TÂM XUÂN HẰNG VĨNH

28 Tháng Tư 201100:00(Xem: 2191)

Tâm Xuân Hằng Vĩnh
Thích Viên Lý

 



Năm cũ đã qua, mang theo những thất bại, buồn nản và mệt mỏi, nhưng đồng thời cũng cho ta những bài học kinh nghiệm rất cần thiết. Năm mới Tân Mão đến, mở ra một triển vọng đầy tươi sáng trước mắt. Đây là thời điểm nhắc nhở chúng ta hướng đến những giá trị tiêu biểu của một truyền thống văn hóa đặc thù nhưng cũng chính là mốc điểm để mọi người quay về với những giá trị tâm linh siêu việt.

Nỗ lực khai dụng dụng lực của Bồ đề tâm vừa là cứu cánh nhưng đồng lúc cũng vừa là phương tiện chủ yếu đối với bất cứ ai đang trên lộ trình của Bồ tát đạo.

Để cứu cánh tối hậu này được tựu thành viên mãn, xin mỗi chúng ta hãy thực nghiệm chân lý nhằm thể nghiệm chân thân thực tại ngay trong đời sống hết sức ngắn ngủi, giả tạm này. Ngay trong chánh pháp nhưng nếu không tìm thấy giải thoát thì không ở bất cứ đâu có thể tiếp xúc được với an lạc. Thức giác rốt ráo thực tại màu nhiệm này, Vạn Hạnh thiền sư, bậc cao Tăng thạc đức đã thức tỉnh chúng ta:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tuơi tốt thu qua rụng rời
Xá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
(HT Mật Thể dịch)

Thật vậy, thịnh suy là lẽ thường tình của nhân thế, ai trong mỗi chúng ta mà chưa từng nếm trải những buồn vui của biến dịch, phế hưng; tuy nhiên, trước mọi thịnh suy hưng phế, bằng cách nào để ta vẫn giữ được sự thanh thản, bình lặng, tự tại, an nhiên, vô uý của tâm hồn hầu từ đó thật sự làm chủ lấy mình và có khả năng chuyển hóa mọi cội nguồn khổ đau của nhân quần xã hội; giải thoát mọi sinh tử, phiền não cho hết thảy muôn loài đó mới là vấn đề lớn cần dụng công suy niệm

Nếu chúng ta có khả năng làm chủ lấy mình, luôn giữ tâm an nhiên, thanh tịnh trước mọi hơn thua, được mất thì ngày nào cũng là ngày Xuân, giờ nào cũng là giờ Xuân, mỗi chúng ta sẽ tận hưởng một mùa Xuân miên tại, thường hằng và, đấy chính là niềm hạnh phúc đích thực vô biên, vĩnh cửu mà ai trong chúng ta cũng đã và đang mơ ước.

Với tinh thần đó, Mãn Giác thiền sư thời Lý minh thị, dẫu cho:

"Trước mắt việc đời trôi chảy mãi,
trên đầu thì tóc đã phôi pha"

Nhưng, vì nhận thức được thực tại khổ đau của đời sống, nhìn ra lẽ vô thường sinh diệt giả tạm của vạn hữu, nên lòng ta vẫn an nhiên thanh thản, tâm ta vẫn hỷ lạc tràn đầy, thế nên với Ngài,

"Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết,
đêm qua sân trước một cành mai",

Vâng, một cành mai thường tại, một mùa xuân miên viễn khi tâm ta tiếp xúc được với ánh sáng chân lý mầu nhiệm, tri nhận rõ thật tướng và tự tánh của mọi hiện hữu.

Đạo Phật là đạo ban vui cứu khổ, là đạo khai vọng hiển chân, chính chủ đích đó mà người Phật tử luôn nỗ lực hành trì chánh pháp để tự mình tái khám phá khuôn mặt đích thực xưa nay của mình, có như vậy mình mới sẵn sàng tha thứ thay vì sân si, thủ chấp; nỗ lực đoàn kết, thương yêu, thay vì phân hóa, đố kỵ; tận tâm bố thí, giúp đỡ, thay vì ích kỷ, tư lợi. Nói chung, hiểu được lẽ vô thường biến dịch của các pháp chúng ta mới luôn sống trong từ bi, hỷ xã, vô ngã, vị tha và, với một cái tâm bao dung độ lượng như thế chúng ta mới có thể gánh vác được những việc lớn nhằm lợi mình, ích người; chỉ có như thế chúng ta mới thể nhập thật tướng tịch lặng của các pháp như một bậc liễu ngộ đã khai thị:

Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tuớng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.

Các pháp từ xưa nay
Tự tướng thường vắng lặng
Xuân đến trăm hoa cười
Cành liễu hoàng oanh reo

Phật dạy, mọi hiện tượng đều mộng huyễn, liễu triệt thực tế này, chúng ta sẽ đoạn trừ vô minh phiền não. Từ cái nhìn thực sự triệt ngộ, Giác Hải thiền sư thời Lý nhắc nhở:

Xuân đến bướm hoa khéo biết thì
Cần nhau hoa bướm biết nhau khi
Bướm hoa tự nó là hư huyễn
Đừng đem hoa bướm giữ trong tâm

Cũng trong tinh thần đó, Vua Trần Nhân Tông, vị Sơ tổ của dòng Thiền Trúc Lâm - người đã liễu triệt tự tánh của mọi hiện tượng từng bảo:

Niên thiểu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa xuân
Như kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng;

Tuổi trẻ đâu từng lẽ sắc không
Một xuân rộn rả đến trăm hoa
Chúa xuân đang bị ta khám phá
Thiền tòa lặng lẽ ngắm hồng rơi.

Thì ra, dấu ấn gia phong của chư Phật với sự tái khám phá của những bậc thức giác cao Tăng thì, tâm xuân chính là mùa xuân hằng hữu, ấy vậy mà, chúng ta cứ mãi loay hoay đi tìm mùa xuân và mong đợi để được đón xuân.

Trên bình diện lý tánh tuyệt đối, mọi hiện tượng đều bình đẳng, chẳng mảy may sai biệt, tuy nhiên, trên nền tảng của Đại bi tâm, thì giải thoát sự khổ đau của tha nhân và muôn loại chúng sanh là hạnh nguyện lớn mà những người thực hành hạnh bồ tát không một phút giây xao lãng.

Chính vì lý do đó mà, khi nhìn thấy đạo pháp suy vi, đất nước nguy kịch, đạo đức băng hoại, xã hội đảo điên, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã cảm thán:

Đạo pháp bao trùm màn ảm đạm
Giang sơn phủ kín lớp màu tang
Thẩn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn.

Đó là tâm trạng của một bậc cao Tăng thời đại, bậc đã lấy niềm đau của người làm nỗi đau của chính mình, đã không thể xoay lưng trước mọi đảo điên của thế sự và đấy đích thực là tâm đại bi mà Phật dạy là chỉ có thể thể hiện trọn vẹn nơi những vị Bồ tát lớn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn