Phật ở Hồ Núi Cốc

24 Tháng Mười 201300:00(Xem: 10608)

PHẬT Ở HỒ NÚI CỐC
Bài và ảnh: Nhụy Nguyên

phatohonuicoc-300x408Đến Núi Cốc, chiếc xe khách ém người đang lừng khừng, thấy Phật tôi đã vọt xuống. Xe vẫn chở đoàn người tiến sâu vào khu du lịch sinh thái nổi tiếng của xứ chè Thái cách Hà Nội gần trăm cây số này, để rồi sau đó tôi cuốc bộ một mình, mới hay muốn ở lại với Phật quả gian nan. Trong chương trình chuyến đi của tôi không có hồ Núi Cốc; bản thân tôi cũng chưa hề biết bên hồ có tượng Phật. Tôi đến đây xem như tình cờ, như “tình cờ” tôi theo Phật cách dăm năm về trước. Phúc đức thay Phật tính của tôi buổi ấy đã hé tia sáng mong manh từ file rác trong tàng thức tưởng đã không còn cơ hội phục hồi.

Nơi tôi đứng là quần thể công trình du lịch thiện nguyện Thuyết nhân quả với mức đầu tư khoảng ba chục tỷ đồng. Đập vào mắt du khách là tượng Đức Phật Thích Ca khổng lồ cao 45m, lớn nhất cả nước tính vào thời điểm khánh thành. Phía trong tượng Phật là chùa Thác Vàng. Tích kể, xưa có vợ chồng nghèo, bà quay tơ dệt vải còn ông bám rừng kiếm sống. Cảm động với gia cảnh nghèo khó mà họ vẫn giúp người, một đêm Tiên đã hiện về trong giấc mơ chỉ cho họ mỏm núi có chứa vàng. Sáng ra ông lão đi đào xới. Đang trong thời điểm ốm nặng, ông lão vẫn gắng đào cho đến lúc từ lòng đất tuôn ra dòng nước lẫn cát vàng sáng lóa. Ghi ơn Trời Phật, ông già bà lão đã dùng số vàng đó xây ngay tại mỏm núi ngôi chùa đặt tên Thác Vàng. Ngôi chùa thiêng này rồi lụi dần theo thời gian. Đến nay thì mong ước của Phật tử đã toại: trên đất cũ đã có ngôi chùa mới tọa dưới tượng Phật uy nghiêm mà gương mặt vẫn toát ra vẻ nhân từ thanh thoát.

Dòng huyền thoại về đôi vợ chồng già đã cho tôi ngộ ra nhiều điều. Họ là những người nghèo nhưng vẫn hay giúp người; không như bây giờ quá nhiều người đợi giàu mới nghĩ đến tha nhân. Họ không cầu thần Phật hầu mong đổi lấy cuộc sống an nhàn; trong lúc bây giờ người ta vẫn thường ngửa mặt lên trời trách than dẫu nghiệp “tồn kho” còn chưa hề vơi bớt. Chính cái xứng đáng mà không mong cầu đó đã khiến Phật cảm động. Nhận được vàng, điều họ tính đầu tiên lại là xây ngôi chùa. Ngôi chùa được dựng lên như vậy mới chính là chùa từ tâm. Còn nay, hẳn nhiều người sẽ “không hiểu” sao mình ít học, tâm tính quá thường mà tiền của cứ rót vào như nước. Họ không biết rằng nghiệp lành từ những kiếp trước đang trả lễ họ. Thay vì làm phước, gửi vào ngân hàng đức để “có lãi” quay vòng cho kiếp kế tiếp, họ lại kiêu mạn trước dòng đời, phung phí tiền đó sai khiến người khác, vun bồi cho bản ngã ngày một chất ngất. Rốt cuộc họ trở về bên kia với hai bàn tay trắng trong lúc trên lưng mình núi lớn nghiệp lực.

Ngồi bên hồ Núi Cốc tôi cứ lan man vậy; thấy hồ rộng hơn cả một dòng sông. Trời đổ mưa bất chợt, không phảng phất dự báo. Ly cà phê loãng mau chóng. Tôi và một người bạn thu lu trong cái chòi đủ cho dăm người. Mưa tạt vào ướt nhoẹt, vẫn ngồi, vẫn nhìn ra bờ hồ đang bốc lên sương khói. Những con thuyền tơi tả dưới mưa, gấp gáp phóng về bờ làm tôi liên tưởng đến thuyết tâm linh về sự cố trái đất nhẽ ra không sai số mà diễn biến đúng thời điểm năm 2000. Ông chủ lún sâu trong quán cứ nhìn ra chúng tôi ái ngại, sau thì thấy ông đội mưa mang ra hai tấm bìa chắn gió. Bạn tôi lại huyên thuyên nói về rác trong thơ. Đúng hơn, bạn tái chế rác thành thơ, hay cũng hiểu ngược lại. Tôi giật mình không hiểu trước lúc tung thơ lên mặt báo và lên net đã vớt rác khỏi thơ hay đã từng tùy tiện vứt rác vào người khác. Rợn mình nữa khi nghĩ về những sinh linh người trong hành tinh nhỏ bé trái đất. Nếu tính theo tầng cấp trong cõi trời thôi, chứ chưa tính cõi Phật, thì người vẫn thuộc tầng thấp nhất. Từ cõi Phật, mỗi lần thước đo tâm tính sụt thảm, “chúng sinh” lại rớt xuống một tầng, cứ thế… đến cõi người; cõi ấy há chẳng phải hố rác của vũ trụ sao? Là rác của vũ trụ, thứ rác đang tịnh hóa trong guồng máy tái chế tâm linh, tôi với tay lên cao xanh nghĩ những điều huyễn hoặc.

Một nhạc sĩ nào đó đã bồng bềnh trên ngọn núi này viết lại huyền thoại nàng Công chàng Cốc. Một mối tình mang nhiều hệ lụy của chế độ phong kiến, oan khiên tan vỡ: người con gái hóa dòng sông Công mải miết vỗ về dưới chân chàng Cốc là người yêu hóa núi. Mối tình nhuộm ráng huyền tích đã lấp đi vẻ tục lụy trần ai. Ở bên chùa lại nghe một chuyện tình, cứ thấy man mác, cứ thấy cuộc đời vẫn còn rọi vào mình dẫu đã giấu mặt vào sau lưng Phật.

Hầu như đến vùng đất nào tôi cũng tìm đến Phật. Tôi đối chiếu Phật trong tâm và Phật ở bên ngoài. Phật bên ngoài tâm đôi lúc rõ nét hơn bên trong. Hôm nay tại Núi Cốc, trước một tượng Phật lớn quá mức so với thân mình, tôi đã thử tắt tất cả các thức để biết Phật kia không tồn tại. Mới hay, từ vô thỉ đến vô chung Phật vẫn thường hằng trong tàng thức dẫu tôi sẽ biến mất, dẫu cho Phật tại Núi Cốc này rồi cũng sẽ biến mất cùng với những ảo tưởng mà con người đặt ra về một cõi viên dung không nương ánh hào quang của Phật. „■

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Sáu 2015(Xem: 7045)
Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 9061)
Sinh ra lớn lên tại khu ghetto nghèo đầy tội phạm thường thấy tại các thành phố lớn, John không có cha, mẹ nghiện ngập suốt ngày. Bao nhiêu tiền chính phủ trợ cấp hàng tháng cho gia đình nghèo, mẹ anh dùng mua rượu, thuốc.
04 Tháng Năm 2015(Xem: 7106)
Tuấn quen Davis hơn 20 năm trước tại Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ khi theo học ngành lập trình điện toán. Cũng giống như bao người Việt qua đây trong thời gian đầu, ngày ấy Tuấn rất khổ sở với các môn đòi hỏi phải đọc và viết nhiều tiếng Anh. Những môn Toán Lý Hóa, Lập trình, Logic thì Tuấn học rất khá. Trong một lần vào phòng lab, thấy Davis bực bội giải không ra bài lập trình, Tuấn đến giúp và quen anh từ dạo ấy.
27 Tháng Ba 2015(Xem: 8993)
Mùa an cư của giáo đoàn Siddhatta bình lặng giữa mùa sala hé nụ. Đoàn khất sĩ ngày thêm đông. Rừng sala như một lễ hội bắt đầu… Mùa kiết hạ sắp tới. Đức Phật rất lấy làm mãn nguyện với khu rừng ngập tràn hoa sala vốn của thái tử Jeta này.
30 Tháng Bảy 2014(Xem: 8581)
Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ là những lần ghé lại đâu đó. Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có thể chung thân với một thứ gì miên viễn. Mình không bỏ nó thì nó cũng xa mình. Ta có thể mất nó, vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu. Và cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi. Hồi xưa bắt chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông...
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 9111)
...một niềm thương cảm dịu dàng, sâu lắng gợn lên, chị thấy mình đang đầy đủ và hạnh phúc với những gì đang có trong tay, chị thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Cuộc đời sẽ bình yên biết bao nếu ta có cái nhìn thấu đáo với mọi sự chung quanh, hãy bằng lòng với những duyên khởi và duyên tan, có đến tất có đi, có vui ắt phải có buồn,… trần gian vốn dĩ như thế mà, sao ta cứ mong cầu mọi sự như ý ta mãi mãi…
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 8524)
Cuối tháng giêng, trời lạnh sắt se. Nước rỉ ra từ những lùm cây rậm, khe đá hở, rồi theo những đường rãnh, róc rách đổ xuống suối, sườn núi, triền non, mù sương bãng lãng; chỗ đậm như khói, chỗ nhạt như lụa; vật vờ, chao động, nhẹ thênh thênh, huyền ảo như cổ tích, chập chờn như mộng mị.