88. Kinh Bàhitika (Bàhitika Sutta)

15 Tháng Năm 201000:00(Xem: 28665)
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TRUNG BỘ

Majjhima Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

88. Kinh Bàhitika
(Bàhitika sutta)


Như vầy tôi nghe. 

Một thời Thế Tôn ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp cô độc). 

Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Đi khất thực ở Savatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tôn giả đi đến lâu đài Pubbarama Migaramatu (Đông Viên Lộc Mẫu giảng đường) để nghỉ trưa. 

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala cưỡi trên con voi Ekapundarika và đi ra khỏi thành Savatthi trong buổi sáng sớm. Vua Pasenadi nước Kosala thấy Tôn giả Ananda từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với vị đại thần Sirivaddha: 

-- Vị Tôn giả ấy, này Sirivaddha, có phải là Ananda không? 

-- Thưa phải, tâu Đại vương, Tôn giả ấy là Ananda. 

Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với một người khác: 

-- Này Người kia, hãy đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, rồi thưa như sau: "Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda không có công việc gì phải làm gấp, thưa Tôn giả, mong Tôn giả hãy vì lòng từ chờ đợi một lát". 

-- Thưa vâng, tâu Đại vương. 

Người ấy vâng đáp vua Pasenadi xứ Kosala, đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi đứng một bên. Đứng một bên, người ấy thưa với Tôn giả Ananda: 

-- Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và thưa như sau: "Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda không có công việc gì phải làm gấp, thưa Tôn giả, mong Tôn giả hãy vì lòng từ chờ đợi một lát". 

Tôn giả Ananda im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Ananda đi đến bờ sông Aciravati, sau khi đến, liền ngồi xuống trên chỗ đã đoạn sẵn, dưới một gốc cây. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, cưỡi voi cho đến chỗ nào có thể đi voi được, rồi xuống voi đi bộ đến chỗ Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi đứng một bên. Đứng một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda: 

-- Thưa Tôn giả, ở đây, mong Tôn giả Ananda ngồi trên thảm ngựa. 

-- Thôi vừa rồi, Đại vương, Đại vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi. 

Vua Pasenadi nước Kosala ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda: 

-- Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn không làm các thân hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, Thế Tôn không làm các thân hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn không làm các khẩu hành... không làm các ý hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, Thế Tôn không làm các khẩu hành, ý hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Thưa Tôn giả, điều mà tôi không thể nói lên một cách đầy đủ trong một câu hỏi, đã được Tôn giả Ananda nói lên một cách đầy đủ trong câu trả lời câu hỏi. Thưa Tôn giả, khi người ngu si, thiếu kinh nghiệm tán thán hay hủy báng những người khác, mà không chứng nghiệm và suy xét, thì chúng tôi không y cứ vào đấy và xem như là lõi cây. Nhưng thưa Tôn giả, khi người có trí, có kinh nghiệm tán thán hay hủy báng những người khác, có chứng nghiệm và suy xét, thì chúng tôi y cứ vào đấy và xem như là lõi cây. 

Nhưng thưa Tôn giả Ananda, thế nào là thân hành mà các vị Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thân hành gì bất thiện. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành bất thiện? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thân hành gì có tội. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có tội? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thân hành gì có hại. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có hại? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thân hành nào có khổ báo. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có khổ báo? 

-- Thưa Đại vương, phàm thân hành gì đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, từ nơi thân hành ấy, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm. Thưa Đại vương, thân hành như vậy bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là khẩu hành... thế nào là ý hành bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ ý hành gì bất thiện. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành bất thiện? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành gì có tội. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có tội? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành gì có hại. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có hại? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành nào có khổ báo. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có khổ báo? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành gì đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, từ nơi ý hành ấy các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm. Thưa Đại vương, ý hành như vậy bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn tán thán sự đoạn trừ tất cả bất thiện pháp? 

-- Thưa Đại vương, Như Lai đã đoạn trừ tất cả bất thiện pháp và thành tựu các thiện pháp. 

-- Nhưng thưa Tôn giả Ananda, thế nào là thân hành không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thiện thân hành nào. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thiện thân hành? 

-- Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không có tội. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có tội? 

-- Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không có hại. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có hại? 

-- Thưa Đại vương, phàm thân hành nào có lạc báo. 

-- Thưa tôn giả, thế nào là thân hành có lạc báo? 

-- Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, từ nơi thân hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng. Thưa Đại vương, thân hành như vậy không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thưa Tôn giả Ananda, thế nào là khẩu hành... thế nào là ý hành không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách? 

-- Thưa Đại vương, bất cứ thiện ý hành nào. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là thiện ý hành? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành nào không có tội. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành không có tội? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành nào không có hại. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành không có hại? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành nào có lạc báo. 

-- Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có lạc báo? 

-- Thưa Đại vương, phàm ý hành nào không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, từ nơi ý hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng. Thưa Đại vương, ý hành như vậy không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách. 

-- Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn tán thán sự thành tựu tất cả thiện pháp? 

-- Thưa Đại vương, Như Lai đã đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, và thành tựu các thiện pháp? 

-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Thật khéo nói thay việc này, thưa Tôn giả. Do Tôn giả Ananda mà chúng tôi, thưa Tôn giả, được hoan hỷ và thỏa mãn với những lời khéo nói của Tôn giả Ananda. Được hoan hỷ và thỏa mãn, thưa Tôn giả, với những lời khéo nói của Tôn giả Ananda, chúng tôi vui lòng tặng một con voi báu cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận con voi báu. Chúng tôi vui lòng tặng con ngựa báu cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận con ngựa báu. Chúng tôi vui lòng tặng một làng ân tứ cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận một làng ân tứ. Nhưng thưa Tôn giả, chúng tôi được biết như sau: "Việc này Tôn giả Ananda không được phép". Thưa Tôn giả, có cuộn vải ngoại hóa này, được gắn vào trong một cán dù, do vua Ajatasattu, con bà Videhi nước Magadha gởi cho tôi, dài mười sáu khuỷu tay, rộng tám khuỷu tay. Thưa Toân giả, mong Tôn giả Ananda vì lòng từ bi nạp thọ cho. 

-- Thôi vừa rồi, Đại vương! Tôi đã đủ ba y. 

-- Thưa Tôn giả, sau cơn mưa lớn trên sườn núi, cả Tôn giả và tôi đã thấy lúc ấy sông Aciravati chảy mạnh, tràn qua hai bên bờ như thế nào. Cũng vậy, thưa Tôn giả, Tôn giả Ananda có thể làm cho mình ba y, từ nơi tấm vải ngoại hóa này. Còn ba y cũ, Tôn giả Ananda có thể đem phân phát cho các đồng Phạm hạnh. Như vậy sự bố thí này của chúng tôi được trôi chảy, như nước lan tràn qua bờ. Thưa Tôn giả, mong Tôn giả nhận cho tấm vải ngoại hóa này. 

Rồi Tôn giả Ananda nhận lấy tấm vải ngoại hóa. Rồi vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda: 

-- Thưa Tôn giả Ananda, nay chúng tôi phải đi. Chúng tôi có nhiều công vụ, có nhiều trách nhiệm phải làm. 

-- Thưa Đại vương, nay Đại vương hãy làm gì Đại vương nghĩ là hợp thời. 

Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Ananda dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về ngài, rồi ra đi. 

Tôn giả Ananda, sau khi vua Pasenadi nước Kosala ra đi không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda tường thuật lên Thế Tôn tất cả cuộc đàm thoại với vua Pasenadi nước Kosala rồi dâng tấm vải ngoại hóa lên Thế Tôn. 

Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo: 

-- Thật hạnh phúc thay cho vua Pasenadi nước Kosala! Thật tốt đẹp thay cho vua Pasenadi nước Kosala! Vua đã được yết kiến Tôn giả Ananda và được cúng dường. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6369)
01 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9123)
Khi xưa, vào thời Đức Phật, tại thành Vesali xảy ra ba khổ nạn là bệnh tật, phi nhơn hoành hành và nghèo đói. Ba hiểm nạn lớn đó đã khiến cho dân thành Vesali khốn đốn. Các vị Hòang thân Licchavi khởi lên niềm tin nơi Đức Phật. Họ tin rằng chỉ có Đức Phật, với trí tuệ và uy lực của Ngài, mới có thể giúp người dân trong thành Vesali thoát khỏi khổ nạn và đem đến sự an lành.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 12638)
Bài Kinh này gián tiếp giới thiệu một cách khái quát giá trị tâm linh của người xuất gia, bắt đầu bằng một đời sống thanh cao, không màn đến sở hữu tài sản vật chất thế gian. Mục đích của người tu không phải để được làm trụ trì một ngôi chùa, được người đời cúng dường và cung kính, mà nhằm tầm cầu con đường tâm linh, hướng đến các giá trị nội tại. Các giá trị đó chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành theo con đường trung đạo, khởi đi bằng cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) và kết thúc bằng đời sống thiền định
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7993)
Thế Tôn thuyết như sau: -- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ. ... The Blessed One said this: "This is the direct path for the purification of beings, for the overcoming of sorrow and lamentation, for the disappearance of pain and distress, for the attainment of the right method, and for the realization of Unbinding -- in other words, the four frames of reference. Which four?
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 8354)
Kinh điển Pali bao gồm hàng ngàn bộ kinh, và đang được phổ biến rộng rãi trên mạng. Đứng trước kho tàng đồ sộ đó, tự nhiên bạn sẽ bối rối: Tại sao tôi nên đọc những kinh này? Đọc kinh nào bây giờ? Đọc như thế nào?
17 Tháng Sáu 2014(Xem: 19838)
Đây là quyển Kinh Tụng Pāḷi-Việt dành cho Phật tử Nguyên thủy, được dịch và biên soạn bằng văn vần dựa theo Pāḷi. Khá nhiều bài ở đây, đã được tụng đọc trong suốt nhiều năm qua tại một số chùa Phật giáo Nguyên thủy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do sao qua chép lại, và do nơi này nơi kia đã tự ý sửa chữ, đổi lời - nên nhiều câu, nhiều từ bị “biến dạng” đi!
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 13431)
Người mất ngủ thấy đêm dài Đường xa nặng trĩu đôi vai lữ hành Ngu nhân chẳng thấy pháp lành Luân hồi nào biết mối manh nẻo về.
27 Tháng Ba 2014(Xem: 12046)