VAI TRÒ TÁC NHÂN CỦA NHỮNG CƯ SĨ THỜI ĐẠI
Thích Viên Lý
I. Chân thực tại
Mọi nhận thức và đánh giá một cách chân xác về bất cứ phạm trù nào, trên căn bản, điều kiện tiên quyết cần có đó là trí tuệ thực chứng, thiếu yếu tố thiết cốt này, mọi đánh giá và nhận thức sẽ trở thành lệch lạc và là đầu mối cho những hành tác bất thiện đầy mông muội.
Trên phạm trù của lý tánh tuyệt đối, mọi đánh giá về chân thực tại dù vô tình hay hữu ý chỉ là cách làm méo mó thực tại, nó sẽ không chỉ đưa dẫn đến những hệ quả sai lệch mà còn tạo ra vô số nguy hiểm liên hệ mật thiết đến nhân quả ba thì. Cũng trên phương diện này, mọi ngôn ngữ đều trở thành hư ngôn và bất lực vì tự thân ngữ ngôn vốn giả danh, không đủ khả năng chuyên tải, biểu đạt thật tại siêu việt bởi lẽ, Thật Tướng của các pháp chính là Vô Tướng và, Thật Tánh của các pháp đích thực là Không Tánh nên, từ hệ luận này, không có gì đáng để chúng ta bận tâm suy nghĩ vì, Không, Vô Tác, Vô Nguyện là Tam Giải Thoát Môn mà bất cứ ai muốn đạt đến cứu cánh giải thoát cần liễu đạt, thể nghiệm. Biện chứng phi và siêu biện chứng ở đây sẽ lập tức biến thành luận lý thuần lý nguy hiểm, đẩy bước chân của những Cư sỹ bước đi bằng những bước khập khễnh, loạng choạng và cuối cùng buôn tuột vì không đủ lực vượt lên những ngữ nghĩa đầy ngữ nghĩa đến độ vô nghĩa nếu bất cứ ai đó đã đánh mất khả năng thể chứng đạo lý Tánh Không.
II. Lộ trình thể hiện Bồ tát hạnh
Tuy nhiên, trên lộ trình của Bồ tát hạnh thì, không hạnh nào mà chẳng hành, không nguyện nào mà chẳng tác. “Yểm ly sanh tử, cầu chứng niết bàn” (1) là tâm nguyện của những “tiêu nha bại chủng” (2) và, không nhàm chán sanh tử, chẳng thủ chứng niết bàn là tâm hạnh của những bậc thiện nhân, trí giả; bởi vì, “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân, bất trừ vọng tưởng bất cầu chân, vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hóa không thân tức pháp thân” (3) và cũng bởi vì “ Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn thiện môn trung, bất xã nhất pháp” (4) Có thâm nhập được yếu lý này, người Cư sỹ mới hội đủ nội lực cần có để tiếp tục đi tới dù đó là đi vào địa ngục với tâm nguyện cứu độ muôn loài. Có triệt ngộ đạo lý Tánh Không thì mới thể nghiệm thật tại siêu việt, mới thoát ly mọi buộc ràng về ngã và pháp chấp, mới đủ năng lực để tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh.
Đã từ rất lâu, trữ lượng chất xám to lớn của đại khối Cư sỹ Việt Nam vẫn chưa được lượng giá và khai dụng đúng mức trong công cuộc hoằng truyền chánh pháp, phục vụ dân tộc. Trên một phương diện nào đó, trữ lượng chất xám này bị phân tán mỏng và tồn đọng dưới những dạng thể thù đặc làm hạn chế sự phát triển cần thiết đối với sứ mệnh và lý tưởng của Bồ tát đạo. Câu hỏi được cẩn trọng đặt ra ở đây là, phải chăng khai dụng trữ lượng chất xám đúng mức trong đại khối Cư sỹ tại gia là một trong những công tác trọng yếu hàng đầu mà Đại Hội cần đặc biệt quan tâm nhằm hoạch định sách lược cụ thể?
Để đóng góp vào tiến trình xây dựng, phát triển và ổn cố hàng ngũ Cư sỹ tại gia, chúng tôi xin đề nghị một số ý kiến sau:
III. Bảy đề xuất về nhiệm vụ người Cư sĩ trong phạm trù tục đế
1. Để trở thành người Cư sỹ đúng nghĩa, bản thân người ấy phải thọ tam qui và trì cấm giới ít nhất là năm giới căn bản của người Phật tử và tốt nhất là phát tâm thọ Bồ Tát giới đồng thời tham gia các buổi Bố Tát (5) tại những phương sở thuận tiện. Không ngừng tu luyện để tự thành tựu và thành tựu cho người, tránh xa thái độ tiêu cực, khép kín nửa vời và các khuynh hướng cực đoan một chiều vì nó tác động xấu và làm hạng chế công tác hoằng pháp lợi sanh; đồng lúc cần làm tròn bổn phận của một Cư sỹ đối với hàng ngũ xuất gia và là những công dân mẫu mực có phẩm giá cao; tuy nhiên, phải liễu triệt giáo pháp trong khi ứng dụng tinh tủy giáo pháp vào đời sống thực tế nhằm tránh tình trạng đi hỏng chân vì đã không ít Phật tử hiểu giáo pháp “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (6) cách sai lệch và vô tình biến mình thành nạn nhân của nghèo khổ bệnh hoạn, vì nghèo khó bệnh hoạn không là nhân tố giúp ta đạt được sự chứng ngộ. Nếu nghèo khó là nhân tố để chứng ngộ thì những người homeless trên các hè phố của của những trung tâm thủ đô là những người mà chúng ta cần phải thờ kính đảnh lễ như đảnh lễ những bậc thánh giả chí thượng. Chúng ta nên nhớ rằng, ở vào thời đại mà phần lớn mọi công tác đều cần đến tài vật, thiếu phương tiện thiết yếu này, tất nhiên, sự hạn chế ở một vài phương diện nào đó đối với đà phát triển chung là một sự kiện tất hữu; tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng, “tri túc thiểu dục” (7) là lời dạy cao quý mà mỗi một chúng ta cần tôn trọng và ứng dụng.
2. Tinh tấn tu học giáo pháp trong mọi tình huống cả trong trường họp hiểm nguy nhất đối với tánh mạng, vì chỉ có giáo pháp và sống trong chánh pháp mới giúp người Phật tử tồn tại như sự tồn tại đích thực và làm cho chánh pháp xương minh.
3. Không ngừng tài bồi đức tin đối với Tam bảo, vì chỉ có đức tin thuần chánh mới giúp ta có đủ nội lực vượt qua mọi thách đố dù đó là thách đố lớn lao nhất xuất phát từ bất cứ đâu, ở bất kỳ thời đại nào, có như thế người Cư sỹ mới nỗ lực hơn trong vai trò hộ trì Tam bảo, bảo vệ chánh pháp.
4. Dấn thân đi vào mọi phương xứ, năng động, phương tiện quyền xảo hành hoạt nhằm mang lại sự lợi ích lâu dài cho sinh loại. Dấn thân nhưng đừng để bị vong thân, thay vì vong thân hãy là hóa thân trong mọi hình thái và quốc độ. Người tiêu biểu cho giới tri thức là người đi đầu trong mọi giai từng lãnh đạo, người lãnh đạo đúng nghĩa là người dám nhìn thẳng vào sự thật, đối đầu với khó khăn, trực diện với khổ đau, thử thách. Can đảm nhìn thẳng vào sự thật, tạo ra những thay đổi cần thiết nhưng không bị bứng khỏi gốc rễ truyền thống. Trách nhiệm của lãnh đạo là giải quyết những nan đề bằng những giải pháp khả thể được soi sáng bởi tuệ giác siêu việt, giải quyết với tiêu đích làm an lạc cho hết thảy muôn loài chứ không vì lòng tư kỷ vụ lợi. Tất nhiên không xoay lưng với nỗi khổ của đồng đạo, đồng bào nhất là những cao Tăng thạc đức đã tận hiến đời mình cho đạo pháp và dân tộc như Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cũng như rất nhiều giáo phẩm Tăng Ni Phật tử khác đã và đang đấu tranh để Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phục hoạt và cho con người Việt Nam được hành sử quyền con người một cách công bình, dân chủ.
5. Chú trọng đến phẩm chất cán bộ hoằng pháp thay vì chỉ khuếch đại số lượng. Để cụ thể hóa cách thiết thực sự kiện này, cần mở ra những khóa huấn luyện nhằm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng trình độ tri thức của người Cư sỹ trên nhiều mặt chuyên môn, đây là một nhu cầu cấp thiết vừa phát huy tác dụng nội lực vừa đáp ứng công tác Phật sự có khả năng bảo đảm tính lâu dài vừa cung ứng tính kế thừa siêu xuất, ưu thắng và thù ứng với từng thời kỳ lịch sử.
6. Đại khối cư sỹ trên dưới hòa họp, đoàn kết một lòng, cùng nhau chung lo việc lớn. Đặt quyền lợi dân tộc, tổ quốc, đạo pháp và sự sinh tồn của Giáo Hội lên trên cá nhân, đoàn, nhóm; tất cả đều cho và vì đại cuộc, gác lại mọi quan kiến dị biệt, bất đồng, tìm mẫu số chung, bảo lưu những sai biệt, cho nhau và vì nhau, tương kính, tương thuận, tương tức, tương tại để lợi ích cho đạo lẫn đời.
7. Trên mặt thực tế:
a/ Thiết lập các cơ quan truyền thông, khai dụng triệt để ngành tin học hiện đại để hoằng truyền chánh pháp mà đối tượng đệ nhất quan trọng là gần 80 triệu đồng bào tại quốc nội.
b/ Nỗ lực góp phần giải trừ quốc nạn và pháp nạn, xây dựng xứ sở tự do, dân chủ và phồn vinh ( hộ quốc, hộ dân, hộ trì chánh pháp là trách nhiệm của giới tại gia Cư sỹ).
c/ Tiếp tay với hàng ngũ Tăng già, đào tạo Tăng tài nắm nối mạng mạch chánh pháp. Giúp đỡ kiến tạo, trùng hưng những Tự viện có chiều dài lịch sử, có nội dung tu học nồng phú, đích thực và hữu dụng.
d/ Thiết lập ngân sách, hỗ trợ mạnh mẽ các sứ giả như lai có đủ phẩm hạnh đến tận những thôn làng xa xôi hẻo lánh, nghèo khổ, thiếu phương tiện v.v... để hoằng pháp; giúp Giáo Hội quy hoạch, phân bổ họp lý nhân sự hoằng pháp tại khắp địa phương, vì hiện nay rất nhiều nơi hẻo lánh nhất là vùng thôn quê, rừng núi v.v... đang thiếu nhân sự hoằng pháp một cách trầm trọng, trong khi tại một số thành phố lớn, số lượng Tăng Ni bị dư thừa thậm chí không biết Phật sự chi để thi thiết.
e/ Mọi Phật sự lớn nhỏ cần có tiêu thức, định hướng, kế hoạch, đề án thực tiễn, khả thể xuyên qua quá trình nghiên cứu khoa học khách quan; đánh giá và cân nhắc thận trọng mọi nan đề và đề ra những giải pháp thù thắng nhằm hạn chế tối đa mọi khiếm khuyết, tổn thất làm xoi mòn đức tin thuần khiết của người Phật tử và nhiều đối tượng khác cũng như xiển phát được nội lực ưu thắng của giáo pháp tối thượng.
f/ Rút tỉa, học hỏi kinh nghiệm quá khứ, hướng đến tương lai, kết họp có tổ chức; cơ chế, hệ thống, đoàn ngũ hóa lực lượng Cư sỹ thành một lực lượng hộ quốc, hộ pháp vững mạnh, có lý tưởng cao, tạo động lực năng động cho những xiển phát đa dạng, hiệu ứng và mang tính lịch sử.
g/ Mỡ những trung tâm giáo dục tuổi trẻ, nhà dưỡng lão, cô ký nhi viện, nhà thương kể cả những cơ sở danh thương nghiệp v.v... nếu cần trong khả năng có thể để một mặt vừa giúp đỡ thiết thực những thành phần cần giúp, mặt khác tạo công ăn việc làm cho những đồng đạo thiếu may mắn.
h/ Thiết lập quỷ tương tế, yểm trợ hữu hiệu chư Tôn Đức, Cư sỹ xả thân vì đạo bị lao lý, bệnh tật, nghèo khó và gia đình họ nếu họ gặp phải chướng cảnh nghịch duyên, không đủ điều kiện sinh tồn và tiếp tục Phật sự trong những môi trường đầy ép bức thiếu tự do, nhân quyền và dân chủ.
i/ Giới thiệu những tài năng trợ thủ Giáo Hội đắc lực trong những lãnh vực chuyên ngành và tạo cơ hội thuận tiện để những tài năng sáng tạo, vươn tới.
k/ Mở rộng phạm vi hoạt động đến những cộng đồng quốc gia Phật giáo bạn, tạo thế liên hoàn chặt chẽ nhằm hỗ trợ hữu hiệu lẫn nhau trong những Phật sự trọng yếu mang tính toàn.
IV. Bản địa của người Cư sĩ
Một Cư sỹ Duy Ma Cật, Cấp Cô Độc, A Dục Vương ở thời xa xưa, một Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Thiều Chiểu, Lê Đình Thám v.v... ở thời cận và hiện đại đã viết nên những trang sử vàng son của Phật giáo và trở thành biểu tượng của những biểu tượng rực sáng bất hủ không bị xoi mòn bởi thời gian, đồng lúc mở ra nhiều triển vọng tươi sáng đầy tin tưởng đối với sứ mệnh mang ánh sáng chân lý của đức Phật lưu bố mọi chốn nơi.
Lấy khát vọng của người làm khát vọng của mình, lấy khổ đau của người làm khổ đau của mình, lấy sự tồn tại, an lạc, thành tựu của người làm sự tồn tại, an lạc, thành tựu của mình là bản hoài của người Phật tử chân chính. Bằng vào bản hoài lợi tha xã kỷ ấy, người Phật tử là những công trình sư có khả năng kiến trúc và đáp ứng mọi nhu cầu trong mọi hoàn cảnh thế thời, hiện thực lý tưởng tịnh độ hóa nhân gian và giải thoát con người ra khỏi mọi khổ đau bức não.
Cao quý thay tâm nguyện và hình ảnh siêu phàm bạc tục của những bậc đại Cư sỹ cư trần bất nhiễm, lợi lạc quần sanh.
Cầu chúc Đại Hội thành công như nguyện, hành như lai sứ, tác như lai sự (8)
Thích Viên Lý
Chú thích:
(1) Nhàm chán xa lìa sanh tử, cầu chứng đắc quả vị niết bàn.
(2) Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật dùng câu “tiêu nha bại chủng” để quở những người mang tâm trí thấp hẹp làm hủy hoại mầm giống Phật.
(3) Bậc đạo nhân có tâm thức an lạc nhàn tại là bậc đã học đến chổ chí cực rốt ráo không còn gì để học, với những đạo nhân như thế thì không còn vọng tưởng nào để trừ bỏ, không có chân lý nào để tìm cầu, bởi vì liễu triệt được rằng thật tánh của vô minh chính là Phật tánh và xác thân huyễn hóa không thật chính thị là pháp thân bất sanh bất diệt, ý nói người thể nhập giáo pháp bất nhị và đạt lý vô sanh, là người vượt ngoài mọi phạm trù đối đải bỡi nhị hoặc đa nguyên, là bậc cư trần lạc đạo, sống ngay giữa nhân gian đầy khổ đau tục lụy nhưng không bị tục lụy khổ đau chi phối, ngược lại ngay trong cõi đời dẫy đầy uế trược chuyển hóa vô minh sanh tử thành cứu cánh giải thoát thanh tịnh niết bàn vì Phật, Tâm, Chúng sanh vốn cũng chỉ do Tâm. (Chứng Đạo Ca của Đại Sư Huyền Giác).
(4) Trên bình diện đế lý chân thật thì không thủ chấp một mãy bụi trần nhưng với phương tiện thiện xão thì không có một việc thiện nhỏ nào mà không tận lực thi thiết, hoạt dụng mầu nhiệm không thể nghĩ lường, tùy duyên hóa độ là công hạnh sâu dày bất khả tư nghì của bậc Bồ tát.
(5) Lễ tụng giới dành cho những người đã phát tâm thọ giới.
(6) Lý Bất Nhị Tánh Không: Sắc chính là Không, không chính là sắc trong Tâm Kinh Bát Nhã.
(7) Phật dạy người tu hành luôn kiềm chế, kiểm soát các giác quan và thực hành hạnh ít muốn biết đủ để tránh bệnh tham dục.
(8) Thực hành sứ mệnh hoằng hóa của đức Như Lai, làm những viêc mà đức Như Lai đã từ bi thi thiết.
- Từ khóa :
- HT Thích Viên Lý
Gửi ý kiến của bạn