người giải thoát mọi kiến thủ đ
24 Tháng Hai 2023(Xem: 1180)
01 Tháng Hai 2023(Xem: 1159)