VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH
TRONG KIẾN TẠO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
Jnan Nanda | Phan Thị Thanh Hương và Trần Kim Chi dịch
(Trích Tham luận Vesak 2014)
Nghiên cứu về hòa bình cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực tế đã được tăng cường do tầm quan trọng đương thời của nó. Việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hòa bình và hòa hợp đóng vai trò then chốt trong xã hội toàn cầu do bạo lực và các xung đột do con người gây ra ngày một gia tăng. Do vậy mà có cả các nghiên cứu về hòa bình ở các khía cạnh khác nhau như chính trị và tôn giáo, và ở các cấp độ khác nhau như quốc gia và khu vực.
Phật giáo là một trong số các tôn giáo trên thế giới đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội yêu chuộng hòa bình. Phật giáo khuyên dạy con người hướng tới giải phóng tinh thần hoặc xã hội. Điều này có nghĩa là, trong khi chú trọng vào việc đạt được Niết-bàn giải thoát (Nibbāna), Phật giáo cũng nhấn mạnh đến việc dùng đạo đức để có được hạnh phúc nhân gian, trong đó có cả cuộc sống gia đình - vốn là một phần quan trọng trong xã hội toàn cầu.
Tham luận này nhằm mục đích khám phá một số lời dạy cốt lõi của Phật giáo thông qua mô tả bằng cách nào một gia đình yêu chuộng hòa bình có thể là mô hình cho kiến thiết hòa bình trong xã hội toàn cầu. Trước hết, những lời dạy của Phật về triết học xã hội, đặc biệt nhấn mạnh vào cuộc sống gia đình, sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tìm ra đóng góp giá trị của những lời dạy này vào công cuộc chấm dứt các cuộc xung đột và bạo lực hiện thời.
Thứ hai, tham luận sẽ nghiên cứu ngắn gọn về khái niệm hòa bình của Phật giáo để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong thế giới đương đại. Cuối cùng, tham luận cũng sẽ thảo luận các giá trị đạo đức của con người trong kiến thiết hòa bình và làm hài hòa xã hội. Những nghiên cứu này dựa vào các kinh điển Pāli cổ đại.
Phân tích Phật giáo về gia đình
Người ta có thể sẽ hoàn toàn thất vọng vì khó mà tìm được chương nào cụ thể trong kinh Pāli bàn trực tiếp về cấu trúc của gia đình. Tuy nhiên, không phải Đức Phật hay các môn đồ của Ngài không quan tâm đến vấn đề phúc lợi và tiến bộ trong cuộc sống gia đình. Thực tế là, tinh thần Phật pháp, cả về mặt tinh thần và xã hội, đều cho thấy Đức Phật quan tâm tới tinh thần cũng như phúc lợi xã hội của tất cả chúng sanh. Hơn nữa, học thuyết duyên sinh (paticca samuppāda) của Phật giáo giải thích rằng mọi vật, dù là cá nhân hay gia đình, không phải là một thực thể độc lập trong vũ trụ. Sự tồn tại của bất kỳ thực thể nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sự tồn tại và phúc lợi của xã hội loài người cũng được Phật giáo giải thích như vậy. Do đó, xã hội toàn cầu là không có khác nhau. Sự tập hợp cuối cùng các cá nhân đơn lẻ đưa đến sự hình thành xã hội toàn cầu, nơi gia đình là một đơn vị quan trọng.
Kinh Sīgalovāda1 được đặc biệt chú trong nghiên cứu triết học xã hội Phật giáo. Bản kinh này giảng giải các trách nhiệm tương hỗ khác nhau của mỗi cá nhân trong xã hội. Thực sự, hầu hết các cá nhân được đề cập trong kinh Sīgalovāda đều là phần cơ bản của một gia đình. Mặc dù bản kinh giảng giải trách nhiệm tương hỗ cho từng cá nhân, nhưng xét cho cùng chúng đều có chung mục đích và kết quả. Để xây dựng được một gia đình đầm ấm, từng cá nhân đều phải triệt để làm tròn các trách nhiệm mà bản kinh nêu ra.
Dưới đây là một số điều cơ bản mà kinh Sīgalovāda khuyên dạy một gia đình đầm ấm cần duy trì để có thể tồn tại lâu dài và hài hòa:
- Tôn trọng lẫn nhau.
- Kinh tế vững.
- Phát triển đời sống tôn giáo/tâm linh.
Lời dạy đầu nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết và tin cậy giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội toàn cầu và thương mại hóa, cho dù là một cá nhân hay quốc gia, kinh tế vững là một yếu tố quan trọng như lời dạy thứ hai đã nhấn mạnh. Với sự phát triển bùng nổ trong xã hội loài người, cuộc sống là quá phức tạp và xô bồ. Trong bối cảnh này, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt xã hội tới sự an bình nội tâm thông qua các tập quán tôn giáo. Điều này được giảng giải bằng yếu tố thứ ba.
Trong khi kinh Sīgalovāda nhấn mạnh các trách nhiệm tương hỗ của mỗi cá nhân trong xã hội, bản kinh cũng có mối liên hệ tới nhiều lời dạy trong các kinh khác khi bàn về những lời Phật dạy về triết học xã hội. Khi mỗi cá nhân thực thi trách nhiệm của mình với các thành viên trong gia đình hay toàn xã hội, năm giới, giáo lý cơ bản trong triết học xã hội Phật giáo, đóng một số vai trò cơ bản trong viêc gìn giữ và bảo vệ nhân phẩm của con người. Theo lời của Lily de Silva, đó là nền tảng không thể thiếu của đời sống theo giáo pháp. Trong thực tế, giới, mà nó là một sự phân chia trong sự phân chia thành ba chi phần của Bát Chánh đạo, cũng không khác gì Năm giới. Tuân thủ đúng theo Năm giới được cho sẽ giúp con người tự tin và không sợ hãi2, mà đó là những đặc điểm tiên quyết cho sự tiến bộ về đạo đức của con người.
Việc thực hiện Năm giới được nhấn mạnh đối với các thành viên trong gia đình, cũng như những người theo Phật giáo, bởi Năm giới này hướng gia đình tới những khía cạnh xã hội và đạo đức tốt đẹp hơn. Vì cuộc sống là quý giá với tất cả mọi người và không ai muốn đau khổ, Phật giáo coi quyền được sống mà không có bất kỳ khổ đau nào về thể xác hay tinh thần, bao gồm cả việc chấm dứt đời sống, là quan trọng nhất. Trong thời đại hiện nay, khi con người luôn mang dao và súng - trực tiếp hay gián tiếp gia tăng hiểm nguy cho người khác, thì giới đầu tiên thực sự là phẩm hạnh mà mọi người cần cấp thiết thực hiện và quảng bá lòng từ (metta).
Bên cạnh mạng sống thì của cải cũng là quý giá với tất cả mọi người. Ai cũng muốn của cải của mình tăng lên chứ không muốn mất nó. Giới thứ hai nhấn mạnh việc bảo vệ của cải của mỗi người. Tuy nhiên, con người cũng cần gây dựng của cải của mình một cách lương thiện. Trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, việc gây dựng tài sản được nhấn mạnh qua cách con ong lấy phấn từ hoa mà không làm hại những bông hoa đó3. Do đó, tuân thủ hai giới đầu có nghĩa là các thành viên trong gia đình không làm hại hay giết hại lẫn nhau hay chúng sinh khác, và cũng không gây dựng của cải theo cách không lương thiện.
Hôn nhân cũng là một yếu tố cơ bản trong cuộc sống gia đình. Hôn nhân là hai cá nhân đến với nhau, được gọi là vợ chồng, gắn kết chặt chẽ và đi chung một con đường. Thực tế là nền tảng hay nguồn gốc của gia đình bắt đầu từ hai cá nhân: chồng và vợ. Để duy trì mối liên kết mạnh mẽ và tin tưởng hơn giữa hai người, Phật giáo nhấn mạnh những trách nhiệm khác nhau mà cả hai phải chung vai gánh vác, các trách nhiệm này cũng được giảng giải cụ thể trong kinh Sīgalovāda4.
Hơn nữa, không nghi ngờ gì đời sống tình dục của hai cá nhân là rất quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ này. Vì vậy, giới thứ ba, không tà dâm, đóng một vai trò quan trọng. Nói cách khác, giới này nhấn mạnh phẩm hạnh đạo đức dạy rằng chồng hoặc vợ không nên ngoại tình. Kinh Parābhava ghi lại rằng một người chồng không chung thủy với vợ mình, hay bị bắt gặp với gái mại dâm, hay có quan hệ tình dục với vợ của người khác là nguyên nhân của sự đồi bại của chính mình5. Điều này đúng cả cho chồng và vợ. Theo Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna), sự thỏa mãn của cả chồng và vợ tuy là hai thân xác nhưng lại là một; việc tước đi xúc cảm sâu sắc này của một trong hai người là tội ác. Những lời dạy như vậy mà chúng được tìm thấy trong các kinh điển nguyên thủy và những bản văn về sau đã chỉ ra rằng Phật giáo ủng hộ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa vợ chồng.
Để xây dựng lòng tin giữa con người trong xã hội, giao tiếp bằng lời là một công cụ quan trọng. Trong một xã hội thiếu vắng lòng tin và những quan hệ tốt đẹp giữa con người, sự hận thù và cái ác sẽ có cơ hội gây ra các tai họa xã hội. Trong kinh Atthakaraṇa, Đức Phật dạy rằng những thú vui giác quan là nguyên do của việc nói dối, gây ra những tổn hại lâu dài và đau khổ6. Đức Phật còn khẳng định rằng một người có thể nói dối thì không có việc ác nào mà không dám làm7. Cũng vậy, bất hòa có thể xảy trong gia đình nếu nói sai sự thật. Vì vậy, Phật giáo quy định việc không được nói sai sự thật là một trong các giới luật cơ bản cho cả tu sĩ cũng như những cư sĩ tại gia. Cùng với giới này, chánh ngữ (sammā vācā) được đặc biệt nhấn mạnh.
Trong xã hội hiện đại, đồ uống gây nghiện đã trở thành phổ biến đối với dân chúng. Hơn nữa, các ngành công nghiệp sản xuất loại đồ uống này lớn mạnh hơn bao giờ hết do lượng tiêu thụ khổng lồ. Lúc thưởng thức hương vị của những chất gây say nghiện, cũng là lúc người ta thường dễ bị tổn thương bởi những ảnh hưởng tiêu cực. Kinh Sīgalovāda đã nêu ra sáu hậu họa mà con người phải đối mặt khi mắc nghiện là:
1. Nghèo đi.
2. Hay tranh cãi.
3. Dễ mắc bệnh.
4. Mang tiếng xấu.
5. Vô sỉ.
6. Trí tuệ trì độn8.
Những hậu họa này không chỉ tai hại cho một cá nhân mà còn có thể bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng xấu đến người khác. Chẳng hạn như, nếu một thành viên trong gia đình mắc nghiện, như kinh đã dạy, sẽ làm mất ổn định và hài hòa trong gia đình và ảnh hưởng xấu đến các thành viên khác trong gia đình. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hài hòa và ổn định trong một cuộc sống hạnh phúc, Đức Phật không khuyến khích các Phật tử sử dụng các loại gây nghiện này.
Phân tích Phật giáo về gia đình ở trên chỉ rõ rằng trong khi Phật giáo nhấn mạnh phát triển trí tuệ, thì đức hạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nền tảng đạo đức cho mỗi cá nhân hay mỗi gia đình trong xã hội. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng giống như mỗi cá nhân trong xã hội, gia đình vốn là tập hợp của các cá nhân này, là một chủ thể quan trọng có thể thúc đẩy hòa bình và hài hòa xã hội bằng cách mỗi thành viên trong gia đình đều sống đức độ. Kinh Samajīvīna giảng giải: Cả hai vợ chồng cùng có niềm tin, có trách nhiệm, không tham lam, sống đúng giáo lý, nói với nhau những lời yêu thương: thì có được lợi ích theo nhiều cách. Phước đức sẽ đến với họ…9.
Mặt khác, cha mẹ cũng là người thầy quan trọng nhất của con cái, và để báo đáp, con cái có trách nhiệm chăm sóc và tôn trọng cha mẹ khi cần10. Kinh Maṅgala dạy rằng chăm sóc cha mẹ, vợ chồng và con cái là một trong những phúc đức lớn nhất11, còn kinh Sīgalovāda chỉ ra rằng khi mỗi cá nhân thực hiện đúng các trách nhiệm tương hỗ của mình sẽ mang lại hòa bình và hài hòa xã hội.
Khái niệm hòa bình của Phật giáo
Thế giới này luôn tồn tại xung đột và hòa bình, dù là vào thời Đức Phật hay hiện tại. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, kinh tế, chính trị và ý thức hệ mà hệ quả là chiến tranh là rất phổ biến trong lịch sử loài người. Kinh nói rằng, “Tham lam đã gây ra các cuộc xung đột giữa vua với vua, giữa tu sĩ với tu sĩ, giữa con người với con người, giữa các vùng miền, và giữa các quốc gia”12. Thêm vào đó còn có rất nhiều các cuộc xung đột lớn nhỏ khác đã gây ra bất hòa xã hội. Tuy nhiên, như ta thấy, trong thời đại hiện nay, con người đã nỗ lực chiến đấu cho hòa bình bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có cả phương tiện tôn giáo/tâm linh.
Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo, thúc đẩy hòa bình và làm hài hòa xã hội. Bằng chứng là nhiều kinh Phật đã nhấn mạnh tình yêu thương với hết thảy chúng sinh. Kinh Karaṇiyametta, một trong các kinh thuộc số đó, đặc biệt quan tâm đến khía cạnh này. Trong kinh Karaṇiyametta, Đức Phật dạy các đệ tử trau dồi lòng từ, yêu thương tất cả chúng sinh như mẹ yêu con13. Daṇḍavagga nói rằng, vì ai ai cũng không muốn sợ hãi, ai ai cũng đều sợ chết, nên không ai được giết hay sai khiến giết để mưu lợi cho riêng mình14. Hơn nữa, ai gây ra bạo lực thì sẽ bị mười ác báo:
Khổ đau, tai họa, thương tích, trọng bệnh, loạn tâm, bị chính quyền gây rắc rối, bị phạt nặng, mất người thân, mất của, hay cháy nhà; sau khi cơ thể tan rã thì con người ngu tối đó sẽ bị đầu thai trong địa ngục15.
Khăng khăng chấp thủ quan điểm cũng là một trong những gốc rễ cơ bản của bạo lực và xung đột. Các bản kinh Pāli khác nhau đã ghi chép lại nhiều trường hợp mà ở đó người ta, bao gồm các tu sĩ và các nhóm tôn giáo khác nhau, gây ra xung đột do khăng khăng bám chấp vào quan điểm của mình16.
Tứ vô lượng tâm cần đặc biệt chú ý trong việc nghiên cứu khái niệm hòa bình của Phật giáo. Tứ vô lượng tâm bao gồm: từ (metta), bi (karuṇa), hỷ (mudita) và xả (upekkha). Tứ vô lượng tâm này được đặt tên như vậy vì chúng đưa con người tới miền hạnh phúc nơi không có bạo lực và xung đột, nơi được biết đến như cõi Phạm thiên (Brahma vihāra). Nuôi dưỡng Tứ vô lượng tâm giúp mang lại an lành cho con người và môi trường sống quanh họ. Trong kinh Brahmavihāra, Đức Phật giảng giải rằng khi một người luôn thực hành từ-bi-hỷ-xả thì sẽ thoát khỏi mọi thù hận và đau khổ17. Do vậy, người này là một trong những người được an hưởng thái bình.
Những lời giáo huấn của Đức Phật không nhấn mạnh tới sự an bình mang đến từ những điều kiện bên ngoài. Theo triết lý của đạo Phật, sự an bình đến từ bên trong mỗi chúng sinh. Trong kinh Māgandiya, Đức Phật thuyết rằng an bình nội tâm sẽ đến khi chúng ta đoạn diệt được hết những xung đột từ trong tâm18.
Việc thực hành từ tâm vì vậy là một công cụ quan trọng để đạt được trạng thái bình an này. Đây là việc tu bồi các cảm thọ tích cực đối với bản thân mình và các chúng sinh khác; và khi thực hành cảm thọ tích cực này, ta sẽ dần dần nhận ra rằng sân hận là sự hủy hoại và là hành động bạo lực. Một trong các bài kệ của kinh Pháp cú đã chỉ rõ sự thù hận, một trong những gốc rễ hủy hoại dẫn đến sự bất ổn trong xã hội loài người, thì không bao giờ có thể giải quyết được bằng sự thù hận, mà chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu thương19.
Mặt khác, tình yêu thương là một phương tiện để mang lại tình ái hữu, từ đó dẫn tới việc thiết lập sự bình an và hòa hợp giữa các cá nhân trong xã hội20. Vì lý do quan trọng này, việc thực hành lòng yêu thương là một chánh niệm tỉnh thức luôn được hàng Phật tử trên khắp thế giới đề cao. Trong Bảo hành vương chính luận (Rāja-parikathā-ratnamālā) của Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna), có dạy rõ rằng, phần công đức được tích tụ do phát tâm cúng dường ba lần một ngày và nấu 300 nồi thức ăn, không thể sánh bằng phần công đức của việc luôn thực hành tình yêu thương21.
Ta không nên có nhận thức sai lệch rằng lòng từ bi có nghĩa là luôn luôn cho đi của cải vật chất. Mặc dù sự rộng lượng (bố thí/dāna) là một trong những phạm trù của lòng từ bi, thuật ngữ này bao hàm một ý nghĩa rộng lớn hơn. Trong thực tế, từ bi là làm giảm nỗi khổ (dukkha) cho chính bản thân mình và những người khác. Trong kinh Nissāraṇīya, Đức Phật giải thích rằng khi lòng từ bi được phát triển đến mức độ tuyệt đỉnh, thì đó là một loại giải thoát (cetovimutti)22. Đức Phật dạy rằng một người sống với lòng từ bi sẽ không có xung đột và sẽ luôn luôn hành động một cách thích hợp nhất23.
Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), ngài Phật Âm (Buddhaghosa) nhấn mạnh rằng ta nên bắt đầu phát triển lòng từ bi bằng cách xem xét sự nguy hiểm nếu thiếu đi lòng từ bi và những lợi thế khi phát khởi lòng từ bi24. Trong những giáo huấn của Phật giáo Đại thừa, lòng từ bi luôn được coi là nền tảng căn bản quan trọng nhất, vì một người có lòng từ bi thì sẽ có khả năng giải thoát cho chính bản thân mình và các chúng sinh hữu tình khác. Một vị Bồ-tát được cho là người đã phát khởi được lòng đại bi toàn hảo nhất (mahākaruṇa), tuy vậy các ngài lại thệ nguyện chưa giải thoát cho chính mình cho đến khi tất cả chúng sinh khác đạt được giải thoát.
Như ngài Phật Âm đã giải thích, niềm hoan hỷ là sự vui mừng khi mình nhìn thấy được sự thành công của những người khác25. Nói cách khác, nên tùy hỷ với thành công của người khác chứ không nên phát sinh tâm ghen tị hoặc cảm thấy thương hại khi thấy người khác thất bại. Theo Peter Harvey, đó là niềm hoan hỷ với niềm vui của người khác, hạnh phúc khi thấy họ may mắn; đó chính là sự đối trị của lòng đố kỵ và bất bình26. Đây cũng chính là một con đường dẫn tới việc diệt trừ lòng ghen tỵ và thù hận.
Tâm buông xả là một chủ đề thường được thảo luận trong các buổi giảng pháp nhấn mạnh tới sự cân bằng giữa từng cá nhân và phúc lợi xã hội. Trường hợp Đức Phật phản đối hệ thống đẳng cấp và chấp nhận tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều bình đẳng như con người là một ví dụ thật đáng chú ý. Việc thực hành lòng yêu thương đối với tất cả mọi chúng sinh hữu tình có thể được coi là một khía cạnh của tâm buông xả. Điều này có nghĩa là có tâm không phân biệt trong quán sát và chấp nhận những chúng sinh khác. Ở trong trạng thái của tâm xả cũng giúp ta nhìn thấy sự vật hiện tượng như chúng đang hiện hữu. Theo ngài Phật Âm, tâm xả được mô tả là hình thức thúc đẩy khía cạnh bình đẳng tới mọi chúng sinh hữu tình27. Nhân tố này là điểm tối quan trọng trong việc giải quyết những mối xung đột.
Phần thảo luận ở trên chỉ ra rằng Tứ vô lượng tâm là những yếu tố cốt lõi trong việc phát triển sự an bình nội tại cho mình và cho những chúng sinh khác. Thật vậy, Wijesekerera đã hoàn toàn đúng khi phát biểu:
Tất cả các mối quan hệ xã hội, theo Đức Phật, phải được đặt trên bốn thái độ, và chúng được coi là đại diện cho những điều kiện cao cả nhất (brahma) của các điều kiện phúc lợi xã hội. Trong thực tế, có thể khẳng định một cách đúng đắn rằng, khái niệm phạm trú (brahma-vihara) tóm lược lại toàn bộ nền tảng triết lý xã hội của Phật giáo và là một phần tóm lược rất cô đọng28.
Mặc khác, Tứ vô lượng tâm cũng có thể được hiểu theo một số giới luật cơ bản, mà đó là nền tảng của đạo đức Phật giáo. Theo đó, ba giới đầu tiên thúc đẩy phúc lợi xã hội, tránh xa việc làm hại hoặc giết hại những chúng sinh khác. Ba giới này cũng dạy ta trong khi bảo vệ tài sản của cải của mình thì cũng có thể thực hành bố thí vật chất hoặc phi vật chất. Điều này sẽ dẫn ta tới việc đoạn trừ tâm tham ái, là một trong ba độc, gốc rễ dẫn tới xung đột do con người tạo ra. Hơn nữa, hai giới còn lại hướng dẫn ta trở nên chân thành và chánh niệm, là những yếu tố quan trọng khi thực hành tùy hỷ và buông xả. Vì vậy, kết quả của lối sống theo đạo đức Phật giáo, dựa vào Tứ vô lượng tâm và Năm giới đóng một vai trò căn bản, là hòa bình và hòa hợp giữa mình và những chúng sinh khác.
Vai trò của gia đình trong việc đạt được hòa bình trên toàn cầu
Hòa thượng Medagama Vijiragnana Nayaka Thera nhận định:
Xã hội là một tổ chức bao gồm nhiều cá nhân, và mỗi cá nhân đều có những mối quan hệ cụ thể với các cá nhân khác. Mỗi con người có một vị trí nhất định trong trật tự của xã hội. Mỗi người có một loạt các nhiệm vụ phải làm. Phúc lợi xã hội phụ thuộc vào cách thức mà từng cá nhân trong xã hội ứng xử thế nào29.
Sự diễn đạt này, được tìm thấy ý nghĩa tương đương trong các phần khác nhau của hệ kinh tạng Pāli, chỉ ra một cách rõ ràng rằng từng cá nhân đều có trách nhiệm riêng trong việc xây dựng hòa bình và hòa hợp cho mình và cùng tồn tại hòa bình với những chúng sinh khác. Thực tế như đã nói ở trên, một cá nhân và một xã hội như là một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau, một xã hội lớn hơn là tập hợp của nhiều thực thể khác nhau, từng cá nhân một là một thực thể nhỏ nhất của xã hội. Tương tự như vậy, sự tồn tại của một gia đình là sự thống nhất của một số cá nhân cụ thể nào đó. Do đó, phần này sẽ tập trung vào việc cách thức một gia đình có thể ảnh hưởng thế nào trong việc xây dựng hòa bình trong xã hội toàn cầu, một Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Cách thức để xây dựng một gia đình có được sự bình an và hòa hợp, đã được Đức Phật dạy trong nhiều bài kinh. Nói cách khác, đó không phải là trách nhiệm của gia đình đem đến sự tồn tại bình an và hòa hợp, mà đó chính là trách nhiệm của từng cá nhân thành viên sống trong gia đình trong việc xây dựng bình an và hòa hợp lẫn nhau vì phúc lợi và hạnh phúc của chính họ. Vì từng cá nhân trong xã hội là một phần của cộng đồng xã hội, hành động của họ cũng ảnh hưởng tới chính cuộc sống của họ cũng như cuộc sống của những cá nhân khác. Do đó, từng người một nên phải sống đúng đắn vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng.
Hơn nữa, một con người có các hành vi đúng đắn có thể là một hình mẫu đạo đức gương mẫu trong xã hội như Đức Phật, người đã trở thành một trong những nhân vật gương mẫu nhất trong lịch sử nhân loại và là một nguồn hướng đạo cho bao nhiêu thế hệ. Trong kinh Adhammika, Đức Phật giải thích vai trò đạo đức của một nhà lãnh đạo có thể ảnh hưởng đến những chủ thể khác như thế nào, qua ví dụ của một vị vua.
Theo đó, khi nhà vua là người công tâm, các đại thần cũng là những người chính trực, khi các đại thần là người chính trực, các Bà-la-môn và các gia chủ cũng đều là những người có hành xử đúng đắn; và người dân ở thành thị và ở nông thôn cũng sẽ hành xử thích hợp30. Tương tự, người đứng đầu trong một gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng như thế để phát huy giá trị đạo đức trong gia đình. Trong bối cảnh tương tự, Đức Phật tiếp tục thuyết rằng nếu vua không phải là người công tâm, thì các bên liên quan khác được đề cập ở trên cũng sẽ hành xử y như vậy. Vì vậy điều tương tự cũng có thể xảy ra trong các gia đình.
Mặc dù Đức Phật ở một khía cạnh nào đó không thừa nhận những kiến thức đến từ truyền thống31, nhưng điều này không hoàn toàn có nghĩa rằng Ngài không thừa nhận truyền thống của một gia đình. Thực tế, việc thừa hưởng các truyền thống gia đình giúp con người đạt được những tiến bộ cho chính bản thân mình và những người khác. Tuy nhiên, đối với trường hợp chấp nhận những kiến thức đến từ truyền thống qua xác minh kỹ lưỡng, thì cũng nên kiểm chứng giá trị đạo đức của truyền thống gia đình. Bám chấp vào những truyền thống không có giá trị về mặt đạo đức có thể đưa ta đi vào con đường sai lệch.
Kinh tế là một nguyên nhân, một trong những vấn đề gốc rễ dẫn đến bạo lực và xung đột trong cuộc sống của từng cá nhân và toàn xã hội. Đức Phật đã hiểu rất rõ vấn đề này và vì vậy triết lý xã hội của Phật giáo đề xuất hai xu hướng phát triển kinh tế thích hợp: một là từ gia đình và một là do nhà nước32. Như được giảng giải trong kinh Cakkavattisīhanāda, nhà nước chịu trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho mọi công dân để được thịnh vượng về kinh tế33. Kinh tế gia đình mà Đức Phật nhấn mạnh được giảng giải rõ ràng trong kinh Sīgālovāda. Ban đầu, người ta nên học cách có thể tích lũy của cải bằng các phương tiện đạo đức, giống như những con ong hút phấn từ nhụy hoa mà không làm tổn hại đến các bông hoa. Thứ hai, những của cải mà một người tích lũy một cách có đạo đức nên được chia làm bốn phần và sử dụng như sau:
1. Một phần dùng cho nhu cầu bản thân.
2. Hai phần dùng cho công việc đầu tư kinh doanh.
3. Một phần nên tích lũy để sử dụng trong tương lai34.
Cách thức sử dụng mà Đức Phật chỉ ra này là một phương thức tiêu dùng chân chính những của cải mà một người đã hết sức khó nhọc để kiếm ra được. Hơn nữa, cả hai cách thức Đức Phật chỉ dạy về việc kiếm tiền và sử dụng của cải đều không làm tổn hại đến bản thân mình và các chúng sinh khác, mà chỉ đưa đến sự thịnh vượng.
Những cá nhân và quốc gia giàu có và có quyền lực được bầu ra để quản trị và điều hành xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới đều là những người nổi tiếng về đạo đức. Kinh Hatthaka ghi lại một người trong khi trò chuyện cùng Đức Phật có nói rằng anh ta được những người khác tôn trọng và lắng nghe bởi vì sự giàu có của gia đình anh ta35. Điều này chỉ ra rằng một cá nhân giàu có và có địa vị xã hội cũng có khả năng ảnh hưởng đến những người khác. Những cá nhân như vậy có thể là một nhân vật lãnh đạo dẫn dắt xã hội theo con đường đúng đắn, mang lại sự cộng sinh an bình và hòa hợp. Hơn thế nữa, khi Năm giới là nền tảng căn bản của đời sống đạo đức của con người như thế, thì những nhân vật và quốc gia quyền lực như vậy có thể đóng những vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và xây dựng hòa bình và hòa hợp trong xã hội toàn cầu, là một mục tiêu trong Các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Kết luận
Những giảng giải dựa trên kinh điển trong bài viết này trình bày những khía cạnh khác nhau của giáo pháp Đức Phật về triết học xã hội. Những khía cạnh này chỉ ra rằng những lời dạy của Đức Phật, trong khi nhấn mạnh vào sự thịnh vượng cá nhân, chúng cũng xem xét một cách cẩn trọng rằng trong việc đạt lấy sự thịnh vượng cho mình, ta không được làm tổn hại đến những chúng sinh khác mà cần phải mang lại lợi ích cho họ nữa.
Năm giới và Tứ vô lượng tâm, là nền tảng căn bản của bài viết này, đề xuất rằng những nhân tố đạo đức này là thỏa đáng để đạt được thành công, thịnh vượng và phúc lợi của từng chúng sinh hữu tình phù hợp với mọi thời điểm và mọi nơi. Hơn thế nữa, đạo Phật trong khi chấp nhận xã hội toàn cầu là một tập hợp của các đơn vị khác nhau - bao gồm cả gia đình, cũng nhấn mạnh tới từng cá nhân và đơn vị đều có những trách nhiệm tương hỗ đối với những người khác. Trong thực tế, sự tồn tại của xã hội toàn cầu phụ thuộc vào cơ cấu và chức năng của những đơn vị này, có nghĩa là nếu một số đơn vị không có những giá trị đạo đức, sẽ làm tổn hại đến sự tồn tại hòa bình và hòa hợp dẫn tới những thảm họa xã hội.
Jnan Nanda
- Phan Thị Thanh Hương và Trần Kim Chi dịch
(Trích Tham luận Vesak 2014)
___________________________
(1) Trong kinh này, Đức Phật giảng giải những lời khuyên của người cha quá cố cho con trai mình nhưng người con làm sai các lời khuyên đó. Trong phần giảng giải, Đức Phật hướng dẫn sáu cách thực hiện các trách nhiệm tương hỗ với cha mẹ, con cái, vợ chồng, thầy cô, học trò, công chức, bè bạn và tu sĩ. Xem Dīgha Nikāya, kinh số 31.
(2) Xem Aṅguttara Nikāya. III. 203.
(3) Xem Dīgha Nikāya. III, 118.
(4) Trong kinh này, Đức Phật quy định năm trách nhiệm cho mỗi người - xem ibid.
(5) Sutta Nipāta, p.108. Xem thêm Dhammapada 309 - 310.
(6) Kāmahetu kāmanidānaṃ kāmādhikaraṇaṃ sampajānamusā bhāsanti, tesaṃ taṃ bhavissati dīgharattaṃ ahitāya dukkhāyāti - Saṃyutta Nikāya. I, p.74.
(7) Ekaṃ dhammaṃ atītassa bhikkhave purisapuggalassa nāhaṃ tassa kiñcā pāpakammaṃ akaraṇīyanti vadāmi - Itivuttaka, p.18.
(8) Cha kho’me gahapatiputta ādīnavā surāmerayamajjapamādaṭṭhānānuyoge: sandiṭṭhikā dhanajānī, kalahappavaḍḍhanī, rogānaṃ āyatanaṃ, akittisañjananī, kopīnanidaṃsanī paññāyadubbalīkaraṇītveva chaṭṭhaṃ padaṃ bhavati - Dīgha Nikāya. III, pp.181-183.
(9) Bản tiếng Anh do Thanissaro Bhikkhu dịch; xem thêm Aṅguttara Nikāya. II, p.61.
(10) Brahmā’ti mātāpitaro pubbācariyā’ti vuccare. . . - Itivuttaka, p. 109.
(11) Mātāpitu upaṭṭhānaṃ puttadārassa saṅgaho; anākūlā ca kammantā etaṃ maṅgalamuttamaṃ. - Sutta Nipāta. F 46, p. 47.
(12) Cited by Theresa Derlan Yeh in “The Way to Peace: A Buddhist Perspective” in International Journal of Peace Studies, Vol. II, Number 11. 2006, from The Middle Length Discourses of the Buddha, Taisho 28: 1547.
(13) Mātā yathā niyaṃ puttaṃ āyusā ekaputtamanurakkhe; evampi sabbabhūtesū mānasaṃ bhāvaye aparimānaṃ - Sutta Nipāta, p. 26; xem thêm Kuddakapāṭha, p. 9.
(14) Xem Dhammapada no.129-131.
(15) Bản dịch tiếng Anh của Acharya Buddharakkhita; tiếng Pāli, xem Dhammapada, verse no.137-140.
(16) Xem ví dụ trong kinh Kosambiya, Majjhima Nikāya.
(17) Xem Aṅguttara Nikāya. V, pp. 299-300.
(18) Tham khảo Nipāta, p.164.
(19) Na hi verena verāni sammantīdha kudācanaṃ; averena ca sammanti esa dhammo sanantano - Dhammapada, kệ no.5.
(20) Muốn tham khảo phần giảng giải chi tiết về vấn đề này, xem “Thiền từ bi phát triển mối quan hệ xã hội (Loving-Kindness Meditation Increases Social Connectedness” in The American Psychological Association. Vol. 8, No. 9. pp.720-724.
(21) Trích dẫn của Peter Harvey trong: Giới thiệu về Đạo đức Phật giáo (An Introduction to Buddhist Ethics), p.107.
(22) Aṅguttara Nikāya. III, p. 291.
(23) Trích dẫn của Theresa Derlan Yeh trong bài “Đường dẫn tới hòa bình: Một cách nhìn của Đạo Phật” (The Way to Peace: A Buddhist Perspective) trong tạp chí International Journal of Peace Studies, Vol. II, Number 11 fromDhammapada, Taisho 4:210.
(24) Thanh tịnh đạo luận (The Path of Purification), p.308.
(25) Xem phần định nghĩa ngắn gọn và rõ ràng về chủ đề này trong The Path of Purification, p. 312.
(26) Giới thiệu về đạo đức Phật giáo (An Introduction to Buddhist Ethics), p.104.
(27) Thanh tịnh đạo luận (The Path of Purification), p.312.
(28) Quan niệm về hòa bình như là khái niệm căn bản của triết lý xã hội của Phật giáo (The Concept of Peace as the Central Notion of Buddhist Social Philosophy), BPS, Bodhi Leaves No.78.
(29) Cha mẹ và con cái: Truyền tải những di sản Phật giáo qua các thế hệ (Parents and Children: Transmitting the Buddhist Heritage Across Generations), BPS, Bodhi Leaves No.151.
(30) Yasmiṃ, bhikkhave, samaye rājāno dhammikā honti, rājāyuttāpi tasmiṃ samaye dhammikā honti. Rājāyuttesu dhammikesu brāhmaṇagahapatikāpi tasmiṃ samaye dhammikā honti. Brāhmaṇagahapatikesu dhammikesu negamajānapadāpi tasmiṃ samaye dhammikā honti. - Aṅguttara Nikāya. II, p. 74.
(31) Tham khảo Aṅguttara Nikāya. I, pp.189-190.
(32) Tham khảo đạo Phật, Quyền con người và Đổi mới xã hội (Buddhism, Human Rights and Social Renewal), pp. 87-98
(33) Lời giảng giải nêu rõ nhà vua nên mang đến sự thịnh vượng cho các thần dân của mình, nhưng không có nghĩa là nhà vua phải mang lại sự thịnh vượng vật chất trực tiếp. Những gì mà lời kinh muốn đề cập đến là nhà vua cần tạo việc làm, mang lại lợi ích cho các thần dân có phương tiện để tự kiếm sống. - Tham khảo Dīgha Nikāya. III, pp.58-78.
(34) Ekena bhoge bhuñjeyya dvīhi kammaṃ payojaye catutthañca nidhāpeyya āpadāsu bhavissatī. - Dīgha Nikāya. III, p.188.
(35) Tham khảo Aṅguttara Nikāya. IV, p. 218.
-----------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tất cả phần trích đoạn tiếng Pali (Pāli Texts) đề cập trong bài viết này là của Pāli Text Society.
Harris, Elizabeth J. (1994), Bạo động và những bất ổn xã hội: Một nghiên cứu về kinh điển Phật giáo nguyên thủy (Violence and Disruption in Society: A Study of Early Buddhist Texts), The Wheel Publication No.392/393. BPS.
Harvey, Peter. (2000), Giới thiệu về đạo đức Phật giáo (An Introduction to Buddhist Ethics). Cambridge, Cambridge University Press.
Hutcherson, Cendri A.,Emma M. Seppala and James J. Gross. (2008), Thiền từ bi phát triển sự kết nối xã hội (Loving-Kindness Meditation Increases Social Connectedness) trong The American Psychological Association, Vol. 8, No. 9. pp.720-724.
Jayatillake, K. N. (1962), Đạo Phật và Hòa bình (Buddhism and Peace), The Wheel Publication No. 41, BPS Online Edition 2008.
Jones, Ken. (1981), Đạo Phật và hành động xã hội (Buddhism and Social Action), The Wheel Publication No. 285-286, BPS Online Edition 2009.
Kawada, Yoichi. (1999), Từ sự an bình nội tại đến hòa bình thế giới: Một cách nhìn của đạo Phật (From Inner Peace to World Peace: A Buddhist Perspective) in World Order for a New Millennium. St. Martin’s Press.
Nayaka Thera, Ven. Medagama Vijiragnana. (2000), Cha mẹ và con cái: Truyền tải những di sản Phật giáo qua các thế hệ (Parents and Children: Transmitting the Buddhist Heritage Across Generations), Bodhi Leaves No. 151, BPS Online Edition 2006.
Rahula, Walpola Sri. (1974), Đức Phật dạy những gì (What the Buddha Taught), New York: Grove Press.
Saddhatissa, Hammalawa. (2003), Đạo đức Phật giáo (Buddhist Ethics), Boston: Wisdom Publication.
Silva, Lily de. (1991), Liệu pháp tâm lý triệt để: Những lời giáo huấn của đạo Phật trong thế giới hiện đại (Radical Therapy: Buddhist Precepts in the Modern World), Bodhi Leaves No.123, BPS Online Edition 2006.
Swaris, Nalin. (2000), Đạo Phật, quyền con người và đổi mới xã hội (Buddhism, Human Rights and Social Renewal), Hong Kong: Asian Human Rights Commission.
Thanh tịnh đạo luận (The Path of Purification). (2010), Trans. Nanamoli Bhikkhu, Kandy: Buddhist Publication Society.
Wijesekera, O. H. de A. (1978), Quan niệm về hòa bình như là khái niệm căn bản của triết lý xã hội của Phật giáo (The Concept of Peace as the Central Notion of Buddhist Social Philosophy), Bodhi Leaves No.78, BPS Online Edition 2008.
Yeh, Theresa Der-lan. (2006), Hành trình tới hòa bình: Một cách nhìn của đạo Phật (The Way to Peace: A Buddhist Perspective) trong International Journal of Peace Studies, Vol. II, No. 11.