THÔNG BẠCH PHẬT ĐẢN PL.2569-DL. 2025

05 Tháng Năm 202516:14(Xem: 2015)
Thong Bach Phat Dan - TVL
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni,
Kính thưa quý Thiện hữu Tri thức và chư Phật tử,
Trong ánh trăng rằm rạng rỡ, mùa Phật Đản PL. 2569 – DL. 2025 lại về, ánh sáng viên mãn khởi nguồn từ vườn Lâm Tỳ Ni năm xưa một lần nữa soi rọi cõi Ta-bà, khơi dậy niềm hân hoan và lòng tri ân sâu sắc của người con Phật khắp năm châu. Thay mặt Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, chúng con kính cẩn dâng lên Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn lòng tôn kính vô hạn, đồng thời tưởng niệm ngày Ngài thị hiện đản sinh – bậc Đại Giác thắp sáng ngọn lửa trí tuệ và từ bị giữa đêm dài vô minh của nhân thế.
Hơn hai ngàn sáu trăm năm qua, vì khổ đau của chúng sinh, Đức Thế Tôn đã thị hiện. Những lời dạy của Ngài tại vườn Lộc Uyển vẫn vang vọng như tiếng chuông thức tỉnh giữa cơn mê, như đóa Ưu-đàm trổ nở giữa vô thường, như vầng thái dương chiếu soi ba cõi. Đức Phật đến với thế gian không bằng quyền năng huyền thoại, mà mang ánh sáng minh triết, tuyên thuyết Tứ Thánh Đế và con đường Trung đạo – cội rễ giải thoát mọi đau khổ. Lời Ngài hiệu triệu: “Hãy tỉnh thức! Hãy bước ra khỏi xiềng xích vô minh!” Từ đó, mỗi ánh mắt từ hòa, mỗi trái tim rộng mở là sự nối dài của huệ mạng Như Lai, soi rọi nhân sinh đang khao khát đạo đức và an lạc giữa thế giới đầy xung đột, bất an.
Đại lễ Phật Đản không chỉ là dịp kỷ niệm một sự kiện lịch sử, mà còn là lời nhắc thiêng liêng rằng mỗi chúng sinh đều mang hạt giống Bồ-đề. Nếu được tưới tẩm bằng chánh niệm, hành trì và phụng sự, hạt giống ấy sẽ khai nở thành trí tuệ và từ bi, sáng ngời như chư Phật. Người con Phật hôm nay không chỉ là tín đồ, mà còn là sứ giả của Chánh pháp, mang sứ mệnh chuyển hóa tự thân, xiển dương chân lý và kiến tạo thế giới an hòa, nơi hận thù và vô minh không còn ngự trị.
Trong thời đại công nghệ và tốc độ, khi con người dễ lạc lối giữa mê cung tiện nghi và dục vọng, giáo lý Đức Phật là kim chỉ nam khôi phục các giá trị đạo đức, giúp chúng ta dừng lại để thấy, lắng nghe để hiểu, thương yêu vô điều kiện và không phân biệt. Phật giáo không xa rời cuộc đời, mà hòa quyện trong từng hơi thở, từng nỗi đau và khát vọng chuyển hóa. Một xã hội tiến bộ và bền vững không thể thiếu nền tảng tâm linh và, Phật giáo – qua Giới, Định, Tuệ – là trụ cột tinh thần, dưỡng nuôi hòa bình hôm nay và mai sau.
Mừng Phật Đản là thắp sáng ngọn đèn tuệ giác trong tâm, xuyên thấu tham sân si để nhận ra Phật tính vốn sẵn có. Là khắc ghi hình bóng Như Lai vào từng tâm niệm, sống đời giác ngộ giữa chốn tử sanh, đem ánh sáng vô úy soi sáng thế gian. Phật Đản là thời khắc để người Phật tử trở về với chính mình, hồi hướng công đức, vun bồi căn lành và khơi dậy đại nguyện độ sinh. Trong thời đại biến động, khi nhân loại đứng giữa lằn ranh chiến tranh và hòa bình, lời Phật dạy lại một lần nữa âm vang: “Buông tham sân, thế giới hòa bình; quay về chính mình, tâm thức giải thoát; mở rộng từ tâm, muôn loài an lạc.”
Nhân mùa Phật Đản, chúng con/tôi kính gởi đến chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni lời cầu chúc phước trí nhị nghiêm, quý Cư sĩ và Phật tử lời khuyến tấn thành tựu đạo nghiệp. Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo soi sáng tâm thức nhân loại, phá tan vô minh, dẫn muôn loài an trú nơi Chân Thường, nở hoa giải thoát giữa cõi Sa-bà khổ lụy.
Kính mong chư Tôn đức và quý Phật tử đồng tâm hòa hợp, tiếp nối sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, hành trì Giới-Định-Tuệ, làm gương mẫu cho xã hội. Hãy làm sống dậy giáo pháp trong đời sống qua các hành động thiết thực: tổ chức các khóa An Cư, Bố tát, tu học, phát Bồ đề tâm, tri túc, thiểu dục, bảo vệ môi trường... nhằm thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, tinh cần thực hiện lời Phật dạy, để mang hạnh phúc, an lạc đích thực cho nhân loại và muôn sinh.
Nguyện mùa Phật Đản này là khởi đầu cho hành trình mới, nơi mỗi người con Phật là ánh sáng trí tuệ, dòng suối từ bị, cùng nhau làm rạng ngời Chánh pháp, dẫn muôn loài về bến Giác an nhiên.
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Westminster, ngày 04 tháng 5 năm 2025
Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành
Tỳ kheo Thích Viên Lý
Thong Bach Phat Dan 1Thong Bach Phat Dan 2
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Bảy 2025(Xem: 252)
09 Tháng Bảy 2025(Xem: 633)
Trong cơn mộng dài của kiếp người, ta thường nắm chặt những bóng hình thoáng qua – danh vọng, tình yêu, hay chính cái “tôi” mà ta gọi là bản thân – như thể chúng là chân lý vĩnh cửu. Nhưng nếu tất cả chỉ là bọt nước vỡ tan trên dòng sông, là ánh chớp lóe lên rồi tắt, ta còn lại gì giữa hư không? Kinh Kim Cương, như lưỡi gươm vàng rực rỡ, cắt đứt màn sương của ảo tưởng, để lộ ra thực tại sáng trong: không có “ta”, không có “người”, không có gì để nắm giữ, cũng chẳng có gì để buông bỏ.
08 Tháng Bảy 2025(Xem: 595)
Mục tiêu sau cùng là giải thoát khỏi sinh tử, thành tựu trí tuệ viên mãn – nơi không còn bị che lấp bởi phân biệt và vọng tưởng. Duy Thức và Trung Quán – Hai hướng đi lớn trong Đại thừa.Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, có hai hệ thống tư tưởng nổi bật, mỗi hệ đều sâu sắc và dẫnđến giải thoát: Trung Quán Tông và Duy Thức Tông. Cả hai đều dựa trên tinh thần vô ngã – vô pháp, phủ nhận bản thể độc lập và hướng tới Niết-bàn, nhưng phương tiện tiếp cận và lập luận triếtlý lại hoàn toàn khác nhau. Trung Quán (Mādhyamika), do tổ Long Thọ khai sáng, chủ trương rằng tất cả pháp đều không có tự tính (śūnyatā), là “tánh không, duyên khởi”.
08 Tháng Bảy 2025(Xem: 881)
Có một tiếng hét từng xé toạc màn vô minh của kẻ học đạo. Có một bàn tay từng nâng lên mà không chỉ để chỉ, mà để đánh bật mọi vọng tưởng chấp thủ. Và, cũng có một bậc Thầy – không ban cho điều gì, chỉ lặng lẽ chỉ thẳng vào nơi không thể nắm bắt, nơi chẳng còn pháp nào để nương tựa: Đó là Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền.
08 Tháng Bảy 2025(Xem: 732)
Không có cùng định hướng về tinh thần thủ chấp được xuất phát từ cái tôi; nền giáo dục Phật Giáo đưa ra một khuôn mẫu khác. Trong hệ thống giáo dục này, cả kiến thức hữu hình và quan trọng hơn nữa, kiến thức vô hình được truyền từ vị thầy đến học trò của mình. Người thầy đóng vai trò như là cha mẹ, nuôi dưỡng và hướng dẫn người học trò để người ấy có thể đạt đến khả năng tối đa của họ và, dùng khả năng ấy để giúp ích cho xã hội và thế giới muôn loại. Kiến thức này, kết hợp với sự thực hành đường lối Trung Đạo, sẽ giúp cho cá nhân người ấy làm chủ được tâm thức, kiềm chế được hành vi của mình, tránh xung đột với người khác và giải quyết mọi vấn đề mà cả hai phía đều thật sự lợi lạc qua sự đồng thuận, hoan hỷ.