125. Kinh Bần Cùng[1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 42801)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ở đời, người có tham dục mà lại bần cùng, phải chăng là sự bất hạnh lớn?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, lại bần cùng, lại mang nợ tài vật của người khác. Ở đời, người mang nợ tài vật của người khác, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, mang nợ tài vật của người khác mà không trả đúng hạn được, cứ hẹn rày, hẹn mai; ở đời cứ khất nợ mãi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu một người có tham dục, cứ khất nợ mãi không trả được, chủ nợ đến đòi; ở đời bị chủ nợ đòi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu chủ nợ đến đòi, mà người có tham dục kia không thể trả được, chủ nợ cứ đến đòi mãi; ở đời bị chủ nợ đòi mãi, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:

“Nếu chủ nợ cứ đòi mãi, nhưng kẻ tham dục kia vẫn không thể trả được, liền bị chủ nợ bắt trói lại; ở đời bị chủ nợ bắt trói lại, phải chăng là đại bất hạnh?”

Các thầy Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

“Đó là, ở đời, người có tham dục lại bần cùng là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục vay nợ tài vật của người khác mà khất mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi nợ là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ đòi mãi là đại bất hạnh. Ở đời, người có tham dục bị chủ nợ bắt trói là đại bất hạnh. Cũng vậy, nếu ai đối với Thánh pháp mà không tin ở thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không bố thí, không trí tuệ; đối với thiện pháp, dù có nhiều kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đại môi xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu, nhưng người ấy vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Như vậy, trong Thánh pháp của Ta, gọi là sự bần cùng, bất thiện.

“Kẻ ấy thân làm việc ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự vay nợ bất thiện.

“Kẻ ấy muốn che giấu việc làm ác của thân, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị quở trách, không ưa theo điều phải. Muốn che giấu lời nói ác, ý nghĩ ác, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị khiển trách, không ưa theo điều phải, như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự khất nợ bất thiện.

“Kẻ ấy hoặc sống trong thôn ấp hay ở ngoài thôn ấp, các người phạm hạnh thấy được bèn nói như thế này: ‘Này chư Hiền, người này làm như thế, hành vi như thế, ác như thế, bất tịnh như thế. Đó là cái gai của thôn ấp’. Kẻ ấy liền bào chữa, ‘Này chư Hiền, tôi không làm như vậy, không có hành vi như vậy, không ác như vậy, không bất tịnh như vậy, cũng không phải là cái gai của thôn ấp’. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự đòi nợ bất thiện.

“Kẻ ấy hoặc ở rừng vắng, hoặc ở núi non, dưới gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ, nhưng vẫn niệm tưởng ba việc bất thiện: dục, nhuế, hại. Như thế trong Thánh pháp của Ta gọi là sự không ngớt đòi nợ bất thiện.

“Kẻ ấy thân đã làm việc ác, miệng đã nói lời ác và ý đã nghĩ điều ác. Do đó, kẻ ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sanh vào chỗ ác, sanh trong địa ngục. Như thế, trong Thánh pháp của Ta gọi là sự trói buộc của bất thiện.

“Ta không thấy có sự trói buộc nào đau khổ bằng, nặng nề bằng, tàn khốc bằng, khó yêu nổi bằng sự trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba sự trói buộc đau khổ này chỉ có bậc Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận mới biến tri và diệt tận, nhổ phăng cội rễ, vĩnh viễn không còn tái sanh.”

Rồi Đức Thế Tôn nói tụng rằng:

Kẻ nghèo khổ ở đời 

Vay nợ của người khác; 

Đã vay tiền của rồi, 

Mắc nợ người là khổ. 

Chủ nợ đến đòi nợ, 

Nhân đấy bắt trói lại; 

Bị trói thật khổ thay, 

Thế gian vẫn lạc dục. 

Trong Thánh pháp cũng vậy; 

Nếu không có chánh tín, 

Không tàm và không quý, 

Thân làm điều bất thiện, 

Miệng ý chẳng kém gì, 

Che giấu không nói ra, 

Không ưa lời dạy phải, 

Giả sử có tu hành, 

Tâm niệm cho là khổ, 

Hoặc thôn hay chỗ vắng, 

Nhân đó sanh hối hận. 

Các việc thân, miệng gây, 

Và những điều ý nghĩ, 

Ác nghiệp cứ tăng dần, 

Quen làm lại làm nữa, 

Tạo ác mãi không thôi. 

Làm nhiều bất thiện rồi, 

Thọ sanh đã đến lúc, 

Tất bị trói địa ngục. 

Buộc ràng quá khổ này, 

Bậc Đại Hùng đã thoát. 

Đúng pháp thu tiền tài, 

Không nợ nần, an ổn. 

Bố thí được hoan hỷ 

Cả hai[2] đều có lợi; 

Các Cư sĩ theo đây, 

Do trí, phước tăng mãi. 

Trong Thánh pháp cũng vậy, 

Nếu có thành tín vững, 

Đầy đủ đức tàm quý, 

Rộng rãi không keo kiệt, 

Dứt lìa năm triền cái, 

Thường ưa hành tinh tấn, 

Thành tựu các thiền định, 

Chuyên nhất, tâm tĩnh lạc[3]. 

Niềm vui không tài sản[4], 

Cũng như nước tắm trong; 

Bất động tâm giải thoát[5], 

Trừ sạch các hữu kết. 

Không bệnh là Niết-bàn; 

Đó là đèn vô thượng, 

Vô ưu, vô nhiễm lạc[6], 

Gọi là không di động. 

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích

[1] Tương đương Pāli, A. 6. 45. Dāliddiya (iṇasutta). 

[2] Hạnh phúc trong đờinày (diṭṭhadhamomahitatthāya) và an lạc trong đời sau (samparāyasukhāya). 

[3] Mãn cụ thường khí lạc 滿 具 常 棄 樂. Pāli: ekodi nipako sato, chuyên nhất, cẩn thận, có chánh niệm. 

[4] Vô thực lạc 無 食 樂. Pāli: nirāmisam sukham, sự an lạc không do vật chất. 

[5] Bất động tâmgiải thoát 不 動 心 解 脫. Pāli: akuppā me vimuttī.

[6] Vô trần an 無 塵 安. Pāli: virajam khema, sự an ổn không dính bụi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Sáu 2016(Xem: 21225)
30 Tháng Năm 2016(Xem: 7397)
duc phat niet banĐây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ.
30 Tháng Năm 2016(Xem: 5494)
Kinh Phật mênh mông như biển cả, dù ai có bỏ suốt cuộc đời để học hỏi cũng không thể thông suốt hết được. Tuy nhiên, trong cái mênh mông đó, cũng như nước biển cả lúc nào cũng hàm chứa vị mặn của muối, hết thảy kinh Phật đều cùng hàm chứa mùi vị của giải thoát, an lạc.
24 Tháng Năm 2016(Xem: 5491)
Nam mô A Di Đà Phật, Là đệ tử Phật, ngày đêm con vẫn luôn cố gắng tụng niệm thực hành lời dạy của Phật. Mùa Phật đản năm nay ( Phật lịch năm 2560 ), con xin phép được ghi lại những hiểu biết của con khi tụng niệm Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân.
28 Tháng Ba 2016(Xem: 6752)
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Ngoài ra còn có vô lượng vô biên chư đại Bồ-tát và thiên long bát bộ thảy đều đến vân tập. Lúc bấy giờ Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát đang ngồi ở giữa đại chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 5693)
Phẩm Vô Thường có 21 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói lúc tỉnh mà chạy theo dục vọng thì sẽ hôn ám mê loạn. Vinh hoa và tánh mạng đều khó có thể bảo hộ lâu dài. Duy chỉ có Đạo mới là chân thật.
10 Tháng Ba 2016(Xem: 5393)
Lời đầu: Hiện nay chúng tôi đang có chương trình dịch thuật Phạn-Hán, quý Thầy, học Tăng trẻ tuổi, tâm huyết với ngành Phiên dịch Phạn-Hán, hoặc nghiên cứu Phật học, đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học, có nhu cầu muốn học tập, tìm hiểu, cộng tác làm việc liên quan đến dịch thuật, có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: tinhvien4557@gmail.com, để biết thêm thông tin. Cầu mong cho Phật pháp được trường tồn, lưu bố muôn nơi để lợi lạc cho muôn loài. Nam mô Bổn-sư Thích Ca Mâu Ni Phật