CÔNG ĐỨC

11 Tháng Bảy 202309:06(Xem: 925)

CÔNG ĐỨC
Ajahn Lee Dhammadaro
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961),
là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rùng.

***

 

blankRất khó tìm hạnh phúc ở thế gian này. Thật vậy, khi nhìn quanh, ta không thấy gì ngoài đau khổphiền muộn và hỗn loạn. Nếu chúng ta có thể trốn thoát, đến sống ở một nơi khác, thì chắc không còn ai ở lại nơi này.  Thế giới sẽ trống rỗng, không có ai sống ở đây. Nhưng vì chúng ta bị chướng ngại, không thể tìm ra lối thoát, ta đành phải chịu đựng cuộc sống ở đây trong đau đớn và thống khổ. Nếu có khả năng trốn thoát, thì không có ai muốn ở lại nơi này.

Mục đích của Đức Phật trong việc tạo thói quen hội tụ lại vào những ngày nghe Pháp là để dạy ta tự rèn luyện bản thân làm điều thiện lành. Những cuộc tụ họp không có mục đích đều vô ích.  Vì vậy, khi tụ họp với nhau ngày hôm nay, chúng ta phải chân thành trong ý định tìm kiếm sự tốt lành cho bản thân - chúng ta đến tu viện không phải vì thấy người khác đến, hoặc ta tụ họp với nhau không vì thấy người khác tụ lại với nhau. Nếu ta đến mà không có bất kỳ mục đích nào trong tâm như vậy, thì không có lợi ích nào thực sự phát sinh.

Khi trẻ, chúng ta quan tâm đến các vấn đề thế gian, khi già, một số người trở nên quan tâm đến các vấn đề của giáo Pháp. Có người chết mà chưa bao giờ đặt chân đến chùa, dù chỉ một lần. Bạn phải thấy rằng thời gian khi bạn còn có cơ hội để làm điều tốt, rất giá trịVì vậy, khi bạn nghe Pháp, đừng chỉ lắng nghe mà không có mục đích gì. Bạn phải thực sự có ý định lắng nghe. Chỉ khi đó việc lắng nghe Pháp của bạn mới có kết quả.

Đây là lý do tại sao Đức Phật nói, "Kālena dhamma-savana etam-magalam-uttamaThường xuyên lắng nghe Pháp là phước lành tối thượng."

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ nhận được điều tốt lành trong tâm ta.

Từ "thế gian" được dùng để chỉ các vấn đề vật chất. Từ "Pháp -Dhamma" đề cập đến những vấn đề tâm linh.  Pháp là vấn đề của tâm tríThế gian là vấn đề của thân.  Nhưng thế gian và Pháp phụ thuộc vào nhau, giống như cách ta phải phụ thuộc vào thế gian để sống, và thế gian phụ thuộc vào con người để được điểm tô, làm cho nó đáng sống, đáng yêu, xây dựng đường xá, nhà cửa, phố thị thật tốt đẹp.

Nhiều người quan tâm đến việc ăn mặc đẹp cho bản thân và trang hoàng nhà cửa hoành tráng, nhưng hầu như không có ai quan tâm đến việc làm đẹp cho tâm trí, vì tâm trí là thứ bạn không thể nhìn thấy. Nhưng thực ra tâm trí mới là điều quan trọng nhất đối với mọi người.  Thân và tâm phải phụ thuộc nhau nếu chúng muốn phát triển. Tuy nhiên, chúng là hai thứ riêng biệt, không phải một, không giống nhau, cũng như con người phải phụ thuộc vào thế gian, nhưng thế gian không phải là con người và con người không phải là thế gian.

Đau khổ của chúng ta đến từ đâu? Đức Phật khám phá ra rằng nếu mọi việc tốt đẹp, tâm sẽ tự tại; Nếu chúng không như ý, tâm sẽ đau khổ.  Cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới này khổ hay vui, đều phụ thuộc vào hai yếu tố này. Vì vậy, câu hỏi là: "Chúng ta phải làm gì để bản thân tốt đẹp, để ta không khổ đau và được hạnh phúc theo nhiều cách khác nhau?"

Vậy, chúng ta muốn gì? Nếu bạn hỏi mọi người câu này chắc chắn họ sẽ trả lời, "Chúng tôi muốn những điều tốt nhất, những thứ đẹp nhất và những thứ thỏa mãn mong ước của chúng tôi nhất!" Khi tâm hài lòng, nó sẽ hạnh phúc và thoải mái.

Nhưng hạnh phúc có hai loại. Loại thứ nhất như gạo được nấu chín. Loại thứ hai giống như ánh sáng sao trên bầu trời. Vì vậy, có gạo hạnh phúc và sao hạnh phúcHạnh phúc ở thế gian là hạnh phúc gạo. Hạnh phúc của Pháp là hạnh phúc sao.

Tâm ta giống như một đứa trẻ khờ.  Nó bỏ vào miệng cả những thứ không phải là thức ănvì vậy nó đau khổ. Tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc, nhưng chúng ta cứ đem đau khổ vào thân mà không nhận thức được điều đó. Đó là vì có hai loại hạnh phúcHạnh phúc sao chói sáng, ngọt ngào, với mức độ dinh dưỡng cao làm dịu mát tâm. Hạnh phúc gạo tuy có hương hấp dẫn thân, nhưng nó không có chút ánh sáng nào - tức là, không có hạnh phúc thực sự cho tâm.

Tâm hạnh phúc mát mẻ, dịu êm vì nó có thể dựa vào Pháp để giải quyết các vấn đề và duy trì trạng thái tốt đẹp ở đó. Nếu tâm không tràn đầy giáo Pháp, nó không có hạnh phúc thực sự. Vì vậychúng ta phải làm cho tâm lấp lánh như sao và sáng trong như trăng. Nếu đây là điều bạn muốn, bạn nên làm những gì có thể để thực sự trải nghiệm nó.

Thân này của ta - bao gồm nhiều yếu tố khác nhau tập hợp lại thành một khối duy nhất: Nếu chúng ta không biết cách phân tách các yếu tố ra để xem có gì ở đó, thì chúng ta không thực sự biết mình. Giống như khi ai đó đưa cho ta một mảnh kim loại phế liệu. Nếu ta không phân tách các chất kim loại khác nhau trộn lẫn trong đó – như thiếc hoặc đồng hoặc bất cứ thứ gì – thì mảnh kim loại đó không có bất kỳ giá trị nào đối với ta và chúng ta sẽ phải bán nó với giá rẻ. Tất cả chúng ta đều có những điều tốt đẹp bên trong, nhưng nếu ta không biết cách phân tách chúng, thân có gì khác hơn một cục thịt.  Ta sẽ chăm sóc nó cho đến khi nó chết, giống như cách ta nằm ôm một mảnh kim loại hay một tảng đá mà không biết phải làm gì với nó. Chúng ta sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ nó.

Đức Phật thấy rằng thân và tâm là hai thứ riêng biệt có giá trị khác nhau. Thân chậm chạp, nặng nề. Tâm nhẹ nhàng, nhanh nhạy. Thí dụ, nếu bạn nghĩ đến việc đi  Bangkok, tâm ngay lập tức phóng đến Bangkok. Trong một ngày, nó có thể đến đó không biết bao nhiêu lần. Nhưng với thân, nếu bạn chỉ muốn nó đi, nó sẽ không bao giờ đến đó. Đến khi bạn có tuổi, thân càng trở nên tồi tệ hơn: Mỗi bước chân có thể làm bạn kiệt sứcVì vậy, tốc độ của thân và tâm khác nhau theo cách này. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng tâm là thứ nhanh nhất thế giới, và quan trọng nhất trong thân.  Chúng ta phải quán sát nó, để hoàn toàn quen thuộc với nó. Nếu không, ta sẽ không thể được hạnh phúc.

Phật giáo không có vấn đề cầu nguyện hay van xin, và nó cũng không phải là thứ mà chúng ta có thể trao tặng cho nhau. Mỗi chúng ta phải tự thực hành, nếu ta muốn có được kết quả. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải tạo công đức, vì công đức là điều làm phát sinh hạnh phúc mà chúng ta khao khát. Nếu nhìn quanh, bạn sẽ thấy có một số người thành công ở mọi thứ họ mó tay vào. Người khác lại không thành công với bất cứ điều gì: Họ thử điều này hay điều nọ, không có gì thành công. Đó là vì họ không có bất kỳ công đức nào để hỗ trợ họ. Do đó, Đức Phật đã ca ngợi những người thường xuyên tạo ra nhiều công đức, vì bất cứ điều gì họ nghĩ sẽ làm, đều thành công như ý nguyện. Đó là những người hạnh phúc.

"Công đức có gì tốt? Bạn càng tạo nhiều công đứctài sản của bạn càng giảm.  Vậy công đức có gì tốt sao?”  Nếu chỉ nhìn công đức trên bề mặt, người ta chắc chắn sẽ nhìn mọi thứ theo cách đó. Nếu bạn chỉ nói ngắn gọn về công đức mà không giải thích nó, mọi người chắc chắn sẽ hiểu lầm. Đây là lý do tại sao Đức Phật giải thích phần thưởng của ba cách tạo công đứcbố thígiữ giới và hành thiền.

Bố thí là một cách ta giúp người khác hạnh phúc. Khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau và trao tặng những điều hữu ích cho nhau, điều ấy phải có ý nghĩa gì đó. Vậy, hãy dừng lại và suy nghĩ. Tất cả những đau khổ và hỗn loạn trên thế gian này – trộm cắp, đốt phá và chiến tranh thế giới: Chúng từ đâu đến? Chúng đến từ những người không được ăn no. Không ăn no có hai lý do:

(1) Không có gì để ăn; và

(2) Có nhiều thứ để ăn nhưng bạn không no - tức là lòng tham của bạn không bao giờ biết đủ. Hai hình thức không no này sẽ làm phát sinh chiến tranh thế giới. Một số người muốn mình là người duy nhất giàu có. Nhưng hãy thử nghĩ: Nếu chỉ có mười người thực sự giàu có và hai mươi triệu người không có gì để ăn, hai mươi triệu người đó chắc chắn sẽ không để mười người kia yên. Ngược lại, một khi hai mươi triệu người có được sức mạnh, bọn họ sẽ buộc mười người kia không ăn gì ngoài cháo loãng và ngủ trên nền đất.

Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải rộng lượng, chia sẻ thức ăn với người. Đừng keo kiệt và ích kỷ. Nếu trên khắp thế giớimọi người chia sẻ mọi thứ với nhau, có lẽ sẽ không có bất kỳ sự hỗn loạn nào. Khi mọi người có đủ ăn, họ bình lặng. Mà không chỉ con ngườiThú vật cũng thếthí dụ như chó. Khi chúng đã no, chúng sẽ nằm yên. Bạn có thể bước qua đầu chúng mà không sợ bị cắn. Mà chúng cũng không làm phiền đến ta.

Con người cũng thế. Khi họ có thể ăn no, ngủ yên, họ sẽ cười toét miệng.  Người khác có thể la mắng, mà họ không màng.  Nhưng nếu họ đói, chỉ một câu nói mất lòng của ai đó, họ có thể xé xác kẻ đó. Đây là cách hành xử của con người và con vật.

"Không có gì để ăn": Tại sao vậy?  Vì nghèo.  Nghèo đói có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng nói chung là do lười biếng hay ngu dốt.  Đó là lý do tại sao nhiều người không có gì để ăn. Họ lười biếng không muốn làm việc, nên họ nghèo. Khi nghèo, họ không có gì để ăn.

"Có đồ để ăn nhưng không no": Điều này xảy ra khi lòng tham và sự keo kiệt chiếm lấy trái tim. Bạn có đủ nhưng bạn không dám ăn vì sợ hết, hoặc sợ người khác nhìn thấy, họ sẽ xin bớt.  Nếu bạn không dám ăn vì sợ hết hoặc người khác sẽ ăn cắp những gì bạn có, bạn phải ăn trong bí mật.

Khi người khác không có gì để ăn nhìn thấy bạn, họ sẽ nghĩ, "Tại sao những người này có nhiều như vậy? Tại sao họ ăn lén lút mà không chia sẻ?" Điều này làm phát sinh trộm, cướp. Ngòi châm cho các cuộc chiến tranh thế giới: Là vì ta không chia sẻ thức ăn cho nhau. Nếu chúng ta biết chia sẻ cho nhau, thế giới sẽ hòa bình và hạnh phúc. Không chia sẻ, thế giới sẽ phải hỗn loạn. Khi những cuộc xung đột nhỏ bắt đầu, chúng làm phát sinh chiến tranh lớn, sau đó biến thành chiến tranh thế giới.

Đức Phật đã thấy trước những vấn đề này, nên Ngài đã dạy:

"Dānañca dhamma-cariyā ca etam-magalam-uttama:

Bố thí và thực hành Pháp là phước lành cao nhất."

Có bốn loại bố thí:

1)  Hỗ trợ con cái, chia sẻ tài sản với chúng khi thích hợp để giúp chúng được giáo dục đầy đủ và bắt đầu lập nghiệp.

2)  Cứu trợ người nghèo trong cơn hoạn nạn, và người bệnh, người già.

3)  Đóng góp cho đất nước nói chung, hỗ trợ tiền để xây dựng đường xá, bệnh viện, và sẵn sàng trả thuế đầy đủ.

4)  Cúng dường để tôn vinh Phật, Pháp và Tăng, những người xứng đáng được cúng dường

Khi làm được những điều này, đó là phước lành cho chính bạn. Bạn đã gửi tài sản của mình an toàn trong bốn ngân hàng này. Khi cần đến chúng, bạn chỉ cần nhớ đến những điều tốt đẹp bạn đã làm, và tâm trí sẽ được an vui. Loại tài sản này là thánh sản: Nó sẽ theo bạn đến ngày hấp hối, và ngay cả khi bạn tái sinh, bạn sẽ có rất nhiều thứ để sử dụng mà không phải lo lắng.

Vì lý do này, Đức Phật đã giúp chúng sinh ở thế gian được hạnh phúc và bình an bằng cách dạy mọi người biết ban tặng nhau bốn loại quà nêu trên.  Và Ngài đã dạy Pháp để chúng ta có thể giữ giới và thực hành thiền định. Ngài đã dạy: "Đừng chấp vào những dục lạc thế gian – như được ngủ nghỉ, được ăn no - vì no theo cách này không thể no lâu, và không thực sự no. Nếu bạn no hôm nay, ngày mai bạn sẽ lại đói. Nếu ngày mai bạn no, bạn sẽ lại đói vào ngày hôm sau. Bạn khổ sở khi phải luôn chạy tìm thức ăn”.

Với dục lạc khi được ngủ nghỉ, cũng không có gì đáng hào hứng. Hãy thử nằm suốt ba ngày, xem nó như thế nào? Lưng bạn sẽ chai cứng đến mức bạn sẽ khó thể đứng dậy. Bạn sẽ phải tìm ai đó để xoa bóp dầu cho bạn.  Điều mà bạn nghĩ sẽ dễ chịucuối cùng lại khiến bạn đau đớn.

Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta không nên say mê với dục lạc được ăn, được nằm.  Thay vào đó hãy nghiền nát dục lạc đó thành bột, để nó có thể biến thành một thứ gì đó có giá trị hơn. Giống như rễ khoai mì chỉ có giá 20 xu. Nếu bạn xắt ra, phơi khô, rồi xay thành bột, và mang ra chợ bán, bạn sẽ thấy rằng giá của nó đã tăng lên bốn hoặc năm đô la một ký. Hoặc giống như gạo, bình thường có giá một đô la rưỡi mỗi lít: Nếu bạn phơi nắng, xay thành bột để làm thức tráng miệng, bạn sẽ có thể bán nó với giá gấp đôi.

Tương tựĐức Phật đã dạy chúng ta lấy của cải của mình nghiền nát (chia sẻ), để chúng có thể phát triển về giá trị. Nói cách khác, Ngài đã dạy chúng ta sử dụng trí tuệ để thấy rằng tài sản thế gian là tài sản chung của mọi người, và ta chỉ có thể đạt được giá trị từ chúng bằng cách hỗ trợ, bố thí cho người, nhờ thế ta sẽ trở nên là người quảng đại. Đừng ăn hết mọi thứ một mình.

"N'ekāsī labhate sukha: Những người ăn một mình không thể tìm thấy hạnh phúc".

Khi bạn nằm, đừng nằm lâu. Hy sinh một số thời gian bạn nằm trên giường bằng cách ngồi thiền, phát triển thiện ý như một cách để làm tăng sức mạnh cho tâm trí của bạn. Như thế, bạn sẽ không áp bức người khác, và bạn cũng không áp bức bản thân.

 
Diệu Liên Lý Thu Linh -2023

 

(Trích dịch từ Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu Từ Những Vụn Vặt: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới-  của Ngài Ajaan Lee Dhammadharo)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn